Người điên

hatthoc30

Đang từng ngày lớn lên
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/12/2010
Bài viết
2.416
Ngày ấy hắn là một thanh niên hiền lành, ít nói. Mồ côi cha mẹ từ bé, hắn được người chị duy nhất nuôi nấng, chăm sóc đến năm hắn mười sáu tuổi thì chị theo chồng về làng bên. Hắn chăm chỉ làm lụng, lễ phép với mọi người và bà con láng giềng ai cũng thương mến hắn vì tính thật thà, chịu khó. Mặc dù ít tuổi, hắn một mình đảm đương cả cơ ngơi ông bà để lại và trồng tỉa quanh năm ruộng vườn của gia đình. Mọi người đều khen hắn là một thanh niên có nề nếp và cho rằng giòng họ nhà ấy tốt phúc.

Bỗng dưng một hôm năm hắn ngoài hai mươi tuổi, làng có cơn cháy lớn. Đó là một đêm kinh hoàng của mọi gia đình. và mỗi khi nhắc lại, ai ai cũng không khỏi rợn người khi nhớ đến cảnh tàn khốc của cơn hỏa hoạn.

Đêm hôm ấy làng có buổi hát chèo, mọi người xúm xít quanh đình làng từ xế chiều, không nhà nào không có người đi xem. Gánh hát chèo nổi tiếng từ thành phố về, ai nấy háo hức đi xem tuồng mới và những đào hát đẹp nổi tiếng. Đang giữa buổi diễn, bỗng có kẻ phá hoại châm lửa đốt những tấm bình phong và những bức màn rủ hai bên sân khấu. Mọi người hoảng hốt tranh nhau tháo chạy ra khỏi đình làng. Nhưng vì chỉ có ba lối ra vào, một cửa lớn và hai cửa ngạch nhỏ mà đình làng nghẹt kín hàng nghìn người, mọi người càng cố giẫm đạp, xô đẩy nhau trong làn khói dày đặc, sặc sụa, lối ra vào càng ứ nghẽn. Ngọn lửa bốc cao ngùn ngụt, nhanh chóng phủ dày cả đình làng. Những trụ gỗ phết dầu, những vải vóc, phông màn… càng giúp thêm ngọn lửa hừng hực. Những người bên ngoài cố dập nhưng vô hiệu. Bao nhiêu bàn, ghế, vật dụng và những vật trưng bày bằng gỗ lâu năm trong đình làng trở thành mồi lửa đắc lực cho đám cháy. Tiếng kêu gào, khóc lóc, những người thoát ra được cuống cuồng đi tìm thân nhân và trong cảnh hỗn độn, kinh hoàng ấy, việc giải cứu cho những người còn sót lại càng thêm khó khăn.

Đến nhiều giờ đồng hồ sau, có lẽ đến tảng sáng, khi ngọn lửa thấp dần, người ta mới bắt đầu điểm lại những người thất lạc trong đám cháy. Có đến cả trăm người mất mạng đêm hôm ấy. Sáng hôm sau, khi ngọn lửa đã tắt hẳn, mọi người xúm quanh mang ra những xác người cháy đen, rúm ró. Cả làng chìm trong cảnh đau thương, tang tóc. Không ai còn tâm trí để lưu ý đến những việc xung quanh và hắn một mình khóc rưng rức sau bụi tre bên bờ sông.

*

Từ ngày ấy, hắn đâm ra lầm lì, ít nói, thỉnh thoảng trả lời nhát gừng hoặc hoàn toàn không ăn nhập gì đến câu hỏi những người khác đặt ra. Những người láng giềng quen biết ái ngại, có người cho rằng hắn đã phải lòng cô gái nào đó trong số những người bỏ mạng trong vụ hỏa hoạn năm ấy. Tuy nhiên, hắn vẫn đi lại, sinh hoạt bình thường như trước kia. Cho đến một hôm, sau buổi họp chợ, hắn uể oải ra về, thơ thẩn men theo hàng cây trong chiều nắng xế. Đột nhiên hắn dừng phắt lại, trân trối nhìn một phụ nữ dáng còn khá trẻ đang cúi xuống cạnh hai đứa bé nghỉ chân bên vệ đường. Mắt hắn sáng lên, môi run run mấp máy rồi bất thần chạy ào đến níu chặt áo người phụ nữ.

“Mẹ, mẹ…, mẹ đã về!”

Người phụ nữ hoảng hốt lùi lại, cuống quýt giằng ra khỏi tay hắn. Hắn cuống lên, càng bấu chặt tợn rồi kêu khóc thảm thiết.

“Mẹ ơi, mẹ đừng đi, đừng bỏ con”.

Mọi người nghe tiếng huyên náo bu quanh xem. Hắn phục xuống chân chị, một tay bấu chặt vạt áo, tay kia níu lấy đùi chị khóc thảm thiết. Người phụ nữ tái mặt lắp bắp.

“Cái anh này… buông người ta ra…”

Lũ trẻ vỗ tay chỉ trỏ cười, người lớn bối rối lắc đầu ái ngại, chẳng ai biết phải làm thế nào để can ngăn hắn. May sao có một cụ già quen biết gia đình hắn đi qua, cụ vội tiến lại rồi bảo chị.

“Chị thông cảm, cậu ấy mất cả bố lẫn mẹ trong nạn lũ từ bé, bác gái lúc mất trạc tuổi chị mà dáng cũng hao hao giống chị, cậu ấy trông nhầm đấy!”

Rồi cụ đỡ hắn dậy, ôn tồn bảo.

“Từ từ đã nào, chị ấy không đi đâu vội mà lo, cháu bình tĩnh nào!”

Hắn còn dụi mắt thút thít khóc nhưng trông có vẻ đã dịu xuống. Họ còn đứng đó, ngần ngừ chẳng biết phải làm gì, ngại hắn lại lên cơn gào khóc. Mãi sau, hắn bẽn lẽn cúi đầu, có lẽ hắn đã nhận ra người phụ nữ ấy không phải là mẹ hắn. Nhưng không ai biết được hắn nghĩ gì khi chốc chốc hắn lại đưa mắt nhìn chị thật trìu mến. Đến lúc mọi người tản đi và người phụ nữ ấy đưa con về nhà ở tận đầu làng, hắn vẫn còn lẽo đẽo đi theo. Hóa ra chị là cháu duy nhất của cụ Hòa, vừa goá chồng ở làng xa dời về ở với cụ để đỡ đần sớm hôm. Từ hôm ấy, thỉnh thoảng người ta thấy hắn nằm ngủ khoèo trên vạt cỏ trước ngõ nhà chị và từ đó, người ta gọi hắn là “thằng điên”....

Người điên như hắn quả là hiếm có trên đời. Hắn hiền lành, ít nói, chẳng làm hại ai bao giờ và là nguồn tiêu khiển không dứt cho mọi người. Đã có người nói đùa ước sao được điên như hắn để mặc sức phát biểu những điều cấm kỵ, kiêng dè, hay ngang nhiên làm những điều trái khoáy mà không hề biết sợ hậu quả. Riêng đám cường hào ác bá và lũ bất lương căm hắn khôn xiết vì đã bị hắn làm mất mặt nhiều lần. Những điều ngông cuồng hắn làm thường là đề tài bàn tán và được truyền kể mãi khiến những kẻ này khó chịu vô cùng.

Chẳng hạn có lần, giữa trưa đứng bóng, mụ Tốn, vợ góa của lão Năm Tốn, phú hộ giàu nhất làng, chuyên cho vay cắt cổ, đang hăm hở về nhà sau khi đi một vòng quanh làng thu nợ. Từ ngày lão mất, mụ càng cho vay cắt cổ gấp bội và còn giàu hơn cả trước kia. Mụ đang mãi nghĩ đến những con nợ đã gặp hôm ấy, có lúc mụ nhíu mày bực dọc khi nhớ đến mấy con nợ bần cùng, khất mãi chẳng trả được mà của cải toàn thứ ọp ẹp chả có thứ gì đáng để tước đoạt, có lúc mụ tươi mặt đắc ý khi nhớ đến mấy món bở mụ đoạt được từ mấy nhà khá giả trước đây nay lâm cảnh túng bấn. Đột nhiên hắn nhảy xổ ra từ sau bụi tre, thét toáng lên.

“Bà phù thủy!”.

Mụ giật thót mình, suýt thét lên và chưa kịp hoàn hồn thì hắn đã huyên thuyên.

“Bà phù thủy, xin bà làm ơn chỉ giúp tôi bà đã dùng ma thuật nào để dụ dỗ tiền của thiên hạ về nhà nhiều thế?”

Mụ vừa giận vừa thẹn tím mặt nhưng chẳng tìm được lời nào để trả đũa hắn. Vả lại, tranh cãi với thằng điên thì chỉ tổ tốn hơi. Mụ rít lên qua kẽ răng.

“Đồ điên!”

Rồi mụ vội vã đi thẳng. Hắn còn gọi với theo.

“Tôi van bà, nếu bà chỉ giúp, tôi xin chia cho bà phần hơn…”

Những người ở quanh đấy và những người vô tình đi qua trông thấy ôm bụng cười rũ. Hắn ngang nhiên đi theo sau mụ một đoạn, vừa hoa tay múa chân, vừa làm điệu bộ hoạnh hoẹ hệt như mụ lúc bắt nạt con nợ. Từ ngày ấy, mọi người gọi mụ là “bà phù thuỷ” và dù căm tức thấu xương, mụ chả biết làm cách nào để trị hắn.

Mặc dù lầm lì, ít trò chuyện với những người xung quanh nhưng chẳng hiểu sao hắn biết được nhiều điều xảy ra trong làng, và thường là người khuấy động, gây chú ý đến những chuyện chướng tai gai mắt. Chẳng hạn như việc cô Lệ, con gái út của ông bà giáo, từ ngày bố mẹ mất, cô bị gia đình ép gả cho ông Huyện để được ấm thân. Cô còn trẻ, xinh đẹp, giỏi giang nay phải chịu luồn cúi nhà chồng và bị các bà vợ lớn chèn ép, đay nghiến thật khổ sở. Một hôm, hắn vô tình trông thấy cô ngoài chợ, thế là hắn chạy theo cô, rồi bảo.

“Này cô, cô làm ơn đổi đời cho tôi nhé! Cho tôi làm vợ ông Huyện một bữa, tôi sẽ dần cho lão già nhà cô một mẻ, còn cô thì mặc sức bay nhảy, thích nhé!”

Cô Lệ mặt đỏ bừng, cắm cúi đi. Các bà các cô chụm đầu xì xào.

“Có lẽ hắn vờ điên để mắng khéo thiên hạ”.

Nhưng quả là hắn điên thật. Có hôm trời nắng đổ lửa, mọi người rên xiết dưới cái nóng thiêu đốt, ai nấy cố làm cho xong sớm việc đồng áng để tránh cái nắng trưa gay gắt. Thế mà hắn cứ ngồi lì hàng giờ bên bờ lạch, chốc chốc lại cắt tóc thả xuống nước. Những người đi qua ái ngại, khuyên hắn hãy dừng tay đi tránh cái nắng trưa. Hắn lắc đầu quầy quậy.

“Không được, tôi phải ở lại đã. Làng mình nghèo quá, ngay cả cá cũng trọc đầu. Để tôi cho chúng ít tóc đỡ nắng”.

Và những cái điên của hắn thường gây cho hắn không ít tai họa. Vào năm ông Bá bảy mươi tuổi, gia đình ông làm lễ thất tuần rình rang để khoe của và mở rộng giao tiếp với đám quan lại. Mọi người ăn vận sang trọng và mang quà tặng đến chúc tụng râm ran. Hắn ngồi ngoài đầu đình hát vu vơ rồi chửi đổng một mình.

“Ôi dào, chúc thọ với chả chúc yểu! Người ăn gan uống máu trẻ con không cầu cho chết sớm thì chớ, còn bày vẽ chúc tụng. Tớ thì cái hạng ấy mang phân tới mừng”.

Mấy hôm sau người ta mới thấy lại hắn. Mặt mũi hắn thâm tím, một cánh tay bị đánh bong gân treo cứng đờ bên thân, mắt hắn sưng húp trông thật đáng thương. Có ai hỏi, hắn bảo mới đánh nhau với tùy tùng của Ma Vương, Ma Vương mang lốt ông Bá.

Lần khác, nhân ngày nộp thuế, trong lúc cả làng đang lo sốt vó, có nhà đang lạy lục xin khất thuế, hắn ở đâu xông vào giữa đình làng lớn tiếng với ông Nghị.

“Này, ông bảo ông là cha mẹ dân, sao ông thu thuế cắt cổ thế? Ông có lắm vợ, bắt bà con nộp sưu cao để nuôi vợ con, sao ông không bớt đi vài bà cho mọi người nhờ?”.

Ông Nghị giận tím mặt. Mọi người run sợ, lo cho hắn mang họa vào thân. Ông Nghị quát lính trói hắn lại, nện cho hắn một trận tơi bời. Người hắn máu me, răng cửa gãy nhưng hắn vẫn không cúi đầu xin tội. Bà con thương hại hắn ốm đòn nhưng ai cũng thầm hả hê vì thấy ông Nghị bị một vố bẽ mặt.

*
Nhưng hầu hết những cái điên của hắn làm trò cười cho thiên hạ. Đặc biệt là lũ trẻ con và đám choai choai thường đi theo hắn xem những trò ngớ ngẩn hắn làm mỗi khi hắn có chuyện vui buồn bất chợt. Có lần đang buổi gặt hái, mọi người dừng tay khi nghe lũ trẻ hét hò cười ầm ĩ cả một góc xóm. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều biết hắn lại bày ra trò gì lố bịch. Mấy thanh niên gần đấy vội chạy đến xem. Thì ra hắn cởi quần đội lên đầu phủ cả mắt đang nhảy nhót giữa lũ trẻ. Đám lực điền lôi hắn vào bụi tre, đè hắn rồi lấy quần xuống mặc vào cho hắn. Một anh lớn tuổi nghiêm mặt trách hắn.

“Cậu làm trò gì thế? Lũ trẻ con và bao nhiêu thiếu nữ ở đây, cậu cũng phải biết điều chứ!”

Hắn bảo.

“Ôi dào, tớ thấy nhiều điều thối quá, thà đội quần thối lên đầu, ngửi mùi của mình còn hay hơn!”

Cả đám lăn ra cười nhưng mấy người lớn tuổi còn răn đe hắn, dặn hắn không được làm như vậy nữa. Một lúc sau, hắn im lặng rồi đột nhiên ôm mặt khóc. Hắn khóc tức tưởi, thống thiết như cha chết mẹ chết rồi nằm ngủ khoèo dưới gốc tre. Thương hại hắn, mọi người kéo nhau đi nhưng để lại cho hắn mấy củ khoai luộc.

*

Mặc dù điên, mọi người vẫn nhìn nhận rằng có lúc hắn cũng tỉnh táo, sinh hoạt như người bình thường và lắm lúc những điều hắn nói ngỡ như là trái khoáy nhưng hóa ra cũng có lý. Tuy nhiên, không ai dám nhìn nhận điều này vì chúng có vẻ bạc bẽo, phũ phàng và chỉ có điên mới dám phát biểu như thế. Lắm lúc, những điều hắn nói trái hẳn với đạo lý, lễ giáo nhưng chúng làm không ít người phải ngạc nhiên và suy gẫm về những điều ấy.

Chẳng hạn, có lần hắn đi xem đám ma lão Đồng nhà họ Lương. Gia đình ấy giàu có nhiều đời, họ hàng có người làm quan và mặc dù không mấy ai ưa gia đình ấy, những người trong làng cũng thay nhau đi điếu cho có lễ. Lão Đồng lúc mất đã gần chín mươi, bị ho lao cả gần chục năm và là một gánh nặng cho cả gia đình. Từ ngày ngã bệnh, lão trở nên cáu bẳn, có lúc hung dữ với cả con cháu và mọi người quanh lão đều muốn lánh xa. Tuy nhiên, vì đạo lý và với tiền của dư dật, con cháu lão thuê người chăm sóc, thuốc thang cho lão đầy đủ nên lão mới hưởng được ngần ấy tuổi thọ.

Ngày đưa ma lão, nhà họ Lương làm đám rình rang xứng với phong cách nhà quan. Nào kèn, nào trống, nào tụng kinh gõ mõ lẫn hát đưa ma. Có cả một đoàn những người khóc thuê mặc sức tru tréo kể lể đến là xôm tụ. Hắn đến xem ra chiều thích thú rồi đột nhiên bật cười.

“Này, sao lại khóc”, hắn bảo một người khóc thuê “ở đây chả có ai buồn cả, mọi người đều tươi như hoa, chả tin cứ nhìn mặt lão Phán (con lão Đồng). Bố hắn chết mà trông như mới đi cưới vợ lẽ, cứ kèn trống ca xướng oang oang. Trút được gánh nợ, ai chả mừng!”

Rồi hắn cười cười bảo.

“Bà đi khóc thuê lần này chắc kiếm được khá đấy nhỉ, cũng mừng cho bà. Cố mà khóc cho đáng tiền nhé, để chiều còn được cho ăn cỗ nữa. Quả là một ngày vui cho mọi người, chả hiểu làm thế nào mà bà vờ khóc được!”.

Rồi hắn cất giọng oang oang hát theo đám hát đưa ma, mặt hắn trông hớn hở và điệu bộ vung vẩy khác hẳn với lời ca bi ai của bài hát. Những người trong nhà họ Lương cau mặt khó chịu nhưng không ai dám xua hắn đi, ngại hắn lại phát biểu những điều chối tai hay làm ầm ĩ thì chẳng ra thể thống gì nữa.

Đôi khi người trong làng nhắc nhau trông chừng hắn vào những dịp có lễ lạc, đình đám vì không ít nhà bị hắn quấy rối như nhà họ Lương. Thông thường, nếu hắn có đi xem lễ hay phát biểu linh tinh, người tinh ý hay khéo nói chỉ cần vờ làm khổ hay nhờ hắn việc gì đó là có thể xua hắn đi nơi khác. Tuy nhiên, không phải bao giờ hắn cũng bị lừa và có nhà đã từng bẽ mặt khi bị hắn oang oang vạch mặt trước đám đông. Tối kỵ là những tỵ hiềm, tranh chấp hoặc những điều những người có mặt ở đấy phát biểu về nhau sau lưng bị hắn lôi toẹt ra giữa mọi người. Và cứ thế, hắn ngang nhiên mỉa mai, có lúc còn chửi bới, phỉ nhổ những lễ nghi, phép tắc và những tập tục xã giao của người đời. Có người tức điên lên suýt nện cho hắn, có người xấu hổ muốn đào đất mà trốn nhưng không ai làm gì được hắn vì ngại mang tiếng đi gây gổ với thằng điên. Vì thế, hắn càng ngông nghênh hơn, ngang nhiên đi đến bất cứ lễ, tiệc nào hắn thích và mặc sức làm trò cười cho thiên hạ.

Chẳng hạn, có lần hắn đi xem đám cưới con trai nhà lão Kiện. Hắn đến vừa lúc mọi người đang hớn hở, xúng xính trong áo quần mới chuẩn bị làm lễ đón dâu. Thoạt đầu, hắn còn kiễng chân, nghển đầu ngoài góc rào trông vào, nhưng đột nhiên, hắn hăng hái tiến vào rồi không ai mời ai mọc, nghiễm nhiên ngồi vào một bàn cạnh cửa chính. Người nhà lão Kiện lo lắng nhìn nhau, chưa ai biết làm thế nào để xua hắn đi thì hắn đã cất giọng cười cợt.

“Vui quá nhỉ, thì cũng cố cho được một ngày như ai chứ mai đây lại chửi nhau như chó”. Rồi hắn tặc lưỡi, lắc đầu vẻ thương xót. “Lại thêm một miệng ăn, có cố cũng chả vui được, không khéo lại vác về của nợ”

Mụ vợ lão Kiện xanh mặt, đi ra đi vào không biết làm thế nào để đuổi khéo hắn, sợ hắn lên cơn làm quấy thì hỏng cả bữa tiệc, mà lờ hắn cũng không được vì đã gần đến giờ rước dâu. Hắn trông chừng cũng biết thế, cứ thản nhiên ngồi rung đùi hát nghêu ngao, chốc chốc lại phát biểu những điều thật chối tai. Một lát sau, may sao gã con trai nhỏ nghĩ ra một cách liền rỉ tai mẹ hắn. Mụ Kiện hớn hở vào nhà ngay rồi mang ra nào áo gấm, quần lụa, khăn đóng, giày thêu đến trước mặt hắn. Rồi mụ cất giọng đon đả mời hắn vào nhà thay đồ để cùng với “gia đình” làm tiệc rước dâu. Hắn đang gật gù theo tiếng nhạc đột ngột dừng lại rồi trố mắt nhìn mụ Kiện. Vẻ bối rối lẫn hoang mang hiện trên mặt hắn, hắn lắc lắc đầu vẻ không hiểu khiến mụ Kiện phải nhắc đi nhắc lại mấy bận. Rồi, đột ngột như khi đến, hắn đứng dậy đi thẳng không cất thêm lời nào. Mọi người nhà lão Kiện thở phào nhẹ nhõm, mụ Kiện thầm tạ ơn ông bà các bác đã mách nước cho nhà mụ thoát khỏi một vụ lôi thôi ngày đi cưới dâu đầu.

*

Đôi khi người trong làng lấy làm may mắn khi có được một gã điên như hắn. Không những hắn tạo ra không ít chuyện đùa cho thiên hạ, đôi lúc hắn cũng giúp ích được người khác và điều này khiến những người trong làng quý hắn và quan tâm đến hắn. Những lúc như thế, những người lớn tuổi thường nhắc nhau về bố mẹ, ông bà hắn là những người hiền đức và tiếc cho hắn đã không may mất trí. Nhưng cũng có lúc họ tranh cãi nhau rằng hắn không thật sự mất trí vì những điều hắn nói, hắn làm thường chuẩn xác mặc dù rất ngông cuồng. Nhưng có người không đồng ý vì rõ là điên mới làm những điều như thế, bằng chứng là mới vài hôm trước hắn lại làm cả làng xôn xao vì cái điên của mình.

Hôm ấy cả làng tập trung gặt hái và đập lúa cho đến xẩm tối nhân dịp có trăng. Ngoại trừ người lớn tuổi và trẻ em, đa số thanh niên và những người có sức vẫn còn ngoài đồng, chỉ có lác đác dăm ba nhóm cắt lúa đang trên đường về nhà. Đột nhiên từ hướng đầu làng có tiếng lao xao, rồi tiếng chân chạy vội đến, tiếng kêu gọi nháo nhác trong bóng tối nhập nhoạng khiến những người quanh đấy lo lắng không biết điều gì đã xảy ra. Những người không bị vướng bận vội chạy đến nơi đám đông đang tụ tập quanh gốc vú sữa cạnh miếu thờ. Tiếng kêu cứu của một thằng bé trai vọng xuống đâu đó từ trên cây vú sữa làm những người dưới đất nhốn nháo.

“Bố ơi bố…, cứu con với…, con không dám xuống…”

Nó kêu khóc ngày một khẩn thiết. Thỉnh thoảng, tiếng cành cây gãy răng rắc, lá rơi lào xào và tiếng nó thét lên cho hay nó đang cuống lên và làm gãy những cành xung quanh. Những người quanh đấy lo sốt vó nhưng chẳng ai dám trèo lên mang nó xuống. Có ai đó cho hay nó là cu Tín con anh Nhân nhà ở cạnh đấy, bố nó đã đi chợ huyện hôm sau mới về, mẹ nó vừa hay tin hớt hải từ ngoài đồng chạy về đang cuống lên vì sợ. Chị vừa cố ghìm nước mắt vừa lắp bắp bảo con.

“Con… con cố lên nào, từ từ tụt xuống, cứ… cứ… bám vào những cành to…”.

Chị nấc lên, nước mắt ràn rụa. Trời tối dần, những người tụ tập quanh đấy ngày càng đông nhưng không ai dám lên tiếng, chỉ có hai mẹ con nức nở khóc. Người ta bàn nhau mang thang đến nhưng cây vú sữa lâu năm cao bằng hai, ba nóc nhà, chẳng có thang nào với tới. Vả lại, tàng lá um tùm không thể nào gác thang lên thân cây được. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều nghĩ đến Thân, người đã ngã từ trên cây vú sữa xuống chết cách đó mấy chục năm và người ta lập miếu thờ dưới gốc cây. Từ ngày ấy, không ai dám trèo lên cây vú sữa mặc dù nó luôn tươi tốt và chi chít những quả. Hơn nữa, người ta kháo nhau trước đây có người trông thấy có đôi rắn làm tổ trong tàng cây vú sữa um tùm. Ai cũng biết cho dù giữa ban ngày chưa chắc có ai dám trèo lên cây huống hồ trong lúc trời tối thế này, có thương thằng bé lắm cũng chịu.

Không ai nhận thấy hắn vừa đến bên ngoài, đang kiễng chân nghiêng ngó cố xem điều gì xảy ra dưới gốc cây. Lúc đã hiểu ra sự việc, hắn lập tức rẽ đám đông rồi không nói lời nào, thoăn thoắt trèo lên cây. Mọi người quanh đấy nín bặt, hồi hộp lắng nghe tiếng hắn trèo lào xào lên cao dần. Người mẹ đứa bé níu cánh tay bạn, người run lên bần bật. Đứa bé đã thôi kêu gào, chỉ rên khe khẽ và thút thít khóc. Mãi sau, những người chờ dưới gốc cây ngỡ như hàng giờ đã trôi qua, người ta nghe tiếng cành cây răng rắc, tiếng lá cây lao xao và tiếng đứa bé xuống thấp dần. Hắn vẫn không nói một lời nào khi đã tụt xuống đến cành ngang cuối cùng, đứa bé bám chặt quanh cổ hắn. Những người bên dưới đưa tay đỡ lấy đứa bé đang lịm đi vì sợ. Người mẹ ôm ghì lấy con nức nở khóc. Những người quanh đấy ôm lấy hai mẹ con vỗ về, cánh đàn ông vỗ vai hắn mến phục, hắn chỉ cắm cúi đi thẳng.

Từ dạo ấy, những người trong làng thương mến hắn hơn cả trước kia. Vốn đã được láng giềng và những người quen biết gia đình hắn quan tâm đến, nay hắn còn được bà con khắp làng ưu ái, san sẻ, chia sớt cho hắn từ rượu chè, quà bánh đến chăm sóc lúc trái gió trở trời.

*

Thế rồi một hôm, cụ Khoan đi vớt cá sớm trông thấy xác hắn. Sau phút bàng hoàng, cụ trở về làng gọi thêm người đến giúp mang xác hắn về. Những người quen biết gia đình hắn hay tin đến xem. Hắn chết như người nằm ngủ, mắt mơ màng, miệng như còn phảng phất nụ cười. Có người bảo đêm hôm trước trông thấy hắn kiếm đâu ra lưng chai rượu, có người thấy hắn ngồi hát rôm rả ngoài bờ đê. Có lẽ hắn say quá, ngã xuống sông chết đuối.

Không có thân nhân, những người ở đấy bàn nhau nên chôn cất hắn nhanh chóng. Đám tang hắn thật đơn sơ, người ta nhặt nhạnh mớ áo quần hắn thường mặc hàng ngày và dùng chiếc chiếu cũ hắn vẫn thường nằm quấn xác hắn lại. Đám thanh niên đào huyệt cho hắn cạnh mộ ông bà cụ bố mẹ hắn. Đám tang hắn không kèn, không trống, không nước mắt nhưng số người đến quanh mộ hắn đông vô kể. Có người đến xem vì tò mò, nhưng cũng có người đến để tiễn đưa hắn lần cuối.

Lúc hạ huyệt, không có người thân, chỉ có mấy người quen biết với gia đình hắn đến ném đất vào huyệt. Thế rồi, không ai bảo ai, những người có mặt ở đấy lần lượt ném cho hắn một nắm đất. Cứ thế, từng người, từng người một, đến khi đoàn người chấm dứt, mộ của hắn cao như một ổ mối, cao hơn bất cứ một cái mả nào từng thấy từ trước đến nay.

Rồi mọi người kéo nhau ra về, không khí đột nhiên im lặng, chùng xuống. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều cùng chung một ý nghĩ. Thế là hết, từ nay làng này mất đi một người. Không còn nữa những đêm ồn ào, bát nháo, chó sủa râm ran đuổi theo hắn cười nói oang oang một mình; không còn nghe thấy những lời châm chọc điên khùng mà chí lý khiến mọi người hả dạ. Không còn nữa những niềm vui, nỗi buồn của người điên để giúp vui cho những người xung quanh. Làng của họ từ nay sẽ chìm trong im lìm, chỉ còn có lo toan, nhọc nhằn, và người điên trở thành huyền thoại mọi người còn nhắc đến và kể mãi cho nhau nghe cho đến tận đời sau.

Hoàng Ngọc Thư.
 
Cũng là 1 kiếp ng, :KSV@18:
thanks em,
 
hay thiệt đó :KSV@06:nhưng cũng thiệt bùn :KSV@17:
thank!!
 
Cảm động! nhưng vẫn ko hiểu lắm
 
×
Quay lại
Top