Nghệ thuật nói chuyện với tuổi mới lớn

xuanhung_xd9

Thành viên cấp 2
Thành viên thân thiết
Tham gia
15/12/2011
Bài viết
1.979
Con bạn đang ở lứa tuổi hiếu động và dường như thế giới của chúng khác xa rất nhiều so với bạn những năm bằng tuổi chúng bây giờ.
Bạn lo lắng không thể nói chuyện được với con mình và sẽ dần hình thành một khoảng cách đáng sợ? Một số lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn gần gũi với con của mình hơn.

1. Lỗi của ai?
Khi cậu ấm 13 tuổi của tôi về nhà và thông báo một cách thờ ơ: “Con sẽ không chơi cho đội bóng của trường nữa”, tôi cảm thấy rất bực mình. Tôi nghĩ đến khoản chi phí tôi phải bỏ ra để mua giày, quần áo, bóng và băng đeo đầu gối cho nó. Rồi tôi lo lắng về việc thằng bé không nhận ra tầm quan trọng của việc giữ lời hứa với người khác. Tôi hỏi con: “Khi bắt đầu được nhận vào đội bóng, con đã hứa sẽ chơi hết mình vì thành tích của cả đội. Con đang phá vỡ lời hứa và quay lưng với những người bạn của mình đấy!”. Và những gì thằng bé phản ứng lại là cầm lấy ván trượt và đi ra ngoài như thể không nghe thấy gì cả...

Đây là một trường hợp rất phổ biến thường xảy ra ở những gia đình của những cậu bé/ cô bé mới lớn. Các bậc phụ huynh nghĩ rằng họ phải là người kết thúc cuộc nói chuyện trước mặc dù con mình là người bắt đầu. Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Martha B. Straus, tác giả cuốn Biện pháp im lặng đối với tuổi mới lớn thì: “Điều tốt nhất bạn nên làm trong trường hợp này là không nói gì cả. Nhưng nếu bạn bắt buộc phải trả lời lại, hãy tỏ ra thông cảm với con mình bằng cách nói: “Đó hẳn là một quyết định rất khó khăn phải không?”. Cách làm này có hiệu quả hơn rất nhiều bởi bạn không thể hi vọng một cuộc nói chuyện nhanh chóng và dễ dàng với con trai của mình được”.

Điều này xuất phát từ thực tế là bộ não của những cô/cậu bé tuổi mới lớn phải sắp xếp và chọn lọc rất nhiều cảm xúc khác nhau trước khi đưa ra câu trả lời. Nhiệm vụ của bố mẹ là đoán biết trước điều gì đã và sẽ xảy ra. Bằng cách đó bạn không chỉ giúp con mình vượt qua được những cảm xúc tức thời mà còn khiến chúng biết rằng bố mẹ rất hiểu và thông cảm với chúng.


2. Làm sao để trò chuyện với con của bạn?
Vậy làm thế nào để trở thành một người biết lắng nghe và khiến cho con có thể mở lòng tâm sự với mình? Bạn hãy lưu ý một số điều nên và không nên sau đây:

Không nên:
1. Không nên nói chuyện với con khi chúng chưa hoàn toàn tỉnh ngủ hoặc đang phải tự sắp xếp trong đầu những việc phải làm trong ngày mới.

2. Không nên nhìn chằm chằm như dò xét vào chúng khi nói chuyện như thể: “Con nói gì thì nói, bố mẹ đã biết hết sự thật rồi”.

3. Không nên nói chuyện khi teen đang bực bội, mất bình tĩnh. Hãy nói rằng: “Chúng ta sẽ nói chuyện lúc khác vậy”.

4. Không hỏi đi hỏi lại câu: “Ngày hôm nay của con thế nào?” và buộc chúng phải kể cho bạn nghe.

5. Không nên tập trung cuộc nói chuyện vào mỗi việc học tập, việc nhà… hoặc nói đi nói lại một vấn đề nào đó.

6. Không nên nói:“Việc này đơn giản, để đó bố/ mẹ giải quyết cho”. Trẻ thường thích tự giải quyết những vấn đề riêng của chính mình.

7. Không nên cười nhạo hoặc thêm vào những câu chuyện cười khi teen đang nói về một vấn đề mà chúng cho rằng rất quan trọng. 8. Không hỏi về nguyên nhân đằng sau một việc làm nào đó của chúng, chẳng hạn như: “Nhưng tại sao con lại làm như thế chứ?” bởi lắm khi chính chúng cũng không thể biết được vì sao.

8. Để ý nhận ra lúc nào thì con bạn sẵn sàng nói chuyện với bạn một cách thoải mái và cởi mở nhất. Các cô/ cậu bé mới lớn thường thích nói chuyện vào buổi tối.


Nên:
1. Để ý nhận ra lúc nào thì con bạn sẵn sàng nói chuyện với bạn một cách thoải mái và cởi mở nhất. Các cô/ cậu bé mới lớn thường thích nói chuyện vào buổi tối.

2. Khi nói chuyện, hãy đứng hoặc ngồi bên cạnh thay vì đối diện trực tiếp với chúng bởi trẻ thích được trò chuyện chứ không thích cảm giác đang bị nhìn chằm chằm.

3. Nói chuyện khi con bạn đang làm một việc gì đó. Điều này không hề làm mất tập trung của chúng mà thực ra là khiến chúng thấy thoải mái và nhẹ nhàng hơn. Chẳng hạn khi cả hai cùng ăn bỏng ngô hoặc chuẩn bị bữa tối.

4. Cố gắng hiểu tâm trạng của chúng mà không nhất thiết phải bắt chúng nói ra. Trẻ thường vòng vo tam quốc khi muốn biểu hiện một câu đơn giản là: “Con thấy sợ”, “Con chẳng biết phải làm thế nào cả” hoặc: “Con e là mẹ sẽ thất vọng về con mất”…
5. Chờ đợi câu trả lời của con, không bắt buộc chúng trả lời một cách tức thì. Như đã nói, trẻ cần phải sắp xếp và chọn lọc trong mớ hỗn độn những cảm xúc của mình để biểu hiện ra thành lời nói.

6. Tạo cơ hội để teen khoe những mặt tốt của mình. Ví dụ bạn có thể hỏi: “Thế cô giáo nói như thế nào về điểm tốt đó?”

7. Mở rộng chủ đề cuộc nói chuyện một cách tự nhiên, thân mật. Chẳng hạn như về các chương trình TV, âm nhạc, đồ ăn, thể thao hay thậm chí chính trị nếu con bạn tỏ ra quan tâm.

8. Không tiếc lời khen với những suy nghĩ sáng tạo và táo bạo của con. Những câu như: “Ý kiến tuyệt đấy!”, “Hôm nay con làm được nhiều hơn bố/mẹ nghĩ đấy!”…

9. Bạn cũng có thể chủ động hỏi teen để đưa ra lời khuyên và sẵn sàng tâm thế cho câu trả lời: “Con không cần đâu” của chúng.

10. Tâm trạng và cảm xúc của tuổi mới lớn rất phức tạp và dễ bị tác động nên bạn hãy tạo không khí thoải mái cho cuộc nói chuyện. Bằng cách đó bạn đã khiến con mình thấy rằng vấn đề không có gì là quá nghiêm trọng. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá đà, tránh việc teen hiểu nhầm rằng bạn không coi vấn đề của chúng ra gì cả.


3. Một số điều cần lưu ý khi nói chuyện với tuổi mới lớn:

Ngôn ngữ cơ thể:
Tránh những hành động như: nhún vai hoặc đưa tay ra phía sau lưng bởi trẻ sẽ hiểu những hành động đó là: “Bố/mẹ chẳng quan tâm điều con nói”. Tránh đứng cao hơn con bạn, nếu con bạn đang ngồi hoặc thấp hơn bạn, bạn nên ngồi xuống để tạo không khí thoải mái.

Biểu hiện nét mặt:
Tránh cau có, nhướn lông mày, đảo mắt hoặc cười chế giễu. Con bạn sẽ có cảm giác không được tôn trọng và không tìm thấy tiếng nói chung với bố mẹ chúng.

Điều khiển giọng nói:
Tránh thở dài hoặc than thở bởi trẻ chính là những người cũng đang chán nản và chúng cần có bố mẹ để lấy lại tinh thần. Bạn nên nói chuyện với con như nói với những người bạn thân thiết. Nếu bất cẩn, bạn có thể cao giọng lúc nào không hay và như thế là bạn đã đánh mất sự tự tin của con mình trong cuộc nói chuyện.


Chúc bạn thành công!


Sưu tầm
 
×
Quay lại
Top