Ngày chủ nhật thứ ba của tháng 6

thanhthuydc

Thành viên
Tham gia
23/5/2013
Bài viết
7
Chủ nhật tuần này, ah chính là ngày mai đây, là ngày của Bố. Thực ra rất nhiều ngày tôi nghĩ về bố chứ không phải chỉ có ngày của Bố. Nước mắt tôi tràn ra giàn giụa từ khi nào không biết, họng như bị chặn đứng bởi cục bông to không sao thở ra được và không thể lên tiếng...Có lẽ là khi hình ảnh của bố xuất hiện trong đầu tôi, hình ảnh người đàn ông mà sự lo lắng vương cả lên những nụ cười.

Bố tôi không phải một người đàn ông mẫu mực. Tôi phải thừa nhận điều đó, nếu không nói là bố rất tệ. Người ta vẫn bảo con gái thường mơ ước có người yêu, hay lấy được người chồng như bố mình, nhưng điều đó không đúng với đứa con gái như tôi. Thậm chí tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một người yêu hay người chồng như bố. Nhưng, tôi chỉ xin kể về những gì đẹp đẽ trong bố thôi nhé.

Bố thương chị em tôi lắm. Bố luôn sẵn sàng làm hết mọi công việc nặng nhọc cho chúng tôi, có lẽ bởi đối với bố chúng tôi luôn là những đứa trẻ yếu ớt và không phải sinh ra để làm việc. Và khi cần chúng tôi làm việc gì dù nhỏ nhặt, bố thường nói theo kiểu nhờ vả : “con rảnh không đi đẩy hộ bố xe lúa? Mẹ bận rồi”. Tất nhiên tôi luôn rảnh mỗi khi bố cần, mặc dù tôi là một đứa khá bướng, rất khó chịu khi “bị sai” làm việc gì đó, và thường là không chịu làm, với cái lí lẽ là “để tự giác thì mới làm”.

Mỗi lần đưa tôi lên điểm xe buýt để bắt xe lên trường, bố luôn đứng đợi xe cùng tôi, cho đến khi tôi lên xe an toàn mới quay về. Lần nào tôi cũng bảo “bố hãy về trước đi để con đợi một mình cũng được”, nhưng bố lại bảo “bố về rồi mẹ và ông bà không yên tâm lại dồn dập hỏi con đã lên xe chưa mà đã về, bố trả lời cũng mệt”. Bố sợ câu hỏi đó từ mọi người, hay thực chất là từ trong lòng bố? Tôi thường đi vào giờ trưa hay chiều, mùa hè thì nắng chói chang và mùa đông thì rét căm căm cứa vào d.a thịt. Bố đứng dưới cái nắng, chăm chú nhìn về phía các xe đang đi đến, để xem đó có phải xe buýt không, là xe buýt thì là số bao nhiêu, để có thể chắc chắn rằng tôi lên đúng xe và thuận lợi. Đôi mắt bố nheo lại để nhìn cho rõ, làn da bố đen như quết than, bóng nhẫy dưới cái nắng vàng ươm như đang cố thiêu đốt thêm khuôn mặt không thể đen hơn của bố vậy. Tôi đứng bên cạnh nhìn rõ cả những nếp nhăn trên đuôi mắt và khóe miệng. Mỗi lần như vậy tôi chỉ biết mong xe bus đến thật nhanh cho tôi lên xe để bố còn về, mặc dù thực tế tôi không vội vã gì cả.

Một lần tôi đi du lịch với lớp, đó là năm lớp 11, chúng tôi đã có một kỉ niệm không thể nào quên. Chúng tôi đi Thác Đa, mấy đứa rủ nhau leo lên đồi, có cây đa hay si 1000 tuổi gì đó, và đã leo nhầm đường. Tưởng như có thể hoặc chết hoặc sống khi ấy. Dốc đá dựng đứng và phủ rêu trơn tuột. Chúng tôi leo từng bước một và chặng đường thì dường như kéo dài ravô tận. Mệt đến kiệt sức mà có quay lại cũng không thể nữa. Leo lên đến nơi rồi còn không biết có xuống nổi nữa không. Điện thoại mất sóng và không liên lạc được. Tôi sợ lắm, bật khóc. Tất cả những gì tôi muốn lúc đó là bố mẹ, và gia đình. Hồi ấy suy nghĩ thật khờ dại, tôi chỉ biết nghĩ đến làm sao để yên lòng mình, để xoa dịu cảm giác sợ hãi của mình. Khi có sóng trở lại, tôi gọi ngay về nhà cho bố, chỉ mong được nghe giọng của bố, những mong trấn tĩnh tinh thần mình. Mà tôi đâu nghĩ được rằng, đổi lại lấy bình tĩnh của tôi lại là những lo lắng khôn nguôi của bố. Bố trấn an tôi, bảo tôi bình tĩnh tìm đường xuống và liên lạc với mọi người bên dưới. Tôi không lo lắng nữa và cuối cùng đã xuống an toàn. Khi về nhà bà nội mới kể, rằng trong lúc tôi bình tâm nhất, thì bố ở nhà chỉ đi ra đi vào, đứng ngồi không yên, và thỉnh thoảng lại lẩm bẩm “biết làm thế nào bây giờ?”. Tôi hối hận lắm, suy nghĩ người lớn hơn một chút thôi, thì tôi đã không gọi về nhà, tôi còn có bạn bè xung quanh. Tôi đâu nghĩ đến việc bố đã phải một mình lo lắng như thế nào.

Bố thường nói với tôi và các em: “Bố mẹ có rất nhiều tiền, thừa sức nuôi các con ăn học đầy đủ, nên nhiệm vụ của các con chỉ là tận dụng mọi điều kiện thuận lợi nhất để có thể học hành tốt nhất”. Thế đấy, trong khi những ông bố bà mẹ khác thường than thở với con cái rằng bố mẹ hết tiền rồi, xin ít thôi, tiêu xài hoang phí thế, thì bố tôi lại rõng rạc tuyên bố vậy, và rằng cần gì thì cứ tiêu, cái gì bố mẹ cũng có thể đáp ứng được, và không phải chỉ một lần. Bố tôi phải làm việc vất vả, chắt chiu từng đồng để chắc chắn rằng mỗi lần chúng tôi cần đến đều có ngay. Mỗi khi xin tiền bố để đóng học phí hay tiền sinh hoạt trên Hà Nội, tôi phải nói trước với bố 1-2 ngày, để bố có thời gian “chuẩn bị”.

Bữa cơm nào bố cũng ăn toàn rau, còn lại thịt để cho chúng tôi. Và không quên bảo “mấy đứa không ăn thịt vào là bố ăn hết mất đấy”. Tôi đi học xa nhà, cuối tuần nào về cũng được bố mổ một con gà cho ăn, đợt đó nhà tôi còn nuôi gà. Bố thường bảo, “con gà này sắp ốm rồi, phải thịt đi không nó gầy mất”. Bà nội bảo tôi “bố mày chỉ chờ đúng hôm mày về để mổ con gà đấy, không nói nhưng ta biết thừa”. Bố không muốn mổ gà sớm, mà phải đợi tôi về, lẳng lặng đợi thế thôi.

Bố tự hào và đặt nhiều niềm tin ở tôi lắm. Một lần, ngồi học trong phòng, tôi nghe bố nói chuyện với các em. Bố bảo rất tự hào và tin tưởng ở tôi. Bởi tôi nói ra được và luôn thực hiện được. Trước tôi nói với bố là kì này con sẽ được học sinh giỏi, và tôi đã làm được. Tôi nói với bố con sẽ đỗ Đại học Ngoại Ngữ, chứ không phải mội trường ĐH khối D không tên tuổi nào khác, và tôi cũng đã làm được. Bố mong các em cũng như tôi. Niềm tin ấy của bố chính là nguồn động lực lớn lao nhất cho những nỗ lực của tôi có thể tồn tại được đến bây giờ.

Bố tôi bề ngoài mạnh mẽ, nhưng bên trong cũng yếu mềm và dễ tổn thương lắm. Trước kia tôi không bao giờ để ý những gì trong tâm hồn của bố, cho đến hôm ấy. Bố với mẹ tôi không hợp nhau lắm trong công việc, nên hay xảy ra mâu thuẫn rồi cãi vã. Mẹ thì thẳng tính, nói ra cái gì là vô cũng khó nghe và khiến người khác bực tức lắm, thậm chí nhiều lần tôi cũng phát cáu vì những lời của mẹ. Bố không nói nhiều lại mẹ được, nhưng bực tức nên nói rất to và đáng sợ. Sau đó những gì tôi thấy được là tấm lưng của bố khi bố ngồi một mình lẳng lặng ở vườn chỗ mấy cây cảnh, hướng cặp mắt xa xăm về phía chiếc ao và cánh đồng lúa trước nhà. Chắc là bố đang suy nghĩ, suy nghĩ gì tôi không đoán được, nhưng chắc chắc là nhiều lắm. Bố không bao giờ để lộ tình thương và những lo lắng ra bên ngoài, thậm chí những lời nói của bố còn ngược lại với những gì nghĩ trong lòng. Nhưng tôi biết bên trong những lời vô tư đó là bộn bề lo toan. Tôi không biết làm gì cả, chỉ biết lặng lẽ nhìn tấm lưng của bố như vậy thôi.

Bố tôi vốn khỏe mạnh to lớn lắm. Bố có thể xách những bao thóc đầy ăm ắp từ sân lên hè, thồ những xe lúa cao vật vã từ tít ngoài ruộng về nhà...Vậy mà chỉ mới 3 năm đi học xa nhà, mỗi lần về tôi lại thấy bố ngày một yếu hơn. Bố làm việc nhanh mệt hơn, hay bị ốm hơn, uống rượu nhiều cũng hay bị mệt, rồi sẽ còn bệnh tật nữa...Bố đã 50 tuổi rồi, vậy mà con gái lớn của bố còn chưa trường thành, còn cả chặng đường dài phía trước, còn muốn dựa vào đôi vai của bố thật nhiều...Đến bao giờ cô ấy mới đủ khôn lớn để bao bọc lại cho bố mẹ?

Con gái bố cũng nhút nhát, cũng không biết cách thể hiện tình cảm với bố. Cô ấy có thể ôm mẹ vào lòng, có thể tâm sự với mẹ cả đêm cả ngày không ngớt, nhưng chưa bao giờ làm vậy với bố. Những câu chuyện với bố thường là về cuộc sống, chính trị, văn học, lịch sử, tôn giáo và những thứ “lặt vặt” khác, chứ không phải những lời yêu thương. Cô ấy không yên được trước một ngày mà cả thế giới nghĩ về người cha kính yêu của họ. Cô ấy mỉm cười soạn một tin nhắn thay đổi chữ ký dành cho cuộc gọi của bố:

“Con gái của bố đang sống rất tốt. Nên bố hãy yên tâm sống thật mạnh khỏe và thanh thản nhé. Con gái yêu bố hơn những gì cô ấy có thể nói và làm.”

Mai là cuối tuần rồi, chắc chắn bố sẽ gọi tôi và trách mắng: “sao cuối tuần rồi mà không thấy về?”, và sẽ đọc được dòng nhắn nhủ của tôi. Đã một tháng rồi tôi chưa về.
 
×
Quay lại
Top