Nét hấp dẫn khó cưỡng của công nghệ 'đồ cổ'

nhipcautre0904

Keep moving forward
Thành viên thân thiết
Tham gia
6/3/2012
Bài viết
4.114
140626143656_old_technology_512x288_pinghe_nocredit.jpg

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thay đổi liên tục, nhanh chóng.

Từ những chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất cho tới các màn hình TV chất lượng siêu nét ultra HD, các thiết bị điện tử đang bị nhanh chóng thay thế chỉ sau vài năm, thậm chí chỉ vài tháng, ra mắt.


Điều đó khiến cho tuyên bố của Sony về việc dừng sản xuất các băng từ Betamax - vốn rất phổ biến thời cuối thập niên 1970 - bị nhiều người cho là đưa ra chậm mất vài thập niên.

Những ai ngày nay vẫn còn dùng Betamax?

Ta biết rằng loại băng này đã thảm bại trước loại băng video VHS hồi thập niên 1980, bất chấp việc nó được cho là có chất lượng ghi hình tốt hơn.

Thế nhưng điều khiến cả thế giới ngạc nhiên là cho tới nay Betamax vẫn còn được bán ở Nhật Bản, tuy điều này sẽ không còn kéo dài nữa.

Vậy còn những loại công nghệ khác vẫn đang tồn tại thấp thoáng đó đây, bất chấp sự lấn lướt của những dòng sản phẩm mới thì sao?

Đĩa mềm
151215190934_retro_gatgets_1_624x351_istock_nocredit.jpg

Có lẽ trong chúng ta nhiều người có những kỷ niệm ngọt ngào về đĩa mềm - thứ cho đến nay là cách phổ biến nhất để ta sao chép dữ liệu giữa các máy tính trong thời còn chưa có đĩa CD, ổ đĩa USB và tất nhiên là chưa có cả các trang web.

Đĩa mềm ngày nay thực ra vẫn còn được chính thức sử dụng tại Na Uy.

Hồi tháng Chín, Finn Gunderson, một nhà phát triển phần mềm làm việc tại nước này, đã đăng một bài blog giải thích rằng các bác sỹ Na Uy mỗi tháng đều nhận được một chiếc đĩa mềm từ chính phủ.

Trong đĩa có chứa bản mới nhất danh sách bệnh nhân-bác sỹ của Na Uy - một hệ thống cho phép các bệnh nhân đã đăng ký chọn bác sỹ gia đình.

Bởi bệnh nhân có quyền đổi bác sỹ gia đình vào bất kỳ lúc nào, danh sách cần phải được cập nhật và phân phối đều đặn.

"Đĩa mềm không đắt đỏ gì; chúng rẻ hơn nhiều so với một ổ đĩa USB và tốn ít thời gian hơn nhiều so với việc phải viết cùng một lượng dữ liệu vào đĩa CD-ROM," Gundersen viết.

"Với hạn chế mang tính lịch sử của việc gửi, nhận thư tín và với lượng dữ liệu nhỏ hơn 1.44MB, đĩa mềm là lựa chọn hợp lý."

Máy fax
151215191057_retro_gatgets_2_624x351_getty_nocredit.jpg

Sự trỗi dậy của thư điện tử và máy quét tài liệu scanner khiến nhiều người cho rằng máy fax một thời hiện diện khắp nơi nay đã đến ngày bị khai tử.

Thế nhưng thứ công nghệ vốn được phát minh từ năm 1842 nay vẫn khá phổ biến tại Nhật Bản, nơi nó đã được phổ cập hoá trong thời thập niên 1970.

Nhờ tầm quan trọng của chữ viết tay tại Nhật (có hàng ngàn ký tự khác nhau trong bảng chữ cái Nhật), máy fax thường được coi là một hình thức thuận tiện để chuyển đi những thư từ tài liệu mang tính chính thức hay riêng tư giữa các cá nhân với nhau.

Các tài liệu pháp lý và các giấy chứng nhận cũng được gửi qua đường fax, và một số công ty đặt yêu cầu phải sử dụng cách chuyển tin tức này để đảm bảo tính xác thực của văn bản.

Một số loại điện thoại di động đơn giản
150506172338_feature_phone_624x351_thinkstock.jpg

Doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn thế giới đã vượt qua số lượng điện thoại đơn giản (tức các loại điện thoại có những chức năng hạn chế hơn so với điện thoại thông minh sử dụng phần mềm iOS hay Android) từ vài năm qua.

Thế nhưng ở tiểu-Sahara, Phi châu, thì những điện thoại này vẫn ở thế thượng phong.

Một nghiên cứu do Pew Research thực hiện hồi đầu năm 2015 cho thấy điện thoại di động vẫn chưa phổ biến ở bảy quốc gia trên châu lục đen.

Lý do một phần là bởi điện thoại thông minh có mức giá cao hơn, và cũng bởi các dịch vụ ngân hàng phổ biến như M-Pesa ở Kenya và Tanzania chỉ cần chức năng gửi tin nhắn SMS là đủ, chẳng hạn như để chuyển tiền giữa các cá nhân với nhau.

Gửi tin nhắn SMS là hoạt động phổ biến nhất trên điện thoại tại bảy quốc gia mà Pew tiến hành khảo sát.

Nhu cầu vào các mạng xã hội hay dùng điện thoại cho các chức năng đòi hỏi dịch vụ online phức tạp hơn, như nộp đơn xin việc, thấp hơn nhiều.

Ống khí
Các ống khí, thứ dùng để bỏ các gói tài liệu vào trong rồi thả cho bay theo luồng không khí, được phát minh ra hồi đầu thập niên 1800.

Thế nhưng đến nay, chúng vẫn là một phần không thể thiếu ở nhiều bệnh viện trên thế giới, trong đó có bệnh viện thuộc đại học University College London của Anh.

Lý do là các ống khí có thể chuyển không chỉ tài liệu mà cả các gói thuốc hoặc bệnh phẩm cần xét nghiệm từ toà nhà này sang toà nhà khác một vô cùng nhanh chóng: Một tin nhắn gửi qua đường ống khí thường di chuyển với vận tốc 7,5m mỗi giây.

Luồng khí được thổi theo hướng đẩy đi hoặc hút lại, tuỳ thuộc vào hướng người ta cần chuyển tài liệu hay gói đồ, trong đường ống có đặt gói đồ.

Ngày nay, các máy tính được dùng để điều khiển việc thổi khí, khiến các tin nhắn hay gói đồ được chuyển tới đúng địa chỉ cần thiết.

Window XP
151215191152_retro_gatgets_3_624x351_getty_nocredit.jpg

Từ ngày 8/4/2014, hãng Microsoft chấm dứt hỗ trợ kỹ thuật đối với hệ điều hành cực kỳ phổ biến, Window XP.

Điều này đồng nghĩa với việc phần mềm này sẽ không còn được cập nhật, nâng cấp cho người dùng nữa, bất kể có thể có phát sinh những vấn đề an ninh, bảo mật máy tính trong tương lai.

Chi phí nâng cấp lên hệ điều hành khác vẫn là bài toán khó đối với nhiều người, cho nên họ tiếp tục sử dụng Window XP.

Hồi năm ngoái, một khảo sát do hãng an ninh mạng Kaspersky thực hiện cho thấy gần 40% người dùng Việt Nam vẫn sử dụng XP, bên cạnh một số lượng đáng kể ở Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria và một số quốc gia khác.

Trong số các tổ chức vẫn dùng XP có cả Hải quân Hoa Kỳ, tuy nhiên lực lượng này đã trả cho Microsoft hàng tỷ đô la để hưởng đặc quyền tiếp tục được cập nhật an ninh cho phần mềm này.

Máy chữ
151215191255_retro_gatgets_4_640x360_flickrjoey_nocredit.jpg

Sự ra đời của hoạt động đánh máy không phải là nhờ từ bàn phím máy tính, mà là từ máy chữ.

Tuy đã ra đời từ khoảng hơn 100 năm trước, máy chữ đến nay vẫn còn được dùng ở một số nơi, chẳng hạn như ở Sở Cảnh sát New York.

Hồi tháng Hai 2015, một dân biểu Hoa Kỳ đã muốn vận động thông qua dự luật cấm sử dụng máy chữ tại các đồn cảnh sát, nơi mà chúng hiện vẫn được dùng để gõ nội dung các bản báo cáo.

Chưa hết, các nhà tang lễ ở một số tiểu bang của Hoa Kỳ được yêu cầu phải gõ nội dung giấy khai tử bằng máy chữ, theo tạp chí Wall Street Journal. Thậm chí còn có cả một công ty ở New Jersey, Swintec, còn chuyên sản xuất các máy đánh chữ.

Cho nên ta chớ nên quá tin tưởng vào những thứ đồ chơi mới nhất. Cho dù một số công nghệ trông như đã lỗi mốt, đã trở nên cổ lỗ, thì vẫn có ai đó ở đâu đó vẫn còn đang sử dụng chúng theo những cách thức rất cũ.

BBC Future
 
×
Quay lại
Top