Nào chúng ta cùng hóa bọ

hmmmm

Thành viên
Tham gia
9/6/2014
Bài viết
6
UDBtBtl.jpg


Tôi cứ nghĩ mãi về thứ mình định viết, cái mình định nói. Đó kiên quyết nên là một câu chuyện có ý nghĩa với tôi, một câu chuyện đưa tôi đến một cái gì đó, một suy nghĩ nào đó, đưa tôi từ miền nóng sang xứ lạnh, đẩy tôi từ đỉnh núi xuống vực sâu, nói chung là một câu truyện nào đó mà nó đã tát tôi một cái đến tỉnh người. Thế là tôi chọn The Metamorphosis - Hóa thân.
The Metamorphosis là một truyện vừa có kết cấu đơn giản của nhà văn người Đức - Franz Kafka. Câu truyện vỏn vẹn thế này: Có một anh thanh niên tên là Samsa, anh ta làm bán hàng để nuôi cả gia đình gồm cha, mẹ và em gái. Một ngày nọ anh thức dậy và thấy mình biến thành một con bọ khổng lồ. Sau một thời gian được gia đình chăm sóc, nuôi nấng rồi ghẻ lạnh, anh chết như đúng vòng đời của một loài côn trùng.
Đấy, nói chung Hóa thân chỉ vỏn vẹn thế thôi, cốt truyện chẳng có gì nhiều bất ngờ, nhưng từ lúc nó ra đời đến nay, có lẽ nó đã tát cho biết bao nhiêu thế hệ những cú tát tỉnh cả người như tôi. Tôi thì mới tỉnh được phần nào thôi, những chỗ còn lại, có lẽ còn phải lớn nữa, lớn nữa rồi đọc lại, lúc đấy lại được tát thêm và tỉnh tiếp. Thế cho nên, hôm nay tôi chỉ xin nói về những gì tôi đã hiểu.
Ấy là cái chất kỳ ảo của Kafka đưa vào câu truyện siêu thực của mình, và rằng cái chất kỳ ảo có phần dị biến đấy đã đẩy một cốt truyện đơn giản như thế thành một bi kịch sống động và gần gũi với chúng ta biết bao nhiêu. Một con người bỗng biến thành loài côn trùng? Sẽ chẳng có một hình ảnh ẩn dụ nào hoàn hảo hơn thế để nói về sự tha hóa của loài người. Đúng thế, tôi đang nói về sự tha hóa của loài người, một chủ đề rất thơ phải không? Vậy mà Kafka đã lồng ghép một cách tinh xảo cái chất thơ đấy vào một câu truyện có thể khiến người đọc cảm thấy phải lợm giọng vì nó. Để rồi đến phút cuối, có lẽ phần nhiều sẽ nhận ra, mình cũng đã trở thành một con côn trùng như Samsa vậy.
Bi kịch dị biệt của Samsa có lẽ đến từ chính cuộc sống hàng ngày của anh. Cái cuộc sống mà trong đó, anh lăn lộn để kiếm sống cho cả gia đình. Một cuộc sống đều đều với một công việc tầm thường, vất vả nhưng không được coi trọng, hay nói đúng hơn, cuộc sống của Samsa trở thành một cuộc tồn tại mà ở đó, anh gánh trên mình cả gia đình bé nhỏ. Chính công việc đó, sự nhàm chán đó, cái vô vị đó đã bào mòn tâm hồn của Samsa, biến anh thực sự trở thành một con côn trùng cần mẫn trong lốt người. Sống nhưng chỉ để tồn tại, luồn cúi để qua ngày, vất vả để đổi lại sự yên thân. Samsa trở thành một người lao động điển hình trong xã hội, một người lao động không đẹp như những bài thơ chúng ta từng được học, mà là một người lao động trong một xã hội vị vật chất, một xã hội đòi hỏi người lao động phải biến chất để tồn tại, một xã hội lao nhanh đi hàng ngày như một chuyến xe mà ở đó, nếu không có chỗ ngồi đẹp, chúng ta phải nắm thật chặt dù chỉ một sợi dây để được kéo đi trên con đường đầy những hố ga và đá nhọn.
Và thế là trong một buổi sáng thức dậy, Samsa thấy mình trở thành một con bọ khổng lồ. Cái cách Kafka miêu tả nó mới gớm ghiếc, lớp bụng với những ngấn, những đốm trắng li ti, những cái chân mảnh bé xíu, lớp giáp cứng màu nâu, những chất nhầy tiết ra theo mỗi bước đi, hai cái nanh khổng lồ kèm theo thứ nước màu nâu chảy từ miệng. Ấy thế mà đứng trước hình hài ghê tởm của mình trước gương, điều Samsa nghĩ chỉ là mình sẽ bị trễ chuyến tàu đi làm ngày hôm nay mất. Đó chính là sự đắng cay, là bản chất của sự tha hóa: Chúng ta nhận ra mình tha hóa nhưng sự an phận có trong bản năng đã nhắc ta không muốn bị gạt ra cái guồng đang bào mòn phần người đấy.
Bi kịch của Samsa cũng đâu chỉ dừng lại ở đó. Điều cay đắng nhất với anh là khi ở trong lốt con bọ rồi, anh vẫn giữ nguyên những cảm thức của loài người. Anh từ chối ánh sáng, từ chối tiện nghi để chui rúc vào gầm ghế sofa, anh từ chối sữa và bánh mì mềm và ăn ngấu nghiến rau quả thối như một bữa tiệc, nhưng đâu đó trong những hành động vô thức của loài bọ, anh vẫn hướng về phần người của mình. Bi kịch của anh lúc này lại được đẩy lên cao độ khi phần người trong anh giằng xé với những bản năng của loài bọ. Vẫn nghĩ về gia đình, về giấc mộng ngọt ngào rằng đến Giáng Sinh này, anh sẽ thông báo cho người em gái rằng cô sẽ được đi học trường nhạc, với số tiền anh đã tiết kiệm sau biết bao năm. Trái tim của anh vẫn rộn ràng vì tiếng đàn vĩ cầm vang ra trong phòng khách, anh vô thức hướng đến nó như cố tìm lại trong lốt bọ của mình một chút tâm thức của giống người.
Và đây, nhắc đến gia đình là lại khơi ra thêm một bi kịch nữa - bi kịch của sự ruồng bỏ, mà sự ruồng bỏ ở đây, cay đắng hơn cả lại chính là sự ruồng bỏ từ chính gia đình. Những con người phút trước còn cần đến anh, bám chặt vào anh như những ký sinh trùng, phút sau bàng hoàng, hãi hùng vì hình hài của anh, để rồi những cảm giác đó dần biến chuyển thành sự ghẻ lạnh, xa lánh của bố, của mẹ. Họ vẫn đối xử tốt và quan tâm tới anh với một hy vọng ngày nào đó anh sẽ quay trở lại lốt người, nhưng khi công việc kiếm tiền và sự hoài nghi, chán nản dần dấy lên bên trong, họ quyết định bỏ mặc Samsa. Anh bị đẩy ra khỏi cộng đồng, đẩy ra khỏi quần thể xã hội một cách phũ phàng, không còn chút dấu vết. Gia đình giữ anh lại như một nghĩa vụ và họ vui mừng khi anh chết dưới lốt một con bọ.
Cảnh cuối truyện là khoảnh khắc cay đắng nhất, khi từng người trong gia đình hào hứng viết đơn xin nghỉ phép để có một ngày cùng nghỉ ngơi, đi dạo chơi ăn mừng sau cái chết của Samsa - người mà trước đó vài tháng còn từng là trụ cột của cả gia đình. Cái kết buồn đưa ra hai mặt trái ngược, Samsa với hồn người trong lốt bọ, và các thành viên trong gia đình là hồn bọ trong lốt người.
Sự tha hóa của con người luôn được chúng ta ca ngợi như những gì bi tráng nhất. Đôi lúc, tôi cảm tưởng như việc các bạn trẻ tự nói mình đã tha hóa, tự nói mình đã biến chất, đã trở nên tồi tệ và lên án đồng loại của mình cũng về sự tha hóa đó - giống như một xu hướng để khiến bản thân họ thú vị hơn. Tha hóa bỗng chốc trở thành một cái gì đó chứng tỏ sự "cool" của các bạn trẻ, thành cái dấu đỏ cộp mác để khiến bạn trở thành một người biết suy tư. Không, tôi nghĩ, tha hóa kinh tởm và hơn thế nhiều. Tôi không dám nói với tư cách một kẻ đã có nhiều trải nghiệm, tôi chỉ nói với việc là một người đứng ngoài, nhìn thấy sự tha hóa qua ngòi bút tưởng tượng của Kafka, ngỡ ngàng về sự chân thực của nó và nhận ra rằng: Ồ, nó đúng hết với những gì đang xảy ra hiện tại.
Chu trình hóa kiếp thông thường trong những huyền thoại xưa thường đưa chủ thể đến những cái kết có hậu, đó có thể là Người - Vật - Tiên, Vật - Người - Tiên, nhưng trong trường hợp này, Kafka đã đẩy Samsa vào một chu trình khép kín quái ác: Người - Bọ - Chết, một chu trình tuyệt vọng, đường cùng và không có lối thoát. Đó cũng dường như là dự cảm bi đát của Kafka về số phận loài người.

Theo Thatmah.com
 
công nhận bài viết hay thật! chắc bạn học văn giỏi lắm nhỉ :) hết sức thuyết phục luôn:KSV@05::KSV@09:!
 
×
Quay lại
Top