Năm 2016: Dự kiến học sinh được lựa chọn môn học

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
“Về mặt lý thuyết, đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phải đi trước rồi mới đến đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị vẫn đang được làm đồng thời. Môn ngoại ngữ đã đổi mới chương trình; sách giáo khoa đang triển khai ở những nơi có đủ điều kiện”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết khi giới thiệu về dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Như vậy, trong 9 định hướng đổi mới của đề án, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thực hiện thí điểm chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới từ năm 2016 – 2019.

508191120130924163033453.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển
Kiến thức bớt hàn lâm mà thực tế

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chương trình hiện nay bị quá tải không phải do nhiều kiến thức hoặc cao quá mà do hiện chỉ có một bộ SGK, nên muốn đảm bảo tính khoa học thì các môn học phải trình bày chặt chẽ, logic, bởi vậy một số kiến thức hàn lâm dù không thực sự cần thiết nhưng để chặt chẽ vẫn phải đưa vào.

Bên cạnh đó, chương trình xây dựng bị cắt khúc theo kiểu cấp trên – cấp dưới, các môn không liên thông nên kiến thức bị thừa. Mục tiêu giáo dục hiện nay theo hướng toàn diện, học sinh học như nhau nên không chú ý đến tính phân hóa, dẫn tới nặng về chương trình.

Do đó, đề án hướng tới tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục (mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục) theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học.

Để thực hiện những giải pháp nhằm chuyển từ giáo dục chủ yếu nhằm trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học, chương trình học mới sẽ xác định mục tiêu giáo dục con người vừa đáp ứng yêu cầu xã hội vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ thay vì chỉ chú trọng trang bị kiến thức; kết hợp hài hòa dạy người, dạy chữ và dạy nghề.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, phải đổi mới thi gắn với đổi mới chương trình (nội dung, phương pháp, kế hoạch, kiểm tra đánh giá). Khi chương trình mới đặt ra đổi mới kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, phản ánh chất lượng giáo dục theo tinh thần mục tiêu mới và có thể sử dụng kết quả đó vào việc tuyển sinh đại học, cao đẳng. Các trường được phép tự tuyển sinh, có thể sử dụng nhiều hay ít kết quả thi tốt nghiệp để làm nhẹ bớt tuyển sinh.

“Chương trình mới sẽ bớt tính hàn lâm”, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định.

Giảm môn học để giảm tải

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, quá tải là do mục tiêu coi trọng dạy kiến thức mà chưa chú trọng đến phương pháp. Khi coi trọng đến kiến thức thì giáo viên cố gắng nhồi nhét, dạy nhiều kiến thức, muốn như vậy thì phải đọc chép trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu dạy phương pháp thì trong thời gian đấy dạy ít kiến thức.

"Tóm lại, thiết kế chương trình đã gây quá tải, bên cạnh đó còn các yếu tố như cơ sở vật chất thiếu, tính thực hành ít, đội ngũ giáo viên năng lực hạn chế, phương pháp dạy học lạc hậu", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Do đó, thời gian tới sẽ đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học, tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học, theo phương châm “giảng ít, học nhiều”. Chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Nội dung giáo dục đổi mới theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực hành và vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Thiết kế nội dung giáo dục phổ thông theo hướng tích hợp cao các môn học ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn. Đa dạng hóa nội dung giáo dục nghề nghiệp theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ, hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Đổi mới nội dung giáo dục đại học theo hướng cơ bản, tích hợp các lĩnh vực kiến thức, kỹ năng và hiểu biết xã hội, tiếp cận thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Những chương trình như giáo dục đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đổi mới theo hướng tập trung vào những giá trị cơ bản của đạo lý dân tộc, đạo đức xã hội, trách nhiệm cộng đồng, những giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin; giảm tải phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề đào tạo. Dạy học ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng thực tế của người học…

"Theo chương trình đổi mới, hệ THPT sẽ chỉ có 3 môn học bắt buộc và 3 môn tự chọn, thay vì 13 môn học bắt buộc như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng và sở trường của học sinh, giúp các em học tập tốt hơn", Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói.

Lớp 10, giáo viên sẽ bước đầu định hướng nghề cho học sinh. Các em sẽ học 7 - 10 môn bắt buộc, còn lại là các môn và hoạt động giáo dục tự chọn nhằm giúp học sinh có nhận thức thấu đáo hơn các lĩnh vực kiến thức khác nhau, làm cơ sở cho việc định hướng nghề nghiệp sau này.

Lớp 11 và 12 là giai đoạn thực hiện phân hóa mạnh và hướng nghiệp cao. Học sinh học ít môn, trong đó có 3 môn bắt buộc (Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ) và 3 môn tự chọn (như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ, Khoa học về máy tính, Kinh doanh, Ngoại ngữ 2, Nghệ thuật, Hướng nghiệp...).

Phương pháp dạy học tích hợp, phân hoá sẽ đỡ được quá tải trong chương trình. Khi dạy tích hợp số môn học sẽ ít đi, nội dung được xem xét chu đáo không chồng lấn. Khi phân hóa lớp trên sẽ ít môn học bắt buộc và nhiều môn tự chọn. Về mặt chương trình thì có nhiều nội dung nhưng đến từng học sinh thì ít hơn bởi các em được lựa chọn. Nó sẽ phát huy được năng lực riêng của từng học sinh.

Khi dạy học tích hợp giáo viên và học sinh sẽ phải vận dụng kiến thức một cách tổng hợp, từ đó, năng lực áp dụng kiến thức vào thực tế sẽ cao hơn chứ không phải học toán biết toán, văn biết văn - kiến thức nhiều mà không biết vận dụng. Kiến thức bớt hàn lâm mà thực tế. Đáp ứng được mục tiêu giáo dục là không chỉ trang bị kiến thức cho học sinh mà hướng tới việc học sinh làm được gì sau khi học, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu lên những ưu điểm tích cực khi thực hiện theo đề án này.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận, hiện quan niệm kiểm tra đánh giá đang bị hạn hẹp. Do đó, bên cạnh quan niệm mới là trong quá trình dạy học giáo viên phải phát hiện những nhân tố tốt để động viên khuyến khích, khó khăn để hướng dẫn các em vượt qua kịp thời. Thông qua đó điều chỉnh phương pháp, nội dung giảng dạy để giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập, hướng tới kết quả chắc chắn.

Một kiểu đánh giá nữa là trên diện rộng, không nhằm vào từng đối tượng học sinh cụ thể. Các em có thể làm đề khác nhau, nhưng tổng hợp lại học sinh làm được gì, phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng học sinh như chất lượng đầu vào, phương pháp dạy học của giáo viên, phương pháp quản lý của nhà trường... Khi tìm ra được mối tương quan giữa yếu tố tác động và kết quả, sẽ tìm cách tác động vào những yếu tố đó để thay đổi, hướng đến kết quả tốt hơn cho thế hệ sau.

Cấp học

Chương trình hiện hành

Chương trình sau 2015 (dự kiến)

Tiểu học

11 môn học + 3 hoạt động

3 - 6 môn học + 4 hoạt động

THCS

13 môn học + 4 hoạt động

8 môn học + 4 hoạt động

THPT

13 môn học + 5 hoạt động

3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (lớp 11 và 12)
Theo QDND
 
×
Quay lại
Top