Mùa thu lá bay - Quỳnh Dao

Chưa đến ba giờ chiều, Vân Lâu đã ngồi yên trong phòng trà Nhã Khí. Tựa lưng vào ghế chàng nghĩ ngợi bâng quơ. Trên tay chàng một bức họa cuốn tròn. Ly cà phê trước mặt không ngừng bốc khói. Những cuộn khói nhẹ bay bổng lên cao rồi lững lờ tan biến. Ly cà phê lạnh dần. Đầu óc Vân Lâu miên man với bao ý nghĩ, gương mặt chàng tái xanh, đôi mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ.
Có tiếng nhạc vang lên. Bản Khúc ca xứ Ấn đươc độc tấu bằng dương cầm. Những âm thanh nhẹ vươn lên, Vân Lâu bàng hoàng tựa đầu vào thành ghế, xót xa nhắm chặt mắt lại, lắng nghe khúc nhạc quen thuộc ngày nào. Từng tiếng nhạc như từng mũi sắc nhọn đâm sâu vào tim.
Hàn Ni! Nhắm mắt lại, tim Vân Lâu gào thầm. Trời ơi! Sao tàn nhẫn thế? Bao nhiêu nghị lực, tự tin tan rã hết. Vân Lâu như chiếc thuyền con phiêu bạt giữa giòng biển mông mênh.
Có tiếng gót giày tiến đến gần, rồi ngừng ngay bên cạnh. Vân Lâu thở dài ngẩng đầu lên. Như một ảo tưởng, chàng vội vàng nhắm mắt lại. Tiếng nhạc vẫn vang trong phòng. Hàn Ni! Em đang trêu anh đấy à? Đừng để cho tái tim khô héo anh nở hoa hy vọng. Nghị lực anh đã tàn rồi, không đủ khả năng để chấp nhận một lần tuyệt vọng nữa đâu!
- Anh... Làm sao thế?
Có tiếng gọi vang bên tai. Vân Lâu giật mình nhìn lên, chàng lấy hết can đảm còn lại để đối diện với người con gái. Một khuôn mặt bình thường không son phấn, không hoa tai, mái tóc xõa dài với chiếc áo xanh bình dị. Nàng đứng cạnh, nụ cười trên mắt. Hàn Ni! Vân Lâu gọi thầm. Môi mím chặt để tiếng gọi khỏi tuôn ra khỏi miệng. Đây là Hàn Ni! Nhất định là Hàn Ni! Phấn son không còn thì không còn gì nghi ngờ nữa.
- Sao? Anh không mời tôi ngồi à?
Người con gái lạ lùng nhìn nét mặt khổ sở của Vân Lâu.
Đầu Vân Lâu nhức như búa bổ:
- À! Tha lỗi cho tôi... à mà tôi nên gọi cô bằng gì nhỉ?
Tiểu My ngồi xuống gọi ly cà phê với nụ cười:
- Hôm qua anh gọi tôi là cô Tiểu My, nếu bây giờ anh chỉ gọi tên thôi, chắc tôi cũng không phản đối. Anh lạ thật, sao lại lắm trò thế?
- Tiểu My? Chắc chắn là cô chỉ có một tên Tiểu My thôi phải không?
Tiểu My ngạc nhiên:
- Anh nói thế là thế nào? Không lẽ bắt buộc tôi phải có thêm một cái tên thứ hai nữa à?
Vân Lâu nhìn thẳng vào mắt Tiểu My:
- Tôi nghĩ là cô phải có.
- Tại sao?
- Vì cô phải có một cái tên khác.
- Anh này lạ thật, sao anh lại nói chuyện gì lạ thế?
Mắt Vân Lâu vẫn nhìn chòng chọc vào mắt Tiểu My:
- Tôi biết chắc cô chẳng phải tên Đường Tiểu My mà tên thật cô là Dương Hàn Ni!
- Nói bậy! Tiểu My khó chịu - Tôi rất tiếc là phải hoang phí thời giờ đến đây một cách vô ích. Tôi nghĩ có lẽ bộ óc của anh bị “mát” rồi. Nếu không có chuyện gì để nói, tôi... xin chào anh!
Vân Lâu quên bẵng phép lịch, chồm tới nắm tay Tiểu My:
- Khoan! Cô khoan đi!
- Ông Lâu ạ, ông làm tôi sợ.
Vân Lâu vội vàng xin lỗi:
- Xin lỗi, xin cô tha thứ cho... Thật ra tôi bị cô làm bối rối.
- Ông mới làm tôi bối rối chứ! Có chuyện gì ông muốn nói với tôi không?
- Có!
- Vậy thì nói đi!
Vân Lâu im lặng đưa mắt buồn buồn nhìn Tiểu My.
- Sao? Tại sao anh không nói gì cả thế?
- Vâng, bây giờ tôi nói đây, nhưng không biết phải bằt đầu thế nào. Vân Lâu xoa trán - Hay là... Để tôi cho cô xem món này trước nhé!
Vân Lâu đưa bức họa cho Tiểu My.
- Cô mở ra xem.
Tiểu My lạ lùng đỡ lấy bức họa, nhìn Vân Lâu, rồi chậm rãi trải bức họa ra. Tiểu My mở to mắt ngạc nhiên. Không phải chỉ có một bức mà là khoảng mười bức, bao gồm loại tranh cảnh, phác họa, tranh sơn dầu... Tất cả đều có chung một người mẫu, một mái tóc dài, một khuôn mặt hồn nhiên thoát tục... Nét họa thật sống động. Tiểu My càng nhìn càng bị cuốn hút vào tranh. Lạ thật! Ngẩng lên, Tiểu My trố mắt nhìn Vân Lâu:
- Tất cả đều là do anh vẽ cả à?
Vân Lâu gật đầu, Tiểu My mở to mắt:
- Anh vẽ tôi à? Từ bao giờ mà tôi chẳng hay thế?
Vân Lâu nhìn thẳng vào mắt Tiểu My:
- Tôi họa được hơn trăm bức, trong đó chỉ có mười mấy bức này là khá hơn cả. Cô có chắc người trong tranh là cô không?
Tiểu My có vẻ khó hiểu:
- Giống tôi lắm. Nhưng tại sao có chuyện này?
Vân Lâu chậm rãi đáp:
- Người trong tranh này có tên là Hàn Ni. Tôi nói thế cô có nhớ được gì chăng?
Tiểu My lắc đầu:
- Nhớ cái gì? Tôi không hiểu ý ông muốn nói gì cả.
- Cô có nhớ chuyện nửa đêm cô xuống lầu ngồi đàn, tôi đã lẳng lặng ngồi nghe và bản nhạc “Không Bao Giờ Xa Nhau” Cô thường hát không? Cô có nhớ đến lời thề khi chúng ta cùng dạo nơi bãi biển, nhớ những buổi hoàng hôn, những đêm thanh, những buổi sáng đẹp trời ra không rời nhau không? Em có nhớ lời thế, sống sẽ là của anh mà chết đi rồi hồn vẫn bên anh không? Em có nhớ bản “Mộng Tưởng Khúc” chứ?
- Thôi, tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi!
Tiểu My cắt ngang những câu hỏi lẩm cẩm, khiến Vân Lâu mừng rỡ vì hiểu lầm:
- Em hiểu ra rồi à? Em đã biết mình chính thật là Hàn Ni rồi chứ?
Tiểu My lắc đầu:
- Không, không phải. Tôi hiểu ý anh rồi, nhưng tôi không phải là Hàn Ni, có thể chúng tôi giống nhau và anh đã nhìn lầm anh Lâu ạ.
- Không thể nào có chuyện lầm lẫn được! Tay chàng vồn vã giữ lấy tay Tiểu My, như sợ rằng nàng biến đi mất - Nghĩ lại cho kỹ xem, Hàn Ni! Có thể em đã đánh mất dĩ vãng từ sau cơn bệnh nặng. Không phải không có chuyện như thế xảy ra đâu. Tiểu My... Riêng về chuyện em đột nhiên biến thành Tiểu My thì chuyện đó chúng ta sẽ tìm hiểu sau. Bây giờ, em thử nghĩ lại, nghĩ thật kỹ xem... Biết đâu... Không lẽ em không nhớ một tí xíu nào cả sao?
- Anh Lâu, tôi đã bảo anh tôi không phải là Hàn Ni, tôi cũng không bị mất trí lần nào cả, tôi nhớ tất cả mọi việc xảy ra bắt đầu từ lúc tôi lên bốn. Ngay từ thuở nhỏ tôi rất khoẻ mạnh, ít khi bị cảm cúm nữa chứ đừng nói chi đến bệnh ngặt. Cha tôi không phải là ông Dương, cha tôi là Đường Văn Khiêm, một nhà soạn nhạc bất đắc chí. Anh hiểu không? Đừng có gán cho tôi là Hàn Ni, chưa bao giờ tôi lại gặp chuyện hoang đường thế này.
Tiểu My cuộn tròn những bức họa lại, đặt trước mặt Vân Lâu, sự bực mình hiện rõ trên mắt nàng.
- Như vậy là kể như xong rồi, phải không anh? Mong rằng từ rày về sau anh đừng quấy rầy tôi nữa.
Vân Lâu nài nỉ:
- Khoan, cô My, cô đợi một chút, chúng ta có thể nói thêm một tí chứ?
Tiểu My tựa người vào ghế, nhìn thằng Vân Lâu, gã con trai trước mặt có vẻ bê bối đến độ buồn cười. Gã nầy điên rồi chắc! Nhưng nhìn ánh mắt van xin của gã, nàng lại không đành lòng bỏ đi, nâng tách cà phê lên, hớp một hớp nhỏ, Tiểu My hỏi:
- Anh còn gì để hỏi tôi nữa không?
- Còn cô, cô có biết đánh đàn không?
- Biết, biết tí ti.
Ánh mắt Vân Lâu chợt sáng:
- Đấy thấy không, cô cũng biết đánh đàn!
- Điếu đó có gì lạ đâu? Lúc còn học ở trường, nhà nghèo tuy không mua được đàn dương cầm... Đúng ra thì có một chiếc nhưng quá cũ, cha tôi cũng đã bán nốt. Vào trường, trong những giờ ra chơi, tôi đã học lóm với chiếc dương cầm của nhà trường, tôi biết đàn nhưng không hay lắm vì anh cũng biết muốn giỏi phải luyện luôn, mà nhà không có làm sao đàn cho hay được.
- Thế lúc xưa cô học ở trường nào?
- Ở trường trung học ngoài phố đó. Sau khi đậu xong tú tài... Tôi mới nghỉ học hai năm nay thôi. Nếu thấy cần, anh có thể đến đấy hỏi. Suốt sáu năm học, tôi chỉ dùng có mỗi một tên Tiểu My thôi. Hay là, cô bạn gái của anh cũng học ở đấy?
Tia hy vọng trong mằt Vân Lâu chợt tắt, chàng cúi đầu nhìn xuống:
- Không, cô ấy không đi học.
Tiểu My cười:
- Đó anh thấy không, tôi đâu phải là người yêu của anh được? Không thể nào chấp nhận một sự ngộ nhận tai hại như thế được.
- Nhưng cô giống như đúc người tôi yêu, không khác một tí nào cả.
Tiểu My lắc đầu:
- Trên đời này không thể nào có chuyện hai người hoàn toàn giống hệt nhau được, có lẽ vì anh yêu cô ấy quá nên lầm lẫn chăng? Nhìn Vân Lâu, đột nhiên Tiểu My tò mò - Cô ấy dáng dấp ra sao?
- Ai?
- Cô bạn anh đó, nàng bỏ rơi anh à?
Vân Lâu tựa người vào ghế, ngẩng đầu lên nhìn trần nhà, dưới nền vải đỏ lấp lánh ánh kim tuyến có những ngọn đèn nhỏ.
- Nàng đi đâu, anh có đi tìm không?
Vân Lâu nhắm mắt lại:
- Tôi tìm mãi không được, người ta cho tôi biết là nàng đã chết rồi.
- À, thì ra thế và chuyện của anh chỉ có thế?
Tiểu My nhìn Vân Lâu cảm phục, sự chung tình của gã con trai làm cho nàng xúc động. Nàng không biết nên nói thêm điều gì,
Vân Lâu mở mắt ra nhìn người con gái trước mặt với nụ cười đau khổ. Đây là Tiểu My chứ chẳng phải là Hàn Ni. Thượng đế thật oái oăm, tạo nên chi một khuôn mặt nhưng hai con người khác hẳn nhau.
- Chuyện của tôi giản dị lắm phải không? Nhưng tôi mong rằng câu chuyện này sẽ không bị kết thúc một cách tức tưởi như vậy. Phải có một phép lạ và tôi đang đợi chờ phép lạ đó đây.
- Vì anh đợi chờ nên anh đã gặp tôi và cứ tưởng như phép lạ xuất hiện?
- Con người trong lúc đau khổ bao giờ cũng hy vọng, và với cô, ngay bây giờ tôi cũng không hiểu mình nên tin gì... Ban nãy cô đã nói là trên đời này không thể nào có hai gương mặt hoàn toàn giống hệt nhau, đó là chưa kể đến việc giữa cô và Hàn Ni hoàn toàn khác huyết thống. Khó hiểu quá!
Tiểu My cười:
- Anh đã đi quá xa rồi!
Vân Lâu đột nhiên hỏi:
- Cô có sẵn lòng đến thăm mẹ Hàn Ni không? Để xem tại tôi rối trí nhìn lầm, hay thật tình cô giống Hàn Ni thật?
Nụ cười trên môi Tiểu My chợt tắt:
- Thôi, chuyện của anh đã qua rồi, tôi không muốn dây vào việc riêng của anh nữa, đừng kéo tôi vô. Nhớ là tôi tên Đường Tiểu My, một ca sĩ, một thứ nghề nghiệp trang điểm cho đời sống, chứ không phải thần tượng của anh, một cô gái xuấp thân từ một gia đình nề nếp, có lẽ tôi nghĩ chẳng sai chứ?
- Vâng.
- Anh biết tôi xuất thân từ đâu không? Cha tôi là một nhạc sĩ, đó là tước hiệu do chính ông tự phong cho mình, nhạc của cha tôi không hề được ai thưởng thức, mẹ tôi đã mất ngay từ khi tôi vừa chào đời... Sống bên cạnh cha, tôi đã nhiễm tật say mê âm nhạc của ông. Nhưng đời sống tôi khổ cực lắm, từ năm lên bảy lên tám tôi đã phải đảm đang tất cả việc nhà, phải phục dịch cho một người cha suốt đời say rượu chè... Tiểu My cười đầy cay đắng. Đấy anh thấy không, tôi làm sao có thể là Hàn Ni của anh cho được? Nhìn bức họa là tôi hiểu ngay người con gái anh yêu phải là một cây kiểng trong nhà kính, còn tôi? Tôi chỉ là loài cỏ dại dập dìu qua bao trận gió mưa. Ngay từ khi còn bé tôi đã biết rõ số mệnh của đời mình. Thế mà tôi không hiểu sao anh lại có thể lầm lẫn khi khác nhau một trời một vực như thế này được.
Đúng như lời nàng nói, Tiểu My không phải là Hàn Ni, hoàn toàn không phải. Từ câu chuyện kể lể thật tình, từ thái độ cương quyết, Vân Lâu đã nhìn ra sự khác biệt. Một người trưởng thành trong cơn bão táp, một người yếu đuối như sợi tơ mềm. Hoàn toàn khác xa nhau! Vân Lâu gật gù:
- Nếu cô không thích thì thôi vậy, tôi cũng không dám làm phiền cô nữa.
- Vậy là kết thúc nhé!
Vân Lâu yên lặng, Tiểu My hỏi:
- Được không?
- Tôi xin tôn trọng ý cô, nếu sự hiện diện của tôi làm cô khó chịu thì tôi sẽ cố gắng không làm phiền cô nữa.
Tiểu My cười:
- Tôi cũng không khó chịu chi lắm, có điều tôi không thích ai cứ mãi tìm bóng dáng của một người khác trên cơ thể tôi.
Vân Lâu chợt hiểu. Tự ái người con gái cứng cỏi dễ yêu.
- Tôi hiểu ý cô, và tôi sẽ cố gắng không làm cô khó chịu.
Nâng ly cà phê lên Tiếu My chợt thấy hối hận, hối hận về những lời khước từ thẳng thắng ban nãy của mình. Với nụ cười khỏa lấp nàng nói:
- Anh cũng đừng nên đến đấy thường, vì đúng như anh đã nói, ở đấy không phải là chỗ để nghe nhạc.
Vân Lâu thở dài:
- Thế tại sao cô làm ở đấy?
Tiểu My cười buồn:
- Đời sống là một sự bắt buộc. Đã có một thời tôi mơ trở thành một ca sĩ lừng danh, tôi đã luyện tập hết mấy năm. Mỗi tối nằm nhắm mắt lại là mơ thấy tiếng hát của mình vang đến tận cùng thế giới. Không ngờ... bây giờ tôi lại hát trên bục gỗ. Đặt ly nước xuống thở dài, Tiểu My tiếp - Sự thật bao giờ cũng tàn nhẫn, phải không anh. Thôi tôi về, tối nay tôi phải hát ở ba nơi khác nhau.
- Trước khi đi, xin phép cô cho tôi nói mấy câu. Vì cô không muốn tôi gây phiền phức cho cô nên có lẽ tôi sẽ không đến đây tìm gặp cô nữa, có điều tôi muốn xin phép cô một việc, Hàn Ni đối với tôi là cả một thế giới, tôi yêu người con gái đó say đắm, nhưng tội quá, nàng đã chết sớm. Cô tuy không liên hệ với Hàn Ni, nhưng có một gương mặt giống hệt vì vậy dù mới quen sơ, tôi vẫn có cảm giác như cô là một người bạn thâm giao...
- Rồi sao nữa?
- Tôi muốn cô đừng hiểu lầm tôi tuộc loại đàn ông tán nhảm. Nhưng khi nghe cô hát tôi nhận xét là cô đừng nghĩ rằng khi mình trình bày một bản nhạc với tất cả tâm hồn như thế là không có người thưởng thức. Không nên cúi đầu trước đời sống, cũng đừng có mặc cảm tụ ti. Giọng ca của cô cũng giống như chính người cô: Cao quý và thành thật.
Mắt chớp nhanh, Tiểu My muốn khóc, nàng đứng dậy, nàng phải đi ngay để khỏi phải khóc trước mặt gã con trai xa lạ.
- Cám ơn, thôi chào anh.
Vân Lâu ngồi yên, nhìn theo dáng hấp tấp của người con gái, chàng thở dài.
 
Đời sống kéo dài mãi thế này thật đáng chán! Tiếu My lẩm bẩm, rồi ném chiếc bút kẻ mắt lên bàn. Nàng mặc chiếc áo trình diễn vào, chiếc áo do nàng may lấy, màu tím, thắt lưng bạc. Ngắm người trong kính, nàng thấy nàng yếu đuối làm sao! Đi hát mới mấy thàng mà đã gầy thấy rõ.
- Đây không phải là nếp sống của ta.
Quét nhẹ lớp phấn lên mặt, Tiểu My nhớ lại câu nói của Vân Lâu bảo là đời ca hát chẳng thú vị tí nào cả mà nàng ngán ngẩm. Nhưng hắn cũng dễ thương đấy chứ?
- Làm gì mà ngồi thờ thẫn thế kia, nhanh lên đi, tới phiên bồ rồi đấy!
An Kỳ, một ca sĩ bạn lên tiếng làm Tiểu My giật mình.
- Vậy hả?
An Kỳ là ca sĩ đàn chị của Tiểu My.
- Bồ biết khán thính giả họ thích gì không? Lúc hát bồ phải nhún nhảy, điệu bộ như khiêu khích họ mới thích. Tám phần mười ở đây là đàn ông, họ đến để nhìn, để ngắm ca sĩ cho đáng đồng tiền chớ đâu phải để nghe nhạc đâu.
- Chán thật!
- Bồ phải tập cho lưng mềm một chút. Như chuyện ông Tổng Giám Đốc tối hôm qua mời bồ đi ăn chẳng hạn. Ông ấy là một tay có tên tuổi trong giới doanh thương, tại sao bồ lại từ chối? Làm thế làm sao nổi được. Ai nâng đỡ cho bồ? Ở đây không phải là trường học, không phải hát hay là được tán thưởng ngaỵ Người ta tung tiền ra, người ta phải được hưởng trọn thú vui chớ, họ đâu cần hiểu nghệ thuật là gì!
- Buồn thật.
- Đời sống là vậy đó, ai bảo bồ bước vào con đường này làm gì? Ở đây rất nhiều người hát không hay mà vẫn được nổi tiếng. Tại sao? Vì họ dễ dãi, họ biết chiều khách hơn chúng ta, bồ hiểu chưa?
Tiểu My cười nhạt, không đáp.
Có tiếng cô Lý, người phụ trách chương trình, gõ cửa:
- Tiểu My ơi, tới phiên My hát rồi đấy nhé!
- Vâng.
Tiểu My vén áo bước ra khỏi phòng trang điểm, đến sau bức màn nhung. Người xướng ngôn viên khẽ vén màn nhìn ra ngoài, vì cô ca sĩ đang hát đoạn chót của bản nhạc. Quay sang Tiểu My, cô xướng ngôn viên nói:
- Này My nhìn xem, có một người thật lạ, hắn chỉ đến vào lúc My hát và bỏ ra ngay khi My bước vào. Phí tiền mua vé vào chỉ để nghe một người hát thì cũng lạ. Hắn là bạn My à?
Tim Tiểu My đập nhanh:
- Đâu? Hắn đâu?
- Ghế cuối cùng hàng thứ ba đấy!
Tiểu My vén màn nhìn ra, ánh đèn chiếu ngược lên sân khấu, khiến cho việc nhìn xuống những hàng ghế thính giả thành khó khăn, nhất là những hàng ghế ngoài cùng. Tuy không nhìn thấy rõ, nhưng trực giác cho Tiểu My biết ngay đấy là ai.
- Có lẽ chị lầm rồi, làm gì có người chỉ đến để nghe có một mình em hát?
- Không, chỉ tại hắn đến vào giờ My hát và bỏ về ngay lúc My hát xong nên tôi mới để ý chớ.
- Mỗi ngày ông ấy đều đến cả à?
- Không hẳn như vậy, cô có quen hắn không?
- Không, em không quen... Làm gì có chuyện vô lý như vậy được.
- Tôi để ý nhiều lần rồi, chắc hắn cảm nặng My rồi đấy.
Người nữ ca sĩ trên sân khấu đã trở vào và Tiểu My bước ra. Bao nhiêu ánh đèn đỏ dồn lên người nàng. Vừa nóng vừa chói, Tiểu My không nhìn thấy gì bên dưới cả, nhưng nàng biết có bao nhiêu cặp mắt đang đổ dồn về sân khấu ngắm nghía nàng. Mỗi cử động là một sự cân nhắc, bản nhạc “Hồi tưởng khúc” vang lên.
Bản nhạc vừa dứt, tràng pháo tay rời rạc vang lên. Những tiếng vỗ tay mà Tiểu My mong mỏi đón nhận thật nhiều. Nhưng mấy tháng trời sống bằng nghề ca hát, Tiểu My mới hiểu rằng, muốn được tán thưởng nhiều không phải chỉ cần cố gắng hát hay là được mà nó còn đòi hỏi những tiểu xảo khác, điều đó khiến nàng nản chí. Mỗi lần hát xong một bản là Tiểu My lại than thầm với lòng mình:
- Ta không thích hợp với nếp sống này, không khí này càng ngày càng làm mình thấy cô đơn hơn thôi.
Phải chăng đó là một lời tự trách, phiền muộn? Tiểu My cũng không phân tích được tâm trạng mình, nàng cũng không buồn phân tích làm chi. Mặc nó, hát để sống, thế thôi!
Nhưng hôm nay nàng không còn tâm trạng đó nữa. Một thứ tình cảm chân thành, xúc động từng huyết quản, bàng bạc trong tim. Tiểu My thấy thích hát lạ lùng, hát thật to để giải tỏa bao nhiêu uất ức trong tim. Bản “Hồi tưởng khúc” vừa dứt, Tiểu My bỏ ý hát tiếp bản đã chọn, và nàng bắt đầu trở lại với một bản hoàn toàn ngoài chương trình.
”Em như mây trời ngàn năm bay mãi
Em mơ một ngày dừng bước phiêu du
Nhưng gió phiêu bồng đưa bước em đi
Nên áng mây trời còn bay bay mãi
Em như mây trời ngàn năm bay mãi
Nhìn xuống cuộc đời ôi sao buồn hiu
Thầm nghĩ sống đời chỉ là gian dối
Nên lòng u buồn như lá mùa thu
Em là mây trời ngàn năm bay mãi
Em mong một ngày ngơi nghỉ bình yên”
Tiểu My hát với tất cả say mê. Bước chân vào phòng trà, đây là lần đầu tiên nàng hát xuất thần như vậy. Nhưng tiếng vỗ tay vẫn thưa thớt, nơi đây đúng là nơi không phải để cho người nghe nhạc. Bất giác Tiểu My đưa mắt nhìn xuống hàng ghế thứ ba, ánh đèn sáng chói chiếu ngược lại sân khấu chận lấy tia nhìn. Tiểu My không nhìn thấy gì cả. Đúng là hắn không? Bản nhạc thứ ba trong chương trình bắt đầu...
”Em sẽ ca một bản nhạc
Mà lời là thơ anh... “
Tiểu My cúi đầu chào khán giả, nàng không quên liếc nhanh xuống hàng ghế thứ ba. Khi ra khỏi bức màn nhung cô xướng ngôn viên bước đến chỉ cho Tiểu My thấy:
- Xem kìa! Hắn đã bỏ đi rồi kìa!
Tiểu My đưa mắt nhìn theo. Quả thật, có một người đàn ông đang đứng lên bỏ đi. Tiểu My xúc động. Vì tiếng hát của mình mà hắn đến đây hay hắn chỉ tìm người yêu của hắn qua hình dáng của ta? Trở về phòng trang điểm, đứng ngắm mình trong gương, nàng thấy gương mặt mình vừa xa lạ vừa mệt mỏi.
An Kỳ chưa đi, nàng đang ngồi bên cạnh yên lặng hút thuốc chờ đợi bạn trai đến đón. Nhìn vẻ bơ phờ của Tiểu My, An Kỳ nói:
- Đúng ra Tiểu My không nên hát hai bản nhạc đó. Bản “Nụ hôn buổi tối” hay “Những Câu chuyện không ai quên được” mới thích hợp với nơi này, hoặc “Con sông đào hoa”, “Tình ca dưới trăng” cũng được.
Tiểu My cười buồn ngồi xuống tháo hoa tai và vòng cổ đặt xuống bàn. Dù An Kỳ đã hết lòng chỉ bảo những tiểu xảo cần thiết cho nghề nghiệp. Tiểu My chỉ biết ngồi cười, không có một phản ứng. Nàng bước ra sau bình phong thay áo, tiếng ồn ào bên ngoài ùa vào theo những bước chân vội vã của mấy cô vũ nữ, Tiểu My cảm thấy lạc lõng. Không hiểu cuộc đời này rồi sẽ đến đâu?
Có tiếng gõ cửa rồi giọng nói của một chiêu đãi viên:
- Chị My ơi có thư này!
Tiểu My bước ra mở cửa, cô chiêu đãi đưa thư:
- Có một ông bảo đưa thư này cho chi...
Tiểu My hồi hộp tiếp lấy thư. Nếu không phải là thư của ông giám đốc Hinh thì hay biết mấy. Mở thư ra, bất giác Tiểu My sững người. Trên trang giấy không có chữ viết, mà chỉ có độc nhất một đóa sen đơn sơ. Nơi góc tờ giấy, hai chữ Vân Lâu thật nhỏ.
- Của ai thế này?
- Của một ông khách bảo trao cho chị, xong bỏ đi mất rồi!
- Thế à!
Tiểu My thắc mắc trở về phòng, ngắm nghía mảnh giấy. Tại sao lại vẽ thế này? Nghĩa gì đây? Mẫn Vân Lâu, gã con trai kỳ quặc! Trải tờ thư lên bàn, chăm chú nhìn đóa hoa, mắt Tiểu My chợt sáng khi nhớ lại bài “yêu Hoa Sen” thuở còn đi học.
“Mặc cho người yêu mẫu đơn, tớ vẫn thích loài sen hơn, tinh khiết, trong sạch, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Nụ hương thơm ngát dáng dấp và bình thản, khiến người yêu quí nể vì...”
Phải chăng ý của anh chàng muốn ví ta với cánh sen? Cùng một ý nghĩa trong sách? Một thứ tình cảm dễ chịu len vào hồn. Xếp mảnh giấy bỏ vào ví, Tiểu My đứng dậy bước ra cửa.
Liên tiếp mấy hôm liền, Tiểu My có cảm giác nôn nao mỗi lần sắp đến giờ trình diễn. Lòng nàng không còn phiền muộn chán nản mỗi lúc bước lên bục gỗ. Tiếng hát đã có tri âm, và nàng có thói quen hỏi cô xướng ngôn:
- Ông ấy hôm này có đến không?
Khi câu hỏi đã được xác định như ý là tiếng hát lại vút cao. Trong ánh mắt sáng, Tiểu My hát say sưa, hát với tất cả tâm hồn.
Còn nếu câu trả lời là một cái khoát tay, thì tiếng hát là một phiền muộn não nề. Ánh đèn chói chang trong phòng trà ngập đầy cảm giác thê lương, cổ họng như tắc nghẹn. Tiểu My lúc bấy giờ chỉ còn là một cái máy biết hát.
Ngày dài rồi cũng trôi qua. Bằng tiếng hát Tiểu My đưa tiễn thời gian dần dần đi. Mùa đông qua rồi xuân tới. Mùa xuân mang đến niềm vui và hy vọng. Tiểu My đang ở tuổi căng đầy mạch sống. Càng lúc nàng càng cảm thấy mình thích mộng mơ, bây giờ tiếng hát không còn là một việc làm bắt buộc, mà nó đã trở thành một dâng hiến, dâng hiến cho riêng một người. Ai đấy? Tiểu My cũng không dám nghĩ. Nhiều lúc nàng tưởng tượng như chính mình là một cành hoa tươi mát. Mỗi một cánh đều ngập đầy ánh nắng và mùa xuân.
Mỗi đêm, khi hát xong bản nhạc và cuối cùng, lúc trở về gian nhà nhỏ đầy bóng tối và gió lạnh, là Tiểu My lại thẫn thờ. Nhà là nơi duy nhất để cho Tiểu My cảm thấy được an ủi, bình yên sau những giờ mệt nhọc, thế mà bây giờ nàng bỗng thấy xa lạ quá. Một gian nhà kiểu Nhật ba gian, vách giấy đã được Tiểu My biến đổi thành vách gỗ. Chắc chắn và sạch sẽ hơn, đỡ tốn kém hơn sau những cơn say thường xuyên của cha. Ba gian liền, Tiểu My và cha mỗi người ở một gian, gian còn lại là phòng khách. Nhưng khách thì năm thì mười họa mới đến một lần. Do đó nó trở thành một nơi vắng lạnh, chỉ dành riêng cho cha Tiểu My đối thoại với chai rượu nồng. Cha Tiểu My, một người cha yêu quí mang đến cho nàng bao nhiêu niềm vui, bao nhiêu an ủi, nhưng cũng mang đến cho nàng thật nhiều phiền muộn. Lúc ông Đường Vân Khiêm chưa có rượu vào, đầu óc còn minh mẫn, ông cũng biết điều đó. Hơn một lần ông đã nắm lấy tay con gái buồn rầu bảo:
- Con, cha hứa với con là cha sẽ bỏ rượu cha sẽ cố gắng làm ăn đàng hoàng để mang tiền về nhà hầu đem lại hạnh phúc cho con. Ngay ngày mai, cha sẽ bắt đầu làm lại cuộc đời.
Tiểu My nhìn cha yên lặng. Nàng biết rằng lời hứa của cha chỉ có nghĩa trong mấy giây đồng hồ. Quả nhiên mấy tiếng đồng hồ sau Tiểu My lại mục kính cảnh ông Khiêm tay ôm bình rượu nghêu ngao bước về.
- Tiểu My này... Con hãy nhìn đây... Cha là một đại nhạc sĩ. Cha đang điều khiển cả một ban nhạc đại hợp tấu. Họ đang hợp tấu bản Khúc Nhạc Đêm Khuya của ta kìa, con có nghe không?
Đôi tay ông Khiêm nâng cao, như đang ôm đàn trong tay... Miệng nhái giọng kèn ồ ồ độc tấu bản “danh khúc” của ông, mãi đến lúc mệt mỏi lăn ra ngủ mới thôi.
Đời sống của ông Khiêm ngập đầy những giấc mộng của cơn say. Đến khi tỉnh dậy, lại hối hận lại khóc than buồn khổ...
Một gia đình như thế có hạnh phúc chăng? Có phải là nơi để nghỉ ngơi khi mệt mỏi? Đêm nào trở về không gặp lúc cha ngủ yên, là gặp lúc ông say be bét, lúc lại vắng lạnh vì ông không về. Tiểu My như một kẻ tội đồ lúc nào cũng chịu đựng trong câm nín.
Mùa xuân đến, cánh hoa đào ngoài cửa nở rộ, mùi thơm là vị xuân độc nhất trang điểm cho gian phòng Tiểu My. Tựa người vào cửa, ngửi lấy không khí ngát hương, nghĩ ngợi một chút về bao nhiêu ảo tưởng, khuôn mặt trẻ tuổi kia lại ám ảnh... Cánh hoa sen trong bàn...
Ảo tưởng chóng đến rồi tàn nhanh. Khi trở lại thực thế chỉ đối diện với gian phòng trống trải, nỗi buồn bàng bạc trong tim. Tất cả chỉ là mộng, còn thực tại là một cái gì tàn nhẫn, phiền hà...
".. Lòng lạnh theo đêm buồn
Đèn thắp sao không sáng
Muốn khóc không còn lê.
Muốn than không thành tiếng
Đời không kẻ tri âm...
 
Mấy hôm liền không đến Thanh Vân, Vân Lâu đã tự nhủ với lòng không nên đến đấy, vì sự hiện diện của chàng ở nơi đó chẳng có nghĩa lý gì cả. Nơi đấy không có người chàng muốn tìm. Lòng tự nhủ lòng thế mà chàng vẫn sốt ruột, nhất là khi bóng đêm từ từ đến. Đêm sao lạnh, sao buồn lạ lùng và dài như hàng thế kỷ? Lại thêm một lần nữa không đừng được, chàng phải đến phòng trà Thanh Vân đúng lúc Tiểu My bước lên bục gỗ, rồi lại về khi nàng chào khán giả. Tiểu My, người con gái dễ thương chi lạ! Mỗi lần nhìn nàng hát trên bục gỗ là một lần Vân Lâu lại xúc động. Hình bóng nàng là niềm an ủi lớn. Có những lúc Vân Lâu tin chắc người đứng trên bục gỗ kia là Tiểu My chứ không phải là Hàn Ni nhưng chàng vẫn thấy lòng mình rạo rực... Như áng mây trời bay muôn phương... Nhớ lại ngày nào, Vân Lâu đã từng ví Hàn Ni là áng mây, áng mây trời kia đã không trở về... Nhưng, nghĩ thế nào thì Tiểu My vẫn không phải là Hàn Ni. Vân Lâu nhủ thầm, ta không nên đến Thanh Vân nữa.
Tối hôm ấy, sau khi rời khỏi công ty quảng cáo, ăn cơm tối xong, Vân Lâu chẳng định về nhà. Suốt một ngày nắng tốt, trời đêm mát thật đẹp, Vân Lâu muốn đi lang thang. Những ánh sao trời lấp lánh trông như... chiếc áo dạ hội của Tiểu My. Áo của Tiểu Mỷ Tại sao ta lại có một so sánh ngộ nghĩnh thế? Vân Lâu lắc đầu, bất giác chàng nghĩ đến Hàn Ni. Chàng nhớ đến nhiều đêm cả hai dạo bước trên phố, nàng đã thì thầm: Em không thể nào sống xa anh!
Bấy giờ người xưa ở đâu? Vân Lâu lại lắc đầu. Khi ngẩng mặt nhìn lên, chàng phát giác ra mình đang đứng trước một rạp chiếu bóng ế khách.
Chàng suy tính, xem một phim xuất bảy giờ có lẽ thú hơn chui đầu vào phòng trà Thanh Vân. Mua vé bước vào, đây là một cuốn phim xã hội cũ chiếu lại. Vân Lâu không để ý đến tên cuốn phim cũng như tên đạo diễn. Nhưng khi xem một chập là chàng bị thu hút ngay bởi cốt chuyện. Câu chuyện xảy ra có lẽ đã trên hai mươi năm nói về tình yêu trong cuộc chiến. Một mối tình tuyệt vọng. Trong phim có một vai da đen, anh chàng chuyên môn hát những bản tình ca, mỗi một bản nhạc là một lần Vân Lâu rơi lệ. Xem xong phim, Vân Lâu mới ra xem tựa “cuộc tình ở bắc Phi”.
Khi đi ra, Vân Lâu càng không muốn trở về căn nhà buồn tẻ của mình, sự xúc động làm chàng bị ray rứt. Vân Lâu là thế đó, rất dễ xúc động dù với một bản nhạc, hay một bức họa, một bài thơ...
Rồi chàng lại đi lang thang, ánh đèn neon trước các gian hàng đã tắt, đôi chân cũng đã thấy mỏi. Vân Lâu dừng lại. Không ngờ những bước chân phiền muộn của chàng lại dẫn đến phòng trà Thanh Vân.
Ánh đèn vẫn còn sáng, nghĩa là màn cuối cùng vẫn còn, nhưng nơi bán vé đã đóng kín rồi. Vào chăng? Làm sao có thể vào được? Giờ này chưa chắc Tiểu My còn ở đây! Cho tay vào túi quần, chàng đứng tựa lưng vào cột, ngắm hình của Tiểu My treo cao trên vách.
Thời gian trôi qua trong yên lặng, mãi đến lúc có tiếng chân đến gần Vân Lâu mới quay lại, chàng đã nhìn thấy chiếc áo dài đen điểm kim tuyến như những cánh sao trên nền trời đêm. Một chút ngỡ ngàng. Nàng đã đứng trước mặt chàng với gương mặt phiền muộn. Sự ngạc nhiên như cơn bão làm cả hai đều đứng bất động. Tiểu My lúc nào cũng là người lên tiếng trước:
- Tôi tưởng... Anh sẽ chẳng bao giờ đến đây nữa chứ!
- Thế à!
- Tại sao lâu quá không thấy anh đến?
- Bao nhiêu người nghe cô hát chưa đủ sao?
Tiểu My lắc đầu, mắt nàng trong như hồ thu:
- Không, không ai thích nghe tôi hát cả ngoài anh. Anh không đến là không còn ai nữa cả.
Một chút xúc động trong tim. Tiểu My! Vân Lâu khẽ kêu mà nghe lòng rộn rã.
Yên lặng một lúc thật lâu, Tiểu My lên tiếng:
- Anh đứng đây làm gì thế?
- Tôi cũng không biết. Nhưng khi nhìn thấy cô bước ra đột nhiên tôi tưởng mình đang đứng đợi cô.
- Thế à? Anh đến đây từ bao giờ?
- Tôi... tôi cũng không biết.
- Ở đâu đến đây?
Vân Lâu lắc đầu:
- Tôi cũng không nhớ, chỉ biết rằng tôi đã lang thang trên phố rất lâu.
- Bây giờ, anh định đi đâu đây?
- Tôi cũng không biết, tùy cô đấy.
- Thế thì đến Nhã Khí ngồi nhé?
- Vâng.
Vân Lâu đứng thẳng người lên, đưa Tiểu My tới quán. Tìm một bàn khuất ngồi xuống, cả hai đều dùng cà phê. Nơi đây cuộc sống về đêm thật thích hợp, quán mở đến hơn một giờ khuya.
Những chậu kiểng là bức bình phong kín đáo, thế giới bây giờ như thu hẹp lại. Bản nhạc êm dịu hòa hợp với ánh sáng mờ ảo làm thú vị gian phòng.
Cà phê đã mang ra, một chút sữa và ba miếng đường cho tách cà phê của Tiểu My.
- Tại sao anh lại cho đến ba miếng đường?
- Tôi ngại cô sợ đắng!
- Làm sao anh biết chuyện đó?
- Vì tôi cũng thế.
Tiểu My cười. Gã này gàn thật. Nàng cầm chiếc muỗng nhỏ lên khuấy nhẹ. Chiếc đèn mờ treo trên tường tỏa ánh sáng phản chiếu nơi các cánh sao trên áo Tiểu My. Ngước mặt nhìn lên, bắt gặp cái nhìn say đắm của gã con trai lạ, bất chợt Tiểu My thấy ngượng ngập:
- Tại sao lâu quá không thấy đến?
Hớp ngụm cà phê, Vân Lâu nhìn Tiểu My nói:
- Vừa mới tựu trường nên tôi hơi bận. Vả lại tôi cũng nghèo.
Tiểu My hiểu ngay ý Vân Lâu.
- Anh vẫn còn sống với cha mẹ anh à?
- Không, gia đình tôi ở Hương Cảng, còn tôi sang đây học.
Tiểu My gật gù. Trên khuôn mặt kia có một tí phong sương, một tí khát khao tình thương.
- Gia đình anh khá không?
Vân Lâu cười buồn:
- Khá thì khá lắm, nhưng cha tôi và tôi có mối bất hòa nên tôi không xài tiền nhà.
- Tại sao anh lại bất hòa với cha anh?
Vân Lâu lại cười, đăm đăm nhìn vào cốc cà phê màu đen quánh... Đột nhiên chàng lại nghĩ đến Hàn Ni. Trước mặt là một rừng sa mù, ở đấy khuôn mặt Tiểu My như ẩn hiện trong khói sương.
- Xin cô đừng hỏi chuyện này.
Tiểu My ngại ngùng, trong mỗi ngại ngùng có một chút chua xót và tội nghiệp cho người lận đận. Không muốn hỏi thêm, tựa người vào ghế, Tiểu My nói:
- Nếu thế, từ rày về sau đừng đến Thanh Vân nữa, đến làm gì để mỗi lần phải mất bao nhiêu tiền phí của.
Vân Lâu thật bình thản:
- Không, cô lầm rồi, cô đừng có mặc cảm xem thường mình như thế, giọng ca của cô xứng đáng hơn số tiền tôi mua vé nhiều.
Trong đôi mắt Vân Lâu có cái gì thành thật, chứ không phải là lời tán tụng xuông. Nhưng Tiểu My vẫn nói:
- Anh an ủi tôi đấy à?
Vân Lâu lắc đầu:
- Nếu chỉ là những lời an ủi, chắc chắn cô sẽ nhìn ra ngay. Tôi hiểu, cảm giác cô nhạy và bén, không ai có thể qua mặt cô được.
Tiểu My chớp mắt nhìn xuống, nàng cố đè nén lòng mình để khỏi phải tuôn ra bao nhiêu tâm sự.
- Nếu anh thật tình thấy giọng ca tôi vô giá thì xin anh đừng đến nơi rẻ tiến đó để mua vui bằng tiếng hát của tôi nữa. Tôi sẵn sàng hát cho anh nghe bất cứ lúc nào, ở đâu... Ngoại trừ chốn phòng trà.
Vân Lâu đăm đăm nhìn khuôn mặt Tiểu My:
- Thật chứ? Như thế có làm phiền cô lắm không?
Tiểu My đỏ mặt:
- Anh không hiểu ý tôi.
- Vả lại tôi cũng không muốn tạo nên một thói quen mới, nghĩa là không thể sống nếu thiếu tiếng hát của cô.
- Anh thích giọng ca tôi đến thế à?
- Không phải chỉ có giọng ca thôi mà tôi còn thích cả những thứ khác nữa.
Tiểu My chớp mắt:
- Thứ khác là thứ gì?
- Bản tính cứng cỏi, lòng nghị lực và... tính cao ngạo của cô.
Tiểu My ngạc nhiên:
- Tôi cao ngạo? Làm sao anh biết tôi cao ngạo.
- Tôi biết, ngay trong giọng hát cô đã để lộ ra điều đó. Bây giờ trong hoàn cảnh bất khả kháng, cô đang tranh đấu cho lẽ sống nên...
Tiểu My bàng hoàng nâng ly cà phê lên uống như để trấn tĩnh trái tim đang đập vội vàng trong lồng ngực nàng. Liếc nhanh về phía Vân Lâu nàng chống chế:
- Anh đừng tưởng điều anh vừa nghĩ là đúng đâu nhé!
- Nếu tôi đã hiểu sai thì... xin lỗi vậy. Nhưng tại sao cô phải làm mặt lạ thế?
- Thì chúng ta cũng chưa quen biết nhau nhiều, làm gì không lạ?
- Nhưng tôi hiểu cô, vì khuôn mặt cô đối với tôi quá quen thuộc!
- Anh nhìn Hàn Ni qua khuôn mặt tôi à?
Tiểu My chau mày, một chút giận dữ hiện lên mặt, Vân Lâu vội vã xoa dịu:
- Đừng nhắc đến Hàn Ni nữa. Việc đến phòng trà Thanh Vân không phải chỉ vì khuôn mặt cô, cô phải hiểu cho, đừng làm mất hòa khí giữa chúng ta.
- Nhưng nếu tôi hoàn toàn không giống Hàn Ni, liệu anh có đến Thanh Vân mỗi đêm không?
Vân Lâu bối rối:
- Điều đó... Tiểu My cũng phải hiểu là tôi quen biết Tiểu My nhờ khuôn mặt rất gần với Hàn Ni...
- Vâng, tôi hiểu, anh đến Thanh Vân cũng chỉ vì Hàn Ni.
Tiểu My càng lạnh lùng, Vân Lâu càng bối rối, chỉ biết vuốt ve nàng một cách tiêu cực.
- Cô đừng nghĩ như vậy!
- Nhưng đó là sự thật!
Vân Lâu yên lặng, khuôn mặt nàng tái xanh vì giận. Giữa hai người bây giờ như có một khoảng cách xa lạ. Đêm càng lúc càng khuya, cà phê nguội dần.
- Thôi kể như điều cô vừa nói là đúng đi. Cô nói đúng, chúng ta quả thật khá xa lạ nhau. Từ hôm nay, cô cứ yên tâm tôi sẽ chẳng bao giờ đến làm phiền cô nữa.
Tiểu My yên lặng, lời nói của anh chàng lạnh chi lạ. Tim chợt nhói đau, mắt chợt nóng, ly cà phê trước mặt lờ mờ. Tại sao ta như vậy? Tại sao ta lại xúc động? Nhiều lúc, sao ta lại mong mỏi được gặp chàng, mỗi khi nhẹ vén màn nhìn trộm ra ngoài ghế khán thính giả mà không trông thấy chàng là ta thấy thiêu thiếu. Bây giờ ngồi đối diện với chàng ta lại chỉ dùng toàn ngôn từ xa lạ, ngột ngạt. Tại sao? Tại sao phải diễn kịch như thế? Giọng Vân Lâu vẫn lạnh nhạt bên tai:
- Thôi, cũng khuya lắm rồi, để tôi đưa cô về nhé!
- Dạ thôi, cám ơn anh tôi về một mình cũng được.
Tiểu My chợt thấy lời nói của mình còn lạnh nhạt hơn. Nhưng Vân Lâu đã đứng dậy, thanh toán tiền nước:
- Không được, khuya lắm rồi, tôi phải đưa cô về. Con gái đi một mình trong đêm không nên.
Tiểu My chau mày hỏi gặng lại:
- Đó chỉ là một phép lịch sự?
- Vâng.
Tiểu My nhếch môi cười:
- Anh quả chu đáo thật, nhưng tôi không cần, việc đi đêm một mình đối với tôi là một chuyện thường.
- Vậy thì... Tùy cô...
Tất cả kết thúc thật nhanh, Tiểu My chợt xót xa, hố ngăn cách không còn thời gian để khỏa lấp. Trả tiền xong, cả hai máy móc rời khỏi quán. Gió đêm xuân nhẹ và mát. Đứng bên lề, đối diện nhau với bao nhiêu bứt rứt, nhưng ngoài mặt cả hai vẫn làm ra vẻ lạnh lùng, xa lạ.
Một chiếc taxi vụt ngừng trước mặt, Vân Lâu mở cửa xe. Tiểu My chui vào.
- Chào cô!
- Chào anh!
Cánh cửa đóng sầm lại, xe lướt đi để lại đám bụi mù. Vân Lâu nhìn theo cho đến khi bóng xe khuất hẳn, cho tay vào túi quần, chàng chậm rãi bước về phía nhà. Chiếc bóng cô độc của chàng ngã dài trên đường phố vắng lặng.
 
Những ngày dài buồn nản kéo dài, mỗi đêm cứ đến giờ thì đi hát rồi đến hết giờ trở về nhà, đời sống thật nhạt nhẽo. Âm nhạc đối với nàng giờ đây đã mất hết ý nghĩa. Tiểu My như một chiếc máy hát, hễ cứ được vặn nút là ra tiếng. Tiếng vỗ tay càng lúc càng thưa nàng buồn như chiếc lá úa.
Mỗi ngày nàng ngóng đợi phép lạ nhưng chàng vẫn biệt tăm. Gã con trai lạ lùng ấy bây giờ ở đâu? Tiểu My không hiểu sao mình lại thắc mắc thế? Có lẽ anh chàng đã quên ta rồi. Nàng không tránh khỏi một chút hối tiếc. Sao chàng không đến? Mỗi lần đứng trên bục gỗ là mỗi lần này nhớ đến lời chàng - “Lúc Tiểu My hát, Tiểu My nên đặt hết tim óc mình vào bản nhạc, đừng sợ không người nghe, cũng đừng nản lòng, cũng đừng coi thường chính mình. Vì giọng ca của Tiểu My cao sang lắm”.
Sống một đời được bao nhiêu lần tán thưởng như vậy? Nhưng... tại sao chàng không đến nữa chứ? Tại sao? Phải chăng vì bản tính ương ngạch của nàng? Tiểu My chợt hối tiếc về vụ cãi vã hôm trước tại quán cà phê Nhã Khí. Tiểu My! Sao không chịu bình tĩnh một tí có phải giữ được bình yên không? Hãy quên đi! Hãy trở lại nếp sống bình dị cũ.
Nhưng từ tận cùng quả tim, Tiểu My réo gọi tên Vân Lâu, Vân Lâu! Anh đến đi, tôi không bao giờ chối từ ý nguyện của anh nữa đâu. Anh Lâu, tôi sẽ không phủ nhận việc tôi hằng mong mỏi. Tôi sẽ hát cho anh nghe, tôi sẽ giúp anh mở lại quả tim đóng kín. Anh Lâu, đến đi anh!
Nhưng ngày tháng cứ âm thầm trôi, Vân Lâu đâu chẳng thấy trở lại, chỉ thấy Tiểu My càng lúc càng hao mòn nhan sắc. Bản tính cũng thay đổi, nóng nảy và cộc cằn. Trạng thái thấp thỏm lo âu làm nàng khổ sở, bứt rứt. Tiểu My cũng không làm sao phân tích được sự thay đổi của lòng mình. Đến nỗi người cha say sưa suốt ngày cũng phải để ý. Một đêm, sau cơn say, ông tở về nhà hỏi:
- Tiểu My, lúc này con làm sao thế?
- Làm sao là làm sao?
- Ai làm con buồn hở Tiểu My?
Tiểu My bực:
- Không ai cả.
Ông Khiêm đặt tay lên vai người con gái:
- Vậy thì con phải vui lên chứ, sao lại buồn, đời bao giờ chẳng thế? Con còn trẻ, đừng ủ dột. Uống rượu nhé, uống để đôi má con hồng lên, cho con không còn buồn.
Và Tiểu My bắt đầu tập uống. Đêm ấy nàng uống rất nhiều, uống đến độ phải ói ra hết, rồi dở khóc dở cười. Tiểu My cũng không hiểu tại sao mình lại khóc.
Ngày hôm sau đến phòng trà, đột nhiên Tiểu My thấy nhớ Vân Lâu lạ lùng. Nhưng chàng cũng không đến.
Hát xong bản nhạc cuối nàng chán nản trở về phòng hóa trang. Mệt mỏi như kẻ tội đồ. Mỗi tối cứ phải hóa trang thành một loại búp bê cho bao nhiêu người ngồi ngắm. Một chiếc máy biết hát. Thật chán. Thật vô vị.
Có tiếng gõ cửa, cô chiêu đãi họ Lý thò đầu vào cười với nàng:
- Chị Tiểu My, có khách!
Tiểu My ngạc nhiên, đưa tay lên chặn ngực, phải chăng?...
- Ai thế?
- Dạ Ông giám đốc Hinh.
Cả một trời thất vọng. Nhắm mắt lại, toàn thân nàng là một sự tan rã. Vừa định lên tiếng từ chối thì nàng nhớ đến lời cha bảo là Tiểu My con còn trẻ, phải vui đi chứ...
Phải vui. Vâng, dại gì lại đau khổ một cách vô lối thế này? Nhìn cô chiêu đãi, Tiểu My nói nhanh:
- Thôi được, bảo ông ấy đợi một tí, tôi sẽ ra ngay!
Và tối hôm ấy, Tiểu My đi với ông Hinh đến nhà hàng Trung Ương. Nhảy cũng rất nhiều mà ăn cũng rất nhiều. Những nụ cười lớn làm trái tim rộng mở. Tiểu My hút thử một điếu xì gà, những tiếng ho sặc sụa của nàng càng làm cho không khí vui nhộn thêm.
Đây mới chỉ là một bắt đầu. Sau đấy Tiểu My lại đi phố nhiều lần với ông Hinh. Ông Hinh lúc thiếu thời vì hoàn cảnh nghèo khổ, đã phải lăn lộn để lập sự nghiệp. Bây giờ là giám đốc nhiều công ty lớn, con cái đã nên người, ông cũng đã trên năm mươi, giờ ông nghĩ ông có quyền hưởng thụ, bên cạnh lúc nào cũng có một cô bạn trẻ đẹp. Những người bạn gái đi cạnh ông không bao giờ thuộc loại lẳng lơ vòi tiền, vì ông là con người từng trải, suy tính rất kỹ. Nhiều lúc gặp cô khó tính khước từ lời mời, ông cũng không giận, chỉ cười nói:
- Nếu không thích thì thôi, tôi không thích có chuyện miễn cưỡng.
Có đi chơi với ông Hinh, Tiểu My mới hiểu được bản tính ông, nàng thấy vừa thích thú lẫn kính trọng. Đi phố, dùng cơm tối, đi nhảy, nhiều lúc ông Hinh còn đem xe đến đưa đón Tiểu My đi hát, nên ông hiểu khá rõ hoàn cảnh hiện tại của gia đình Tiểu My. Có lần ông định giúp đỡ nàng nhưng nàng đã thẳng thắn cự tuyệt:
- Ông đừng làm thế, tôi đi chơi với ông là vì thích, chớ tôi không định bán thời giờ của tôi.
Ông Hinh rất phục bản tính thẳng thắn của Tiểu My, và vì thấy nàng bất vụ lợi, ông càng thích chăm sóc hơn. Những cuộc đi chơi chỉ là những giờ phút giải trí đúng ý nghĩa của nó. Tiểu My đối với ông như một người bạn, một đứa con gái yếu đuối cần được che chở. Có lần ông Hinh hỏi:
- Cô không có bạn trai sao hở Tiểu My?
Tiểu My nghĩ đến Vân Lâu, cười khô héo:
- Không!
- Để tôi làm mai cho cô nhé? Người đẹp như cô phải có một người bạn đời xứng đáng mới đúng.
Đó là tất cả câu chuyện giữa Tiểu My và ông Hinh. Mặc dù hai người không có một ràng buộc nào vướng víu, nhưng những lời đàm tiếu vẫn đến tai Vân Lâu. Vì ghen ghét Tiểu My họ đồn là nàng đã bắt được ông chủ bự và đã sống chung với ông ta. Trong phòng trà, mọi câu chuyện được thổi phồng như thế có gì là lạ. Tiểu My cũng hiểu, nhưng nàng vẫn cười:
- Mặc họ, họ muốn nói sao cũng được, có chết ai đâu mà sợ.
Và nàng tiếp tục vui chơi với ông Hinh, cho đến một buổi tối, Tiểu My và ông Hinh đến nhà hàng Trung Ương thì đêm đã khuya lắm rồi. Nhà hàng không còn bao nhiêu khách. Họ tìm một chiếc bàn gần sàn nhảy, ngồi xuống, ăn một vài thức ăn nhẹ, xong bước ra sàn nhảy.
Ông Hinh nhảy rất giỏi, Tiểu My cũng không kém. Một bản Rumba, rồi một bản Valse. Tiểu My rất thích những loại nhạc xoay tròn này, nàng như một con bướm vàng nhởn nhơ theo tiếng nhạc, xog họ trở về bàn. Ông Hinh đùa một câu ngắn, Tiểu My cười tọ Khi tiếng cười dứt, ông Hinh đưa mắt về phía chiếc bàn gần đấy nói với Tiểu My:
- Ông kia cứ nhìn về phía chúng mình mãi, cô có quen hắn không?
- Vậy à!
Tiểu My đưa mắt nhìn theo hướng ông Hinh chỉ, nàng chợt ngỡ ngàng. Nụ cười tắt phụt. Gã đàn ông kia không ai khác hơn là Vân Lâu. Không phải chỉ có một mình chàng mà bên cạnh còn có một người thứ hai, một thiếu nữ trẻ đẹp!
Hai tia nhìn chạm nhau. Dưới ánh sáng mờ ảo của phòng trà, chàng có vẻ thật xa lạ. Tại sao thấy nàng mà Vân Lâu chẳng một lời chào hỏi gì cả vậy? Đột nhiên, Tiểu My thấy Vân Lâu đứng lên, nàng tưởng chàng sẽ tiến đến mình, nhưng nàng đã lầm, Vân Lâu cúi xuống nói nhỏ với người bạn gái, rồi họ cùng bước ra sàn nhảy.
Ban nhạc chơi điệu Mambo, thật hay. Tiểu My nhìn theo họ. Hai người âu yếm đưa nhau đi theo tiếng nhạc thật t.ình tứ. Cúi mặt nhìn xuống, Tiểu My hớp một ngụm trà. Hèn gì! Hèn gì chàng không đến!
Có tiếng ông Hinh hỏi:
- Sao? Có quen không?
Tiểu My đáp:
- Có, thỉnh thoảng hắn có đến Thanh Vân nghe nhạc.
Nghĩ ngợi một chút, Tiểu My vội đứng dậy:
- Nhảy một bản nhé?
Cả hai bước ra sàn nhảy. Không hiểu tại sao Tiểu My bỏ đi khoảng cách hằng ngày, nàng tỏ ra thật âu yếm, tựa đầu lên vai ông Hinh, cười nói luôn miệng, líu lo như chim oanh.
Mấy lần lướt nhanh qua người Vân Lâu, là mấy lần nàng khiêu khích. Vân Lâu vẫn thờ ơ, xa lạ, cô bạn gái của chàng có đôi mày đen, đôi mắt to và chiếc miệng xinh. Tuy không xuất sắc lắm, nhưng cũng đủ hấp dẫn người khác phái.
Bản nhạc vừa dứt là Vân Lâu trở lại bàn, trong khi Tiểu My và ông Hinh tiếp tục thêm một bản Cha Cha Cha. Thái độ của nàng hoàn toàn vui vẻ và cởi mở.
Vân Lâu chận một nữ chiêu đãi đang đến gần nhờ mua gói thuốc lá. Thúy Vi, người thiếu nữ nãy giờ ngồi cạnh chàng, ngạc nhiên lên tiếng:
- Anh hút thuốc nữa à?
Vân Lâu ậm ờ, mắt không rời Tiểu My đang quay cuồng trên sàn nhảy.
- Cô gái đang nhảy giống Hàn Ni quá hở, mới nhìn có thể lầm ngay.
Vân Lâu giận dữ:
- Hàn Ni có bao giờ õng ẹo với những lão già như thế kia đâu!
Hít một hơi thuốc dài, Vân Lâu sặc sụa, Thúy Vi gắt nhẹ:
- Không biết hút, mà hút làm gì cho khổ thế? Anh buồn à?
Vân Lâu trừng mắt:
- Cô nói gì thế? Làm gì mà tôi phải buồn?
- Anh quen cô ấy không?
- Quen ai?
- Cô gái giống Hàn Ni ấy?
- Tại sao tôi phải quen người ta chứ?
- Hôm nay anh làm gì lạ thế? Nếu biết trước hôm nay anh khó tánh thế này tôi đâu thèm đi với anh chi cho mệt.
Vân Lâu thở dài, dịu giọng:
- Xin lỗi, tôi không cố ý làm Thúy Vi buồn.
- Tôi hiểu. Có lẽ vì người con gái giống Hàn Ni. Phải cô ấy là người anh gặp giữa phố hôm nọ không?
Mắt Vân Lâu đăm đăm nhìn về phía Tiểu My với bao nhiêu hờn dỗi:
- Có lẽ...
- Anh Lâu, anh đừng lầm lẫn, vì dù sao cô ấy cũng không phải là Hàn Ni.
- Có lẽ. Thôi mặc họ.
Vân Lâu bấm chuông. Thúy Vi ngạc nhiên:
- Anh làm gì thế?
- Bảo họ tính tiền.
- Không nhảy nữa à?
- Thôi.
Thúy Vi nhìn Vân Lâu yên lặng. Vân Lâu móc túi lấy quyển sổ tay ra viết vội vài chữ trao cho người hầu bàn, chỉ về phía Tiểu My dặn dò vài câu, rồi trả tiền.
- Thôi mình về.
Thúy Vi đứng dậy, yên lặng theo Vân Lâu ra cửa. Ra đến đường, nàng mới thở dài.
- Làm cái gì mà thở dài vậy?
- Tại anh đấy.
- Sao lại tại tôi?
Thúy Vi nhìn thẳng tới trước. Bây giờ là mùa xuân, những cánh Đỗ Quyên rộn rã khắp các bồn hoa thành phố, dưới ánh trăng cao quý trông dễ thương vô cùng.
”Hoa hồng chen sắc đua xuân
Thương ai mấy kiếp đoạn trường sầu đau.”
Cả hai mãi lo nghĩ riêng tự Vân Lâu bối rối, đầu óc quay cuồng với bao hình bóng Hàn Ni! Tiểu My! Hàn Ni sao mất quá sớm, Tiểu My sa đọa thế sao!
Trong nhà hàng, Tiểu My đưa mắt nhìn theo Vân Lâu, nàng chợt nhũn người ra như quả bóng xì hơi. Ông Hinh nói với nàng mấy câu mà Tiểu My chẳng nghe thấy gì cả. Tiếng nhạc vang lên, một nữ ca sĩ ra hát bản “Trên Ngọn Tình Sầu”, Tiểu My khép mắt lại với nỗi buồn buồn man mác. Người hầu bàn mang đến cho nàng một mảnh giấy. Mảnh giấy với nét chữ của Vân Lâu. Tim đập mạnh, nàng mở ra đọc nhanh:
”Tưởng ai là đóa hoa sen
Không ngờ là đóa hướng dương giữa trời.”
Tiểu My vò nát mảnh giấy, mặt đỏ gay. Anh Lâu, tôi hận anh, tại sao anh dám sỉ nhục tôi. Anh đừng tưởng anh cao quí, chẳng qua cũng chỉ là một tuồng quân tử giả hiệu mà thôi.
Ông Hinh lo lắng hỏi dồn:
- Cái gì thế Tiểu My?
- Không có gì cả, chúng ta nhảy nhé?
Ông Hinh lắc đầu:
- Thôi chúng ta về, cô cần phải nghỉ ngơi, hình như cô hơi mệt?
- Tôi không mệt, tôi không muốn về nhà, đêm nay, tôi muốn đi suốt đêm.
Ông Hinh chăm chú nhìn Tiểu My:
- Gã con trai ban nãy là bạn cô, phải không?
- Không, tôi không bao giờ có bạn trai như thế. Tiểu My lắc đầu nhanh - Tôi muốn uống một chút rượu.
Ông Hinh vẫn bình tĩnh:
- Đứng dậy đi, Tiểu My, để tôi đưa cô về!
Tiểu My chau mày:
- Ông không thích đi chơi với tôi à?
ông Hinh vỗ về:
- Tiểu My, cô phải bình tĩnh, đừng ngu si như vậy. Cô còn trẻ đẹp, đàn ông trên đời này khó tin cậy kể cả tôi, nhưng tôi không muốn hại cô, nhất là... tính tình cô dễ thương quá. Về nhé? Đừng có sai lầm mà thiệt thân.
Tiểu My cúi đầu, yên lặng, nước mắt đã tràn ra mi:
- Tôi hiểu rồi, vâng, thôi về.
Ra khỏi nhà hàng Trung Ương, ra đến xe, ông bình thản hỏi:
- Cô yêu cậu ấy lắm phải không?
Yêu à? Tiểu My chưa hề nghĩ đến tiếng đó. Có thể... ta đã từng mến mộ, từng cảm thông với Vân Lâu, nhưng yêu thì... không biết đã yêu chưa.
- Tôi cũng không biết... Có điều, tôi thấy giận hắn quá.
Nụ cười nhẹ trên mép môi ông Hinh:
- Những người trẻ tuổi thường dễ ngộ nhận trong vấn đề tình ái. Tiểu My, cô đừng nóng nảy quá mà hối tiếc sau này.
Nhìn đường phố đầy xe qua lại, Tiểu My như một kẻ xa lạ. Đột nhiên nàng cúi xuống ôm mặt khóc, nỗi đau khổ ẩn ức từ tận cùng đáy tim như được dịp tuôn trào ra ngoài, nàng khóc cho đỡ tủi thân.
Ông Hinh cho xe ghé vào, quay sang vỗ về:
- Tiểu My, làm sao thế hở?
Thế là Tiểu My không còn giấu diếm được nữa, vừa khóc nàng vừa kể lể tất cả câu chuyện giữa nàng và Vân Lâu cho ông Hinh nghe. Một mối tình nhiều uẩn khúc!
 
==¡ sao no´ dài zi
 
Trở về nhà, suốt đêm Vân Lâu trằn trọc không ngủ được. Chàng nằm dài trên gi.ường, trừng mắt nhìn chân dung Hàn Ni treo cao trên tường, lòng nóng như lửa đốt. Một cảm giác khó chịu bứt rứt khiến chàng không thể nằm yên được. Lăn qua lộn lại, hình ảnh xảy ra ban nãy nơi nhà hàng Trung Ương mãi ám ảnh chàng, dù đấy là Tiểu My chứ không phải là Hàn Ni.
Tiểu My! Nàng là người con gái của chốn ăn chơi mà! Sau nàng không biết hổ thẹn khi kề vai tựa má với một gã đàn ông đứng tuổi? Tại sao? Thật là nhục. Vân Lâu tốc mền sang một bên, tựa mặt vào thành tường mát lạnh. Mang khung ảnh trên đầu gi.ường xuống. Gương mặt người yêu cứ lớn dần, lớn dần, chiếm trọn khoảng không gian nhạt nhòa. Nụ cười ẩn trong mù sương. Vân Lâu ấp khung ảnh lên ngực, thầm gọi:
- Tiểu My! Tiểu My!
Tiếng gọi vừa thoát ra khỏi miệng, chàng bàng hoàng ngay. Tại sao chàng lại gọi là Tiểu My mà không phải là Hàn Ni. Đặt khung anh trở về đầu gi.ường. Vân Lâu thấy hổ thẹn. Hàn Ni! Hàn Ni! Em mất chưa bao lâu mà anh đã gọi tên một người con gái khác. Sự hối tiếc càng làm cho đầu óc Vân Lâu rối bời.
Lăn lộn mãi đến gần sáng, Vân Lâu mới chợp mắt được. Trong cơn mê, chàng đã trông thấy Tiểu My. Không, không phải, đã trông thấy Hàn Ni, Hàn Ni yên lặng nhìn chàng, vẫn đôi mắt đắm đuối ngày nào nàng đang hát lại bản nhạc, một bản nhạc mà hình như chàng đã có nghe rồi.
”Nếu sớm biết đời chóng phai, thì kề vai tựa má làm gì
Để người buồn với nỗi cô đơn hằn sâu thế kỷ...”
Tiếng hát thanh thoát nhỏ dần như tiếng thở dài, đôi mắt buồn khép nhanh. Vân Lâu vật vã. Hàn Ni! Hàn Ni vẫn còn đó, khoảng cách ngắn nhưng thật xa, khuôn mặt đột nhiên biến đổi. Vân Lâu nhìn kỹ, không phải là Hàn Ni mà là Tiểu My.
”Em như mây trời ngàn năm bay mãi
Em mơ một ngày dừng bước phiêu du.”
Giọng ca buồn, cô đơn. Vân Lâu cảm thấy từng tế bào trên thân mình nhức nhối. Chàng chìa tay ra gọi to:
- Tiểu My!
Và chạy nhanh về phía nàng, nhưng Tiểu My đã biến thành mây bay mất.
- Tiểu My!
Tiếng gọi thật to của chính chàng đã đánh thức chàng dậy. Mở choàng mắt ra, ánh nắng chói chang đã ngập phòng. Trời đã sáng.
Ngồi dậy, hai tay ôm lấy gối, suốt nửa buổi trời Vân Lâu ngẩn ngơ. Rồi chàng xuống gi.ường máy móc đi rửa mặt chải đầu. Hôm nay có giờ học trọn ngày. Thu xếp giấy bút một cách vô vị, chàng bước ra khỏi nhà, leo lên xe buýt, đầu óc vẫn còn tràn ngập bóng hình đêm quạ Hàn Ni, Tiểu My... Tiếng hát, nỗi buồn, bao nhiêu khổ sở...
Suốt một ngày học hành mệt nhọc, rồi cũng tới lúc tan, chàng đến công ty quảng cáo với một thân xác không hồn. Mấy ông bạn đồng nghiệp đang kể cho nhau nghe một vài kinh nghiệm vui chơi nơi chốn vũ trường, một người nói:
- Đừng coi thường họ, có nhiều vũ nữ xuất thân từ những gia đình danh giá lắm, chỉ vì một hoàn cảnh bất đắt dĩ nào đó họ mới đưa thân vào nơi sa đọa như vậy. Có người tưởng con gái đã sa chân vào đấy là hư đốn, sự thật ra cũng còn chán vạn đứa trong sạch.
Bất giác Vân Lâu nghĩ đến Tiểu My. Thân xác trong sạch? Có thật không? Hình ảnh hôm qua ở nhà hàng Trung Ương còn rành rành trước mắt chàng cơ mà. Đột nhiên chàng thấy bực mình. Thu xếp tài liệu lại chàng bước ra khỏi sở. Nhìn người qua kẻ lại, xe cộ dọc ngang, chàng tự hỏi - bây giờ ta đi đâu đây?
Đến trường Nguyên Lăng chàng ăn một tô mì. Kể như buổi cơm tối đã xong, nhưng Vân Lâu không đủ can đảm trở về nhà ngay. Chàng lang thang giữa phố, ngừng trước mấy gian hàng. Mắt dán chặtvào khung kính. Không có gì cả ngoài một khuôn mặt quen thuộc: Tiểu My! Vân Lâu nhắm mắt lại, chàng lắc đầu, bóng hình vẫn không phai. Nỗi nhớ như cơn mê loạn. Đột nhiên Vân Lâu muốn tìm đến Tiếu My ngay, để mắng nàng một trận cho hả. Tại sao Tiểu My lại làm thế? tại sao lại nhắm mắt cam tâm sa đọa? Nhưng... nhưng ta làm gì có đủ tư cách để trách cứ nàng?
Băng qua khỏi một con đường, rồi một con đường... Vân Lâu không biết mình đã đi hết bao nhiêu con đường. Sau cùng tỉnh trí lại, chàng đột nhiên sựng người lại vì chàng đang đi về hướng phòng trà Thanh Vân? Không được, không được, ta không thể đến đó nữa.
Ta không thể yếu đuối, hãy quay lại ngay, nhanh lên! Nhưng chân Vân Lâu bất động không chịu tuân theo sự đòi hỏi của lý trí.
- Hay là... đến nghe nàng hát thêm một lần vậy. Kể như là một lần chót.
Và Vân Lâu mua vé bước vào Thanh Vân. Bây giờ là chín giờ khuya, chưa đến giờ Tiểu My ra sân khấu. Vòng tay ra sau cổ chàng ngửa người ra sau nhìn lên sân khấu, bực bội lạ lùng. Tại sao mình lại ngu dại trở lại đây? Không lẽ chuyện đêm qua chưa làm ta mở mắt sao mà hôm nay còn đến tìm Tiểu My nữa chứ? Ngu thật!
Rồi Tiểu My cũng bước ra sân khấu. Tất cả những ý thức phản kháng ban nãy đều bay mất. Tiểu My hôm nay mặc một chiếc áo dạ hội trắng tinh, tóc xõa dài, không một món nữ trang, chậm rãi bước ra. Dáng vẻ cao quý thanh thoát, nàng đến trước micro nói nhỏ nhẹ:
- Tôi là Đường Tiểu My, hôm nay là ngày cuối cùng của một đời ca hát, tôi sẽ gửi đến quí vị hai bản nhạc tôi thích nhất gọi là một chút quà tạm biệt đối với quý vị đã dành cho tôi.
Tất cả những mạch máu trong thân cuồn cuộn chảy, Vân Lâu nghe tim đập nhanh. Tại sao là đêm cuối cùng? Tại sao?
Tiểu My bắt đầu cất tiếng hát, bản “Đóa Mây Trời”. Những âm thanh của nàng như những tiếng buồn phiền. Vân Lâu bàng hoàng xúc động. Tiếng hát hôm nay thật xuất thần.
”Bay đến tận chân trời
Đời bao nhiêu phiền toái
Đời bao nhiêu ái ngại
Như khoảng trời xanh cao.”
Tiểu My! Có phải là tiếng lòng của em không? Mắt chàng chợt ướt. Tiểu My! Đúng ra anh không nên có hành vi quá khích như thế. Anh cũng không có quyền trách em. Sống trong không khí bẩn thỉu giả dối này, bắt buộc em phải làm thế ư? Anh lầm, anh lầm thật, đúng ra anh không nên viết cho em những lời nhục mạ như thế. Anh ngu thật.
Tiểu My hát xong một bản nhạc, tiếng vỗ tay hôm nay đặc biệt ồn ào. Con người lạ thật, lúc nào cũng thế, đợi khi biết được vật trong tay sắp mất mới vội vàng hối tiếc. Rồi bản nhạc thứ hai bắt đầu, đó là bản “Lòng Đã Lạnh”. Hát xong, nàng lui dần ra sau. Những tiếng vỗ tay kéo dài không ngừng được nàng phải trở ra, mắt nàng đẫm lệ nàng hát bản nhạc thứ ba “Hẹn ngày trở lại”. Và lần này quả là lần sau cùng.
Vân Lâu thở dài, đứng dậy, chàng bước ra cửa hông, lòng tràn ngập biết bao nhiêu mâu thuẫn. Đến trước cửa phòng hóa trang chàng yên lặng chờ đợi.
Một lúc, Tiểu My xuất hiện, chiếc áo dạ hội màu trắng ban nãy đã được thay bằng chiếc áo dài màu xanh lam giản dị. Khuôn mặt không phấn son mệt mỏi. Vừa ra tới cửa, nhìn thấy Vân Lâu là Tiểu My dừng lại, một chút ngỡ ngàng vây quanh.
Tim Vân Lâu đập nhanh, có thật nhiều điều để nói, nhưng nói không ra lời. Chàng định xin lỗi, nhưng bắt đầu thế nào đây. Khuôn mặt Tiểu My thật lạnh.
- Anh đấy à? Anh đến đây làm gì?
Vân Lâu nghe một chút chua xót:
- Tôi... tôi đợi cô.
- Đợi tôi à? Tiểu My nhếch môi cười nhạt - Đợi tôi để làm gì chứ?
- Tiểu My! Tiểu My có thể cho tôi nói chuyện một chút được không?
- Chuyện gì? Có chuyện gì để nói nữa chứ? ông là người của xã hội trí thức thượng lưu, còn tôi chỉ là một ca kỹ của phòng trà, nói chuyện với tôi ông không sợ nhục sao?
Vân Lâu bị trám miệng, chàng vừa bối rối, vừa đau khổ. Bao nhiêu câu nói ấp ủ trong tim không khơi nguồn được. Tiểu My đã quay mặt bỏ đi. Đuổi theo đến cầu thang, Vân Lâu gọi:
- Tiểu My!
Tiểu My đứng lại chau mày:
- Anh còn muốn gì nữa chứ?
Vân Lâu hấp tấp:
- Tiểu My, tại sao Tiểu My lại khó khăn với tôi như vậy, cho tôi mấy phút không được sao?
Tiểu My lắc đầu, bao nhiêu giận hờn đêm qua bóp nhói quả tim.
- Không được. Xin lỗi, tôi không có thì giờ nhiều, ông Lâu ạ. Mặc dù chúng tôi chỉ là loại gái mua vui cho thiên hạ, nhưng không phải lúc nào cũng bắt buộc phải chiều khách.
- Sao Tiểu My tàn nhẫn thế, tôi đến để xin lỗi Tiểu My đây.
- Không dám, ông làm ơn cho tôi đi, có người đang đợi tôi, tôi không thể tiếp chuyện với ông lâu được.
- Có phải cái thằng già hôm qua không? Vân Lâu không còn đè nén được nữa, cơn giận và nỗi thống khổ tràn ngập trái tim - Hắn có tiền nhiều phải không? Mỗi một giờ đi chơi với nó là bao nhiêu tiền? Cô cho giá đi xem tôi có đủ tiền mời cô không?
Tiểu My giận đến cực điểm, khuôn mặt tái xanh, nàng trố mắt nhìn Vân Lâu. Tại sao chàng lại nói thế? Quả tim Vân Lâu như tan vỡ, cúi nhìn xuống thang lầu, Tiểu My lẩm bẩm:
- Con người tàn nhẫn thật!
Rồi yên lặng, nàng bước về phía cầu thang, bỏ mặc Vân Lâu đúng sững ở đấy. Tỉnh trí Vân Lâu đuổi theo chận đường:
- Tiểu My!
- Ông làm ơn để tôi đi. Tiểu My sẵng giọng - Sao ông cứ theo tôi mãi vậy? Tôi hạ cấp, tôi mang nhan sắc ra bán cho người mua vui, tôi chỉ là loài hoa dại ngoài đường, mặc tôi, nhưng ông cũng không có quyền làm nhục tôi. Bao nhiêu đấy đủ rồi!
Vân Lâu nuốt nước bọt, sự lạnh nhạt của nàng như chiếc dao nhọn banh từng thớ thịt con tim chàng.
- Tiểu My, Tiểu My đừng nói vậy, hôm nay tôi đến đây không phải để gây chuyện, mà là đến để xin lỗi Tiểu My. Chúng ta hòa nhau nhé? Tôi công nhận tôi quá hồ đồ, ngu xuẩn khi...
- Thôi đừng nói nữa, Tiểu My cắt ngang - Tôi đã bảo là tôi không có thì giờ, người ta đang đợi tôi dưới lầu đấy.
Tiểu My bước xuống lầu định đi, Vân Lâu giữ tay lại:
- Khoan đi!
Gương mặt Vân Lâu đỏ như gấc:
- Tôi bảo cô ở lại, cô phải tự trọng một tí chứ.
- Anh không cho tôi đi à? Anh lấy tư cách gì mà ra lệnh cho tôi chứ? Tự trọng? Không đi với anh đi với người khác là không tự trọng à? Phải mà, anh là con người thượng lưu mà. Nhưng ở đây là chốn công cộng, ông đừng để tôi la lên nghe không đẹp đâu nhé?
Vân Lâu buông thõng tay xuống:
- Thôi được, cô muốn đi đâu thì đi. Cô bỏ hát ở phòng trà có phải là để xây tổ ấm với lão kia không, hắn bao cô bao nhiêu mà cô phải chiều hắn thế chứ?
Tiểu My trừng mắt nhìn Vân Lâu, toàn thân run rẩy:
- Ông đi ngay, mong rằng không bao tôi nhìn lại mặt ông nữa.
Vân Lâu cũng bắt đầu giận dữ:
- Tôi cũng mong thế!
Chàng bước nhanh xuống thang lầu, như cơn gió lốc tuôn ào ra cửa. Suýt tí nữa thì đã đụng một người đứng chắn ngang cửa. Ngẩng đầu lên thì ra là gã đàn ông chàng đã gặp nơi ở nhà hàng Trung Ương. Máu nóng dồn lên óc, Vân Lâu muốn tung ngay vào mắt gã một quả đấm thật mạnh. Nhưng gã vẫn bình thản:
- Anh đến tìm Tiểu My à?
- Mặc tôi.
Gã đàn ông đứng tuổi nhún vai cười nhạt. Nụ cười thật đáng ghét. Mi tưởng mi đã thắng ta à? Vân Lâu trừng mắt định bỏ đi, nhưng gã lại giữ chàng lại:
- Anh Lâu, làm gì vội thế.
Vân Lâu ngạc nhiên. Gã này làm gì mà biết cả tên chàng, chưa kịp phản ứng thì lại nghe gã nói:
- Đừng hờn lẫy thế. Tiểu My yêu anh lắm, anh đừng để cô ấy buồn.
Vân Lâu ngơ ngác:
- Ông là ai?
- Một người bạn của Tiểu My, tôi yêu cô ấy như yêu con tôi ở nhà. Tiểu My đáng yêu lắm, cậu khó mà tìm được một người con gái nào dễ thương hơn. Trong hoàn cảnh nhơ bẩn mà nàng vẫn giữ được tâm hồn tinh khiết. Cậu mà để mất nàng chắc là phải hận ngàn đời.
Trái tim đập nhanh, Vân Lâu cảm thấy lòng rộng mở, mắt chàng mở to nhìn người đàn ông trước mặt. Con người dễ lầm lẫn vì mang sẵn định kiến chàng lắp bắp:
- Tại sao... , tại sao ông lại nói cho tôi biết những điều đó?
ông Hinh cười một nụ cười khoan dung:
- Người đứng tuổi lúc nào cũng cởi mở với lớp trẻ. Cậu vui lòng bảo cho Tiểu My biết là tôi bận, tôi không thể đợi nàng được.
Nói xong ông quay lưng lại bỏ đi, Vân Lâu chạy theo:
- Ông... Ông làm ơn cho tôi biết ông là ai?
- Tôi tên Hinh, là một thằng già thích mang gánh giữa đàng. Nhưng chắc chắn chỉ ba hôm sau là cậu phải cảm ơn tôi ngay.
Vân Lâu thành khẩn:
- Không cần phải ba hôm, tôi xin cảm ơn ông ngay bây giờ.
Ông Hinh cười không nói thêm một điều gì nữa, yên lặng bỏ đi. Vân Lâu đưa mắt nhìn theo cho mãi đến khi bóng ông Hinh mất hút. Chàng đứng tựa vào tường với một trái tim nôn nao chờ đợi. Chàng lo lắng không hiểu Tiểu My có sẵn sàng tha thứ cho bao nhiêu lầm lẫn của mình không.
Một lúc, có tiếng gót giày nện mạnh trên cầu thang, tim Vân Lâu muốn ngừng đập. Nhưng thật thất vọng. Không phải Tiểu My mà là một nữ ca sĩ khác. Đợi thêm một lúc, lòng hy vọng mới thành sự thật.
Tiểu My bước xuống thang, đi thẳng ra đường, hình như nàng không nhìn thấy chàng, hình như Tiểu My khóc. Mắt vẫn đỏ dù đã cố che dấu thật kỹ, nhưng vẫn không xóa được ngấn lệ. Vân Lâu hối hận, chàng đứng yên nhìn nàng đang ngơ ngác tìm quanh. Không dằn lòng được Vân Lâu bước ra:
- Kể như chuyện cũ đã xong, bây giờ chúng ta hãy bắt đầu lại.
Vân Lâu nói nhỏ với nụ cười cầu hòa. Tiểu My quay sang kinh ngạc:
- Anh? Rồi cơn giận đổ ập đến – ông định làm gì đây nữa chứ, tại sao tối ngày cứ đeo theo bên tôi làm phiền tôi mãi vậy? Làm nhục tôi như thế chưa đủ sao mà ông còn muốn làm trò gì nữa chứ? Muốn phá tôi đến bao giờ mới chịu thôi?
Vân Lâu buồn buồn:
- Nếu em bằng lòng bỏ hết mọi chuyện cũ thì chúng ta vào Nhã Khí ngồi một chút đi.
Chàng nắm tay nàng định đưa đi, nhưng Tiểu My đã giằng tay lại:
- Ông đừng đụng tới tôi!
Nàng bước nhanh, mắt nhớn nhác nhìn hai bên đường tìm ông Hinh.
- Ông ấy đi rồi.
Tiểu My giận dữ quay lại:
- Ông đã nói gì? ông đã làm gì để ông ấy bỏ đi chứ?
- Ông Hinh tự ý bỏ đi, ông ấy còn bảo tôi nói lại với cô là rất tiếc ông ấy bận không chờ được. Tiểu My, Tiểu My đừng giận tôi nữa, được không?
Cơn giận chưa nguôi, Tiểu My lại uất ức thêm. Nàng có cảm giác của một người bị qua mặt, bị bỏ rơi. Nàng trừng mắt nhìn Vân Lâu thù hằn:
- Tôi đã bảo ông rồi, tôi bảo ông đừng có làm phiền tôi nữa, ông làm ơn tránh ra cho tôi đi!
Vân Lâu vẫn chận trước mặt:
- Tôi không tránh!
- Ông... Ông... Tiểu My giận dữ, nàng định hét lên. Nhưng đôi mắt phía trước, một đôi mắt thành khẩn van xin, một đôi mắt dễ làm mềm lòng người, bao nhiêu sự cứng rắn còn lại bị băng hoại. Giọng nàng chợt nhỏ xuống, không hiểu có còn là của chính Tiểu My nữa không - Anh... anh muốn gì đây?
- Tôi muốn được đi cùng với Tiểu My.
- Đến đâu chứ?
- Đến đâu cũng được.
- Ngay bây giờ à?
- Vâng.
Tiểu My không biết làm sao, thôi đành vậy. ánh mắt của chàng thật dễ thương. Câu nói như một tiếng thở dài:
- Thôi, đi nhé!
Cánh tay Vân Lâu đã vòng sang người Tiểu My. Bước qua con đường Trung Sơn rồi quẹo sang hướng bắc. Họ đi trong yên lặng, không ai nói với nhau một lời. Bàn tay nàng chạm vào cánh tay chàng. Tiểu My cũng ngạc nhiên không hiểu, sao chỉ chưa đầy năm phút còn là thù hận, giận dữ, thế mà bây giờ tại sao trái tim nàng lại reo vui thế này? Tại sao?
Qua khỏi con lộ phía bắc Trung Sơn, họ cứ thẳng bước tới trước quên cả thời gian, quên cả không gian, đôi chân không thấy mỏi vì lòng họ đang xây mộng. Những bước chân ríu rít đưa đến Viên Sơn.
Qua khỏi cầu, tiến đến đài chiến sĩ Viên Sơn, họ leo qua những bậc tam cấp, yên lặng. Đêm đã khuya, gió thật mát. Xa xa những hàng tòng bá im lìm. Trên một cành cổ thụ cao một loài chim nào đó cất tiếng hót lảnh lót. Sao khuya đầy trên nền trời đen thẵm. Họ dừng chân bên cây cổ thụ, tay chàng kéo nàng về phía mình, họ nhìn nhau với bao nhiêu say đắm.
- Tiểu My.
Tiểu My yên lặng.
- Em thứ lỗi cho anh nhé? Nếu anh đã làm em buồn, anh hứa sẽ mang lại hạnh phúc đền bù nỗi buồn đó, em sẵn sàng nhận chứ?
Tiểu My vẫn yên lặng, trên đôi mắt to đen của nàng, lệ đã đong đầy, đôi môi nhỏ như hai cánh hoa nở nhụy, run rẩy.
- Anh định nói với em lâu rồi, nhưng anh không dám tự tin. Anh cứ tưởng lòng mình đã chết, nhưng từ khi biết em thì... Anh biết rằng anh không thể sống thiếu em được nữa. Tiểu My em!
Cánh tay chàng xiết chặt, Tiểu My thấy toàn thân như tan rã, hồn bay bổng đâu đâu, bay lên tận cùng trời cao, bay khỏi những cánh sao sầu muộn và... Nàng thấy chàng cúi xuống che mất đi những ánh sao trong một nụ hôn cuồng nhiệt say đắm trên môi. Tất cả những lỗi lầm, những thù hận cũ đều biến mất, chỉ còn để lại một tình yêu ngát hương.
Một lúc, chàng ngẩng đầu lên, cánh tay chàng vẫn không rời nàng. Giữa ánh sáng mờ ảo của phố khuya, của những ngọn đèn đường cô độc, mắt nàng thật sáng và Vân Lâu lại cúi xuống. Nụ hôn tới tấp như mưa bão, nóng như ánh nắng mặt trời.
- Em còn giận anh không?
- Không.
- Tha lỗi cho anh rồi chứ?
- Ừm...
- Thế em có yêu anh chút nào không nào?
Tiểu My yên lặng khiến tim Vân Lâu muốn ngừng đập. Chàng hỏi dồn:
- Có không? Tiểu My, em trả lời cho anh biết đi, đừng để anh đau khổ mà!
- Anh đã biết rồi còn làm bộ.
- Biết cái gì chứ?
Tiểu My nói như hét:
- Anh biết em yêu anh, yêu thật nhiều chứ không phải chỉ là một tí ti, anh còn giả vờ hỏi nữa.
- Thật không My?
Cánh tay chàng xiết mạnh, đầu chàng cúi xuống thấp, cắn lấy môi nàng, mặt nàng và trán của nàng.
Đêm đã khuya lắm rồi, gió đêm vây quanh vỗ về, tắm mát đôi nhân tình mới. Đêm biết chiều lòng người, ánh trăng già e thẹn nấp vào trong làn mây xám.
 
Một ngày mới bắt đầu.
Vân Lâu nhận thấy mối tình chợt đến cuồng nhiệt và say đắm hơn mối tình trước rất nhiều. Sáng hôm sau vừa tỉnh giấc, điều mà Vân Lâu nghĩ đến trước nhất là Tiểu My. Nhìn bức họa Hàn Ni treo trên tường, chàng không hiểu tại sao mình chẳng còn tình cảm hối tiếc nữa mà thay vào đó là thứ tình cảm thật tự nhiên. Đứng trước ảnh của Hàn Ni, Vân Lâu tự hỏi:
- Phải chăng đây là sự sắp đặt của nàng?
Và chàng nhớ lại câu hát của Hàn Ni.
“... Sợ anh buồn trong cô đơn em sẽ trở về... ”
Đúng rồi! Đúng là sự sắp xếp của người chết. Vân Lâu cố tin như vậy, chàng quên hẳn chuyện mình là một kẻ vô thần. Mối tình của Vân Lâu và Tiểu My đầy những dữ kiện huyền diện. Tại sao lại có sự gặp gỡ tình cờ một người con gái giống nàng như đúc để nối lại mối tình đã mất? Đúng là sự kỳ duyên. Nỗi vui vượt cả mây cao, ta phải cúi đầu chào thua sự sắp đặt của thượng đế.
Suốt một ngày đầu óc mê man như người sống trong mộng. Đang giờ học đột nhiên chàng huýt sáo và nôn náo không chịu được, phải bỏ lớp lên xe buýt chạy thẳng đến đường Quảng Châu.
Kể từ phút đưa Tiểu My về nhà cho đến giờ chỉ có mấy tiếng đồng hồ, mà Vân Lâu tưởng chừng như bao nhiêu thế kỷ. Mọi chuyện xảy ra ngày qua như một giấc mộng, chàng phải đến ngay để rõ hư thực thế nào.
Tìm được nhà Tiểu My, một ngôi nhà nhỏ có đôi cổng màu xanh đúng như hình ảnh ngày hôm qua chàng trông thấy, như vậy là thật rồi! Tiểu My không phải là nhân vật trong truyện liêu trai. Nhưng... giả sử bây giờ ta đưa tay lên bấm chuông, không gặp Tiểu My mà chỉ thấy một bà lão móm sọm lụm cụm bước ra ngạc nhiên:
- Tiểu My Tiểu My nào? Già chăm sóc ngôi nhà hoang này đã mười mấy năm trời, có ai tên Tiểu My đâu?
Không hiểu lúc đó chàng sẽ xử trí ra sao? Đầu óc rối rắm, Vân Lâu lấy hết can đảm còn lại đưa tay lên bấm chuông, thấp thỏm chờ đợi. Một lúc thật lâu mà chẳng thấy ai ra mở cổng. Vân Lâu càng bối rối, bấm thêm mấy lượt nữa. Có tiếng động bên trong nhà, rồi cửa mở. Người ra mở cửa không phải là Tiểu My mà đúng là một bà lão già khọm như chàng đã nghĩ. Trời! Điều ta nghĩ là sự thật sao?
- Ông tìm ai?
Vân Lâu lắp bắp:
- Bà... bác làm ơn cho tôi biết, ở đây có cô nào tên Tiểu My không?
Bà lão trừng mắt nhìn Vân Lâu, bà xổ ngay một tràng thổ ngữ Đài Loan. Vân Lâu hoàn toàn không hiểu gì cả. Vân Lâu lo sợ vô cùng, giữa lúc đó có tiếng nói từ trong nhà vọng ra:
- Ai đó?
Tiếp theo đó là tiếng chân và Tiểu My xuất hiện. Thấy Vân Lâu, nàng sung sướng:
- Anh, vào đây, bà ấy điếc, có nghe gì đâu mà anh nói mất công.
Vân Lâu bước vào sân (khoảng đất thật nhỏ, chàng vẫn khó có thể gọi là sân được), chàng vẫn chưa lấy lại được bình tĩnh. Gương mặt ngơ ngác của chàng khiến Tiểu My ngạc nhiên:
- Anh Lâu, anh làm gì mà mặt mày lạ lùng thế?
- Anh... anh... Vân Lâu phì cười – Anh cứ nghĩ là chuyện đêm qua chỉ là giấc mơ chứ không có thật.
Tiểu My hiểu ra:
- Anh điên thật!
- Bà lão ấy là ai vậy?
- Người làm.
- Thế à!
Vân Lâu theo chân Tiểu My bước vào nhà, Tiểu My vừa đi vừa nói:
- Nhà bề bộn hết sức, mới sáng sớm ông bố lại bỏ đi mất, anh vào chơi đừng cười nhé?
Vân Lâu thành thật:
- Nếu em đến nhà anh, em sẽ hết nói câu ấy.
- Bao giờ anh cho phép em đến?
- Lúc nào em muốn, ngay bây giờ cũng được.
Vào trong phòng, cài cửa lại xong là Tiểu My ngã ngay vào lòng Vân Lâu, th.ân thể nàng là cả một hỏa lò đang bốc lửa.
- Suốt đêm qua em chẳng ngủ được phút nào hết cả, chỉ mong cho đến sáng để gặp anh.
- Anh cũng thế.
Vừa nói, Vân Lâu vừa cúi xuống đầm ấm đặt nụ hôn trên môi Tiểu My. Bây giờ Vân Lâu mới thấy rõ sự hoàn toàn khác biệt giữa Hàn Ni với Tiểu My. Hàn Ni là nước, là một dòng suối chảy bất tận. Còn Tiểu My? Nàng cuồng nhiệt như một hỏa sơn, đôi môi nồng cháy của nàng làm chàng say đắm.
Nhìn vào đôi mắt đen nháy của người yêu, Vân Lâu gọi:
- Tiểu My, em là một yêu tinh tình nữ. Lần đầu tiên thấy em, anh đã bị lôi cuốn ngaỵ Anh thành một thằng khú khờ ngu dại. Em làm anh vừa ngất ngây vừa đau khổ như kẻ tội đồ.
- Thế em có làm anh giận không.
- Có chứ.
- Em làm gì mà anh giận.
Vân Lâu chỉ tay lên trán Tiểu My:
- Em làm cho anh ngẩn ngơ. Em trốn anh chơi như trò ú tim, như chú mèo vờn chuột ai mà chịu nổi.
- Thế anh là chú chuột à?
- Vâng.
- Anh lầm rồi, em mới chính là cô chuột đó. Tiểu My đổi giọng hờn trách – Anh biết không, em đợi anh nhớ anh khôn cùng. Mỗi đêm em nép sau cánh màn, nhìn xuống sân khấu xem anh có đến không, đến rồi có bỏ đi không? Bản nhạc thứ hai là bản nhạc em dành riêng cho anh, em đã sống vì anh rất nhiều, trong khi đó thì thái độ của anh lại lạnh nhạt, anh dày vò, ức hiếp em...
- Thôi đừng nói nữa. Vân Lâu đưa tay bụm miệng người yêu lại – Hai đứa đều điên cả, Tiểu My, có thật em đã đợi anh từ lâu rồi không?
- Anh không tin em à?
- Anh không dám nói là không tin.
Tiểu My áp mặt vào lồng ngực ấm áp:
- Anh cứ giả vờ mãi.
- Tại sao mỗi lần thấy mặt anh là mặt em lạnh như tiền thế?
Vân Lâu nâng cằm Tiểu My lên hỏi, Tiểu My phụng phịu:
- Tại anh làm ngơ trước chứ bộ, lúc nào anh cũng làm em nghĩ muốn nát óc.
- Ai làm ai nghĩ muốn nát óc? Nói mà không biết mắc cở.
Tiểu My lách mình ra khỏi vòng tay Vân Lâu:
- Chắc chắn người đó không phải em.
Vân Lâu đuổi theo, giữ lại. Tiếng cười vang lên trong gian phòng thật nhỏ.
- Mọi điều đã qua xem như là những điều ngộ nhận, từ đây chúng ta sẽ yêu nhau, chiều chuộng nhau và không bao giờ cãi lẫy nhau nữa em nhé!
-Cái đó là tùy anh chứ!
- Tùy anh?
- Vâng, nếu anh đừng vươn móng cào em. Anh đừng quên anh là con mèo nhé!
Vân Lâu cười. Tiểu My rời chàng bước tới bên bàn phấn chải lại mái tóc:
- Anh có định đi đâu không?
- Anh muốn mời em dùng cơm trưa.
- Nhà đã có sẵn cơm nước rồi. Cha em đi vắng, tại sao ta không ở nhà dùng cơm rồi đi đâu thì đi!
- Tại sao em không thích dùng cơm tiệm.
- Như thế có thể tiết kiệm được phần nào.
Vân Lâu yên lặng, một lúc mói lên lên tiếng:
- Anh tuy nghèo thật, nhưng không lẽ không đủ tiền mời em dùng một bữa cơm trưa sao?
- Không phải thế, Tiểu My đáp, mắt vẫn nhìn vào kính – Anh còn đi học, lại không có sự giúp đỡ của gia đình, tiết kiệm được chút nào hay chút nấy chứ!
Vân Lâu cười không nói, chàng yên lặng quan sát căn phòng. Gian phòng nhỏ, rộng khoảng sáu manh chiếu, chỉ đủ để một chiếc gi.ường, một chiếc bàn trang điểm, một bàn làm việc.
- Gian phòng không xứng chút nào với một cô ca sĩ xinh đẹp như em.
- Ở vào lớp tuổi em, bao nhiêu cô gái khác sắm sửa ăn mặc, còn em còn phải gánh vác cả gia đình, làm sao bì với họ được.
- Vì sao mà em không hát ở Thanh Vân nữa?
Tiểu My chớp nhanh mắt, hình như nàng khóc:
- Mảnh giấy của anh khiến em phải khóc suốt đêm, và em thấy rằng muốn để người ta không coi thường thật không phải dễ. Trong phòng trà, em không được khách ái mộ, ra đường có bị người khinh rẻ, thì...
- Thôi, Tiểu My!
Vân Lâu cắt ngang, Tiểu My vẫn nói:
- Anh đừng cắt ngang, để em nói tiếp. Bắt đầu từ hôm đó em mới thấy rằng tất cả những gì em đã làm đều vô nghĩa. Em chỉ hát cho một người duy nhất nghe, nay người ấy cũng không thèm nghe lại còn mắng nhiếc thậm tệ thì em hát làm gì?
Vân Lâu bước tới vòng tay qua người Tiểu My:
- Tiểu My em, em đừng quên rằng chính em cũng có lỗi. Hôm ấy nếu em không cố tình trêu ghẹo khiến anh phát điên lên thì...
- Còn anh, cô bạn gái kia của anh là ai?
- Đó là Thúy Vi, hôm nào rảnh anh sẽ kể cho em nghe.
Tiểu My liếc nhanh Vân Lâu:
- Anh cũng rắc rối lắm nhé, nào là Hàn Ni, rồi Thúy Vi... còn cô nào khác nữa không?
- Còn em?
- Một người bạn trai cũng không có.
- Hừ, thật không?
Tiểu My chớp mắt:
- Em chỉ có một người bạn thôi.
- Ai? Hắn thế nào?
- Khá lắm.
- Hắn làm nghề gì?
- Còn đi học, hắn là sinh viên.
- Đẹp trai?
- Không đến nỗi nào.
- Hắn có yêu em lắm không?
- Cũng đỡ đỡ vậy thôi!
Bàn tay Vân Lâu trên vai Tiểu My xiết chặt hơn:
- Chắc chắn hắn phải thuộc hạng lưu manh, đểu cáng nên em mới không yêu hắn, phải không?
- Không, trái lại hắn là con người đàng hoàng, em cũng thích hắn lắm chứ!
- Hừ, thế em còn gặp anh làm gì? Sao không đến với hắn đi?
- Thì em đang ở cạnh hắn đây còn gì nữa?
Vân Lâu thở phào:
- Tiểu My! Em quá quắt thật. Anh phải trị tội em mới được.
Vân Lâu giả vờ hùng hổ, Tiểu My cười lớn, gian phòng hẹp không phải là nơi để nô đùa, Tiểu My tung cửa ra chạy ra phòng khách, Vân Lâu đuổi theo. Một bóng người xuất hiện nơi cổng giọng lè nhè:
- Gì mà cười vui quá vậy, cho tao chơi với coi!
Tiếng cười chợt tắt trên môi Tiểu My:
- Cha... cha lại uống rượu nữa à?
Ông Khiêm loạng choạng bước vào nhà. Suýt tí nữa đã ngã vào người Vân Lâu.
- Tao... tao đâu có say? Thấy Vân Lâu, ông khề khà - Thằng nhỏ này là ai vậy? Ở đâu tới đây vậy? Có phải là bạn mày không hở Tiểu My?
Tiểu My khó chịu:
- Cha vào trong phòng nghỉ đi. Tối ngày cứ say sưa mãi...
Ông Khiêm trừng mắt:
- Cái gì? Mày ỉ mày có bạn trai rồi muốn đuổi bố già mày đi sao?
Tiểu My bước tới, dìu cha tới ngồi trên ghế. Đỡ lấy chai rượu không còn một giọt trên tay ông Khiêm, nàng trách:
- Cha... sao cha uống nhiều thế? Rủi bệnh rồi sao, tiền rượu thiếu ở quán Thạnh Phương nhiều quá rồi, cha cứ uống mãi.
Ông Khiêm như quả bóng xì hơi, như chú gà cụp cánh, gục đầu xuống với một chút buồn phiền trong hơi rượu:
- Tiểu My, cha mày hư hỏng thật... Tội nghiệp con tôi, cha mày thật vô tích sự, không làm nên chuyện gì cả, chỉ biết sống bám vào con, bắt con phải đi hát khổ sở...
Tiếng than của ông Khiêm làm Tiểu My rưng rưng nước mắt:
- Cha, con đã nghỉ hát ở Thanh Vân rồi.
Ông Khiêm trừng đôi mắt đỏ nhìn Tiểu My:
- Sao? Con thôi làm ở Thanh Vân rồi à? Thế... thế... Ông quay sang nhìn Vân Lâu – Có phải hai người sắp lấy nhau không? Cậu lấy con gái tôi rồi cậu có nuôi tôi không?
Tiểu My vừa khó chịu vừa thẹn:
- Cha, sao cha không nói chuyện gì lạ thế? Ai lấy ai hồi nào đâu?
Ông Khiêm đứng dậy:
- Hai người không lấy nhau à? Tiểu My, con đừng có ngu, dù sao con cũng là con nhà lành, đừng để hắn lợi dụng.
- Cha nói gì lạ thế? Cha say rồi, cha đi ngủ đi!
- Không, tao không có say!
Ông Khiêm nói cứng, nhưng vừa chấm dứt câu nói là ông ngã nhoài xuống ghế. Tiểu My bước tới lay mạnh cha:
- Cha vào phòng ngủ đi, nằm ở đây kỳ quá!
Vân Lâu bước tới nói:
- Em mang chăn ra đắp cho bác, chớ không thể nào bảo bác vào được đâu.
Tiểu My nhìn Vân Lâu với ánh mắt ngại ngùng, lấy tấm chăn đắp cho cha xong nàng bảo Vân Lâu:
- Để em bảo bà người làm chúng ta không dùng cơm nhà nhé.
Vân Lâu gật đầu. Một lúc sau cả hai cùng ra phố, họ yên lặng đi bên nhau. Thái độ lầm lì của Vân Lâu khiến Tiểu My lo lắng. Một thứ mặc cảm buồn phiền ray rứt nàng. Chàng đang nghĩ gì? Ta có một người cha say sưa, một gia đình bê bối thế này, chàng có khinh thường ta chăng?
Tiểu My dò hỏi:
- Cha em lúc không uống rượu cũng đàng hoàng lắm, chỉ có hôm nay... Anh không buồn vì những lời ông ấy nói khi say chứ?
- Tiểu My! Vân Lâu gọi, mắt chàng nhìn thẳng vào mắt Tiểu My – Không cần em giải thích dòng dài, anh hiểu hết rồi, càng hiểu anh càng khâm phục em, càng yêu em. Anh không ngờ trên đôi vai gầy yếu của em lại chất chứa quá nhiều trách nhiệm như vậy. Từ đây, em hãy chia bớt gánh nặng cho anh.
Tiểu My cảm động:
- Vân Lâu, anh tốt thật. Nhưng dù sao chuyện gia đình của em để em lo, em không muốn nhận bất cứ một cái gì của anh cả.
- Tại sao vậy? Tại sao em lại phân biệt của anh, của em?
Tiểu My vội đính chính:
- Không phải thế, nhưng anh còn đi học, anh cũng nghèo cơ mà.
- Trường anh học là trường công mà em...
- Vâng em biết, nhưng tiền anh kiếm được chưa chắc đủ cho anh xài nữa là...
- Anh có thể tìm thêm việc làm.
- Không được, anh làm bấy nhiêu việc cũng mệt lắm rồi, còn để dành thì giờ học nữa chứ. Việc đó em lo được mà.
- Em đi tìm việc à? Anh không muốn thấy em hát ở phòng trà nữa.
- Để em đến tìm ông Hinh, biết đâu ông ấy chẳng giúp em một chỗ làm trong hãng của ông ấy?
- Anh không muốn em đến gặp ông ấy.
- Sao vậy?
- Anh ghen.
Tiểu My cười:
- Anh Lâu, anh biết ông Hinh đáng cha em mà.
- Nhưng ông ấy không phải là cha thật của em, giữa hai người khác phái sự liên hệ có thể thay đổi dễ dàng. Bây giờ ông ấy đối với em như cha với con nhưng biết đâu một ngày nào đó có sự thay đổi thì sao? Anh không muốn em đến đấy.
Tiểu My cười xòa:
- Anh thật cố chấp. Người ta đã giúp anh mà anh không mang ơn người ta mà trái lại...
- Anh vẫn nhớ ơn, nhưng anh cũng cần bảo vệ tình yêu của anh nữa chứ!
- Đó không phải là cái lý vững. Nhưng nếu theo đúng ý anh thì bây giờ em phải làm sao.
- Để anh nghĩ... à Được rồi!
- Sao anh?
- Anh sẽ đưa em đến gặp một người, người ấy sẽ giúp ta.
- Ai đấy?
- Cha của Hàn Ni.
Tiểu My ngạc nhiên, nàng lúng túng không biết trả lời sao. Hàn Ni, Hàn Ni, kể từ hôm biết Vân Lâu đến nay, cái tên đó như một định mệnh có lẽ không tách rời ra khỏi họ được.
- Sao? Em thấy thế nào? Nhưng anh chắc chắn một điều là sự hiện diện của em sẽ làm ông ấy giật mình ngay.
Tiểu My không tin:
- Có thật em giống Hàn Ni như khuôn đúc không?
- Trừ thái độ, cử chỉ và sức khỏe ra, anh có thể nói em giống Hàn Ni như khuôn đúc.
- Chuyện như chuyện giả tưởng thế à?
- Ừ, chuyện lạ lùng nhưng có thật. Sao? Em chịu đi không?
- Nếu anh muốn.
- Anh muốn.
Tiểu My thở dài:
- Thế thì em đi vậy.
Vân Lâu sung sướng:
- Em ngoan lắm, dùng cơm trưa xong, em đến đằng anh chơi, đến bốn năm giờ chiều chúng ta sẽ đến nhà bác Dương, vì sau năm giờ bác ấy mới có mặt ở nhà.
Tiểu My yên lặng, Vân Lâu hỏi:
- Sao? Em không thích à?
- Không phải không thích, nhưng em thấy nó làm sao ấy.
- Tại sao lại vậy?
Tiểu My ngẩng đầu lên nhìn trời:
- Em cũng không biết, hình như... Em không hiểu tại sao lại có nhiều chuyện lạ lùng như vậy. Vả lại, tại sao có em can dự vào... Em thấy ngài ngại...
- Đừng có nghĩ ngợi nhiều em.
Tiểu My nhìn Vân Lâu lo lắng:
- Anh yêu em chỉ vì em giống Hàn Ni thôi à?
Vân Lâu đính chính:
- Không phải vậy đâu em, tình yêu đến đâu phải chỉ vì hình dạng bên ngoài không đâu?
Tiểu My nói thật nhỏ:
- Nhưng em thấy ghen thế nào ấy.
- Đừng có điên, em ạ?
Tiểu My nhìn Vân Lâu, rồi đột nhiên cười, nàng lảng nhanh sang chuyện khác:
- Tìm một nơi nào ăn đi anh, em đói lắm rồi đấy!
 
Sau bữa cơm trưa, Tiểu My theo Vân Lâu về nhà chàng.
Vừa bước chân vào gian nhà nhỏ, Tiểu My thấy hồi hộp lạ thường. Những bức họa có cùng một khuôn mặt, cùng một ánh mắt, cùng một nụ cười như đang theo dõi từng hành động của nàng. Tiểu My rùng mình. Những bức họa thật đẹp, thật có hồn. Nàng bước tới ngắm từng bức một, Vân Lâu mang đến cho nàng một ly nước.
- Giống không?
Tiểu My lơ đãng:
- Giống gì?
- Giống em!
Tiểu My ấp úng:
- à... Ơ... giống thật, nhất là bức tranh vẽ bằng phấn tiên.
- Bức đó anh mới vẽ đấy. Hôm qua đưa em về xong, anh không làm sao ngủ được nên ngồi vẽ suốt đêm đó!
Tiểu My quay nhìn bức tranh mới vẽ xong rồi đưa mắt so sánh với những bức khác trong phòng. Nàng cảm thấy khó chịu vì bất cứ một xó xỉnh nào cũng ngập đầy hình bóng Hàn Ni.
- Nhìn thế này, em cứ ngỡ anh chỉ vẽ một người duy nhất thôi.
Bước tới cuối phòng, bỗng nàng thấy dưới khung kính là một bức tranh với mấy câu thơ:
”Khóc không thành tiếng nghĩ đến tình buồn
Nhớ em từ đấy, mắt lệ rưng rưng, họa cũng không thành
Nửa khuya thức giấc, chỉ có cú kêu nhớ người muốn khóc.”
Đọc xong, Tiểu My nhìn kỹ chân dung người con gái, càng nhìn Tiểu My càng thấy giống mình và càng thấy khó chịu.
- Tiểu My, em sao thế?
- Em hơi chóng mặt, anh cho em biết rõ về Hàn Ni đi.
- Có thật em muốn nghe không?
- Thật.
- Thế thì anh xin kể.
Vân Lâu kéo ghế ngồi xuống cạnh Tiểu My. Mặt nhìn mặt, tay trong tay, Vân Lâu bắt đầu kể.
Câu chuyện như một khúc phim được chàng quay lại từ ngày mới dọn đến nhà ông Dương. Rồi nửa đêm nghe tiếng đàn vọng lên chàng ngồi nghe say sưa như thế nào, cho đến lúc bị mẹ cha buộc phải trở về Hương Cảng chàng phải đi vì không thể chần chừ được nữa. Và Hàn Ni hay tin, bị xúc động chịu không nổi đã tắt thở ngay dưới chân chàng mà chàng không hay.
Theo lời kể của chàng, nàng như nhìn thấy người thiếu nữ có một quãng đời đáng thương kia hiện ra trước mặt. Nàng bắt đầu xúc động và không thấy ganh tị nữa, mắt nàng bắt đầu ướt:
- Anh Lâu, tội nàng thật, em nghe mà muốn khóc.
Vân Lâu tiếp tục kể:
- Câu chuyện đến đây chưa phải là hết, Hàn Ni chết đi, kể từ đó đột nhiên anh thấy không vẽ được nữa, ngay cả chân dung của Hàn Ni anh cũng vẽ không xuất thần như trước. Em nhìn hình thì thấy chứ?
Tiểu My đưa mắt nhìn tấm hình đặt dưới khung kính. Hèn gì chẳng là họa không thành sao được.
- Nhưng... sao em thấy bức tranh này, giống em ghê đi!
- Thế à!
Vân Lâu chồm tới ngắm nghía, quả giống thật. Hai người yên lặng nhìn nhau. Phải chăng giữa thế giới loài người còn có một thế giới vô hình khác chi phối cả cuộc đời sống con người. Một lúc, Tiểu My giục:
- Kể tiếp đi anh!
- Ừ, Hàn Ni chết được một năm, một hôm anh định ghé ông bà Dương thì anh gặp em. Em còn nhớ cái ngày hôm ấy chứ?
- Vâng, chuyện cứ như nằm mơ, em cứ tưởng anh giả điên giả khùng để trêu em. Nhưng sau đấy không hiểu sao em lại mời anh đến phòng trà Thanh Vân.
- Đúng rồi, chuyện như nằm mơ không bằng. Anh tưởng em là Hàn Ni, anh mừng phát điên lên được, anh chạy đến nhà ông bà Dương la hét um xùm, mãi đến lúc ông ấy thề bán sống bán chết anh mới yên. Tối hôm ấy ngủ lại nhà ông Dương, anh mơ một giấc mơ lạ lùng, trong đó Hàn Ni đã hát “Sợ anh buồn, sợ anh cô đơn nên em sẽ trở lại... ”.
Tiểu My chau mày:
- Anh còn nhớ âm điệu bản nhạc thế nào không?
- Để anh thử nhớ xem.
Vân Lâu nhại giọng một hai câu, Tiểu My gật đầu:
- Thôi em hiểu rồi, bản nhạc này xưa lắm rồi, nó có tên là “Đừng Xa Nhau” nhưng tại sao lại đổi lời?
- Em cũng biết bản này nữa sao?
- Vâng, bản này với bản “Không Bao Giờ Xa Nhau” đều là những bản nhạc xưa cả.
- Đó em thấy không, em với Hàn Ni đều biết hát cùng một bản như vậy làm sao anh không bị lầm được.
- Nhưng nhiều người cũng biết hát những bản đó vậy, đâu phải chỉ có một mình em. Anh kể tiếp đi.
- Lúc tỉnh dậy, đầu óc anh cứ lảng vảng mãi mấy câu đó. Anh như người mất thăng bằng, cách đây mấy hôm, khi gặp em ở nhà hàng Trung Ương, anh đã hứa với lòng là từ rầy không đến tìm em nữa, nhưng rồi lại chiêm bao lúc thấy em lúc lại thấy Hàn Ni, thế là anh không chịu được, đành phải đi tìm em.
Tiểu My bị ám ảnh bởi câu chuyện kể:
- Em sợ em không đẹp như nàng!
Vân Lâu nâng những ngón tay nhỏ của Tiểu My đặt lên môi mình:
- Tiểu My, tính tình em và nàng khác hẳn nhau. Em can đảm, cứng rắn, em như cuộn lửa đỏ, còn Hàn Ni chỉ là những sợi khói mong manh thôi. Em hiểu ý anh không?
Tiểu My nhẹ gật đầu.
- Còn một điều nữa. Tối qua về nhà, đột nhiên anh thấy thích vẽ vô cùng, và anh đã vẽ chân dung em, có thể nói đó là bức thành công nhất của anh trong năm nay.
Nụ cười nở trên môi Tiểu My. Vân Lâu nhìn nàng và đột nhiên chàng nắm tay người yêu đặt lên môi mình, cánh tay còn lại vòng qua người xiết chặt:
- Tiểu My, em làm anh cảm thấy phấn khởi.
Tiểu My vùng vẫy:
- Anh Lâu, buông em ra, anh không sợ Hàn Ni nhìn chúng ta à?
- Không sao đâu, nhìn thấy chắc nàng sẽ sung sướng hơn, yên tâm hơn vì anh đã hết phiền muộn.
Khoảng bốn giờ sau, Vân Lâu và Tiểu My tới trước cổng nhà ông Dương. Đưa tay lên bấm chuông, Vân Lâu quay lại nói:
- Để em xem, thấy em chắc chắn họ la hoảng lên cho coi!
Tiểu My cười không đáp. Nàng phập phồng không hiểu chuyện mình đế đây thế này có nên hay chăng? Người trong nhà sẽ nghĩ sao về nàng? Hôm nay nàng không trang điểm nhiều, chỉ thoa một tí son nhạt trên môi, tóc xõa dài trên vai, chiếc áo màu vàng nhạt, tình cờ nàng ăn mặc tương tự như cách ăn mặc của Hàn Ni.
Cửa vừa mở, khuôn mặt cô tớ Tú Lan thò ra ngoài, thấy Vân Lâu cô ra mừng rỡ:
- Cậu Lâu, ông chủ đến sở chưa về, cậu...
Vừa nói xong tiếng cậu, quay sang nhìn Tiểu My, cô ta há hốc miệng, không thốt ra được lời nào nữa. Vân Lâu thấy vậy, vội đính chính:
- Tú Lan, đây là cô My, chị thấy có giống Hàn Ni không?
- Cô My à? Không... không...
Cô Tú Lan hấp tấp bỏ chạy ngay vào nhà, Vân Lâu nói ngay với Tiểu My:
- Đấy thấy không Tiểu My. Cô ấy bỏ sợ bỏ chạy vào nhà rồi đấy. Bây giờ chúng ta vào nhà nhé?
Tiểu My ngại ngùng:
- Có thật em giống Hàn Ni lắm không?
- Anh đã bảo là giống như hai giọt nước mắt.
Bước vào phòng khách, gian phòng màu xanh mát dịu, không một bóng người. Vân Lâu nhìn quanh, không có gì thay đổi, phải chăng những ngày tháng cũ đang trở lại.
- Phòng bài trí đẹp quá!
- Bác Dương gái bày biện hết đấy. Vân Lâu chỉ chiếc đàn dương cầm – Hàn Ni thường ngồi đây đàn bản Một Tưởng Khúc cho anh nghe.
Tiểu My suy nghĩ:
- Một Tưởng Khúc à? Em cũng biết đàn bản ấy.
Vân Lâu bước tới mở nắp đàn lên:
- Em thử xem, cây đàn lâu lắm không có ai mò tới.
Tiểu My bước tới do dự:
- Có tiện không?
- Sao lại không, Tiểu My, đàn đi, anh đang muốn nghe đây.
Nơi cửa có tiếng động, tiếng chó kêu, Vân Lâu quay đầu lại, con chó Khiết đang vẫy đuôi chạy đến.
- Khiết! Khiết!
Chó Khiết chồm lên người Vân Lâu, Tiểu My buột miệng:
- Con chó đẹp quá, dễ thương quá!
Hình như tất cả đàn bà, trời sinh ra đều yêu thương thú vật. Tiểu My cúi xuống, vuốt ve đôi tai mềm của con chó. Con vật cũng có vẻ mến nàng, nó thè lưỡi ra liếm tay nàng.
- Nó ngoan quá hở anh?
Vân Lâu nhìn Tiểu My và con vật, chàng vỗ nhẹ lên đàn:
- Em không đàn à?
Tiểu My ngồi xuống bắt đầu đàn, những âm thanh quen thuộc lại vang lên. Nhưng tiếng đàn rời rạc chứ không điêu luyện như tiếng đàn của Hàn Ni. Gian phòng chìm đắm trong cõi mộng. Chú chó Khiết bước tới phủ phục dưới chân Tiểu My như đã ở dưới chân Hàn Ni ngày nào.
Có tiếng động ở cầu thang, Vân Lâu nhìn lên, bà Dương đang vội vã bước xuống.
- Hàn Ni!
Tiểu My ngưng tiếng đàn quay lại, Bà Dương đã bước xuống chân cầu thang, bà loạng choạng như sắp ngã.
- Anh Lâu! Coi chừng bà ấy té bây giờ!
Vân Lâu hối hả bước tới dìu bà Dương ngồi xuống ghế. Bà Dương yếu ớt nói:
- Làm ơn cho tôi ly nước nhanh lên.
Bà Dương vừa uống xong là chàng nói:
- Cháu thành thật xin lỗi bác, cháu quên giới thiệu trước cho bác biết là đây Tiểu My chứ chẳng phải là Hàn Ni. Tiểu My mà cháu đã nói với bác là cháu gặp ngoài phố đấy!
- Không, không... không phải đâu!
Bà Dương là một người đàn bà cứng cỏi, thế mà bà vẫn không dám chấp nhận chuyện trước mặt là sự thật. Đang ngủ, đột nhiên nghe có tiếng đàn vọng lại, bà vội bước xuống lầu. Cảnh tượng trước mặt chẳng khác ngày xưa. Hàn Ni vẫn xõa tóc bên đàn, con chó Khiết phủ phục dưới chân...
- Không... Không, tôi đang nằm mơ đây phải không?
Vân Lâu cố gắng giải thích:
- Không phải đâu bác, bác không nằm mơ. Đây là người con gái giống Hàn Ni như khuôn đúc, cháu đưa nàng đến để gặp bác. Nàng họ Đường tên Tiểu My, nếu bác nhìn kỹ sẽ thấy không phải là Hàn Ni.
Bà Dương có vẻ tỉnh táo đôi chút, bà chậm rãi bỏ đôi tay đang úp trên mặt xuống. Tiểu My đang đứng trước mặt bà ngượng ngập:
- Thưa bác.
Tiểu My lên tiếng, bà Dương đã nghe rõ. Thưa bác, chứ không phải là thưa mẹ! Đúng là ta đã lầm. Bà yên lặng ngắm nghía người con gái. Cũng một đôi mắt, cái miệng nhỏ và sống mũi thẳng, nhưng Hàn Ni ốm hơn, xanh hơn, yếu đuối hơn người con gái trước mặt nhiều. Không ngờ trên đời lại có sự trùng hợp lạ thường như vậy.
- Cậu Lâu cậu tìm gặp cô này ở đâu?
- Dạ con gặp trên phố, con có nói cho hai bác nghe hôm nọ, nhưng hai bác cứ bảo là con bị hoa mắt nhìn lầm, bác quên rồi sao?
- À phải rồi!
Bà Nghĩ, nếu Hàn Ni cũng khỏe mạnh như con bé thế nay, thì... bà lắc đầu, thở dài rồi đưa tay ngoắc Tiểu My lại gần:
- Lại đây cháu, lại bác bảo.
Tiểu My bỡ ngỡ bước tới, ngồi lên chiếc ghế thấp, đối diện với bà Dương. Mất mẹ từ thửa nhỏ, Tiểu My là đứa bé khao khát tình mẫu tử, nàng đưa tay cho bà Dương nắm lấy.
- Cháu họ gì?
- Dạ họ Đường ạ!
- Họ Đường à? Bà Dương giật mình - Thế cha cháu tên gì?
- Đường Văn Khiêm!
- Đường Văn Khiêm? Ký ức trở về làm bà ngồi thẳng lưng lại - Trời... thì ra... thì ra cháu là...
Tiểu My ngạc nhiên:
- Cháu là sao thưa bác.
Bà Dương nhìn thẳng vào mắt Tiểu My:
- Bây giờ cháu cho bác biết một điều nữa nhé. Cháu sinh ngày nào?
- Mười bảy tháng tư âm lịch.
- Mười bảy tháng tư à? Vân Lâu hốt hoảng lên tiếng - Hàn Ni cũng sinh ngày đó!
Bà Dương cúi xuống:
- Đúng rồi. Ngày mười bảy tháng tư âm lịch năm Dân quốc thứ ba mươi bốn tại Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên phải không? Mẹ cháu thì... chết vì sanh khó phải không.
- Ủa? Tiểu My tròn xoe mắt - Tại sao bác biết?
Vân Lâu cũng ngạc nhiên không kém:
- Bác Dương, có chuyện gì lạ vậy? Tại sao Hàn Ni với Tiểu My lại sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng nơi thế?
Bà Dương thở dài:
- Không phải chỉ cùng ngày cùng tháng thôi mà còn là cùng giờ nữa, cùng cả người mẹ sinh ra nữa. Họ là hai chị em sinh đôi đấy.
Vân Lâu kêu lên:
- Sao lạ vậy? Không lẽ... không lẽ Tiểu My cũng là con của bác à?
Bá Dương lắc đầu:
- Không phải thế. Đời này có nhiều chuyện xảy ra mà ta không ngờ được. Hình như trời đất đã sắp đặt trước để mươi năm sau mới cho vén màn bí mật.
- Vậy thì bác nói đi. Vân Lâu giục - Tiểu My với Hàn Ni là hai chị em sinh đôi, thế là thế nào?
Bà Dương bình thản nhìn Tiểu My:
- Được rồi, để tôi nói. Dù sao Hàn Ni cũng đã chết rồi, chuyện cũng không cần phải dấu diếm làm gì. Nhưng trước khi tôi kể cho hai người nghe, cháu Tiểu My, cháu cho bác hỏi thăm ba cháu lúc này có khoẻ không?
Tiểu My e dè đáp:
- Dạ khỏe.
- Cô ở với ông ấy à?
- Vâng.
Bà Dương lục lọi trong ký ức:
- Ông ấy... còn uống rượu không?
Tiểu My ngạc nhiên:
- Làm sao bác biết cha cháu uống rượu? ông ấy say sưa suốt ngày có lúc nào tỉnh đâu.
- Thế à? Bà Dương đưa mắt thương hại nhìn Tiểu My – Như thế làm sao ông ấy kiếm tiền nuôi lớn cháu chứ?
- Dạ lúc đến Đài Loan, cha cháu còn đi làm được, cha cháu dạy âm nhạc cho một trường trung học. Để dành được số tiền nhỏ, cha cháu mới mua nhà cửa. Nhưng sau đấy vì rượu, nhà cũng phải bán đi, để mướn căn nhà hiện nay ở đường Quảng Châu. Việc dạy học bất thành, nhưng nhờ tiền bán nhà nên hai cha con cũng sống lây lất qua ngày, mãi đến lúc cháu đậu xong trung học... Và kể từ đó, cháu bắt buộc phải đi làm.
- Cháu làm ở đâu?
- Dạ... dạ...
Tiểu My có vẻ e thẹn, Vân Lâu đỡ lời:
- Tiểu My hát cho một phòng trà.
- À! Bà Dương thở dài - Tội nghiệp không!
Vân Lâu hối thúc:
- Thưa bác, bác chưa nói rõ câu chuyện mà!
- Vâng, tôi nói đây. Bà Dương mơ màng nghĩ lại câu chuyện hai mươi năm về trườc. Cậu Lâu, cậu còn nhớ là thưở xưa tôi đã bị bà nội cậu nguyền rủa không?
Vân Lâu gật đầu, bà Dương tiếp:
- Lời nguyền đó không ngờ lại linh nghiệm thật. Hai vợ chồng tôi mong mỏi được một đứa con, nhưng hai lần có thai là hai lần bị hư, rốt cuộc chúng tôi không có đứa nào cả, trong khi đó thì cậu ra đời. Đến năm Dân Quốc thứ ba mươi bốn, tôi lại thụ thai lần thứ ba. Không cần phải nói cậu cũng biết chúng tôi chăm sóc cái thai đó, đến thế nào. Và đến ngày mười bảy tháng tư năm sau, tôi đã lâm bồn tại một bảo sinh viện ở Trùng Khánh, Tứ xuyên.
Vân Lâu nôn nóng:
- Và bác đã sinh ra Tiểu My với Hàn Ni!
Bà Dương lắc đầu:
- Không, sau bốn mươi tám tiếng đồng hồ đau bụng, tôi đã sinh được một đứa con gái kháu khỉnh. Nhưng có lẽ vì lời nguyền rủa của bà cậu, tôi không bao giờ có được diễm phúc làm mẹ. Vì vậy đứa bé vừa chào đời là lại bỏ tôi đi ngaỵ Bác sĩ cũng bảo rằng tôi không có con được nữa. Bà Dương ngưng lại thở - Tôi đau khổ đến muốn tự tử. Bác trai cháu lúc nào cũng ngồi cạnh canh chừng sợ tôi quẩn trí làm bậy. Nhưng một phép lạ đã cứu tôi.
Bà Dương đưa mắt nhìn Tiểu My với nụ cười trên môi. Vân Lâu hối thúc:
- Phép lạ đó thế nào?
- Thì cũng ngày đó có một sản phụ cũng đến bệnh viện đó sinh. Chồng của bà ấy là một sinh viên trường quốc gia âm nhạc, nghèo không một xu dính túi. Khi sản phụ được đưa đến bệnh viện thì đã mê man. Bác sĩ bảo chỉ còn có cách giải phẫu để cứu đứa con. Kết quả là hai đứa bé gái ra đời, đó là Tiểu My và Hàn Ni.
- À.
Bây giờ Tiểu My mới hiểu, bà Dương tiếp:
- Người đàn bà khốn khổ kia, sau khi được giãi phẫu chỉ sống thêm được hai tiếng đồng hồ. Hai đứa bé sinh ra rất yếu đuối, một đứa nặng chưa tới hai ký, nhỏ như một con chuột, bác sĩ bảo nó khó có thể sống được, còn đứa kia thì tương đối khỏe mạnh hơn, hai đứa giống nhau như hai giọt nước.
Người cha trẻ tuổi kia sau khi vợ mất như một kẻ cuồng trí, tối ngày la hét uống rượu say sưa, bỏ mặc hai đứa bé không người chăm sóc.
Đó là những ngày cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Nhật, giá sữa lên thật cao. Những đứa bé không mẹ bắt buộc phải dùng sữa hộp. Người cha làm gì có tiền để muạ Thế là một hôm, cô y tá bế một đứa bé, đứa nhỏ nhất trong hai đứa, đến tìm tôi. Lúc đó ngực tôi căng đầy sữa, tôi bằng lòng cho nó bú nhờ.
Gian phòng yên lặng, bác Dương tiếp:
- Khi đứa bé nằm yên trong lòng tôi đưa đôi mắt đen nháy nhìn tôi thì tình mẫu tử tự nhiên khiến tôi thấy yêu thích cô bé vô cùng và chúng tôi đi tìm nhà nhạc sĩ nài nỉ ông ta cho đứa con gái yếu đuối kia cho chúng tôi.
- À! Tôi hiểu rồi.
Vân Lâu kêu lên, bà Dương nhìn Tiểu My tiếp:
- Lúc đó cha cô đang là người bất đắc chí, học hành dở dang, thất nghiệp, vợ lại mới chết phải nuôi cả hai đứa con còn đỏ hỏn, ông ấy bối rối vô cùng. Vả lại bác sĩ cũng bảo là con bé yếu đuối e sống không lâu, dù có tốn bao nhiêu thuốc thang nó cũng vẫn yểu tướng như thường. Lúc nghe chúng tôi xin con, ông đã giận dữ, nhưng sau đó, sau khi suy nghĩ chín chắn, thấy gia đình chúng tôi cũng khá giả, nên lại bằng lòng chọ Thế là con bé kia trở thành con chúng tôi, đó là Hàn Ni.
Tiểu My bàng hoàng:
- Thế tại sao tôi không hề nghe cha tôi nói gì đến chuyện tôi có đứa em sinh đôi cả thế?
- Ngay chính Hàn Ni chúng tôi vẫn dấu, dù tôi vẫn liên lạc với cha cô. Chúng tôi tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cha cô từ tiền bạc đến tinh thần. Mong ông ấy sẽ lấy lại được can đảm sống, nhưng không đi đến đâu cả, cha cô cứ mãi say sưa. Sau cuộc kháng chiến, thì đất nước cũng không yên vì sự dấy loạn của cộng quân. Chúng tôi đành rời Tứ Xuyên. Trước khi đi tôi có gửi lại cho cha cô một số tiền lớn rồi mới đến Đài Loan. Sự liên lạc từ đó bị cắt đứt và tôi vẫn tưởng cha cô và cô còn ở lại Hoa Lục, không ngờ...
Vân Lâu nãy giờ yên lặng, mới lên tiếng:
- Thưa bác, cháu không ngờ có chuyện như vậy. Cháu chỉ thấy lạ là tại sao Hàn Ni lại giống Tiểu My như đúc. Nay rõ ra là tại vì cùng cha, cùng mẹ, nên cùng yêu âm nhạc, cùng biết hát, hèn gì!
Tiểu My rối rắm theo câu chuyện, nàng không biết mình nghĩ gì. Không ngờ ta lại có một người em song sinh. Phải chi Hàn Ni còn sống thì hay biết mấy.
- Đó chính là thiên mệnh!
Vân Lâu nói, bà Dương nhìn chàng, bà hiểu chàng định nói gì. Thiên mệnh là một lý do kỳ diệu. Có nhiều sự sắp xếp lạ lùng mà ta không ngờ tới. Đột nhiên bà đứng dậy nói:
- Hai người ở lại đây dùng cơm nhé.
Quay sang nhìn Vân Lâu, bà Dương xúc động:
- Cậu Lâu, tôi cảm thấy như thời gian trôi qua bây giờ đang trở lại.
Vân Lâu yên lặng, vì mắt chàng đang dừng trên người Tiểu My.
 
Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện bí mật và mỗi bí mật khi được bật mí thường mang đến nhiều chuyện buồn phiền hơn vui. Nhưng với Vân Lâu, Tiểu My, và gia đình ông Dương thì lại khác. Thân thế Tiểu My được tỏ rõ thì mọi người đều hân hoan. Tiểu My đã biết được Hàn Ni là chị em song sinh của mình thì bao nhiêu hờn ghen xưa kia đều tan và thay vào đấy là thứ tình cảm man mác. Với Vân Lâu việc mất Hàn Ni để rồi bây giờ lại có Tiểu My thay thế cũng chẳng còn buồn phiền vì hai đóa hoa là hai đóa chung cành. Riêng đối với vợ chồng ông Dương, thì sự xuất hiện của Tiểu My với cùng một khuôn mặt, với một thân xác khỏe mạnh mang đến cho hai người những cảm giác của người mất bảo vật đã tình cờ tìm thấy lại.
Trong khung cảnh đó, những tháng ngày vui tươi đã trở lại với họ. Ông Dương sốt sắng tìm việc làm cho Tiểu My, tiếc một điều là Tiểu My không biết kế toán và đánh máy chữ, nàng hoàn toàn xa lạ với công việc văn phòng, chỉ biết độc mỗi một môn ca hát. Ông Dương sau nhiều lần đắn đo, đã đề nghị:
- Tiểu My, em song sinh của cô là con gái tôi, vậy thì Tiểu My đừng ngại ngùng gì cả cứ để tôi bảo bọc gia đình cô một thời gian. Còn cô, cô tiếp tục học tiếp môn âm nhạc, cô thấy sao?
Đề nghị vừa được đưa ra là Tiểu My cự tuyệt ngay, người con gái có óc tự lập này nói:
- Lúc xưa, cháu đi học hành nghề ca sĩ là chỉ vì muốn tự túc mưu sinh, bây giờ dù có được hai bác thương yêu tận tình giúp đỡ để tiếp tục học lại thì cháu cám ơn lắm nhưng cháu không yên tâm được. Tiền cha cháu mang sang Đài Loan mua nhà, sinh sống cũng là của hai bác giúp đỡ. Nghĩa là mười mấy năm học của cháu có thể kể là hoàn toàn do hai bác lo. Bây giờ cháu đã hai mươi rồi, cháu phải sống tự lập chứ đâu thể cứ nhờ vả hai bác mãi được.
Bà Dương thở dài:
- Tại sao Tiểu My lại cương trực quá vậy!
Nhưng với ông Dương thì trái lại, ông thấy khâm phục người con gái có tính tự lập này. Ông âm thầm theo dõi và tự hứa với lòng là sẽ cố gắng tìm cách giúp đỡ Tiểu My. Bà Dương vì thương nhớ Hàn Ni không nguôi nên lúc nào cũng mong Tiểu My dọn về đây ở chung. Nếu Tiểu My dọn về đây, bà sẽ dành phòng Hàn Ni cho Tiểu My. Nhưng bà hiểu, không bao giờ đề nghị trên được Tiểu My chấp thuận. Tiểu My bướng bỉnh và cứng đầu chứ không mềm yếu như Hàn Ni.
Đời sống hàng ngày của gia đình Tiểu My càng lúc càng đi đến chỗ tối tăm hơn, kể từ ngày nàng nghỉ làm ở phòng trà. Ông Khiêm tối ngày say sưa Vân Lâu dù đã có giúp ít nhiều nhưng cũng không thể không lâm vào tình trạng túng quẫn được. Ông bà Dương hiểu rõ hoàn cảnh của nàng, nên một hôm ông bà đã ghé thăm ông Khiêm. Lúc họ đến nơi thì ông Khiêm đang nằm say sưa như chết, vì vậy ông bà chỉ hỏi thăm Tiểu My qua loa, rồi đưa mắt quan sát khắp nơi. Một lúc khi ông bà Dương về xong, Tiểu My chợt thấy trên gi.ường mình có một gói bạc lớn và một mảnh giấy:
Tiểu My,
Tiền bạc chẳng có nghĩa lý gì so với tình cảm của con người, vì vậy món quá tôi gởi cho Tiểu My đây không phải chỉ là tiền mà còn là tình cảm của chúng tôi dành cho Tiểu My nữa, mong Tiểu My đừng khước từ, vì khước từ có nghĩa là Tiêu My không chấp nhận tình cảm chân thành đó. Tiểu My cũng biết là tôi xem Tiểu My như con mà.
Bác Dương.
Cầm mảnh giấy trong tay, Tiểu My gục đầu trên vai Vân Lâu khóc ngất. Vân Lâu vỗ về:
- Cứ cầm lấy đi em, đừng phụ lòng của bác Dương.
Từ đó giữa Tiểu My và bà Dương đã phát sinh một thứ tình mẫu tử thiêng liêng. Trước mắt bà Dương, Tiểu My chẳng có chuyện riêng tư nào phải dấu diếm cả, kể cả mối tình giữa nàng và Vân Lâu.
Những tháng ngày kế tiếp của Vân Lâu và Tiểu My ngập đầy tình yêu mật ngọt. Mỗi một cái liếc mắt, mỗi một lời nói, mỗi một suy tư đều hàm chứa hương yêu.
Tiểu My thường đến nhà Vân Lâu giặt hộ chàng chiếc áo, dọn dẹp nhà cửa hay làm cơm cho chàng. Họ rất nghèo, chỉ một chút thịt rau là hai kẻ yêu nhau có một bữa cơm ngon lành.
Thỉnh thoảng họ cũng đi dạo phố, cũng ra ngoại ô thay đổi không khí. Tiểng cười vui được gieo rắc khắp nơi. Đầu mùa hạ, ánh nắng chói chang nhưng ngập đầy tình ái mỗi một chuyến đi là một kỷ niệm. Tiểu My thường ngắt một đóa hoa, một chiếc lá hay một hòn sỏi nhỏ mang về nhà để đánh dấu một cuộc tình đang độ nồng đượm nhất.
Vân Lâu thường bảo:
- Bao giờ con mình lớn, anh sẽ mang những kỷ vật này ra cho chúng xem và kể lại cho chúng nghe chuyện tình của hai đứa mình cho chúng biết!
Tiểu My cúi đầu e thẹn, mỗi lần nói đến chuyện con cái là má nàng ửng hồng. Vân Lâu vẫn không buông tha:
- Tiểu My, em muốn chúng ta có bao nhiêu đứa con? Tiểu My yên lặng, Vân Lâu tiếp - Anh rất thích trẻ con. Một tá đi em nhé?
- Nói nhảm không à, có con chứ có phải nuôi heo đâu mà anh lại tính tá với lố.
Vân Lâu thích thú cười vang.
- Tiểu My em không hiểu chứ, song thai có thể có di truyền. Em chỉ cần sinh sáu lần là em có mười hai đứa ngay.
- Hứ, nói nhảm.
Nghe Tiểu My hứ, Vân Lâu càng cười to. Một lúc chàng nghiêm giọng bảo:
- Anh nói thật đấy Tiểu My, anh mong mình sẽ có hai đứa con song sinh như em với Hàn Ni để chúng ta đặt tên là Tái My và Tái Hàn.
Nắm tay Tiểu My, Vân Lâu say đắm nói:
- Em có nhận lời lấy anh không? Em có giúp anh sinh con và sống một đời bên anh không?
- Anh còn nói gì nữa không?
Vân Lâu lắc đầu và Tiểu My thay vì trả lời bằng lới nói nàng mượn một bản nhạc tình:
”Không bao giờ xa nhau vì lòng ta luôn bên nhau
Anh hãy tin em vì đời keo sơn cho tình ta dài lâu”
Tình yêu của họ làm những nười chung quanh cũng vui lây. Không những chỉ vợ chồng ông Dương mà ngay cả Thúy Vi nữa. Cô nàng cũng thật lạ, vừa biết nhau đã trở thành bạn thiết của Tiểu My. Một lần chỉ có hai người, nàng đã thú nhận:
- Nói thực với Tiểu My lần đầu gặp Vân Lâu là tôi đã nhìn thấy ngay vẻ khác biệt của chàng. Rồi thấy Vân Lâu yêu Hàn Ni, tôi cũng rất mừng. Nhưng Hàn Ni lại mất sớm... dì Dương đã hết lời an ủi, còn tôi... thú thật tôi cũng đã... Thúy Vi ngập ngừng rồi cũng lướt qua được – Cái gì cũng không qua mệnh số an bài. Nhưng kết thúc như thế này có vẻ hợp lý. Đến ngày cưới của hai người, tôi xin được làm phù dâu. Tiểu My bằng lòng không?
Tiểu My e thẹn cúi đầu, lòng ngập đầy niềm vui.
Mùa hè đến, trời càng lúc càng nóng, Vân Lâu bận rộn lo cuộc thi cuối năm, nhưng chàng cũng cố dành thì giờ để vẽ một bức chân dung của Tiểu My có tiềm ẩn bóng hình của Hàn Ni. Vân Lâu vẽ với tâm hồn. Tiểu My phải ngồi làm người mẫu cho chàng cả tháng trời. Khi bức tranh hoàn thành thì cũng là lúc có một trung tâm hội họa bên Pháp đang xin tranh của các họa sĩ trên thế giới để triễn lãm, giải thưởng thật cao. Vân Lâu không dám hy vọng quá cao, nên không gửi tranh tham dự. Không ngờ Tiểu My thừa lúc chàng đi vắng đã gửi bức “Nụ Cười” vừa vẽ và một bức Hàn Ni ngồi ôm chó Khiết đi tranh giải. Đến khi Vân Lâu hay ra chỉ còn biết cười trừ:
- Em làm thế này người ta tưởng anh bí đề tài nên chỉ vẽ có một khuôn mặt.
Bà Dương thì nói:
- Không ai ngờ là trong hai bức chân dung chất chứa một câu chuyện ly kỳ.
Mùa nghỉ hè mang đến cho Vân Lâu một khoảng thời gian thoải mái. Chàng không đi chơi đâu xa, vấn đề tài chính gia đình cũng đã khiến chàng phải lãnh thêm nhiều công việc, ngoài ra chàng con mong để dành được một số tiền nhỏ để lo đám cưới. Nhiều lúc ôm Tiểu My trong lòng chàng nói:
- Anh muốn đời sống chúng ta sau này phải rất đẹp. Tranh của anh, tiếng hát của đều là nghệ thuật cao quí. Đời sống có tình yêu, có ánh sáng và cuồng nhiệt của lòng thành hai chúng ta mới đích thực là nghệ tuật cao quý.
Tình yêu thường hay bị bóng tối đe dọa. Bóng tối đã qua nhưng nó có đến nữa chăng nào ai dám quả quyết. Trời mùa hạ thường nhiều mây đen và hay đổ ập xuống những cơn mưa dài lê thê. Hôm ấy, Vân Lâu và Tiểu My đang làm việc tại nhà Vân Lâu, Vân Lâu đang vẽ một trang quảng cáo, Tiểu My sắp xếp vật dụng trong nhà, hôm nay nàng mặc chiếc áo trắng trông như chú bướm xinh nhởn nhơ trong phòng miệng hát nho nhỏ.
Vân Lâu đưa mắt nhìn theo người yêu quên cả công việc.
- Làm việc thì lo làm đi, sao anh lại thừ người ra thế?
Tiểu My làm Vân Lâu tỉnh mộng, chàng cười xòa:
- Em đã làm anh ngẩn ngơ, bây giờ bắt đền một cái hôn mới chịu.
- Không!
Tiểu My lắc đầu, Vân Lâu giả vờ đứng dậy:
- Vậy thì anh không làm việc nữa.
- Như thế anh sẽ trễ hẹn với người ta.
- Trễ thì trễ ăn thua gì. Ai biểu em làm cho người ta mất hứng làm chi.
Nàng nhượng bộ:
- Anh lì thật!
Thế à, chàng kéo nàng vào lòng, nụ hôn thật ngọt trên môi trên mặt.
Đột nhiên ngoài cửa có tiếng còi xe, nhưng Vân Lâu không buồn để ý đến vì chàng làm gì có khách, mãi đến lúc có tiếng gõ cửa, họ mới giật mình buông nhau ra.
Cửa mở, ông Dương bước vào với một thái độ trịnh trọng:
- Cha của cậu sắp đến đây.
Vân Lâu giật mình:
- Thật sao?
Ông Dương đưa tờ điện tí cho chàng:
- Đây đọc xem điện tín của em gái vậu gửi cho cậu đấy.
Vân Lâu mở ra.
Cha sẽ đáp chuyến phi cơ chiều nay đến Đài Loan vì chuyện anh cặp bồ với ca sĩ. Hãy lo liệu trước đi.
Vân Nhi
Vân Lâu vầm bức điện tín trên tay, mặt tái xanh vì giận:
- Cha tôi đã không nhận tôi là con rồi mà ông ấy sao cứ theo phá tôi hoài vậy.
Tiểu My đọc xong nôi dung bức điện tín vẫn không nghĩ là Vân Nhi ám chỉ mình. Nàng cho là giữa Vân Lâu với cha chàng vẫn chưa lành xích mích cũ về chuyện Hàn Ni, nàng bước tới an ủi:
- Thôi, anh Lâu, anh đừng buồn nữa, bực tức với cha mẹ sao phải, chuyện đâu cũng còn có đó mà.
Vân Lâu bực bội:
- Em biết gì mà nói!
- Sao vậy? Anh lại gây với em nữa sao?
- Không, không phải đâu Tiểu My. Vân Lâu đau khổ nói – Anh đang có chuyện buồn, chứ anh đâu muốn gây với em làm gì?
Ông Dương hỏi:
- Bây giờ cậu tính sao đây, có muốn đến phi trường đón cha cậu không? Bây giờ là hai giờ mười phút, khoảng hai giờ ba mươi lăm phút phi cơ đến.
Vân Lâu đáp gọn:
- Tôi không đi.
Tiểu My can ngăn:
- Không được, anh phải đi chứ. Cha anh sang đây chắc chắn là vì anh, nếu không thì ông ấy đã không đến. Anh đi đón biết đâu những ngộ nhận cũ chẳng hóa giải được.
Vân Lâu bứt rứt:
- Tiểu My làm sao hiểu được cha anh hơn anh?
- Nhưng dù sao ông ấy cũng là cha anh... anh vẫn là con của ổng.
- Phải rồi, nhưng Tiểu My em phải biết là mèo mẹ nhiều lúc vì quá yêu mèo con nên ăn thịt cả con. Như vậy em vẫn chấp nhận à.
- Nhưng cha anh không phải là mèo.
Ông Dương cắt ngang:
- Thôi đừng cãi nhau nữa. Chúng ta không còn bao nhiêu thời giờ đâu. Bây giờ thế này nhé, Tiểu My, cô về nhà cô đi. Vân Lâu sang nhà tôi đợi. Còn tôi, tôi đi đón ông Mẫn cho.
Vân Lâu hậm hực:
- Tôi không muốn nhìn thấy mặt cha tôi nữa. Cả năm nay tôi có xài cắc bạc nào của ông ấy đâu?
Ông Dương cắt ngang:
- Không thể nói như vậy được. Tiểu My nói đúng, dù sao đi nữa ông ấy vẫn là cha cậu, không phải không gửi tiền cho cậu là hết tình cha con, cậu đừng ăn nói bất hiếu như vậy.
VânLâu vẫn không chịu thua:
- Nhưng cha tôi đã giết Hàn Ni, bây giờ lại...
- Cậu Lâu! ông Dương chận ngang - Cậu nói sai rồi, Hàn Ni không phải chết vì cha cậu. Nếu cậu không bị gọi về nó vẫn phải chết, nó chết vì chứng bệnh đau tim của nó. Bây giờ cậu cứ nghe lời tôi đi, dù sao cũng còn tôi và mẹ cậu, chắc cha cậu cũng không làm khó dễ gì đâu.
Tiểu My đứng cạnh nói thêm:
- Anh Lâu anh nên nghe lời bác Dương đi!
Vân Lâu bắt đầu xiêu lòng, chàng cúi nhìn xuống đất một lúc lại ngẩng lên:
- Thôi được, Tiểu My về nhà đi, anh sang nhà bác Dương tối anh đến em.
- Nếu anh bận thì hôm khác. Tối nay anh cứ nói chuyện với cha, rồi mai đến em cũng không muộn. Thôi em đi nhé, nhớ đừng cãi ông ấy anh nhé?
Vân Lâu nhìn theo Tiểu My. Gương mặt người con gái vẫn vui, vẫn bình thản, không hay biết gì cơn giông sắp đến. Chàng thấy lòng thật buồn.
- Thôi đi chứ, cậu Lâu, tôi phải đưa cậu đến nhà tôi, rồi còn phải ra phi trường nữa.
Vân Lâu ngồi vào xe, nhìn khoảng trời xa ngứt trước mắt mà không thấy cái ánh nắng chói chang của mọi ngày. Vì ở xa kia chỉ có những từng mây đen nặng nề vây phủ.
 
Ngồi nơi phòng khác nhà họ Dương, Vân Lâu thấp thỏm, lòng chàng đầy thù hận và phiền muộn. Cơn giận một năm trước chưa nguôi, bây giờ phiền nhiễu cũ lại tái diễn? Tại sao? Tại sao cha mẹ cố chấp và độc tài coi thường tình cảm và lòng tự ái của con cái? Tại sao không bao giờ chịu hiểu cái hoàn cảnh và hạnh phúc mà con cái đang hưởng? Ai đã cho cha mẹ cái quyền phá vỡ hạnh phúc của con cái? Một năm trước, khi Vân Lâu đang sống hạnh phúc tràn trề, thì cha chàng đã như tử thần mang nàng đi khỏi vòng tay đầm ấm. Bây giờ chàng vừa tìm thấy hạnh phúc thì ông lại lù lù xuất hiện. Tại sao? Tại sao?
- Ông ấy đúng là kẻ thù của hạnh phúc!
Vân Lâu lớn tiếng hét to lên. Chàng không hiểu tại sao mình lại hành động thế. Bà Dương ngồi bên cạnh đan áo, ngừng tay ôn tồn bảo chàng thanh niên nóng tính:
- Tôi thấy tốt nhất là cậu nên ngồi xuống bình tĩnh một chút. Cậu cứ tới lui mãi thế này đầu óc tôi cũng căng thẳng.
Vân Lâu vẫn bực mình:
- Chắc chắn cha cháu cho người theo dõi, dò xét cháu, bằng không làm gì biết chuyện Tiểu My.
- Có thể lắm. Dù sao ông ấy cũng là cha cậu.
- Nhưng cháu không cần.
Bà Dương trách:
- Cậu đừng nói vậy, không phải!
- Bác không hiểu chứ, tình cảm cha cháu...
- Làm sao tôi lại không hiểu? Sợ tôi còn hiểu nhiều hơn cậu nữa là...
Bà Dương vừa cười vừa nói. Vân Lâu chợt nhớ ra mối tình của cha và bà Dương ngày trước, chàng im ngay. Nhưng cái bực bội vẫn không nguôi, Vân Lâu như con thú lồng lộn trong chuồng, hai tay thừa thãi, lúc khoanh ngang ngực, lúc lại chắp ra sau. Bà Dương lo sợ vì tính tình ông Mẫn bà hiểu quá rõ, tính của Vân Lâu bà cũng biết nhiều. Hai cha con mà đụng nhau thì phải biết. Dù thế nào đi nữa, bà vẫn thấy tình cảm mình thiên về phía Vân Lâu.
- Cậu Lâu, cậu cứ yên tâm, lần này cha cậu không thể làm vỡ hạnh phúc của cậu đâu.
- Sao bác biết?
Bà Dương nhìn ra ngoài trời:
- Tôi biết, tất cả mọi sự kiện đều phải theo định luật thiên nhiên, không thể chống lại thiên mệnh. Trời có mắt người cũng có lòng...
Vân Lâu hậm hự:
- Với cha cháu thì không bao giờ có chuyện đó. Cha cháu tự cho mình cái quyền tối thượng đối với con cái.
Ngoài cửa có tiếng còi xe, cơn giận nửa chừng của Vân Lâu bị cắt ngang. Bà Dương nói ngay:
- Họ đến rồi đấy.
Vâng họ đã đến. Ông Dương vào trước, mang hành lý của ông Mẫn vào, cha của Vân Lâu theo sau. Chiếc bóng cao lớn của ông làm khuất cả ánh sáng chiếu vào phòng. Bà Dương đứng bật dậy, mắt chạm mắt, bao nhiêu năm không gặp nhau, ông Mẫn vẫn không có gì thay đổi, vẫn cao ngạo, tự tin, lạnh lùng. Có điều người đã già đi, mập ra, mái tóc điểm sương tạo cho ômg một dáng dấp uy nghi.
Bà Dương bước tới với nụ cười trên môi:
- Anh Mẫn, lâu quá không gặp anh!
Dáng dấp cao quý như một mệnh phụ của bà Dương làm ông xúc động. Thời gian không để lại dấu vết tàn phá nào, trái lại còn tăng thêm vẻ đẹp thiếu phụ của bà.
Điều này chứng tỏ rằng đời sống của gia đình cố nhân của ông đầy hạnh phúc. Đó chính là lý do làm ông Mẫn ghen tức và khó chịu.
- Cô Nhã, cô vẫn đẹp như ngày nào. Hai năm nay chắc cô cũng bực mình với Vân Lâu lắm phải không?
Ông Mẫn vẫn gọi bà Dương bằng tên của bà thời con gái. Nhưng thái độ ông thật nhạt nhẽo khiến bà Dương cảm thấy bị sỉ nhục.
- Cả năm nay Lâu đâu có ở đây. Nếu có ở đây chắc ông cũng không hài lòng đâu,
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi. Ông Mẫn gạt ngang - Tất cả đều do lũ trẻ ngu dại gây nên cả. Quay sang Vân Lâu, ánh mắt ông nghiêm khắc trở lại – Vân Lâu!
Vân Lâu đứng yên nơi cửa, lòng buồn vô cùng. Người cha trước mặt là đá, một hòn đá sẵn sàng đập vỡ nát quả tim của Vân Lâu.
- Cha!
- Cha? Với một đứa con biết vâng lời như mày mà còn biết gọi tao là cha nữa sao?
Ông Dương cản ngăn:
- Thôi anh Mẫn ạ, nghỉ ngơi một chút cho khỏe rồi nói chuyện sau. Ngồi xuống đi nào, anh uống gì? Nóng hay lạnh? Nước cốt dừa nhé?
Bà Dương chen vào:
- Anh ấy không thích uống nước lạnh đâu. Anh Mẫn dùng trà nóng nhé?
Ông Mẫn ngồi xuống ghế, lau mồ hôi trên trán:
- Uống cái gì cũng được.
Nhờ gian phòng có gắn máy lạnh nên không khí bắt đầu dịu hơn. Ông Mẫn ngồi đối diện với ông Dương, nói như phân bua:
- Anh không biết chứ tôi khổ vì thằng Lâu không biết bao nhiêu mà kể. Người ta cũng có con lớn như tôi, nhưng người ta đâu có nhọc lòng như vậy?
Bà Dương chen vào:
- Tôi nghĩ, có lẽ sự hiểu lầm nào đó chăng? Quay sang Vân Lâu, bà gọi – Lâu, cậu làm gì đứng đấy mãi thế? Sang đây hầu chuyện cha cậu đi?
Ông Mẫn nổi nóng:
- Làm gì có chuyện hiểu lầm, tụi nó cứng đầy cứng cổ như vậy đó. Bảo nó học Khoa Học, nó lại không chịu bỏ qua học Mỹ thuật cái quái quỷ gì không biết. Ở nhà chọn Mỹ Tuyên cho nó, nó lại không chịu cứ đòi cưới cho được con Hàn Ni. Bây giờ Hàn Ni chết rồi nó lại cặp bậy cặp bạ với mấy con ca sĩ...
- Cha! Vân Lâu cắt ngang, chàng bước tới trước mặt ông Mẫn với thái độ hùng hổ - Cha đừng nói vậy tội cho người tạ Người ta hành nghề ca sĩ chẳng qua vì miếng ăn, vả lại nghề đó đâu có gì xấu đâu mà cha khinh miệt. Tiểu My sợ còn trong sạch, đứng đắn hơn bao nhiêu đứa con gái con nhà lành khác chứ đừng nói chi.
Ông Mẫn trợn mắt:
- Mày giỏi lắm, tao chưa nói gì mà mày đã hét to như vậy, mày có coi cha mày ra gì nữa đâu!
Bà Dương giảng hòa:
- Thôi mà, có chuyện gì thì từ từ mà nói, chứ làm gì mà la hét như vậy?
Vân Lâu quay sang bà Dương:
- Bác thấy đó, cha cháu coi thường người ta như vậy ai mà chịu cho được.
Bà Dương nhìn ông Mẫn, bà muốn xoa dịu cái không khí căng thẳng:
- Anh Mẫn, theo tôi thấy tốt nhất anh đến gặp Tiểu My xem sao. Bây giờ dẹp chuyện đó sang bên đi, tối này chúng tôi xin mời anh dùng cơm ở nhà hàng Thống Nhất.
Ông Mẫn trừng mắt bảo bà Dương:
- Tôi làm gì mà phải đến gặp mặt con đó chứ? Chuyện này có liên hệ gì đến cô đâu mà cô lại chen vào?
- Anh Mẫn, hai mươi năm rồi mà tánh anh vẫn không thay đổi tí nào cả, vẫn cố chấp vẫn gàn bướng. Tôi không nói giúp Vân Lâu gì đâu, nếu anh gặp Tiểu My, anh sẽ thấy ngay cô ấy không phải là loại gái như anh tưởng. Cô ấy rất dễ thương, biết suy xét và rất xứng đáng với Vân Lâu.
Gương mặt ông Mẫn thật khó chịu:
- Tôi biết mà, lúc xưa gửi con tôi cho ông bà tôi cứ tưởng là... Không ngờ ông bà đã dạy được cho nó quá nhiều điều hay, dạy nó cãi lại mẹ cha, vào phòng trà, vào vũ trường trụy lạc...
Ông Dương bực mình đứng dậy:
- Anh Mẫn, anh đừng nói vậy. Anh hỏi lại con anh xem tôi đối với nó ra sao? Tại sao anh đặt nặng vấn đề như vậy? Với chuyện Hàn Ni chúng tôi đã không muốn nhắc đến, không ngờ hôm nay anh lại khơi lại, dù sao anh cũng phải nể tình bằng hữu trên ba mươi năm của chúng ta chứ.
Ông Mẫn cười lạnh lùng:
- Phải, tôi đã gặp bạn tốt nhất.
Bà Dương đứng dậy, bà khó chịu ra mặt:
- Thôi được rồi! Tình hình này tôi thấy mục tiêu anh sang đây không phải vì Vân Lâu mà là vì muốn trách vợ chồng chúng tôi.
Ông Mẫn dịu xuống một chút:
- Không phải tôi sang đây để trách cứ ông bà. Nhưng tôi đã gửi gấm Vân Lâu thì ông bà phải coi nó như con ruột của mình mới phải chứ. Phải dạy bảo nó chứ sao lại để nó vào phòng trà, mê ca sĩ như vậy? Hôm nay tôi sang đây, để răn dạy nó, ông bà không giúp thì thôi sao lại còn bênh vực nó...
Bà Dương xúc động:
- Chúng tôi bênh vực Vân Lâu là vì Vân Lâu chẳng có tội tình gì cả. Nếu anh bình tĩnh một chút, chịu khó nghĩ lại một chút, tôi chắc chắn anh sẽ thông cảm cho chúng nó ngay.
Ông Mẫn lớn tiếng:
- Tội mê đào hát của nó có thể tha thứ được à? Nó sang đây để học chứ đâu phải để sa đọa?
Vân Lâu lên tiếng biện hộ:
- Nhưng con có bỏ học đâu? Trong lớp con có thua ai đâu? Không tin cha đến trường hỏi sẽ biết. Vả lại lúc gần đây con có đến vũ trường, phòng trà đâu? Tiểu My thôi hát rồi mà!
Ông Mẫn thở khói:
- Thôi bỏ qua chuyện đó đi, bây giờ tao hỏi mày, chuyện mày với con ca sĩ đó mày tính sao?
Thái độ Vân Lâu cương quyết:
- Con sẽ cưới nàng!
- Cái gì? ông Mẫn ngồi ngay lại – Mày nói sao? Mày muốn giết tao hả. Cưới nó? Cưới một con đào hát? Mày dám nói câu đó với tao à?
Vân Lâu vẫn bình tĩnh:
- Con nói là con làm. Vả lại ca sĩ cũng là con người vậy, quan niệm của cha cổ hủ quá rồi.
- Mày dám nói thế với tao à? Ngu xuẩn như vậy là đủ rồi. Tao nhất định không chấp nhận đấy, mày phải về Hương Cảng ngay với tao.
Vân Lâu không nao núng:
- Thưa cha, con đã đến tuổi trưởng thành, con có thể quyết định cuộc đời con không cần ai lo cả, có quyền làm chủ đời con chứ!
- Giỏi lắm, mày lớn rồi, mày trưởng thành rồi, tao không có quyền dạy dỗ mày nữa. Được rồi, nhưng tao cho mày biết, nếu mày không cắt đứt liên lạc với con ca sĩ đó, tao sẽ từ mày ngay. Từ đây mày đừng hòng bước chân vào cửa nhà tao, cũng như đừng hòng xài của tao một cắc bạc...
Vân Lâu ngẩng đầu lên:
- Thưa cha, một năm trời nay con có xài của cha một cắc bạc nào không?
Ông Mẫn cười gằn:
- Hừ, mày tưởng là mày không xài tiền tao à. Mày đã tự lập rồi sao? Đừng lầm con ạ, con cứ hỏi bác Dương con sẽ rõ, việc con đang làm cho cơ sở quảng cáo kia là do ai giới thiệu? Bác Dương à? Ha! Ha!
Ông Dương khó chịu:
- Anh Mẫn, sao anh lại nói thế?
Đột nhiên, Vân Lâu thấy ớn lạnh cả xương sống, mồ hôi toát ra như tắm. Bây giờ thì chàng đã hiểu rồi, thì ra... Hèn gì có nhiều lúc chàng bỏ bê công việc ở hãng mà chẳng ai phiền trách gì cả? Mẫu quảng cáo vẽ ra thì nhiều nhưng có mấy cái được dùng đâu. Thế mà mỗi tháng lương vẫn đầy đủ. Thì ra... thì ra... Vân Lâu mở to mắt nhìn cha, lắp bắp:
- Tất cả đều... do cha sắp đặt cả à?
- Hừ. Ông Mẫn cười một cách đắc ý – Bây giờ cậu mới hiểu à? Cậu đừng lớn lối trước mặt tôi, công việc đâu có dễ kiếm như cậu nghĩ đâu? Cậu đâu có biết sự liên hệ giữa công ty với tôi thế nào. Cho cậu biết lông cừu bao giờ cũng lấy từ thân cừu, bây giờ cậu biết rồi chứ?
Vân Lâu cắn môi, đột nhiên chàng thấy choáng váng muốn xỉu ngay.
Khuôn mặt cha càng lúc càng to, lời nói của cha sang sảng vọng mạnh vào màng nhĩ. Vân Lâu rùng mình, cứng miệng không nói gì được cả.
Có tiếng bà Dương nói:
- Anh Mẫn, anh tàn nhẫn quá!
Vân Lâu quay nhanh lại, nhìn thẳng vào vợ chồng ông Dương, nước mắt tràn ra mi, chàng tức nghẹn:
- Hai bác cũng đồng lõa trong vụ lừa gạt cháu nữa sao?
Ông Dương lên tiếng:
- Cậu Lâu, cậu bình tĩnh lại đi. Sự thật không như cậu nghĩ đâu. Lúc đầu quả thật hãng quảng cáo thu nhận cậu là vì thể diện của cha cậu, nhưng sau một thời gian, cậu làm việc quả có tiến bộ, được nhiều khách hàng yêu chuộng nên hãng trọng dụng...
Vân Lâu tuyệt vọng:
- Không, tôi không tin. Thôi được rồi! Vân Lâu quay sang ông Mẫn - Được rồi, tôi sẽ bỏ việc. Tôi sẽ không xài đồng tiền của cha nữa, thử xem tôi có chết đói không!
Ông Mẫn chau mày:
- Mày nói thế là thế nào? Mày nhứt định không bỏ con đào hát đó à?
- Không.
- Mày cưới nó?
- Vâng!
- Thôi được rồi, kể như mày có lý đi, nhưng gia đình con ca sĩ đó có bằng lòng không?
- Bằng lòng.
- Nếu nó biết rằng từ đây tao sẽ không cho mày lấy một xu, nó vẫn nhận lời mấy chứ?
Vân Lâu cười buồn:
- Cha, cha đừng có xem thường người ta như vậy. Tiểu My không phải là hạng người chỉ biết có tiền, nàng đã hiểu con nghèo từ lâu rồi.
Ông mẫn cười nhích môi cười nhạt:
- Sợ không phải chứ, đối với hạng ca kỹ tao biết rõ quá mà!
- Vậy thì cha cứ chờ mà xem!
Vân Lâu nói với tất cả tự tin, ông Mẫn chỉ còn biết giận dữ đứng dậy:
- Được, tao sẽ chống mắt xem tụi bay đi đến đâu cho biết.
Rồi ông bỏ ra cửa, ông Dương gọi theo:
- Anh Mẫn, anh đi đâu đấy?
Ông Mẫn xách hành lý lên:
- Đến khách sạn.
Ông Dương giữ lại:
- Làm gì lạ vậy, anh đến Đài Loan để ở khách sạn sao? Nhà chúng tôi biết bao nhiêu là phòng trống? Ở lại đây với chúng tôi đi. Dù sao anh cũng chưa hiểu rõ chuyện Tiểu My với Vân Lâu thì ở lại tìm hiểu thêm rồi hãy quyết định.
Ông Mẫn vẫn cương quyết:
- Tôi không ở lại, cũng không cần tìn hiểu thêm. Thằng Lâu cứng đầu cứng cổ thì tôi còn gì để nói với nó nữa đâu!
- Dù sao anh cũng nên ở lại!
Ông Dương cố nói, nhưng ông Mẫn vẫn từ chối:
- Đừng làm tôi khó chịu anh Dương. Tôi thích ở khách sạn vì nó tiện nghi và thoải mái hơn.
Bà Dương giảng hòa:
- Thôi được rồi đừng nài ép anh Mẫn nữa.
Anh Dương anh lấy xe đưa anh Mẫn đến khách sạn Thống Nhứt đi.
Ông Dương yên lặng, đưa ông Mẫn ra cửa. Vẫn chưa nguôi cơn giận, ra đến cửa ông Mẫn còn ngoái đầu lại, lớn tiếng với Vân Lâu:
- Tao sẽ chống mắt xem tình yêu của chúng mày kéo dài được mấy bữa cho biết!
Vân Lâu đứng thẳng lưng, chàng nhìn theo bóng cha với tất cả hậm hực. Trong lúc bà Dương bước ra cửa, xe vừa rồ máy, bà cúi người xuống, chồm người vào khung cửa kính nói với theo:
- Anh Mẫn, dù sao anh cũng có một đứa con ngoan, đừng cố chấp quá mà mất nó. Suốt quãng đời anh đã mất mát nhiều thứ rồi, đừng để mất thêm một cái gì nữa, nhất là con anh.
Ông Mẫn ngẩn người ra, mấy câu nói của bà Dương như những tiếng nói tự đáy lòng ông. Ông bàng hoàng. Mối tính cũ ray rức trong tim. Sự cứng rắn đột ngột băng hoại hóa đá.
Xe chạy xong, bà Dương trở vào nhà nhìn Vân Lâu ngồi yên trong lòng ghế, bà tiến tới đặt tay lên vai cậu thanh niên:
- Đời sống bao giờ cũng đầy gian nan, cậu phải can đảm lên mới thắng được.
- Cháu không phải không có can đảm, nhưng cháu thấy khó chịu không hiểu sao con người lại chẳng chịu cảm thông nhau.
- Làm sao cảm thông nhau được. Khi giữa cha mẹ và con cái có một khoảng cách to!
 
Buổi tối hôm ấy Tiểu My thật bận rộn. Ông Khiêm đột nhiên ngã bệnh, khi nóng, khi mồ hôi đổ ra như tắm, ông lăn lộn trên gi.ường mê sảng. Tiểu My đã biết rõ căn nguyên cơn bệnh vì lần trước bác sĩ bảo đó là hiện tượng trúng rượu, mời bác sĩ đến coi mạch chích thuốc, nhưng bác sĩ bảo phải mang vào bệnh viện. Tiền trong tay không có làm sao dám đưa cha vào bệnh viện chứ. Sau mũi thuốc, ông Khiêm nằm yên, Tiểu My ngồi bên cạnh trông chừng. Sự mệt mỏi làm Tiểu My uể oải.
Đột nhiên có tiếng chuông cửa reo, Tiểu My đứng dậy. Có lẽ Vân Lâu. Tiểu My gọi bà người làm đến bảo trông chừng cha rồi chạy nhanh ra cửa. Trong những lúc rối rắm, bao giờ Tiểu My cũng nghĩ đến Vân Lâu. Với nàng hình như chỉ có sự xuất hiện của Vân Lâu mới giải quyết được vấn đề. Vừa đặt tay lên nắm cửa, Tiểu My vừa nói vọng ra:
- Em lo chết đi được, may là anh đến đúng lúc!
Cửa vừa mở, câu nói chưa dứt đã ngừng lại. Người đứng ngoài cửa không phải là Vân Lâu mà là một người đàn ông đứng tuổi, cao lớn, mắt thật sắc, Tiểu My lúng túng:
- Dạ, xin lỗi, ông tìm ai ạ?
- Tôi tìm cô Tiểu My!
- Vâng... Tôi là Tiểu My đây, ông tìm tôi có việc chi?
- Tôi là cha của thằng Vân Lâu.
- À! Tiểu My chợt lúng túng. Thế tại sao Vân Lâu đâu không cùng đến? Gia đình đang lúc bối rối thế này mà mời ông vào nhà quả thật là một chuyện không phải. Nhưng, ông ấy đến đây làm gì? Để xem mắt à? Mối nghi ngờ len nhẹ trong tim. Tiểu My đột nhiên bối rối không biết phải làm sao.
- Sao? Cô không muốn tiếp tôi à?
Ông Mẫn có vẻ bất mãn. Người con gái thật bất lịch sự. Tiểu My như hoàn hồn, nàng hấp tấp nói:
- Dạ, xin lỗi, mời... mời ông vào!
Ông Mẫn vừa bước vào phòng khác đã nghe những tiếng rên bên trong vọng ra, ông ngạc nhiên quay lại bắt gặp ánh mắt ngại ngùng của Tiểu My:
- Mời... mời bác ngồi. Xin lỗi... Vì cha cháu bệnh nặng nên...
Ông Mẫn nhăn mặt:
- Bệnh gì?
Tiểu My nhìn vào trong:
- Da... dạ, cha cháu vì uống rượu nhiều quá, nên... dạ mời bác ngồi, cháu vào trong một chút sẽ ra ngay ạ.
Nhìn tình hình ông Mẫn hiểu ngay. Uống rượu say! ông nhìn theo cái dáng dấp hấp tấp của Tiểu My, rồi quan sát căn nhà nhỏ rách nát. Sự bực bội càng lúc càng to. Không những con bé này là đào hát thôi, mà ông bố nó còn là một gã say rượu. Thằng Lâu ngu thật, ông Mẫn cắn răng. Không thể không chận đứng một mối tình bất xứng thế này.
Một lúc sau khi tiếng rên ở phòng bên cạnh lắng dần xuống, Tiểu My trở ra, thái độ hối tiếc:
- Xin lỗi bác, để bác ngồi đợi lâu thế này cháu áy náy quá. May là cha cháu đã chịu ngủ yên.
Ông Mẫn lạnh lùng lấy thuốc ra châm lửa hút. Tiểu My rót nước mang đến, rồi đi tìm chiếc gạt tàn. Nàng cố gắng tạo ấn tượng tốt cho người đàn ông trước mặt. Nhưng nàng chỉ đón nhận được sự lạnh nhạt:
- Thôi được rồi, ngồi xuống đây cô My. Hôm nay tôi đến đây có chuyện muốn nói với cô.
Tiểu My lo lắng, nàng thụ động ngồi xuống, ông Mẫn đưa mắt nhìn quanh nhà một lần nữa rồi nói:
- Hoàn cảnh gia đình cô hình như không được khá?
Tiểu My thành thật gật đầu:
- Vâng, cha cháu thất nghiệp đã lâu, đời sống gia đình không được rộng rãi, nhưng dù sao cháu cũng đã lớn, nên...
- Nên đã biết cách kiếm tiền, phải không? ông Mẫn tiếp lời với nụ cười khinh mạn.
- Dạ... Tiểu My không hiểu rõ dụng ý câu nói của ông Mẫn. Có điều Tiểu My cũng linh cảm được sự bất thân thiện trong thái độ người đối diện. Tại sao anh Lâu không đến? Tiểu My không nén được, nàng hỏi ngay ông Mẫn – Thưa bác, tại sao anh Lâu không đến?
- Nó không đến đâu. Cô Tiểu My, tôi phải đưa cho cô bao nhiêu tiền để cô buông tha thằng Lâu tôi?
Tiểu My sửng sốt, nàng không ngờ ông Mẫn lại vào đề nhanh như vậy. Ngồi thẳng người lên, mặt tái hẳn lại, Tiểu My lắp bắp:
- Mục đích của bác đến đây chỉ là thế?
- Vâng. Ông Mẫn gật đầu – Tôi biết cô đang cần tiền.
Tiểu My đột nhiên cười to:
- Thế bác định cho cháu bao nhiêu?
- Tùy cô, cô muốn bao nhiêu cứ nói.
- Một trăm tỷ mỹ kim!
Ông Mẫn giận dữ:
- Cô nói đùa à?
- Tôi mà nói đùa? Tiểu My đứng dậy, dáng hùng hổ như con sư tử cái – Tôi không đùa bao giờ, chỉ có ông mới khéo bày trò thôi. Ông đã dựa vào đâu mà muốn mua tình yêu tôi chứ?
Ông Mẫn không vừa:
- Tôi là cha thằng Lâu, tôi có quyền.
Tiểu My không kém:
- Nhưng làm cha là có quyền phá vỡ hạnh phúc của con sao? ông dùng tiền mua chuộc tôi, tại sao ông không mua chuộc con trai ông trước?
Ông Mẫn thấy khó thuyết phục người con gái trước mặt:
- Cô cũng biết thằng Lâu nhà tôi cứng đầu cứng cổ lắm. Nếu tôi thuyết phục nó được thì tôi còn phải đến đây làm gì?
- Thế thì ông sẽ thấy việc thuyết phục tôi còn khó khăn hơn. Tôi sẽ không bao giờ xa anh Lâu, vì tôi có quyền bảo vệ hạnh phúc riêng tôi, ông đừng mong mua chuộc tôi vô ích.
Ông Mẫn không biết làm gì hơn là nhìn chầm chập vào mặt Tiểu My:
- Cô có quyền giữ hạnh phúc cô, nhưng cô không có quyền làm cho Vân Lâu mất hạnh phúc.
- Làm gì mà có chuyện làm mất hạnh phúc của anh Lâu?
- Vì giai cấp chênh lệch giữa cô và thằng Lâu!
- Ông nói thế là thế nào?
- Cô không hiểu thật à? Gia đình chúng tôi đàng hoàng, chúng tôi không muốn con trai chúng tôi lấy ca sĩ. Vả lại thằng Lâu còn cả một tương lại, nó cần một người vợ đứng đắn, có thể giúp nó trên đường sự nghiệp.
Tiểu My xanh mặt, cơn giận khiến nàng mất bình tĩnh:
- Bộ ông tưởng hành nghề ca hát là hư hỏng cả sao? Vâng, tôi hành nghề ca hát đấy, nhưng tôi làm việc với mục đích kiếm tiền, tôi cũng là con người như bao người khác, làm gì không đứng đắn? Làm gì không trong sạch chứ? Chỉ có các ông, các người thừa tiền thừa bạc như các ông mới bẩn. Thử hỏi xã hội này có sự xuất hiện của cái nghề ca hát, khiêu vũ này là do ai? Có phải là vì nhu cầu của các ông không? Đừng tưởng thế giời thượng lưu của các ông là trong sạch, cũng đừng tưởng những người hành nghề hát xướng là dơ bẩn, sa đọa. Tôi không thấy nhục với cái nghề của tôi bao giờ, tôi cũng không thấy tôi thua kém ông, tôi thấy tôi vẫn ngang hàng ông. Dù biết là ông không muốn có người con dâu như tôi, nhưng tôi cho ông biết là ông đừng hòng bắt tôi bỏ rơi Vân Lâu.
Ông Mẫn không ngờ một đứa con gái như Tiểu My lại có thái độ ngang bướng như vậy. Những câu nói hổi xược nhưng không hẳn là không có lý. Ông biết mình gặp phải một địch thủ không vừa.
Ông cố gắng một lần chót:
- Thế cô không nghĩ đến tương lai thằng Lâu sao? Xã hội bất công và coi thường nghề nghiệp cô, nếu cô cương quyết đeo đuổi theo thằng Lâu tôi sợ nó sẽ khó có một tương lai tốt đẹp.
- Tôi xin nói cho ông biết, sự hiện diện của tôi không những không làm cho Vân Lâu phiền toái, trái lại tôi còn giúp đỡ, khuyến khích anh ấy thành công. Ông bảo rằng ông là cha của anh lâu, ông hiểu anh ấy, thế mà một năm trước, suýt tí nữa ông đã làm anh ấy nản lòng. Bây giờ ông lại muốn cảnh đó tái diễn nữa sao? Đừng đem tương lai, sự nghiệp của Vân Lâu ra dọa tôi. Đừng đem vở kịch “Trà Hoa Nữ” ra dọa dẫm tôi. Thế hệ đó đã qua rồi. Nghề ca sĩ không có gì đáng chê trách. Tôi không ăn cắp, ăn trộm của ai thì tôi không sợ ai khinh tôi cả, tôi chỉ cần biết Vân Lâu thương tôi là được rồi. Tôi không thấy ân hận gì cả.
Ông Mẫn lớn tiếng:
- Nhưng Vân Lâu nó sẽ hận cô, sau này khi ra đời nó không làm ăn nên được nó sẽ hận cô suốt đời.
- Ông lầm rồi, nếu anh Lâu có tài anh ấy sẽ nhờ tài sức của mình mà tiến thân chứ không cần nhờ vả vào một ai cả.
- Cô chỉ biết cãi bướng, không một ai muốn tiến thân mà chỉ dựa vào tài riêng mà thành công được.
- Nhưng con người còn cần nhiều thứ khác chứ không hẳn chỉ danh vọng không thôi. Con người còn cần ánh nắng mặt trời, nước, không khí... Và tình yêu là tất cả những thứ đó.
- Tóm lại là cô không chịu xa thằng Lâu phải không?
Ông Mẫn đứng dậy hỏi một câu cuối cùng, Tiểu My gật đầu:
- Vâng!
- Cô biết là nếu thằng Lâu lấy cô, tôi sẽ từ nó, và nó... nó sẽ không còn một xu dính túi.
- Vậy là ông lầm tọ Tiểu My cắt ngang – Không bao giờ anh Lâu nghèo được, anh ấy có tài, đối với tôi anh ấy rất giàu, anh ấy biết suy nghĩ, tự tin, bao nhiêu đó mà ông bảo nghèo, nghèo sao được? Dù anh ấy không có một xu dính túi, dù phải sống cực khổ, tôi vẫn tình nguyện chăm sóc anh ấy trọn đời. Nếu anh Lâu thành công tôi sẽ được hưởng vinh quang, còn thất bại, thì tôi sẽ cùng chàng gánh. Có gì đâu mà phải sợ? Ông đừng mong chia cách chúng tôi, tôi không phải là Hàn Ni, tôi có một trái tim cứng như đá, ông đừng mong làm tôi nản lòng.
Những câu nói của Tiểu My như dòng nước tuôn trào, bao nhiêu uất hận, giận dữ, buồn phiền được dịp tuôn ra hết, nàng nói một cách khoan khoái.
Ông Mẫn không ngờ người con gái trước mặt cứng cỏi như vậy. Giữa lúc đó, đột nhiên có một bóng người từ bên ngoài xông vào gọi lớn:
- Tiểu My!
Đó là Vân Lâu, không một ai để ý đến tiếng chuông cửa, cũng không ai hay bà người làm đã ra mở cổng tự bao giờ. Chàng bước vào đã lâu và đã nghe hết tất cả. Bây giờ không dừng được chàng mới xông vào, đôi tay mở rộng:
- Tiểu My, em có bằng lòng lấy anh không? Lấy một thằng học trò nghèo vừa mới thất nghiệp?
Tiểu My sung sướng:
- Anh Lâu, anh đến từ bao giờ, anh đã nghe hết rồi phải không?
- Vâng, anh chính thức cầu hôn đây, nhưng trước khi trả lời, em hãy suy nghĩ kỹ, vì anh vừa mới thất nghiệp. Em vẫn còn yêu anh chứ?
- Vâng, vâng... Tiểu My đáp – Em sẵn sàng lấy anh ngay bây giờ, ngày mai hay bao giờ cũng được.
Và đôi tình nhân tay trong tay, mắt trong mắt, họ đã bỏ quên một người đang đứng ngẩn ngơ bên cạnh. Đấy là một ông già. Phải, ông Mẫn đột nhiên thấy mình đã già. Một chút xúc động trong tim, ông nhìn đôi trẻ với một niều hy vọng vừa lóe lên. Nước mắt đột nhiên lăn ra má ông.
 
Câu chuyện đã có thể kết thúc tại đây.
Nhưng chúng ta thử nhìn thêm một chút nữa xem sao! Xem gia đình của một người sau hai năm thử xem!
Họ sống trong một chung cư, ở tận lầu ba. Nhà gồm bốn phòng, tuy không rộng lắm nhưng cách bài trí thật vén khéo. Trên tường phòng khách được dán bằng loại vải cao su màu sữa có những sọc kim tuyến. Từ cửa ngoài nhìn vào là thấy ngay một bức tranh hình hai thiếu nữ với nụ cười ẩn hiện trên môi. Nếu ta hay đọc báo thì hẳn bức tranh này không có gì xa lạ. Đấy là bức “Nụ Cười” đã được phòng triển lãm tranh tại Pháp tuyển chọn làm tác phẩm xuất sắc nhất. Nhà họa sĩ trẻ ngoài vinh dự lớn trên còn được số tiền thưởng lớn. Bên cạnh bức đó còn một bức khác cũng được vào chung kết. Dưới hai bức tranh, là chiếc đàn dương cầm, chiếc đàn mà ngày xưa Hàn Ni thường ngồi đàn cho Vân Lâu nghe. Một chú chó Bắc Kinh, nằm dưới chân đàn, và một người đàn ông ngoại ngũ tuần đang ngồi đó. Đó là ông Khiêm, một người đàn ông hoàn toàn khác hẳn năm xưa, một con người đường bệ đang ngồi chăm chú đàn một bản nhạc vừa được sáng tác.
Ngoài chiếc đàn ra, trong phòng khách còn một bộ sa lông ba ghế màu đen, màn cửa màu xanh nhạt. Một bình hoa hồng đỏ trên nắp đàn làm ấm hẳn cái vẻ lạnh lẽo gian phòng.
Đấy là một buổi chiều mùa hạ, nắng tốt. Ông Khiêm ngồi bên đàn dạo đi dạo lại khúc nhạc đắc ý. Một thiếu phụ trẻ tuổi trong chiếc áo xanh, đầu thắt nơ vàng bước tới, ân cần hỏi:
- Cha không thấy mệt sao?
- Tiểu My, con nghe bản nhạc này thế nào? Đoản khúc thứ hai có cao lắm không?
- Hay lắm cha ạ.
Tiểu My sung sướng nhìn cha. Cảm ơn trời phật! Nàng nhớ lại những nỗi khó khăn lúc cùng Vân Lâu đưa cha đến bệnh viện, những giây phút bực mình khổ sở... Nhưng rồi mọi việc cũng qua đi. Bây giờ ông Khiêm đã cai được rượu. Việc sáng tác lại bắt đầu. Những bản nhạc do ông Khiêm sáng tác tuy không được hoan nghênh lắm, nhưng cũng có một vài bản được đưa lên đài phát thanh, đó là niềm an ủi lớn của ông. Gần đây, một công ty điện ảnh đã mời ông làm nhạc đệm cho phim. Đối với ông Khiêm, một chân trời mới bắt đầu, và ông mê sáng tác trở lại.
- Chừng nào thì thằng Lâu về?
- Anh ấy bảo nếu sớm thì một giờ và nếu trễ khoảng ba giờ. Ngưng một chút, đột nhiên Tiểu My nhìn ông Khiêm hỏi – Cha có biết hôm nay họ định làm gì không?
- Làm gì?
- Con không hiểu sao mới tờ mờ sáng Thúy Vi chạy đến đấy kéo Vân Nhi đi mất, bỏ cả học hành. Hai vợ chồng bác Dương lại gọi điện thoại mấy lần đến hỏi bao giờ anh Lâu về. Bây giờ cha lại hỏi nữa. Con nghi có chuyện gì đây?
Ông Khiêm quay mặt sang nơi khác, dấu một nụ cười:
- Tao... tao có biết chuyện gì đâu?
- Con biết mà, mọi người đang dấu con chuyện gì đây.
- Ai dấu cô cái gì mới được chứ? Vân Lâu với nụ cười tươi bước vào. Trên tay chàng là một gói giấy to. Bây giờ chàng không còn là một anh sinh viên nghèo hốc hác nữa, chàng đã trở thành con người lúc nào cũng bận rộn, là đứa con cưng trong giới hội họa.
Mỗi bức tranh đều có một giá tương xứng thật cao, mọi người đổ xô nhau mua tranh của chàng như một cái “mốt”. Ngoài công việc hội họa, chàng còn dạy học. Công việc tuy bận rộn hơn, nhưng Vân Lâu vẫn béo, vẫn khỏe.
- Mấy người đang nói lén tôi chuyện gì đó?
- Có nói gì đâu! Tiểu My cười đáp – Sáng nay không hiểu có chuyện gì mà Thúy Vi đến kéo Vân Nhi đi mất, em không hiểu họ định bày trò gì đây.
- Có lẽ họ đi chơi đấy mà, chúng nó có vẻ thân nhau dữ hả em.
- Cô Thúy Vi vui tính đấy chứ, có điều lạ là em không hiểu sao lúc xưa anh không yêu cô ta, nếu em là đàn ông chắc em...
- May mà em không phải là đàn ông. Vân Lâu hớt lời, đi vào trong chàng hỏi vọng ra – Còn bé Hàn đâu em? Ngủ rồi hở?
Tiểu My đuổi theo sau:
- Anh đừng hôn con, nó giật mình đấy. Nó sợ nhất là hàm râu anh, đâm đau thấy mồ.
- Được rồi, không cho anh hôn con thì anh hôn mẹ nó vậy.
- Đừng... đừng... Anh Lâu!
Ông Khiêm ngồi trong phòng khách, nghe những lời âm yếm kia bất giác cười to. Đã làm cha làm mẹ rồi mà vẫn nồng như ngày mới cưới!
Có tiếng chuông của reo, Tiểu My bế con chạy ra, đứa bé kháu khỉnh trên tay vừa độ năm tháng trông thật dễ thương vô cùng. Vân Lâu cứ mãi tiếc sao Tiểu My chẳng sinh đôi để chàng đặt tên như ngay nào ước nguyện. Đứa bé được đặt tên là Tư Hàn để tưởng nhở đến Hàn Ni. Vân Lâu thường đừa với vợ:
- Em cố gắng sinh đôi đi chứ, sinh một thế này mãi thì phải kết thúc bằng một lần sinh đôi mới được.
Tiểu My trách yêu:
- Anh chỉ tổ nói nhảm.
Bước về phía cửa Tiểu My định mở, thì có tiếng Vân Lâu hỏi phía sau:
- Ai thế? Vân Nhi phải không?
Năm ngoái Vân Nhi đến Đài Loan học, nàng ở chung với anh ruột và chị dâu.
Cửa mở, bên ngoài cửa không hẳn chỉ có một mình Vân Nhi, mà còn có cả một đám đông ồn ào. Ông bà Dương, Thúy Vi... Ngoài ra còn có một đôi vợ chồng già khác với nụ cười hớn hở trên môi, đấy là vợ chồng ông Mẫn.
Tiểu My ngạc nhiên, Vân Lâu cũng ngạc nhiên, chỉ có ông Khiêm là bình tĩnh đứng cười. Vân Lâu gọi lớn:
- Cha mẹ! Cha mẹ đến từ bao giờ, sao chẳng cho con hay để con ra phi trường đón?
Ông Mẫn cười thật tươi:
- Bọn này sang đây từ sớm rồi, nhưng muốn dành cho chúng bay một ngạc nhiên nên không báo trước. Đâu cô dâu với cháu nội đâu, mẹ mày nóng lòng muốn nhìn mặt chúng nó từ sớm.
Tiểu My chợt tỉnh, bế con bước tới trước, nàng trao đứa bé cho người đàn bà lớn tuổi, đôi mắt đang nhòa lệ.
- Mẹ!
Tất cả bước vào gian phòng, bấy giờ Vân Lâu mới phát giác ra một điều là trên tay Thúy Vi là một chiếc bánh cưới ba tầng, bên trên có cắm hai ngọn hồng lạp. Chàng ngạc nhiên:
- Cái này... cái này là cái gì đây?
Ông Mẫn cười trách yêu:
- Sao đãng trí thế? Hôm nay là ngày thành hôn hai mươi năm của chúng bay, bằng không tao với mẹ mày sang đây làm gì?
- À! Thì ra...
Vân Lâu quay sang nhìn Tiểu My. Tiểu My đang đứng dưới bức tranh Hàn Ni, mắt mờ lệ vì cảm động. Chàng bước tới nắm chặt tay vợ.
Thúy Vi và Vân Nhi vỗ tay rồi mọi người vỗ tay theo. Ngay cả cô bé mới năm tháng cũng đưa những ngón tay bụ bẫm lên đón mừng.
Giữa khung cảnh như thế, chúng ta có thể rút lui để họ hưởng trọn hạnh phúc và niềm vui mật ngọt. Ai dám bảo trên đời không có tình yêu và tình người chứ? Thế gian này được kết thành từ tiếng Yêu.
Nếu bạn còn bịn rịn chưa muốn rời, thì tối đến, mời bạn trở lại. Đứng tựa vào khung cửa sổ, bạn sẽ nghe tiếng đàn vọng ra và tiếng hát của Tiểu My:
”Tình như chim liền cánh
Em chẳng sợ đường dài
Dù gian nan trắc trơ?
Vẫn có nhau trong đời...”
 
×
Quay lại
Top