Một thời sinh viên với ’12 ngày đêm Hà Nội’

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Đã 40 năm trôi qua. Nhưng ký ức một thời sinh viên, một thời tuổi trẻ với 12 ngày đêm Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tại thủ đô Hà Nội lại ùa về trong tôi. Năm đó tôi tròn 20 tuổi và là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tổ 7, lớp Y4B chúng tôi có 25 sinh viên lúc đó đang thực tập Ngoại tại Bệnh viện Saint Paul.

ImageHandler.ashx
Y bác sĩ tham gia cấp cứu người dân trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".
Còi báo động rú liên hồi. B52 rải thảm. Bầu trời Hà Nội đỏ rực lửa. Bệnh nhân từ Khâm Thiên, Chương Dương được chuyển về Bệnh viện Saint Paul ồ ạt và sinh viên chúng tôi lăn xả vào cấp cứu bệnh nhân. Quên cả đạn bom, tất cả chúng tôi tập trung trí tuệ khẩn trương cấp cứu, cắt lọc, khâu vết thương, băng bó, cố định gãy xương, cáng bệnh nhân xuống hầm, chuyển bệnh nhân vào phòng mổ, chuyển bệnh nhân đã tử vong ngay khi được chuyển đến ra phía sau.

Vào một đêm đang phục vụ ở Gia Lâm và vì bệnh nhân quá nhiều không cấp cứu kịp, cấp trên điều động một kíp phẫu thuật gồm một bác sĩ, một gây mê và hai sinh viên. Lớp Y4B tập trung chớp nhoáng lấy tinh thần xung phong, không ngần ngại tôi đã giơ tay và sau đó anh Lương Ngọc Ngân quê ở Tiền Hải-Thái Bình đi bộ đội về học cùng tổ cũng giơ tay.

Kíp phẫu thuật nhanh chóng được thành lập và được một chiếc xe U-oát đưa đi ngay trong đêm, vượt qua đạn bom, khói lửa khi qua cầu Long Biên bị bắn phá không ngớt. Không bật đèn pha, xe chạy vòng vèo giữa những tiếng nổ, tiếng gầm của B52 và cuối cùng chúng tôi cũng đến được Gia Lâm khi trời đã sáng. Ở Gia Lâm lúc ấy bệnh nhân nhiều vô kể...

Tháng 12-1972, Hà Nội mưa phùn, gió bấc lạnh như cắt da cắt thịt. Anh Ngân cởi chiếc áo 4 túi cho tôi mặc trong áo blouse và thế là kíp phẫu thuật lao vào cấp cứu khẩn trương để cứu sống bệnh nhân. Sau 4 ngày tạm ổn, chúng tôi quay về Hà Nội.

Khi về, nhiều phóng viên đến tìm hiểu về tổ 7, lớp Y4B của chúng tôi và phỏng vấn tôi: "Động cơ nào mà trong bom đạn B52 đánh phá ác liệt như vậy, một sinh viên nữ nhỏ nhắn như bạn lại xung phong đi cấp cứu bệnh nhân?". Không ngần ngại, tôi trả lời là vì bệnh nhân và vì quê tôi ở Quảng Bình chiến tranh cũng ác liệt lắm, tôi đã từng chứng kiến cảnh chết chóc do chiến tranh, đau thương lắm nên tôi cần góp sức cấp cứu những nạn nhân của chiến tranh.

12 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kết thúc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường Đại học Y khoa Hà Nội chọn tôi tham dự hội nghị thanh niên kiên cường thắng Mỹ của Thủ đô.

Tôi vinh dự có tên trong danh sách 12 thanh niên tiêu biểu, sau đó trên trang nhất báo Tiền Phong có đăng bài "Tổ 7, lớp Y4B vào cuộc thử thách" kèm bức ảnh 12 thanh niên tiêu biểu chụp chung với Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong đó có tôi. Trong bài báo có nhắc nhiều về tôi.

Tôi được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong những ngày địch đánh phá ác liệt thủ đô Hà Nội. Ngày Sinh viên Việt Nam9-1-1973 cận kề, tôi được Đoàn trường giao viết bản thành tích và cử báo cáo thành tích. Báo cáo thành tích ấy của tôi cũng đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào buổi phát thanh văn hóa đời sống lúc 10 giờ ngày 10-1-1973.
Tháng 12-2012, quân và dân Việt Nam tự hào kỷ niệm 40 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Và tôi cũng đã tròn 60 tuổi. Nỗi nhớ về thời sinh viên hừng hực khí thế ra trận lại ùa về. Tôi vẫn nhớ như in, cuối năm 1971, các trường đại học ở thủ đô tổ chức một đêm hội diễn văn nghệ tại hồ Hale để tiễn sinh viên lên đường nhập ngũ. Có chút giọng và năng khiếu ngâm thơ, tôi được nhà trường cử tham gia hội diễn văn nghệ này.

Tôi đã chọn bài thơ dự thi Từ một cổng trường ấy ta đi của Vương Thừa Việt. Tựa đề và nội dung của bài thơ Từ một cổng trường ấy ta đi rất phù hợp để động viên các bạn sinh viên ra trận, với những câu thơ như:

... Thầy ba mươi tuổi xuân cùng nhập ngũ với trò mấp mé mười tám
Thầy trò đi như đi khai giảng
Ngọn bút xăm đầy mực để làm thơ...
... Ba lô căng phồng là sinh viên trường văn
Nhiều thơ, truyện nên nhiều bè bạn
Trong túi cóc sinh viên trường Y dược
Có bài thuốc gia truyền và Hải Thượng Lãn Ông...
... Khi sáng sáng trước cổng trường chi chít dấu chân
Mũi chân nào cũng hướng ra tiền tuyến...
Tôi đã ngâm thành công bài thơ đó và được nhận xét như là trúng tủ. Tôi rất vui vì đã góp một món ăn tinh thần để tiễn các bạn ra trận bởi sinh viên hồi đó đều "Dạ mái trường nhưng chí chiến trường".

Năm 1975, tốt nghiệp bác sỹ tôi vào công tác tại tỉnh Quảng Trị và được Nhà nước trao tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú sau 32 năm công tác. Sống rất gần Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9, Thành cổ Quảng Trị-nơi có tượng đài sinh viên-chiến sĩ, tôi đã đến các nghĩa trang này thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ.

Tháng 9-2012, Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp Tỉnh Đoàn Quảng Trị tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật Xếp bút nghiên tại Thành cổ rất xúc động. Trong số những sinh viên nằm lại trên mảnh đất Quảng Trị, trước ngày lên đường ra trận, chắc nhiều người đã đến dự đêm hội diễn văn nghệ tại hồ Hale và nghe tôi ngâm bài thơ Từ một cổng trường ấy ta đi.

Ký ức về lần tiễn các bạn sinh viên ở thủ đô Hà Nội lên đường vào thời điểm đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu hủy diệt Hà Nội, ký ức về 12 ngày đêm của Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cùng ký ức về một thời sinh viên, một thời tuổi trẻ trong tôi không bao giờ phai nhạt.
Theo Tienphong
 
×
Quay lại
Top