Một số điều về Nhật Bản

I LoveShinRan KaiAo

Xin lỗi, đừng yêu tôi nữa được không?
Thành viên thân thiết
Tham gia
9/8/2017
Bài viết
1.016
Vì sao người Nhật ăn cơm một mình vẫn nói 'chúc ngon miệng'?
Khi ngồi ăn một mình, người Nhật vẫn chắp tay, cúi đầu và nói "Itadakimasu" như lời biết ơn những người đã mang đến bữa cơm này.

Trước mỗi bữa cơm, người Nhật thường hành lễ: chắp tay, cúi đầu và nói một câu "Itadakimasu". Dù đang ngồi ăn một mình hay khi ra ngoài ăn tiệm với cả gia đình hoặc nhóm bạn thì họ vẫn có thói quen này. Đây là một phong tục lâu đời ở xứ phù tang, với nhiều ý nghĩa thú vị hơn là một lời mời ăn cơm hay chúc ăn ngon miệng.

Trong tiếng Nhật, câu "Itadakimasu" có hai nghĩa, bao gồm: đón nhận và cung kính. Theo đó, lễ nghi chắp tay nói cụm từ này cũng có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, đó là lời biết ơn đối với người đã góp phần tạo ra mâm cơm (bao gồm người nuôi trồng nguyên liệu cho tới người nấu nướng). Đồng thời, câu nói này cũng là lời cảm ơn mọi người đã tề tựu đông đủ trong bữa ăn.

vi-sao-nguoi-nhat-an-com-mot-minh-van-noi-chuc-ngon-mieng-1513571371_500x300.jpg




Ngoài ra, "Itadakimasu" còn có ý nghĩa là đón nhận, trân trọng các thành phần làm nên món ăn. Người Nhật cho rằng, vạn vật trên đời đều có sinh mạng, từ động vật gà, cá, lợn, bò cho tới các nguyên liệu hành, tỏi, tiêu... Do đó, việc chúng hy sinh thân mình để duy trì cuộc sống của con người rất đáng trân trọng và thiêng liêng. Từ đây, câu nói có thể hiểu là: "Tôi nhận được cuộc sống của bạn và hãy để nó trở thành cuộc sống của tôi".

Do đó, ngay cả khi đi một mình, không có ai để mời ăn cơm thì người Nhật vẫn hành lễ đều đặn nhằm tôn kính người đầu bếp, những người xung quanh và biết ơn các loại động vật thực vật đã "hy sinh" cho bữa ăn. Ngoài ra, câu "Itakasimasu" cũng được sử dụng khi bạn nhận đồ từ người lớn tuổi để tỏ lòng cảm kích và tôn kính.

Thói quen hành lễ trước khi ăn được dạy rất cẩn thận trong các nhà trường ở Nhật. Các em nhỏ còn được học một bài hát mang tên Obento no uta (bài hát của Obento), trong đó là nội dung giáo dục nhẹ nhàng và ý nghĩa với các em nhỏ, từ đó hình thành thói quen tốt cho các em.

Ngày nay, nhịp sống hối hả, nhiều gia đình Nhật không còn giữ thói quen ăn cơm cùng nhau, ngay cả thói quen hành lễ trước bữa ăn cũng được giản lược. Nguời ta chỉ nói "Itadakimasu" chứ không còn chắp tay cúi đầu như trước đây nữa. Còn khi ăn xong, người Nhật hay nói "Gochisousamadeshita" với ý cảm ơn người đầu bếp đã nấu một bữa ăn rất ngon. Còn nếu đi ăn tiệm, câu khẩu ngữ này được xem như lời cảm ơn người đã mời mình dùng bữa.

Theo Ngoisao

Ý nghĩa đằng sau ba biệt danh của Nhật Bản
Ngoài "đất nước mặt trời mọc", "xứ sở hoa anh đào", Nhật Bản còn được gọi là "xứ Phù Tang" mà ít người biết ý nghĩa của những tên này.

Nhật Bản là điểm đến nổi tiếng trên thế giới với nền văn hóa đậm bản sắc và ẩm thực độc đáo. Đất nước này có tới ba tên gọi khác nhau vẫn được sử dụng rộng rãi, tuy vậy không phải ai cũng biết ý nghĩa của chúng.

Xứ Phù Tang

Từ lâu, "xứ Phù Tang" mặc nhiên trở thành một từ người Việt dùng để chỉ Nhật Bản.

Theo từ điển song ngữ Nhật - Việt do Onochi Seiji biên soạn và phát hành năm 1979, "Phù Tang" được giải thích với ba nghĩa: là cây mặt trời (thần thoại); phía đông và đất nước mặt trời mọc (Nhật Bản).

Theo truyền thuyết cổ phương Đông, cây dâu rỗng lòng gọi là Phù Tang hay Khổng Tang. Khi thần Mặt Trời cưỡi xe lửa du hành ngang qua bầu trời từ Đông sang Tây, ngài đã dừng lại dưới gốc cây phù tang. Trong văn học cổ, Phù Tang cũng được dùng chỉ nơi mặt trời mọc.

Các tài liệu cổ của Trung Quốc chỉ đề cập Phù Tang là thần mộc; Phù Tang quốc là đất nước ở phía Đông của Trung Quốc nói chung mà không mặc định đó là cây dâu hay đất nước Nhật Bản.

huong-dan-cac-dau-moi-lay-hang-9225-5460-1511781583.jpg

Núi Phú Sĩ hùng vỹ của Nhật Bản. Ảnh: Pinterest.

Tiến sĩ Phạm Thu Giang của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội từng vấp phải những nghi ngờ từ người Nhật khi phiên dịch "Phù Tang" thành Fusō (扶桑). Cô đã tiến hành một cuộc điều tra nhỏ với 50 người Việt và 50 người Nhật, với mong muốn làm sáng tỏ điều này.

Kết quả cho thấy, hầu hết người Việt khi được hỏi đều khẳng định "Phù Tang" là Nhật Bản hoặc một vùng của Nhật Bản. Trong khi những người Nhật tham gia khảo sát lại tỏ ra lúng túng khi phải lựa chọn các đáp án trắc nghiệm, mà một trong số đó là đất nước của họ.

Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, sử sách Trung Quốc ghi chép không thống nhất về cây Phù Tang cũng như xứ sở mang tên loại thực vật này. Phù Tang có thể được dùng như một mỹ từ, một khái niệm mang tính ước lệ và tưởng tượng, nhưng có khi lại để chỉ một quốc gia, vùng đất tồn tại thực.

Vì vậy, xứ Phù Tang có thể là tên gọi được nhiều người Việt chấp nhận với ý nghĩa chỉ Nhật Bản, tuy nhiên nó chưa thực sự chính xác và phổ biến với người Nhật.

Đất nước mặt trời mọc

Theo cách hiểu của nhiều người, Nhật Bản nằm ở cực đông châu Á nên sẽ là nơi đón bình minh đầu tiên của châu lục. Do đó, không khó hiểu khi "đất nước mặt trời mọc" là tên gọi khác phổ biến nhất của quốc gia này.

Thực tế, chữ kanji trong quốc hiệu Nhật Bản nghĩa là "gốc của Mặt Trời", và người dân quốc gia này từ lâu rất coi trọng hình tượng mặt trời. Theo tài liệu cổ Nihon Shoki, các Thiên hoàng Nhật Bản còn được coi là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amaterasu.

land-of-the-rising-sun-e135593-2807-1495-1511781583.jpg

Nhật Bản là nước đầu tiên đón bình minh ở châu Á. Ảnh: Fit News.

Xứ sở hoa anh đào

Với người Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho sắc đẹp, sự mong manh và trong trắng. Vốn là loại hoa "thoắt nở thoắt tàn", hoa anh đào tượng trưng cho "con đường chết" của các võ sĩ đạo Nhật Bản - samurai sống và chết như hoa anh đào.

Dù không được chính thức công nhận là quốc hoa, hoa anh đào vẫn giữ một vị trí đặc biệt với người Nhật Bản. Hình ảnh hoa anh đào xuất hiện trong những bộ trang phục truyền thống, ẩm thực, các họa tiết trang trí, hay đồng xu 100 yen và tờ tiền giấy 1.000 yen. Cũng vì những lý do này, Nhật Bản còn được gọi là xứ sở hoa anh đào.

Loài hoa mỏng manh này xuất hiện ở khắp nơi tại Nhật Bản. Hoa thường nở vào mùa xuân khoảng tháng 3, 4, sớm muộn tùy nơi. Tại miền nam Nhật Bản ấm áp hơn, hoa có thể nở từ cuối tháng 1, trong khi ở vùng Hokkaido phía bắc, hoa có thể nở vào tháng 5.

Do vậy người yêu thích hoa anh đào có thể ngắm hoa theo hành trình đi từ nam lên bắc trong nhiều tháng, dù hoa anh đào thường chỉ tồn tại khoảng 1-2 tuần khi nở.

Nguyên tắc dùng đũa của người Nhật
Không bao giờ xếp chéo hai chiếc đũa lên nhau hay đấu đầu chúng vì người Nhật tin rằng đây là điềm báo vận rủi và liên tưởng đến các hung khí trong tang lễ.

Người Nhật rất quan tâm tới việc dùng đũa và họ có cả những luật lệ dành cho việc tưởng như rất đơn giản này.

Cầm đũa một cách chính xác

Cầm đũa để gắp thức ăn là hành động đơn giản nhưng làm sao cho đúng "chuẩn" lại không dễ dàng. Nhiều du khách thừa nhận phải mất thời gian và thực sự kiên nhẫn mới học được cách cầm đũa theo chuẩn người Nhật.

1-jpeg-9993-1429608702.jpg

Đây là các cầm đũa đúng chuẩn của người Nhật. Ảnh: Japan.

Không gắp thức ăn lên thẳng miệng

Nhiều người có thói quen dùng đũa gắp thức ăn từ bát, đĩa chung trên bàn ăn sau đó đưa thẳng vào miệng. Nhưng với người Nhật, họ sẽ gắp thức ăn vào bát trước, tiếp theo mới đưa lên miệng và nhai.

Sử dụng gác đũa

Sau khi ăn xong, người Nhật sẽ để đũa lên chiếc gác thay vì đặt xuống bàn. Ngoài ra, bạn cũng không nên để chéo đũa, điều này liên tưởng đến tư thế nằm của người chết.

Không dùng đũa để bới tung đĩa ăn

Nhất là khi bạn đang ăn uống trên bàn tiệc, điều này sẽ bị đánh giá là tham ăn và bất lịch sự. Ngoài ra, bạn cũng không nên nhúng đũa vào bát súp vì nó gợi cảm giác đang cố gắng làm sạch chúng cũng như thiếu tin tưởng độ cẩn thận của những người rửa bát.

3-2136-1429608702.jpg

Người Nhật sử dụng khá nhiều đũa trong các bữa ăn hàng ngày. Ảnh: Goldstein.

Không liếm đầu đũa

Liếm, mút đầu đũa khi đang ăn là một trong những quy tắc ăn uống mà người Nhật luôn nhắc mình không được phép phạm phải.

Không đấu đầu đũa

Bạn không nên đấu đũa khi gắp hay nhận thức ăn từ người khác. Lý do là nó liên tưởng đến hành động đưa xương của người hỏa táng vào các bình tro cốt.

5-6424-1429608702.jpg

Khi không sử dụng nữa, bạn nên đặt đũa ngay ngắn lên chiếc gác. Ảnh: Everything.

Không dùng đũa như một món đồ chơi

Đũa là dùng để gắp thức ăn, không nên sử dụng vào mục đích khác hay nghịch ngợm chúng. Bạn cũng không nên chà sát các chiếc đũa vào nhau sau khi đã tách ra. Người Nhật sẽ nghĩ bạn coi đũa là thứ rẻ tiền.

Không đưa đũa liên tục qua các món ăn

Bạn không nên cầm đũa đu đưa qua lại trên các đĩa thức ăn với suy nghĩ chọn món trước khi gắp. Điều này bị coi là một hành động tham lam.

Nguyên tắc thưởng thức sushi
Người Nhật Bản có những quy tắc bất di bất dịch khi thưởng thức sushi như ăn bằng tay hoặc đũa hay chỉ sử dụng một lượng nước chấm vừa phải.


Sushi-hoan-chinh-1426814080.png


10 quy tắc cần biết khi thưởng thức ẩm thực Nhật Bản
Trộn wasabi với nước tương tưởng chừng như việc khá bình thường nhưng với người dân xứ sở Phù Tang, điều này không hề được hưởng ứng.

Washoku, văn hóa ẩm thực truyền thống của Nhật Bản là một trong rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể thế giới được Unesco công nhận. Và khi nhắc tới nền văn hóa ẩm thực này, không cần phải giới thiệu nhiều thì bất cứ một du khách nào cũng biết tới hai đại diện khá nổi tiếng là sushi và tempura.

Tuy nhiên không phải ai cũng biết được một số quy tắc cần có khi thưởng thức những những món ăn độc đáo tới từ đất nước mặt trời mọc. Dưới đây là 10 quy tắc du khách nên biết để tránh rơi vào những tình huống không đáng có.

1. Không trộn wasabi với nước tương

wassabi-JPG-6069-1404102401.jpg

Người Nhật không trộn wasabi cùng nước tương khi ăn. Ảnh: theperpetualstudentswife.

Mặc dù rất nhiều nhà hàng trên thế giới đều sử dụng phương pháp này khi phục vụ đồ ăn Nhật nhưng đây không phải là một cách được người dân đất nước mặt trời mọc hưởng ứng. Hãy cho wasabi lên trên miếng đồ ăn mà bạn muốn thưởng thức sau đó chấm vào nước tương. Đây mới là cách dùng wasabi và nước tương đúng nhất.

2. Tránh cắn đôi thức ăn

Việc cắn đồ ăn thành nhiều miếng được coi là bất lịch sự tại Nhật Bản. Người Nhật hạn chế tối đa việc đặt một đồ ăn nào đó còn dang dở trên đĩa. Do vậy hãy cố gắng ăn mọi thứ chỉ bằng một miếng, trừ khi miếng đồ ăn quá lớn thì hãy dùng tay che miệng lại.

3. Không dùng tay đỡ đồ ăn rơi

Với người Nhật, việc sử dụng tay trái để đỡ thức ăn rơi hay nước là một hành động không đẹp mắt. Mặc dù hành động này có thể tránh việc thức ăn rơi gây ra những vết bẩn không đáng có trên áo quần hoặc khăn trải bàn nhưng đó thực sự là một thói quen ăn uống nên tránh khi dùng bữa kiểu Nhật.

4. Không lật ngược nắp bát

Lật ngược nắp bát là dấu hiệu khiến nhiều người hiểu lầm rằng bạn đã dùng xong bát. Do vậy hãy để nắp bát như khi chúng được người phục vụ mang ra bàn. Thêm một nguyên nhân khác nên tránh làm điều này vì rất có thể bạn sẽ làm hỏng chiếc nắp khi úp ngược chúng lại.

5. Không đặt vỏ sò trên nắp bát hay đĩa riêng

vo-so-JPG-6231-1404102401.jpg

Hãy đặt vỏ sò vào chính chiếc bát đựng món ăn đó. Ảnh: yeutretho.

Khi được phục vụ một số đồ ăn có vỏ như sò, hàu..., nhiều người thường có thói quen đặt phần vỏ rỗng vào nắp bát hay đĩa riêng. Người Nhật coi đây là một hành động không lịch sự. Cách tốt nhất trong trường hợp này là để những phần vỏ này vào chính chiếc bát đựng món ăn đó.

6. Không cầm đũa trước khi nhấc bát lên

Khi tham gia một bữa ăn Nhật, bạn hãy lưu ý nhấc bát ăn trước khi cầm đũa. Nếu muốn chuyển sang bát khác thì hãy đặt đũa xuống, sau đó mới đổi bát. Chỉ sau khi nhấc bát, bạn mới được phép cầm lại đũa.

7. Không đưa đũa qua lại hay chạm vào thức ăn nếu bạn không có ý định gắp

Người Nhật tránh việc gắp đồ ăn sau đó bỏ chúng lại và gắp sang món khác. Hành động này được coi là một cách cư xử thiếu lịch sử. Hãy sử dụng tất cả các món ăn có trong bữa ăn và lựa chọn món định gắp trước khi đưa đũa ra mà không biết nên gắp món nào.

8. Không gác đũa ngang miệng bát

gac-dua-JPG-1745-1404102402.jpg

Hãy sử dụng chiếc gác đũa trong bữa ăn Nhật. Ảnh: apujapan.

Với nhiều người, việc gác đũa ngang miệng bát là một cách ăn uống khá bình thường nhưng tại Nhật điều này được cho là sai quy tắc ăn uống. Nếu muốn đặt đũa xuống, bạn hãy đặt chúng lên những chiếc gác đũa. Trong trường hợp không có gác đũa, bạn có thể dùng bao đũa để gấp lại thành chiếc gác đũa. Còn khi bạn không biết cách gấp thì hãy gác đũa lên chiếc khay hay một vật nào đó tương tự có trên bàn ăn.

9. Không dùng đầu còn lại của đôi đũa để gắp thức ăn

Sở dĩ người Nhật tránh việc dùng đầu còn lại của đôi đũa để gắp thức ăn vì đây là phần tiếp xúc với tay, là phần không được sạch sẽ. Nếu muốn gắp thức ăn bằng đũa sạch hãy hỏi người phục vụ để lấy thêm một đôi đũa mới.

10. Không đưa đồ ăn lên quá cao

Trong khi ăn uống, nhiều người thường gắp và đưa đồ ăn lên cao ngang tầm mắt. Đây là việc cần hạn chế nếu bạn đang ở trong một bữa ăn Nhật.

Nguồn: https://dulich.vnexpress.net/tin-tu...-nhat-ban-3011133.html#ctr=related_news_click
https://vnexpress.net/infographics/anh-video/nguyen-tac-thuong-thuc-sushi-3159277.html
https://dulich.vnexpress.net/tin-tu...guoi-nhat-3204104.html?ctr=related_news_click
https://dulich.vnexpress.net/tin-tu...mot-minh-van-noi-chuc-ngon-mieng-3686095.html

hoc-cach-noi-loi-cam-on-trong-tieng-nhat1.jpg







 
×
Quay lại
Top