Miền Trung hỏi Hà Nội có mưa không?

anhnt.anh

Quản lý KSV
Thành viên thân thiết
Tham gia
12/1/2010
Bài viết
968

Hôm qua, đứa bạn ở Hà Nội gọi vào: "Bão lụt nhà có sao không"? Mình trả lời xong hỏi lại: "Hà Nội có mưa không?". Nó cười: "Hà Nội đúng nghĩa mùa thu, nắng vàng, lá vàng, gió heo may...".


Làm sao để tránh thiệt hại cho dân khi bão lũ bất ngờ? Bài toán ấy lâu rồi vẫn chưa có lời giải?!... Khuya lắm rồi, ngoài trời mưa vẫn không ngừng rơi.... miền Trung ơi, sống chung với bão lũ lâu rồi cũng thành quen, không thấy khổ nữa, nhưng sao vẫn thấy thương quê mình!

Chiều qua, trước phòng dựng phim, Sỹ Hùng- Phó phòng Thời sự (Đài PTTH Quảng Bình) quần ống xắn, ống xả, mặt tái nhợt, vừa nhai lương khô, vừa run. Hùng vừa ở vùng rốn lũ trở về, ăn lương khô cho đỡ đói để vào dựng tin cho kịp giờ lên sóng. Thấy mình, Hùng cười như mếu: "Nước lũ lên nhanh lắm, may mà về kịp".

images2049247_images511181_1.jpg
Giá miền Trung đừng bão lụt triền miên thì dân mình ở một số vùng quê đâu đến nỗi không tự mình thoát khỏi đói nghèo...
Chiều tối, Duy Toàn gọi về: "Em đi theo trực thăng cứu hộ, không biết vùng nào, trắng xóa cả. Bà con mình ở vùng bị nước lũ cô lập có vớt được mỳ tôm mà ăn không chị hè?".

Sáng nay ra chợ, cá rẻ như cho. Lũ vào, dân trở tay không kịp, cá nuôi ở các ao hồ trôi hết. Buông lưới ra đường phố ngập nước cũng kéo được cá. Chị bán cá kể: Em họ chị ở Cự Nẫm (huyện Bố Trạch), sinh đúng ngày lụt lớn. Không có gì để ăn nên cũng không có sữa cho con bú. Người anh trai thương em và cháu, dầm mình cả ngày trong nước bạc, chiều tối mới xin được một tô cơm nguội. Về tới nơi thì em và cháu đã đói lả. May mà còn kịp...

Về tới nhà, em họ mình gọi điện, giọng nó ngập ngừng, rầu rĩ: "Chị có tiền... cho em mượn... 1 triệu đồng em gửi vào trường cho cháu. Em định cân con heo, lấy tiền gửi cho cháu đóng học phí tháng này nhưng heo, gà nhà em trôi hết cả rồi".

Trưa xem ti vi, đồng nghiệp mình quay cảnh một chị nông dân ở Quảng Tiên (Quảng Trạch) vừa vốc từng nắm thóc giống bị ẩm mốc vì ngâm lâu ngày trong nước lũ vừa buồn rầu nói: Mùa tới không biết lấy gì để gieo.

Chiều, nhận được tin nhắn của bạn: "Xin được chia buồn với em, với đồng bào quê em đang phải sống cùng cực trong lũ lụt". Tự dưng nước mắt mình trào ra. Không thương quê làm sao được, lũ lụt cứ triền miên, dân chưa kịp no đủ đã lại mất nhà, mất của, mất cả người thân.

Sau 3 ngày lũ lụt, Quảng Bình có 28 người chết, 17 người bị thương, hàng trăm gia đình bị mất nhà cửa, trâu bò, tài sản...Tài sản có thể làm lại được nhưng nỗi đau mất người thân thì nhức nhối tâm can.

Cách trận lũ lớn này mấy hôm, làm phim về phong trào thi đua yêu nước ở Quảng Bình, bọn mình đi đến mọi ngóc ngách. Vui mừng vì thấy đời sống của đồng bào mình đã khấm khá lên. Những gương mặt người dân từ miền xuôi đến miền ngược đều rạng ngời vì được cả mùa lúa, mùa biển, mùa nuôi trồng thủy sản.

Mình viết những lời bình "có cánh": "Quảng Bình đã đi lên bằng chính nội lực của mình...". Nhưng, chưa kịp mừng thì bão tới. Bão lụt như đã định cư ở miền Trung, lâu lâu chỉ dạo chơi đâu đó rồi lại quay về.

Vẫn biết miền Trung là "khúc ruột"... Miền Trung đau thì cả nước đau. Cũng như ngày xưa miền Trung vì miền Nam ruột thịt mà "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "xe chưa qua, nhà không tiếc, đường chưa thông không tiếc máu, tiếc xương". Dân tộc mình là thế, nhân dân mình là thế "Rằng qua lận đận mới hiểu tận lòng nhau"!

Nhưng sao mỗi lần nhận hàng cứu trợ người dân quê mình lại thấy chạnh lòng (mình đã từng phỏng vấn nhiều người, họ nói như thế). Chợt nghĩ: Giá miền Trung đừng bão lụt triền miên thì dân mình ở một số vùng quê đâu đến nỗi không tự mình thoát khỏi đói nghèo mà vươn lên cho bằng chị bằng em.

Sau lũ lụt là bao nhọc nhằn vất vả để ổn định cuộc sống, là bao nhiêu nỗi lo cánh cánh bên lòng: sách vở cho con đến trường, giống má cho vụ mùa tới, thuốc men để phòng dịch bệnh...

Lại nhớ những ca từ trong ca khúc "Về miền Trung" của nhạc sĩ An Thuyên: "Đường về miền Trung giông bão lắt lay, ngọn đèn xóm vắng vẫn thức thâu đêm, mẹ ngồi khâu áo mai con đến trường, mẹ ngồi khâu áo bụi bay giọt sương....".

Có lẽ chỉ có những ai sinh ra, lớn lên ở miền Trung mới thẫm đẫm trong nỗi nhớ những hình ảnh ấy.

Hôm qua, đứa bạn ở Hà Nội gọi vào: "Bão lụt nhà có sao không"? Mình trả lời xong hỏi lại: "Hà Nội có mưa không?". Nó cười: "Hà Nội đúng nghĩa mùa thu, nắng vàng, lá vàng, gió heo may...".

Người Hà Nội mong mùa thu về để ngắm nắng vàng, bâng khuâng cùng gió heo may. Miền Trung quê mình, mùa thu về thì lo bão lũ. Nhưng cũng mừng, rứa (thế) là Hà Nội không sao. Hà Nội vẫn tổ chức được đại lễ. Phải rứa chứ, nghìn năm có một mà!

Thầy mình, một nhà sử học có tiếng ở miền Trung kể: Lần đầu tiên nhìn thấy di tích Hoàng thành Thăng Long, thầy và các giáo sư bàng hoàng xúc động. Nhiều người đã khóc. Ông cha đã để lại cho chúng ta và con cháu chúng ta một di sản văn hóa huy hoàng được cả thế giới ngưỡng mộ.

Hà Nội ơi, mưa sẽ thuật, gió sẽ hòa để Hà Nội tổ chức thành công đại lễ như một sự tôn vinh những giá trị văn hóa tinh thần cả dân tộc. Miền Trung bão lũ quen rồi, giờ sống chung với nó. Mà nếu có giống như ai đó nói đùa: Miền Trung gánh bão cho Hà Nội đẹp trời mừng đại lễ thì người miền Trung sẽ không chần chừ, vì Hà Nội là "trái tim của cả nước", là niềm tự hào của cả dân tộc.

Quảng Bình cũng đã kịp gửi những người con ưu tú nhất, đó là những người anh hùng, mẹ Việt Nam anh hùng ra Thủ đô dự Đại lễ. Nếu có nhắn gửi gì thì là thủ đô hãy vì cả nước, làm cho thế giới biết văn hóa Việt, tâm hồn Việt không chỉ là trầm tích. Và đừng lãng phí vì miền Trung còn bão lũ, dân mình nhiều nơi còn thiếu đói.

Làm sao để tránh thiệt hại cho dân khi bão lũ bất ngờ? Bài toán ấy lâu rồi vẫn chưa có lời giải?!...Khuya lắm rồi, ngoài trời mưa vẫn không ngừng rơi.... miền Trung ơi, sống chung với bão lũ lâu rồi cũng thành quen, không thấy khổ nữa, nhưng sao vẫn thấy thương quê mình!
(Theo Trần Hồng Hiếu/Bee.net.vn)

Ps: Miền Trung mới chính là nơi đáng nhận dc sự quan tâm hơn cả trong lúc này, thế mà câu hỏi đó lại giành cho ng HN, sống giữa không khí của Đại lễ, thực sự cảm thấy thưong miền Trung bão lũ và thấy Đại lễ này đã chi tiêu quá lãng phí, có cần thiết ko? Biết bao công trình lớn nhỏ dc dựng lên chào mừng Đại lễ, còn ko kể các công trình đã bị dân phản đối, nếu bớt 1phần chi phí cho việc chào mừng Đại lễ để chăm lo cho ng dân miền Trung, để thêm vào những gói mì tôm hay dựng lại nhà của sau lũ thì sẽ có ích biết bao. Đó ko chỉ là suy nghĩ của mình mà còn là suy nghĩ của rất nhìu ng khác, dẫu biết rằng vẫn còn nhìu điều bất cập quanh ta, nhưng đâu phải vì thê mà ta ko lên tiếng.
 
Thương miền trung quá! ,gắng lên nào,ngoài bắc luôn dõi theo các bạn,.
 
Cả 1 đống tiền đổ vào đại lễ sao k lấy mà cứu ng dân. chỉ kể đến bộ phim lịch sử về Lý Thái Tổ thôi đẫ tốn hàng tỉ đồng thế mà k được chiếu. tiền ấy đổ vào đâu? pháo hoa nổ r thì thôi đi lại còn cố khoa trương tiếp tục bắn~> lại vay tiền nước ngoài quá n thứ gọi là tham ô lãng phí
 
đúng là vì ko phải người ở miền Trung nên ko bao giờ có thể thấu hiểu hết nỗi khổ vì mưa lũ, giông bão
:KSV@17:
 
Đúng là dù có nghe, xem tin tức thì những người không phải chịu cảnh mưa, bão lụt(trừ vụ Hà Nội ngập lụt cuối 2008 hic, nhưng chắc nó cũng chẳng thấm gì so với việc đồng bào ta ở miền trung hàng năm phải gánh chịu thiên tai...) cũng khó có thể hiểu hết được tình cảnh của mọi người ở đấy. Nhưng dù sao thì người dân (không chỉ ở HN) cũng luôn dõi sự quan tâm cho miền Trung mà.
Cũng không phủ nhận đại lễ là tốn kém, nhiều khi thấy lãng phí nhưng mình nghĩ mọi người Vn đều muốn thể hiện niềm tự hào, tình yêu dành cho thủ đô 1000 năm tuổi với 1 quá khứ lịch sử, những nét đẹp cần được trân trọng...Có lẽ chỉ là chưa đúng cách(bởi một số ngừoi chăng?!)
Dù sao thì mình vẫn cảm thấy không thích bài viết trên, nó tạo cho mình cảm giác chia rẽ, đối lập (mà không hề có!) giữa miền trung với thủ đô.
Có rất nhìu những hoạt đang được gấp rút thực hiẹn để giúp đỡ 1 phần nào đó
như bán áo in Slogan I luv HN, phía sau ghi Thương lắm miền trung chẳng hạn
https://rockpassion.vn/forum/index.php?topic=104489.0

We are one
Làm gì đó ửng hộ miền trung nào...
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
UK. Mình ko có ý đó, đúng là nó sẽ gây ra những ý kiến trái chiều, thực sự thì cũng có rất nhìu hđ ủng hộ đồng bào bị bão lũ, chỉ là phê phán một vài hoạt động ko cần thiết, có rất nhìu công trình dc mọc lên nhằm chào mừng Đại lễ, nhưng có 1điều mà mình nghĩ là bất cứ ai học kinh tế cũng đều biết mức chi như thế là quá khủng khiếp và lớn gấp nhìu lần so với các năm cộng lại, ko phải cứ chi nhìu, đầu tư nhìu là kinh tế sẽ phát triển mà tiềm ẩn một nguy cơ lạm phát rất lớn, trong khi đâu phải chứ phát triển cái mới là tốt đâu, thậm chí cái cũ đã làm tốt đâu, chỉ là thấy bức xức. Thực ra, thì vẫn có thể tổ chức Đại lễ tốt hơn mà ko cần phải quá tốn kém đúng ko?
 
×
Quay lại
Top