Memphis – Thủ phủ đầu tiên của Ai Cập

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Ngự ở phía bắc lãnh thổ và được gầy dựng bởi Narmer, vị pharaoh đầu tiên của Ai Cập, Memphis trong suốt 3,000 năm lịch sử là một trung tâm chính trị và tôn giáo quan trọng, là nơi toạ lạc của ngôi đền vĩ đại thờ thần Ptah và là nơi đăng quang của các pharaoh.

Trong giai đoạn Tân vương quốc, khoảng năm 1200 trước Công nguyên, một người phụ nữ vừa đến Memphis đã viết thư cho bạn hữu từ Thebes để bày tỏ niềm ấn tượng của bà về thành bang này:

“Tôi đã đến Memphis và chiêm ngưỡng sự tráng lệ của nó. […] Memphis ngày xưa đã không còn nữa, nó đã thay đổi diện mạo, trẻ trung như một quý cô của miền bắc xứ Ai Cập.”

Tài liệu này là minh chứng cho thanh thế mà thành bang này tiếp tục sở hữu giữa những người Ai Cập, nằm cách Cairo khoảng 30 kilomet về phía nam.

Được bao quanh bởi một bức tường trắng, với một cung điện hoàng gia và một điện thờ quan trọng, Memphis đã từng là thủ phủ chính trị của Ai Cập từ khi thống nhất lãnh thổ cho đến Thời kỳ chuyển tiếp thứ nhất (năm 3100-2040 trước Công nguyên).


Memphis. Ảnh từ game Assassin’s Creed.

Memphis. Ảnh từ game Assassin’s Creed.

Về sau các thành bang khác đã giành lấy địa vị thủ phủ chính trị, nhưng Memphis không bao giờ mất đi tầm quan trọng của nó với tư cách là một trung tâm hành chính, kinh tế và tôn giáo. Tuy nhiên, ngày nay hầu như không còn bất kỳ vết tích nào của thành bang tráng lệ này nữa.

Theo thời gian, các cung điện, nhà ở, phố xá, công xưởng và bến cảng đã bị vùi lấp dưới thành phố Ai Cập hiện đại Mit Rahina, và ngày nay chỉ còn lại rất ít các tàn tích được khám phá cho phép tái hiện lại vẻ huy hoàng của thủ phủ vĩ đại này mà các Pharaoh Ai Cập từng sở hữu.

Theo dân gian, Memphis được gầy dựng năm 3100 trước Công nguyên bởi Narmer, người được coi là pharaoh đầu tiên của Ai Cập.

Vị trí được lựa chọn không phải là ngẫu nhiên: Memphis sừng sững ở vùng thượng châu thổ, nằm “giữa Lưỡng Địa”, cân bằng phương bắc và phương nam của đất nước, Thượng và Hạ Ai Cập, mang lại cho thành bang này một giá trị biểu tượng mạnh mẽ, ngoài việc thiếp lập nên một vị trí chiến lược hoàn hảo.

Người Ai Cập đặt cho thành bang cái tên Inebu-heji, “Bức tường trắng,” bởi bức tường thiêng liêng và nghi lễ bao quanh nó, và có lẽ cũng bởi vì vẻ ngoài của khu dân cư kiên cố mà nó phản ánh.

Mãi đến cuối thời Cổ vương quốc khi thành bang bắt đầu được biết đến với cái tên nổi tiếng và cố định là Men-nefer, “Ổn định và Mỹ lệ”, là nguồn gốc của Memphis.

Khi Narmer hoàn tất công trình thủ phủ mới của mình, ông đã lên ngôi tại Memphis, trở thành pharaoh của nước Ai cập thống nhất. Kể từ đó, và trong suốt hơn 3,000 năm, tất cả các pharaoh còn lại đều được trao vương miện tại đó.

Thành bang phải luôn chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng đã nhận được cái tên “Liên minh Lưỡng Địa; Chu tuyến của Bức tường trắng”. Nghi thức cuối cùng của lễ đăng quang diễn ra vào ngày cuối cùng trong 5 ngày của nghi lễ được cử hành tại Memphis. Trong sự kiện này, vị vua mới lên ngôi được trao tước hiệu quyền lực pharaoh – vương miện kép, móc và néo – rồi sau đó phải thực hiện một số nghi lễ hiến tế cho thần linh của thành bang, thần Ptah.


Memphis. Ảnh từ game Assassin’s Creed.

Memphis. Ảnh từ game Assassin’s Creed.

Vẻ tráng lệ của Memphis

Những tàn tích khảo cổ hiếm hoi còn lại hiện không cho phép xác định được diện mạo của thành bang Memphis. Cũng như không thể tính toán chính xác mật độ dân số của nó hay các đặc tính của những khu dân cư hoặc tổ chức của các hoạt động sản xuất và thủ công của nó. Điều này một phần là bởi vật liệu cơ bản được sử dụng cho các công trình xây dựng – cũng là vật liệu kinh tế nhất, thiết thực nhất và có giá cả phải chăng nhất – chính là gạch bùn khô phơi nắng.

Mặc dù vậy, điều có thể chắc chắn là quy hoạch của thành bang rất phức tạp, vì Memphis, do địa vị thủ phủ của nó, phải là một thành bang rộng lớn và có dân cư đông đúc.

Bên trong những bức tường là cung điện hoàng gia, được sơn nhiều màu sắc tươi sáng và được trang trí bằng những cổng vòm và cột chống, những thảo viên đầy hương sắc, cây trái và ao hồ nhân tạo. Cách đó hhông xa là những toà thị chính. Những ngôi nhà của tầng lớp bình dân, có thể có nhiều hơn một tầng, được xây dọc theo những con phố hẹp và không bằng phẳng. Các khu dân cư khác của thành bang là tổng nha của những điện thờ, nơi trú chân đích thực của thần linh, từng được xây dựng bằng những khối đá. Bên trong không gian linh thiêng này là nhà của những tu sĩ, văn khố, thư viện, kho chứa và các công xưởng.

Các vị vua của Ai Cập đã xây dựng một đại mộ địa gần thủ phủ. Trên thực tế, sự vĩ đại và tầm quan trọng mà Memphis đạt được trong suốt lịch sử các triều đại của Ai Cập đã được phản ánh trong vô số những đại mộ địa hoàng gia trải dài hơn 30 kilomet trong sa mạc. Các nghĩa trang này được các pharaoh từ Vương triều Đệ tam đến Đệ lục bao gồm Abu-Roash, Zawyet el-Aryan, Abusir và Dashur sử dụng.

Đại mộ địa Saqqara là nơi có kim tự tháp bậc thang nổi tiếng Djoser, từ Vương triều Đệ tam, và xa hơn về phía bắc là khu phức hợp Giza, nơi các kim tự tháp uy nghi của các pharaoh Vương triều Đệ tứ vẫn đứng sừng sững, là những công trình hùng vĩ cao chọc trời.

Hơn nữa, những đại mộ địa ở Memphis này chứa rất nhiều lăng mộ của tầng lớp quý tộc và quan chức cấp cao: từ mastaba và lăng mộ hang động của thời Cổ vương quốc được trang hoàng lộng lẫy bằng những khung cảnh mỹ lệ của đời sống hàng ngày, săn bắt thú và đánh bắt cá, cũng như của những động thực vật bản địa, đi ngang qua lăng mộ của những quan chức cấp cao của thời Tân vương quốc và của thời sau, đến các hầm mộ dưới lòng đất dành cho hàng trăm xác ướp động vật như diều hâu, mèo, chó, cò…

Ptah, vị thần của thành bang

Vị thần bảo hộ chính của thành bang là thần Ptah. Vị thần này được khắc hoạ là một người đàn ông đang đứng, mặc một tấm vải liệm trơn và đội một chiếc mũ nghệ nhân thắt chặt trên đầu. Ngài mang râu giả, có một làn da màu xanh dương và cầm trên tay một cây quyền trượng được kết hợp từ cột djed, vương trượng và ankh, những biểu tượng của tính ổn định, quyền lực và sự sống. Ngài cũng mặc một chiếc cổ áo rộng và nặng với một đối trọng uy nghi buông thõng xuống sau lưng.

Vợ của ngài, Sekhmet đầy quyền năng, là một nữ thần đầu sư tử hung bạo và không khoan nhượng, người được chạm vào đĩa mặt trời; phẫn nộ và dữ tợn, nàng hầu như đã đến mức phá huỷ và diệt vong nhân loại bằng cách trừng phạt cuộc bạo loạn của loài người chống lại cha của nàng là Ra, thần mặt trời.

Con trai của thần Ptah và Sekhmet là Nefertum, là hiện thân của hoa sen và hương thơm ngào ngạt từ hoa sen.

Những tu sĩ của Memphis đã coi thần Ptah là một vị thần của vũ trụ và là đấng sáng tạo, người luôn lắng nghe những lời cầu nguyện và thỉnh cầu từ các tín hữu của mình. Để ghi nhận điều này, một số tấm bia dành riêng cho ngài được trang trí bằng những đôi tai chạm khắc lớn, để vị thần dễ dàng lắng nghe hơn.

Memphis cũng có điện thờ Ptah lớn nhất trong cả nước. Thánh địa này trở thành một trong những điện thờ nhiều người lui tới nhất, đông đúc nhất và nổi tiếng nhất ở Ai Cập, và có thể nói là trên toàn thế giới. Khu phức hợp Memphis này còn được gọi là Hut-ka-Ptah, “Nơi ngự của linh hồn thần Ptah”. Đây chính xác là nguồn gốc của từ Hy Lạp cổ Aigyptos, nghĩa là Ai Cập, một thuật ngữ sau cùng để chỉ toàn cõi đất nước sông Nile.

Thần thoại về sự sáng thế của thần Ptah được lưu giữ trong một văn tự được khắc trên một phiến đá từ thời vua Shabaka của Vương triều thứ 25 của Ai Cập. Dù là một bảo sao muộn, nhưng “Đá Shabaka” là một văn tự có nguồn gốc rất cổ xưa.

Từ Thời kỳ chuyển tiếp thứ nhất (năm 2173-2040 trước Công nguyên), Memphis đã đánh mất địa vị thủ phủ chính trị ở Ai Cập của mình, nhưng nó tiếp tục là thủ phủ số một của Hạ Ai Cập và chưa bao giờ chấm dứt vai trò là một trung tâm hành chính của đất nước pharaoh. Tầm quan trọng biểu tượng của Memphis đối với hoàng gia Ai Cập và đặc tính thiêng liêng của nó đã khiến thành bang này duy trì được vẻ tráng lệ của nó trong suốt những thăng trầm lịch sử.

Memphis. Ảnh từ game Assassin’s Creed.

Memphis. Ảnh từ game Assassin’s Creed.

Memphis: Kỷ nguyên vàng son thứ hai

Các nguồn tại liệu được ghi chép và các phát hiện khảo cổ tiết lộ rằng Memphis đã tiếp tục là một trong những hạt nhân xã hội – chính trị quan trọng nhất cũng như rộng lớn nhất đất nước, và các pharaoh, dù đã không còn sống ở đó nữa, vẫn giữ các cung điện và các toà thị chính của mình để thiết triều trong một khoảng thời gian dài, vì vậy sự thích hợp và lộng lẫy của nó vẫn được duy trì.

Là nơi sinh sống của một xã hội năng động và có tính quốc tế cao, Memphis đã trải qua, đặc biệt là từ thời Tân vương quốc (1552-1069 trước Công nguyên), sự phát triển kinh tế đáng kể nhờ vào sự hình thành một bến cảng cho phép hoạt động giao thương không ngừng nghỉ.

Theo thời gian, cấu trúc đô thị của thành phố đã trải qua vô số những thay đổi cũng như mở rộng và phá huỷ không đếm xuể, và nó cũng là đối tượng của một số cuộc trùng tu và cải thiện, đặc biệt là trong triều đại thế kỷ thứ 19, dưới thời cai trị của pharaoh Ramses Đệ nhị vĩ đại.

Vị quốc vương này đã tái thiết Memphis trở thành thủ phủ của đất nước trong một thời kỳ ngắn ngủi, rồi sau đó cuối cùng chuyển triều đình của mình đến thành bang mới Pi-Ramses ở vùng châu thổ.

Dù sao đi nữa, thành bang của Tường Trắng đã duy trì mọi hào quang thanh thế của nó cho đến khi thành lập Alexandria vào năm 331 trước Công nguyên. Từ đó nó dần rơi vào quên lãng rồi cuối cùng bị bỏ hoang kể từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo Historical Eve)
 
×
Quay lại
Top