Mẹ...

DeliciaL

Thành viên
Tham gia
17/10/2022
Bài viết
23
- Mang rượu đến đây! Nhanh lên! Mày đi mua rượu ở đâu mà tới giờ mới về? Mày mua bên Mỹ hả?

Vừa mở cổng ra đã nghe câu lệnh lè nhè của gã đàn ông đang say. Mặc cho những câu chửi bới, hối thúc đầy ác ý đó, tôi chốt cửa cẩn thận mới vào trong. Ngoài tên bợm nhậu kia ra, thì chỉ còn tôi và bà nội đã lớn tuổi trong nhà mà thôi. Nghiệt ngã thay, người đàn ông say rượu đó lại chính là ba tôi.

Tôi không có mẹ, bà ấy đã bỏ đi từ khi tôi được năm hay sáu tuổi gì đó. Theo như lời bà nội thì lý do là bà ấy có tình mới bên ngoài. Bà tôi đã chăm sóc cho tôi từ lúc đó cho đến giờ. Cho đến giờ tôi cũng chẳng nhớ được mặt bà ấy như thế nào. Dù sao thì cũng là một đi không trở lại. Có nhớ thì cũng chẳng làm gì…

Trước đây nhà tôi giàu có cũng nhất nhì vùng, ba là một giám đốc của một công ty lớn. Cuộc sống lúc còn nhỏ của tôi chẳng thua một ai, thậm chí khiến cho các bạn học phải ganh tị. Bỗng dưng một ngày, chúng tôi chuyển nhà. Cuộc sống cũng từ đó mà thay đổi. Theo lời bà kể lại, từ khi mẹ bỏ đi, ba tôi mới đâm ra sa ngã. Công ty bắt đầu thua lỗ, rồi phá sản, ông đánh mất sự nghiệp từ đó. Kể từ lúc làm ăn thất bát như vậy, gia đình ba người chuyển về vùng quê nghèo sinh sống.

Số tiền tiết kiệm của bà vung vào việc trả nợ chẳng còn lại bao nhiêu, chỉ kéo dài được trong khoảng hai năm. Ba tôi chuyển qua đi làm thợ hồ. Đồng lương ít ỏi của một người thợ hồ cũng khá khó khăn để sống qua ngày. Các công trình được chủ thầu lãnh thì lúc này lúc khác, tháng có tháng không. Áp lực công việc lại khiến cho ba đâm đầu vào rượu.

Rồi ông nghiện, tính tình trở nên cáu bẳn. Ba hay lớn tiếng với hai bà cháu chúng tôi, rồi nhiều lúc đánh tôi vô cớ nữa. Tình hình khó khăn, bà tôi xin lãnh hàng gia công về làm để kiếm thêm đồng ra đòng vô, để cho tôi có khả năng đi học. Cũng may mắn là phía nhà trường có chương trình tặng học bổng cho học sinh nghèo. Một phần học phí được giải quyết, nhưng tôi cũng không muốn làm gánh nặng cho bà. Tôi quyết định vừa học vừa làm khi vừa vào cấp ba.

Vì chưa đủ tuổi làm giấy tờ, nên tôi không thể xin các công việc ở các công ty lớn. Nhưng một bà chủ của cửa tiệm bánh lớn ngoài chợ đã đồng ý chịu thuê tôi làm nhân viên bán hàng. Có thể nói, tôi là một thằng con trai may mắn. Bà chủ dễ tính đến độ cho phép tôi sắp xếp thời gian làm việc theo lịch học của mình. Lương tính theo giờ, một tuần lĩnh lương một lần, và không hề thấp hơn bất kì chỗ thuê nhân viên thời vụ nào khác. Nhắc tới mới nhớ, sắp tới giờ tôi phải đi làm rồi. Vì tiệm tạp hóa đầu ngỏ đóng cửa tôi phải chạy ra tận chợ mua rượu cho ba, rồi lại vòng ngược về nhà. Thật mất thời gian quá đi mất. Đặt chai rượu lên bàn, rồi quay đi ngay. Ba tôi lại lè nhè mắng:

- Gì? Mày dằn mặt tao đó hả? Má! Bà ra đây mà coi thằng cháu của bà nè!

Tôi lắc đầu ngán ngẩm, rồi cũng chẳng buồn nói mà quay đi. Tính tình của ba lúc không tỉnh táo hay sinh sự vô cớ như vậy nên tôi cũng quen. Bà nội vẫn ở trong nhà, lom khom nhặt giấy. Trong nhà là mấy ụ giấy khổng lồ được cắt ra thành nhiều sợi nhỏ. Công việc của bà là nhặt giấy màu, giấy bìa cứng lẫn trong đó ra, sau đó trả lại chỗ giao cho người ta mang đi tái chế sản xuất tập trắng mới. Thấy bà đã lớn tuổi mà vẫn phải vất vả, tôi lại càng thấy thương. Ước gì ngày đó ba không sa ngã thì bà lúc này chỉ cần an hưởng tuổi già. Tôi vào trong soạn vài cuốn sách vở, bỏ vào ba lô rồi đi ngược ra. Như mọi ngày, tôi mang theo sách vở để lúc nào rãnh rỗi ngoài tiệm thì tranh thủ học luôn.

- Ê! Đi đâu đó? Đi đâu mà ngày nào cũng đi. Còn đem theo cái giỏ. Mày không phải lấy đồ trong nhà ra bán đó chứ?

Ba lại lè nhè cái giọng hách dịch. Lúc này thì tôi cảm thấy phiền thật rồi, quay qua đáp lại:

- Con đi làm. Trong đây là sách vở, đem theo để vừa làm vừa học. Ba nghĩ cái nhà này còn gì bán được mà ba nói vậy? Bao nhiêu đồ đạc ba đập hết rồi…

Ba tôi nhìn tôi bằng cặp mắt đỏ ngầu của mấy người say rượu, nét mặt tối sầm như khó chịu vì câu trả lời của tôi. Ông đứng dậy. Dáng người gày nhom, đen đúa. Đầu tóc đã có vài chỗ bạc bù xù, mặt mày râu ria không gọn gàng. Ông cởi trần, mặc mỗi quần short kaki bước tới chỗ tôi. Cái mùi mồ hôi lẫn rượu bốc ra từ cơ thể ông luôn khiến tôi khó chịu. Ba tôi bắt đầu gắt gỏng hơn:

- Nè! Thôi cái giọng mất dạy đó nha! Cái gì mà đi làm mà học được? Mày đi làm rồi ai cho mày ngồi học? Mà học làm cái gì học hoài? Tiền bao nhiêu mà đủ nuôi mày học mà đòi học?

- Trời ơi ba ơi! Học phí là nhà trường miễn giảm cho con lâu rồi mà? Ba là ba con mà ba không biết gì hết vậy? Con bây giờ là đi làm kiếm thêm phụ ba với bà nội mà?

Từ trong nhà vọng ra tiếng gọi:

- Cái gì đó bây? Sao lại cãi lộn nữa rồi?

Bà nội từng bước không vững bước ra, phải vịn tay vô tường. Ngồi qua lâu ảnh hưởng tới xương sống của bà, tôi vội vàng lại đỡ nội. Bà nội mặc bộ đồ bộ màu đen có chấm hoa li ti, chất liệu thun lạnh. Trên tay, mặt và cổ đã có đầy những vết đồi mồi. Bà đeo cặp kính dày cộm, leo nheo mắt nhìn hai cha con tôi. Trên gương mặt đã đầy nếp nhăn biểu cảm vô cùng hoang mang. Ba và tôi thường xuyên như vậy. Ba hay kiếm chuyện chửi rủa tôi. Mỗi khi cảm thấy ông quá lời thì tôi cũng không tự kiềm chế được mà trả lời. Và dường như bất kì câu trả lời nào của tôi cũng khiến ông ấy không hài lòng.

- Mày đừng có láo nha! Tuổi mày phụ gì được tao hả?

- Con thương nội lớn tuổi phải làm lụng cực khổ, nên con phải đi làm phụ giúp! Chứ ba nghĩ coi ba đi làm bao nhiêu, rồi vung hết tiền vô rượu chè vậy rồi nhà ba miệng sao mà sống?

Ba tôi điên tiết lên, ông cầm cái chai rỗng trên bàn lên, dáng đi xiêu vẹo sấn tới chỗ tôi. Bà nội hốt hoảng hét lên:

- Trời ơi má lạy con Trung ơi! Tân đi làm đi con kệ nó nói gì nói! Nhanh đi!

Bà nội tôi dáng người lọm khọm đứng ở giữa ba với tôi can ngăn. Tôi nhìn nội, bà bắt đầu khóc lóc. Tôi không muốn nội buồn, thở dài một hơi rồi lướt qua mặt ba tôi mà ra cổng. Tôi vẫn nghe được cái giọng thiếu hơi hét không nổi của ông ấy, vẫn tiếp tục chửi rủa ở phía sau:

- Đồ cái thứ mất dạy! Dòng cái thứ có cha sanh mà không có mẹ đẻ!

Tôi nắm chặt hai lòng bàn tay lại mà tức tối. Trong phút chốc, tôi lại ước gì mình không sinh ra trong gia đình này. Ước gì người phụ nữ sinh ra tôi năm ấy không cưới ông ta, rồi bỏ đi khiến ông ấy trở thành một tên đàn ông tệ như vậy. Tôi tức lắm, sự uất ức đang dâng lên cực điểm thì một giọng nói ấm áp gọi tôi:

- Xin lỗi, làm ơn cho hỏi…

Ngoài cửa rào, một người phụ nữ dường như đã có tuổi đứng bên ngoài. Bên cạnh là một cô gái nhỏ tuổi hơn tôi. Cô bé rất xinh xắn, nước da trắng mịn màng, mặc chiếc váy hồng, tóc thắt bính rất dễ thương. Cong người phụ nữ thì mặc đồ tây rất lịch sự, trên tay cầm cái giỏ xách bằng da bóng bẩy. Đầu đội nón bành, lại mang kính râm nên không nhìn rõ khuôn mặt. Chỉ nhìn sơ cũng nhận ra phong cách ăn mặc rõ ràng là người có tiền. Nhưng trông diện mạo của người phụ nữ này đáng ngờ quá. Tiếng chửi rủa la ó phía sau vẫn chưa ngừng làm tôi ái ngại, liền trả lời người phụ nữ:

- Xin lỗi nha, nhà tôi đang có chuyện, cô muốn hỏi gì?

- À, cậu cho tôi hỏi đây phải nhà ông Trung không? Tôi có địa chỉ nè, nhưng mà kiếm không ra, cậu chỉ dùm tôi chứ kiếm từ sớm tới giờ mới thấy là căn nhà này…

Người phụ nữ chìa tờ giấy qua lỗ hàng rào. Tôi ngờ ngợ vì cái tên Trung, vội cầm lấy tờ giấy, nhìn hai người một cách nghi ngờ. Sau khi kiểm chứng tờ địa chỉ, tôi hơi bất ngờ vì đó là địa chỉ nhà tôi. Cái bảng địa chỉ bị khuất sau hàng cây nên người ta khó tìm ra. Nhà tôi tên Trung chỉ có một, đó là ba. Nhưng ông ta có liên hệ gì tới hai người giàu có này? Hay là chủ nợ? Tôi thầm nghĩ: Chẳng lẽ không có tiền uống rượu mà phải đi mượn nợ? Ôi trời ông này ổng nghĩ gì vậy?

- Ờ, đúng địa chỉ rồi, nhưng cô tìm ông Trung làm gì vậy?

Người phụ nữ và cô bé nhìn nhau, họ tỏ ra mừng rỡ. Trông không giống với người đi thu nợ. Nếu là mừng rỡ vì tìm ra con nợ thì rõ ràng không hợp lý cho lắm. Mấy người cho vay luôn có thuê người đòi nợ dùm mà. Nếu thật sự tìm ra được chắc nhà này không còn quá… Tôi thở dài an tâm hơn, chắc là người quen lâu năm tìm gặp thôi nhỉ? Sau đó thì hình như hai người bắt đầu chú ý tới tiếng chửi rủa không ngớt ở bên trong. Cảm thấy hơi khó xử, tôi đành giải thích:

- Ngại quá, bây giờ ổng đang khùng lắm. Tốt nhất là không nên dây vô…

Ánh mắt của người phụ nữ chăm chú nhìn vô, có chút rưng rưng trông ngóng. Dường như cô ấy không hề quan tâm tôi nói gì. Hai người này rõ ràng không phải người ở vùng này, có lẽ là từ thành phố. Nếu bây giờ mà bắt họ về cũng kì. Vậy nên tôi đành mở cửa mời hai người vào trong. Người phụ nữ trông như đang vô cùng cảm kích.

Xoảng!

Vừa bước tới thềm, cái chai rỗng đã bay vèo ra, vỡ tan tành trên nền đất đầy bụi bặm. Cô bé và người phụ nữ nhìn tôi khiến tôi lại càng thêm ái ngại. Tôi đưa tay ra hiệu cho hai người ở yên rồi vào trong.

- Á à, mày không đi nữa hả? Tao nói đúng quá nên cắn rứt lương tâm đi ngược vô nhận lỗi đúng không? Mày qua đây, tao phải đánh mày vì cái tội mất dạy…

Bà nội vẫn ngồi đó với hai hàng nước mắt. Đồ đạc trong nhà không có gì, có điều mấy ụ giấy lớn bị ba phá cho lung tung lên hết cả. Tôi tặc lưỡi nói lớn ngắt lời ông ấy:

- Ba thôi chửi rủa đi, có người tìm ba kìa…

Ba tôi vẫn với ánh mắt điên tiếc, trợn tròn nhìn tôi:

- Gì? Ai tìm tao?

- Ai mà biết, người ta tìm ba bằng địa chỉ nè, ra coi đi. Người ta là phụ nữ, làm ơn bình tĩnh lại. Mất mặt quá trời…

Ba tôi đứng hình nhìn tôi vài giây. Sự tức giận trên gương mặt đầy râu ria trong phút chóc tan biến. Ông vội vàng quay qua nhìn tờ lịch tháng trên vách tường trước cửa buồng. Bà nội lúc này cũng ngừng khóc, nét mặt cũng biểu cảm sự khó hiểu y như ba tôi. Sau khi chăm chú nhìn tờ lịch, ba tôi lại vội vàng đi ra ngoài. Nét mặt khác lạ hoàn toàn, không còn vẻ say rượu lè nhè khó chịu như mọi hôm, hay cụ thể vừa nãy nữa.

Tôi ra ngoài sau khi thu dọn mớ giấy lại dùm nội cho bớt bừa bộn. Lúc trở ra đã thấy ba người đang ngồi chỗ băng ghế đá ngoài sân. Ba tôi dường như tỉnh rượu hẳn rồi. Còn người phụ nữ cũng đã tháo nón và mắt kính xuống, cô ấy sở hữu nét mặt phúc hậu ở tuổi trung niên. Cô ấy nhìn tôi, nở một nụ cười ấm áp. Dù cảm thấy có cảm giác gì đó lạ lùng, nhưng tôi cũng mặc kệ rồi nhanh chóng rời khỏi nhà. Hôm nay trễ làm, hy vọng không bị bà chủ trách mắng.

- Tân! – Ba tôi gọi. – Hôm nay nghỉ làm đi!

Vừa nghĩ ông ấy đã tỉnh táo lại thôi mà giờ lại giở chứng rồi. Tôi lại thở dài bất mãn, quay qua hỏi ba:

- Gì nữa vậy ba? Con thấy ba tỉnh táo rồi mà sao vẫn kiếm chuyện vậy?

Ba tôi nhìn tôi, ánh mắt đỏ ngầu không như mọi lần gây sự với tôi nữa. Thật sự lạ quá. Tôi không biết phải diễn tả như thế nào, chỉ biết là cái nhìn của ông dành cho tôi rất thân thương. Tự dưng, cảm xúc trong tôi có chút gì đó dạo dực, đã bao lâu rồi tôi không nhận được cái nhìn đó? Cả người phụ nữ bên cạnh cũng vậy. Cô ấy nhìn tôi bằng cái nhìn rất dịu dàng và trìu mến. Ba tôi kiểu như muốn nói gì đó nhưng rất gượng gạo. Hay là do người phụ nữ này? Tự dưng trong đầu tôi lóe lên một suy nghĩ: Chẳng lẽ ông muốn có vợ kế? Tôi nhìn cô bé bên cạnh người phụ nữ, nhìn cặp chân mày của nó thật sự rất giống ông ấy. Chẳng lẽ là con riêng? Một kẻ không có tiền như ông ta lại có thêm phụ nữ bên ngoài? Trong phút chốc, tôi cảm thấy rất khó chịu. Quanh năm ông ta luôn chửi bới tôi với bà nội, vậy mà trước mặt người phụ nữ này lại làm như mình là một người cha tốt. Muốn lấy lòng cô ta à? Mơ đi!

- Có gì ba nói đại đi. Mới nãy còn chửi bới um sùm. Còn phá tung đồ của nội. Ba thôi giả vờ đi! Ra vẻ với ai?

Xong tôi nhìn qua người phụ nữ với cô bé. Cô ấy vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt đó, một cái nhìn rất ấm áp, rồi mỉm cười. Tự dưng trong tôi lồng lộn lên một cảm xúc giận dữ. Tại sao khi biết ba đối xử với nội và tôi không tốt như vậy mà vẫn cười được? Rõ ràng không phải là một người phụ nữ tốt rồi! Chắc chắn là một mụ hồ ly tinh! Dù tức giận như vậy, nhưng sự ấm áp từ đôi mắt và nụ cười đó không hiểu sao khiến cho tôi khó cất nên lời tiếp theo, nhưng cuối cùng cũng có thể mở miệng, tôi nói thật nhanh:

- Cô đó, muốn tiếp cận ba tôi thì trước tiên nên biết con người thật của ổng nha! Kẻo có ngày hối hận!

Nói ra rồi tôi bỏ đi luôn một nước. Mặc kệ ba đang gọi tên tôi ở phía sau…

***

Những ngày kế tiếp, người phụ nữ và cô bé ấy vẫn thường xuyên ghé qua nhà tôi. Trong căn nhà gồm ba người bỗng dưng không còn nghe mùi mồ hôi pha lẫn rượu nữa. Cũng vì vậy mà tôi cũng không phải nghe mấy câu chửi rủa thậm tệ, hay chứng kiến việc bà nội bị ba la mắng một cách hỗn hào nữa. Trong vòng một tháng, ba lại đi làm, nhưng lần này là làm công cho một xí nghiệp lớn. Có nghĩa là ông ấy đã có một công việc ổn định. Là do sự xuất hiện của người phụ nữ bên ngoài đó sao? Ba đã tu tâm dưỡng tính vì người phụ nữ đó? Đây có phải thứ được gọi là “sức mạnh tình yêu” mà người ta thường hay nói? Đây là một sự thay đổi lớn trong căn nhà này…

Vì đã có việc làm ổn định hơn, nên ba bảo tôi nên nghỉ việc làm thêm đi. Nhưng tôi không đồng ý, dù sao tôi vẫn muốn có thêm ít tiền dành dụm. Không biết ông ấy lại giở chứng lúc nào. Hôm nay là chủ nhật, như thường lệ, tôi xin phép bà chủ làm cả ngày. Hôm nay ba cũng lên ca vì có đợt hàng gấp. Sáng sớm trong nhà chỉ có hai bà cháu, tôi đi ngang qua phòng khách. Căn phòng không còn mấy ụ giấy bề bộn nữa trở nên rộng rải và trống trải. Bà nội nằm trên võng đung đưa. Gương mặt đã lớn tuổi dường như có gì đó buồn bã. Phải chăng là nội buồn vì không có công việc quen thuộc?

- Tân, con lại đi làm đó hả? Giỏi quá, chủ nhật mà cũng đi làm…

Người phụ nữ và đứa con của cô ta lại đến. Kể từ ngày hôm đó, ban đầu là cách hai ba hôm cô ta mới ghé qua. Dần dà lại thành mỗi ngày mỗi đến luôn. Chắc một phần muốn kiểm soát ba. Mà thôi kệ, có cô ta thì bà nội mới bớt khổ tâm vì ông ấy. Được biết cô ấy tên là Nhã, cô con gái tên Thư. Trước khi tìm gặp ba thì cô ta có một thời gian sống ở nước ngoài. Vẫn tự hỏi, tại sao người có khả năng sinh sống ở nước ngoài như vậy lại tìm đến một gã bợm nhậu như ba làm gì cơ chứ? Chuyện này có lẽ phải tìm hiểu sau.

- Đi làm riết quen, ở nhà thấy chán lắm. – Tôi trả lời trống không.

Cô Nhã vẫn mỉm cười, lúi cúi với mớ bao xách thức ăn. Nhìn cái điệu cười thân thiện đó khiến tôi cảm thấy chướng mắt vô cùng. Tôi lại quay qua định chào bà rồi mới đi làm. Lúc này nội đã ngồi dậy, ánh mắt mờ đục nhìn hai mẹ con. Bà lắc đầu một cách bất mãn, rồi thở dài, sau đó đứng dậy bỏ ra sau buồng. Thấy vậy tôi lại nghi ngờ, phải chăng ở nhà cô ta làm gì nội? Tôi vẫn thường hay đọc báo hay mấy cái tin trên mạng về việc con dâu ngược đãi mẹ chồng. Tôi nhìn dáng vẻ thất thểu của nội khuất tầm mắt, rồi quay qua hỏi người phụ nữ ấy:

- Cô làm gì mà tới hoài vậy?

- Ba con nhờ cô qua đây chăm sóc cho bà nội, sẵn nấu vài món cho hai bà cháu mỗi…

Tôi không nghe hết câu đã đáp lại:

- Việc đó trước giờ tôi vẫn tự làm được. Cô đừng có tự nhiên quá. Tôi thấy bà nội hình như không thích cô, liệu mà đối xử với nội cho đàng hoàng. Đừng tưởng lấy lòng ổng được là làm chủ cái nhà này được. Tôi mà nghe nội nói gì về cô thì đừng trách!

- Cô không ở đây lâu đâu… Con yên tâm…

Người phụ nữ trả lời tôi bằng chất giọng rất trầm. Gương mặt cô ấy tối sầm lại. Gương mặt dường như vẫn đang cố giữ nụ cười thân thiết, lướt qua tôi một cách nhẹ nhàng và chậm rãi. Cô bé xinh xắn khệ nệ giúp cô ấy xách bọc thức ăn theo sau. Ánh nhìn của con bé dành cho tôi có nét sợ hãi chứ không như ngày đầu tiên nữa. Phải chăng vừa rồi là tôi đã quá lời? Tính ra thì trong khoảng thời gian vừa qua, hai mẹ con cô ấy chẳng làm gì ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình tôi theo hướng tiêu cực cả. Trong lòng tôi có chút áy náy, nhưng không muốn nói lời xin lỗi. Chỉ trong thời gian ngắn, mọi thứ chưa thấy gì cả. Cho tới khi ba tôi chính thức muốn đưa cô ta vào cái nhà này, tôi phải bảo vệ nội…

***

Dạo gần đây nội tôi trở bệnh. Theo chẩn đoán là bị đau thần kinh tọa. Bác sĩ nói là do trước đây ngồi làm đồ gia công quá nhiều nên ảnh hưởng. Cô Nhã vẫn đến nhà mỗi ngày. Vì bà bệnh, để bà ở nhà với người phụ nữ này không yên tâm nên tôi cũng xin nghỉ làm ở nhà. Sau khi đi học về là tôi ở nhà miết. Những ngày ở nhà tôi mới nhận ra cô Nhã rất tốt với nội. Một ngày phục vụ cơm nước đúng cử, hỗ trợ việc đi đứng rất tận tình cứ như một người dâu thảo thật sự vậy.

Cô ấy còn quan tâm chăm sóc cho tôi từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Từ khi có cô ấy, ngôi nhà không những lúc nào cũng tươm tất, sạch sẽ. Mà mỗi chiếc quần chiếc áo cũng sạch bon. Việc để cho một người phụ nữ xa lạ chăm chút như vậy khiến tôi thấy khó xử lắm. Nhưng ngày nào cũng vậy, tới lúc đi học về là mọi thứ đã xong xuôi hết. Tôi không thể ngăn cản được việc cô ấy làm cho mình.

Rồi có những bài học khó hiểu, khiến tôi đau đầu. Cô ấy giúp tôi hiểu ra chỗ khúc mắc và giải ra ngay. Chắc hẳn trước đây cô Nhã học giỏi lắm. Những khi tôi phiền muộn chuyện ở trường, cô ấy cũng là người lắng nghe tâm sự của tôi, rồi cho tôi lời khuyên hữu ích. Có lần cãi nhau với một đứa bạn thân, cũng chính là cô ấy giúp tôi hòa giải. Dù không thích cô ấy cho lắm, nhưng tôi đủ trưởng thành để nhận ra đâu đúng đâu sai. Thời gian không dài, nhưng tôi thật sự công nhận rằng cô Nhã là một người phụ nữ tốt…

Tôi đã hoàn toàn dẹp đi những nghi ngờ về người phụ nữ này. Cho đến khi nhìn thấy cái cách mà bà nhìn cô ấy không được thiện cảm. Vậy nên tôi lại tiếp tục giữ vững được lập trường của mình. Chắc chắn phải có chuyện gì đó nên nội mới có thái độ như vậy. Dù vậy nhưng nhiều lần tôi hỏi thì nội không hề trả lời tôi. Có vẻ như bà không muốn đề cập tới chuyện này nhiều, nên khi tôi nói quá nhiều là bà lại có thái độ không vui. Tôi bắt đầu mơ hồ phải chăng ngoại trừ lúc tôi có mặt ở nhà, cô Nhã đã làm gì đó sai trái với nội chăng? Vì vậy nên tôi không hỏi nữa, mà quyết tâm tự tìm hiểu. Một ngày nọ, tôi quyết định cúp học. Ngày hôm đó, tôi mới bắt đầu hiểu được mọi chuyện…

Sáng sớm, sau khi ba rời khỏi nhà, thay vì đến trường như mọi ngày, tôi đã đi một vòng quanh xóm để hỏi han. Mục tiêu là những người hàng xóm dễ dàng thâu tóm thông tin nhất. Bất kì chuyện lớn nhỏ gì mấy người này có khi còn rõ hơn người trong nhà. Tôi gọi những đối tượng đó là “Vệ tinh sống”. Phải, ý tôi nói tới là cái hội “bà tám” trong xóm nhà tôi ấy. Sau khi đi khảo sát, thì tôi vẫn không tìm ra bất kì thông tin gì bất lợi cho cô Nhã. Theo cái nhìn của hàng xóm thì tuy cô ấy rất kiệm lời nhưng rất tốt bụng. Họ tâng cô ấy lên mây xanh bằng các nhận xét tốt đẹp nhất. Nào là vừa xinh đẹp lại thạo việc nhà, rất dễ gần gũi. Nào là nội tôi chịu cô ấy vào nhà là phước đức lắm này nọ. Nghe mà lạnh cả người, mấy người vẫn có lúc khen người khác được sao? Tôi thầm nghĩ trong bụng: Mấy người này phải chăng bị mua chuộc rồi mới nói tốt cô ta như vậy…

Việc điều tra thông tin không khả quan, tôi chuyển sang kế hoạch theo dõi. Những ngày đầu, là tôi được ba giao cho nhiệm vụ dẫn cô ấy biết đường chợ. Như mấy ngày chủ nhật ở nhà, tôi nắm bắt được cô ấy sẽ ghé qua nhà tôi quét dọn rồi mới bắt đầu việc đi chợ. Tôi trực sẵn sau bụi cây khuất gần nhà, chờ cô ấy bước ra cổng, đi một đoạn rồi mới đi theo. Đường ra chỗ chợ khá xa, cô Nhã không có xe nên phải đi bộ. Tôi lẽo đẽo theo từ xa mà còn mệt đứt hơi. Hôm nay trời nắng gắt nữa, dáng người phụ nữ trung niên đội nón lá đi trên con đường bỗng dưng rất mực gần gũi. Cảm thấy chút gì đó quen lắm, nhưng tôi chẳng thể nhớ nỗi. Tôi tự vỗ mặt, gạt qua cái suy nghĩ đó để tiếp tục tập trung chuyên môn.

Nhìn từ xa, việc cô ấy lựa rau, chọn thịt vẫn như bao nhiêu người khác. Đi cả buổi, tôi tấp vào một chỗ bán rau quen thuộc, giả vờ hỏi thăm:

- Chín, cô đó mua gì vậy?

Người phụ nữ bán rau mập mạp nhìn tôi cười nói:

- Ủa thằng Tân, theo mẹ kế đi chợ hả con?

Cái cụm từ “mẹ kế” nghe khó chịu thế nào ấy, nếu không phải là đang theo dõi cô Nhã chắc tôi oang oang lên vì cách nói chuyện của dì Chín rồi. Cũng là vì mấy hôm nghỉ làm, ba hay chở cô ấy đi chợ. Rồi nguyên cái chợ đồn ầm lên là ba tôi có vợ mới. Cô Nhã thành mẹ kế của tôi. Đúng là miệng đời…

- Cổ mua cải bẹ xanh nè, rồi mua dưa, cà…

- Rồi cổ lựa đồ ngon không Chín? Hay lấy ba cái đồ dạt đồ hư?

Người phụ nữ bán rau tự nhiên bặm trợn:

- Ê cái thằng quỷ! Sạp rau nhà tao tươi ngon có tiếng khu chợ này nha! Mày nói vậy là ý nói tao lừa đảo hả gì? Mày tin tao nhét cái mớ này vô họng mày không?

Dì Chín đứng dậy, cầm nguyên chùm ớt đỏ lên làm tôi rợn người. Tôi chợt phát hiện ra đúng là mình nói sai rồi. Hỏi như vậy thì ai mà không hiểu lầm. Vội vàng giải thích ngay:

- Không có, không có! Chín bình tĩnh nghe con nói! Con là con hỏi vậy thôi. Tại con dạo này nội con bệnh, con sợ cổ đối xử tệ với nội vậy thôi…

Lúc này dì Chín lại cười hề hề, kiểu như hiểu cho suy nghĩ của tôi lắm vậy. Cô ấy ngồi xuống, rồi nói:

- À, ra là sợ mẹ kế bây làm bậy ha? Không, cổ mua đồ tươi ngon không à. Bữa tao bày cho cách chữa bằng lá ngải cứu, cổ liền mua về để chữa bệnh cho nội mày đó. Mày đừng có lo, nghĩ xấu về cổ…

Tôi không nghe thêm nữa, trong lòng lại ngày càng đắn đo. Bất kì ai cũng nói tốt về cô Nhã. Người phụ nữ này thật sự là không có bất kì một kẽ hở nào? Tôi lại lủi thủi hỏi thêm mấy người bán hàng cho cô ấy, vẫn một kết quả y như vậy. Thế là tiếp tục theo sau cô ấy về nhà mà không có bất cứ cơ sở gì để khép tội cô ấy. Mà lại lòi ra thêm cái cảm giác an toàn và tin tưởng cô ấy hơn.

Về đến nhà, tôi đợi cô Nhã vào nhà trước rồi mới leo rào vào sau. Tôi lén nhìn qua ô cửa sổ, cô ấy lễ phép cúi đầu chào nội rồi ra sau làm bếp. Ngôi nhà được thiết kế có một cái sân rộng. Bên hông nhà có một lối đi thông từ sân ra nhà sau. Dọc theo lối đi, trên vách tường cách một đoạn là có một cửa sổ. Tôi lẻn ra tới đoạn sau bếp tiếp tục công việc theo dõi của mình. Cô Nhã vẫn một mình làm việc nội trợ như bao người con dâu hoàn hảo khác suốt buổi. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến giờ cơm trưa…

Tôi vẫn dựa ngoài vách tường, ngay bên dưới ô cửa sổ, len lén nhìn vào bên trong. Ở phòng khách, cái võng đã được dọn đi vì người ta nói bà không được nằm võng. Thay vào đó cô Nhã đã mua một cái gi.ường cho nội. Người phụ nữ bưng mâm thức ăn còn nóng hổi lên nhà trên, đặt một bên trên gi.ường rồi đỡ bà nội ngồi dậy.

- Má, dậy ăn cơm. Nay con có nấu cá rô kho tiêu mà má thích nè… Để con dẻ xương ra cho má rồi má mới ăn nha…

Thật không biết liêm sỉ, chưa từng nghe bà nội nhận cổ vô nhà, vậy mà dám gọi là má. Tôi thầm nghĩ như vậy. Việc cô ấy có vẻ tốt với nội, nhưng dù sao vẫn chưa chính thức được nhận là con dâu của nội mà? Còn chưa hỏi ý tôi. Cô Nhã bắt đầu dẻ xương ra cho bà nội.

- Bây vẫn tận tình với tao như vậy, vẫn nhớ tao thích món này… Bây không ghét má sao?

Một cuộc hội thoại diễn ra, tôi hơi bỡ ngỡ vì nội xưng là má với cô Nhã.

- Chuyện qua lâu rồi, con không nghĩ nhiều đâu. Năm đó là con muốn giữ bé Thư nên…

- Má cũng không ngờ có ngày mày trở về tìm gặp thằng Trung với má. Sao không ở bên đó luôn đi? Đợt đó mày đi với thằng bồ của mày…

Nghe tới đây, tự dưng trong lòng tôi có chút nghi ngờ. Trong lòng bỗng dưng vô cùng rối. Tôi vẫn không hiểu cho lắm. Năm đó, bỏ đi, bồ… Chẳng lẽ đây là…

- Má à, người đó là đàn anh của con, lúc đó người ta rõ ràng có gia đình rồi. Lòng con trong sạch, má không tin thì con chịu. Năm năm qua con làm nghề nail ở bên đó, không có qua lại gì với ảnh. Cũng không tơ tưởng đến việc tìm thêm người nào khác hết…

Bà nội vẫn nhìn người phụ nữ bằng đôi mắt mờ của mình. Tôi vẫn có thể nhận ra sự khó chịu qua cái chau mày đó. Bà lại hỏi một câu lạnh lùng:

- Rồi mày về đây để làm gì? Cuộc sống bên đó chắc đỡ khổ hơn ở Việt Nam mà? Hay là muốn về đây cướp thằng Trung, thằng Tân khỏi tao?

Hình như cô Nhã đã lấy hết xương ra cho nội xong, liền đẩy mâm cơm còn nóng tới chỗ nội ngồi. Cô nhìn nội tôi bằng đôi mắt rưng rưng, cô nói:

- Má à… Con sắp chết rồi, chẳng lẽ má không cho con nhìn chồng với con của con lần cuối sao má? Con bé Thư má không thích nó thì ít nhất trước khi con chết cũng cho nó một lần nhìn thấy ba nó, thấy anh ruột nó chứ? Má ăn cơm nhân lúc còn nóng đi. Con không làm phiền má lâu đâu, con bị ung thư thời kì cuối rồi, má yên tâm đi. Coi như là cho phép con làm nghĩa vụ của một đứa con dâu lúc cuối đời cũng được. Con xin lỗi má…

Chân tôi lúc này dường như không còn sức để chồm người qua ô cửa sổ nữa. Tôi ngồi bật ngửa ra, làm đổ cái chậu cây nhỏ bên cạnh. Tiếng động khiến cho mọi người phát hiện ra tôi…

***

Đã một tháng kể từ ngày hôm đó, cái ngày mà tôi ngờ ngợ ra sự thật. Cô Nhã không phải chủ nợ, cũng người đàn bà ngoài luồng của ba. Cô ấy là mẹ tôi. Còn bé Thư là em gái ruột của tôi. Hai người đã không ghé qua nhà tôi thêm bất kì một lần nào sau hôm ấy nữa. Hôm nay là như bao nhiêu ngày khác trong vòng một tháng qua, tôi vẫn đứng đợi ngay trước cổng nhà vào lúc sáng sớm. Ba tôi từ trong nhà đi ra, áo quần chỉnh tề, râu tóc gọn gàng. Là một diện mạo hoàn toàn khác với ba của cách đây ba tháng. Ông ấy tiến lại phía cổng, thấy tôi đứng đó nhìn tôi một lúc rồi thở dài. Ba xoa đầu tôi rồi mở cổng rời đi. Khoảng nửa tiếng sau, tôi nhìn đồng hồ, đến giờ đi học. Không đợi được nữa, tôi cũng khởi hành thôi. Tôi quay vào trong nhà, nội tôi nằm đó, xoay mặt vào vách tường không nhìn ra. Không biết bà đang nghĩ gì, tôi chỉ nói:

- Thưa nội… Con đi học…

Nội không trả lời lấy một câu. Cũng là từ ngày hôm đó, nội dường như rất ngại nói chuyện và tiếp xúc với tôi. Sự hiện diện của cô Nhã thật sự đã xáo trộn cuộc sống của gia đình tôi. Nó đảo lộn theo hướng nào đó mà tôi chẳng thể xác định được, tốt có, xấu có. Rốt cuộc là tốt hay xấu?

***

Một đêm nọ, khi tôi ngồi trên bậc thềm ngay trước sân, nhìn lên bầu trời đầy sao. Cô Nhã vẫn chưa trở lại. Dạo gần đây tôi đã thôi không chờ đợi nữa. Chắc là cô ấy chán với việc bị tôi thái độ rồi. Cũng chán với việc suốt ngày hầu hạ bà nội. Chán với việc nội trợ không công trong căn nhà này rồi. Tôi cũng không còn gặp được con bé Thư nữa. Tính ra từ lúc gặp hai mẹ con nó, tôi chưa bao giờ nói chuyện với nó cả. Tôi nghĩ lại tất cả những gì mà mình đã làm với hai mẹ con. Vì sợ ba chấp nhận đưa hai mẹ con đó vào nhà mà tôi đã có thái độ khinh miệt với họ. Tôi còn nghi ngờ cô Nhã đối xử không tốt với nội nữa. Tôi ngả người nằm ra bậc thềm được lót gạch men, tự kiểm điểm lại hành động của mình.

- Con có muốn gặp mẹ lần cuối không?

Ba tôi đứng dựa vào cửa. Ông nhìn tôi, tôi cũng nhìn ông. Đây là lần đầu tiên ông ấy gọi tôi là “con” sau chừng ấy ngày tháng chìm trong men rượu. Lúc trước khi cô Nhã xuất hiện, ông chửi rủa tôi không ngừng, xưng là “tao” gọi là “mày”. Sau khi gặp cô Nhã, ông chỉ gọi tên trống không thôi. Tự nhiên nghe gọi một tiếng “con” nghe sao lạ lẫm quá.

- Ý ba là… Cô Nhã hả?

Ba tôi châm điếu thuốc. Dáng người đàn ông gầy nhom, quanh năm suốt tháng chỉ nghe mùi rượu nay đã khác. Nếu có bức ảnh nào giữa ông của thời điểm này và thời điểm cách đây mấy tháng chắc chắn sẽ không nhận ra được. Ba tôi gật đầu rồi nói:

- Mẹ con sau hôm đó nhập viện luôn rồi. Đang ở trên Trung tâm Ung Bướu Thành phố đó…

- Sao nhanh vậy? Mới hôm đó mà…

Ba tôi trầm ngâm rít một hơi thuốc. Hóa ra cô Nhã mắc bệnh ung thư từ lâu. Qua nhiều lần xạ trị đều không chữa khỏi. Bệnh đã tới giai đoạn cuối rồi. Tính từ lúc chúng tôi gặp nhau thì cô ấy chỉ còn khoảng sáu tháng mà thôi.

- Thời gian từ đây tới sáng mai, con suy nghĩ đi. Mẹ con nói mẹ sẽ hiểu cho con nếu con không tới. Sáng mai ba bắt xe lên thành phố…

Nói rồi ba quay vào nhà, bỏ mặc tôi với cái đầu rỗng tuếch. Thật ra chính bản thân tôi cũng không biết mình nên đi hay không. Cô ta đã bỏ lại tôi từ lúc còn nhỏ. Bỗng dưng trở về, quan tâm chăm sóc tận tình cho tôi trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy rồi lại nói là sắp chết… Tôi phải làm sao đây?


***

Cô Nhã đang nằm trên gi.ường, mặt đã chụp mặt nạ oxi. Trên người là rất nhiều dây gắn với máy móc hiện đại. Đầu cô đã cạo trọc, chứ không phải có tóc như lần gặp gỡ trước đây. Đôi mắt mệt mỏi, nước da trắng bệch không thấy sức sống. Không hiểu sao khi tôi nhìn thấy dáng vẻ đó lại cảm thấy xót xa vô cùng. Tôi và cô ấy đã xa nhau cả chục năm hơn, tình cảm cũng không được xây dựng nhiều. Không hiểu nổi, nhưng tôi cảm thấy trong lòng mình rất đau…

- Mừng vì con tới đây… Cảm ơn con…

- Cô Nhã, tóc cô sao vậy?

Tôi bỗng dưng hỏi một câu vô nghĩa như vậy, thiếu điều chỉ muốn đập đầu vào vách tường cho rồi. Người phụ nữ nằm trên gi.ường nhìn tôi bằng đôi mắt lờ đờ. Xuyên qua mặt nạ oxi trong suốt, tôi có thể nhìn thấy đôi môi tím tái nở một nụ cười. Nụ cười gượng gạo nhưng rất thật. Không hiểu sao trước đây cô ấy cười tôi lại cảm thấy rất giả trân, nhưng lúc này lại rất thật. Con người thật khó hiểu, nhất là khi không hiểu chính bản thân mình.

- Lúc gặp con cô đội tóc giả… Qua nhiều lần trị xạ rụng hết rồi…

Cô Nhã bỗng dưng thở mạnh một cái rồi sặc. Con bé Thư bên cạnh lắc đầu, nước mắt nước mũi trào ra. Nó dù vậy vẫn không muốn khóc thành tiếng, gương mặt mếu máo, gắng nói bằng chất giọng run run:

- Mẹ ơi, đừng bỏ con…

Người phụ nữ vẫn giữ nụ cười bình thản. Cô vuốt tóc của đứa con gái tội nghiệp. Tôi tự hỏi, nếu không có cô, bé Thư nó sống như thế nào? Ba tôi vẫn lặng thinh từ nãy giờ, ông hỏi:

- Em… Đã mãn nguyện hết chưa?

Cô ấy nhìn ba tôi, lắc đầu. Cô lại nhìn tôi, cô đưa bàn tay yếu ớt của mình lên. Các tế bào thần kinh trong não phát ra một mệnh lệnh mà chính tôi cũng không kịp phản ứng. Tôi tự quỳ xuống bên gi.ường, nắm lấy bàn tay của cô Nhã áp lên má của mình. Kiểu như rất gần gũi, rất hạnh phúc vì cái cảm giác này. Tôi nhắm hờ mắt lại, gục đầu vào bàn tay mềm mại đã tím tái. Chất giọng trầm ấm lại cất lên:

- Liệu… Con có thể… Gọi cô một tiếng mẹ…

Cổ họng tôi ứ nghẹn. Lồng ngực rất nặng. Tự dưng cô ấy đưa ra lời đề nghị này khiến tôi cảm thấy bối rối. Miệng tôi há ra nhưng không thể cất nên lời. Chỉ có hơi thở của chính mình rất gấp. Mũi tôi không biết đã nghẹt từ lúc nào.

- Không… Sao… Đừng tự ép…

Tôi lắc đầu, lấy hết dũng khí rồi gọi:

- Mẹ!

Tôi cựa cựa bờ má vào lòng bàn tay ấy. Đó là tất cả những gì mà tôi có thể làm được để thể hiện sự yêu thương. Không thể phủ nhận được nữa. Người đang nằm trước mặt tôi chính là mẹ tôi. Tự dưng hai dòng ấm áp lăn trên má. Là nước mắt không biết tự dưng rơi ra vì điều gì.

- Khùng quá… Tự nhiên khóc…

Mẹ cười, một nụ cười rất mãn nguyện. Bà ấy nói tôi nhưng trên khóe mắt bà cũng đã lăn ra mấy giọt cảm xúc. Lúc này con bé Thư mới khóc thành tiếng. Tiếng ba tôi sụt sùi ở phía sau, tôi quay qua nhìn thì cũng thấy mắt ông đã đỏ và nhòe bởi nước. Giọng ông rõ ràng là khóc rồi, ông nói trong cơn nấc:

- Em nói hẹn mười năm sẽ quay lại… Vậy mà em về… Lúc quay lại rồi lại đi liền… Em xấu lắm đó… Nhã…

- Em xin lỗi… Mẹ xin lỗi…

Mẹ tôi gắng gượng những lời cuối cùng với tôi và ba. Cuối cùng, bàn tay đang chạm vào má tôi nặng trịch. Tôi dụi đi thứ nước làm nhòe đi mắt mình. Bà ấy đã ngủ rồi, nhìn cách bà ấy ngủ rất thanh thản. Gương mặt tái mét ấy vẫn giữ nụ cười mãn nguyện như vậy. Tôi vẫn giữ chặt bàn tay còn ấm ấy, dụi đầu vào. Trong lòng vô cùng xót xa. Như đã nói. Tôi và mẹ đã xa cách gần chục năm trời, lẽ ra không có thứ cảm xúc tiếc thương này mới phải chứ? Con bé Thư gào khóc ngay bên cạnh, tôi ôm lấy vai nó kéo lại mình như thay cho sự cảm thông, chia sẻ nỗi buồn với nó. Ba thì ôm lấy hai chúng tôi. Gia đình ba người chúng tôi, chưa từng dành thời gian để xây dựng tình cảm cho nhau lâu dài, nay lại ôm nhau cùng san sẻ thứ tình cảm thiêng liêng đã thiếu của nhau từ lâu...

***

Đám tang của mẹ có sự góp mặt của rất nhiều người. Đa phần là gia đình và bạn bè của mẹ ở nước ngoài. Bên phía gia đình tôi chỉ có hai cha con và bà nội. Bé Thư đứng bên phía bên kia. Con bé được giao lại cho một người bạn của mẹ tiếp tục chăm sóc. Trông nét mặt của nó vẫn rất buồn. Sự hiện diện bên họ nội khiến tôi cảm thấy lạnh lùng làm sao. Phía nhà ngoại và những người bạn của mẹ đang vô cùng tiếc thương. Chẳng bù với bà nội vẫn giữ nét mặt lạnh lùng, dù có chút lãnh đạm. Hoặc là bà ấy đã nhận ra sai lầm của mình chăng?

Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khổ. Nhưng bù lại bà ấy lại là một nữ sinh vừa xinh đẹp, vừa học giỏi. Khi còn trẻ, mẹ là sinh viên ưu tú của trường đại học mà ba và mẹ cùng học. Ba đã phải lòng mẹ từ dạo đó. Sau khoảng thời gian tiếp cận và tìm hiểu, họ đã quyết định kết hôn sau khi tốt nghiệp. Gia đình bên nội tôi vốn là một gia đình danh tiếng, sở hữu khối gia sản kết xù. Họ khinh miệt bên nhà ngoại, nhưng vì thương ba nên chấp nhận cho kết hôn.

Nhà nội mang tư tưởng còn khá phong kiến nên có quan niệm trọng nam khinh nữ. May mắn thay vì tôi là con trai nên được giữ lại. Còn bé Thư là con gái, nên họ muốn vứt bỏ và kiếm cớ đuổi mẹ đi. Trước áp lực của nhà chồng, mẹ tôi quyết định nhờ một người bạn giúp đỡ đưa ra nước ngoài để trốn. Hóa ra là vì muốn bảo vệ bé Thư nên mẹ đành bỏ lại tôi ở lại Việt Nam. Ba vì nhớ thương mẹ nên mới sa ngã. Ông hay mắng chửi tôi vì quan niệm trọng nam khinh nữ của bà nội. Cũng như hay hỗn láo với bà nội vì đã ép mẹ phải bỏ đi. Bà nội vì ghét mẹ đã khiến cho ba hận mình, nên tiêm vào đầu tôi mấy cái suy nghĩ sai trái về mẹ…

Toàn bộ sự thật do chính bà nội thú nhận. Đối với bà nội, tôi vẫn không căm hận vì những gì bà đã làm. Chỉ còn lại sự tiếc nuối cho một đời người phụ nữ. Tôi tự hỏi, liệu trên thế giới này, trong xã hội này còn bao nhiêu người mang số phận giống mẹ tôi không? Liệu có còn đứa trẻ nào vì là con gái mà lại bị căm ghét, ghét bỏ như bé Thư không?

Tôi nhìn con bé từ phía xa. Sau đám tang, nó sẽ lại rời khỏi Việt Nam. Bà nội không hề có ý định muốn giữ lại nó. Không biết đến khi nào mới có thể gặp lại được nó nữa đây? Sau gần mười năm xa cách, chúng tôi đã đoàn tụ trong khoảnh khắc ngắn. Nhưng sau lần đoàn tụ ấy dường như lại là một cuộc chia xa gần như là mãi mãi…
 
×
Quay lại
Top