Mẹ sinh mổ - làm sao để đủ sữa

ducdongpk

Thành viên
Tham gia
22/6/2016
Bài viết
0
Dù mẹ sinh mổ, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sữa mẹ, các mẹ cứ yên tâm sẽ đủ sữa nhé!

Chuẩn bị đầy đủ kiến thức và có kế hoạch sắp xếp để con được bú mẹ.

Hãy tìm hiểu kỹ các vấn đề xung quanh việc bú sữa mẹ (lợi ích khi con bú sữa mẹ, lợi ích sữa non trong 72 giờ đầu, cách cho ti mẹ: tư thế, cách ngậm vú ...)

Hãy nói chuyện với bác sĩ, với ê kíp của bệnh viện, đề nghị cho bé gặp mẹ càng sớm càng tốt. Mẹ hãy mạnh dạn để bé được bú mẹ nhé!


sinh%20mo.jpg


Phương pháp giảm đau và thuốc trong mổ

Các phương pháp gây mê/giảm đau và các thuốc giảm đau không ảnh hưởng tới sữa của mẹ. Có nhiều loại thuốc giảm đau thích hợp dùng được cho mẹ cho con bú, hãy hỏi kỹ bác sĩ về điều này. Hãy cố gắng chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết để giảm việc gây ngủ trên mẹ và bé.
Việc ngủ nhiều sẽ làm giảm hiệu suất bú mẹ ngay khi mới bắt đầu hành trình.

Mẹ có thể sốt nhẹ trong vài ngày đầu sau mổ, đây không phải là nguyên nhân cách ly mẹ và bé.
Mẹ chỉ cần rửa tay thật sạch trước khi tiếp xúc với bé, không có lý do gì cách ly mẹ và bé, cho dù là mẹ đang bị nhiễm trùng.

Cữ bú đầu tiên sau sinh

Nếu có thể, mẹ hãy cho con bú ngay khi gặp mẹ. Mẹ có thể cảm thấy không thoải mái vì đang còn những tác dụng của việc gây tê tủy sống hay giảm đau ngoài màng cứng. Mẹ có thể cho bé bú nằm, sẽ có chút khó khăn vì cánh tay bị hạn chế. Mẹ thử cho bé nằm sấp mặt đối diện với ngực mẹ (tư thế như khi mang địu bé, nhưng vị trí bé phải cao hơn, tránh khỏi vết mổ, mẹ nằm ngữa thẳng ra). Giai đoạn này, do tác dụng thuốc lúc mổ, mẹ sẽ không chủ động mọi việc. Vì vậy khi cho bé bú ở vị trí này, cần có 1 người giúp mẹ và bé, để mũi bé không bị bít. Hãy dùng nhiều gối lót xung quanh để thêm sự hỗ trợ.

Bú càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt

Lý tưởng nhất là mẹ nên cho bé bú trong giờ đầu tiên sau sinh, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được, vì vậy cố gắng không trễ hơn 4-6 giờ nhé. Các nghiên cứu cho thấy rằng càng kéo dài thời gian này, bé sẽ càng dễ gặp khó khăn trong việc bú mẹ và tắc sữa sẽ trầm trọng hơn. Nếu bé phải xa mẹ hơn 6 giờ, thì mẹ nên hút sữa cho bé (nên dùng máy hút sữa chuyên dụng để đạt kết quả tốt nhất) -> mẹ nên tìm hiểu trước cách massage, cách vắt sữa!

Ban ngày, mẹ cho bé bú ít nhất mỗi 2 giờ, ban đêm thì mỗi cữ bú không cách nhau quá 4 giờ, mẹ phải đạt được 10 - 12 cữ bú trong vòng 24 giờ trong những tuần đầu tiên.
Bé càng bú thì mẹ càng không phải dùng tới sữa công thức hay nước đường.

Tư thế bú

Một khi mẹ có thể xoay trở người, hãy cho bé bú tư thế nằm nghiêng một bên. Hãy nhờ người thân hay điều dưỡng giúp đỡ, kèm với gối chèn xung quanh.

Một tư thế khác thoải mái hơn là tư thế bú ôm giữ bóng. Mẹ hãy cố thử nghiệm càng nhiều càng tốt để tìm tư thế thoải mái nhất, đừng ngần ngại, cứ nhờ đến sự giúp đỡ của người thân, điều dưỡng/nữ hộ sinh, chuyên gia sữa mẹ tại bệnh viện. Cho dù tư thế nào đi nữa, thì bụng bé lúc nào cũng phải hướng về mẹ. Mẹ có thể đem thêm gối từ nhà vào hoặc có thể tìm loại gối chuyên cho con bú.

Nhiều mẹ cảm nhận tư thế nằm nghiêng là thoải mái nhất trong những ngày đầu vì tư thế này bé vừa bú được mà mẹ cũng có thể nghỉ ngơi. Hãy dùng 1 cái chăn nhỏ, hay 1 cái gối, thậm chí là 1 chiếc khăn lông cuộn lại để bảo vệ vết mổ khi mẹ nằm nghiêng cho bé bú.

Đây là các bước hướng dẫn mẹ nằm nghiêng sau sinh mổ

  1. Bắt đầu: chiếc gi.ường vị trí bằng phẳng, quay đầu gi.ường hơi cao lên
  2. Dùng gối chêm sau lưng hỗ trợ
  3. Xoay người từ từ sang một bên, tay vịn bám lấy thành gi.ường, thả lỏng cơ bụng, cử động chậm.
  4. Để tránh việc chân bé đá vào vết mổ, mẹ dùng gối nhỏ hay khăn lông cuộn lại che vết mổ
  5. Đặt gối giữa 2 chân để giảm thiểu việc căng cơ bụng.
  6. Tựa lưng vào gối
  7. Khi mẹ trong tư thế này, bé cũng sẽ nằm nghiêng, đối diện cơ thể mẹ, ngực đối ngực, để bé không phài xoay đầu mới bú được. Chân bé thoải mái sát cơ thể mẹ, đầu bé nằm trực tiếp trên gi.ường hoặc trên cánh tay mẹ, tùy tư thế nào mẹ thấy thoải mái. Mẹ có thể hơi cuộn người về phía trước, hoặc kéo bé hơi về phía mẹ cho bé dễ ngậm vú mẹ.
Tránh các sản phẩm thay thế sữa mẹ

Mẹ hãy dặn kỹ ê kíp của bệnh viện, đảm bảo bé không phải dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, bình sữa hay ngậm ti giả, vì chúng sẽ khiến cho việc bú mẹ của bé trở nên khó khăn về sau (vì cách ngậm ti mẹ không giống cách ngậm ti giả). Nếu bé bắt buộc phải dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ, vì nguyên nhân y khoa, thì bé nên được dùng cốc hoặc bơm tiêm để uống sữa, tránh việc bé rối loạn cách ngậm vú mẹ.

Khi nào sữa sẽ về?

Khi nhau thai tách ra khỏi tử cung, sẽ báo hiệu cho sự thay đổi nội tiết tố giúp sữa mẹ mau chóng tiết ra. Vì vậy cơ thể của các mẹ sẽ nhận được tín hiệu như nhau cho dù mẹ có sinh mổ lấy thai hoặc sinh thường. Nếu mẹ phải chịu một cuộc sinh khó khăn, căng thẳng, sữa có thể về hơi trễ 1 chút thôi .

Sữa sẽ về đến bất cứ lúc nào từ ngày 2 đến ngày 6 (thường là ngày 2-3). (Ngày đầu cho bú liên tục, sữa non đã có sẵn trong ngực mẹ nhé! Bé bú sữa non này trong vòng 72 giờ)

Nếu sữa về chậm, mẹ đừng lo lắng, mà hãy cho bé bú càng nhiều càng tốt và tham khảo ý kiến của bác sĩ hay nữ hộ sinh, quan sát cách bé bú có đúng hay chưa. Mẹ theo dõi các dấu hiệu bú đủ của bé (đã có bài) để an tâm hơn. Trong những ngày đầu, bé có thể tự bú rất tốt lượng sữa non, vì đó là bản năng.

Để sữa về dồi dào, mẹ tham khảo cách cách thức sau:

Bú càng sớm càng tốt ngay sau sinh. Nếu bé phải xa mẹ hơn 4 - 6 giờ, thì mẹ nên hút sữa cho bé (nên dùng máy hút sữa chuyên dụng để đạt kết quả tốt nhất), nếu có thể, hãy xin bệnh viện cho bé bú khi mẹ còn trong phòng hồi tỉnh, phải đảm bảo có sự đồng ý của bác sĩ, bé không có vấn đề bệnh lý gì.

Bé bú thường xuyên. Ban ngày, mẹ cho bé bú ít nhất mỗi 2 giờ, ban đêm thì mỗi cữ bú không cách nhau quá 4 giờ, mẹ phải đạt được 10 - 12 cữ bú trong vòng 24 giờ trong những tuần đầu tiên. Bú càng nhiều, sữa về càng nhanh trong tuần đầu tiên và sau đó.

Tránh dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ không cần thiết như sữa công thức, nước đường, ... Trừ khi có chỉ định y khoa. Tác hại của việc cho bé dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ: 1/ giảm cơ hội cho bé bú mẹ nghĩa là giảm khả năng kích sữa (việc nút mẹ và làm trống bầu sữa đều kích thích tiết sữa), và 2/ bé có xu hướng chậm đòi ăn lại (so với bé được bú mẹ), vì thế mẹ lại mất cơ hội cho bé bú.

Đảm bảo bé bú tốt. Nếu bé không ngậm vú tốt và không nút sữa tốt, sẽ ảnh hưởng đến số lượng sữa mẹ và ảnh hưởng tốc độ sữa chảy ra.

Về nhà

Nếu mọi việc diễn tiến thuận lợi, một số mẹ xin về nhà sớm hơn. Nếu vậy, mẹ phải đảm bảo rằng mẹ có người giúp đỡ tại nhà, để mẹ được nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, nhất là uống đủ nước. Người thân có thể là chồng, bố mẹ ruột, bố mẹ chồng, hay bất kỳ người thân nào sẵn lòng giúp đỡ mẹ trong việc nhà cửa như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp ... Mẹ có thể thuê nữ hộ sinh về nhà giúp mẹ và bé, để bé có thể bú sữa mẹ đúng và đủ, mẹ biết cách chăm bé đúng, ...
 
×
Quay lại
Top