Mạng xã hội Việt: sáng tạo mới thắng!

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Nếu chỉ bỏ núi tiền để chạy theo mô hình sẵn có của thế giới, các sản phẩm mạng xã hội (MXH) VN sớm muộn cũng sẽ thất bại, không thể cạnh tranh nổi với các đối thủ ngoại.

“Ở VN, MXH tuy nhiều nhưng phần lớn chỉ là web cộng đồng (dạng các diễn đàn, web chia sẻ nội dung, không có tính kết nối thành viên), số còn lại-MXH kết nối thì không nhiều. Trong đó những sản phẩm được đầu tư thật sự lại rất ít, có thể chỉ tính trên đầu ngón tay” - ông Nguyễn Anh Hòa, tổng giám đốc Công ty YouNet (doanh nghiệp chuyên về phần mềm và phát triển công cụ MXH), nhận định.

ImageHandler.ashx
Điều khó với các MXH là thu hút được người dùng tham gia và giữ chân người đó ở lại lâu dài với MXH - Ảnh: Thuận Thắng.
Rập khuôn là thất bại!

Theo ông Anh Hòa, các doanh nghiệp VN đã làm sản phẩm MXH nhưng lại chủ yếu đi theo mô hình đã có của thế giới, không có sự sáng tạo nên khó có thể cạnh tranh với thế giới được. “Doanh nghiệp không thể nào dùng chiêu giá rẻ theo kiểu sản phẩm VN rẻ hơn sản phẩm nước ngoài để thu hút khách hàng, bởi người dùng MXH không phải mất tiền để tham gia. Hơn nữa MXH cũng không có khoảng cách địa lý để “ngăn sông cấm chợ” người dùng, họ chỉ việc lên mạng từ bất kỳ đâu và dễ dàng truy nhập vào MXH.

Người VN lại có tính hướng ngoại và khả năng thích ứng sử dụng công nghệ của nước ngoài rất nhanh. Do đó giả sử có một sản phẩm nội địa ra đời chưa kịp lớn mạnh thì sản phẩm nước ngoài đã kịp ùa vào chiếm hữu thị trường. Những sản phẩm MXH nội địa dạng phổ dụng muốn thành công ở VN phải chứng tỏ được khả năng địa phương đặc biệt thì mới có cơ may chiến thắng trên sân nhà”
- ông Hòa nói.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Phan Anh Tuấn, giám đốc Go.vn, kể: nói đến MXH tại VN cách đây khoảng 2-3 năm người ta thường nhắc đến Facebook, Zing Me hay Go.vn.
Điểm chung của ba MXH này là đều dựa trên những mối quan hệ bạn bè, trong đó Facebook thể hiện rõ nhất và mạnh nhất. Thực tế hiện giờ đã cho thấy vị trí số một của Facebook, nếu những MXH khác như Zing Me hay Go.vn vẫn tiếp tục chạy đua cạnh tranh chắc chắn sẽ không địch lại.

Tìm hướng đi mới

Hiện giờ Go.vn đã chuyển hướng đi theo giáo dục nhằm xây dựng MXH lai giữa mối quan hệ bạn bè và mối quan hệ nội dung. Theo ông Tuấn, những người tham gia Go.vn có thể lúc đầu truy cập vào không phải để tìm bạn bè mà vì nội dung giáo dục có trong Go.vn.

Từ đó căn cứ vào những chủ đề, mối quan tâm hay sở thích chung của người dùng, Go.vn sẽ sắp xếp cho họ kết bạn với nhau. Như vậy giữa người dùng sẽ có mối quan hệ bạn bè dù mục đích lúc đầu chỉ là sử dụng dịch vụ nội dung.

“Theo kinh nghiệm từ Go.vn, tôi cho rằng khi xây dựng một MXH người ta phải trả lời được câu hỏi của người dùng là tại sao tôi phải sử dụng MXH này mà không phải là MXH kia? Đó là yếu tố quan trọng nhất. Tiếp theo là những lợi thế và giá trị tự bản thân MXH đó đem lại cho cộng đồng. Ngoài ra những chính sách hỗ trợ của Nhà nước nếu một đơn vị nào đó trong nước muốn làm MXH là rất cần thiết, bởi nếu không được sự đồng thuận của cơ quan quản lý và sự hỗ trợ từ người dùng trong nước, các MXH mới sẽ khó lòng cạnh tranh được với các đối thủ ngoại như Facebook” - ông Tuấn nói.

Theo các chuyên gia, mặc dù Facebook đang rất mạnh tại VN nhưng không có nghĩa là cánh cửa thành công đã khóa chặt. “Điều quan trọng khi làm MXH là phải sáng tạo được sự đặc thù nào đấy để thu hút người sử dụng. Facebook khi khởi điểm cũng chỉ là một MXH hẹp đặc thù, nhưng họ đã vươn lên thành công thật kỳ diệu”, một chuyên gia lĩnh vực tiếp thị số nhận xét.
Trong nỗ lực tìm hướng đi mới, ông Nguyễn Quốc Minh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Wala - chủ sở hữu MXH di động Wala, cho rằng MXH hiện giờ vẫn là khái niệm chung nhưng sẽ từ từ tách ra thành các MXH chuyên biệt, chẳng hạn như MXH cho gia đình, công việc, bạn bè...

“Thật ra nó sẽ gần giống như các mối quan hệ thật ngoài xã hội của chúng ta. Chúng ta không muốn có sự nhập nhằng giữa các mối quan hệ gia đình và công việc, vì vậy MXH sẽ tách riêng theo nhu cầu con người” - ông Minh nói. Ở dạng MXH hẹp, khả năng thành công sẽ rất lớn nhưng không có sức bật do chỉ nhắm vào một số người dùng nhất định. Tuy nhiên MXH hẹp đang là xu hướng sắp tới của MXH tại VN và trên thế giới.

Về chi phí xây dựng và vận hành MXH, ông Hòa tính toán rằng một doanh nghiệp muốn xây dựng một MXH đầy đủ tính năng chỉ cần 1-2 triệu USD, còn nếu sử dụng nền tảng và kinh nghiệm có sẵn của thế giới thì quá trình xây dựng sẽ rất nhanh, chi phí cũng rất rẻ, chỉ cần chừng 500.000 USD.

“Chi phí xây dựng một MXH không nhiều, chỉ chiếm 20-30% túi tiền mà thôi. Chi phí nhiều nhất chính là ở khâu tiếp thị (marketing) và “chạy” khách hàng. Nói theo cách dễ hiểu, điều quan trọng là chi phí để thu hút được một người dùng tham gia và chi phí để giữ chân người đó ở lại lâu dài với MXH” - ông Hòa phân tích.

Theo Tuoitre
 
ko bắt chước MXH nước ngoài thì lại chả có cái ý tưởng gì
 
×
Quay lại
Top