Lũ lên -> nghỉ học -> và...đói

Văn

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
4/11/2010
Bài viết
48
Mấy tiếng đồng hồ sau khi lũ bắt đầu rút, nhóm PV đã có mặt tại những xã được coi là rốn lũ của huyện Tuy An, Phú Yên. Trời vẫn mưa nặng hạt, dòng lũ vẫn cuồn cuộn chảy qua đường. Người dân vẫn co ro trên gác cao chờ nước rút hẳn.

“Tụi con nghỉ học và đói”

Để vào được thôn Mỹ Long, xã An Dân, huyện Tuy An chỉ đi xe máy được một quãng ngắn, phần đường còn lại hơn 2 km phải lội bộ vì nước gần đến bụng. Có lúc phải đi nhờ “xẩm” (thuyền nan nhỏ) của dân.

Toàn bộ đường liên thôn ở Mỹ Long đã bị lũ chia cắt, những xóm dân trở thành ốc đảo nhỏ nhoi trong cơn lũ. Lũ không ngập cao, nhưng chia cắt như vậy cũng đủ làm cho người dân khốn đốn trăm bề.

1288828960_11_1.jpg


Hai ngày nay, bữa ăn của bé Lan chỉ là mì tôm sống.

Ông Đinh Ngọc Cả, ngồi ở nhà người em, đau đáu chỉ tay về phía dòng sông: “Nhà tui sau lũy tre kia, giờ về không được, lũ xiết quá, sợ không dám chèo xẩm về, chắc mấy đứa nhỏ đói rồi”.

Ở thôn Mỹ Long này, thấy lũ là trẻ con ở nhà, chẳng ai dám cho con đi học vì sợ sẩy chân, mất mạng. Trận lũ 2009 đã cuốn đi đến 4 mạng người, nên giờ ai cũng sợ.

Năm nay, dân “kinh nghiệm” hơn, thấy lũ là kéo nhau chạy lên núi. Trâu bò, lợn gà cũng được cho đi di tản khẩn trương. Gạo xay sẵn trong nhà đủ ăn mấy ngày lũ.

Kinh nghiệm là vậy nhưng vẫn đói. Tại nhà anh Võ Ngọc Em, lóc nhóc mấy đứa trẻ con cáu bẩn, tay cầm mì tôm sống nhai ngon lành. Hỏi chuyện, bé Lan con gái đầu của anh Em cười như mếu: “Nghỉ học ở nhà, lại đói chú ạ, ăn cái ni (mì tôm) cũng no. Tui con đói cơm mấy ngày ni rồi!”.

1288828961_11_2.jpg


Ông Đinh Ngọc Cả ngồi đợi nước "lành" để về nhà. Hôm nay mấy đứa con ông đói.

Hỏi ra mới biết, thóc nhà nào cũng có, được cất trên gác xép. Nhưng xát ra gạo lại cả một vấn đề: Có đủ gan chèo "xẩm" vượt lũ đi xay? Mà nhiều nhà có trữ gạo sẵn, cũng đói! Vì rằng chẳng kiếm đâu ra nước sạch, củi khô để nấu cơm.

Tội mấy đứa nhỏ, lũ không cao nhưng vẫn đói, vẫn mì tôm sống qua ngày. Mẹ bé Lan bảo: “3 ngày rồi không nấu được cho lũ trẻ nồi cơm. Nhà chưa ngập mà đói vì không có nước sạch, tội lắm chú ạ”.

Ông Cả, ngồi nói như kể chuyện khổ của mình: “Nhà chú thím đã còn may, nhà tui có mấy gói mì tôm, bọn trẻ ăn hết từ hôm qua, nay chẳng biết lấy gì ăn. Xát được yến gạo, giờ nước xiết quá, chẳng dám về. Mà có về thì cũng không nấu cơm được. Ngày ni chắc đói”.

Lũ ở Mỹ Long thường ngâm khoảng ba ngày nếu trời nắng, còn trời mưa như hôm nay sẽ ngâm cả tuần. Bởi vậy, cái đói sẽ kéo thêm vài ngày nữa với lũ trẻ con.

Chỉ đạo chống lũ bằng…điện thoại!

Phú Yên với cánh phóng viên từ bắc vào rất lạ. Tìm đến các rốn lũ chỉ có cách hỏi chính quyền. Sáng 3/11, PV Bee đến trụ sở xã An Dân, huyện Tuy An hỏi đường về Mỹ Long. Rất đông cán bộ có mặt tại ủy ban.

Một cán bộ bảo: “Về Mỹ Long sao được, lũ chia cắt hết rồi, đi xe máy ngập cả xe”. Chúng tôi hỏi, xã có thuyền để vào cứu hộ dân không? Trong lũ các anh đến với dân bằng cách nào? Hai ba cán bộ bảo: “Dân ở đây sẵn sàng rồi, tụi tui chỉ đạo chống lũ bằng…điện thoại!?"

Ngay sau đấy, chúng tôi cương quyết tìm mọi cách vào Mỹ Long. Vào được. Và thấy cảnh lũ trẻ con ăn mì tôm sống chống đói.
1288828961_11_3.jpg


Vợ cán bộ xã An Định mang cơm cho chồng, anh phải trực lũ 24/24

Ông Cả cho hay, mấy ngày lũ vừa rồi chẳng thấy bóng dáng cán bộ xã đâu cả. “Mà xã có thuyền to, chạy máy cole vượt lũ cũng tốt lắm! Bảo chỉ đạo qua điện thoại mà nước ngập như ri, điện mất lấy đâu ra điện thoại” – ông Cả vừa nói lại vừa nhìn về phía nhà của mình.

Như một bức tranh tương phản, ở xã An Định, nước vừa rút, toàn bộ cán bộ ủy ban quần xắn móng lợn, ngồi trên “xẩm” đi vào các thôn còn bị ngập sâu. Ông Phan Văn Ba – Chủ tịch xã An Định bảo: "Năm nay lũ không lớn lắm, dân cũng chủ động di dời tài sản, gia súc. Nhưng điều tôi lo nhất là dân đứt bữa tạm thời, vì không có nước sạch”.

Ở An Định, một số hộ dân có trữ nước, có thể san sẻ cho bà con chòm xóm, nhưng chẳng được bao nhiêu.

Anh Tâm, nhà ở thôn 3 cho hay: “Nhà tui không thiếu gạo, nhưng lại không nấu được cơm. Hôm qua, cán bộ xã đi xẩm vào có cho một ít nước, hôm nay no rồi”.

Cùng trên một huyện, cùng ven một dòng sông Kỳ Lộ, hai xã hai thái cực khác nhau. Âu đây là một điều cần suy ngẫm.

Theo Bee
 
×
Quay lại
Top