Loạt câu hỏi quanh cái chết của trùm khủng bố Bin Laden

kenzizi

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/4/2010
Bài viết
1.232
(Dân trí) - Al Qaeda đã đến đoạn kết? Ai sẽ thay Bin Laden làm thủ lĩnh? 25 triệu USD Mỹ cam kết sẽ vào túi ai? Obama sẽ tái cử nhờ Bin Laden?... Loạt câu hỏi này đã được đặt ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố “tin vui” về Bin Laden.

0305.AL.jpg


Ayman al-Zawahiri, một công dân Ai Cập, có thể sắp trở thành người bị thế giới truy lùng gắt gao nhất.



Bin Laden nổi lên như thế nào?
Sinh năm 1957 ở Riyad (Arập Xêút) trong môt gia đình giàu có, Bin Laden theo học ngành kỹ sư công chánh và thương mại tại đại học King Abdul Aziz tại Djeddah. Tại đấy, Bin Laden bắt đầu giao tiếp với nhiều nhóm hồi giáo cực đoan.
Sự nghiệp của Bin Laden, con trai một nhà triệu phú trong ngành xây dựng, đã rẽ sang một khúc quanh mới vào năm 1979 khi Liên Xô đưa quân vào Afghanistan. Bin Laden tham gia phong trào thánh chiến jihad của người Hồi giáo để đẩy lui quân đội Liên Xô khỏi Afghanistan.
Được Riyad yểm trợ, Bin Laden đảm nhiệm khâu hậu cần, tìm nguồn tài trợ để hỗ trợ cho phiến quân hồi giáo Moudjahidine tại Afghanistan. Bin Laden đặt địa bàn hoạt động tại Peshawar (Pakistan) và đã hợp tác với thủ lĩnh người Palestine Abdulla Azzam. Với sự yểm trợ gián tiếp của chính cơ quan tình báo Mỹ CIA và qua trung gian của cơ quan tình báo Pakistan, Bin Laden từng bước xây dựng cả một mạng lưới để chống lại quân Liên Xô tại Afghanistan.
Vào năm 1989, khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan, Bin Laden trở về nước. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi Koweit bị Iraq tấn công, Bin Laden đã tỏ thái độ bất bình khi thấy lính Mỹ đến đồn trú tại Arập Xêút. Ông đã đề nghị sử dụng đội ngũ lính hồi giáo do ông điều hành để đẩy lui lính Mỹ ra khỏi thánh địa này của người Hồi giáo. Đề nghị trên đã bị quốc vương Arập Xêút bác bỏ. Đối với Bin Laden, thì lời từ chối của quốc vương Fahd là một sự phản bội.
Năm 1992, Riyad thu hồi hộ chiếu của Bin Laden. Nhân vật này sang sống hẳn tại Sudan. Tình báo Mỹ nghi ngờ Bin Laden tài trợ cho các trại huấn luyện của quân khủng bố. Năm 1994, dưới áp lực của Mỹ, Bin Laden bị Riyad tước quyền công dân. Hai năm sau đến lượt Khartum yêu cầu Bin Laden rời khỏi Sudan.
Bin Laden trở lại Afghanistan, lập các trại tập huấn để đào tạo quân khủng bố. Kế hoạch này của ông thu hút hàng ngàn người Hồi giáo quá khích từ khắp mọi nơi trên thế giới. Cũng từ Afghanistan, Bin Laden đã lên kế hoạch tấn công quy mô chưa từng thấy nhắm vào siêu cường số 1 thế giới là Mỹ.
“Thành tích” đẫm máu từ Âu, Mỹ qua Á, Phi?
Mạng lưới khủng bố Al Qaeda dưới sự lãnh đạo của Bin Laden là một tổ chức có nhiều chi nhánh hoạt động tại nhiều nơi trên thế giới. Mục tiêu hàng đầu của tổ chức này là tấn công mù quáng vào các cơ sở của Mỹ và đồng minh.
Trong 10 năm qua Al Qaeda đã tiến hành, một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhiều vụ tấn công đẫm máu. Aqmi hoạt động tại bắc Phi, Aqpa tại vùng các nước Arập chẳng hạn được coi là những nhánh của mạng lưới Al Qaeda. Riêng tổ chức hồi giáo cực đoan của Indonesia Jemaaah Islamiyah thì bị coi là chịu nhiều ảnh hưởng của Al Qaeda.
Năm 2009, hai chi nhánh của Al Qaeda tại Arập Xêút và Yemen đã sáp nhập lại với nhau để cho ra đời Aqpa. Trước đó vào năm 2007 nhóm khủng bố Aqmi đã được hình thành và một phần trong nhóm này xuất phát từ tổ chức khủng bố GSPC của Algérie. Đến nay tổ chức khủng bố Aqmi còn hoạt động rất mạnh tại khu vực giữa Algerie, Niger, Mauritanie và Mali. Aqmi hiện đang cầm giữ nhiều con tin người Pháp.
Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, năm 1991, được coi là một dấu mốc quan trọng : mục tiêu tấn công của Bin Laden không còn là Liên Xô kể từ khi Mátxcơva đã rút quân khỏi Afghanistan năm 1989 mà đã chuyển hướng nhắm vào Mỹ. Bin Laden bất mãn khi thấy quân đội Mỹ đồn trú tại Arập Xêút, quê hương ông và cũng là nơi nhà tiên tri Mahomet đã sinh ra, để từ đó tiến hành chiến dịch giải phóng Koweit.
Trong số những cuộc khủng bố Al Qaeda tự nhận là tác giả phải kể đến loạt tấn công nhắm vào tòa đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania được tiến hành cùng một lúc hồi tháng 8/1998. Sau loạt khủng bố ngày 11/9/2001 tiến hành ngay trên đất Mỹ, thì còn phải kể đến các vụ đánh bom ở Bali (Indonesia) năm 2002, làm hơn 200 người chết, rồi loạt tấn công hồi tháng 3/2004 tại Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, và vụ khủng bố đường xe điện ngầm ngay tại Luân Đôn hồi tháng 7/2005.
Trùm khủng bố Bin Laden trở thành kẻ thù không đợi trời chung của Mỹ và chính quyền Mỹ lao vào một cuộc săn lùng Bin Laden ngay sau đó.
Vợ Bin Laden giờ ở đâu?
Nhà Trắng tin rằng người phụ nữ thiệt mạng hôm qua khi lực lượng Mỹ mở chiến dịch tiêu diệt Bin Laden là một trong những bà vợ của tên này. Tuy nhiên, chính Nhà Trắng sau đó đã bác bỏ tin này.
John Brennan, cố vấn chống khủng bố hàng đầu của Tổng thống Barack Obama hôm qua tuyên bố với báo giới rằng thi thể người phụ nữ này ở vị trí “có vẻ như bà ta được dùng làm lá chắn”. Nhưng ông này cũng không nói rõ liệu người phụ nữ này đã lấy thân mình chắn đạn cho Bin Laden và con trai của ông ta, hay bị ông ta lấy làm tấm chắn đạn.

Nhưng một quan chức khác thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó khẳng định bà ta chỉ bị thương trong vụ này.

Ai sẽ “kế nhiệm” Bin Laden trong Al Qaeda?
Osama Bin Laden được xem là người có sức thu hút đối với những người muốn gia nhập hoặc ủng hộ tài chính cho Al Qaeda. Nhưng rõ ràng, đã từ lâu, những người trong cuộc vẫn nghĩ phó thủ lĩnh Al Qaeda, Ayman al-Zawahiri là nhân vật chính, soạn ra chiến lược và tổ chức điều hành, giúp duy trì được hầu như toàn bộ mạng lưới khủng bố sau khi mạng lưới này bị đẩy ra khỏi các căn cứ ở Afghanistan năm 2001.

Năm nay 59 tuổi, Zawahiri là một chuyên gia phẫu thuật, chào đời tại Cairo trong một gia đình có nhiều bác sĩ và nhà khoa bảng. Ngay từ khi còn là một thiếu niên, nhân vật này đã can dự vào sinh hoạt của phe Hồi giáo cực đoan. Trong thời gian học bác sĩ ông đã tiếp tay lập ra cánh Ai Cập của nhóm thánh chiến Hồi giáo.

Nhà chức trách Ai Cập sau đó bỏ tù ông 3 năm trong chiến dịch truy quét các nhóm cực đoan có liên hệ đến vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat. Sau khi ra tù năm 1984, Zawahiri trở lại Peshawar để giúp phong trào kháng chiến Afghanistan chống lại người Liên Xô (cũ), dịp này ông kết thân với Osama Bin Laden trong tư cách là bác sĩ riêng.

Năm 1998, Zawahiri lập một liên minh với Osama Bin Laden và trở thành phó thủ lĩnh của tổ chức và theo tin của Mỹ, Zawahiri là người chủ mưu đánh bom hai đại sứ quán Mỹ Kenya và Tanzania năm đó. Zawahiri cũng được xem là người đóng vai trò lớn trong vụ khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ. Từ Afghanistan, phe Al Qaeda nhận mình là thủ phạm.
Một đòn quyết định với Al Qaeda?

Theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia về khủng bố, mạng lưới Al Qaeda sẽ ở trong tình trạng rắn mất đầu sau cái chết của Bin Laden, vì nhân vật số 2 của mạng lưới này, Ayman Al Zawhiri, 60 tuổi, không có uy tín như Bin Laden. Thêm vào đó, Ayman Al Zawhiri sẽ không dễ dàng chinh phục được những phần tử trong hàng ngũ Al Qaeda xuất xứ từ Riyad.
Nhìn rộng ra hơn, theo giới phân tích Arập, trong tương lai, các hoạt động khủng bố có khả năng giảm bớt cường độ. Lý do là vì Al Qaeda không còn sức thuyết phục như một thập niên trước đây. Ngoài ra, sau cái chết của Bin Laden, nhiều đường dây khủng bố và cơ sở nằm vùng cũng sẽ mất đi nguồn tài trợ.
Thế nhưng lại cũng có những ý kiến cho rằng vai trò của Bin Laden chỉ là "tương đối" : kể từ sau loạt tấn công nhắm vào Mỹ năm 2001, Bin Laden không còn thực sự kiểm soát được tất cả các hoạt động khủng bố trên thế giới. Nhân vật này đã trở thành một nhà thủ lĩnh tinh thần chứ không còn là một thủ lĩnh về phương diện chính trị hay quân sự.
Do vậy một số chuyên gia lo ngại, mạng lưới khủng bố trên thế giới vẫn tiếp tục hoạt động như trước khi Bin Laden bị triệt hạ.
25 triệu USD giải thưởng giết Bin Laden, ai lĩnh?
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tiếp Ngoại trưởng Kevin Rudd của Australia tại Washington. Trong cuộc họp báo chung sau đó, hai vị ngoại trưởng không tránh được những câu hỏi về Osama Bin Laden, kể cả món tiền thưởng sẽ về tay ai.
Bà Clinton xác nhận phía chính phủ Pakistan có giúp một tay truy lùng chỗ ở của thủ lĩnh Al Qaeda.

Cái chết của Osama Bin Laden nêu nghi vấn liệu quân đội và tình báo Pakistan có biết chỗ ở của tên này không và có chia sẻ thông tin này với Mỹ không. Khi được hỏi về vấn đề này, bà Clinton không nói chi tiết mà chỉ nhấn mạnh sự ủng hộ của Pakistan trong nỗ lực chống khủng bố của Mỹ.

Khi được hỏi về số tiền thưởng 25 triệu USD dành cho ai giúp bắt được Bin Laden, bà Clinton nói bà chưa ở trong vị trí để có thể nói liệu có ai đã được công nhận cho giải thưởng về Bin Laden hay bất kỳ người nào khác.

Còn Ngoại trưởng Rudd không tin sau khi Osama Bin Laden chết, chiến tranh ở Afghanistan sẽ chấm dứt sớm, nhưng điều cần nhất là phải giữ quyết tâm. Australia là nước ngoài NATO đóng góp nhiều nhất cho liên minh quân sự tại Afghanistan.
Bin Laden - con bài quyết định Obama tái cử?

Liệu cái chết của trùm khủng bố khét tiếng nhất thế giới có giúp Tổng thống Obama tái cử năm 2012? Từ Nhà Trắng, đích thân Tổng thống Obama đã loan một tin mà dân chúng Mỹ đã chờ đợi từ 10 năm nay, đó là trùm khủng bố Osama Bin Laden đã bị tiêu diệt.
Ông Obama đã cẩn thận nói Mỹ không có chiến tranh với Hồi giáo và còn khen ngợi người tiền nhiệm G.W.Bush, nhưng các nhà quan sát đặt ngay câu hỏi là cái chết của trùm khủng bố sẽ làm thay đổi cảnh quan chính trị Mỹ ra sao.
Chính Tổng thống Obama là người đã ra lệnh cuộc tấn công để tiêu diệt trùm khủng bố và cuộc hành quân đã thành công. Đây là lợi thế của ông để đương đầu với bất cứ đối phương nào từ phía Cộng hòa. Nhưng không phải đây là tin sẽ bảo đảm cho ông Obma nhiệm kỳ hai. Tổng thống Bush (cha) được điểm số cao vời vợi sau chiến thắng ở trận chiến Vùng Vịnh năm 1991, nhưng lại thua tơi tả sau đó cũng vì vấn nạn kinh tế làm dân chúng âu lo.
Dù còn quá sớm để phỏng đoán cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ có ngã rẽ quan trọng ra sao trước biến cố lịch sử này, nhưng chắc chắn là tỷ lệ ủng hộ của dân chúng dành cho ông Obama sẽ nhảy vọt trở lại. Tổng thống Obama có thể khẳng định mình đã thực hiện được một “thành quả ngoại giao to lớn”, làm dịu đi nỗi bực dọc của dân chúng trong vài tháng qua về việc giá xăng tăng và kinh tế vẫn còn bị đình đốn.

Ai cũng tin Bin Laden đã chết?
Hàng trăm người New York đã kéo đến địa điểm mà trước đây tháp đôi tọa lạc, nơi mà từng làm chấn động thế giới trong vụ khủng bố 911, để vui mừng. Họ vẫy cờ Mỹ để mừng Osama Bin Laden bị giết.
Vui mừng khắp nơi nước Mỹ. Ngay cả cựu Tổng thống Bush cũng nhân dịp này đã lên tiếng: “Cuối cùng thì công lý cũng được thực hiện, dù sớm hay muộn”.
Các nước có phản ứng khác nhau trước cái chết của Obama Bin Laden. Nhưng không phải ai cũng tin là Bin Laden đã bị tiêu diệt.
Liệu đó có phải là Bin Laden không? Làm sao để nhận biết? Phim, ảnh chứng minh đâu? Những câu hỏi như thế này đang từ Pakistan lan đi. Không có những bức ảnh và thước phim chứng minh, nhiều người vẫn không tin Bin Laden đã chết.
Các quan chức Mỹ thì đang cố cân bằng những hoài nghi với độ nhạy cảm có thể bị châm ngòi khi những bức ảnh được công bố. Tuy nhiên, họ khẳng định sẽ sớm công bố những tài liệu này.
Theo tin mới nhất,CNN vừa công bố những hình ảnh đầu tiên về vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố của mạng lưới Al Qaeda. Đó là một đoạn phim do một người dân cung cấp.

Việt Hà
Tổng hợp
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top