Lây nhanh và chết chóc, Tử Thần Đen lan rộng hơn một dặm mỗi ngày

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Dịch hạch thời trung cổ đã nhanh chóng di chuyển khắp các tuyến đường giao thương châu Âu, giết chết một phần ba dân số và phá huỷ các cộng đồng dân cư dọc đường đi.

black-death-opener.jpg

Bức hoạ “Khải hoàn của tử thần” được Pieter Bruegel già vẽ năm 1562, minh hoạ ấn tượng sâu sắc còn lại trong tưởng tượng của người châu Âu về sức tàn phá xã hội của dịch bệnh và chiến tranh.
ẢNH CHỤP BỞI ORONOZ/ALBUM

Năm 1347, chiếc thuyền buồm thả neo tại cảng biển Địa Trung Hải đã vô tình làm bùng lên một trong những mầm bệnh có sức huỷ diệt nhất trong lịch sử. Được bốc dỡ cùng với hàng hoá và hành khách xuống tàu là những sinh vật vượt biên tử thần: những con chuột đầy bọ chét mang trong mình bệnh dịch hạch. Đó là một kịch bản đã tái diễn nhiều lần trên các cảng biển khắp châu Âu, và kết quả luôn luôn chỉ có một: bệnh tật, khổ đau và cái chết với quy mô thảm hoạ. Năm 1347-1351, châu Âu chìm trong đại dịch kinh khủng nhất mà vùng đất này từng hứng chịu: Ít nhất một phần ba người dân châu Âu đã tử vong bởi Tử Thần Đen.

1623662143101.png
Thiên thần và thánh Roch, vệ thần của những nạn nhân dịch hạch. Tượng điêu khắc thế kỷ 16.
ẢNH CHỤP BỞI ERICH LESSING/ALBUM


Phần lớn các sử gia đều đồng tình đó là bệnh dịch hạch, một căn bệnh do vi khuẩn gây ra thỉnh thoảng bùng phát lên ở Á-Âu. Cái gọi là dịch hạch Justinian đó đã phá huỷ đế chế Byzantine vào thế kỷ thứ 6, giết chết khoảng 25 triệu người. Sau Tử Thần Đen, dịch hạch tiếp tục công phá số lượng lớn người dân châu Âu, điển hình nhất là ở London năm 1665. Đại Dịch Hạch Thứ Ba, trận bùng phát lớn cuối cùng trên thế giới, bắt đầu từ giữa thế kỷ 19 và kéo dài tới tận thế kỷ 20.

Châu Âu thời trung cổ đành buông xuôi trước nhiều bệnh truyền nhiễm như kiết lỵ, cúm, sởi và bệnh phong cùi cực kì đáng sợ. Nhưng chính dịch hạch mới là căn bệnh đánh nốt nhạc kinh hoàng cao nhất vào tâm khảm người dân. Trong những năm đạt đỉnh, dịch hạch lan nhanh hơn, xa hơn và với tác động chết người nhiều hơn bao giờ hết. Ảnh hưởng của nó làm thay đổi hoàn toàn đời sống xã hội, kinh tế và tôn giáo của những người còn sống, để lại vết sẹo ý thức tập thể trên toàn lục địa. Nó tóm gọn lấy những nạn nhân với tốc độ báo động và sự tàn phá kinh hoàng của nó là vô phương cứu chữa. Không một ai an toàn vì dịch hạch hạ gục cả nông dân và hoàng tử, sự không phân biệt sang hèn ấy của nó đã gây tiếng vang lớn trong những ghi chép thời đó. Chẳng trách mà các biên niên sử gia thời trung cổ thường viết về dịch hạch với giọng điệu thậm xưng hay thậm chí là mạt thế.

Nhiều giải thích về dịch hạch được đề ra, hầu hết đều gói gọn trong những giả thuyết tôn giáo hoặc mê tín. Giả thuyết khoa học nhất được dựa trên y học Hy Lạp cổ điển, cho rằng dịch hạch là do “khí xấu”: Sự mục nát vô hình trong không khí toả ra từ những vật chất thối rữa và được con người hấp thụ qua hít thở hoặc qua tiếp xúc th.ân thể. Một số ghi chép còn cho rằng nguyên nhân là chiêm tinh học, đổ lỗi dịch hạch cho sự giao hội của các hành tinh, nhật thực, hay sao chổi xuất hiện. Các ghi chép khác thì trích dẫn những hiện tượng tự nhiên: núi lửa phun trào và địa chấn giải phóng ra loại khí chết chóc. Nhưng ngay cả những giải thích này cũng được đón nhận rộng rãi vì cùng có một nguyên nhân sâu xa: cơn thịnh nộ của thần linh trước tội lỗi của loài người.


1623662179668.png
Thần Chết bóp cổ một nạn nhân dịch hạch ở Stiny Codex, Praha thế kỷ 14.
W. FORMAN/SCALA, FLORENCE


Dấu hiệu và triệu chứng

Chỉ đến thời Đại Dịch Hạch Thứ Ba thì nguồn gốc siêu nhiên của dịch hạch mới bị bác bỏ hoàn toàn. Các nhà nghiên cứu đã có thể xác định mầm bệnh gây ra dịch hạch. Năm 1894, hai nhà vi khuẩn học là Kitasato Shibasaburo người Nhật và Alexandre Yersin người Pháp, đã đồng thời khám phá ra trực khuẩn của dịch hạch, hay còn gọi là vi khuẩn hình que.




DỊCH HẠCH 101
Dịch hạch là gì? Có bao nhiêu người đã chết vì Tử Thần Đen và những đại dịch hạch khác? Hãy tìm hiểu về loài vi khuẩn đứng sau căn bệnh dịch hạch này, cách thức các yếu tố như giao thương và đô thị hoá đã khiến dịch hạch lan rộng đến mọi lục địa, trừ Nam Cực, và ba đại dịch khủng khiếp đó đã giúp hình thành nên nền y học hiện đại thế nào.

Vi khuẩn đó về sau được đặt tên là Yersinia pestis, có trong những con bọ chét sống ký sinh trên chuột và các loài gặm nhấm khác. Trực khuẩn sinh sôi trong ruột của bọ chét. Khi cắn, bọ chét sẽ truyền trực khuẩn vào cơ thể gây lây nhiễm. Thông thường quá trình này diễn ra trong chu kỳ khép kín giữa bọ chét và loài gặm nhấm. Nhưng ở điều kiện thích hợp, vi khuẩn sẽ lan truyền với tốc độ có thể giết chết vật chủ loài gặm nhấm, buộc bọ chét phải tìm vật chủ thay thế, chính là con người. Như vậy, dịch hạch là căn bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dễ lây nhiễm là vì chuột bị thu hút bởi sinh hoạt của con người, đặc biệt là nguồn cung lương thực trữ trong các nhà kho, cối xay và trong nhà. (Ngày nay dịch hạch vẫn đang lây lan giữa những con sư tử núi ở Yellowstone.)

Vi khuẩn có thể hiện diện trong nhà người bệnh từ khoảng 16-23 ngày trước khi các triệu chứng đầu tiên của bệnh biểu hiện. Cái chết đến sau đó từ 3-5 ngày. Có lẽ phải mất một tuần nữa trước khi cộng đồng có thể nhận thức đầy đủ về mối nguy, nhưng lúc đó thì đã quá muộn. Các hạch trong hệ thống bạch huyết của bệnh nhân bị nhiễm khuẩn, sưng lên ở bẹn và nách. Đi kèm là nôn mửa, đau đầu và sốt rất cao khiến người bệnh rung rẩy dữ dội, chuột rút và trở nên mê sảng.


Tác động của dịch hạch

alfonso-xi.jpg

RẤT ÍT HOÀNG TỘC TỬ VONG
Trong khi hàng triệu người dân châu Âu chết vì dịch hạch, thì có rất ít hoàng tộc nhiễm bệnh. Năm 1348, Tử Thần Đen mang đi Leonora xứ Bồ, vợ của vua Aragon. Năm 1350, vua Alfonso XI xứ Castile chết vì dịch hạch trong lúc đang vây h.ãm pháo đài Gibraltar.
ẢNH CHỤP BỞI ORONOZ/ALBUM

cantigas-de-santa-maria.jpg

CHỈ TAY NĂM NGÓN
Ngày 14/5/1348, một đám rước tôn giáo ở Barcelona đã kết thúc bằng cuộc tấn công vào khu Do Thái. Cuộc thảm sát do các tu sĩ xúi giục, buộc tội người Do Thái đã đầu độc nguồn nước và thực phẩm, được cho là nguyên nhân gây ra những ca tử vong. Dịch hạch thường xuyên khuấy động chủ nghĩa bài Do Thái bằng bạo lực trên khắp châu Âu.
ẢNH CHỤP BỞI AKG/ALBUM

saint-roch.jpg

DỊCH HẠCH VÀ LÒNG MỘ ĐẠO
Nỗi sợ bị đoạ đày vĩnh viễn dưới hoả ngục đã thôi thúc nhiều người đổi ý ủng hộ nhà thờ. Những nỗ lực nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của Chúa đã làm giàu cho kho bạc của nhà thờ. Dịch bệnh cũng làm tăng sự cuồng tín thánh Roch và thánh Sebastian, cả hai vị thánh đều được coi là vệ thần quyền lực của những nạn nhân dịch hạch.
ẢNH CHỤP BỞI AKG/ALBUM

peasants.jpg

VÙNG QUÊ VẮNG VẺ
Dịch hạch đã gây ra thiệt hại nặng nề cho tầng lớp nông dân ở châu Âu. Đất đai từng trồng lương thực giờ bị bỏ lại để chăn thả gia súc. Giao thương len cừu bùng nổ ở Anh và các quốc gia khác là hậu quả trực tiếp từ sức tàn phá của dịch bệnh. Khan hiếm lao động giúp những người còn sống đòi trả lương cao hơn, đe doạ đến hệ thống phong kiến ở châu Âu.
ẢNH CHỤP BỞI ORONOZ/ALBUM

Tuyến bạch huyết bị viêm còn được biết đến rộng rãi là sưng hạch bạch huyết, nguồn gốc của thuật ngữ dịch hạch thể hạch. Nhưng đó chỉ là dạng phổ biến nhất của Tử Thần Đen, hai biến thể khác của dịch hạch cũng đang hoành hành. Dịch hạch thể máu lây nhiễm vào máu của nạn nhân, gây ra những mảng đen rõ rệt bên dưới bề mặt da, có lẽ vì thế mà nó có tên Tử Thần Đen. Dịch hạch thể phổi ảnh hưởng đến hệ hô hấp, khiến người bệnh ho – cơ chế hoàn hảo cho sự lây nhiễm qua không khí. Ở thời trung cổ, cả dịch hạch thể máu và thể phổi đều nắm chắc tỷ lệ tử vong 100%.

1623662865381.png

TỪ kh.oái lạc TRẦN THẾ ĐẾN ĐOẠ ĐÀY VĨNH VIỄN
Trước khi dịch bệnh xuất hiện, bức bích hoạ mô tả “Lời phán xét cuối cùng” đã được vẽ ở Pisa. Hình ảnh sống động của nó còn gây được tiếng vang lớn hơn khi Tử Thần Đen tàn phá thành phố nước Ý này.
ẢNH CHỤP BỞI ERICH LESSING/ALBUM

Lây lan chóng mặt

Tại châu Âu, Tử Thần Đen xuất hiện lần đầu tiên ở lưu vực Địa Trung Hải và lan toả đến hầu hết các ngóc ngách của lục địa này chỉ trong vài năm. Nhưng trận bùng phát ban đầu được cho là ở cảng Biển Đen xứ Caffa, giờ là Feodosiya, bán đảo Crimean. Năm 1346, Caffa là trạm mậu dịch thương mại quan trọng do những thương lái người Geneva điều hành. Năm đó, Caffa bị vây h.ãm bởi đạo quân Mông Cổ mà trong hàng ngũ của họ ngày càng có nhiều người mắc dịch hạch.

Khi căn bệnh lây lan, có một câu chuyện kể rằng, quân Mông Cổ đã cố tình ném những xác chết bị nhiễm bệnh qua tường thành. Dù khả năng cao hơn là vi khuẩn xâm nhập vào thành từ những con chuột mang bọ chét chạy lung tung giữa các lằn ranh vây h.ãm. Tuy nhiên, căn bệnh đã đến, khi thành phố nhận ra mình đang phải đối mặt với dịch hạch, những thương lái người Geneva đã hoảng sợ và tháo chạy, mang theo bệnh tật cùng họ đến nước Ý.

1623662900069.png

DỊCH HẠCH Ở ĐÔNG ÂU
Thành phố Praha là kinh đô của vương quốc Bohemia, nơi được cho là căn bệnh lây nhiễm chết người đã đặt chân lên đất liền từ vùng Bavaria của nước Đức láng giềng ở phía nam.
ẢNH CHỤP BỞI RAINER MIRAU/AGE FOTOSTOCK

Các sử gia và nhà khoa học không hiểu nổi bằng cách nào mà Tử Thần Đen có thể thống trị một vùng rộng lớn như vậy chỉ trong một thời gian ngắn. Một số người cho rằng biến thể dịch hạch chủ yếu là thể phổi chứ không phải thể hạch bởi vì truyền bệnh qua không khí có vẻ giúp nó lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, dịch hạch thể phổi giết người rất nhanh, chỉ trong vài giờ đồng hồ, đến mức thật ra nó lây lan rất chậm vì vật chủ hiếm khi sống đủ lâu để lây nhiễm cho nhiều người khác.

Phần lớn các bằng chứng cho thấy Tử Thần Đen là dòng dịch hạch thể hạch, lây lan rộng khắp bởi những con chuột đầy bọ chét trên tàu thuyền cũng như bọ chét trên cơ thể và quần áo của những người vượt đại dương. Trong kỷ nguyên của giao thương hàng hải ngày càng phát triển, thực phẩm và hàng hoá được chuyên chở ở khoảng cách xa hơn từ quốc gia này đến quốc gia khác, và những con chuột cùng vi khuẩn của nó cũng vượt đại dương cùng với họ, khoảng 24 dặm một ngày. Dòng chảy không ngừng của giao thông đường biển, đường sông và đường bộ giữa các trung tâm thương mại làm lây lan dịch hạch qua những khoảng cách rất lớn, được gọi là “nhảy vọt di căn.” Những thành phố thương mại lớn bị lây nhiễm đầu tiên, và từ đó, dịch hạch toả ra đến những đô thị và làng mạc lân cận, tiếp tục lây lan vào vùng nông thôn. Dịch hạch cũng được mang đi trên những con đường đầy ắp người hành hương thời trung cổ; ở những thánh địa đã trở thành những trung tâm phụ của việc truyền giáo trong khu vực, quốc gia và quốc tế.


1623662958656.png
Thiên thần chỉ tay về phía kẻ tội đồ – nạn nhân của dịch hạch (không có trong ảnh) trong một bức hoạ ở thế kỷ 15.
ẢNH CHỤP BỞI PRISMA/ALBUM

Ngay cả nếu không có sự giúp sức ấy, dịch hạch vẫn di chuyển trên đất liền khoảng hơn một dặm mỗi ngày trong điều kiện thích hợp. Ở những vùng rất lạnh và khô, dịch hạch lan chậm rồi dừng hẳn, lý giải cho nguyên nhân tại sao Iceland và Phần Lan là một trong rất ít những địa điểm thoát khỏi sự tàn phá của dịch bệnh. Một điệp khúc phổ biến ở các thành phố thời đó là: “Chạy đi, thật nhanh và thật xa, rồi sau đó hẵng trở về sẽ tốt hơn.” Đó là lời khuyên của những người có thể tháo chạy đến vùng nông thôn. Nhưng điều đó đã mang đến những hậu quả thảm khốc. Sơ tán không hẳn cứu được những người tháo chạy, vì một số người đã nhiễm bệnh hoặc đi cùng người mang bệnh. Tuy nhiên, tình trạng đó lại khiến dịch bệnh lây lan đến những nơi mới và thậm chí là hẻo lánh hơn khi người sơ tán tìm nơi an toàn ở những ngôi làng chưa nhiễm bệnh.

Số người tử vong

Các tính toán số người tử vong do Tử Thần Đen gây ra rất khủng khiếp và gây tranh cãi. Phần lớn đồng tình rằng dân số châu Âu khoảng 75 triệu người vào thời điểm trước đại dịch: Con số này sụt giảm xuống chỉ còn 50 triệu người vào những năm 1347-1351. Một số học giả cho rằng số người tử vong có thể cao hơn.

Sự suy giảm mạnh đó là hậu quả của chính căn bệnh và sự suy thoái xã hội lan rộng mà nó gây ra, cụ thể là những người tử vong để lại ruộng vườn và gia súc không ai trông nom và người nhà không ai chăm sóc. Ngay cả sau khi Tử Thần Đen tự dập tắt, các đợt bùng phát vẫn tiếp tục làm gián đoạn quá trình phục hồi dân số của châu Âu. Đến khoảng thế kỷ 16, dân số châu Âu mới bắt đầu tăng mạnh.

Tác động của thảm kịch là quá rõ ràng trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trong nhiều thập kỷ sau đại dịch, tiền lương tăng vọt do thiếu hụt nhân công số lượng lớn. Những vùng đất canh tác nông nghiệp rộng lớn biến thành đồng cỏ, và làng mạc bị bỏ hoang – khoảng một ngàn ngôi làng chỉ tính riêng ở Anh. Người dân chủ yếu di cư từ nông thôn ra những thành thị đã phục hồi tương đối nhanh và thổi luồng năng lượng mới vào thương mại. Những nông dân ở lại nông thôn có thể lấy đất hoang, làm tăng sức mạnh giai cấp nông dân có đất và thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Thật vậy, các sử gia cho rằng Tử Thần Đen đã mở ra một làn sóng cơ hội mới, tính sáng tạo mới và sự phát tài mới. Từ đó, nghệ thuật, văn hoá và các ý tưởng của thời kỳ Phục Hưng phát triển mạnh, khởi đầu châu Âu thời hiện đại một cách rõ rệt.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top