Lành mạnh hóa hôn nhân có yếu tố nước ngoài

hoaqn

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/2/2012
Bài viết
238
Làn sóng lấy chồng ngoại những năm gần đây không ngừng tăng nhanh. Tuy nhiên, phần lớn trong “trào lưu” trên chỉ vì mục đích kinh tế, nhận thức sai lệch này đã đẩy không ít chị em lâm vào hoàn cảnh trớ trêu. Do đó, cần lành mạnh hóa hôn nhân có yếu tố nước ngoài để chị em không “nhắm mắt đưa chân”, chấp nhận “đánh cược” đời mình bằng những cuộc hôn nhân bất hợp pháp.

ThumbnailSizeOrigin.aspx
Cần ngăn chặn môi giới hôn bất hợp pháp để lành lạnh hóa hôn nhân có yếu tố nước ngoài (Ảnh: Một vụ xem mặt, chọn vợ phi pháp bị bắt)
Chỉ hơn 7% lấy chồng vì tình yêu
Thống kê của Bộ Công an cho biết, cả nước hiện có khoảng 272.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với công dân của hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó tập trung đông ở Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Hàn Quốc…
Kết quả nghiên cứu về tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài – những tác động xã hội và những giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, lệch lạc và làm lành mạnh hóa tình trạng nói trên của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (thuộc Bộ LĐ,TB&XH) cho thấy, chỉ có hơn 7% chị em lấy chồng ngoại vì tình yêu, 93% số còn lại lấy chồng nước ngoài vì nhiều lý do khác nhau.

Báo cáo tổng kết mô hình giảm thiểu tiêu cực tình trạng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài của Bộ VHTTDL cũng cho thấy, đa số phụ nữ Việt lấy chồng ngoại là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn (60,1%); 30,1% thuộc gia đình có điều kiện kinh tế trung bình; 6,8% thuộc trung bình khá và 1,6% thuộc gia đình khá giả.
Theo khảo sát của Viện Khoa học, Lao động và Xã hội, trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật của phụ nữ lấy chồng ngoại rất thấp, trình độ từ tiểu học trở xuống chiếm gần 56%, 86,4% chị em chưa qua đào tạo nghề.

Trong khi đó, trình độ của chú rể khi kết hôn khá cao so với trình độ của cô dâu, chỉ có 24,2% chú rể chưa qua đào tạo nghề, không có trình độ chuyên môn; hầu hết chú rể đều có việc làm ổn định, 96% có việc làm. Trình độ văn hóa thấp nên nhiều chị em chưa nhận thức đúng đắn về hôn nhân và gia đình, dễ bị lôi cuốn vào trào lưu “sính ngoại”.
Lợi dụng đặc điểm trên, nhiều đối tượng ngoài nước cấu kết với những cò mồi trong nước dẫn dắt, hình thành những đường dây xem mặt, chọn vợ phi pháp. Không ít phụ nữ nông thôn đã “nhắm mắt đưa chân” đến những cuộc hôn nhân bất hợp pháp, kết quả của những cuộc hôn nhân trên là sự vỡ mộng, hôn nhân đổ vỡ, bị ngược đãi, thậm chí bị đánh đập đến thương tích…

Viện Khoa học, Lao động và Xã hội cho biết, gần 60% các cuộc hôn nhân là qua hệ thống môi giới bất hợp pháp, do dễ tiếp cận, thủ tục đơn giản, nhanh chóng… Thực trạng trên sẽ để lại nhiều tác động tiêu cực đến gia đình và xã hội.

Phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng
Hôn nhân đổ vỡ, chị em quay về nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, nan giải nhất là vấn đề tái hòa nhập với gia đình và xã hội. Vì mặc cảm với làng xóm, nhiều chị em tìm cách mưu sinh ở nơi khác để che đi quá khứ đau thương, đồng thời tìm cơ hội xây dựng lại gia đình mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được cuộc sống mới, một số chị em bị lôi kéo vào con đường mại dâm, ma túy…

Do đó, một trong những giải pháp căn cơ là phát huy vai trò của gia đình và cộng đồng, để gia đình vừa là “tấm chắn” ngăn ngừa trào lưu lấy chồng ngoại, vừa là tổ ấm tiếp nhận chị em lỡ bước trở về. Đồng thời phải ngăn chặn và đẩy lùi nạn môi giới hôn nhân bất hợp pháp.

Theo Bộ LĐ,TB&XH, ngoài những giải pháp về kinh tế, văn hóa – xã hội, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hôn nhân và gia đình, truyền thông giáo dục… Cần phát huy vai trò và trách nhiệm của gia đình, nếp sống và gia phong của mỗi nhà, của dòng họ để hình thành nhân cách của con cái. Trang bị cho con em mình sự hiểu biết, bản lĩnh sống; nhất là trang bị cho các chị em kiến thức về hôn nhân và gia đình, phong tục, văn hóa phía nhà chồng trước khi có ý định kết hôn.

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 18 Trung tâm hỗ trợ kết hôn, giúp cho chị em cân nhắc kỹ trước khi quyết định lấy chồng nước ngoài, đồng thời tư vấn cho chị em có những kỹ năng cần thiết trước khi về làm dâu xứ người. Bên cạnh đó, đã có nhiều trường hợp thay đổi ý định và xin rút hồ sơ, quyết định không lấy chồng ngoại.

Điển hình là tại Trung tâm hỗ trợ kết hôn TP.HCM, sau khi tư vấn đã có gần 500 trường hợp xin rút lại hồ sơ. Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm còn lúng túng, do đó, Trung ương Hội đề xuất thành lập “Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình” thay cho Trung tâm hỗ trợ kết hôn, nhằm tạo điều kiện để Trung tâm nói trên hoạt động ở nhiều nội dung liên quan chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Qua đó, từng bước hạn chế tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, góp phần làm lành mạnh hóa hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Theo baovanhoa​
 
×
Quay lại
Top