Lặng yên nghe hạnh phúc

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Nắng chiều cuối thu dần tắt, tiếng chuông gió thì thầm vào tai tôi những thanh âm của một bản nhạc ấm áp. Tôi đang dựa vào hư không, mơ giấc mơ của một đứa trẻ mà ở đó người ta cứ mỉm cười im lặng ngồi cạnh nhau. Điều gì đó, thắp lên mặt trời thứ hai, trong tim tôi.


Chiều tắt dần sau lớp bụi đường thành phố. Nắng đục ngầu bởi thứ không khí ngột ngạt người ta thường ngày vẫn hít vào thở ra. Ông tôi ngồi dưới mái hiên nhà cũ kĩ rồi nhìn xa xăm đã cả tiếng đồng hồ cứ như thể người già là những người cô độc nhất thế gian. Và những suy nghĩ của họ cứ liên tục vào ra bằng cách trầm ngâm dài dài như vậy.

Tôi rất ít khi nói chuyện với ông chỉ là tan học rồi chạy tới nhà ông để đợi mẹ đi làm về ghé qua đón. Cứ ngồi như vậy trong sự im lặng và hít hà cái hơi phả ra từ ấm thuốc bắc đặt ngoài hiên, ngắm nhìn mọi thứ quen thuộc ngày qua ngày đến phát chán. Ông từng hỏi tôi:

“Cháu có thấy ngoài kia người ta ồn quá không?”

Khi đó, tôi thật sự chẳng hiểu ý ông là gì, chỉ gật đầu đại rồi hỏi:

“Sao ông lại có thể trật tự lâu như vậy?”

Ông xoa đầu tôi, mỉm cười:

“Làm nhiều rồi quen.”

Dù sao thì cũng là câu chuyện cách đó đã khá lâu. Lúc này, mặt trời chỉ còn lộ một nửa, nửa còn lại đã bị các tòa nhà phía xa nuốt trọn. Ông kéo tay tôi trở vào nhà trong cái nắng chiều chẳng mấy ấm nóng của mùa đông. Tôi ngồi trên chiếc ghế dài, lấy hai tay ôm rồi xoay tách trà nóng trước mặt. Ông thì đã rót liên tục vào tách của mình không biết bao nhiêu lần rồi nữa. Mẹ tôi bảo ông thích uống trà hoa nhài, tôi thì thấy ông không chỉ thích mà còn không uống thứ nước nào khác ngoài nó.

Trời nhá nhem tối, mẹ đứng trước hiên nhà ông gọi lớn tên tôi. Ngay lúc đó, tôi cầm lên tách trà nguội hẳn uống liền một hơi. Ông nhìn tôi: “Đừng uống như vậy!”. Tôi chỉ biết gật đầu rồi chào ông. Có lẽ, đã không định nói gì, nhưng sau cùng ông lên tiếng cùng lúc với khi tôi quay đầu lại và định chạy liền một mạch,

“Về đi! Mai ông dẫn tới một nơi".


lang-yen-nghe-hanh-phuc.jpg


Tôi chưa kịp hỏi thêm câu nào thì mẹ đã ngó vội qua mấy thanh chắn cửa, chào ông rồi kéo tay tôi.

“Hôm nay trời có vẻ lạnh hơn.” Mẹ tôi vừa nói vừa siết chặt tay tôi. Tôi tự hỏi trong đầu, liệu thời tiết còn phải lạnh như thế nào nữa thì học sinh tiểu học mới được nghỉ? Thế rồi, bỗng chốc trong tôi không còn lởn vởn những suy nghĩ về ngày mai sẽ được ông dẫn tới đâu.

Suốt ngày hôm sau, mưa bụi cứ kéo dài như những dòng chữ mà ông tôi thi thoảng vẫn viết trong cuốn sổ dày, cũ kĩ cất ở góc ngăn kéo trên cao. Tôi cứ nghĩ mãi về nó như thể những dòng chữ đang rơi hoài trên chiếc ô suốt đoạn đường mà hai ông cháu cùng đi. Ông dừng lại, thục tay vào túi áo khoác dài lấy ra mấy tờ tiền lẻ đưa cho bà cụ khốn khổ ngồi lề đường. Tôi nhìn ông rồi nhìn phía trước, con đường mưa giăng trắng xóa, ngọn đèn vàng trước cửa tiệm tạp hóa sau lưng mờ dần.

“Hôm nay lạnh quá ông nhỉ?”

“Ừ! Họ cũng đang rất lạnh.”

Ông tôi vừa nói, vừa đưa mắt dọc những vỉa hè. Bên ngoài chiếc ô của chúng tôi, trước những ngôi nhà lớn sáng đèn ấm áp. Có những trái tim lạnh giá khẽ rung lên.

Chúng tôi quẹo trái vào một con hẻm nhỏ ẩm ướt. Thi thoảng lại có tiếng rao của những người bán bánh khúc nóng, tiếng ai đó cười nói ồn ào. Những chuỗi âm thanh liên hồi không dứt như thể chỉ để chứng tỏ sự tồn tại của họ ở đây. Dừng trước một cánh cửa gỗ nhỏ, ông không gõ cửa mà cứ vậy mở ra. Đi qua khoảng sân trống âm u, tiếng chuông gió khẽ rung lên như thể đang cố gắng làm đóng băng không gian xung quanh tôi vậy.

Trời tối rất nhanh, ngôi nhà lạnh lẽo bởi chỉ có chút ánh đèn mờ nơi căn phòng nhỏ bên phải khẽ hắt ra leo lắt. Tôi bỏ giày rồi bước lên hiên nhà, chạm tay vào chiếc chuông gió thích thú. Ông vội kéo tay tôi, bật sáng đèn ngoài hiên và phòng khách rồi gọi lớn:

“Bà đang nằm nghỉ ở trong phòng hả?”.

Đèn phía bên trong căn phòng kế bên bừng sáng ấm áp hơn hẳn. Cửa mở, bà cụ với những nếp nhăn chùng xuống trên khuôn mặt. Không hiểu sao tôi luôn có cảm giác là mình đã bắt gặp gương mặt ấy ở đâu đó từ rất lâu rồi. Có khi, là từ kiếp trước cũng nên. Ông ra hiệu để tôi theo ông vào trong. Căn phòng không có nhiều đồ đạc, ngoài chiếc gi.ường đơn và một giá sách nhỏ ra còn lại chỉ là mấy giỏ đan thủ công đựng đồ cũ kĩ.

Chúng tôi bắt đầu cuộc trò chuyện. Ông không hỏi nhiều lắm, chỉ là một vài câu về sức khỏe và con cái. Nhưng khi ấy, điều lạ lùng duy nhất mà tôi thấy là ông tôi hỏi và bà thì chỉ gật đầu và không nói gì thêm nữa. Rồi hai người nhìn sang tôi, ông vỗ vai mỉm cười và nói lớn:

“Cháu ngoại tôi đấy, bố mẹ nó rất bận nên tôi nhận giữ nó vào mỗi buổi chiều tối.”

Bà cụ lại cười, nụ cười ấy cũng rất thân quen. Có lẽ, người già họ cùng mang trong mình những điểm chung mà một đứa trẻ thì chẳng thể biết nó được gọi là gì, thế nên, cử chỉ hay nét mặt luôn có chút na ná nhau là vậy. Tôi bỏ tay ông ra và nói:

“Cháu cũng 8 tuổi rồi, chỉ là mẹ luôn cảm thấy không yên tâm.”

Bà cụ đặt vào tay tôi một tờ giấy bên trong có ghi dòng chữ:

“Cảm ơn vì đã tới đây.”

Tôi đưa tờ giấy đó cho ông, lí nhí:

“Bà không thể nói được ạ?”

“Vậy thôi, chúng tôi phải về”

Ông vội vã.

Ngoài trời, mưa không còn rơi nữa. sương trùng xuống như thể muốn nhấn chìm cả thế giới bằng chỉ một màu trắng lờ nhờ trong bóng tối. Gió rít từng hồi. Chuông gió lại reo gửi những thông điệp đầu mùa đóng băng trong những lớp âm thanh thầm kín..

“Gió đang nói gì vậy ông?”

Ông buộc lại dây dày, kéo tôi đi.

Ngoái lại nhìn chiếc chuông,

“cháu muốn có một cái như thế!”

Tôi vùng vằng.

“Gió nói là nó đang rất lạnh, cháu có đang lạnh không?”

Chúng tôi ra khỏi con hẻm nhỏ, bỏ mặc những tiếng rao; tiếng người cười nói và tiếng gió rít lớn phía sau lưng.

“Bà ấy không thể nói chuyện được hả ông?”

“Tại sao cháu lại hỏi thế?”

“Cháu chỉ muốn và hỏi như vậy thôi.”

“Nghe này, nếu có thể làm cho người khác hiểu được mình đang muốn nói gì thậm chí là đang nghĩ gì mà không cần nói ra thì không cần phải ồn ào hơn nữa.”

Đầu óc của một đứa bé 8 tuổi đâu thể nghĩ ngợi gì nhiều sau một câu nói dài như thế. Tôi kéo tay ông,

“Mình về nhanh thôi, mẹ cháu đang đợi.”


Tôi chưa từng có cơ hội được trò chuyện đúng nghĩa với bà cụ lần hai (ý tôi là có thể qua ông tôi hay những mẩu giấy nhắn). Hai tuần sau buổi tối hôm ấy, bà cụ mất. Hôm tang lễ của bà, tôi cũng có mặt. Và đó là lần đầu tiên tôi tự ý nghỉ học mà mẹ không hề biết. Ngày hôm đó, trời nắng, tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của mấy vệt nắng tròn xuyên qua những tán cây và rơi xuống chiếc áo len tối màu của tôi.

Mấy hôm sau, không hiểu thứ sức mạnh ghê gớm nào, có lẽ là thuộc về vô thức đã đưa tôi một mình trở lại nhà bà cụ. Tôi cứ ngồi mãi dưới mái hiên ấy, nghe âm thanh phát ra khi gió mạnh chạm vào chiếc chuông. Cho đến khi, ông tôi tới.Và rồi chúng tôi ngồi bên nhau. Khi trời chuyển dần sang đêm, im lặng mỏng manh như những quả bóng xà phòng đang bay lơ lửng, mỗi giây trôi qua lại mỏng dần và rồi mọi va chạm ngay cả với không khí cũng đủ làm nó vỡ tung.

“Ông buồn lắm phải không?”

“Buồn vì điều gì?”

“Người ta luôn thấy buồn khi bạn của mình không còn nữa.”

Ông ngồi lại gần tôi hơn, “Tại sao lại phải buồn chứ?”

“Vì sẽ không thể gặp lại họ nữa.”

“Cháu có thấy cuộc sống này rất tươi đẹp không?”

Tôi gật đầu, rồi ông nói tiếp:

“Cái chết là một phần của cuộc sống, ông biết cháu sẽ chẳng thể hiểu được nếu ông cứ cố giải thích dài dòng. Chung quy lại, nó chỉ là một cái kết hạnh phúc sau tất cả chuỗi ngày đầy những buồn vui mà bất cứ ai, sau cùng, cũng cần phải chấp nhận.”

“Cuộc sống sau cái chết sẽ ra sao hả ông?”

“Chẳng sao cả; nhưng rất có thể, nó sẽ rất nhẹ nhõm và bình yên.”


Chưa đầy một năm sau, ông tôi mất. Khi đó, tôi là một đứa bé 9 tuổi, chẳng thể biết gì là mất mát, buồn tủi đến cùng cực. Chỉ là, cứ thế nước mắt tôi chảy ra tự nhiên như chính cách mà ông rời khỏi cuộc sống này. Chẳng chút đớn đau, bi lụy hay tiếc nuối. Ông nói với tôi:

Ông đến đây và được dạy để trở thành một người cháu, một người cha rồi một người ông, có lẽ đến lúc này ông đã hoàn thành xong mọi thứ dù chẳng hề xuất sắc và biết mình không thể ở đây để được dạy thêm bất kỳ điều gì nữa.

Ông đã chấp nhận nó- cái chết, như thể đó là điều tự nhiên nhất của cuộc đời mình. Tôi ôm cuốn sách dày của ông đưa mẹ, nó được chôn cùng ông. Sẽ chẳng ai có thể biết được thứ gì được viết bên trong. Phải chăng đó là cả cuộc đời của ông tôi.

Hơn 10 năm sau, gia đình tôi vẫn giữ căn nhà của ông ngoại như gìn giữ một kỉ niệm. Thi thoảng, cả nhà vẫn ghé thăm, nó đã quá cũ để ở. Vào một ngày tháng 10, chúng tôi dọn dẹp để sửa sang. Tôi luôn có cảm giác, nơi đây, tách biệt hẳn với cuộc sống bụi bặm ngoài kia, yên bình hệt như những ngày tôi còn nhỏ, chẳng chút đổi thay. Mặc cho chỉ cần bước ra ngoài cánh cổng ấy mọi thứ lại trở về với một guồng quay khác.


lang-yen-nghe-hanh-phuc-2.jpg


Tất cả đồ đạc được chuyển tạm về ngôi nhà mà chúng tôi đang sinh sống. Chiều hôm đó, tôi và mẹ ở lại thu dọn một vài thứ còn lại. Trong những chiếc thùng gỗ lớn cũ kĩ, chúng tôi tìm thấy những tấm ảnh mẹ và ông tôi chụp chung từ trước khi mẹ lấy bố tôi, có cả ảnh tôi còn bé nữa. Mẹ tiến lại gần và vỗ nhẹ lên vai tôi:

“Không phải quà của ông tặng con đây sao?”

Tôi quay lưng lại, nhận từ tay mẹ hộp quà được gói bằng thứ giấy màu mà thời kì đó khá phổ biến.

“Có thể là cho mẹ.” Tôi nói.

Vẻ mặt mẹ tôi nghi ngờ:

“Ông chẳng bao giờ tặng quà cho mẹ cả, con mở thử xem sao.”

Tôi xé bỏ giấy gói và mở nó ra.

“Là của con!”

Tôi reo lên sung sướng như một đứa trẻ nhận được món đồ chơi mà mình đã chờ để được có nó suốt một thời gian dài.

Tôi lấy chiếc chuông gió và mảnh giấy cũ đã chuyển màu vàng ra.

“Con đã muốn có một cái như thế này!”

“Trong tờ giấy viết gì vậy?”, mẹ tôi thắc mắc.

“Cảm ơn vì đã tới đây!”

Nắng chiều cuối thu dần tắt, tiếng chuông gió thì thầm vào tai tôi những thanh âm của một bản nhạc ấm áp. Trong vô thức, tôi trở về là một đứa trẻ ngồi im lặng bên ông ngoại hồi lâu, rồi lại là tôi bắt đầu cuộc trò chuyện:

“Màu của hạnh phúc là gì hả ông?”

“Có thể là bất kỳ màu gì mà cháu thấy.”

“Tất cả sao?”

“Ừ! Ngày cả khi chúng ta cảm thấy tuyệt vọng nhất, hạnh phúc vẫn tồn tại.”

“Ngoài kia… người ta ồn quá ông nhỉ…”

Chiều đã tắt, tôi đang dựa vào hư không, mơ giấc mơ của một đứa trẻ mà ở đó người ta cứ mỉm cười im lặng ngồi cạnh nhau. Điều gì đó, thắp lên mặt trời thứ hai, trong tim tôi.

Theo Cafe blog
 
1 câu truyện rất là hay cảm ơn bạn đã chia sẻ cho mình và mọi người cùng được biết hé
 
×
Quay lại
Top