Làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu)

honeysuckle93

Thành viên
Tham gia
16/6/2012
Bài viết
9
SỨC HẤP DẪN NỮ TÍNH CỦA HÀN LƯU
(LÀN SÓNG VĂN HÓA HÀN QUỐC)
Ở ĐÔNG NAM Á

PGS.TS. PHAN THỊ THU HIỀN
Khoa Văn hóa học – ĐH KHXH&NV
Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh
Báo cáo đã trình bày và in kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế Hàn Quốc học ở Đông Nam Á, tổ chức tại ĐHTH Chulalongkorn, Bangkok, Thailand, 10/2008.
Thuật ngữ Hàn lưu (Hallyu – Korean wave), với hàm nghĩa về sự lan rộng ảnh hưởng văn hóa Hàn Quốc, xuất hiện lần đầu tiên là trên báo chí Trung Quốc vào khoảng giữa năm 1999 khi các ký giả đề cập sự lôi cuốn mạnh mẽ giới trẻ nước này của những ban nhạc Hàn Quốc như Clone, H.O.T. Thực tế thì làn sóng văn hóa Hàn Quốc đã bắt đầu từ năm 1993, với thành công vang dội chưa từng có của bộ phim Hàn, Jiltu (Jealousy), ở Fukuoka, Nhật Bản, mở ra một thời kỳ mới châu Á bị điện ảnh, rồi sau đó là những sản phẩm văn hóa khác của Hàn Quốc chinh phục, dần dà phát triển sự quan tâm, hứng thú, say mê đối với hình tượng Hàn Quốc nói chung. Thành công của bộ phim Bản tình ca mùa đông (Winter Sonata) năm 2003 được xem như cái mốc đánh dấu giai đoạn thứ hai, phát triển hơn về chiều sâu, của Hàn lưu ở châu Á.
Hàn lưu ảnh hưởng đến Đông Nam Á tương đối muộn hơn so với Đông Á, đặc biệt nổi bật từ làn sóng thứ hai, và lan rộng tới hầu khắp các nước trong khu vực: Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippin, Campuchia. Ảnh hưởng của Hàn lưu ở Đông Nam Á có những đặc điểm riêng cần nghiên cứu bởi lẽ điều này sẽ tăng cường hiểu biết văn hóa đương đại của cả Hàn Quốc lẫn các nước Đông Nam Á, giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi văn hóa giữa hai bên. Trong khi ảnh hưởng của Hàn lưu ở Đông Á đã được quan tâm nghiên cứu chu đáo cả từ phía các học giả Hàn Quốc lẫn các nhà học giả Nhật Bản, Trung Quốc thì vấn đề ở Đông Nam Á hầu như chưa được chú ý chuyên sâu.
Báo cáo của chúng tôi tập trung tìm hiểu sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu ở Đông Nam Á. Hiện tượng ở châu Á, Hàn lưu thu hút chủ yếu các khách hàng, fan hâm mộ nữ giới đã được một số ký giả, một số nhà thống kê xã hội học đề cập. Tuy nhiên, chúng tôi không chỉ dừng ở khía cạnh nữ giới mà muốn phân tích sức hấp dẫn nữ tính với nội hàm ngữ nghĩa sâu rộng hơn, “nữ tính” thuộc phạm trù của “âm tính” trong cặp đôi nguyên lý Âm – Dương (Yin - Yang).

Âm
Dương
Nữ
Nam
Già
Trẻ
Đại chúng
Tinh hoa
Phương Đông
Phương Tây
Truyền thống
Hiện đại
Văn hóa (Tinh thần, Đạo đức…)
Văn minh (Vật chất, Công nghệ)
Bảo lưu
Cải cách
Tình cảm
Lý trí
Cái bình dị, cái quen thuộc, gần gũi
Cái khác thường, phi thường, cái “xứ lạ”

Vận dụng phương pháp hệ thống – cấu trúc, chúng tôi phân tích Hàn lưu như một hiện tượng của Văn hóa đại chúng với tư cách hệ thống bao gồm nhiều thành tố tương thuộc (người quản lý, người sản xuất, người hưởng thụ, sản phẩm) và Văn hóa đại chúng, đến lượt mình lại trở thành một bộ phận của những hệ thống lớn hơn như văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực, văn hóa thế giới.
Vận dụng phương pháp hệ thống – liên ngành, chúng tôi huy động những tri thức, phương pháp của nhiều chuyên ngành liên quan (lịch sử, đạo đức, xã hội học, văn hóa học, kinh tế học…) trong xem xét những phương diện khác nhau của Hàn lưu.
Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu ở Đông Nam Á có thể được làm sáng rõ trong so sánh, một mặt là với ảnh hưởng của Hàn lưu ở các khu vực khác (Đông Á, Tây Á, Nam Á), mặt khác là với ảnh hưởng của các làn sóng văn hóa ngoại sinh khác (văn hóa đại chúng Mỹ, văn hóa đại chúng Nhật / Nhật lưu – Illyu…) ở khu vực Đông Nam Á.
I. Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu ở Đông Nam Á – Những biểu hiện
1. Tỉ lệ cao của những khách hàng, người hâm mộ nữ giới
Trong khi văn hóa đại chúng Mỹ và Nhật nhắm tới những người trẻ tuổi (trẻ vs. già) thì đối tượng của Hàn lưu lại là phụ nữ (nữ vs. nam), từ lứa tuổi teen, có học cho đến cả lứa tuổi 40-50, tương đối bảo thủ. Khắp châu Á, người tiếp nhận, thụ hưởng, say mê Hàn lưu chủ yếu là nữ giới. Khán giả nam hầu như không mê man trước phim truyền hình Hàn Quốc – được gọi là “phim của những bà nội trợ” (dù một vài bộ phim như Vợ tôi là gangster có thể hấp dẫn cả hai giới).
Các fan nữ Đông Nam Á dường như “cuồng nhiệt” hơn ở những khu vực khác. Kể về chuyến sang Việt Nam lần đầu tiên của mình vào năm 1998, ngôi sao Jang Dong Gun bảo anh thực sự shock khi hàng ngàn phụ nữ đứng đón anh ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) và bám theo xe anh về tận khách sạn. Ở Thái Lan, sau chuyến lưu diễn ngày 2 và 3 tháng 6 năm 2007 của Bi – Rain, khách sạn Pathumwan Princess đã đầu tư đến 5 tỉ Bath tân trang căn phòng siêu sao từng ở cho những fan nữ thuê với giá 100.000 để được chạm vào những gì Rain đã động đến.
2. Những nhà quản lý, nhà sản xuất của Hàn lưu chủ tâm nhằm tới khách hàng nữ giới
Một trường hợp điển hình là Lee Soo Man, người sáng lập Công ty giải trí SM, người tạo tác nhiều ngôi sao Hàn nổi tiếng. Ông đã bắt đầu sự nghiệp thành công của mình bằng việc cho tiến hành điều tra xã hội học rộng lớn tìm hiểu những gì mà nữ (chứ không phải nam) tuổi teen yêu thích ở các nhóm nhạc và với những thông tin có được, ông bắt đầu quá trình tạo dựng các ngôi sao.
Sao Hàn thường là những chàng trai xinh đẹp, vào những vai diễn có tính cách ngọt ngào, say đắm, lãng mạn với những mối tình vô điều kiện. Những nhân vật như vậy xuất hiện khi mà phụ nữ châu Á đã chán những nam nhân vật mạnh mẽ, bạo liệt trong những phim hành động, phim chiến tranh hay có màu sắc võ sĩ đạo của Mỹ và Nhật.
Những nhà quản lý, nhà sản xuất còn thường xuyên chăm lo tổ chức những chuyến thăm, biểu diễn, quảng cáo, tiếp thị của sao Hàn tới các nước châu Á. Điều này gần như không có đối với trường hợp của Mỹ, còn Nhật thì mãi về sau, khi Hàn lưu đã chuyển sang làn sóng thứ hai rất lâu rồi, Nhật mới thực hiện và thực hiện cũng không dày đặc, hoành tráng và ấn tượng như Hàn. Những đại sứ / phát ngôn viên của Hàn lưu tới Đông Nam Á chủ yếu là các sao nam. Ở Nhật Bản, BoA, “nàng công chúa nhạc Rock” được mê đắm ngang ngửa với Bi – Rain. Nhưng ở Đông Nam Á thì các fan của Hàn lưu, nhìn chung, ngưỡng mộ sao nam hơn sao nữ. Khi nhóm nhạc nữ Baby V.O.X. Re tới Việt Nam, sự thu hút của các show diễn của họ không sao có thể so sánh với Rain hay Kangta. Chuyến thăm của Jang Nara chỉ tạo nên vài xao động quá nhẹ nhàng so với những chấn động của Jang Dong Gun.
3. Những sản phẩm văn hóa của Hàn lưu với sức chinh phục nữ tính
a. Phim Hàn (K’movie)
Cũng như ở các khu vực khác của châu lục, ở Đông Nam Á, phim truyền hình đã giữ vai trò tiên phong, dẫn đầu trong việc tạo nên Hàn lưu. Vai trò như vậy đối với Nhật lưu (Illyu – Japanese wave) lại thuộc về truyện tranh manga và phim hoạt hình.
Hai loại tiêu biểu của phim truyền hình Hàn là phim tình cảm (melodrama, kiểu Bản tình ca mùa đông, Chuyện tình ở Paris…) và phim truyện lịch sử / giả cổ (Daejanggeum, Jumong…). Chủ yếu gắn với những câu chuyện gia đình, liên quan đến cuộc sống thường nhật, cốt truyện phim Hàn đem lại một giọng điệu quen thuộc. Điều này tương phản với phim Mỹ, nhiều tác phẩm hấp dẫn nhờ thể phim giả tưởng, phim hình sự, trinh thám có cốt truyện giật gân, trì hoãn và giữ bí mật.
Điện ảnh Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ cũng có thể có nhiều phim phản ánh một cách hiện thực chủ nghĩa những mối tình, những quan hệ cá nhân nhưng không nhiều tác phẩm cùng tô đậm tình yêu chân thành, lãng mạn, quên mình, sự chung thủy, cao thượng như điện ảnh Hàn. Trong khi phim các nước khác có thể không ngần ngại thể hiện những khía cạnh tiêu cực trong đời sống gia đình hay xã hội thì phim Hàn tập trung vào những quan hệ ấm áp giữa người và người trong một xã hội đầy quan tâm, yêu thương và khoan dung.
Ít bạo lực và ít gợi dục hơn nhiều so với phim Phương Tây, phim Hàn phù hợp với những giá trị truyền thống của châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
Có xu hướng kết thúc có hậu, thiện thắng ác, phim Hàn có vẻ đơn giản nhưng chính giá trị đạo đức của nó đã hấp dẫn người dân châu Á, cả cư dân Đông Á vốn chia sẻ những nguyên lý Khổng tử lẫn cư dân Đông Nam Á vốn tin tưởng sâu sắc Nghiệp báo Luân hồi do ảnh hưởng của Phật giáo, Hindu giáo.
Đáp ứng những nhu cầu tình cảm con người trong thời đại của công nghệ và kinh tế thị trường, phim Hàn có thể lay động trái tim mọi thế hệ, trẻ cũng như già, bất kể những khác biệt bối cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, tôn giáo… giữa họ.
Một điểm khác cũng rất đặc trưng là sự đan dệt vào câu chuyện những cảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc lâu đời (làng quê, nhà cửa, trang phục, ẩm thực, y học cổ truyền…) đồng thời với những cảnh về đời sống văn minh, kiểu phương Tây (đô thị, thời trang, tiện nghi sang trọng…). Hình ảnh một Hàn Quốc vừa hiện đại vừa truyền thống như thế thêm giá trị tri nhận cũng như giá trị thẩm mỹ cho phim Hàn. Nhiều khán giả Đông Nam Á khi trả lời phỏng vấn đã bày tỏ rằng họ say mê phim Hàn vì thấy đẹp hơn, mô tả cuộc sống sinh động hơn so với phim Nhật hay Trung Quốc.
b. Nhạc pop Hàn Quốc (K’pop)
Nhạc pop Hàn Quốc là sự sáng tạo lại nhạc pop Mỹ và Nhật nhưng mang thêm nét trữ tình, sự gợi cảm riêng bắt nguồn từ truyền thống của một dân tộc yêu âm nhạc và ca hát. Ngày nay, người Hàn Quốc vẫn thường vừa hát vừa múa nhảy rất say mê và tự nhiên ngay trên những chuyến xe du lịch. Nhạc pop Hàn Quốc kết hợp những thành tố thính giác và thị giác, tiết nhịp sôi động, vũ điệu đầy phong cách và phấn khích, ca từ nồng nàn, tha thiết đồng thời tự do, phóng khoáng, do đó, dễ dàng hấp dẫn quần chúng, nhất là giới trẻ.
Khán giả Đông Nam Á còn đặc biệt say mê “Cookin’ Nanta” – một show biểu diễn âm nhạc cực kỳ ấn tượng, kết hợp phong cách biểu diễn hiện đại Phương Tây với hình thức Samul Nori của Hàn Quốc cổ truyền, nơi những dụng cụ nhà bếp dung dị, đời thường trở thành nhạc cụ; các nhạc công hiện ra trong hình ảnh những người đầu bếp yêu đời, hóm hỉnh. Nanta đến Việt Nam 2 lần (2004 và 2006), lần nào cũng trở thành những sự kiện âm nhạc khuấy động, cả thành phố Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội.
4. Kiểu thức nữ tính trong tiêu thụ những sản phẩm “made-in-Korea”
Niềm say mê nồng nhiệt đối với văn hóa Hàn Quốc do Hàn lưu mang lại trải rộng từ những sản phẩm mang nội dung như phim, nhạc đến những sản phẩm tiêu dùng như mỹ phẩm, thời trang, ẩm thực, điện thoại di động, các đồ điện tử…Những thứ này chủ yếu đều thuộc về nhu cầu nữ giới.
a. Mỹ phẩm, mỹ viện, phẫu thuật thẩm mỹ
Say mê vẻ đẹp các minh tinh Hàn Quốc, nhiều phụ nữ châu Á muốn mình đẹp hơn và do đó, chú ý hơn đến mỹ phẩm, mỹ viện…
Trước đây, phụ nữ Việt Nam xếp thứ hạng cao cho mỹ phẩm Pháp (Lancôme, L’Oreal…), bây giờ họ chuyển sang mỹ phẩm Hàn (Lacvert, Missha, The Face Shop…) mà họ nghĩ là phù hợp hơn với làn da châu Á. Các nhãn hàng Hàn được mua nhiều hơn các nhãn hàng Nhật (Shiseido…). Nhiều cô gái Việt Nam mua The Face Shop vì mê Kwon Sang Woo, diễn viên chính trong phim Lối lên Thiên đàng, là người mẫu đẹp trai của nhãn hàng này.
Cũng nhờ ảnh hưởng của phim, nhạc… mà phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc vươn lên ngoạn mục, vượt qua Singapore, Thái Lan là những nước vốn thu hút phụ nữ châu Á trước đây. Hàng năm khoảng 10.000 phụ nữ Nhật, Trung Quốc đổ xô tới Hàn để giải phẫu thẩm mỹ. Ít phụ nữ Đông Nam Á có thể làm điều đó, nhưng họ tìm đến các mỹ viện trong nước nhiều hơn trước đây, quan tâm nhiều hơn đến dưỡng da, massage, nhuộm tóc… Ở Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều xuất hiện nhiều mỹ viện quảng cáo là có chuyên viên tạo mẫu tóc tu nghiệp từ Hàn về, theo kỹ thuật, phong cách, sử dụng chất liệu Hàn Quốc.
b. Trang phục
Giới trẻ Đông Nam Á chạy theo thời trang được quảng bá bởi các ngôi sao Hàn qua phim, nhạc.
Nếu ảnh hưởng của Nhật lưu cơ bản là về trang phục biểu biễn (“Cosplay” có nghĩa chơi với trang phục trong những show diễn bắt chước các nhân vật truyện tranh manga) thì Hàn lưu lại ảnh hưởng rộng rãi trên trang phục thường ngày (quần áo, giày dép, váy Ganji, bông tai Kangta…). Tuổi teen cũng sôi nổi phong trào chụp hình sticker với Hanbok, trang phục truyền thống của Hàn Quốc.
c. Ẩm thực
Không ít phụ nữ Việt Nam và Thái Lan bắt đầu ăn uống và chế biến các món Hàn Quốc. Nhất là kimchi. Người Việt nghĩ kimchi cũng đại loại như dưa cải. Ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều xuất hiện những nhà hàng Hàn Quốc. Phụ nữ Indonesia thì thấy những món ăn nhiều gia vị của Hàn Quốc gần gũi với khẩu vị truyền thống của họ.
d. Du lịch
Từ 2005, mỗi năm hàng triệu du khách đến Hàn Quốc từ Philippin, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Năm 2005, sau Bản tình ca mùa đôngDaejanggeum, 102,588 du khách tới Hàn, tăng 31,1% so với năm trước đó và đạt đến kỷ lục cao nhất trong suốt 23 năm. Theo điều tra của Tổ chức Du lịch Quốc gia Hàn Quốc, gần 60% khách từ Đông Nam Á đến đây là do Hàn lưu. Du khách muốn thăm những phim trường, những nơi đã là cảnh quay trong các phim nổi tiếng. Ở Malaysia, gần 10.000 tour du lịch Hàn đã được bán chỉ trong vòng 2 ngày sau cơn sốt « Yonsama ». Những người Malaysia từ đất nước nhiệt đới gần như nóng ấm quanh năm đã « bị hớp hồn bởi những cảnh tuyết rơi lãng mạn trong Bản tình ca mùa đông ».
e. Đồ điện tử
Samsung, trong thập niên 90 vẫn chỉ là một chaebol (tập đoàn) tẻ nhạt của Hàn Quốc, nay trở thành một trong những thương hiệu cool nhất thế giới. Theo kết quả khảo sát của cuộc Điều tra Thị trường và Truyền thông Trung Quốc (China Marketing & Media Survey - CMMS) tháng 8 năm 2005, thực hiện với 30 đô thị hàng đầu, thì so với Motorola và Nokia, Samsung có thị phần điện thoại di động vẫn ít hơn nhưng Samsung là thương hiệu duy nhất liên tục tăng thị phần trong 3 năm cho đến thời điểm đó. Thành công của Samsung phần lớn là nhờ Hàn lưu. Rất đáng để ý rằng Samsung gắn với khách hàng nữ chặt hơn các nhãn hàng khác.

Motorola
Nokia
Samsung
Thị phần (%)
18,8
20,3
12,4
Khách hàng nữ (%)
38,4
39,7
41,5
Tương tự đối với Daewoo. Năm 2001, Daewoo thuê Jang Dong Gun làm phát ngôn viên của mình ở Việt Nam và hơn 5 năm sau đó, thị trường tủ lạnh Daewoo ở Việt Nam tăng từ chỗ không đáng kể lên đến 34%.
Trong khi đó, Hyundai không thành công như vậy ở châu Á, nhất là ở Đông Nam Á. Trung Quốc còn mua khá nhiều xe hơi Hyundai phục vụ Olympic 2008 chứ lượng tiêu thụ ở Đông Nam Á thì rất ít ỏi. Một phần, có lẽ vì khách hàng của Hyundai chủ yếu là những nam doanh nhân trung niên không mấy mê phim tình cảm Hàn Quốc trên truyền hình.
II. Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu ở Đông Nam Á – Những nguyên nhân
Trong các nền văn hóa đại chúng ảnh hưởng nhiều ở châu Á, Hàn lưu xuất hiện tương đối muộn. Nhiều fan của Hàn lưu ở Đông Nam Á trước đó đã từng là fan của những làn sóng văn hóa Mỹ, Nhật, Đài Loan…Phải có những nguyên nhân khiến họ chuyển hướng sang Hàn lưu.
1. Quan hệ êm ái giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á
Do những tàn tích của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, Nhật, cư dân Đông Nam Á có thái độ không thích hai nước này (anti-Japanese and anti-American). Trong khi đó, quan hệ Korea với Đông Nam Á không có những món nợ quá khứ như vậy nên Hàn lưu dễ dàng chiếm được cảm tình và nhanh chóng lan rộng.
Nếu có ngoại lệ thì đó là trường hợp của Việt Nam vì lính Hàn từng tham gia chiến tranh Việt Nam và gây ra những cuộc thảm sát ở miền Trung Nam Bộ. Tuy nhiên, người dân Việt Nam với truyền thống hòa hiếu, sẵn sàng khép lại quá khứ đau buồn để hướng tới tương lai tốt đẹp, vì vậy, cả ở Việt Nam, Hàn lưu cũng được đón nhận êm ái.
2. Hàn Quốc như một kiểu mẫu đáng học tập đối với Đông Nam Á
Khi quan sát hình ảnh của Hàn Quốc hiện đại qua những phim truyền hình của họ, nếu khán giả Nhật, Hongkong, Đài Loan… có một trải nghiệm nhập thân / đồng nhất hóa (thấy đó cũng như cuộc sống vốn có của chính họ) thì khán giả Đông Nam Á lại cảm nhận như một sự hóa thân (thấy đó như thế giới mà họ ao ước có được, khao khát muốn bước vào). Qua những sản phẩm truyền thông, khán giả Đông Nam Á thấy Hàn Quốc như một kiểu mẫu gần gũi và đáng học theo. Ở đây, Hàn lưu “đóng vai trò như một sân khấu đa chiều kích, nơi những kinh nghiệm hiện đại hóa của Hàn Quốc được kể lại và trình diễn” [ Jung Bong Choi 2004].
Thứ nhất, Hàn Quốc đã là một nước nhỏ và nghèo với nền nông nghiệp lạc hậu cũng giống như các nước Đông Nam Á trước khi nó nhảy vọt trở thành một nước công nghiệp hiện đại, một xã hội thông tin công nghệ cao chỉ trong vòng hơn 4 thập niên. Kiểu thức “hiện đại hóa nén ép” (compressed modernity) của Hàn Quốc là cực kỳ thu hút đối với khu vực Đông Nam Á.
Thứ hai, trong quá trình hiện đại hóa đất nước, Hàn Quốc vẫn bảo tồn những giá trị văn hóa châu Á của nó, huy động những giá trị này như động lực phát triển kinh tế cũng như cải cách chính trị. Cư dân Đông Nam Á có thể tìm thấy ở Hàn Quốc những hình ảnh “xứ lạ” của các đô thị hiện đại nhưng đồng thời những lý tưởng truyền thống rất quen thuộc. Kiểu thức phát triển của Hàn Quốc thỏa mãn những nhu cầu cả về sự giàu có, thịnh vượng vật chất lẫn sự tôn vinh các giá trị đạo đức, tinh thần. Nó có phần tương phản với kiểu thức phát triển của Nhật. Từ cải cách Meiji cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản được dẫn dắt bởi hệ tư tưởng lìa bỏ những hàng xóm châu Á lạc hậu một cách đáng thương và nhập vào châu Âu văn minh, hiện đại. Nhật là nước đầu tiên ở châu Á thành công trong hiện đại hóa nhưng ngày càng trở nên xa lạ, cách vời với những cư dân cùng châu lục của nó ở khu vực Đông Nam Á.
Thứ ba, đối với phần đông người Đông Nam Á, xã hội đương đại của Hàn Quốc, với nền dân chủ tham dự (participatory democracy), những thể chế dân sự trưởng thành, những tổ chức công đoàn hiệu quả… là lành mạnh hơn những kiểu thức xã hội Âu Mỹ.
III. Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu ở Đông Nam Á. Những hệ quả
1. Những hệ quả tích cực
a. Cơ hội để tăng cường những quan hệ kinh tế và chính trị giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á
Về quan hệ kinh tế, Hàn lưu mang lại cho Hàn Quốc hàng năm khoảng 4,5 tỉ USD do thúc đẩy xuất khẩu và du lịch. Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung năm 2005 đã khảo sát và kết luận rằng phần đông các nước Đông Nam Á có thể xếp vào giai đoạn thứ ba (3) trong kiểu thức tiêu thụ các sản phẩm Hàn lưu, đó là giai đoạn mua những sản phẩm “Made in Korea” [(1) Giai đoạn thứ nhất chỉ đơn giản là thích văn hóa đại chúng Hàn Quốc, và Ai Cập, Mexico, Nga có thể xếp vào loại này; (2) Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc mua sản phẩm liên quan đến Hàn lưu như poster và những món gắn với hình tượng các ngôi sao, những tour du lịch gắn với Hàn lưu, và Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong có thể xếp vào loại này. Còn (4) giai đoạn thứ tư là say mê văn hóa, kinh tế…Hàn Quốc nói chung thì có thể chưa thực sự rõ ở nước nào, nhưng là điều Hàn Quốc đang phấn đấu đạt tới].
Về chính trị, Hàn lưu được tin tưởng là có vai trò quan trọng giúp cải thiện quan hệ giữa Hàn và các nước châu Á. Nó góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh giữa Hàn và Nhật, Hàn và Việt. Những Hàn kiều ở châu Á cũng được hưởng lợi từ sự phổ biến của Hàn lưu. Shim Doo-Bo, một giáo sư trợ giảng người Hàn tại Đại học Quốc gia Singapore đã viết trong bài nghiên cứu của ông rằng phần lớn những phụ nữ nội trợ người Hàn sống ở Singapore mà ông phỏng vấn “đều cảm thấy được những người Singapore bản xứ đối xử tốt hơn sau khi những phim truyền hình Hàn Quốc lan truyền rộng rãi”.
b. Sự khởi đầu để xây dựng một cộng đồng châu Á
Bằng cách sử dụng sự tương đồng văn hóa giữa các dân tộc châu Á như nền tảng, Hàn lưu có thể là khởi đầu quan trọng để xây dựng một pháo đài văn hóa ngăn chặn sự xâm nhập ồ ạt những ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ và xây dựng một cộng đồng châu Á dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau.
2. Những hệ quả tiêu cực
a. Nguy cơ của chủ nghĩa thương mại
Bằng cách hỗ trợ tích cực sự thâm nhập của văn hóa Hàn Quốc vào các thị trường nước ngoài, kết nối sự bùng nổ trong văn hóa đại chúng với hệ thống phân phối thị trường, Hàn lưu là một thành công của “công nghiệp văn hóa” (cultural industry) Hàn Quốc.
Nhưng một chủ nghĩa thương mại thái quá sẽ là nguy cơ đối với sự phát triển của Hàn lưu. Theo Lee Dong Yun, một nhà phê bình văn hóa (trong bài nghiên cứu nhan đề “Hiện tượng tư bản văn hóa và chủ nghiã dân tộc văn hóa Hàn Quốc”), nếu Hàn lưu chỉ dừng ở sự xuất khẩu những món hàng văn hóa đại chúng và trở nên “một sản phẩm của nền văn hóa tư bản nông cạn, hời hợt” với logic tư bản ngắn hạn, nếu Hàn lưu giống như con gà đẻ trứng vàng trong tay những người chủ tham lam, nó sẽ có rất ít hy vọng để trụ lại lâu dài.
b. Nguy cơ của chủ nghĩa đế quốc văn hóa
Hàn lưu cũng là thành công của chủ nghĩa dân tộc văn hóa nhấn mạnh sự hiện hữu của “nền văn hóa độc đáo Hàn Quốc” (Korean authentic culture).
Nhưng nếu Hàn lưu bị dẫn dắt bởi những xung lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan, nó sẽ đi xuống đáy. Park Jin-Young, một trong những nhà sản xuất các ngôi sao Hàn nổi tiếng nhất, đã nhiều lần khẳng định rằng “Nếu người Hàn quá nhấn mạnh nhãn hiệu Hàn Quốc, điều đó chỉ gây tổn hại chúng ta mà thôi”, “Báo chí cứ tuyên truyền về những thứ đại loại như “Làn sóng Hàn Quốc đang tràn ngập Nhật Bản, Trung Hoa…, điều đó chỉ dẫn đến tình cảm thù nghịch với Hàn lưu ở nước ngoài”. Đã có những sự phản kháng, chống đối Hàn lưu ở Nhật Bản, Trung Quốc, một số nước Đông Nam Á. Người ta chắc chắn sẽ ghét Hàn lưu nếu nó trở thành một loại chủ nghĩa dân tộc nước lớn (Chauvinist nationalism), một biến thể của hệ tư tưởng Trung Hoa trung tâm hay tư tưởng Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật Bản.
IV. Sức hấp dẫn nữ tính của Hàn lưu ở Đông Nam Á. Những sách lược phát triển
Trong những nghiên cứu gần đây, nhiều học giả đặt vấn đề về sự suy thoái của Hàn lưu ở châu Á nói chung, ở Đông Nam Á nói riêng.
Theo một báo cáo của Hội đồng Điện Ảnh Hàn Quốc, năm 2006, xuất khẩu phim Hàn giảm 68% (chỉ có ngoại lệ là Thái Lan vẫn tăng 119%). Số khách du lịch tới Hàn cũng giảm theo.
Ngoài những nguyên nhân liên quan đến các hiệu quả tiêu cực của Hàn lưu, có một nguyên nhân khác nữa cho sự sa sút của Hàn lưu ở Đông Nam Á. Đó chính là việc người Đông Nam Á nhận thấy khoảng cách giữa hình tượng Hàn Quốc qua các sản phẩm Hàn lưu và hình ảnh của Hàn Quốc qua một số người Hàn mà họ trực tiếp tiếp xúc trong đời thực hàng ngày.
Theo Pavin Chachavalpongpun (trong bài báo của ông ngày 17 tháng 3 năm 2008), “tình cảm không thích người Hàn Quốc đang dần tăng trong một bộ phận cư dân Đông Nam Á”. Điều này do thực tế rằng “không ít những khách du lịch, những người truyền giáo, những doanh nhân Hàn Quốc làm hỏng, làm xấu hình tượng Hàn Quốc khi họ tương tác với cư dân Đông Nam Á”. “Một số khách du lịch được đề cập như “những người Hàn xấu” do thái độ hành xử thô bạo”. Một số những người Hàn truyền đạo Tin Lành một cách gây hấn cũng làm mờ nhạt phẩm chất hòa ái của Hàn lưu. Một số doanh nhân Hàn Quốc là “những ông chủ dữ dằn nhất trong số các nhà đầu tư nước ngoài với “văn hóa quân sự” cứng rắn trong thực hành quản lý”. Pavin Chachavalpongpun nêu nhiều thí dụ điển hình từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Campuchia…
Ở Việt Nam, có thể nói ảnh hưởng của Hàn lưu đã làm gia tăng những cuộc hôn nhân Việt-Hàn. Nhưng các vụ việc về cô dâu Việt Nam bị cư xử tồi tệ khi sang Hàn Quốc cũng tác động đáng kể tới tình cảm của người Việt đối với người Hàn.
Rõ ràng, để mở rộng Hàn lưu và phát triển những nội lực tiềm năng của nó, cấp thiết phải sửa chữa những khía cạnh tiêu cực, xây dựng một khí quyển văn hóa, chính trị, kinh tế tốt hơn.
1. Đa dạng hóa thị hiếu văn hóa của quần chúng
Hàn lưu cần đáp ứng thị hiếu văn hóa của không chỉ một đối tượng mà những đối tượng quần chúng đa dạng, bao gồm phụ nữ, nam giới, thanh niên, trung niên, những dân tộc, cộng đồng khác biệt với những nhu cầu tinh thần riêng.
Park Jin-Young khẳng định: “Người ta có thể thành công toàn cầu nếu làm điều gì đó thật xuất sắc, thật tuyệt vời, bất kể có mang tính Hàn Quốc hay không”. “Chúng ta thiếu sự đa dạng trong khi đã quá mạnh trong tính đồng phục rồi”. Với suy nghĩ như vậy, Park đã thiết kế để Bi-Rain mặc trang phục Trung Quốc, kết hợp những động tác kungfu vào vũ điệu khi siêu sao Hàn Quốc này biểu diễn âm nhạc ở xứ sở hoa mẫu đơn. Park bị không ít đạo diễn, nhà sản xuất Hàn Quốc công kích, nhưng lại được sự chia sẻ của những nhà văn hóa nhấn mạnh rằng sản phẩm văn hóa Hàn Quốc sẽ chinh phục khán giả nước ngoài nhiều hơn nếu vượt trên “giá trị độc đáo Hàn Quốc” để bao gồm “những giá trị châu Á”.
2. Cải thiện những trao đổi và hợp tác giữa Hàn Quốc và Đông Nam Á
Cần thiết lập những giao tiếp lành mạnh, những phương tiện tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Thí dụ, những chương trình giáo dục hướng dẫn khách du lịch, người truyền giáo, doanh nhân Hàn Quốc về những nền văn hóa, những thực hành truyền thống của các dân tộc Đông Nam Á, và ngược lại, trang bị hiểu biết về Hàn Quốc cho người dân Đông Nam Á (nhất là công nhân trong những liên doanh, những cô gái lấy chồng Hàn), sẽ góp phần làm giảm quan hệ căng thẳng giữa hai bên.
Cần xúc tiến những trao đổi văn hóa và sự tồn tại đa văn hóa. Chính phủ Việt Nam từng thông báo sẽ giảm phát sóng phim Hàn trên truyền hình nội địa nếu TV Hàn Quốc không chú ý tăng phát sóng những chương trình Việt Nam để có được nền tảng bình đẳng. (Một số nước Đông Nam Á khác cũng có yêu cầu tương tự). Đáp ứng yêu cầu này, Đài truyền hình quốc gia của Hàn Quốc, KBC, đã phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức “Tuần văn hóa Việt Nam” giới thiệu nhiều sản phẩm văn hóa Việt đến người Hàn. KBC đã xem xét để có những kênh TV phát các chương trình giới thiệu phim Việt Nam và một số nước Đông Nam Á.
Một xu hướng mà hiện nay các nhà sản xuất Hàn lưu đang nhắm tới là cộng tác với các nước ở châu Á. Thí dụ, năm 2005, những ngôi sao Hàn và Nhật đã vào các vai chính trong bộ phim Lời hứa (The Promise), một trong những bộ phim Trung Quốc quy mô và thành công nhất gần đây, do một đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc thực hiện. Những phim cộng tác như vậy có sẵn một thị trường chắc chắn thành công ở cả Trung, Nhật, Hàn. Sự kết hợp Hàn-Việt mới chỉ bắt đầu nhưng cũng đã có một số tác phẩm khá ăn khách. Theo cách thức như vậy, có thể sản xuất những bộ phim, những video ca nhạc…kết hợp diễn viên, phong cảnh qua nhiều xứ sở châu Á, trong đó có Đông Nam Á.
Tóm lại, có thể thấy sức hấp dẫn nữ tính chính là yếu tố hệ trọng cho thành công của Hàn lưu ở Đông Nam Á. Hiểu biết sâu sắc bản chất sức hấp dẫn nữ tính đó là cần thiết cho cả Hàn Quốc lẫn Đông Nam Á để điều ngự Hàn lưu, phát huy những giá trị tích cực của nó trong sáng tạo và thụ hưởng văn hóa.
 
×
Quay lại
Top