La Mã cổ đại: Vụ ám sát hoàng đế Caligula

Mèo Cọp

“This world is merciless.”
Thành viên thân thiết
Tham gia
25/11/2012
Bài viết
351
(kenhsinhvien.vn) Trong bốn năm cai trị La Mã một cách bốc đồng, Caligula đã rút cạn ngân khố, nhạo báng Viện nguyên lão, và rồi bị âm mưu sát hại bởi chính những người từng tuyên thệ bảo vệ mình.

Tượng bán thân của Caligula. Ảnh: Dagli Orti – Art Archive
Tượng bán thân của Caligula. Ảnh: Dagli Orti – Art Archive
“Hoc age! Accipe ratum! Repete!”, những tiếng la hét vang lên “Hãy nhận lấy! Chịu chết đi! Chết này!”. Theo Suetonius, những tiếng la hét điên cuồng này của những kẻ mưu phản ập đến Caligula khi ông rời Đại hội Palatine lúc xế chiều ngày 24 tháng Một năm 41 sau Công nguyên. Những người đàn ông đã từng tuyên thệ trung thành với nạn nhân, nay nuôi lòng căm giận sục sôi thành quyết tâm phải kết liễu mạng sống của vị hoàng đế đáng căm thù.

Nhưng vị hoàng đế không như vậy ngay từ đầu. Gaius Julius Caesar Germanicus, được biết đến nhiều hơn với biệt danh thời thơ ấu là Caligula – nghĩa là “chiếc ủng nhỏ” – từng một thời rất được lòng dân. Nhưng giữa năm 39 và 40 sau Công nguyên, tính tình ông đã thay đổi. Những lời đồn đoán cho rằng vị hoàng đế đang không khỏe; người thì nói về một căn bệnh, người thì miêu tả một loại thuốc biến đổi nhân cách do người vợ Caesonia đưa cho. Dù lý do là gì đi nữa, Caligula đã trở nên hung tàn, và chính tầng lớp thượng lưu La Mã đã phải cam chịu nhiều nhất.

Vị hoàng đế gây thù chuốc oán

Theo người chép sử Suetonius, Caligula tin mình là thánh thần và thường nói: “Hãy nhớ rằng ta có quyền làm bất cứ điều gì với bất kỳ ai”. Ông đã khiến các nguyên lão bẽ mặt chạy sau kiệu hoặc buộc họ chiến đấu mua vui cho mình. Suetonius viết, “Khi các quan chấp chính quên tuyên cáo sinh nhật ông, ông đã phế truất họ, và bỏ trống ngai vị trong 3 ngày mà không có những quan tòa tối cao.”

Cung điện của hoàng tộc Caesar
Khách quen của đấu trường

Ảnh trái: Cung điện của hoàng tộc Caesar
Những thay đổi của Caligula với Đồi Palatine bao gồm việc mở rộng cung điện Claudius và xây cầu nối giữa điện thờ Augustus và đồi Capitol. (Scala, Florence)
Ảnh phải: Khách quen của đấu trường
Caligula yêu thích nghệ thuật tuồng kịch và không tiếc tay trao các phần thưởng và danh hiệu cho những nghệ sĩ biểu diễn yêu thích, như nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng Mnester mà ông vô cùng ngưỡng mộ. (Dagli Orti – Art Archive)


Trong thời gian trị vì của mình, Caligula đã tiêu xài hoang phí vào cả những công trình có ích và phù phiếm. Ông không e ngại dùng đến các thủ đoạn xảo trá và cưỡng đoạt nhằm chu cấp cho các chi tiêu quá mức của mình. Thu thuế cao, tài sản thừa kế bị sung công, và các công dân giàu có lỗi lạc nhận thấy rằng họ phải nhờ đến pháp luật. Không của cải nào được an toàn, nhiều người sống trong nỗi sợ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Caligula.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn cảm thông với cách hành động của ông, họ xem như Caligula đang chống lại tầng lớp quý tộc. Tuy nhiên, ngay cả sự nhiệt tình của tầng lớp bình dân với vị hoàng đế cũng dần suy yếu.

Những nghi phạm hiếm hoi

Nhiều âm mưu, dù có thật hay bị cáo buộc, đã được ấp ủ, như âm mưu được Lentutus Gaetulicus lãnh đạo năm 39 sau Công nguyên, và một âm mưu khác được lên kế hoạch bởi những người thân cận của Callistus, một trong những nhân vật giàu có nhất La Mã. Nhiều người khao khát trả thù vị hoàng đế vì quá khứ bị lăng mạ nhưng hầu hết vẫn e sợ đánh mất sự ân sủng của ngài. Sử gia La Mã Tacitus đã đánh giá tình thế một cách đầy đủ trong cảm xúc mạnh mẽ của mình, “ác ý ẩn giấu với Gaius.” Thù hận thầm kín sục sôi dưới lớp mặt nạ nịnh nọt đáng sợ.

Sử gia Cassius Dio viết rằng trên thực tế mọi người tại cung điện của Caligula đều muốn ông phải chết. Ngay cả những người không chủ tâm lập mưu giết hại cũng giữ im lặng và để mặc các âm mưu tiến triển với hy vọng chấm dứt tình trạng bất ổn căng thẳng về tài sản và mạng sống của họ dưới lòng nhân từ của vị hoàng đế bạo chúa và bốc đồng.

Cận vệ hoàng đế

Cận vệ hoàng đế
Một số sát thủ giết Caligula là những vệ binh hoàng gia, một đơn vị tinh nhuệ được bồi dưỡng để bảo vệ hoàng đế. Chín đội quân của nó được chỉ huy bởi một hộ dân quan và các bách binh đoàn trưởng. Ảnh: Dagli Orit – Art Archive.


Vào thời Do Thái xưa, sử gia người Do Thái thế kỷ đầu tiên Flavius Josephus chép rằng Caligula đã phải đối mặt với sự thù địch từ mọi phía. Ông nói rằng có 3 nhóm những kẻ mưu phản đồng thời tham gia vào mưu đồ kết liễu mạng sống Caligula. Một nhóm được lãnh đạo bởi Emilius Regulus, người rất ít được biết đến. Annius Vinicianus lãnh đạo nhóm thứ hai và dường như có liên quan đến cuộc đảo chính bị chặn đứng năm 39 sau Công nguyên.

Vị thánh sống

Vị thánh sống
Caligula đã xây dựng hai điện thờ dành tặng chính mình khi ông biến Đền Castor và Pollux trong Quảng trường La Mã (phía dưới, bên phải) thành tiền sảnh cung điện của mình. Ảnh: Giovanni Rinaldi


Cassius Chaera, thành viên của Đội Vệ binh hoàng gia (quân đoàn thân cận nhất của hoàng đế), đã lãnh đạo nhóm thứ ba. Động cơ của Chaera dường như xuất phát từ cá nhân vì Caligula đã khiến hắn chịu sự sỉ nhục và các trò đùa tàn nhẫn trước công chúng. Chaera muốn trả thù, nhưng đã quay sang những người khác tìm kiếm sự trợ giúp, bao gồm một hộ dân quan đồng liêu và một trong những thượng cấp của hắn, binh trưởng của Đội Vệ binh hoàng gia. Che giấu mối thù cá nhân, ông đã cố thuyết phục họ tham gia tố cáo Caligula là kẻ áp bức La Mã và của cả đế chế. Hắn không đạt được trợ giúp rõ ràng. Tuy nhiên, hắn đã tiết lộ kế hoạch cho người bạn đồng sự đáng tin cậy là một hộ dân quan khác, Cornelius Sabinus, và bộ đôi trở thành vai chính trong âm mưu kết liễu mạng sống vị hoàng đế.

Âm mưu của Vệ binh hoàng gia

Gần như chắc chắn rằng có nhiều âm mưu hơn những gì được đề cập trong các bản ghi chép. Sự tham gia rộng rãi của triều đình giải thích nguyên do tại sao Caligula chưa bao giờ biết về mối đe dọa. Tuy vậy, mặc cho được trợ giúp và có nhiều cơ hội, những kẻ mưu phản luôn chần chừ hành động. Sau khi cạn kiệt mọi lựa chọn, rốt cuộc họ quyết định sẽ giáng đòn chí mạng trong Đại hội Palatine. Đây là một chuỗi các sự kiện được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm để tôn vinh Augustus, vị hoàng đế đầu tiên của La Mã trị vì từ năm 27 trước Công nguyên đến năm 14 sau Công nguyên.


Hình ảnh Caligula diễn thuyết trước các quân đoàn của mình được khắc trên một đồng xu sestertius. Ảnh: BPK/Scala Florence




Hình ảnh Caligula diễn thuyết trước các quân đoàn của mình được khắc trên một đồng xu sestertius. Ảnh: BPK/Scala Florence

Ban đầu cuộc tấn công được lên kế hoạch vào ngày đầu tiên của đại hội, nhưng sự phức tạp và do dự đã đẩy ngày này đến tận ngày cuối của đại hội. Họ không dám trì hoãn lâu hơn nữa, nhiều người xung quanh giờ đây đã công khai nói về âm mưu, và vị hoàng đế sẽ lên đường vì sự an nguy của hoàng thân ở Alexandria, Ai Cập. Cùng lúc đó, các điềm báo đã báo trước Caligula về ngày tàn sắp tới: nhà tiên tri tại điện thời Fortuna ở Antium đã cảnh báo ông phải tự bảo vệ mình trước Chaera; nhà toán học và thiên văn học Sulla đã tiên đoán rằng vị hoàng đế sẽ chết một cái chết đầy đau đớn.

Ngày đẹp trời để chết

Khi vầng dương ló dạng vào ngày cuối cùng của đại hội, Chaera đã gặp mặt những kẻ đồng mưu, rồi tiến đến cung điện lúc tờ mờ sáng. Cùng lúc đó tại Đồi Palatine, đám đông bắt đầu chen lấn dọc theo Thánh Lộ, con phố chính của La Mã cổ đại. Dưới ánh sáng hừng đông chập chờn, người dân đã tụ tập đông đúc quanh đấu trường được xây riêng cho đại hội, nơi Caligula sẽ tham dự buổi biểu diễn. Vào ngày đặc biệt này, những chỗ ngồi tốt nhất không được đặt trước, và khi đấu trường mở cửa, đám đông những đàn ông đàn bà, thường dân và nô lệ, đổ xô vào trong, vừa la hét vừa reo hò.

Khi Caligula đến đấu trường, ông khai mạc ngày hội bằng nghi lễ hiến tế đến Augustus. Caligula dường như rất vui vẻ: ông nói nhiều hơn, nhã nhặn và thân thiện. Ông ngồi dãy ghế phía bên phải đấu trường, xung quanh là gia đình và bạn hữu thân thiết. Chaera cảnh giác ngồi gần Caligula, sau khi đã đoan chắc rằng những kẻ đồng mưu đã vào vị trí trong và ngoài đấu trường.

Vở diễn trong ngày là Laureolus, một vở kịch câm nổi tiếng của Catullus. Chuyện kể về một toán cướp do Laureolus cầm đầu, hắn rất giỏi thoát thân khỏi các tình thế hiểm nghèo, rồi vào một ngày nọ bị bắt và bị đóng đinh lên thập giá. Sau đó là vở “Bi kịch của Cinyras”. Cả hai vở đều được trình diễn bởi diễn viên đại tài Mnester. Buổi diễn đêm cũng được lên kế hoạch, người Ai Cập và người Etiopia sẽ trình diễn những phân cảnh khắc họa cõi âm trong tưởng tượng của người La Mã, với phần giải trí hạ hồi bằng điệu vũ chiến trận và thánh ca về những bí truyền tôn giáo.

Kết cục đẫm máu

Các vở kịch kéo dài đến tận hôm sau vẫn chưa chấm dứt. Khoảng sau giữa trưa, Caligula quyết định đi tắm và ăn trưa, định sẽ trở lại lễ hội sau đó. Ông lặp lại lịch trình giống như hôm trước. Đến lúc đó, một số kẻ mưu phản vốn đã trở nên mất kiên nhẫn, lại bị khuấy động bởi tiếng kêu la bất ngờ từ đám đông cho biết rằng Caesar đang lên đường. Đám rước rời đấu trường của ông được dẫn đầu bởi những quý tộc như Claudius và Valerius Asiaticus, nhưng sau đó Caligula đã đưa ra một quyết định định mệnh. Ông chuyển từ lộ trình được canh phòng cẩn mật dọc theo đám rước đã khởi hành, sang một lối tắt băng qua một con hẻm tối tăm, nhỏ hẹp và vắng vẻ. Suetonius gọi đó là một “hầm mộ” và có lẽ con hẻm chạy dọc theo giữa mộ của Tiberius và Nero.

Bức họa Almatadema

Bức họa Almatadema
Thi thể của Caligula nằm sõng soài trên sàn khi Đội Vệ binh hoàng gia hò reo trong bức họa sơn dầu cùa L. Almatadema, năm 1871. Ảnh: AKG/Album


Chaera tìm thấy Caligula đang ở đó. Tên lính này giương thanh kiếm và chém ngang cổ ông. Caligula cố thoát thân nhưng Sabinus đã nằm chực sẵn và đánh ông ngã quật với một nhát kiếm khác. Theo Suetonius, sau khi Cassius Chaera và Cornelius Sabinus tấn công Caligula, những kẻ mưu phản đã đâm ông 30 nhát, tiếp tục tấn công sau khi ông đã chết. Cassius Dio quả quyết rằng chúng thậm chí đã “nếm được con thịnh nộ của ông”. Vợ và con gái của Caligula cũng bị sát hại để ngăn chặn mọi khả năng có người kế vị hợp pháp.

Sau vụ ám sát, Viện nguyên lão họp mặt tại Capitol. Được chủ trì bởi hai quan chấp chính là Saturninus và Secundus, họ phải quyết định tương lai của La Mã và cả đế chế. Họ có thể chọn ra một hoàng đế mới từ những nguyên lão hàng đầu; nhiều người lại muốn khôi phục nền cộng hòa như thời Augustus. Hoặc họ có thể quay về với hệ thống quân chủ thậm chí lâu đời hơn. Nhưng những cân nhắc cao cả của họ đã bị cắt ngang khi quân đội áp đảo họ. Claudius, chú của hoàng đế bị ám sát, bị một đơn vị Vệ binh hoàng gia phát hiện khi đang ẩn náu. Vệ binh chuộng nền cai trị của hoàng đế hơn, bởi chính thể này mang lại lợi ích lớn cho họ, vì thế họ mang vị nguyên lão đang sợ hãi này trở về doanh trại và tôn lập ông làm hoàng đế. Những ngày sau đó tương lai của La Mã như cá nằm trên thớt, nhưng rất ít người khóc thương cho án mạng của Caligula.


Dịch bởi Kenhsinhvien.vn
(Theo National Geographic)
 
×
Quay lại
Top