Ký ức sĩ tử lên phố thi đại học

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Từ một thị trấn nhỏ lên thành phố lớn, xa lạ, không người thân thích, tôi cảm thấy mình và mẹ thật bé nhỏ, cô đơn, lạc lõng. Đó thật sự là cảm giác tôi không thể nào quên được.

thi.jpg

Một thí sinh được bố dẫn vào thi ở Đại học ngoại thương
trong đợt thi thứ hai của kỳ thi năm nay. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Mấy hôm nay đi làm, thấy các bác xe ôm chở hai mẹ con hoặc hai bố con thí sinh đi thi; ngang qua các trường học thấy cảnh phụ huynh đứng ngồi ngoài cổng trường đợi con; những kỷ niệm ngày thi đại học của tôi lại ùa về, dù đã 11 năm trôi qua.

Từ bé tới lớn, tôi chỉ đi học và chưa đi đâu xa, nghe bạn bè kể lại thì Sài Gòn trong tôi là một nơi văn minh, hiện đại, ở đó tôi có thể phát triển việc học và công việc của mình. Thế là tôi nhất quyết vào Sài Gòn thi. Gần ngày thi, mẹ đưa tôi đi.

Việc đón xe rất khó khăn nhưng kiếm được một chỗ ngồi trên xe còn khó hơn gấp bội. Hai mẹ con tôi may mắn có được chỗ trên xe nhưng khi ngồi xuống rồi thì không thể cựa quậy hay nhúc nhích. Xe nhồi nhét hơn gấp đôi số lượng cho phép, một số cô chú đưa con đi thi không có chỗ ngồi nên đành đứng trên chiếc xe chật như nêm suốt quãng đường dài gần 400 cây số từ Đăk Lăk tới Sài Gòn.

Vào đến Sài Gòn thì trời cũng sáng, hai mẹ con tôi bước xuống xe mà người mỏi nhừ. Mẹ tôi lúc đó còn đang bị đau chân. Chúng tôi chưa kịp định hình thì không biết ở đâu một toán xe ôm ập tới, hỏi tới tấp, người nào trông cũng thật hung hăng. Hai mẹ con tôi quyết định đi xích lô cho rẻ, tới chỗ người quen ở Tân Bình vì nhà bác ấy gần địa điểm thi của tôi.

Chiếc xích lô chạy chầm chậm, bác lái xe cũng thật vui, trò chuyện với hai mẹ con tôi. Ngồi trên xích lô, tôi mới có dịp ngắm nhìn Sài Gòn: tất cả khung cảnh trước mắt tôi thật lạ lẫm, người thì đông đúc, nhà san sát nhau... Chiếc xích lô dừng lại trước nhà bác Huy - người quen của bố mẹ tôi. Nhìn ngôi nhà cao tầng, sang trọng mà tôi choáng ngợp. Bác Huy bảo với tôi: “Sao không thi ở quê cho dễ, thi ở thành phố khó lắm, tỷ lệ chọi rất cao, con bác năm ngoái thi còn không đậu nữa là...”. Mặc dù khá tự tin vào sức học của mình nhưng nghe bác nói tôi cũng hơi lo.

Gia đình bác từ chối khéo không cho mẹ con tôi ở nhờ. Thế là sáng hôm sau chúng tôi lại bắt xe ôm đi kiếm chỗ trọ. Từ một thị trấn nhỏ lên thành phố lớn, xa lạ, không người thân thích, tôi cảm thấy mình và mẹ thật bé nhỏ, cô đơn, lạc lõng. Đó thật sự là một cảm giác tôi không thể nào quên được.

Sau cả buổi trưa nắng gắt tìm kiếm, cuối cùng mẹ con tôi cũng có được chỗ trọ gần nơi tôi thi. Về đến phòng trọ, mẹ tôi mới cảm thấy chân sưng to và đau buốt. Vì mải mê kiếm chổ ở mà mẹ quên đi vết thương ở chân mình. Dù vậy, mẹ không kêu ca một tiếng.

Đúng là ở thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, giá nhà trọ cũng đắt, giá một đĩa cơm, một ly nước cũng vậy. Một đĩa cơm có chút xíu, tôi ăn thì no nhưng với mẹ thì chưa đủ. Dù vậy, mẹ cũng không dám ăn thêm. Buổi tối, ngồi ôn bài trên căn gác nhỏ, nghe tiếng “cốc, cốc” suốt đêm mà tôi chẳng hiểu đó là tiếng gì. Sau đó, hỏi mấy anh chị phòng bên tôi mới biết đó là người ta bán hủ tiếu gõ.

Mẹ luôn vui vẻ, động viên tôi cố gắng thi tốt nhưng trong lòng tôi biết mẹ còn lo lắng hơn tôi. Tôi thấy mẹ gầy đi nhiều để lo cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, sát cánh bên tôi để tôi vững tâm trong kỳ thi quan trọng này. Và vì thế tôi biết mình phải cố gắng làm bài tốt để không phụ lòng bố mẹ.

Kỳ thi đầu tiên vào đại học năm 2000, tôi đã trúng tuyển vào trường mình yêu thích. Gia đình tôi rất mừng. Bây giờ, tôi đã tốt nghiệp và có công việc ổn định. Thế nhưng 11 năm qua, cứ đến kỳ thi đại học là trong tôi lại dạt dào bao cảm xúc. Nhìn những khuôn mặt lo lắng của các cô chú đưa con đi thi, tôi lại nhớ sự lo lắng của mẹ đối với tôi. Nhìn khuôn mặt ngây thơ, ngơ ngác của các thí sinh lần đầu lên thành phố tôi lại nhớ đến mình...

Những thông tin về kỳ thi đại học tôi luôn cập nhật theo sát mỗi ngày. Tôi thấy vui và thầm cảm ơn những suất cơm miễn phí dành cho thí sinh, những tình nguyện viên không quản ngại nắng mưa nhiệt tình hướng dẫn các em tới những nhà trọ miễn phí... Tôi cũng cảm thấy buồn với những dịch vụ”chặt chém” không thương tiếc, từ ly nước, hộp sữa, thước kẻ... mà phụ huynh phải "bấm bụng" mua cho con em mình. Để có số tiền đó, nhiều người phải vay mượn, bán bò, bán heo để con được đi thi.

Những kỷ niệm ngày thi đại học đã qua nhưng nó sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên được. Tôi mong các em thí sinh bình tĩnh, tự tin làm bài thi thật tốt để bước vào cổng trường đại học mà các em đã lựa chọn.

Chia sẻ của bạn đọc Thảo Nguyên trên VnExpress
 
×
Quay lại
Top