Kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam: Đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái vùng đất Thép

thi55cnsh

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/4/2011
Bài viết
835
Du ngoạn về vùng ngoại thành vào những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ đang là nhu cầu không thể thiếu và ngày càng được ưa chuộng của du khách ở trung tâm các thành phố lớn. Các vườn cây sinh thái ở khu vực xã Trung An, huyện đất Thép - Củ Chi (TP.Hồ Chí Minh) là một trong những địa điểm lý tưởng để vui chơi giải trí và tận hưởng những món ăn dân dã do chính người dân chế biến. Tiềm năng không thiếu, điều quan trọng là để mô hình này ngày càng được ưa chuộng và phát triển đòi hỏi phải có sự liên kết vườn sinh thái với hoạt động du lịch.

* Tiềm năng du lịch lớn
Con đường dẫn vào khu vực tổ cây ăn trái xã Trung An hai bên xanh rì những vườn cây đang vào mùa ra trái. Những vườn cây xum xuê, trĩu trịt quả hứa hẹn một vụ mùa bội thu sẽ đến với bà con nơi đây. Sản phẩm du lịch đã có, khách du lịch không thiếu, giờ đây, những người dân ở xã Trung An đã thực sự tìm ra được nguồn thị trường tiêu thụ chính ngay trên mảnh vườn của mình.
Theo ông Huỳnh Văn Huệ - Trưởng ban điều hành tổ cây ăn trái xã Trung An, trong 2 năm qua, bình quân cả vùng đón khoảng gần 35.000 lượt khách đến tham quan vườn mỗi năm. Sự kết hợp giữa vườn và du lịch đã cho giá trị sản lượng trên 70 triệu đồng/ha. Trong đó, trên 80% sản phẩm trái tiêu thụ qua khách du lịch, 20% còn lại bán ngoài thương lái và thị trường. So sánh với các nhà vườn có sản phẩm nhưng không kết hợp với du lịch, doanh thu của các tổ viên đã tăng gấp 3 lần.
Tổ cây ăn trái xã Trung An thành lập từ tháng 5/2008, ban đầu chỉ 12 tổ viên với 10 ha vườn, đến nay đã phát triển lên hơn 50 thành viên với tổng diện tích trên 40 ha. Trong đó, gần 32,5 ha vườn cây ăn trái theo mô hình sinh thái kiểu mẫu, tập trung tại tổ 1, 2, 8 ấp An Hoà và Bốn Phú gồm các loại cây chôm chôm, măng cụt, dâu, sầu riêng, mít và các cây trồng khác, đa số các vườn cây có tuổi thọ bình quân trên 15 năm tuổi. Vườn có diện tích nhỏ nhất là 2000 m2, lớn nhất cũng khoảng 70.000 m2. Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Khuyến nông Thành phố đã trực tiếp hướng dẫn khoa học kỹ thuật, nhờ đó toàn bộ thành viên trong tổ và nông dân địa phương đã nắm được kỹ thuật trồng và cách chăm sóc cây ăn trái. Các hộ dân tích cực đầu tư nâng cấp vườn, xây dựng mô hình vườn cây sinh thái kiểu mẫu, đi vào hoạt động nền nếp và khai theo hướng phục vụ du lịch sinh thái.

* Đa dạng mô hình miệt vườn
Theo giới thiệu của người dân trong vùng, chúng tôi ghé thăm vườn trái cây nhà ông Hai Huệ, ấp An Hòa, xã Trung An và được tận mắt chứng kiến khu vườn chôm chôm, măng cụt đang rộ mùa trái non. Chủ vườn cho biết, mọi năm giờ này đã “lai rai” đón khách vào vườn nhưng năm nay thời tiết thay đổi nên trái cây chín muộn. Với giá vé từ 35.000 - 50.000đ/người tùy mùa, khách vào vườn vui chơi cả ngày, tự hái trái ăn thỏa thích. Khách thường đi từng nhóm, các chủ vườn cũng sẵn sàng phục vụ luôn cả các món ăn nhậu tại vườn và cho mượn chiếu, ly, chén... nếu khách có nhu cầu. Ông Huệ tâm sự: “Nhớ lại những ngày trước năm 2003, chôm chôm đầu mùa chỉ 4000đ/kg, cuối vụ, giá bán “rẻ như trấu” chỉ còn 1000đồng/kg, trả công cho người hái hết 500 đồng/kg. Tình cờ có vài người khách đòi cho vô vườn hái trái cây tươi nên chúng tôi đồng ý cho vào hái thoải mái chỉ với 10.000 đồng/khách/ngày, thử hỏi có ai ăn đến 10 kg trái cây/ngày, do đó vẫn có lời”. Xác định làm du lịch là bán không khí nhưng bán không khí mãi không được. Do đó, chúng tôi có định hướng là phải làm thêm những khu dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Kể từ đó, du khách tự tìm đến các khu vườn ở đây vừa mua ăn tại chỗ, vừa mua đem về. Không chỉ thế, khách còn rất thích thú với thói quen vào dịp cuối tuần được nghỉ ngơi, ngắm cảnh miệt vườn.
Với diện tích khoảng 7.000 m2 trồng nhiều loại cây như chôm chôm, măng cụt, dâu, khu vườn của gia đình ông Nguyễn Minh Lâm được xem là vườn dâu “độc quyền” với 104 gốc, ngoài ra còn nhiều loại cây khác. Được chủ vườn mời thưởng thức những trái dâu chín đầu mùa vừa có vị chua chua ngọt ngọt và nghe kể lại những ngày đầu mở đất vườn trồng trái cây, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi biết 5 năm trước đây toàn bộ khu vườn trái xum xuê quả kia là một vườn mía. Trồng mía thu nhập bấp bênh, vợ lại hay ốm đau nên ông Lâm mạnh dạn chuyển sang trồng thử giống cây dâu da, lúc đầu chỉ trồng vài cây ăn chơi sau thấy khách tìm đến nhiều, ông đốn hết mía chuyển sang trồng hẳn cây ăn trái. Những khách hàng đầu tiên của vườn dâu này là những cô cậu học sinh, tiếng lành đồn xa, khách trên thành phố cũng tìm đến. Rồi dần dần nhu cầu cần nghỉ lại trưa, thưởng thức tại vườn những món ăn đặc sản đồng quê như cháo gà, cháo lươn… gia đình ông sẵn sàng phục vụ tại chỗ.
Khác với những mô hình vườn cây ăn trái khác trong xã, khu vườn của ông Lê Hữu Dũng là sự kết hợp giữa vườn cây, ao cá. Nổi bật ở giữa khu vườn là một hồ nuôi cá Koi, giống cá kiểng của “dân chơi” Nhật Bản được ông Dũng nhập về và nhân giống. Lợi dụng nguồn nước đầu nguồn sông Sài Gòn ông Dũng nuôi nhiều loại cá như rô phi, điêu hồng… Tuy nhiên, nước sông vẫn không đảm bảo vệ sinh môi trường, không kiểm soát được mầm bệnh, ông Dũng khai thác nguồn nước ngầm để sản xuất cá kiểng sạch theo công nghệ châu Âu. “Cá Koi là loại cá theo quan điểm phong thủy, được người Nhật Bản nuôi để cầu phúc cầu tài trong nhà, có tuổi thọ từ 50 – 60 năm, gần gũi, thân thiện với con người, càng nuôi càng đẹp, thị trường ổn định, lâu đời trên thế giới, dễ nuôi, thức ăn cũng dễ kiếm”. Đó là lý do ông Dũng chọn giống cá này kết hợp với vườn cây sinh thái để phát triển theo hướng du lịch. Ông Dũng cho biết đã đầu tư khoảng 120 tỷ đồng, trong đó riêng con giống đã chiếm hơn 10 tỷ. Hiện tại, ông đã sản xuất khoảng hơn 1 triệu con cá kiểng, tùy theo giá trị của con cá mà có giá bán từ vài chục, vài trăm đến vài triệu. Mô hình này đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng, nâng cấp vườn cây, dự kiến sẽ đón khách vào khoảng tháng 9/2012.

* Nhân rộng mô hình liên kết các nhà vườn
Xã Trung An có diện tích gần 2.000 ha, trong đó, đất nông nghiệp 1426 ha được chia thành 2 vùng: bưng và gò. Vùng gò giáp tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 8 và ranh giới xã Hòa Phú. Vùng bưng được hệ thống sông Sài Gòn bao bọc, hướng Đông giáp tỉnh Bình Dương, hướng Tây Bắc giáp xã Phú Hòa Đông, nước ngọt tưới quanh năm, điều kiện thuận lợi để hình thành những khu vườn du lịch sinh thái. Theo ông Nguyễn Văn Cảm – Phó Phòng kinh tế, UBND huyện Củ Chi, Trung An là 1 trong 5 xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện Củ Chi, dựa trên những đặc điểm riêng về địa hình tại đây để phát triển vườn cây ăn trái hướng liên kết giữa các hộ nông dân, dần dần đưa vào quỹ đạo du lịch sinh thái. Từ thành công này, những năm tới, mô hình sẽ tiếp tục nhân rộng trong toàn huyện. Ngoài ra, Trung An còn là địa bàn được chọn để phát triển cây ăn trái theo dự án hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với tập đoàn Chinfon – Đài Loan (năm 2007) về viện trợ không hoàn lại cho phát triển nông nghiệp và nông thôn tại huyện Củ Chi.
Khi được hỏi liệu mô hình của vùng có bị trùng lắp với những nơi khác, nhiều bà con ở đây cho biết: “Chúng tôi sẽ tự phục vụ theo nhu cầu khách chứ không thông qua các tour du lịch mà kiếm đồng lời thông qua sức lao động của mình. Hơn nữa, chúng tôi không làm khép kín theo kiểu “nhà ai nấy biết” mà hướng đến sự liên kết, cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt tối kỵ việc chèo kéo khách, nếu khách đòi hỏi những trái cây hay món ăn mà vườn mình không có, chúng tôi sẽ giới thiệu qua khu vườn của thành viên khác trong tổ”. “Chúng tôi đang trăn trở là trong tương lai làm sao để kéo dài thời gian du lịch, trồng thêm nhiều giống cây mới như: mít nghệ cao sản, dâu Hà Châu, ổi không hạt…, đồng thời trẻ hóa những cây cũ, trồng xen thêm nhiều cây mới để làm đa dạng loại hình sản phẩm, trái cây không chỉ ngon mà phải đẹp mắt nữa. Đồng thời phải gắn liền du lịch sinh thái với vệ sinh môi trường, dịch vụ ăn uống, mỹ quan, hạ tầng…để làm tăng ấn tượng với du khách”, ông Huỳnh Văn Huệ cho biết.
Ông Trương Văn Đa, Nguyên Phó Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh và hiện là Ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật cho biết, biến vùng dọc theo sông Sài Gòn thành vùng sinh thái và vườn cây ăn trái là chủ trương của Thành phố đã có từ cách đây 15 năm nhưng do nhiều vấn đề nên thời gian qua chưa thể đi sâu. Chủ trương này nhằm giải quyết 3 yêu cầu: tạo mảng xanh, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo môi trường để tiến hành du lịch sinh thái trên địa bàn Thành phố. “Hiện tại, UBND Thành phố đang quyết tâm thực hiện mục tiêu này, từ trước đến nay nông dân chỉ trồng để phục vụ thị trường nội địa, các tour du lịch chỉ nhắm đến các tỉnh miền Tây trong khi địa bàn Thành phố có một vùng rất thuận lợi về du lịch sinh thái thì chưa được khai thác triệt để. Trong tương lai cần vạch ra các tour du lịch đường bộ, đường sông, đồng thời phải có sự phối hợp giữa các nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà nước, nhà doanh nghiệp để bố trí cây trồng làm sao mùa nào cũng phải có trái, vì đi du lịch sinh thái mà không có gì để hái, bẻ thì còn gì vui…”, ông Đa nhấn mạnh.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có trên “sân nhà” cùng với sự quan tâm của các đơn vị, vùng đất Thép sẽ sớm vươn lên thành một địa điểm du lịch lớn của Thành phố và cả nước trong tương lai rất gần.

Việt Âu
 
×
Quay lại
Top