Kỹ năng sơ cứu, đừng bỏ quên

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Sơ cứu là một trong những kỹ năng sống rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt đối với các bạn sinh viên đang bắt đầu cuộc sống tự lập. Thế nhưng trên thực tế, hiện nay, đa số sinh viên không có kỹ năng cơ bản về sơ cứu, dẫn đến việc không biết cách tự sơ cứu cho mình và cho người khác khi gặp nạn.

Vương Thảo Vy (khoa Xã hội học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) kể lại: “Mình từng chứng kiến vụ tai nạn mà hai nam sinh viên đi xe máy bị xe tải đụng. Một trong hai người chân bị quặt ra phía sau một cách bất thường. Mấy bạn sinh viên đi cùng không biết làm thế nào nên đã kéo chân bạn đó trở lại bình thường. Kết quả là bạn nam đó đã bị gãy xương, không thể phục hồi”.


Quá thiếu kỹ năng


các bạn trẻ tham gia học sơ cứu tai nạn

Đặng Thị Trúc Quỳnh (trường ĐH Nguyễn Tất Thành) chưa thôi ám ảnh trước cái chết của người anh họ. Quỳnh ngậm ngùi: “Anh họ mình bị té xuống hồ nước, được vớt lên vẫn còn sống. Nhưng do không được sơ cứu kịp thời nên đã không qua khỏi. Giá như lúc đó, mình và các bạn của anh ấy biết kỹ năng sơ cứu…”.

Trong nhiều trường hợp khác khi gặp người bị tai nạn như bị chảy máu quá nhiều, người ngất xỉu, người bị điện giật, bị đuối nước, các bạn sinh viên thường tỏ ra lúng túng, hốt hoảng và… không làm được gì. Nhiều bạn sẵn sàng ứng cứu nhưng lại không biết cách, dẫn đến việc nạn nhân bị nặng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong. Trần Thị Thu Trang (trường CĐ Kinh tế Đối ngoại) nhớ lại: “Mình đã tận mắt chứng kiến một vụ tai nạn giao thông. Nạn nhân bị chảy máu quá nhiều. Mình rất muốn sơ cứu cho người đó nhưng thực sự mình không biết phải làm thế nào. Người đó được đưa đi cấp cứu nhưng mình không biết anh ta có qua được hay không. Mình cảm thấy rất áy náy. Giá như lúc đó mình biết được chút ít kiến thức về việc cầm máu cho người bị thương”.

Tự trang bị

Sinh Viên Việt Nam đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên đối với 100 sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Kết quả cho thấy, gần như tất cả các bạn đều ý thức được sơ cứu tai nạn là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, có đến 80 bạn thừa nhận rằng, mình không có kỹ năng hay còn thiếu những kiến thức cơ bản về sơ cứu.

BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết, khi xảy ra tình huống cần cấp cứu, trong một số trường hợp, nạn nhân rất cần được sơ cứu ngay trước khi di chuyển đến cơ sở y tế. Với trường hợp ngưng tim, ngưng thở, người sơ cứu nên quan sát chuyển động lồng ngực hoặc áp tay vào mũi nạn nhân để kiểm tra hơi thở. Nếu nạn nhân đã ngưng tim, ngưng thở, phải hồi sinh tim phổi khẩn cấp trong vòng 3 – 4 phút, bằng cách ép tim ngoài lồng ngực hoặc hà hơi thổi ngạt. Với trường hợp gãy xương, người sơ cứu nên cố định chỗ gãy bằng nẹp trước khi di chuyển. Riêng các trường hợp khả năng nghĩ đến gãy cột sống hay gãy xương phức tạp, gãy xương nhiều vị trí thì cần để nạn nhân nằm yên tại hiện trường, chờ đội cấp cứu tới. Với trường hợp chảy máu nhiều, người sơ cứu dùng khăn, vải sạch ép chặt vết thương để ngăn máu chảy. Nếu bị thương ở cánh tay, chân thì trong lúc di chuyển nên giơ tay hoặc chân nạn nhân có vết thương lên cao. Còn với trường hợp tai nạn điện giật, trước hết, người sơ cứu phải bảo đảm nguồn điện đã được ngắt trước khi đến gần nạn nhân. Nếu nạn nhân bất tỉnh, ngưng thở, không thấy mạch đập, cần hồi sinh tim phổi và gọi ngay cho lực lượng cấp cứu chuyên nghiệp. Nếu nạn nhân còn tỉnh thì sơ cứu các vết phỏng điện (nếu có) và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

BS Huy cũng nhấn mạnh: “Nếu nạn nhân đang trong tình trạng nguy kịch hoặc người chứng kiến lúng túng không rõ cách sơ cứu thì nên gọi ngay đội cấp cứu 115″.

KỸ NĂNG SƠ CỨU TAI NẠN GIAO THÔNG


sơ cứu đúng cách quan trọng không kém sự kịp thời

Người bị tai nạn giao thông mà vẫn hoàn toàn tỉnh táo, không chảy máu nên cho nằm nghỉ để theo dõi nhịp thở. Với tổn thương chi, sơ cứu như người bị gãy xương. Chi trên thì lấy khăn làm máng treo tay, chi dưới phải nẹp rồi mới đưa đi cấp cứu. Còn khi bị chảy máu thì phải cầm máu tại chỗ bằng cách lấy một cục bông đè mạnh vào vết thương. Khi di chuyển nạn nhân, chú ý nhẹ nhàng.

Trường hợp rách ổ bụng, cần lấy tấm băng, gạc lớn, mềm, sạch quấn ngang bụng tạm thời để cố định chỗ bị thương. Sau đó đặt bệnh nhân lên cáng chuyển đến bệnh viện. Nếu bị vật nhọn đâm, nhất là ở ngực, bụng, tuyệt đối không được rút ra, vì lúc này vật nhọn đó có tác dụng bịt mạch máu. Nếu rút ra, máu sẽ phun mạnh, bệnh nhân mất máu nhiều có thể chết.

Với bệnh nhân trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, cần chuyển ngay bệnh nhân đến bệnh viện ở tư thế nằm, cho đầu đặt nghiêng. Nếu bị tụt lưỡi có thể dùng tay kéo lưỡi tạm thời ra ngoài. Trong trường hợp này, quan trọng nhất là đường thở. Nếu nạn nhân ngưng thở trong vòng 3 phút sẽ làm chết não và quá 5 phút có thể chết tim. Vì vậy, trước hết phải thông đường thở bằng cách hà hơi, thổi ngạt, hồi sức.

Theo SVVN
 
×
Quay lại
Top