Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - bảo tồn và phát triển

kate6789

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
23/8/2016
Bài viết
117
Mảnh đất đầy nắng gió Tây Nguyên làm bao trái tim yêu du lịch phải thổn thức lỡ nhịp bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn, những dòng thác tuôn trào trắng xóa, những khuôn mặt lấp lánh niềm vui,.. Và, đặc biệt nhất, phải nói đến bản nhạc cồng chiêng- âm vang, thánh thót như núi rừng, như con người đất đỏ bazan.

Vinh dự được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại, độ nổi tiếng của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã lan xa cả thế giới. Tiếng cồng, tiếng chiêng chính là lời tâm sự của núi rừng, của con người nơi đây.
Giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

cong-chieng_4.jpg


Cồng chiêng là màn biểu diễn nghệ thuật không thể thiếu trong mỗi ngày lễ hội ở Tây Nguyên

Cồng, chiêng là hai loại nhạc khí đã gắn bó với cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên hàng chục thế kỉ. Được chế tác từ đồng pha lẫn với vàng, bạc hay các loại kim khí khác. Cồng chiêng nhìn tương đối giống nhau, đều được trạm trổ nhiều hoa văn tinh xảo, chỉ khác là cồng thì có núm còn chiêng thì không. Theo quan niệm của người Tây Nguyên xưa, nhà nào có càng nhiều cồng chiêng thì càng giàu.
Không gian văn hóa cồng chiêng trải rộng suốt cả 5 tỉnh thành: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Đa phần người dân Tây Nguyên đều biết đánh cồng chiêng, họ đã được làm quen với hai loại nhạc cụ này ngay từ khi còn bé. Cồng chiêng được sử dụng trong mọi ngày lễ của người dân Tây Nguyên: lễ ăn mừng lúa mới, lễ đâm trâu, cưới hỏi, ma chay,.. Tiếng chiêng, tiếng cồng đã thay mặt người dân thể hiện cõi lòng của mình: khi vang vọng hạnh phúc, khi trầm ấm khổ đau,.. Cồng chiêng không đơn thuần là một loại nhạc cụ, từ lâu nó đã mang hồn của sông, của núi, của người dân bản.

cong-chieng_3.jpg

Cồng chiêng không chỉ đơn thuần là một loại nhạc cụ mà còn mang hồn của núi sông


Khách du lịch đã quá quen với những đêm lửa trại, trai gái cùng nhau nhảy múa, tiếng cồng tiếng chiêng vang vọng khắp núi rừng, hương rượu cần tỏa ra thơm nồng mê luyến cùng khói lửa trại,.. Chính tiếng cồng, tiếng chiêng trầm bổng đã tạo nên nét đẹp huyền ảo, hùng vĩ của đất rừng Tây Nguyên.
Tùy theo từng dân tộc và từng lễ hội mà số lượng cồng, chiêng sẽ khác nhau: người Brau có dàn 2 chiêng, người Churu có dàn cồng 3 núm, người Mạ có dàn 6 chiêng,.. Dù ít hay nhiều chiêng thì loại nhạc cụ này cũng đòi hỏi người chơi phải có khả năng thẩm âm cao, khả năng kết hợp tiết tấu điêu luyện. Nếu như piano có phím đàn, đàn bầu, đàn nhị có dây kéo,.. thì cồng chiêng lại không có điểm gì để bạn có thể phân biệt giữa các nốt. Vì vậy chỉ có những nghệ nhân điêu luyện mới có thể biến công chiêng thành một dàn nhạc hoàn hảo, có sự biến đổi âm tiết từ cao xuống thấp,.. Chính vì thế tiếng cồng, tiếng chiêng đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cần phải gìn giữ đến muôn đời sau.
Công tác bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

cong-chieng.jpg

Các em nhỏ được làm quen và học cách chơi công chiêng từ nhỏ


Mải mê chạy theo sự phát triển của nền kinh tế, hệ quả tất yếu sẽ là nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần trôi vào quên lãng. Để những giá trị này không bị mai một, công tác bảo tồn và phát triển đóng vai trò rất quan trọng. Việc truyền dạy cách chơi cồng chiêng và công tác phòng chống các nhạc cụ bị tuồn bất hợp pháp ra nước ngoài luôn cần phải đặt lên hàng đầu.
Hiện nay chỉ tính 3 tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai, lượng cồng chiêng lưu giữ được vào khoảng 9.760 bộ. Tại các tỉnh Tây Nguyên, hàng trăm lớp truyền dạy cách chơi cồng chiêng cũng được mở ra để tránh việc mai một văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, chính quyền tại Tây Nguyên cũng nhanh chóng cho xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng, các câu lạc bộ cồng chiêng. Mỗi nhà văn hóa được cấp riêng một bộ cồng chiêng để các em có điều kiện luyện tập. Các cuộc thi văn nghệ, thi đánh cồng chiêng cũng liên tục diễn ra và nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ bà con cô bác.

cong-chieng_1.jpg

Các lễ hội liên quan đến cồng chiêng thu hút đông đảo bà con cô bác

Hàng năm, lễ hội cồng chiêng lại được tổ chức. Các lễ hội liên quan đến cồng chiêng cũng được phục hồi: lễ lúa mới, cưới hỏi, kết nghĩa, vào nhà mới,.. Mặt khác, các hoạt động du lịch liên quan đến Không gian văn hóa cồng chiêng cũng được mở rộng và phát triển. Nhờ đó, người dân Tây Nguyên vừa có thể phát triển kinh tế, vừa bảo tồn được nền văn hóa đặc sắc của mình.
Tuy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã dần được phục hồi và phát triển nhưng các cấp chính quyền địa phương vẫn gặp phải một số vướng mắc không nhỏ: bà con dân tộc chất phác, nhẹ dạ, dễ tin lời kẻ xấu làm hao tổn đến số lượng cồng chiêng, việc duy trì lễ hội cũng như văn hóa cồng chiêng vẫn còn khá nhiều thách thức, đội ngũ quản lý chưa được đào tạo bài bản về văn hóa dân tộc.. Trong thời gian tới, chính quyền Tây Nguyên nói riêng và Nhà nước ta nói chung cần phải có nhiều biện pháp tích cực hơn nữa trong việc giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa độc đáo này.
Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ, hát xoan,.. đều là những di sản văn hóa phi vật thế vô giá mà chúng ta cần phải giữ gìn. Nếu đánh mất những viên ngọc quý giá ấy, Việt Nam sẽ đánh mất một nền văn hóa truyền thống đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc.

ThiencamTravel
(Thiencamtravel.vn)
 
×
Quay lại
Top