Không cho điểm học sinh lớp 1: Lợi, hại?

gaconueh2005

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
3/3/2013
Bài viết
4.056
Sĩ số học sinh cao là thách thức đối với giáo viên khi đánh giá các em bằng nhận xét. Thực hiện không tốt sẽ thành hình thức và khiến học sinh lơ là trong học tập.


Bộ GD&ĐT vừa có văn bản quy định giáo viên tuyệt đối không cho điểm học sinh (HS) lớp 1 trong suốt quá trình học, trừ bài kiểm tra cuối năm. Thay vào đó, giáo viên chỉ đánh giá bằng nhận xét để động viên và ghi nhận sự tiến bộ của HS trong từng mặt. Vấn đề này không quá mới nhưng đây là lần đầu tiên thực hiện xuyên suốt trong năm học nên ít nhiều gây băn khoăn, lo ngại cho phụ huynh và giáo viên.

Tạo tâm lý nhẹ nhàng cho HS

ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học của Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết những năm học trước, TP đã triển khai thực hiện không chấm điểm cho HS lớp 1 từ hai đến bốn tuần đầu năm học, việc thực hiện trong suốt năm học chỉ là một bước mở rộng hơn. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm tạo nền tảng tâm lý tốt cho HS bước vào lớp 1, không có suy nghĩ bị so sánh, giúp HS thích đi học và thích học hơn. Phụ huynh từ đó sẽ giảm việc đặt áp lực điểm số lên con mình, tránh tình trạng học chữ trước khi vào lớp 1. Đây cũng là cách để giáo viên hiểu, yêu thương, động viên, khích lệ tinh thần và ghi nhận tiến bộ của các em trong từng bài học, qua từng lời phê.


13-chot-1612d.jpg

Một tiết học của HS lớp 1 tại Trường Tiểu học Tân Quy, quận 7, TP.HCM năm học 2012-2013. Ảnh:PHẠM ANH

“Sở đang nghiên cứu và sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể đến các trường. Trong năm sẽ vẫn còn những bài kiểm tra như giữa kỳ, cuối kỳ… để nắm mức độ hiểu bài của HS nhưng giáo viên sẽ đánh giá bằng nhận xét dựa trên chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng em” - ông Vinh cho hay.

Cô Hoàng Thị Thanh Vui, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cũng nói việc nhận xét học sinh lớp 1 qua từng buổi học hay bài kiểm tra đã được thực hiện trừ trước nên việc năm nay thực hiện trong cả năm học là bình thường. HS sẽ biết mình thiếu cái gì, cần chú ý thêm phần nào mà không phải lo lắng thua kém bạn nào trong lớp. Cách này cũng sẽ làm giảm cái tôi tự cao của những em học chữ trước và khích lệ được những em yếu. Phụ huynh cũng sẽ có cái nhìn nhẹ nhàng hơn với con, không lo áp lực thành tích về điểm số với con.

Áp lực với giáo viên

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 12 thẳng thắn nói: “Không có giáo viên nào cực bằng giáo viên lớp 1. Mỗi một em vào trường đều có hiểu biết, kiểu học… khác nhau. Chỉ riêng việc rèn cho các em có nề nếp chung đã mất cả một kỳ học rồi, chưa kể còn phải nhận xét cụ thể đến từng phụ huynh. Năm nay, rất nhiều trường có sĩ số HS cao 40-50 HS/lớp, không biết giáo viên sẽ đánh giá như thế nào, không khéo lại thành “một lứa cá mè chung một nhận xét” thì khổ”.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cũng băn khoăn, nhận xét không lạ với HS và giáo viên vì lâu nay bài kiểm tra nào cũng có mục “lời phê” để giáo viên ghi vào nhưng còn kèm theo điểm số để bù trừ qua lại nên không thể nói bỏ chấm điểm là bỏ ngay được. Giáo viên cũng đã quen với cách thường xuyên ra bài kiểm tra sau mỗi nội dung học để nắm mức độ hiểu bài của các em. Nếu chỉ sử dụng nhận xét mà không chấm điểm sẽ khó thể hiện hết ý của giáo viên.

“Giáo viên phải nhận xét vừa cụ thể vừa đúng “tinh thần” của Bộ sẽ mất nhiều thời gian hơn. Vì thế, Sở không chỉ hướng dẫn mà nên có một, hai buổi tập huấn về phương pháp đánh giá cho giáo viên để vừa có sự thống nhất vừa phù hợp tâm sinh lý HS, tránh những “tai nạn” do lời nhận xét gây nên” - vị hiệu trưởng này nói.

Lo phụ huynh lơ là

Cô Phi Phương Nga, giáo viên Trường Tiểu học Chính Nghĩa (quận 5), chia sẻ tâm lý HS lớp 1 thích vừa học vừa chơi, chưa có hứng thú học tập nhiều, chưa có sự phân biệt và đố kỵ nhau nên việc đánh giá bằng nhận xét là nhẹ nhàng nhất. Đây là cách để khuyến khích các em đến trường để học mà không bị áp lực. Tuy nhiên, mỗi em có trình độ mỗi khác nên cũng lo cách làm này sẽ dung hòa các em, không tạo sự vượt trội với những em học khá hơn.

Chị Huỳnh Bích Ngọc, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), lo ngại điểm số không quan trọng nhưng cũng là cơ sở để phụ huynh biết con mình tốt, yếu đến đâu. Giỏi hay yếu mỗi bé một khác, liệu nhận xét có đánh giá đúng thực chất khả năng của bé.

“Giả sử lúc nào giáo viên cũng nhận xét trong vở và bài kiểm tra là khen bé tiến bộ này, tiến bộ kia nhưng cuối năm thi chỉ được 5 hay 6 điểm thì thế nào, làm sao phụ huynh biết để hỗ trợ cho con kịp. Lúc đó, tâm lý của HS sẽ bị ảnh hưởng lớn vì phụ huynh la rầy thì cũng nguy hiểm không kém, không phải phụ huynh nào cũng hiểu hết ý nhận xét của giáo viên nếu không có điểm số đi kèm” - chị Ngọc lo lắng nói.

Thực hiện đánh giá HS theo hướng động viên, khích lệ, ghi nhận sự tiến bộ hằng ngày của từng HS, giúp HS cảm thấy tự tin, vui thích với các hoạt động học tập, tăng cường đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Trong đó chú trọng nhận xét cụ thể của giáo viên về những nội dung HS đã thực hiện được và những nội dung chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên, giúp đỡ kịp thời. Đặc biệt, đối với HS lớp 1, ngoài bài kiểm tra cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học. Giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các HS, chê trách HS trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào.

(Trích Văn bản số 5478/BGDDT-GDTH về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2013-2014 ban hành ngày 9-8)
Theo phapluattp.vn
 
×
Quay lại
Top