Không chỉ sinh viên lao đao đi xin việc

HuongNguyen_93

怠惰なエディタ
Thành viên thân thiết
Tham gia
31/12/2011
Bài viết
3.333
Không ít sinh viên dù ra trường đã vài năm, song việc làm vẫn bấp bênh. Không kén việc, không ngại đi xa, không quá tính đến mức lương là cách mà người lao động tìm việc trong thời buổi khó khăn này…


Các bạn trẻ đăng ký thông tin tại Ngày hội việc làm Trường ĐH Kinh tế Quốc dân.​

Cơ hội nào cho sinh viên mới ra trường?

Thanh Mai – tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, tại Viện Đại học (ĐH) Mở Hà Nội – chia sẻ, sau khi tốt nghiệp, cũng như nhiều sinh viên khác ấp ủ trong mình những hoài bão riêng về một công việc tốt, một gia đình ổn định, một cuộc sống tuyệt vời, Mai hăm hở cầm hồ sơ đi xin việc. Thế nhưng, bao nhiêu lần nộp hồ sơ là bấy nhiêu lần chờ đợi trong vô vọng, không thấy nhà tuyển dụng thông báo lại. Mai kể: “Việc đầu tiên mỗi ngày của em là vào các website tuyển dụng, gửi email, xem thông tin tuyển dụng của các Cty, lấy địa chỉ và gửi hồ sơ”.

Mai than: “Cũng có mấy Cty gọi em đi phỏng vấn, nhưng đến nơi nào họ cũng yêu cầu là phải có kinh nghiệm làm việc và giỏi ngoại ngữ, mà sinh viên bọn em mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm, còn ngoại ngữ cũng ở mức trung bình”.

Sau nhiều lần đi xin việc không được, Mai được bạn giới thiệu vào làm công nhân tại KCN thị trấn Phùng (Đan Phượng – Hà Nội) cách chỗ ở 15km với mức lương 2 triệu đồng/tháng. Nhưng cũng chỉ làm được hai tháng Mai phải nghỉ do công việc quá vất vả mà lương thì không đủ chi tiêu hằng ngày. Hiện Mai đang đi bán quần áo cho một shop thời trang ở Cầu Giấy để chờ việc.

Đồng cảnh với Mai, Nguyễn Thị Lan tốt nghiệp cử nhân sư phạm ngữ văn (ĐH quốc gia Hà Nội) loại giỏi, cho hay: “Ra trường đã gần 2 năm, gửi hồ sơ thì nhiều, nhưng vẫn không thể tìm được công việc tương đối. Mà ngành sư phạm chúng em thì càng khó. Đến trường nào người ta cũng bảo thừa giáo viên rồi”. Để có tiền ở trọ cũng như trang trải cuộc sống hằng ngày, Lan đành nhận lớp gia sư cho học sinh tiểu học.

Có kinh nghiệm vẫn… thất nghiệp

Không chỉ có sinh viên mới ra trường khó tìm việc, mà ngay cả những người đã tốt nghiệp ĐH đi làm 4 – 5 năm, có kỹ năng, có kinh nghiệm vẫn đối mặt với thất nghiệp khi cơ quan gặp khó khăn trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng. Giảm lương, cắt giảm nhân sự đang là vấn đề người lao động phải đối mặt hiện nay. Có mặt tại sàn giao dịch việc làm trên phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chúng tôi gặp anh Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1980) từng là kỹ sư xây dựng cho một Cty ở Hà Nội. Do biến động về nhân lực, anh Nghĩa cũng phải tìm việc mới, nhưng chưa thấy nhà tuyển dụng nào gọi phỏng vấn.

Dù khá dày dạn kinh nghiệm làm việc, nhưng anh Bùi Thanh Duy (26 tuổi) vẫn không thể tìm cho mình công việc ưng ý, sau rất nhiều lần gửi hồ sơ. Trong khi đó, chi phí cho việc học cao học ngốn của anh khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. “Giá như mình chấp nhận làm luôn sau khi ra trường, thì giờ đâu đến nỗi. Đành trông chờ vào vận may vậy” – anh Duy thở dài.

Lãnh đạo một trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn Hà Nội cho biết, trung tâm chị có khoảng 25 nhân viên là cử nhân, thạc sĩ nhưng do không có việc làm, nên hiện cứ thay phiên nhau đi làm bảo vệ.

Theo khuyến cáo của nhiều chuyên gia tư vấn việc làm, trước mắt, các sinh viên mới ra trường không quá nôn nóng và nên tận dụng mọi cơ hội để làm việc, tích lũy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc trau dồi những kỹ năng sống cũng như bổ sung kỹ năng phỏng vấn, xin việc là điều rất cần thiết tại thời điểm hiện nay.

Lao Động Online
 
×
Quay lại
Top