Khói cay mắt phố

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Chiều trên phố, mùa đông như đã đến nơi này từ ngàn năm trước và còn trị vì bởi cái lạnh tê tái hun hút trên những con đường. Có lẽ chẳng mấy ai trong cái lạnh cắt da đang hiện hữu này lại lạc quan hay mơ mộng đến mức cho rằng chỉ ngày mai thôi nắng ấm sẽ tràn về.


dsc-0180.jpg


Nhưng cái rét buốt sẽ gợi ta nhớ về bếp lửa mùa đông. Đó là hình ảnh thân thuộc và ấm áp nhất trong tiết trời này. Hay bếp lửa ấy còn là biểu tượng của sự sum vầy, đoàn tụ khi ta lang bạt tha phương xứ người. Bất giác sống mũi ta cay cay như mùi khói bếp ẩn lẫn đâu đó trong khói bụi đô thành.

Giữa dòng người xe hối hả giờ tan tầm, thật khó để tìm kiếm và phân biệt được màu khói bếp vì gần như điều đó là không thể ở thành phố này. Rồi mùi cay nồng, thơm ngái của khói bếp củi thì không thể nào trộn lẫn được với mùi khói xăng của trăm ngàn phương tiện đang nhả ra ồn ĩ ngoài kia. Khói bếp âm thầm, mỏng mảnh mà sao mãnh liệt đến thế.

Ta bâng khuâng kiếm tìm chung quanh, tưởng ảo giác tạo ra còn cái lạnh đang cào xé thịt da là rất thật và mùi khói vẫn lảng vảng đâu đó. Đi sâu vào một con đường lạ mà hằng ngày ta chỉ lướt qua vội vã chợt thấy lòng mình ấm lại nôn nao khi nhận ra một đống lửa đang được đốt ven đường phố. Người người vẫn lao qua làn khói mỏng vì những lo toan, còn ta thì đứng lại. Những mẩu gỗ thừa của xưởng gỗ đang được nhóm lên, xung quanh ba bốn người già đang ngồi thong thả uống trà, chơi cờ, mấy đứa trẻ con đang chạy vòng vòng chơi trò gì đó.

Dường như họ đang ở bên ngoài thời gian, bên ngoài guồng quay của cuộc sống. Ta chợt hiểu vì sao có những điều tưởng đã rất lâu, rất cũ xưa rồi vẫn còn được lưu giữ không mất đi. Thì đấy, giữa phố đông mà ta còn gặp được bếp lửa mùa đông, ai bảo phố chỉ có bếp gas, bếp điện hay chí ít cũng là bếp than. Đâu đó trong căn cốt của sự hiện đại, tiện nghi thì gốc gác nguyên sơ vẫn tồn tại.


02082303409.jpg


Từ xa xưa đã hình thành quan niệm nơi nào có bếp lửa nơi đó có sự sống con người. Cho đến ngày nay, điều đó vẫn luôn đúng và bếp lửa đã trở thành biểu tượng không chỉ là của sự sống mà là cả văn hóa, tâm linh. Bếp lửa giống như dấu hiệu nhận biết sự hiện diện của con người. Trong các cuộc chiến tranh của loài người, họ thường tìm dấu vết đối phương qua khói bếp. Có loài thú rừng cũng theo khói bếp mà nhận biết nơi con người có mặt để né tránh.

Những ánh lửa bập bùng, chập chờn, thao thức, vòng vẽ vào cõi người những điều tưởng bình thường mà thành bí ẩn, diệu kỳ ta không thể lý giải được bằng ý thức. Dù con người có lúc vô tình thì bếp lửa vẫn âm thầm cháy mãi trong tâm thức, vô thức và trong quá trình tiến hóa của loài người.

Nghĩ về bếp lửa, ai chẳng nhớ đến những bữa cơm ấm cúng bên gia đình. Khói bếp buổi chiều lơ lửng xuyên qua những mái tranh để hóa thân vào mây trời gợi nỗi niềm quê các. Nồi khoai mật, củ sắn lùi càng khiến lòng ta se sắt nhớ bếp lửa mùa đông. Ta chợt nghĩ, mùa đông đến nơi đây không phải để gieo rắc giá lạnh mà để ta hiểu hơn nguồn gốc và sự sinh tồn của giống loài mình. Hay ít ra cũng để ta biết trong tâm tưởng mình còn có những giá trị không bao giờ mất đi. Nó vĩnh viễn, bất biến và là sợi dây gắn kết loài người.

Chiều phố mùa đông, những ánh đèn đã được thắp sáng làm cho bếp lửa ven đường trở nên chập chờn, nhòa nhạt. Những người đánh cờ đã trở về nhà chuẩn bị cho bữa tối trong căn nhà tiện nghi. Những đứa trẻ cũng đã giải tán từ lúc nào. Bếp lửa được thắp lên vì một lẽ nào đó giờ đã không ai thêm củi. Nhưng trong tro tàn kia ta biết vẫn luôn âm ỉ thức dậy một ngọn lửa vì khói vẫn từ đó bay lên làm cay xè mắt kẻ qua đường.

Theo Quân đội nhân dân
 
Đọc xong lại nhớ đến bài thơ này:

"Một bếp lửa chờn vờn sương sớm,
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.

Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói,
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy.
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu,
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay.

Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa,
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà ?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế,
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế.
Mẹ cùng cha bận công tác không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc.
Tu hú ơi chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa ?

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi,
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi,
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh.
Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”.

Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen!
Một bếp lửa lòng bà luôn ủ sẵn,
Một bếp lửa chứa niềm tin dai dẳng,
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa!

Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ,
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm,
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ.
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!

Giờ cháu đã đi xa, có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?"


Bếp lửa - Bằng Việt
 
Bài hay, cám ơn vì đã chia sẻ.
 
×
Quay lại
Top