Khi tân sinh viên... rơi tự do

Newsun

Believe in Good
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/4/2008
Bài viết
9.433
Lao vào đi làm thêm để khẳng định mình đã... lớn, triền miên trong những kế hoạch ăn chơi dài hơi bù lại lúc ôn thi thi căng thẳng, tự cho phép xả hơi chuyện học hành một thời gian... khiến không ít tân sinh viên vô tình trượt dài từ năm học đầu.

Sau khi trúng tuyển vào ĐH-CĐ, nhiều sinh viên năm nhất đổ xô đi tìm việc làm thêm nhằm trang trải các khoản chi tiêu đầu năm học: học phí, tiền nhà, tiền ăn, mua sách vở… Bên cạnh đó, với tâm lý “xả hơi” sau chặng đường mệt nhoài vượt qua hai kỳ thi căng thẳng tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, không ít sinh viên năm nhất lơ là, xem nhẹ việc học tập trong năm đầu tiên ĐH.

Làm thêm, vui chơi mới “ra dáng” sinh viên?


Thanh Tú, tân sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng, ĐH Marketing cho biết, tìm việc và đi làm thêm ngay sau khi nhập học. Tú tâm sự, năm học đầu tiên cần rất nhiều thời gian làm quen môi trường học tập mới, nhưng cũng là năm sinh viên có nhiều thời gian rỗi nên đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, lại có thêm thu nhập.

Suy nghĩ của Tú cũng là tâm lý chung của các tân sinh viên. Nhiều bạn bè của Tú cũng quan niệm, năm thứ nhất chủ yếu làm quen trường lớp, bạn bè chứ chưa học gì nhiều nên tranh thủ những giờ trống tiết hoặc “cúp cua” môn học đại cương để đi làm thêm.

1505.jpg
Nhiều sinh viên quan niệm đi làm thêm để có thu nhập và là cách khẳng định mình. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngọc Quyên, tân sinh viên ĐH Ngoại Thương tại TP HCM cũng chia sẻ, sau khi biết đỗ ĐH, việc đầu tiên nữ sinh này làm là xin ba mẹ cho đi du lịch một tuần. Sau khi nhập trường, vài tuần đầu chủ yếu học quân sự, nhận lớp, sinh hoạt chủ nhiệm, nên cô và nhóm bạn thanh lại tiếp tụ tập "chơi cho đã".

"Em nghe các anh chị khóa trên nói, đời sinh viên ai cũng thi lại một lần cho biết mùi, nên chả ngán. Học ĐH rồi, có phải như phổ thông đâu mà sợ. Ngoài học bài vở trên lớp ra, phải biết lăn xả làm thêm, hoạt động ngoại khóa nhiều để chứng tỏ mình đã lớn chứ. Với lại, sinh viên đi làm thêm, trốn tiết hay nghỉ học một vài ngày cũng không bị mời phụ huynh, nên phải thử hết cho biết cái cảm giác làm sinh viên", cô tân sinh viên này tâm sự.

Ở một khía cạnh khác, nhiều tân sinh viên năm quan niệm năm thứ nhất ĐH là thời gian “tận hưởng” sau bao ngày học tập vất vả ở THPT. Nguyễn Đăng Lưu, sinh viên khóa 35, ĐH Kinh tế TP HCM chia sẻ, khi đỗ hệ chính quy trường này, cậu "cảm thấy như đang ở trên mây". "Nhập trường xong, việc học cũng chưa thấy khó khăn, lịch học chưa nặng, thời gian học tương đối nhẹ nhàng, thoải mái… nên em muốn thư thả một tý", Lưu giãi bày.

Ghi nhận của Đất Việt tại Trung tâm hỗ trợ sinh viên, Trung tâm giới thiệu việc làm, những việc phổ biến mà sinh viên năm nhất thường chọn là gia sư hoặc làm phục vụ theo giờ tại các quán ăn, nhà hàng. Anh Lê Xuân Dũng, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP HCM, cho biết, số lượng sinh viên năm nhất tìm việc làm tại trung tâm tính đến thời điểm từ tháng 8 đến nay là 25-30%, tăng hơn so với năm trước 10%. Những việc phổ biến là phục vụ, làm theo ca, mức thu nhập 15.000 - 30.000 đồng mỗi giờ.

Hiểu sai khái niệm “sinh viên”, hậu quả khó lường


Theo Phạm Thị Trang khóa K35, ĐH KT TP HCM, ở ĐH, "phương pháp học hoàn toàn xa lạ nên không chỉ riêng em mà các bạn khác cũng gặp khó khăn trong việc thích ứng. Nếu không cố gắng và không tìm ra phương pháp học tốt, em sợ mình không theo kịp”.

Thay vì tìm hiểu phương pháp học mới ở môi trường ĐH, nhiều sinh viên năm nhất, năm hai vì mải mê làm thêm, tham gia sinh hoạt ngoại khóa, bỏ bê việc học. Không ít tân sinh viên một năm thi lại 4 - 5 môn, đến học kỳ năm 3, năm 4, khi bước vào môn chuyên ngành nhưng chưa thanh toán xong “nợ” môn đại cương.

Không ít trường hợp nhiều tân sinh viên do trượt dài từ năm thứ nhất, nên khi bạn bè trong lớp được thi tốt nghiệp, làm luận văn ra trường, thì vẫn loay hoay đi học bổ sung, “trả nợ” học phần còn thiếu, chưa có tấm bằng tốt nghiệp trên tay để đi tìm việc làm chính thức.

Trao đổi với Đất Việt, ông Võ Văn Nam, nguyên Trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư Phạm TP HCM cho rằng, do bậc ĐH không có chế độ kiểm tra thường xuyên nên nhiều tân sinh viên chủ quan, dẫn tới chểnh mảng việc học hành.

Chưa kể, sau khi trải qua quá trình thi cử căng thẳng, nhiều sinh viên năm nhất đã cho mình quyền “tự do” vui chơi, thư giãn mà không biết rằng đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Nếu sinh viên không biết tự làm chủ bản thân, học cách tự lập và quản lý bản thân sẽ không biết làm thế nào để hòa nhập vào một môi trường học tập mới. Do đó, ngay từ khi bước chân vào ĐH, sinh viên cần xác định cho bản thân một thái độ học tập tích cực, không nên lơ là.

Cũng theo ông Nam, việc làm thêm tuy quan trọng, nhưng sinh viên cần xác định: đi làm thêm là vì mục đích học tập (trang trải học phí, học thêm kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm…). Do đó, các em cần ưu tiên và xác định học tập, nghiên cứu là nhiệm vụ quan trọng nhất. "Tân sinh viên cần lên kế hoạch rõ ràng, làm chủ thời gian, tự quản lý bản thân để tránh bị stress và mắc phải những sai lầm", ông Nam khuyên.

Theo Đất Việt
 
×
Quay lại
Top