Khi bạn là một tân sinh viên đang làm quen cuộc sống mới

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Sự chia sẻ rất chân thành từ cậu tân sinh viên Nguyễn Ngọc Đức, sinh viên lớp 12CHD trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng.

Mùa tựu trường năm nay, trường Đại học sư phạm – Đại học Đà Nẵng đã mở cửa đón hơn 1800 sinh viên từ các vùng miền đến nhập học, trong đó hơn 1200 sinh viên thuộc khối cử nhân khoa học và hơn 670 sinh viên thuộc khối Đại học sư phạm.

Vừa mới rời xa tuổi học trò, bước những bước chân đầu tiên tới giảng đường Đại học, chắc hẳn các bạn tân sinh viên ít nhiều đều mang trong mình những cảm xúc mới mẻ. Những bỡ ngỡ của của cuộc sống xa nhà với biết bao lo toan, rồi những cảm nhận khác nhau về trường mới, lớp mới với những bạn bè mới… Những cảm xúc của ngày nộp hồ sơ nhập học, những ấn tượng về buổi lễ chào đón tân sinh viên của các anh chị khóa trên.

654214-121113hdsinhvien01-ee771.jpg

Tân sinh viên nô nức đến trường nhập học


Nhưng niềm vui đó lại nhanh chóng nhạt dần trên gương mặt của các bạn vì những khó khăn phía trước. Đối với nhiều bạn tân sinh viên, thử thách đầu đời khi bước vào cổng trường đại học không đơn thuần chỉ là sách vở, trường lớp, thầy cô mà đó còn là sự va chạm từ cuộc sống.

“Sự bất đồng ngôn ngữ, kì thị giữa các vùng miền khiến cho mình ít tiếp xúc với mọi người hơn, sống khép kín hơn” - đó là lời chia sẽ của bạn Hoàng Thị Mỹ Trang (Lớp 12SDL, đến từ Quảng Trị).

Không còn hứng khởi như lúc đầu mới nhận giấy báo nhập học, bước vào môi trường mới với những bỡ ngỡ đầu đời, cuộc sống tự lập với vô vàn những điều cần suy nghĩ, đến với kí túc xá trường Đại Học Sư phạm Đà Nẵng, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ rất chân thành từ cậu tân sinh viên Nguyễn Ngọc Đức, sinh viên lớp 12CHD.

Từ Quảng Bình vào Đà Nẵng học, cảm giác nhớ nhà chưa dứt thì Đức đã phải đối diện với khá nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là vấn đề ăn uống, sinh hoạt chật chội, bất tiện, an ninh không được đảm bảo, kể cả việc bất đồng ngôn ngữ và ý thức chưa tốt mọi người trong kí túc xá nữa.

654214-121113hdsinhvien02-ee771.jpg

Kí túc xá - nơi ở của Đức tại trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng


“Ở kí túc xá chật hẹp, mặc dù có không gian yên tĩnh để học, nhưng mình thấy ý thức của một số người chưa được tốt, họ vứt rác bừa bãi, vẫn còn kì thị giữa các vùng miền khác nhau, sinh hoạt không được thoải mái cho lắm. Giá cả đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn ở căn tin quá đắt so với túi tiền sinh viên nhưng đi ăn ngoài thì sợ đồ ăn không hợp vệ sinh, mình cũng bị mất một số vật dụng cá nhân nữa” – Đức buồn bã cho hay.

Tuy nhiên ngoài những vấn đề bất cập đó, Đức cũng tươi cười tâm sự thêm: “Mình ở gần trường nên việc sinh hoạt trong các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động của lớp cũng dễ dàng hơn, một số anh chị khóa trước cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nên đôi lúc cũng thấy vui lắm.”(cười)

Ở một góc nhỏ khác, tìm đến với phòng trọ của bạn Nguyễn Thị Hà Quyên – Lớp 12SNV tại tổ 22, kiệt 2, đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh nam, quận Liên Chiểu nằm sau lưng trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng, Quyên tủi thân kể lại: “Mới nhập học không lâu mà có đủ thứ chuyện, lần đầu tiên xa nhà mình vẫn chưa quen với cuộc sống tự lập, việc tự sinh hoạt, tự học, cách giảng dạy mới, gặp gỡ bạn bè từ tất cả các vùng miền với nhiều ngôn ngữ khác nhau… đã làm mình cảm thấy không tự tin cho lắm. Đã thế vấn đề an ninh xóm trọ cũng không được đảm bảo, tuần đầu tiên đi học, lúc mới về nhà mình bàng hoàng khi cánh cửa mở toang, chạy vào thì thấy đồ đạc trong phòng bị lật tung hết, tuy chỉ mất ít tiền nhưng cũng làm mình hỗn độn.”

654214-121113hdsinhvien03-ee771.jpg

Hà Quyên bên góc học tập của mình


Không những thế còn vấn đề chủ phòng trọ thu tiền điện, nước giá cao bất ngờ, phòng thấp hơn so với mặt đường nên hễ trời mưa là phải lội nước đi học, không gian nhỏ trong phòng không đủ để phơi quần áo, mà có phơi được thì lại lâu khô, phơi ở ngoài thì bị trộm, giao thông ở đây cũng có nhiều bất cập, nhiều lúc các bạn không giám qua đường vì sợ,… tất cả những điều trên đã làm cho không ít các bạn tân sinh viên rụt rè hơn, sống khép kín hơn.

654214-121113hdsinhvien04-ee771.jpg

Một góc ở dãy trọ sinh viên


Trong hoàn cảnh như thế này điều mà các bạn cần nhất chính là sự giúp đỡ, động viên từ bạn bè, những lời khuyên đúng đắn từ các anh chị khóa trên – Những người cũng từng trải qua khó khăn ngay từ những ngày đầu nhập học.

Trò chuyện cùng anh Đoàn Xuân Sơn ( Lớp 11CBC – Đại học sư phạm Đà Nẵng), anh chân thành chia sẻ: “Năm ngoái lúc mới nhập học anh cũng rơi vào tình trạng khốn đốn như bọn em, bị mất cắp và lừa đảo, rồi thêm những bỡ ngỡ trước phương pháp học mới, môi trường sống mới đôi lúc làm anh nản lòng. Nhưng nhờ sự quan tâm từ gia đình, bạn bè cùng với sự nỗ lực của bản thân nên mọi chuyện cũng dần ổn định và chóng qua.”

Chị Phạm Thị Linh – Sinh viên năm cuối trường cao đẳng Thương Mại lại cho rằng: “Chẳng có con đường nào thật sự trải đầy hoa hồng cho chúng ta đi nên việc vấp phải những khó khăn hay thất bại là chuyện bình thường. Cái quan trọng là ta phải biết cách nhìn nhận đúng vấn đề và tìm cách để vượt qua nó, để từ đó rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm đúng đắn hơn trong cuộc sống.”

Thật vậy, con đường đi đến những ước mơ không bao giờ bằng phẳng, muốn thành công ắt phải có sự hi sinh. Đôi khi những vấp ngã trong hiện tại chính là chìa khóa thành công cho tương lai. Thế nên chúng ta hãy cùng chúc cho những bạn tân sinh viên có đủ nghị lực để vượt qua tất cả những chông gai trước mắt và gặt gái được nhiều công nhé!

Theo Kenh14
 
×
Quay lại
Top