Khăn giấy lề đường, độc hại khó lường

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Trong thời gian gần đây trên địa bàn TP.HCM bỗng dưng xuất hiện khăn giấy ướt giá bán siêu rẻ.


Vào cuộc tìm hiểu, tớ mới biết rằng quy trình sản xuất một bịch khăn giấy ướt “tiệt trùng” như quảng cáo được tiến hành hoàn toàn thủ công…

Ham rẻ gây hại

Trong một lần tham gia hoạt động ngoại khóa tại địa đạo Củ Chi (Huyện Củ Chi), Ngọc Thanh (sinh viên Đại học KHXH & NV TP.HCM) đã “tậu” cho mình 3 bịch khăn giấy ướt với giá 7.000 đồng/bịch. Bạn Thanh cho biết: “Trong siêu thị một bịch khăn giấy ướt có giá từ 9 - 15 đồng/bịch. Thấy giá khá thấp nên tớ đã không suy nghĩ, cũng không để ý đến nhãn mác mà chọn mua”.

dochai-1.jpg
Khăn ướt được bày bán trước cổng trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM)
dochai-2.jpg
Nhãn mác, mã vạch mập mờ
dochai-3.jpg
Một người bán lẻ đến tận xưởng lấy hàng
dochai-4.jpg
Một góc của xưởng sản xuất khăn giấy

Sau khi sử dụng khăn giấy lề đường, chiều cùng ngày bỗng dưng da mặt Thanh nổi đỏ. Chỉ dùng để chùi tay thôi thì bàn tay Thanh cũng ngứa ngáy khó chịu. Một trường hợp khác là bạn Trần Thúy Ngân (lớp 11A12, trường THPT Đào Duy Từ, TP.HCM) đã mua một bịch khăn giấy loại lớn. Bạn chỉ sử dụng một tờ. Hơn một tuần sau Ngân lấy ra xài tiếp thì phát hiện các khăn giấy còn lại xuất hiện nấm màu xanh rêu.

Tuy Ngân và Thanh mua khăn giấy ở hai địa chỉ khác nhau nhưng lại cùng một nhãn hiệu sản phẩm. Quan sát bao bì tớ phát hiện tất cả đều in bằng chữ tiếng Anh và đặc biệt không ghi cụ thể địa chỉ sản xuất cũng như hạn sử dụng.

Sản xuất bằng… tay

Trong vai một người đi mua khăn giấy ướt về bán lẻ, tớ đã gọi đến số điện thoại được in trên bao bì gặp một người đàn ông giới thiệu tên là Tú. Tuy nhiên, người này không đồng ý nói chuyện giá cả qua điện thoại mà đòi hẹn gặp trực tiếp để “thương thuyết”.

Như cuộc hẹn, tớ có mặt tại chợ Tân Sơn Nhì (Q.Tân Bình) trao đổi việc mua khăn giấy ướt, sau đó được anh Tú dẫn đến một con hẻm gần chợ dừng trước một ngôi nhà lầu 3 tầng không có biển hiệu. Chỉ vào những thùng giấy, anh Tú cho biết: “Tất cả những bịch khăn giấy được bán ở các đoạn đường Quang Trung, Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), Trường Chinh (Q.Tân Bình)…đều xuất phát từ đây”. Anh Tú cho biết thêm, không chỉ giao hàng ở TP.HCM mà khăn giấy còn được bán ở Tây Ninh, hàng ngày xuất kho đến hàng trăm thùng, tương đương gần hàng chục nghìn bịch khăn giấy ướt được đưa ra thị trường. “Em mua mấy thùng anh để giá hợp lí cho?”, anh Tú hỏi.

“Em mua 3 thùng thì giá bao nhiêu ạ”, tớ trả lời. Và tớ giật mình khi biết giá bán sỉ siêu rẻ, với bịch nhỏ nhãn hiệu Happy Pubbi được bán 3.600 đồng/bịch còn loại lớn nhãn hiệu Babay Care có giá 11.000 đồng/bịch. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường giá 2 loại được “đôn” đến 7.000 và 18.000 đồng. Anh Tú không quên chia sẻ “bí kíp” để “câu khách”. Theo anh, khi bày bán khăn giấy đừng bao giờ để giá của bịch lớn mà cứ để bảng “Khăn giấy ướt giá 7.000 đồng”, khách hàng sẽ dễ lầm tưởng đó là giá của bịch lớn, nhưng khi vào hỏi buộc lòng họ phải mua lấy vài bịch”. Anh cũng không quên nói về triển vọng “nghề nghiệp: “Nhờ có khăn giấy siêu rẻ này mà nhiều người đã nghỉ bán vé số chuyển sang nghề mới. Cả sinh viên cũng làm thêm bằng nghề này”.

“Đột nhập” xưởng sản xuất

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất, tớ lấy cớ muốn xem kho hàng. Sau một hồi “kì kèo”, anh Tú đã đồng ý dẫn đường. Theo quan sát của tớ, nơi được cho là xưởng sản xuất gồm hai ngôi nhà, một dùng làm kho chứa hàng còn ngôi nhà kế bên có gần 10 nhân công đang làm việc “gia công” đóng gói. Tranh thủ lúc anh Tú không để ý, tớ bước vội vào ngôi nhà đang sản xuất.

Không lâu sau, một người phụ nữ bước xộc ra đẩy vai tớ: “Nhìn gì đó chú, ở đây người lạ không được vào”. Tuy nhiên, tớ đã nhanh tay ghi hình và quan sát được quy trình sản xuất của “công ti”. Một khối lớn giấy màu trắng được một công nhân đưa vào máy cắt. Tiếp đến, hai thanh niên ngồi gần đó lấy giấy đã được cắt nhúng vào một thau nước màu trắng. Công đoạn cuối cùng chính là đóng gói, tất cả đều bỏ quên khâu tiệt trùng, diệt khuẩn. Những công nhân ở đây không hề dùng bao tay thậm chí có cả những nam công nhân không mặc áo mà ngồi ngồi bệt dưới đất đóng gói.

“Giải mã” khăn giấy lề đường

Mang câu chuyện khăn giấy ướt lề đường, tớ đến gặp bác sĩ Nguyên Ngọc (Bệnh viện Da liễu TP.HCM). Theo bác sĩ Ngọc, để phân tích được thành phần trong bịch khăn giấy trôi nổi dọc đường rất khó và tốn kém. Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc nhận định: “Chưa nói chuyện sản xuất đúng tiêu chuẩn hay không, chỉ riêng việc khăn giấy ướt được người bán “phơi nắng” ngoài đường từ sáng đến chiều chắc chắn việc bảo quản sẽ không hiệu quả. Sản phẩm nào cũng vậy nếu để ánh nắng tiếp xúc trực tiếp dễ dàng tạo điều kiện cho vi khuẩn hoạt động gây ra phản ứng phụ”.

Nói về những triệu chứng lạ của bạn Ngọc Thanh sau khi sử dụng khăn giấy, bác sĩ Ngọc đoán: “Có thể đó là do chứng lở rộp môi do vi khuẩn virus herpes phát triển trong khăn giấy”.


Lần theo mã vạch, tớ phát hiện đây là công ti chuyên in ấn, sản xuất hàng may mặc, giày dép.Công ti trên mã vạch bắt đầu hoạt động tháng 8/2010 và không có thông tin liên quan đến sản xuất khăn giấy ướt.
Quan sát bao bì, tớ nhận thấy các hộp khăn giấy ướt đều in chữ tiếng Anh và trên bao bì không có địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng. Theo một cán bộ Phòng Quản lí Thị trường TP.HCM, mã vạch bắt đầu số 899 là mã hàng sản phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, bao bì của sản phẩm này không đúng quy chuẩn. Cụ thể, bao bì không có tiếng Việt, không nơi sản xuất, ngày sản xuất… Hai yếu tố trên đây đủ thấy sản phẩm này không được phép lưu thông trên thị trường. Vị cán bộ này còn cho biết, các sản phẩm khăn giấy ướt được bày bán lòng lề đường sẽ được lực lượng thanh tra tổ chức kiểm tra, nếu phát hiện sản phẩm sai quy định sẽ xử lí.
Trước khi các cơ quan chức năng vào cuộc, teen nhà mình hãy là một người tiêu dùng thông minh, nhớ cẩn thận chú ý mỗi khi đi mua sắm, nhất là với các sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mình. Điều quan trọng là phải nắm rõ nguồn gốc nhé!

Theo Mực Tím
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
×
Quay lại
Top