Kết quả cuộc thi viết cảm nhận về tuổi thơ

Radioteam

Tổ Chức
Tham gia
20/4/2009
Bài viết
39
Sau gần một tháng phát động, Radioteam đã nhận được tổng cộng 10 bài viết từ các mem thân yêu, các bạn thính giả trên KSV. Những bài nhận về được đều là những bài viết rất hay, khiến radioteam phải xúc động. Để chọn ra được 4 bài hay nhất là một điều vô cùng khó khăn với ban giám khảo. Chính vì thế, để đáp lại những xúc cảm chân thành đó, Radioteam quyết định trao tặng cho tất cả các bạn tham dự mỗi bạn một cuốn nhật ký cung hoàng đạo. Riêng những baì đượng đăng trên radio sẽ được tặng thêm một vòng tay cung hoàng đạo.
Để nhận quà, các bạn tham gia hãy gửi tin nhắn riêng về cho Ms.nhipcautre0904 và cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, điện thoại, cung hoàng đạo của các bạn.

Radioteam xin chân thành cảm ơn sự tham gia và ủng hộ nhiệt tình của các bạn!
Sau đây là tất cả những bài dự thi, những bài được đăng radio online sẽ được tặng kèm một bản audio full (sẽ được cập nhật sau).

1. Linh d2t
Lại sắp đến 1 mùa trung thu, trung thu năm nay trăng cũng sẽ tròn, trẻ em cũng sẽ được ba mẹ mua bánh trung thu, đèn lồng để cùng bạn bè rước đèn trên phố. Trăng vẫn thế nhưng con người ít nhiều có những đổi thay.

Tôi nhớ những mùa trung thu trước kia. Khi tôi còn bé, mỗi khi sắp đến trung thu, nhà tôi chuẩn bị mọi thứ rất nhộn nhịp. Trước ngày trung thu 1 ngày, ba má tôi sẽ dành nguyên ngày hôm đó ở nhà làm cho chúng tôi những chiếc lồng đèn thật đẹp. Buổi sáng, má ra vườn chặt tre, tôi và anh nhỏ hay chạy theo má ra vườn, nghịch ngợm chạm vào thân những cây tre xanh rì, lào xào với những tán lá trên cao. Lúc ấy những cái lông nhỏ nhưng rất cứng trên thân tre đâm vào tay, chỉ biết nhăn nhó rồi chạy tới để má giúp lấy ra.

Ba sẽ chẻ cây tre chắc nhất thành những thanh dài và mỏng, ngâm vào trong nước để tre mềm và dai hơn. Má lên quán mua những tờ giấy bóng kính đủ các màu sắc và keo dán. Sau đó, cả nhà sẽ bày hết dụng cụ ra giữa nhà cùng bắt đầu làm cho mỗi anh chị em chúng tôi mỗi người 1 chiếc đèn lồng theo ý thích. Của chị tôi là 1 chiếc thuyền, anh lớn là 1 con thỏ, của tôi là 1 con bướm và của anh nhỏ là 1 cái bánh ú, bởi vì anh nhỏ thích ăn bánh ú.

Ba tôi khéo tay, uốn những thanh tre thành những mảng cần cho đèn lồng, sau đó dùng những cọng sắt nhỏ ghép các mảnh lại với nhau. Má cắt giấy kính và dán phủ lên bề mặt của bộ khung. Trong lúc ba má làm, thì chúng tôi cũng ngồi xung quanh và bắt đầu tự do sáng tác nghệ thuật với những thanh tre ba má không dùng đến. Tôi uốn cong thanh tre và ghép vào đó vô số mảnh nhỏ khác để làm thành vươn miệng, nhưng lúc tôi đội lên thì không giống 1 cái gì.

Bước cuối cùng là cắt những hình hoa văn khác nhau bằng giấy màu để dán lên đèn lồng, chúng tôi có thể tự do cắt những hình thù mà mình thích để trang trí cho đèn lồng của mình. Tôi nhớ tôi toàn cắt hình cánh bướm dán lung tung lên lồng đèn, vì đó là những hình dễ cắt nhất.

Tôi còn nhớ tôi đã háo hức thế nào khi nhìn chiếc đèn lồng của mình rồi nghĩ đến tối sẽ thắp nến rồi đem khoe với mấy đứa hàng xóm, bọn chúng sẽ rất ganh tị với tôi.

Đến tối trung thu, anh chị em tôi thắp nến và chạy ra ngoài ngõ, đám bạn hàng xóm cũng có đèn lồng của mình. Chúng tôi xếp thành hàng và đi từ đầu ngõ đến cuối ngõ, vừa đi vừa chê đèn đứa này xấu, đèn đứa kia đẹp hơn của mình. Tôi nhớ lúc xách lồng đèn rất sợ gió thổi tắt nến, nên vừa đi vừa che gió cho nó.

Sau khi chơi với cả xóm, anh chị em tôi trải 1 tấm chiếu giữa sân, ăn bánh và nghe má tôi kể chuyện. Trong rất nhiều câu chuyện má kể, tôi nhớ nhiều nhất về câu chuyện chú cuội và cây đa, từ khi nghe câu chuyện đó, tôi đã tin rằng trên mặt trăng có 1 chú cuội gồi bên gốc cây đa thật, mãi đến sau này khi lớn lên tôi mới nhận ra hình ảnh trên mặt trăng mà tôi thấy chỉ là những hố đen lồi lõm trên mặt trăng.

Nhắc về tuổi thơ chắc ai cũng có những kỉ niệm thật khó quên và những trò đùa chỉ trẻ con mới dám thực hiện.

Nói đến những trò chỉ trẻ con mới dám thực hiện chắc hẳn mọi người sẽ nghĩ đến tắm mưa, và quan trọng là không mặc gì. Nhưng những lần tắm mưa tôi vẫn có y phục trên người đấy nhé. Đó sẽ là những trận mưa thật to, tôi đứng đu người vào chiếc cột ngoài hiên và hét lên: “Ông trời ơi mưa to lên”, sau đó chạy vụt ra ngoài mưa, so tài cao thấp với anh nhỏ, có hôm 2 anh em còn đá banh giữa sân, má gọi mãi không chịu vào, thế là phải đội nón và xách roi ra “gọi”.

Tôi vẫn nhớ lí do vì sao ngày trước tôi và anh nhỏ có 1 làn da chỉ sáng hơn màu cà phê 1 tí. Đó là do những buổi trưa hè nắng gắt, 2 anh em vẫn mải miết với việc thả diều trên cánh đồng. Bên cạnh cánh đồng lúa, có 1 mảnh đất trống, tôi lúc nào cũng chỉ có nhiệm vụ cầm con diều giơ lên cao để anh nhỏ thả, rồi sau đó chạy ra giữa cánh đồng cho có gió lớn. Mắt 2 anh em lúc nào cũng dán vào cánh diều trên cao không biết mệt.

Ở ngoài cánh đồng gió rất lớn, tôi không nhớ mình đã đứng ở trên mô đất cao, dang 2 tay ra giả vờ như mình đang bay bao nhiêu lần. Khi gió mạnh thổi đến, cảm giác giống như đang bay thật vậy, gió thổi bên tai rì rào, nhìn cánh đồng lúa nghiêng mình từng đợt khi gió thổi đến giống như những cơn sóng nhỏ giữa 1 biển lúa màu xanh kéo dài đến tận chân trời.

Hồi đó nhà tôi còn làm ruộng, có những buổi chiều 2 anh em chạy ra chơi với má, lần đầu thì còn chịu lội xuống nhổ cỏ với má, nhưng vì cỏ thì không nhổ toàn nhổ lúa nên được má phân công cho nhiệm vụ là đứng trên bờ chơi với châu chấu. Những con châu chấu màu xanh, bay nhảy khắp ruộng. Tôi nhớ đã cãi nhau với anh nhỏ cả buổi chiều rằng con đầu vuông là cào cào, con đầu nhọn là châu chấu, nhưng cuối cũng vẫn không biết ai đúng ai sai.

Nếu nói về những lần tranh cãi và giành giựt của anh chị em tôi chắc nhiều không kể hết.

Tôi nhớ cứ đến mùa nhãn lồng, chúng tôi sẽ có 1 công cuộc giành nhau nhãn lồng. Vấn đề quan trọng là nhà tôi không trồng nhãn lồng, và những trái nhãn lồng mà chúng tôi giành giựt được những chú chim mang đến. Cứ sáng ra, những chú chim đi ăn nhãn lồng sẽ tha những chùm nhãn lồng mà chúng hái được đến đậu trên cây bơ sau vườn. Và việc của chúng tôi là đuổi chúng bay đi để làm rơi chùm nhãn xuống. Không biết có phải vì có được do giành nhau không mà những quả nhãn lồng khi ấy ăn rất ngon, có 1 vị rất lạ mà bây giờ tôi không còn tìm thấy.

Hồi tôi còn nhỏ, vẫn chưa có các tiệm cắt tóc như bây giờ. Sẽ có những chú cắt tóc dạo với chiếc xe đạp và chờ 1 chiếc ghế đằng sau. Và lúc nào đến đại hội cắt tóc của 4 anh chị em cũng sẽ toàn ăn món chỉ trỏ và cười đến nỗi có cảm giác miệng rộng hơn. Hồi đó chưa có võng, anh chị em tôi sẽ lấy những sợi dây thừng càng to càng tốt, ném lên trên xà ngang của nhà mình, để nó thòng xuống và cột lại, sau đó để lên đó 1 chiếc gối và ngồi lên đung đưa, coi nó như ngai vàng của mình.

Có những buổi sáng, khi ánh nắng đủ làm cho nền hiên nhà mát lạnh trở nên ấm áp, tôi sẽ nằm dài trên đó, xuyên qua tán lá của 2 chậu cây cảnh bên hiên mà nhìn lên bầu trời đầy những đám mây trắng, và hình dung chúng là những cây kem, cái bánh, con mèo đang bay. Hay đôi lúc là cầm những tờ giấy bóng kính đủ màu đặt lên mắt và nhìn thế giới chỉ có 1 màu của giấy kính.

Có 1 thời gian bọn trẻ trong xóm tôi rộ lên trò chơi hất hình. Những tấm hình của những nhân vật hoạt hình được bán theo từng tấm to hoặc từng tấm nhỏ được kèm theo những bịch bánh hay kẹo. Lúc đó, đứa nào có được số lượng hình lớn nhất là đứa oai nhất. Trong trò chơi, chúng tôi mỗi người bỏ ra 1 tấm, dùng 1 tấm khác có góc thật nhọn và cứng để hất 2 tấm hình đó sao cho có 1 tấm ngửa nằm lên 1 tấm úp, ai làm được điều đó sẽ ăn được hình của người kia. Anh nhỏ tôi đã có 1 thời huy hoàng với trò chơi đó, bằng chứng là anh có rất nhiều hình, cột lại thành mấy cọc, và cất giấu chúng như kho báu, không cho ai đụng đến.

Kho báu của bọn trẻ chúng tôi thay đổi theo thời gian, có lúc kho báu ấy sẽ là những hạt me, những viên đá để chúng tôi chơi Ô ăn quan. Cái câu mà tôi thích được hét lên nhất khi chơi là “ăn trời rồi nhé”, bởi vì nếu ăn được trời sẽ có rất nhiều điểm.

Kí ức tuổi thơ dù có ra sao đi nữa thì nó cũng sẽ là động lực cho những hành động của chúng ta hiện tại, giúp chúng ta vượt qua mọi thứ để đến 1 tương lai mà chúng ta lựa chọn. Giống như 1 điểm tựa, ấu thơ vẫn ở đó, vẫn là 1 phần trong chuỗi kí ức của con người. Nhưng đó là những điều đã qua, nó sẽ mãi như vậy, điều quan trọng của tôi và bạn hôm nay chắc hẳn không chỉ là ngồi nhớ đến tuổi thơ, mà đơn giản là nhắc lại chúng để có thể mỉm cười để bước tiếp trên con đường mình đang đi, dù bạn có là ai đi nữa. Bạn nhé!

2. Rio_sp

Tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ, nơi có con sông Dinh bốn mùa nước nổi vắt ngang qua. Tuổi thơ với những đứa trẻ thôn quê lúc ấy là là những buổi tắm ao làng, là những ngày nhong nhong trên bãi thả diều, là nằm bò trên những nọc rơm còn thơm mùa lúa mới sau mùa gặt…..

Lũ chúng tôi ngày ấy gom lại cũng hơn chục đứa. chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cái xóm nhỏ không ngày nào yên ổn. Hết vặt trộm trái cây lại chọc lũ chó trong xóm sủa ầm ĩ vào sáng sớm, chưa hết, vào những buổi trưa hè, khi mà cái nắng oi nồng phả khắp không gian, lũ chúng tôi lại tụ tập ở nhà Tí Sún, nơi có đầy đủ mọi thứ để chơi, từ cái ao to gần bằng cái ao làng đến cái sân tập võ của anh nó- 1 bãi đất trống hoàn hảo cho lũ con trai chơi trận giả, một mái hiên đủ rộng để bọn con gái chúng tôi chơi hàng xén, giả vờ làm những bà cô mua hàng bán hàng khó tính. Nhà nó ban ngày chỉ có bà ngoại ở nhà, bà hiền như một bà tiên, bà chẳng biết giận bao giờ, cũng chẳng bao giờ thấy bà ăn trầu như những người già khác, thỉnh thoảng bà lại ra ngoài hiên ngồi xem chúng tôi chơi đùa, những lúc ấy chủng tôi chẳng còn hứng chơi đùa vì những mẩu chuyện ngắn về cái thời bà còn trẻ, về cái thời đất nước còn loạn lạc, sau giải phóng,…. Nghe hay hơn chuyện cổ tích nhiều…. có hôm bọn con trai quần thảo mệt lử nhảy lên cây hái mận, vừa đúng lúc con gái đi ra. Bọn nó chiếm đóng mấy cây mận, chúng tôi trấn giữ cây ổi và dâu gai. Hai bên bứt trái ném vào nhau túi bụi, hò hét ầm ĩ. Kết quả thể nào cũng là tiếng quát của các cô bác xung quanh

“tổ cha tụi bây, không ngủ thì để cho người ta ngủ. tao kiêu công an nhốt hết bây giờ”.
Trong nhóm chúng tôi có Phong “lì”, đúng như cái biệt danh của mình, nó lì kinh khủng. Phong từng vỗ ngực xưng to “có lỗi thì nhận, không có thì không được phép cúi đầu”. nó sẵn sàng đạp tơi bời lũ xóm dưới vì dám ăn hiếp cái Nhi xinh nhất nhóm, cũng sẵn sàng cho Tí Sún 1 cú đấm vì tội trêu chọc cô bé bị tật nguyền. Còn nhớ mùa sen năm tôi 7 tuổi, lần đó gần tới sinh nhật me, gần nhà có bác Năm có những 2 cái hồ sen rộng ên, nhưng cho dù tôi năn nỉ gãy lưỡi bác cũng không chịu cho tôi lấy một cành, vặt trộm thì không được rồi nhà bác ấy có những 1 đàn chó vừa to vừa dữ, tôi buồn hiu…. Rồi một ngày vừa đi học về tôi nghe bà con đồn ầm lên “thằng Phong “lì” vặt trộm sen nhà ông Năm”.
Có người hào hứng vỗ đùi “thằng nhỏ thế mà giỏi”, có người chặc lưỡi “không biết có bị chó cắn không”, có người mắng “cho đáng đời con nít ranh”, tôi tái mặt quẳng cặp xuống đất rồi chạy nhanh sang nhà nó. Đứng bên bờ giậu nhìn vào tôi thấy bố nó cầm cây roi mây quất lấy quất để, mẹ nó và ông Năm đứng một bên, mắt mẹ nó đỏ hoe, mặt ông Năm nghiêm nghị…. Vừa đánh ba nó vừa quát hỏi lí do, nó cắn răng im lặng….chừng 10 phút sau cả lũ nghe tin hộc tốc chạy sang, cả đám xông vào nhà, lũ con gái nước mắt giọt ngắn giọt dài, bon con trai nâng Phong đứng dậy, nó quay sang ông Năm.

“ông năm, con xin lỗi. nhưng mà con không nói lí do được. ông năm muốn đánh muốn mắng gì cũng được”

Ông NĂm nhìn lũ chúng tôi một hồi rồi phất tay

“thôi bỏ đi, thích thì lần sau hỏi tao đàng hoàng, lí do chính đáng thì tao cho”.

Lát sau cả bọn tản ra ai về nhà nấy, nhà tôi gần đó nên ở lại xoa dầu cho thằng bạn cứng đầu. nó kéo tôi ra gốc chuối sau nhà, vén áo lấy ra hai bông sen còn khá nguyên vẹn

“của mày”

Tôi nhìn nó mà nước mắt vòng quanh…..

Mùa lũ, khi mà dòng nước giận dữ nhấn chìm ruộng đồng, con đường nhỏ cũng chìm ngỉm dưới làn nước, chúng tôi là tụ tập lại thành 1 hàng, đứa này nối đuôi đứa kia tay cầm một nhánh cây đủ dài để dò đường, có khi trợt chân ngã tòm xuống mương, mình mẩy ướt mem những vẫn nhe răng cười nuối đuôi nhau. Thích nhất là những ngày của mùa gió lớn, mỗi đứa một cái dù tự chế đem ra bãi thả diều…. những chiếc diều bay lên cao như đem theo biết bao ước mơ của lũ chúng tôi đến tận mây xanh…

Thời gian qua, đứa trẻ nào rồi cũng phải lớn, có đứa theo gia đình chuyển đi không hẹn ngày về, có đứa bị cuốn vào vòng xoáy xô bồ của cuộc sống, phải đi làm thêm tối ngày để phụ thêm gia đình, một số đứa còn lại cũng bị nhấn chìm vào việc học bù đầu… hôm trước Phong “lì” kéo tôi và cái Nhi ra bãi, chẳng biết nó kiếm đâu ra được mấy cái diều, khi nhìn những cánh diều bay vút lên cao nó ngoác miệng hét to

“ tuổi thơ trở lại!!!!”

ừ…. Tuổi thơ đã trở lại, chúng tôi vẫn là những đứa trẻ ngày xưa….

3. phuongminh: "Nơi rất ấm"
Tiết trời nhè nhẹ chuyển sang thu, khoảnh khắc giao mùa khiến cuộc sống vốn hổi hả dường như chậm lại, hơi chùng xuống, có lẽ để cảm nhận hương sắc mới: thu đã về. Tôi chợt nhớ đến câu văn thật đẹp, mở đầu tác phẩm “ Tôi đi học” của Thanh Tịnh mà tôi từng được học: “ Hằng năm, cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”. Và tôi, một cô bé đã trải qua 11 lần tựu trường như thế, sắp sửa chào đón buổi tựu trường thứ 12- buổi tựu trường cuối cùng của cuộc đời học sinh, hình như cũng có một cảm xúc gì nôn nao khó tả. Vì thu chăng? Hay vì quảng thời gian yên bình nhất, vô tư nhất đã sắp sửa qua đi; cánh cửa của tuổi thơ đang dần dần khép lại. Lòng tôi dịu lại, có lẽ là vì thế…

Ngườitathường bảo, con người hay vô tình với những gì là hiển nhiên và đáng quý đang hiện hữu, tôi vốn không tin điều đó. Nhưng cái gì là chân lí thì sẽ mãi mãi là chân lí. Một ngày, rất gần đây thôi, tôi đã chấp nhận điều ấy như một định luật không thể nào chối cãi.

Tôi nhắm mắt lại, hít hà cái không khí quang đãng, mát mẻ của quê tôi- thứ mà thành phố không bao giờ có. Tuổi thơ tôi là ở đây, bên dòng sông Thương này, được bao bọc giữa màu tre xanh bát ngát, được sống, được lớn lên cùng những con người chất phác, lam lũ, thật thà. 17 năm được sống trên đời, lần đầu tiên tôi giật mình nhận ra rằng tuổi thơ của mình đã đi qua, vì vô tư hay vô tình mà tôi chưa một lần níu giữ, và nói lời cảm ơn… Tôi nhìn thấy tôi của những ngày đã rất xa, hồn nhiên đuổi bắt, đùa chơi cũng những người bạn nông thôn theo đúng nghĩa, tức là đen nhẻm, còi cọc và nhất là chẳng bao giờ được vui chơi theo đúng nghĩa, bởi mỗi đứa đều có một công việc “làm thêm”, đứa trông em, đứa chăn trâu, chăn bò, đứa cắt cỏ… nói chung là đủ những việc mà một đứa trẻ có-thể-làm. Tuổi thơ tôi là nhứng ngày tới lớp, bạn bè tíu tít, là những trò đùa chuẩn kiểu” nhất quỷ nhì ma”, nào là trèo cây phượng hái hoa, nào là giã phấn thành bột thổi phù phù vào mặt nhau, là những buổi trốn tiết với đủ lí do… Tuổi thơ tôi là những chiều hè phơi nắng, đầu trần chạy khắp sân đình, triền đê, mặc cho nắng nhuộm vàng mái tóc. Tuổi thơ tôi là những ngày mùa đông theo lũ bạn mục đồng đi bẻ trộm ngô, trộm khoai, rồi phì phò thổi lửa mà nướng, để rồi nhìn nhau mặt mũi lấm lem, nhưng đứa nào cũng vui vẻ ăn toàn những ngô, những khoai hun mùi khói. Tuổi thơ tôi có cô bạn bạn thân sát vách, chơi với nhau từ khi biết nhận mặt người , đi đâu cũng cùng nhau, có gì cũng chia nhau, bị bắt nạt cũng bênh nhau nhưng cứ làm gì dại để người lớn mắng thì lại đưa đẩy lỗi cho nhau. Nhưng hình như, chúng tôi chưa từng giận nhau quá 1 ngày. Tình bạn của chúng tôi hồn nhiên, trong sáng và chân thành như thế. Bây giờ, tuy hai đứa không còn chung lớp, chung trường nhưng bạn sát vách thì vẫn là bạn sát vách, giữa chúng tôi luôn có một sợi dây vô hình- nhưng chắc chắn gắn kết nhau…

Và tuổi thơ tôi, có lẽ chẳng thể nào quên được những trận đòn của bố. Vì tôi bướng, tôi lười, không biết nghe lời, vì tôi luôn là đầu têu của những trò “ngay cả con trai cũng ít khi dám nghịch”. Ngày đó còn bé, hễ cứ bị đòn roi là khóc, nhưng rồi đúng với cái tuổi trẻ con, tất cả nỗi niềm đều nhanh chóng như bong bong vỡ tan. Bao nhiêu năm qua đi, tôi lớn, những trận đòn cũng thưa thớt hơn và đến giờ thì không còn nữa. Những người thân yêu của tôi, những người yêu thương tôi, uốn nắn tôi một thời vụng dại, có người đã mất, có người đã già và có người đã bước vào trung niên, tôi thèm lại cảm giác khi bị cái que nhỏ xíu quất vào chân, có hơi đau, hay nói thật thì là rất đau, nhưng trong đó chứa đựng một tình yêu to lớn. Có điều, tôi đã lớn. Buồn thay, đó mãi mãi chỉ là điều ước.

Chẳng biết có ai giống tôi không, nhưng ngày bé, tôi chỉ mong mình lớn thật nhanh để được sống cuộc sống của riêng mình. Lớn hơn một chút,, cái khát khao ấy càng thêm cháy bỏng.. Để rồi, cũng vào một sáng mùa thu thế này, sau lời dặn dò tỉ mỉ, bố mẹ để tôi lại trong sân kí túc xá hoàn toàn xa lạ, ngay lúc đó, tôi đã ước giá mà được trở về nhà. Tôi thấy mình cô đơn, thấy mình trẻ con hơn bất cứ lúc nào, tôi khóc. Mà thật sự lúc đó tôi còn là trẻ con, vì mẹ thường bảo tôi, mới 14 tuổi đầu… Tôi nhận ra rằng, cuộc sống tự lập vốn không dễ dàng như tôi tưởng, và tôi sợ thế giới ngoài kia-nơi mà chỉ một vài năm nữa thôi, tôi sẽ phải đối mặt. Hình như, đó là lần đầu tiên trong đời, tôi ước mơ mình bé lại. Tôi còn nhớ, Tết Trung thu đầu tiên ở trường mới, bỏ lại buổi tiệc nhỏ nhà trường tổ chứ cho học sinh kí túc, tôi ra bến bắt chuyến muộn nhất về nhà. Vì đó là lần đầu tiên tôi biết rằng, Trung thu là Tết đoàn viên. Tôi muốn được ngồi giữa sân cùng bà nội và các em, muốn được đi rước đèn, phá cỗ như ngày còn thơ bé. Động lực nào đó đã thôi thúc tôi trở về, để rồi hôm sau bắt chuyến xe sớm nhất đến trường. Nhưng với tôi, đó là Trung thu vui nhất. Vì tôi lại được sống những ngày tuổi thơ êm đẹp…

Hối hả để học, để thi, để ganh đua, tôi dần quên mất tuổi thơ hữu hạn của mình. Đôi lúc, tôi thấy mình vô tâm, có khi là vô tình nữa. Tôi không trả lờitinnhắn của cô bạn thân sát vách, tôi cãi lại lời mẹ chỉ vì một lời nhắc nhở mẹ dành cho tôi, Trung thu vừa qua, tôi cũng mải vui mà quên mất ý nghĩa của nó, cũng chẳng về nhà, hay thậm chí là gọi một cuộc điện thoại cho nội của tôi. Và hình như, đã từ rất lâu rồi, tôi quên mất cả mùi khoai hun khói của tuổi thơ. Có đôi lúc, tôi tự hỏi mình, phải tìm ở đâu cái tinh khôi, cái ngây thơ mà chân thành của một thời con nít. Nhưng rồi, vẫn là sự vô tâm ấy, tôi lại để câu hỏi mãi chỉ là câu hỏi…

Chiều nay, tôi thong thả đạp xe trên con đường đất bạc màu đá sỏi quê hương. Tôi quyết tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mà bấy lâu nay tôi còn bỏ ngỏ. Đứng trước cánh đồng lúa mênh mông một màu xanh, tôi nhìn thấy những cánh diều đang bay, những cánh diều dù chẳng sặc sỡ, đáng yêu như thành phố vẫn thường rao bán, nhưng nó tựa hồ như con diều của tuổi thơ tôi. Giống như những cánh diều no gió bay cao, cuộc sống của tôi được nâng lên, được bồi đăp từ một tuổi thơ êm đềm và rất đỗi ngọt ngào. Giống như những đứa trẻ đang nâng niu những con diều, tôi trân trọng và sẽ nâng niu tuổi thơ mình như thế… Tôi sẽ gọi điện cho cô bạn tri kỉ của mình, sẽ chẳng bao giờ cãi lời mẹ nữa. Trung thu này, tôi sẽ lại về thăm nội, sẽ lại được bên cạnh nội phá cố ngày rằm. Và giờ, dậu tôi chẳng thể được thưởng thức hương vị hăng hắc, khen khét của khoai, nhưng tôi đang cảm nhận nó bằng trái tim. Tôi sẽ không níu giữ tuổi thơ mình, mà sẽ để tuổi thơ qua đi, đẹp đẽ, tinh khôi và chẳng còn gì tiếc nuối. Nhìn theo những cánh diều, đặt vào đó một hi vọng, hi vọng không phải của riêng tôi :” Tuổi thơ của tôi được nâng lên từ những cánh diều… Bay đi, diều ơi! Bay đi, mang theo nỗi khát khao của tôi…”

Tôi thích đọc truyện Nguyễn Nhật Ánh, và cuốn sánh đầu tiên tôi đọc là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”; năm đó, tôi 12 tuổi. Khi ấy, tôi thích nó chỉ đơn giản vì nó hay, nó nhộn, còn vì sao hay là điều tôi chưa từng nghĩ đến. Sau này, rất nhiều lần tôi đọc lại truyện này, và thêm nhiều truyện nữa. Những câu chuyện tuổi thơ trong sáng, ngây ngô, có nhưng mối tình học trò thi vị và lãng mạn. Không chỉ có “ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, tôi còn thấy mình trong những “Bong bong lên trời”, “Trước vòng chung kết”, “Nữ sinh”… Tôi cũng ước có một chuyến tàu mang tên “ trở lại tổi thơ” để có thể một lần được “ ra ga xếp hàng mua vé”, để có thể trở lại những “thành phố thần tiên, thành phố truyện thần kì”, nơi có những “ngôi nhà cao, cao vút”, nơi có một “dòng sông nước như như gương lờ trôi”… Đó là “ nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó”, để rồi nhận ra rằng rất cả đã xa, nay chỉ còn là kỉ niệm. Tôi yêu tha thiết và thấm thía vô cùng lời thơ của một nhà thơ tôi không nhớ rõ:

“Chúng tôi hát-

Xin cảm ơn điều đó!

Nhưng chúng tôi không trở lại,

Đừng chờ!

Trái đất nhiều đường.

Từ thành phố Tuổi Thơ

Chúng tôi lớn,

đi xa...

Hãy tin!

Và thứ lỗi!”



Để rồi một ngày, khi đọc lại những trang văn của Nguyễn Nhật Ánh, lòng tôi còn mãi vấn vương “…để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn, …” Giữa cuộc sống hối hả và bận rộn ngày hôm nay, con người vẫn cần lắm những kí ức tuổi thơ,để dừng lại, để suy ngẫm và chiêm nghiệm về cuộc đời, để thấy tuổi thơ đẹp và rạng rỡ biết chừng nào”.

Giờ thì tôi hiểu rằng, không có thứ gì trên đời này tồn tại theo một lẽ tự nhiên, nếu ta không biết nắm bắt và vun đắp. Có lẽ, sẽ chẳng bao giờ là muộn, nếu một ngày, ta quay đầu lại và nhìn về phía tuổi thơ,nơi ấy giống như người mẹ thân thương đang dang rộng đôi tay chào đón những-đứa-con-đã-lớn-khôn trở về.

4. Shiory


Tuổi thơ..


Tuổi thơ trong tôi là gì, chính tôi còn không nhớ nữa. Cái kí ức mờ nhạt quá, chính bản thân cũng đã từng quên đi những gì thuộc về tuổi thơ ấy. Chẳng phải là tôi từ bỏ cái quá khứ theo tôi là ảm đạm, càng không phải tôi đang dần muốn phủ nhận tất cả những gì từng thuộc về tuổi thơ.. mà là tôi sợ, khi nhắc đến rồi, kí ức sẽ xâu chuỗi thành những hồi ức. Để rồi tôi tiếc nuối, và bỗng nhiên muốn quay về lại cái thời xa xưa ấy.

Tuổi thơ.. là món quà mà ai cũng từng được nhận lấy. Tôi nhớ, trong khoảng thời gian người ta gọi là tuổi thơ ấy.. những kí ức.

Tôi nhớ bàn tay mẹ, nắm chặt tay đưa tôi qua cánh cửa ấy. Màu sắc, âm thanh. Và cảm giác sợ hãi khi đối diện với những gương mặt thật lạ. Tôi không quen họ, nhưng không ai để ý đến điều đó. Tôi nhớ, cảm giác trông chờ mẹ đón là như thế nào. Tôi nhớ, trong vòng tay mẹ, được mẹ vuốt tóc, thật nhẹ nhàng một bài hát. Một giọng nói rất nhẹ.. tôi vẫn còn nhớ, kí ức của mẹ. Và những hơi ấm mà tôi luôn muốn quay về, chỉ để một lần nũng nịu như thời xa xưa ấy.

Tôi nhớ, đã có lần, có suy nghĩ rất lạ về mọi thứ. Thế giới của tôi chỉ vọn vẹn trong những trò chơi mà mẹ truyền lại, nhỏ thôi. Nhưng đã từng thử. Thế giới của tôi, quanh quẩn trong góc nhà, dù cho cũng không rời xa mẹ được. Tuổi thơ của tôi, là những suy nghĩ, mây màu trắng.. tuyết có phải từ mây? Là những món quà của mẹ, là giấc ngủ trọn vẹn. Là không ưu tư, không muộn phiền, không hề có những suy nghĩ quá lớn lao về mọi thứ. Tuổi thơ của tôi, là kẹo ngọt, là âm thanh, là hoạt hình, là truyện tranh, là những món ăn mẹ nấu, nhưng chú gấu bông mà chưa một lần tôi thử vòi vĩnh mẹ mua. Là những câu chuyện cổ tích, khiến tôi tin người nào xấu thì sẽ được trừng phạt, và người lương thiện sẽ luôn là hoàng tử công chúa trong những câu chuyện.

Tuổi thơ, tôi nhớ cái cách tôi dần lớn lên, với những cổng trường thay phiên nhau mở ra. Cấp một, một con bé vô tư với tất cả những kí ức đầu đời chỉ là những lần tập thể dục toàn trường, những chữ cái bập bẹ a b c, và những điểm số để có thù chạy ù về khoe với mẹ. Mình giỏi đấy chứ? Tuổi thơ, là những lần nghịch cát, những lần lăn tăn trong sân trường với lũ bạn nghịch như quỷ sứ. Tuổi thơ, là trò chơi nhảy dây, với đầy đủ các thành phần nhảy vào. Là nụ cười, là niềm vui nho nhỏ khi nhặt phượng, mà lòng mừng rỡ vì sắp được nghỉ hè. Cấp hai, nhận thức đã khác, tôi bắt đầu có những suy nghĩ khác đi về mọi thứ. Từ những người bạn, tôi biết cách ghét một người là như thế nào, và cảm giác cả thế giới lánh xa là như thế nào. Cuộc sống là người thầy, dạy tôi lớn lên, dạy tôi quá nhiều thứ, mà ở tuổi thơ ấy, không phải ba mẹ, cũng chẳng phải thầy cô có thể dạy cho tôi. Tôi biết, cách nở nụ cười để lấy lòng người khác, tôi biết.. ghét một người chưa bao giờ phải có lí do. Tôi biết, các câu chuyện cổ tích không có thật, và đời thật thì chẳng như mơ..

Những trò chơi, đã không còn là những thứ gần gũi nữa. Tôi không còn chơi bời, càng không có những suy nghĩ ngây thơ về mọi thứ nữa. Tôi biết áp lực là như thế nào. Tôi biết cánh cổng trường không phải mở ra với bất kì ai. Tôi còn nhớ, cảm giác đi về nhà một mình là như thế nào, cảm giác cả thế giới dường như tránh xa mình là như thế nào. Tôi biết, cảm giác người khác xa lánh là như thế nào. Có thể quá nhanh, nhưng tuổi thơ với tôi không còn như ngày xưa ấy. Tôi nhớ, cảm giác bên cạnh có một người bạn. Cảm giác người khác lắng nghe, cảm giác mọi thứ điều không sao, thu gọn lại trong vỏ ốc do chính mình tạo nên. Nhưng vẫn có người sẵn sàng nghe tôi nói. Tôi nhớ những ngày mưa, vi vu qua những con phố. Chiếc áo mưa được nhường qua nhường lại, cả hai cùng ướt đẫm. Nhưng nụ cười vẫn nở. Tôi nhớ những lần chạy vù ra biển, lùa chân vào cát. Mặc kệ những ánh mắt nhìn xung quanh. Người ấy vẫn ở đó, và mỉm cười. Người bạn của tôi.

Tuổi thơ, không quá xa xôi, là khi tôi biết cách ngước nhìn về một người. Là vô tư để con tim mình ngượng ngùng khi đối diện với người ta. Tuổi thơ của tôi là những hồi ức ngọt ngào về người, về những nụ cười người trao.

Tuổi thơ, là quãng thời gian tôi đang dần nuối tiếc..

Tôi tiếc nuối, những kỉ niệm, những lần nhìn phượng rơi mà chạnh lòng. Phượng vẫn đỏ, mùa hoa vẫn lại đến, nhưng tuổi thơ, liệu có quay lại được nữa không? Tôi thấy nhớ tuổi thơ, với những suy nghĩ vô tư, với những cảm giác đơn giản mà cũng có thể mỉm cười cả ngày.

Tôi nhớ, những lần tôi ở bên họ, những người bạn, để cùng nhau cười đùa, cùng nhau bày những trò phá hoại. Quậy, nhưng mà vui. Và chẳng bao giờ còn có thể gặp lại nhau, vô tư như lúc trước nữa.. Sau này, liệu khi gặp lại, có còn một thời gian đi cùng nhau, cười cùng nhau.. hay xung quanh, lại có hàng vạn thứ khác chi phối tất cả?

Cuộc sống là một chuỗi ngày, không hề giống nhau. Cuộc sống có thể vui, có thể buồn, nhưng tất cả những gì trong tuổi thơ.. có lẽ cũng như một cơn gió, gió thổi qua. Mát mẻ, rồi khi gió đi rồi, ta mới nhận ra những gì đã qua gây nên tiếc nuối chừng nào.


Có ai, không một lần nhớ, không một lần vấn vương những kí ức đẹp đẽ đã qua? Dù nó có là gì đi nữa, tôi vẫn cảm thấy nhớ thật nhiều. Tôi muốn mình được quay lại, tôi không còn muốn suy nghĩ như hiện nay nữa. Tôi ghét cảm giác giả tạo của những con người xung quanh. Tôi sợ chính cái mặt nạ của họ đeo lên. Tôi sợ cảm giác nhìn những người xung quanh mà tôi yêu quý, từng người một.. bị tôi làm tổn thương. Hạnh phúc với họ, đơn giản, nhưng tôi.. chỉ có thể nhìn họ buồn, mà vẫn không thể làm gì cho họ vui lên được. Tôi mệt mỏi, với cuộc sống mà dường như tôi hiểu mọi thứ, như một cơn bão. Nếu không vượt qua, sẽ rất khó khăn đối diện với gió, với mưa.. Tôi cảm thấy, những áp lực, những điều hiển nhiên khi ta "trưởng thành"

Tôi muốn, lần nữa, cầm dây diều.. buông thả.

Tôi muốn, lần nữa, tung tăng trên cát, nắm tay.. mỉm cười..

Tôi muốn, sà một lần vào lòng mẹ, nghe mẹ hát, bàn tay vuốt tóc dịu dàng..

Tôi muốn, xin lỗi tất cả những gì dệt nên tuổi thơ. Có phải tôi đã đánh mất tuổi thơ quá dễ dàng không?

Tuổi thơ.. là hồi ức, là những giấc mơ.. mà có lẽ tôi chỉ nên xếp lại vào một góc kí ức. Rồi ai cũng sẽ lớn lên, ai cũng có một tuổi thơ.. và tuổi thơ của tôi, có lẽ chỉ nên dừng lại.. với những viên kẹo ngọt, và những nụ cười..

5. Nkoc.dethuong

Nếu ai trên đời được sinh ra mà không có những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ của mình . Thì chắc hẳn người đó chưa phải là con người . Con người mỗi chúng ta sinh ra đều có những kỉ niệm đẹp , thân thương về tuổi thơ mà chúng ta nhớ mãi không bao giờ quên . Các bạn hẳn cũng biết được chúng ta sinh ra trên đời này là một niềm vinh hạnh của mình và cả cha mẹ mình nữa . Nên chúng ta phải sống vui vẻ , hạnh phúc với những gì mình có được về hồi ức tuổi thơ và hiện tại sắp tới . Tuổi thơ chúng ta gắn bó với bao nhiêu là kỉ niệm , lúc vui , lúc buồn đều có trong một phần kí ức của tuổi thơ . Cùng với đó cũng có một số người trong chúng ta cũng có bất hạnh về tuổi thơ của mình nhưng chúng ta phải biết cách để biến nổi bất hạnh thành hạnh phúc lớn nhất của mình . Với tôi tuổi thơ của tôi thật may mắn khi có cha mẹ yêu thương , quan tâm , có bạn bè đùa vui ,.....


Ai chẳng có một thời tuổi thơ

Tuổi thơ là tuổi mộng mơ tràn đầy

Tuổi thơ là những tháng ngày

Vô tư như cánh bướm bay chậm chờn


Đúng . Tuổi mà không ai là không có . Như câu nói “ Tuổi thơ là tuổi mộng mơ tràn đầy” tuổi thơ của mỗi chúng ta đều khác nhau, lúc vui vẻ , lúc buồn lo đau khổ . Nhưng vui vẻ nhiều hơn là buồn đau vì tuổi thơ chúng ta không biết suy nghĩ diều gì cr mà chỉ vui vẻ , bộc lộ những cảm giác thật sự của mình ( vui , buồn , .......) . Vô tư chạy nhảy khắp mọi nơi mà chẳng hề bận tâm suy nghĩ về bất cứ điều gì , chẳng lo âu buồn phiền .


Tuổi thơ chúng ta với trong sáng

Tuổi thơ được đến trường

Với những trang sách


Tuổi thơ chúng ta với những trong sáng hồn nhiên , vui tươi . Tuổi thơ được đến trường , được vui chơi cùng với những bạn bè trang lứa . Được thầy cô giáo giúp đỡ , nâng niu dạy cho ta những điều hay , lẽ phải , làm người có ích cho xã hội mai sau này . tuổi thơ có biết bao nhiêu là kỉ niệm , cùng với bạn bè , thầy cô , và cha mẹ ... mà ta không thể nào quên được . “Có ai định nghĩa được tuổi thơ” ? Chắc hẳn tuổi thơ là những kỉ niệm đẹp của mỗi con người . “Sao mà tuổi thơ chúng ta không thể nào quên” Điều này mà không ai không biết vì tuổi thơ đã gắn bó với ta suốt thời gian dài trong những tháng ngày tuổi thơ trong kí ức , trong đó có những lúc buồn vui lẫn lộn nên ta không thể quên.

“Tuổi thơ với những trang giấy trắng cùng khung trời thơ mộng” để tạo nên một bức tranh tuổi thơ thật hồn nhiên , vui tươi và sinh động để tạo nên thơ . “Tuổi thơ theo năm tháng thương hoài thời cắp sách” nô đùa với đám bạn trên con đường làng đầy quanh co và những tiếng cười đùa nói chuyện vui vẻ bên nhau .


Ét hẳn ai cũng mong muốn một lần tuổi thơ sẽ quay về nhỉ . Để nhớ lại những gì đã trôi qua và sữa chữa lại lỗi lầm của mình trong thời tuổi thơ . Tuổi thơ của mọi người chắc cũng phải mắc lỗi lầm nhỉ ? Riêng tuổi thơ của tôi mắc phải lỗi lầm nhỏ vì sự ích kỉ của mình nên mới vậy đó và tôi muốn tuổi thơ của mình 1 lần nữa quay lại để bù đắp và sửa sai . Nhưng rất tiếc thay là tuổi thơ sẽ không quay trở lại nữa , và tôi sẽ mãi mãi ân hận những lầm lỗi của mình đã làm . Nhưng tuổi thơ ai mà chẳng có lỗi lầm và mong được bao dung và tha thứ vì tuổi thơ là tuổi hồn nhiên mà ta chưa đủ lớn để nhận ra được điều mình làm là đúng hay sai hay là suy nghĩ cái gì làm cái đấy .


Tuổi thơ ơi sao không quay trở lại để ta tìm lại những kí ức ngày nào còn đây và sao tuổi thơ cứ vang lại bên tai ta .


Tuổi thơ đẹp nhất vô ngần

Cớ sao chỉ có 1 lần tuổi thơ

Tuổi thơ lặng lẽ qua đi

Cớ sao mà chẳng trở về cùng xuân .

6. Viola

Kí ức tuổi thơ.

Đã bao lần trong những giấc mơ nơi thành thị, em thấy mình quay trở lại với tuổi thơ. Sinh viên xa nhà với bao điều bỡ ngỡ, có phút chạnh lòng, em chợt nghĩ ,ước gì mình đừng lớn,cứ mãi trẻ dại, ngây ngô. Kí ức ùa về , lòng bâng khuâng lạ. Là trẻ con sống ở vùng nông thôn như em thật thích. Cái ngày xưa ấy, đồng hồ báo thức của em không cần hẹn trước. 5h kém 15. Cứ nghe tiếng đài "đây là tiếng nói Việt Nam..." là em choàng tỉnh. Và một ngày mới lại bắt đầu. Khi ấy em mới học cấp 1. Với em ngày đó, mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Không phải vui vì thích đi học, mà vui vì đến lớp được chơi với bạn , được ngóng giờ ra chơi ^^ . Trống vang lên là cả lớp ùa ra bãi cỏ, nào nhảy bậc, nhảy dây, chơi bi, chơi chuyền,... vui như có hội. Trẻ con ngày đó đi bộ đi học. Học về là lại la cà ven đường, hái hoa dại bó thành bó nhỏ tặng nhau, bắt chuồn chuồn , chọi cỏ gà,.. để rồi tối mịt mới về đến nhà. Mẹ lại bắt nằm ra phản, đánh cho cả chục roi. Đau lắm. Khóc cũng to. Cơ mà hôm sau vẫn thế. Trẻ con mà. Rồi những ngày cuối tháng sáu, phượng nở đỏ trời. Đứa nào cũng hét lên vì được nghỉ hè. Thôn xóm rộn tiếng cười con trẻ. Hè đến là cả lũ tha thẩn ngoài cánh đồng, thả diều, tát mương hớt cá, bắt châu chấu về rang, cãi nhau chí chóe vì tao bắt được nhiều cá hơn mày... Nhớ lại những điều đơn giản ấy, em bất chợt mỉm cười. Lúa gặt xong rồi, cày cũng xong, cả đám trẻ con ngồi hóng máy bừa về làng. Cái máy to ơi là to. Mỗi lần nó bừa ngoài ruộng là cả đám trẻ con chạy theo sau đuôi máy bừa hớt cá. Cá bị cuốn theo từng vòng quay của máy . Nhiều thật nhiều. Cả buổi chạy theo đuôi máy bừa ,chiều về đứa nào đứa nấy bẩn từ đầu đến chân, cứ như vớt từ dưới bùn lên. Nhưng mà vui lắm. Tuổi thơ em là như thế đấy, không ti vi, không điện tử. Dịp nào may mắn nhất là mượn được cuốn truyện Conan của mấy cô đi đồng nát trên Hà Nội mang về. Có sách có truyện là vui như tết. Tuổi thơ vô lo vô nghĩ ấy giờ đây đã như ngọn gió, bay đi mãi phương nào. Thi thoảng lúc em buồn, em khóc, nó lại ghé về hỏi thăm. Như vỗ về, an ủi, để em có thêm dũng khí bước đi về phía chân trời mới. Chào tuổi thơ. Em lớn nhé !

7. ect_ect

TUỔI THƠ “CÀI” HƯƠNG

Tuổi thơ rõ đã sống trong phần kí ức của mỗi một con người bằng những kỉ niệm, những ảnh hình đáng nhớ. Tôi cũng vậy, tôi đã nhớ về tuổi thơ khi đang còn trong độ tuổi chưa-phải-là người-lớn này. Và lạ thay, tuổi thơ sống động nhất trong tôi lại là một Tuổi Thơ Cài Hương. Hương không hình, không dáng, nhưng nếu thiếu, tuổi thơ trong tôi nghiễm nhiên mất cả hình hài.

Bức tranh tuổi thơ, hẳn ai cũng đã ngồn ngộn trong mắt những hình ảnh hiển hiện qua nhãn quan một thời trẻ nít của ta. Cho nên tôi muốn thử cảm nhận theo một cách riêng, tôi dùng khứu giác để định hình tuổi thơ của riêng lòng mình. Mùi hương, thực tự nhiên làm sao, đã làm sống dậy trong trí nhớ của tôi cả những kí ức tưởng chừng đã đánh mất, đã thực sự tạo hình cho mớ hỗn độn tuổi thơ tôi.

Tôi thấy cay xè trong mũi cái mùi âm ẩm, hơi ngột ngạt, luôn thoang thoảng hương thức ăn thơm phức trong căn nhà cũ thấp lè tè mà cũng bé tin hin. Nhớ luôn mùi phân mèo trộn lẫn với mùi của cầu thang bằng sắt rỉ sét, mùi xăng của hơn chục chiếc xe máy cà tàng bên nhà hàng xóm (kinh doanh giữ xe), để rồi cứ ngờ ngợ hình như con nhỏ bằng tuổi mình nhà ấy cũng có cái mùi… y như vậy. Rồi mùi xoài chín nhà đối diện có cây xoài thiệt to, mùi bún bò Huế mỗi sáng,… Mỗi lần hiếm hoi đạp xe ngang qua nhà cũ, khu xóm cũ ở quận Bình Thạnh là tôi lại cố hà hít chút gì của quá khứ, nhưng chẳng còn nữa.

Mùi hoa ngọc lan nở trắng dọc khuôn viên bệnh viện 175 vào những ngày tôi đến thăm ông nội năm 2003 đến nay vẫn thơm thật lạ. Tinh khiết, trong trẻo như vị của sương, của nắng. Tuy bị đứt lìa khỏi thân cành, chùm hoa lan với từng cánh thuôn dài, nõn nà nằm rũ trên bàn thờ ông tôi mỗi ngày giỗ vẫn thật thơm và man mác như ngày nào. Tuổi thơ tôi ngay từ khi đó, vẫn hồn nhiên, trong sáng nhưng đã đằm thắm một màu sắc tâm linh.

Tôi từng có thời hay khúc khích cười một mình khi nhớ đến mùi quần áo khét vị nắng của cậu bạn mình “thầm thương trộm nhớ” mỗi khi bạn đi ngang chỗ mình ngồi, vui vui khi cũng từng ngửi thấy mùi như thế khi ngồi sau xe bố chở đi học. Mùi thuốc lá ngai ngái trong chiếc áo xanh sờn cũ của các bác xe ôm thay bố mẹ chở tôi đi học trong những năm cuối cấp 2 cũng không phai mờ trong tâm trí tôi.

Nói đến một Tuổi Thơ Cài Hương mà thiếu đi hương vị “vỉa hè” sẽ thực sự thiếu sót. Những chiều tan học xưa tôi không thể không xuýt xoa trước bản hợp xướng của mùi quà vặt đủ loại lâng lâng trong không khí, từ bánh tráng nướng, súp cua, há cảo hấp, bắp xào hay tàu hủ, thinh thích vô cùng vì tưởng như mình đang được thưởng thức đủ sơn hào hải vị trên đời trong cùng một phút giây. Vậy là sắp xa rời mái trường phổ thông, sắp phải thực sự tạm biệt và vẫy chào tuổi thơ lùi vào một quá vãng nào đó rồi đấy ư?

Hương khó nắm bắt, không thể lưu giữ bằng hiện vật, không thể chụp hay ghi âm. Chỉ cần một tích tắc hơn kém đã vuột mất, chỉ thoang thoàng nhưng đủ khiến người lưu luyến… Hương không hình, không dáng, nhưng nếu thiếu, Tuổi Thơ nghiễm nhiên mất cả hình hài.

8. Nho

Nhắc đến tuổi thơ, mỗi người có những suy nghĩ, những hồi tưởng và xúc cảm riêng. Với tôi, đó là khoảng thồi gian yên bình, nhất là khi đang đứng trước ngưỡng cửa để bước vào cuộc sôngs người lón, với bao xô bồ, bon chen, mới chợt nhận ra mình may mắn biết bao khi được sinh ra trong một gia đình như thế, được sống bên những người thân yêu thương mình như thế, biết mình hạnh phúc nhiều mới hiểu. Được sống bên bà ngoại, dù nóng tính nhưng hay cười, nhiệt tình và chăm lo cho con cháu vô điều kiện, bên mẹ luôn công bằng, bênh vực “phe chính nghĩa”, tha thứ cho tôi bao lỗi lầm, luôn tạo cho tôi và những người xung quanh không khí thật bình yên, bên chị Ú hay cằn nhằn, nhưng thương em hết mực, suy nghĩ cho tôi đủ điều. Nhưng người khổng lồ trong lòng tôi, người gắn bó đặc biệt với tuổi thơ, người đàn ông mà tôi sẽ yêu suốt đời, người tôi cất ở khoảng trái tim đẹp nhất, sâu kín nhất – ông nội.

Nhớ về ông là nhớ về sự yêu thương gắn bó. Tuổi thơ tôi không xuất hiên nhiều hình ảnh của bố, từ lúc tôi còn nhỏ, mọi suy nghĩ về bố chỉ là dựa vào những lời kể của những người xung quanh, dù vậy, trong đầu của một con bé vốn chẳng suy nghĩ gì nhiều, không có bố ở bên cũng chẳng có gì quan trọng lắm, vì tôi luôn có ông ở bên, quan tâm, săn sóc. Bao nhiêu kí ức ùa về…

Nhớ hồi nhỏ xíu, lúc nào cũng lẽo đẽo theo ông như một cái đuôi nhỏ theo ông đi uống bia, ông một cố, cháu một cốc, đến giờ chẳng còn nhớ lúc đó có đủ can đảm mà thử vị bia hay không, chỉ nhớ lúc ấy, ông và cháu đều cười rạng rỡ.

Nhớ những ngày mưa nhõng nhẽo đòi đi chơi, ông cũng vui vẻ mà chiều cô cháu gái, khoác chiếc áo mưa mỏng, ông cứa trêu “Chui vào đây ông cho rúc đít!” Hai ông cháu lại rong ruổi lang thang, có lẽ, cái sở thích dầm mưa của tôi bắt đầu từ đó…

Nhớ cả lúc ông lai tôi và thằng nhóc con của chú ruột trên chiếu xe đạp, ông dặn “Ôm em chặt vào!”, cũng ngoan ngoãn làm theo nhưng lại hay bị nhóc ấy mách tội: “Ông.. chị cứ cắn tai cháu!” Ông chỉ cười xòa.

“5 ông cháu trên một chiếc xe đạp” là bài hát ông biến tấu để gọi tên con ngựa thồ của ông (chứ khong phải ngựa sắt) sau ki “chất” lên đó thêm 4 đứa cháu nhỏ, vi vu quanh xóm, tiếng cười giòn tan, rộn rạ cả góc đường…

Nhớ những khi đi chợ cũng ông, ông dạy mấy bài thơ (cũng không rõ có chính xác là thơ không, chỉ biết vần và đọc mà như hát) Cô hàng xôi có bài riêng, cô hhangf thịt có bài riêng, để mỗi lần thấy bóng hai ông cháu là các cô các bác đã cười. Tới giờ lớn ngồng, vẫn giữ thói quen chào như thế, thi thoảng quên, các bác vẫn trêu: “Chết, không thuộc bài nhé!”

Kỉ niệm về ông thì nhiều lắm, nhưng nhớ nhất vẫn là những lần nhổ râu cho ông. Ông ngồi trên ghế đá (cái ghế đá mà ông hì hụi tự làm, để các cháu ông có cái ngồi cho mát), thế nào ông cũng gọi “Hân lân tân đâu, ra đây ông cho cái này!” kèm theo đó là vẻ mặt đầy bí ẩn, ông giơ bàn tay nắm chặt ra mà lắc lắc. Dù biết tơngr là trong tay ông chẳng có gì, nhưng vẫn cứ hí hửng chạy ra, gỡ từng ngón tay một, để rồi khi vừa gỡ xong ngón tay cuối cùng là lúc ông xòe bàn tay tóm chặt lấy cổ tay con bé, tay kia gõ gõ vào cằm. Hiểu ý, con bé lon ton chạy vào bếp, đào đào bới bới trong thừng gạo cho được một hạt thóc, thóc lép thì im im chứ có hạt thóc mẩy thì thế nào cũng mang ra khoe rối rít. Rồi sà vào lòng ông, tỉ mẩn ngồi bứt từng sợi râu một (dù ngày nào cũng nhổ, cằm ông cũng nhẵn thín luôn. Xong nhiệm vụ, lại được ngồi ôm, xoa xoa bụng ông. Giờ nghĩ lại, bí ẩn mà ông giấu trong lòng bàn tay không phải cái kẹo, cái bánh mà là một tình yêu thương thật lớn, một tuổi thơ thật đẹp.

Rồi bỗng nhiên ông đổ bệnh, bệnh gan, ông yếu lắm, da ông vàng vọt, mẹ ít cho tiếp xúc với ông hơn, vì bệnh ông dễ lây, mà cháu thì còn nhỏ, không được đi chơi với ông, chỉ biết đứng từ xa nhìn ông cười thật hiền. Bệnh ông ngày càng nặng, ông phải nằm liệt gi.ường, lúc ông sắp mất, cháu gái được gọi ra gặp ông, con bé nghĩ, ngày nào cũng gặp ông mà, nên cũng chẳng để ý tới thái độ và bầu không khí lạ xung quanh. Miệng ông mấp máy, muopons nói với cháu gái điều gì, cháu gái vô tâm không hiểu chuyện, chỉ ngơ ngác nhìn xung quanh, để tới giờ vẫn không biết ông nói gì khi đó…

Ngày ông mất, con bé vô ưu vẫn chẳng hiểu vì sao mọi người lại khóc, giống như ông nằm viện thôi mà, ông chỉ đi vắng mấy ngày, rồi lại về. Mọi người đẩy nó ra gần linh cữu ông, nó thấy mọi người khóc, mắt nó cũng cay, chỉ hiểu lần này ông sẽ đi lâu hơn. Sau này mới hiểu, từ ngày ấy, sẽ không bao giờ được thấy ông cười thật hiền, ông sẽ không đưa cháu gái đi chơi, sẽ chẳng khi nào giơ bàn tay nắm chặt ra dụ cháu gái nhổ râu cho ông nữa…

Nếu có một vé đi tuổi thơ, tôi xin đánh đổi 10 năm, 20 năm, thậm chí 50 năm sống, chỉ để quay về khoảng thời gian ấy (dù biết nếu ông biết được ông sẽ buồn lắm), khoảng thời gian vô ưu vô lo, hồn nhiên vui vẻ bên ông, để biết trân trọng hơn những yêu thương. Nhưng dòng thời gian đâu quay ngược được, giờ ngồi đây viết những dòng này, tự nhủ càng phải sống mạnh mẽ hơn, vui vẻ hơn, cố gắng nỗ lực hơn để ở nơi đâu, khi nhìn về cháu gái ông cũng có thể mỉm cười

Cảm ơn Radio team nhé, để tôi có cơ hội chia sẻ, để chững lại, nhìn lại tuổi thơ mình, dù không trọn vẹn hết, nhưng cũng đủ để mỉm cười tự hào rằng mình đã may mắn tới mức nào khi có một người bạn tuổi thơ như thế

9. Tứ Hy

Tuổi thơ trong ai cũng có, trong mỗi con người thì những kí ức mang tên gọi tuổi thơ luôn được xếp vào một ngăn quan trọng để mỗi khi nhắc nhớ, nó lại sáng lên một miền rực rỡ -khi chúng ta tự hào nói “Tuổi thơ tôi”. Cũng như bao nhiêu đứa trẻ lớn lên từ đồng quê khác, tuổi thơ tôi cũng có lời ru, có con diều, là trái chín, là lúa vàng, là con sông rộng,... Nhưng thứ làm tôi ghi nhớ mãi, suốt cuộc đời không chỉ ở tuổi thơ, chính là những cơn mưa.

Có thể các bạn nghĩ đó là cơn mưa buổi tan trường cùng ai chung bước của bất kì cô nữ sinh nào. Hay, là cơn mưa cùng lũ bạn reo hò inh ỏi mừng được lúc tắm mưa. Không phải đâu bạn ạ, mưa trong tôi là những cơn mưa đến rồi đi, chạy ào qua mái tol và mọi thứ gần như ướt sũng.

Nói ra có lẽ chằng ai tin vì nhà tôi ba mẹ đều là viên chức nhà nước, thu nhập ổn định, sao lại đến nỗi quá khó khăn. Nhưng mỗi người đều có hoàn cảnh, có nỗi khổ riêng đôi khi chẳng thể chia sẻ cùng ai. Mái nhà thân yêu được dựng lên gần 20 năm, chưa một lần sửa chữa. Lúc trước thì mưa lớn lắm mới dột vài chỗ trong nhà nhưng ít mà không sửa thì theo lẽ tự nhiên cứ lớn hoài ra thôi! Mấy năm gần đây, cứ mỗi đợt mưa đến là cả nhà hầu như không còn chỗ nào khô ráo. Dù lớn hay nhỏ. Căn phòng nhỏ của tôi cũng ướt góc này, góc kia... Mưa mà đến là hai chị em chạy đi lấy thau hứng nước, lấy giẻ lau nhà. Mẹ ra trước cửa quét nước tràn vào. Cha lo lắng ra vườn nhìn sau hè sợ cây ngã vào nhà. Nỗi lo cứ thế đầy ứ lên. Mong ước của tôi, từ lúc hiểu chuyện đã là ngôi nhà khang trang, ấm cúng. Thế mà...

Mẹ vẫn hay nói vui với chị em tôi rằng: “Nhà mình chỉ che nắng thôi chứ không che mưa được đâu con à!”. Nghe câu đó, tôi thấy mẹ cười mà lòng xót xa. Cả cuộc đời mẹ vất vả, hy sinh đến lúc nửa đời người vẫn chưa có được căn nhà như người ta.

Trong tôi, cứ thế lớn dần lên, đi suốt những năm tháng tuổi thơ là nỗi ám ảnh tiếng mưa. Ban đầu là ghét, dần dần tôi trở nên sợ hãi tiếng mưa ấy. Có lần ba mẹ đi làm, em đi học. Một mình ở nhà mà đột ngột mưa xối xuống ầm ầm. Tôi rất sợ. Vừa tìm giẻ lau nhà vừa sợ vô cùng. Bất giác khóc thật to, không suy nghĩ được gì, chỉ biết khóc thôi, đến khi mưa tạnh thì mặt mũi cũng lấm lem. Tôi ghét mưa đến làm chi khiến nhà tôi ra như thế, ghét, ghét lắm. Đến lớn lên chút nữa, chuẩn bị đi học xa, mùa mưa cũng đến, mưa cứ liên miên bất tận hết cơn này đến cơn khác. Có hôm nhà có khách mà mưa chẳng nể ai khiến cả nhà ướt nhẹp. Tôi ra trước nhà quét nước, mặc cho mưa xối ầm ì vào người, rát cả da cũng không dám bước vào chỗ khách ngồi. Vừa tức vừa tủi, nước mắt cứ rơi mà luôn nhủ nước mưa thôi!

Ngày ngày nhìn bóng cha lặng lẽ bên bàn làm việc, mẹ tất bật với đủ việc không tên. Tôi vẫn luôn nói với mình rằng cố gắng học thật chăm, kiếm thật nhiều tiền về xây nhà cho cha mẹ. Mang ba lô lên đường đi học, nỗi nhớ nhà dai dẳng không nguôi, tôi không sợ tháng ngày sinh viên vất vất vả chỉ mang nặng nỗi lo quê nhà mẹ và em biết làm thế nào khi mưa đến mà lỡ không có cha ở nhà. Con thật sự lo lắng lắm mẹ ơi!

Mưa ơi! Cơn mưa của đất trời. Tôi chẳng mong mưa biến mất đâu. Tôi chỉ mong mưa rơi xuống tưới khắp cỏ cây cho dậy lên màu xanh um của lá, mưa rơi xuống cuốn phăng đi cái nóng oi ả của buổi trư hè, mưa rơi xuống ướt nhẹ áo ai để cho ai có thêm thì giờ đứng lại cùng nhau. Chỉ mong mưa đừng rơi xuống làm bật lên tiếng thở dài nơi căn nhà nhỏ, mong mưa rơi xuống đừng làm trĩu nặng lòng tôi... Mưa ơi.

10. Kemdau0501

Tuổi thơ, hai tiếng tuổi thơ nghe sao mà dễ thương, mộng mơ đến thế! Nó nhắc nhớ ta về một thời còn bé tí teo, về cái thời còn ngây ngô, trong sáng, vô lo vô nghĩ. Ấy là “khoảnh khắc” lần đầu tiên mà ta cảm nhận được cuộc đời, cảm nhận được tình yêu thương và mọi sự hiện hữu của cuộc sống.

Tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên vô ngần. Cái cách mà tôi nhìn cuộc sống khi ấy thật ngô nghê rằng trái đất tròn với lung linh màu hồng, mọi suy nghĩ thật đơn giản, vô tư. Tuổi thơ tôi vẫn đầu trần chân đất dong dẻo khắp ngõ xóm, trên cánh đồng theo các anh chị lớn hơn đi bắn chim, bắn cò, chăn trâu, cắt cỏ rồi thả diều mỗi khi trời gió. Tôi vẫn vui lắm, thích lắm dù cháy nắng trong cái oi ả của mùa hè. Và khi bất chợt mưa đổ xuống tôi lại được tắm mưa, được đắm mình trong những hạt nước long lanh mà vẫn ngây ngô nghĩ rằng đó là nước mắt của ông trời. Để rồi khi ngớt mưa, trời hửng nắng, tôi lại háo hức chờ đợi cầu vồng lên. Cầu vồng như đem đến cho tôi một hương sắc mới của cuộc sống và cả thế giới kì diệu khác trong tưởng tượng.

Trẻ con mà! Thích lắm những lúc được bố cần cẩu đưa lên cao rồi lại hạ xuống thấp trong cái tiếng cười giòn khanh khách ý. Rồi được bố hay cõng đi chơi này, được dạy chơi nu na nu nống, chi chi chành chành, thả đỉa ba ba hay cái trò rồng rắn lên mây. Lũ trẻ con chúng tôi hầu như trưa nào cũng tập trung tại một nhà đùa như giặc vang cả xóm, khiến người lớn nhiều lúc phát tức lên thét chúng tôi:”không để cho người ta ngủ trưa à? Đi chỗ khác chơi mau”. Thế là chúng tôi lại tủm tỉm cười với nhau rồi đến chỗ khác chơi. Khi tối đến, trước khi đi ngủ, ba anh em tôi lại chơi cái trò trùm chăn lên đầu rồi dọa ma dẫm cứ uỳnh uỳnh cả cái gi.ường rồi lại toe toét cười. Trẻ con mải vui mải chơi nhưng mà cũng lắm hữu ích đấy nhé! Người ta vẫn bảo con ruồi đỡ đồng cân mà. Bé nhưng mà ta vẫn có thể làm được những việc nhỏ nhẹ, việc vặt trong nhà như là quét nhà, rửa rau, phụ mẹ nấu cơm này…

Trẻ con mà! Cứ hễ mẹ đi đâu về là lại chạy ra tận cổng để đón mẹ và cũng không quên hỏi:”mẹ có mua kẹo cho con không?”. Nhưng đâu phải lần nào cũng được một câu trả lời thỏa đáng, có lúc mẹ mua, cũng có lúc mẹ chẳng mua gì cả. Tôi vẫn còn nhớ mãi cái ngày ấy, cái ngày nhõng nhẽo đòi mẹ đi chợ. Mẹ tôi cứ thường ngày rằm hay là tết đến là lại đi chợ bán chuối. Còn tôi cứ đòi đi theo, đòi ngồi trên sọt để mẹ chở đi chợ, được nhìn người, nhìn xe cộ qua lại đông đúc, được nghe âm thanh, tiếng còi của những chiếc ô tô. Và hơn hết lí do tôi muốn theo mẹ đi chợ là để được ăn những cốc chè mát lạnh vừa ngon vừa thơm được làm từ các loại hạt, quả của thôn quê dân dã. Ấy chỉ là các loại đỗ, ngô, lạc, bưởi và một số vị khác thôi chứ chè hồi ấy không được đầy đủ và đa dạng nhiều màu sắc như bây giờ. Với món chè thì dầu chuối là một thứ gia vị không thể thiếu trong mỗi cốc, chỉ với một giọt nhỏ mà cả cốc chè đã thơm phức rồi. Chẳng hiểu sao tôi lại thích chè đến như thế và cả bây giờ vẫn vậy. Tuổi thơ cũng không thiếu những lần bị đánh đòn vì mải chơi đến quên cả bữa ăn không về để cho bố mẹ phải đi tìm. Nhớ lúc bảy tuổi, tôi ngủ dậy không thấy ai, cửa nhà lại bị khóa, tôi khóc rồi chèo qua cửa sổ đánh đổ cả một rổ trứng to. Thế rồi mẹ đánh tôi một trận lên bờ xuống ruộng lằn cả mông khiến tôi đến giờ vẫn còn nhớ. Nhưng tuổi thơ vẫn thật đẹp, thật nên thơ.

Tuổi thơ sẽ vẫn mãi là miền kí ức thân thương gọi ta trở về với quá khứ trong sáng, tươi đẹp nhất. Đúng “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, con người không ai trải qua hai lần tuổi thơ trong cuộc đời. Đó là điều tất yếu. Dòng sông tuổi thơ ấy cứ chảy mãi, chảy mãi trong tâm trí của ta… Tôi rất thích gió, thích gió lướt nhẹ qua má, khẽ lùa qua mái tóc rồi mơn man khắp d.a thịt. Cảm giác ấy khiến tôi như được bé lại, được là chính mình giữa cuộc đời. Gió cuốn đi trong tôi những ồn ào, vồn vã của cuộc sống hiện tại để trở về với tuổi thơ, với yên bình.
 
Hiệu chỉnh bởi quản lý:
Nhiều ghê lun !! ngủ sơm mai lấy tinh thần đọc hết mới được !!
 
thích bài viết của @phuongminh và @ect_ect :KSV@18:
bài của @ect_ect đọc khi đang đói đúng là tra tấn :KSV@15: thèm chết đi được :KSV@15:
 
@Viola uh bài của bạn etc chị cũng rất thích, thật sự rất là độc đáo :)
 
Hi, em rất cảm ơn phản hồi tốt của mọi người :KSV@03:
Được có cơ hội chia sẻ cảm nhận của mình qua diễn đàn, lại còn được quà nữa :KSV@10: Năm nay trung thu vui quá :)
 
đề nghị xuất bản 1 cuốn sách.
PS: tình hình là lười đọc quá
 
×
Quay lại
Top