“Kế sách” khi đối mặt với trộm, cướp

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Phải xử lý như thế nào khi đối mặt với những tên trộm, cướp đặc biệt là những tên trộm, cướp có mang theo hung khí là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Bởi nó là một tình huống có thật và có thể sẽ xảy đến với bất kỳ ai trong cuộc sống.

645870-1.jpg

Những hậu quả khó lường

Mới đây, thông tin về việc vợ chồng anh Nguyễn Đức Long (SN 1976), chủ cửa hàng điện thoại ở 167C, Nghiêm Xuân Yêm, thôn Thượng, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội vật lộn và thoát khỏi sự uy hiếp của 4 tên cướp có cả vũ khí nóng đã được nhiều người biết đến và cảm phục. Tuy nhiên tâm lý của các đối tượng phạm tội thường rất manh động, có ý chí phạm tội đến cùng để thoát thân nên việc chống trả đối tượng đôi khi lại rất nguy hiểm.

Trong câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Đức Long, không ít người cho rằng vợ chồng anh đã quá may mắn khi các đối tượng không kịp nổ súng. Bởi theo một điều tra viên, khẩu súng chúng dùng để khống chế anh Long mà cơ quan công an thu giữ được tuy là súng tự tạo nhưng có khả năng sát thương rất cao. Nếu trong buổi tối hôm đó, tình huống không may mắn xảy đến thì rất có thể thứ vũ khi này đã gây sát thương cho nạn nhân.

Không được may mắn như trường hợp của anh Long, trong rất nhiều vụ án do nạn nhân không thực hiện theo yêu cầu của bọn cướp hoặc có ý định chống đối nên xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ tới vụ trọng án xảy ra tại cửa hàng vàng Vững Bắc (Thường Tín - Hà Nội) cách đây chưa lâu. Từ những hình ảnh của camera quan sát đặt tại hiện trường ghi lại có thể thấy khi tên cướp Nguyễn Hữu Dưỡng khống chế chủ tiệm vàng là bà Nguyễn Thị Bắc rồi yêu cầu mở tủ lấy tiền, vàng. Do bà Bắc đã chống lại khiến tên cướp phải dùng súng bắn điện và dao tấn công. Sau đó chủ tiệm vàng tiếp tục lết ra ngoài kêu cứu khiến tên cướp đuổi theo đâm liên tiếp rồi cứa cổ nạn nhân đến chết và giấu sau tủ hàng.

Tương tự là trường hợp của gia đình anh Hà Trung Huấn (SN 1980 trú tại thôn 16, xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng - Phú Thọ). Tối ngày 12-3-2012, trong lúc anh đang cùng vợ và con trai ngồi xem ti vi tại phòng khách của gia đình thì bất ngờ bị hai đối tượng mặc áo mưa, đầu đội mũ bảo hiểm kín mặt xông vào. Mỗi tên sử dụng một khẩu súng ngắn gí vào đầu vợ chồng anh Huấn khống chế, đe dọa, yêu cầu vợ chồng anh Huấn phải đưa tiền cho chúng. Sẵn có con doa gọt hoa quả để dưới gầm bàn, anh Huấn đã dùng dao kháng cự lại nhưng bị đối tượng bắn trúng tay. Thấy đối tượng manh động, anh Huấn đã bỏ chạy xuống bếp rồi tri hô. Nghe tiếng kêu cướp của anh Huấn, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1990, là hàng xóm của anh Dũng) đã đuổi theo 2 tên cướp. Tuy nhiên trong lúc vật lộn, anh Dũng bị đối tượng bắn trọng thương thủng phổi và thủng ruột.

Trong những ngày qua dư luận còn chưa hết ồn ào về một clip được các báo điện tử đăng tải ghi lại cảnh một cô gái đi xe máy trên đường bị 2 đối tượng bám theo áp sát và giật chiếc túi xách khiến cô bị ngã ra đường. Đoạn clip này khiến độc giả nhớ lại một câu chuyện buồn xảy ra cách đây chưa lâu. Sáng 17-9-2102, anh Hoàng Ngọc Tri (Vĩnh Lộc A - Bình Chánh - TP HCM) chở vợ sắp cưới trên đường thì bị một đối tượng giật chiếc máy tính xách tay anh mang theo. Anh Tri lập tức tri hô và đuổi theo tên cướp, đâm thẳng xe vào đối tượng và lao vào giằng lại chiếc máy tính. Tên cướp sau đó đã dùng dao thủ sẵn trong người đâm anh Tri 2 nhát vào ngực và hông rồi bỏ chạy. Tên cướp đã bị người dân truy bắt sau đó nhưng anh Tri do vết thương quá nặng và mất nhiều máu nên đã bị tử vong.

Tuy chưa vấp phải sự chống đối của các tên cướp song việc phóng xe đuổi theo chúng trên đường cũng là một việc làm nguy hiểm của người bị hại. Trường hợp của chị Lê Thị Ngọc Thảo (Khánh Hòa) là một điển hình. Ngày 13-8-2012, khi đi qua đoạn Ấp Bắc, (Long Hòa - Bà Rịa) bất ngờ có 2 thanh niên điều khiển xe máy rồ ga áp sát xe của chị Thảo và giật chiếc túi xách. Chị Thảo tăng tốc đuổi theo khoảng 100m thì bất ngờ mất lái, ngã xuống đường và bị chiếc xe tải chạy ngược chiều cán phải khiến chị bị chết ngay tại chỗ. Không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân, một số trường hợp còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh.

Cách đây chưa lâu có một vụ việc xảy ra tại TP HCM, trong lúc đỗ xe trước cửa công ty để đi ăn cơm bị 2 tên trộm bẻ gương chiếu hậu của xe rồi chở nhau bỏ chạy. Chủ xe đã lái ô tô đuổi theo trên đường. Cuộc truy bắt kéo dài trên chặng đường khoảng 2km thì chiếc xe đâm phải một người đàn ông đang đạp xích lô chở hàng. Cú đâm mạnh khiến người đạp xích lô bị thương nặng. Chưa dừng lại ở đó. Chiếc xe ô tô còn lao vào phía sau xe tải chở nước và một chiếc “xe ôm” trên hiện trường trước khi đâm trực diện vào một gốc cây ven đường. Tai nạn còn khiến cho chiếc xe ô tô này bị hư hỏng nặng nề.

Phải đối phó thế nào khi gặp trộm, cướp?

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc hô hoán hay chống cự khi tên cướp đang uy hiếp chỉ khiến cho tình hình thêm nguy cấp. Điều này cũng giống như việc giáo dục các em bé không nên nhảy xuống sông cứu bạn luôn nếu thấy nguy hiểm mà phải tìm người lớn đến giúp, như vậy là tránh thêm một cái chết nữa có thể xảy ra. Vậy phải đối phó thể nào khi gặp phải các tình huống đối mặt với các đối tượng trộm, cướp? Câu trả lời được nhiều người tán thành đó là hãy tự học cách bảo vệ mình đơn giản nhất và giáo dục trẻ em làm theo.

Như vậy, xã hội sẽ không giật mình vì những cái chết quá thương tâm và đau đớn. Một cán bộ của Cục Cảnh sát Truy nã tội phạm (Bộ Công an) cho rằng: Thông thường khi tội phạm xông vào uy hiếp đe dọa gia chủ, bạn cần phải bình tĩnh bảy tỏ thái độ hợp tác làm theo mọi yêu cầu của bọn cướp bằng cách không nên có những hành động bất thường và giữ cho đôi tay của bạn luôn ở trong tầm mắt của bọn cướp để chúng thấy rằng bạn không có ý định chống đối.

Tuy nhiên, trong khi thực hiện những yêu cầu này, bạn cần nhận dạng và nắm các đặc điểm của tên cướp như: những vết sẹo, hình xăm trên mặt hay trên cơ thể tên cướp (nếu có), chiều cao, dáng dấp gầy hay béo… Nếu có thể, bạn cũng nên bình tĩnh thương thuyết với tên cướp để có cơ hội nhận dạng giọng nói của đối tượng nhằm mục đích sau này cung cấp cho cơ quan điều tra. Ngoài ra ngay sau khi tên cướp bỏ đi, bạn không nên đuổi theo tên cướp mà phải báo cho cảnh sát hoặc bảo vệ, đồng thời không động vào hoặc di chuyển đồ đạc tại hiện trường.

Theo phân tích của chuyên gia tâm lý Vũ Hà thuộc Trung tâm tư vấn tâm lý Hạnh Nguyên, về mặt tâm lý tội phạm, khi chuẩn bị đi cướp, bọn cướp có mục đích rõ ràng là cướp tài sản. Chúng chỉ gây nên thảm sát nếu gia chủ giằng co lại tài sản hoặc hô hoán khiến chúng manh động. Do vậy khi bị trộm, cướp, điều trước tiên là nạn nhân phải làm thế nào để bảo vệ tính mạng của mình. Lúc này bạn đừng xem trọng số tài sản của mình mà hãy xem như “của đi thay người”.

Trong những tình huống như vậy cần phải hết sức tỉnh táo và khôn khéo. Không nên mất cảnh giác trước tình huống nguy hiểm là đang đối đầu với một tên tội phạm có hung khí trong tay. Tên cướp khi bị dồn vào đường cùng có thể liều mạng. Nếu bạn thật sự được an toàn thì hãy truy hô, nhờ người can thiệp, đừng tự mình đuổi theo vì cách này không những gây nguy hiểm cho bạn mà còn làm ảnh hưởng đến người xung quanh.

Một cán bộ của Đội Phòng chống tội phạm cướp, cướp giật - Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH, CA TP Hà Nội cho biết: trên thực tế rất nhiều người chủ quan trong việc gìn giữ, bảo quản tài sản của mình. Nhiều phụ nữ khi mất tài sản đến phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về TTXH trình báo đều cho biết nhiều khi chủ quan, nghĩ chỉ đi một đoạn đường ngắn nên “ngại” cho túi vào trong cốp hay treo cẩn thận mà có khi “vứt” ngay dưới sàn xe. Bên cạnh đó, nghe điện thoại khi tham gia giao thông cũng góp phần tạo sơ hở cho các đối tượng cướp giật ra tay.

Để đối phó với những tình huống này khi bạn đang chạy trên đường khuya hoặc vắng, nếu cảm thấy có người đang theo dõi hoặc người lạ chay theo hỏi chuyện, tốt nhất bạn không nên trả lời bất cứ câu hỏi nào và tăng ga chạy nhanh hơn qua đoạn vắng hoặc dừng lại tại các nhà, hàng quán, công ty… có đông người bên đường. Bạn cũng có thể nói cho những người bạn đang trò chuyện biết nếu bạn đang bị cướp và nhanh chóng gọi điện cho người thân trợ giúp nếu như bạn còn một đoạn xa nhà.
Theo Mực Tím
 
×
Quay lại
Top