Hunger Games : Cuộc chiến sinh tử - Cuốn sách quá tàn khốc dành cho tuổi thiếu niên!

nostosalgos

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
2/1/2013
Bài viết
24
ấu Trường Sinh Tử – Suzanne Collins
Tên sách: Đấu Trường Sinh Tử – The Hunger Games
Tác giả: Suzanne Collins
Người dịch: Trần Quốc Tân
Nhà xuất bản Văn Học
Cảnh báo: bài viết có tiết lộ nội dung tác phẩm
~oOo~
Dạo gần đây trên new feeds facebook của tôi tràn ngập hình ảnh, bình luận, trạng thái về The Hunger Games, về các nhân vật cũng như những tình tiết trong phim. Tôi là một con bé đọc truyện trước khi xem phim, vậy nên tình cảm dành cho truyện đương nhiên lớn hơn rất nhiều so với tập phim chỉ dài vỏn vẹn 2 tiếng 30 phút. Hôm nay, đặt tay lên bàn phím, là muốn viết một chút gì đó, như lưu giữ về cuốn sách này, về những nhân vật mà tôi yêu.
The Hunger Games có tổng cộng ba tập, lần lượt lấy tên Hunger Games, Catching Fire và Mockingjay. Ở Việt Nam, Nhã Nam mới xuất bản cuốn đầu tiên, với tựa ‘Đấu Trường Sinh Tử’. Sau khi đọc tập một, tôi đã không thể cưỡng lại bản thân mình mà tìm bản tiếng anh của hai cuốn còn lại đọc tiếp. Nhưng trong bài viết này, sẽ chỉ nói về những gì xảy ra trong cuốn đầu tiên ( nhưng có trích dẫn từ những cuốn sau, vì như vậy mới thấy được rõ ràng những tình cảm, những đè nén ).
Nếu như ai từng xem hoặc đọc qua Battle Royale của Nhật Bản, hẳn sẽ thấy The Hunger Games có vài nét tương đồng. Những nhân vật trong hai tác phẩm này đều bị đưa đến một nơi xa lạ, phải chém giết nhau để đến cuối chỉ còn một người tồn tại. Nhưng có lẽ, The Hunger Games được sáng tác bởi một người Mỹ, nên trò chơi này không chỉ dừng lại ở việc răn đe lớp trẻ, mà còn trở thành một chương trình truyền hình, nơi tất cả người dân bắt buộc phải xem, phải nhìn những con người ấy tiêu diệt lẫn nhau, nhìn bản năng sống còn trỗi dậy trong từng cá thể dù là nhỏ bé nhất. Capitol trong The Hunger Games tạo ra trò chơi nhằm mục đích cho toàn thể mười hai quận thấy được quyền lực của mình, và chẳng gì dại dột hơn là việc đứng lên đấu tranh một lần nữa.

Tôi đặc biệt thích đoạn đầu của câu chuyện, khi mà cuộc sống của Katniss tuy khó khăn, tuy khổ cực nhưng vẫn có bình yên, vẫn có những tiếng cười trong trẻo hạnh phúc bên người mình yêu thương. Có lẽ tôi đã quá yêu cánh rừng ấy, quá yêu khu chợ đen bẩn thỉu ấy, quá yêu hình ảnh Gale cùng Catnip của anh sánh vai mất rồi… Có chút buồn khi lên phim tất cả những thứ tôi yêu chỉ còn lại vài phút ngắn ngủi, với ánh mắt đượm buồn của Gale, với mẩu bánh mì bẻ đôi trước giờ chiêu quân.
À đấy, tôi vẫn nhớ mình đã cảm thấy ngạc nhiên thế nào, khi nhận ra rằng thế giới trong The Hunger Games là thế giới của những năm sau này, thế giới của tân tiến hiện đại. Bởi lẽ, cuộc sống của nhân dân quận 12 nào có được như thế? Họ tạo cho tôi thứ cảm giác rằng họ đang sống ở thế kỉ mười chín hai mươi, khi mà họ phải đun nước tắm, phải đi bộ trong những chiếc ủng da ướt sũng nước, phải săn bắn hái lượm đặt bẫy hòng kiếm thức ăn. Tác giả đã đánh một đòn rât đau vào sự khác biệt quá lớn giữa Capitol và cuộc sống của nhân dân các quận.
Nhiều người nói rằng họ thích đoạn các vật tế bắt đầu bước vào cuộc chiến giành lấy sự sống, nhưng tôi vẫn đặc biệt ấn tượng hơn với những hoạt động xung quanh cuộc chơi ấy. Những talk show trêu đùa về cái chết, những chương trình truyền hình trực tiếp mọi điều về các vật tế, rồi người điều khiển thêm thắt chút lửa chút nắng mưa làm tội làm tình vật tế… Ừ, với những người ở Capitol, vật tế chẳng phải là con người, chỉ như quân cờ trên bàn cờ để tiêu khiển mà thôi.
Nội dung của The Hunger Games tạo cảm giác hồi hộp, pha chút rùng rợn, cứ tự hỏi nhau rằng không biết liệu Katniss làm sao để thoát khỏi nơi này? Không biết chờ đợi phía trước còn những điều gì nữa? Việc khoanh vùng hai mươi tư vật tế tại một nơi, để tất cả giết chóc chà đạp nhau, khơi dậy trong lòng con người, là nỗi sợ, là đau thương, là mất mát. Bờ vực giữa sự sống và cái chết thật vô cùng mong manh. Vậy nên mới nói, cách tác giả lèo lái dẫn dắt câu chuyện khiến cho người đọc khó lòng mà dừng lại được, cứ vậy lần theo từng câu chữ thôi.
Những nhân vật được xây dựng rõ nét, có điểm nhấn. Một Katniss mạnh mẽ, từ nhỏ đã gánh vác tất cả công việc trong gia đình, đồng thời cũng rất nhạy cảm, muốn được che chở. Con gái không phải luôn vậy sao? Peeta là một chàng trai bình thường, hết sức bình thường, nhưng cái bình thường ấy không phải sự tầm thường mà người ta vẫn luôn nghĩ. Cậu nhất quyết không để Capitol thay đổi mình, không muốn biến mình thành quân cờ tiêu khiển. Một chàng trai dù bị mắng bị chửi vẫn muốn giúp một cô gái nhỏ giữa cơn mưa lớn bằng cách cho cô ổ bánh mì, thì hẳn là một người tuyệt vời, nhỉ? Thật ra, Katniss với Peeta gần như sinh ra để dành cho nhau, dù thế nào cũng không thể chối cãi. Tình cảm của hai người, có thể ví như bồ công anh trong gió, là sự tái sinh, sau bao nhiêu cay đắng.
“What I need is the dandelion in the spring. The bright yellow that means rebirth instead of destruction. The promise that life can go on, no matter how bad our losses.”
( Dịch: Thứ tôi cần chính là bồ công anh khi xuân về. Màu vàng tươi sáng thể hiện cho sự tái sinh chứ không phải hủy diệt. Lời hứa rằng cuộc sống này sẽ luôn tiếp diễn, dù đã từng mất mát nhiều đến vậy.)
Nhưng thực tế tôi lại không muốn vậy. Vì tôi đã lỡ yêu Gale, lỡ yêu chàng trai ngày ngày cùng Katniss đi săn, cùng Katniss cười đùa về những trò lố của Capitol. Lỡ yêu chàng trai luôn ầm thầm hướng theo cô mất rồi. Từ giây phút đầu anh xuất hiện trong truyện, tôi đã cảm thấy anh luôn là chỗ dựa vững chắc, là nhân vật tạo cảm giác yên bình vững chắc và thực ấm áp khi ở cạnh bên. Yêu nhất cách anh gọi “Catnip”, vì đấy chỉ thuộc về anh mà thôi, không phải ai khác, chỉ anh. Nhưng số phận sắp đặt anh mãi mãi chỉ là nam phụ, là nhân vật đứng cạnh bên cô gái ấy, che chở nhưng không bao giờ có thể chạm đến. Để tôi có thể bỗng chốc nhận ra rằng, càng ngày bản thân càng thích nam phụ, càng thích những chàng trai không bao giờ được yêu thương. Rồi bật cười mà nghĩ, trước đây tôi đã từng ích kỉ ra sao, khi trù dập những nhân vật như thế, để kiếm tìm một thứ hạnh phúc đương nhiên phải có của hai nhân vật chính.
“I thought… I’ll never compete with that. No matter how much pain I’m in. I don’t stand a chance if he doesn’t get better. You’ll never be able to let him go. You’ll always feel wrong about being with me.”
( Dịch: Anh nghĩ… Anh không bao giờ cạnh tranh nổi. Không cần biết bản thân anh chịu đau đớn thế nào. Anh không thể có cơ hội nếu như cậu ấy không cảm thấy tốt hơn. Em sẽ không thể rời xa cậu ấy được. Em sẽ luôn cảm thấy lựa chọn ở bên anh là một sai lầm.)
Cuốn đầu tiên của The Hunger Games kết thúc trong sự mất mát lớn nhất, có lẽ là Rue. Rue, em tinh nghịch, nhanh nhảu và đáng yêu biết mấy. Một tâm hồn trẻ thơ mê thích ca hát, thích bầu bạn với chim muông cây cỏ, vậy mà đã ra đi dưới sự tàn độc của một bộ máy, dưới ánh mắt đau đớn và bất lực của người yêu thương em. Chắc hẳn sự ra đi của em là một trong những cảnh xúc động nhất và khó quên nhất ngay cả ở phim hay truyện. Nhờ em, lần đầu tiên Katniss hiểu được, dù thế nào, cũng vẫn phải giữ được tâm hồn, giữu được phẩm chất. Như vậy, mới có thể hoàn toàn chiến thắng thứ trò chơi bạo lực đau thương này.
Chặng đường The Hunger Games còn dài, còn thật nhiều mất mát. Cuốn sách đầu tiên khép lại, có thể là tiếng thở phào nhẹ nhõm, nhưng đón chờ trước mắt, không phải chỉ một Rue, không phải chỉ mấy chục người trong trò chơi, mà còn cả những người không liên can, cả những người vô tội nữa.
Và rồi vẫn vang vọng đâu đây câu nói trong tiếng cười đùa, tiếng tung hô, một câu nói mà phải trải qua mới hiểu hết được sự chua xót, đớn đau.
“Happy Hunger Games!
And may the odds be ever in your favor.”
 
×
Quay lại
Top