Hôm nay, tôi đi học!

yeuvietnam.hth

Thành viên
Tham gia
12/8/2011
Bài viết
7
Hôm nay, tôi đi học!

[04-09-2011 21:55:36]
Vào dịp khai trường, dù ở xa quê nhà, tôi vẫn theo dõi qua báo chí, qua thư từ với bạn bè trong nước nên cũng vô cùng phấn khởi hình dung ra cảnh các cháu và các em hớn hở đi học, được lễ phép chào thầy cô và gặp gỡ bầu bạn, ...
Thay vì viết về những sứ mạng của trường học, về phương pháp sư phạm, về những nhà giáo lớn như Piaget, Montessori, Freinet ... về những nghiên cứu xã hội học về giáo dục, tôi chỉ xin viết ít dòng, muốn bày tỏ cảm nghĩ của mình về ngày bắt đầu năm học mới ...
"Ngày tựu trường" - chỉ ba chữ ấy thôi làm ập vào trí tôi như sóng vỗ bờ biết bao nhiêu điều của quá khứ…Tới bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in đoạn văn của Thanh Tịnh:

Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hồi hộp của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
(Thanh Tịnh, Tôi đi học).

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới tà áo mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
Ở trời Âu, ở lớp dạy tiếng Pháp, cô giáo tôi đã dạy rằng: bên trời Âu, đầu thế kỷ 20, Anatole France cũng có những “xao xuyến” tương tự: Hàng năm, cứ mỗi độ mây kéo trên trời vào thu và lá úa vàng trên cành cây run rẩy ... khi tôi đi ngang qua vườn Luxembourg ...tôi thấy một cậu bé, tay thọc vào túi, vai đeo cặp, vừa đi đến trường vừa nhảy nhót như một con chim sẻ ... (AnatoleFrance, Quyển sách của bạn tôi).

Một bài học thuộc lòng khác, diễn tả tâm trạng của bà mẹ có con gái đi học ở thành phố :
Tân Long ái nữ,
Con ra tỉnh theo đường học vấn,
Mẹ ở nhà mắc bận tề gia

Nay nhà vắng chỉ còn có mẹ
Lúc vào ra quạnh quẽ buồn hiu
Vắng con mỗi sớm mỗi chiều
Hình con mẹ ngắm thêm nhiều nhớ nhung ...

Các em học sinh, sinh viên!
Cho phép cô gọi thế nhé. Các em đang bắt đầu niên học mới.
Trường không những chỉ là nơi các em học đọc, học viết, trau dồi kiến thức để làm người mà còn là nơi các em sống trong hơn 15 năm, từ lúc lên 3 đến tuổi trưởng thành. Đó là thời vàng son, tuổi của những phát triển trí tuệ vượt bậc, từ một con “chích chòe” non nớt cho đến lúc thành nhân, chững chạc, nắm vận mệnh mình trong tay.
Đến trường để tập tành nhân cách sống trong xã hội, để biết mình là ai, sánh với bạn và những mẫu người khác; để hiểu qua kinh nghiệm, qua bài học ... cấu trúc của xã hội, sinh hoạt của xã hội và những diễn biến tương lai có thể. Biết thế để chuẩn bị thái độ đúng cho ứng xử và hành động, để đóng vai trò chủ thể chứ không bị dòng đời cuốn đi.
Cổ nhân nói “nhân chi sơ, tính bổn thiện” (khởi thủy, con người vốn hiền lành). Cô rất tin điều này và hoàn toàn tin cậy nơi các em. Chẳng những các em vốn hiền lành mà các em còn có những tiềm năng rất lớn - khoa học đã chứng minh điều đó.
Cô mong các em học làm người, theo luật lệ của xã hội. Nhưng không phải là những con cừu non vâng dạ, ngoan ngoãn nhắm mắt theo số đông. Mà là những người có hiểu biết và suy nghĩ, có khả năng cân nhắc, phân biệt thật - giả, đúng - sai...
Trường học và gia đình là hai thành lũy cuối cùng bảo đảm an toàn cho các em trong một xã hội dù có nhiều tác động trái chiều. Các em hãy tận hưởng hạnh phúc ấy để sau này đến lượt mình, các em sẽ lo cho hạnh phúc của người trẻ hơn các em.
Thân ái tặng các em một bức ảnh, cô chụp “trộm” nên chỉ chụp sau lưng, của một nhóm học sinh nữ ở Huế, giúp nhau gỡ mấy cánh hoa vướng trên tóc bạn trong khi chơi đùa ở công viên sau lúc tan trường. Cả bức ảnh tỏa ra cái hồn nhiên và trong trắng của tuổi học trò mà cô rất quý.
tuutruong_121aa.jpg


Thưa các bậc phụ huynh, cha mẹ học sinh, sinh viên!

Hồi ...xưa, để giúp các con tôi chuẩn bị ngày tựu trường, khi các cháu còn bé, tôi đọc cùng các cháu một truyện dành cho nhi đồng. Chuyện kể những bà mẹ lo lắng, sợ trăm thứ, mất ăn mất ngủ, gọi điện thoại cho các bà bạn có cùng cảnh ngộ... vì ngày mai các con mình đi học. Truyện ấy làm chúng nó vui và không sợ đến trường nữa, mà còn tỏ ra can đảm để “nâng đỡ tinh thần” cho mẹ: không khéo mẹ sẽ khóc trước mặt cô giáo hay các bạn, tội nghiệp mẹ ...
Nghề làm cha mẹ là một “nghề” rất cực, không có giờ giấc nhất định, làm ban đêm, làm cuối tuần, làm giờ phụ trội và lại không được trả lương. Nhưng chúng ta đã tự nguyện nhận lấy trách nhiệm ấy và luôn sẵn sàng lo cho con, hi sinh vì con!
Tôi vốn không thích những hình thức lễ nghĩa rườm rà và ồn ào. Nhân ngày khai trường, chỉ xin nói là: nếu con cái ta được đi học, công lao phần lớn là nhờ các bậc phụ huynh, cha mẹ của các em.

Thưa các bạn giáo viên, giáo sư!
Một số sách miêu tả liên hệ giữa thầy và trò như một liên hệ quyền lực, vì thầy là người lớn tuổi, có hiểu biết, có vai trò giảng dạy, chấm điểm, chế tài. Quyền lực của thầy cũng là một trong những điều kiện cần để bảo đảm trật tự cho lớp học và tối ưu hoá kết quả của sự truyền kiến thức. Thời tôi còn đi học, một trò tốt là một trò ngoan ngoãn, nghe lời thầy, thuộc bài và tuân thủ kỷ luật của trường.
Liên hệ quyền lực dần dần được thay thế bằng những liên hệ đa dạng và nhất là bình đẳng hơn, một liên hệ đầy tình người, như một ốc đảo xanh trong sa mạc vì xã hội hiện tôn vinh các giá trị vật chất, phù du. Trò giỏi hiện là một trò có sáng kiến, biết suy luận, học tích cực với sự hướng dẫn của thầy.
Một số nghiên cứu khác cho thấy là đại đa số giáo viên chọn nghề “gõ đầu trẻ” - xin lỗi đấy chỉ là một cách nói, chúng ta hết “gõ đầu trẻ” từ lâu rồi mà có lẽ là cùng đi một quãng đường với chúng thì đúng hơn - Các nghiên cứu ấy cho thấy là giáo viên chọn nghề vì đam mê, vì yêu trẻ và vì nghề ấy hợp với phụ nữ (mà thực tiễn nhất là thích hợp về thời dụng biểu để có thể vừa đi dạy vừa lo cho gia đình, con cái) chứ hoàn toàn không phải vì tiền hay vì danh.
Giáo viên, ở đâu cũng thế, là những người làm việc thầm lặng trong bóng tối, vui với các kết quả của học trò mình. Giáo dục, theo Hannah Arendt, đảm nhiệm cái trọng trách vừa lo đời sống và sự phát triển của trẻ vừa lo bảo vệ sự tồn tại của thế giới, loài người. Trẻ cần phải được bảo vệ, nếu không xã hội có thể “nuốt chửng” các cháu bé nhỏ và yếu ớt.
Hai trọng trách này nhiều khi xung đột với nhau: làm sao vừa bảo đảm sự tồn tại của truyền thống loài người vừa lo cho sự phát triển của trẻ hiện thời với những hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau?
Để giải quyết xung đột ấy và để giải quyết muôn vàn khó khăn khác, chúng ta luôn phải tự vấn lương tâm và tìm giải pháp thích ứng tùy theo trường hợp.
Dạy học là một nghề đầy sáng tạo, nó bắt chúng ta phải tùy cơ ứng biến hầu như là mỗi ngày : tùy học trò, tùy bài học, tùy môi trường...
Các bạn có tin tôi không khi tôi nói rằng trong suốt đời đi dạy, mỗi khi lần đầu đối diện với một nhóm học trò mới, tôi còn lo lắng, bị stress hơn cả chúng vì “không biết phải nhảy trên chân nào” - để dịch thành ngữ tiếng Pháp “ne pas savoir sur quel pied danser” - tôi bối rối vì chưa biết những đặc thù của sinh viên nên chưa biết phải trình bày, giảng dạy, cư xử... cách nào ... Không thể cứ đem “tuồng ruột” ra mà giảng.
Nghề dạy học vẫn và sẽ còn là một nghề cao qúy. Xã hội ta đang qua nhiều biến chuyển dồn dập. Các bạn đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Riêng bản thân, tôi thật là ái ngại cho các bạn nhưng tôi tin tưởng là trong một tương lai gần, xã hội nhận thức đúng đắn hơn công sức của người đứng lớp, đào tạo tương lai của xứ sở.
Tuần rồi, đưa mẹ tôi vào nhà thương, chúng tôi được một cô y tá đón tiếp. Cô nhận ra tôi và tự giới thiệu: “Em đã học xã hội học do cô dạy 30 năm về trước”.
Hi vọng các bạn cũng có những niềm vui nho nhỏ như thế và chân thành chúc các bạn có nhiều học trò tích cực học với thầy.

Nguyễn Huỳnh Mai​
Liège, Bỉ​
(Theo Dân trí)​
 
×
Quay lại
Top