Hội những kẻ thất bại hạnh phúc

hoaqn

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
21/2/2012
Bài viết
238
Nếu ước mơ xưa cũ không còn vừa vặn với bạn trong hiện tại, hãy để chúng ra đi và để những ước mơ mới có cơ hội của mình.

Hội những kẻ thất bại hạnh phúc

Gặp nhau năm 18 tuổi, cả ba chúng tôi cùng mong muốn trở thành nhà văn. Giờ thì một đứa là nhà văn kiêm nội trợ, một đứa là giảng viên đại học kiêm buôn chứng khoán, một đứa làm hiệu trưởng trường mầm non, một đứa kinh doanh sân bóng đá… Chúng tôi gặp nhau để cùng shopping, spa, cà phê và nhậu nhẹt, thỉnh thoảng nhớ lại cái giấc mơ văn sỹ mà chỉ có một đứa biến được thành hiện thực. Nhưng cả những đứa thất bại và đứa thành công trong giấc mơ ấy, chưa thấy đứa nào hối tiếc. Cuộc đời phức tạp hơn những giấc mơ thuở thiếu thời.

Chúng ta sống trong nền văn hóa Theo Đuổi Giấc Mơ, từng giây từng phút bị giội bom bằng thông điệp “nếu thực sự muốn, nếu cố gắng đủ, thì giấc mơ sẽ thành hiện thực”, đến mức quên béng thực tế là Các Giấc Mơ Thường Xuyên Không Thành Hiện Thực.

Bạn có thể kết tội ba kẻ thất bại chúng tôi là không cố gắng đủ. Nhưng thực tế còn… tệ hơn thế - chúng tôi từ bỏ ước mơ của mình, với phương châm sống rất a dua “đời thay đổi thì chúng ta thay đổi!”. Còn đứa thành công trong ước mơ nhà văn thì thú nhận “Tao thấy tao chẳng cố gắng gì đâu, chỉ là gõ hết trang này thì tao sẽ save lại và gõ sang trang khác”. Nó thấy đời không gì thú vị hơn là đi note và type. Tôi nghĩ, thực ra cô bạn tôi không hẳn là muốn trở thành nhà văn, mà đơn giản hơn nhiều, cô ấy muốn viết và thích viết.

Còn tôi, không hẳn là tôi từ bỏ giấc mơ, mà là giấc mơ từ bỏ tôi. Nó bốc hơi như một giấc mộng ban ngày, khi tôi bận rộn với cuộc phiêu lưu chứng khoán, để lại chút tàn tích trong những bài giảng mà các sinh viên của tôi ưa thích, không thể phủ nhận là tôi có tài kể chuyện.

Với cô bạn kinh doanh sân bóng đá ăn nên làm ra thì giấc mơ ra đi không nhẹ nhõm như vậy. Cô ấy nhận ra khoảng cách vời vợi giữa viết một cuốn sách và trở thành tác giả best-seller. “Có vẻ như tớ đã đòi hỏi quá nhiều ở bản thân mình hoặc độc giả, có thể tớ đã viết không đủ hay hoặc"… "không đủ… rẻ tiền” – cô bạn nhà văn có tác phẩm bán chạy nửa trêu chọc nửa an ủi. “… Nào, để yên, thế là tớ quyết định từ bỏ, mơ gì đó thực tế hơn. Lúc đầu thấy thất vọng lắm, nhưng rồi tớ bắt đầu thấy hạnh phúc hơn. Tớ chấp nhận chính bản thân mình”.

Đừng để bị một ước mơ bắt cóc!

Đôi khi, chúng ta cần những lời khuyên thực tế, ví dụ như là Hãy… thực tế! Có lúc nào đó trong đời, từ bỏ một giấc mơ không hiện thực là một điều lành mạnh và cần phải làm. Như bạn phải từ biệt những chiếc răng sữa, để rồi từ đó những chiếc răng trưởng thành được mọc lên.

Những thành công chấn động thực sự có xảy ra, nhưng chẳng phải là thường xuyên – hãy so sánh tỷ lệ giữa kim cương và đá cuội nơi lòng suối. Nếu bạn nghĩ thành công là bình thường, bạn sẽ đặt ra mục tiêu không thực tế và rơi vào cảnh cùng quẫn nếu không đạt được chúng. Giấc mơ đẹp trở thành cơn ác mộng của đời bạn, bạn bị nó bắt cóc, tống tiền, bòn rút cả sức khỏe, niềm vui, y như một tên giám ngục Azkaban (phải thú thực là tôi đã đọc mê say cuốn Harry Potter của J.K,Rowling).

Hội những kẻ thất bại hạnh phúc, Bạn trẻ - Cuộc sống, chuyen tinh yeu, tinh yeu gioi tre, tam chuyen, tam chuyen phu nu, tinh yeu nu gioi, hanh phuc, uoc mo, ke that bai, tinh ban, ky niem, yeu thuong, bao

Nếu ước mơ xưa cũ không còn vừa vặn với bạn trong hiện tại, hãy để chúng ra đi và để những ước mơ mới có cơ hội của mình (Ảnh minh họa)

Điều đó đã xảy ra với một người bạn của tôi, cô ấy bị hiếm muộn và sinh con trai đầu lòng sau ba năm khắc khoải mong chờ. Cậu bé ra đời, và một năm sau, cô ấy lại cháy bỏng mơ ước về một mini-me, một cô bé con. Vào Nam ra Bắc thuốc thang, vay mượn một số tiền khổng lồ với mức chi trả của mình, nhưng cô ấy đã nói tạm biệt với giấc mơ của mình sau ba năm, khi cậu con trai đầu có dấu hiệu tự kỷ dạng nhẹ vì không được ba mẹ quan tâm. “Tớ đã quá tập trung vào một đứa con mơ ước mà quên mất là đứa con mình đang có cần mình hơn bao giờ hết”.

Khi nào chúng ta nên từ bỏ ước mơ của mình

Có những ước mơ về điều bạn muốn làm được, và có những mơ ước về điều bạn muốn được làm. Bạn muốn đặt chân lên Himmalaya, hay ước ao được đi và ngắm nhìn thế giới? Bạn muốn đoạt giải Nobel Văn học, hay bạn muốn được viết? Bạn muốn đi đến, hay chỉ đơn giản là bạn thích được đi?

Với kiểu ước mơ thứ nhất, có thể đến khi khép lại đời mình, bạn vẫn chưa được thỏa lòng. Nhưng với ước mơ thứ hai, bạn có thể sống trong ước mơ của mình từng ngày, mãn nguyện ngay từ giây phút đầu tiên.

Bạn chọn cách ước mơ nào? Tùy bạn nhé! Thực ra chỉ là một ước mơ thôi, nhưng khác nhau ở cách bạn mơ và thực hiện.

Bạn có thể theo đuổi giấc mơ lớn đã 10 năm và khi đọc được bài viết này thì hỏi tôi Khi nào thì tôi nên từ bỏ giấc mơ của mình? Bởi có vẻ như chi phí cơ hội lớn nhất – thời gian – là một thứ mà đời người hữu hạn, liệu có phí phạm không nếu ta bỏ qua việc ngắm nhìn đàn rùa biển chỉ vì mục tiêu của ta là đi xem xá mập?

Hãy linh hoạt với những giấc mơ, và cởi mở với những cơ hội. Hãy cứ để những ước mơ sinh ra và lớn lên trong bạn, đừng lờ nó đi và cũng đừng lãng quên, nó là một phần của bạn mà. Nhưng hãy cho bạn tự do đi con đường của riêng mình, bởi vì chúng ta sống trong thế giới thực, chứ không phải thế giới của những giấc mơ. Hãy nhớ là mọi thứ sẽ thay đổi và hãy để thế giới làm bạn kinh ngạc.

Đừng từ bỏ ước mơ của bạn sau khi bạn đọc bài viết này, đừng từ bỏ cho dù chúng tôi hay ai khác bảo rằng ước mơ của bạn có rất ít cơ hội. Nhưng hãy từ bỏ khi Thế giới thay đổi và Bạn thay đổi. Bạn không còn là bạn thuở còn teen, thế giới hiện tại không như là thế giới lúc ước mơ của bạn được sinh ra. Tất cả thay đổi và những ước mơ cũng thế.

Nếu ước mơ xưa cũ không còn vừa vặn với bạn trong hiện tại, hãy để chúng ra đi và để những ước mơ mới có cơ hội của mình. Đừng cảm thấy tội lỗi hay thất bại khi những giấc mơ không thành. Không phải bạn từ bỏ, đó là bạn trưởng thành và những ước mơ cũng chín chắn theo.

Theo 24H
 
×
Quay lại
Top