[Hoạt động Youthday] Một ngày vào viện cùng Duy Khoa Idol Part 2

kim_tuka_26592

Thành viên
Tham gia
4/12/2010
Bài viết
5
Cống hiến và điều chế

Cùng anh Duy Khoa, các tình nguyện viên của Youth Day đã có cơ hội đi tham quan và tìm hiểu về các giai đoạn chế biến máu, từ những người hiến máu đến lưu trữ và phân phối.

Tọa lạc tại tầng 2 Viện huyết học và truyền máu trung ương, phòng điều chế các thành phần máu chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động của viện. Trước khi vào phòng, cả đoàn được yêu cầu thay những đôi dép xốp mềm dành riêng cho khách tham quan để tránh gây tiếng động và thiệt hại đến cơ sở vật chất bên trong. Với những loại máy đắt tiền và phức tạp, nơi đây luôn có những bác sĩ giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiêm miệt mài làm việc cả ngày.

KSV.ME-kenhsinhviendsc0056.jpg


Các chuyên viên cho các thành phần máu vào các túi riêng biệt


Với sự hướng dẫn trực tiếp từ CNHH. Võ Thị Diễm Hà – Trưởng khoa điều chế các thành phần máu, cả đoàn đã có thêm những kiến thức bổ ích và thiết thực về quy trình xử lý máu sau khi hiến.

Máu được hiến hiện nay chủ yếu là máu toàn phần, nghĩa là lấy trực tiếp từ cơ thể người hiến mà chưa qua xử lý gì, được sử dụng trực tiếp cho những người bị thiếu máu do các vết thương hở. Tuy nhiên, do rất nhiều bệnh về máu và huyết học yêu cầu truyền chỉ các dịch thành phần, một phần máu sau khi hiến sẽ được chuyển về phòng điều chế để thực hiện các thao tác tách thành phần. Sử dụng máy ly tâm lạnh, các chuyên viên tách máu thành ba phần chính: hồng cầu (màu đỏ), huyết tương (màu vàng) và tiểu cầu (vàng sậm). Ngoài ra, các chuyên viên có thể điều chế thêm các sản phẩm như tủa lạnh yếu tố 8 hay huyết tương loại tủa 8, v.v.... Sản phẩm làm ra được phân loại rõ ràng và chuyển xuống kho lưu trữ ở tầng 1 trước khi đến các bệnh nhân ngay tại Viện huyết học hay những bệnh viện khác. Trong suốt quá trình từ lúc được hiến đến lúc sử dụng, máu và các thành phần máu luôn được thao tác trên hệ thống dây chuyền lạnh dao động trong khoảng –25 đến 15°C. Riêng huyết tương thì được đảm bảo đông lạnh sau khi điều chế.

Theo bác sĩ Hà, sở dĩ các bạn tình nguyện viên muốn hiến máu phải đi qua một quy trình xét nghiệm kiểm tra phức tạp là để đảm bảo khả năng vận chuyển oxi của hemoglobin (nằm trong hồng cầu) trong máu. Thể tích máu khi hiến cũng vô cùng quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn đến chi phí và tình trạng người bệnh. Máu từ mỗi người trong một lần hiến sẽ được phân tách và bảo quản trong những túi riêng biệt. Mỗi lần truyền cho bệnh nhân thường là 1l máu, nghĩa là 4 túi thường với thể tích 250ml. Thể tích hiến lớn – 350 – 450 ml/lần giúp giảm thiểu số lần xét nghiệm (mỗi túi máu truyền phải xét nghiệm một lần) xuống chỉ còn 3, và thậm chí là 2, tiết kiệm được một khoản tiền lớn cho cả bệnh viện và người bệnh, lại giảm thiểu nguy cơ bị phản ứng đào thải máu lạ. Vì vậy, bác sĩ bày tỏ rõ sự khuyến khích đến những người khỏe mạnh, có chiều cao cân nặng tốt.

KSV.ME-kenhsinhviendsc0038(1).jpg



Bác sĩ Hà đang giảng giải về các quy trình điều chế máu cho đoàn tình nguyện viên.


Trở lại với các thành phần máu, nếu như hồng cầu và huyết tương có thể được bảo quản trong thời gian khá lâu, thì tiểu cầu lại chỉ có thể tồn tại trong 3 –5 ngày, trong khi nhu cầu sử dụng tiểu cầu trong y khoa là rất lớn, đòi hỏi máu được hiến liên tục. “Trong những đợt bình thường thì không sao. Nhưng vào các dịp nghỉ hè hay lễ tết, số lượng máu được hiến trở nên khan hiếm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động điều trị của viện.”, bác sĩ Hà chia sẻ.
Nếu bạn quan tâm và có tấm lòng chia sẻ với chúng tôi và các bệnh nhân đang rất cần máu hiến tặng, xin hãy đăng kí hiến máu tình nguyện theo link:

https://spreadsheets.google.com/spreadsheet/viewform?formkey=dHF4a3ZDMk9Dbk95Q29VMTY1bjlIWFE6MQ
Xin cảm ơn.

ThaoYuki – TTX Violas (Youth Day 2011)
 
×
Quay lại
Top