Hỏa ngục - Tiểu thuyết mới nhất của Dan Brown

ngominhquynh

If you rest, you rust
Thành viên thân thiết
Tham gia
5/10/2013
Bài viết
1.764
Đó là chuyến phiêu lưu của giáo sư biểu tượng học Robert Langdon tại trung tâm nước Ý để khám phá những bí mật có thể dùng để hủy hoại trái đất.

Qua cuốn tiểu thuyết mới nhất mang tên Hoả ngục, Dan Brown sẽ đưa độc giả đến trung tâm nước Ý, dẫn dắt họ qua một khung cảnh lấy cảm hứng từ một trong những tác phẩm văn học kinh điển nhất trong lịch sử. Đây là chuyến phiêu lưu tiếp theo của giáo sư biểu tượng học ĐH Harvard, Robert Langdon tại trung tâm nước Ý.

Hoanguc2.jpg

Dịch giả Nguyễn Xuân Hồng đã thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành nhiện vụ khó khăn và nặng nề này.

Tỉnh lại trong một bệnh viện vào lúc nửa đêm, Robert Langdon hoàn toàn mất phương hướng, đau đầu dữ dội, không nhớ nổi điều gì về quãng thời gian 36 tiếng vừa qua và làm thế nào anh lại có mặt ở nơi này hay nguồn gốc của cái vật kinh khủng mà các bác sĩ phát hiện thấy trong đồ đạc của anh là gì.

Chỉ ít lâu sau, thế giới của Langdon trở nên hỗn loạn. Anh phải chạy trốn khỏi những kẻ lạ mặt ở Florence cùng với một nữ bác sĩ trẻ có phần khắc kỷ, Sienna Brooks, người đã vận dụng mưu mẹo khôn khéo để cứu mạng anh.

Langdon nhanh chóng nhận ra mình bị mắc kẹt trong chuỗi mật mã do một nhà khoa học xuất chúng sáng tạo nên - một thiên tài mang nỗi ám ảnh về sự diệt vong của thế giới và đam mê mãnh liệt với kiệt tác trường ca Thần khúc của Dante Alighieri.

Trong cuộc hành trình chạy đua qua những địa danh không nhuốm màu thời gian như cung điện Vecchio, vườn Boboli, và bảo tàng Duomo, Langdon cùng Brooks đã phát hiện ra một mạng lưới ngõ ngách và những bí mật cổ xưa, cũng như mô hình khoa học mới đáng kinh ngạc sẽ được sử dụng để nâng cao chất lượng cuộc sống trên trái đất hoặc để huỷ hoại nó.

Ngoài những tình tiết li kỳ, Hoả ngục còn làm say lòng độc giả bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, lịch sử và văn học kinh điển Ý, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về vai trò của khoa học trong tương lai của chúng ta.

Được phát hành vào ngày 14/5/2013, ngay lập tức, Hỏa Ngục (nguyên gốc Inferno) trở thành tâm điểm chú ý của độc giả trên toàn thế giới.

Ngay trong lần xuất bản đầu tiên, 369.000 ấn bản được bán, tác phẩm đã trở thành tiểu thuyết bán chạy số một Hoa Kỳ và nằm vị trí cao nhất trong sơ đồ biểu thị số lượng sách bán chạy của Anh, với 228.961 bản trong tuần đầu ra mắt.

Đôi nét về tác giả

Dan Brown sinh ngày 22/6/1964 tại New Hampshire, Đông bắc Hoa Kỳ. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương từ năm 1996 và liên tục gặt hái rất nhiều thành công.

Dan Brown có niềm say mê với mật mã, biểu tượng kết hợp yếu tố lịch sử và nghệ thuật, đó cũng là đề tài nổi bật trong các tác phẩm của ông. Tác giả không chỉ là bậc thầy trong việc khám phá ra những bí mật của thế giới xung quanh, mà còn có biệt tài biến tác phẩm của mình thành tập hợp câu đố đầy kích thích, gây cho người đọc sự tò mò cũng như ngỡ ngàng cao độ. Hiện nay, sách của ông được dịch ra hơn bốn mươi thứ tiếng khác nhau trên khắp thế giới.

Các tiểu thuyết nổi tiếng của ông là Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci và Biểu tượng thất truyền, Pháo đài số.

Ngày 18/3, buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết này đã được tổ chức tại Hà Nội với sự có mặt của dịch giả Nguyễn Xuân Hồng. Cuốn sách dày 650 trang, giá bìa 180.000 đồng.
 
thích quá
DB còn cuốn này chưa đọc....
mà giờ hem có tiền mua rùi
buồn 1 chút chăng
 

Giới thiệu


Tiếp nối thành công của những cuốn sách bom tấn mang tầm quốc tế như Mật Mã Da Vinci, Thiên Thần Và Ác Quỷ, Biểu Tượng Thất Truyền, tác phẩm mới nhất của Dan Brown mang tên “Hỏa Ngục - Inferno” vừa được xuất bản đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm 2013 tại Mỹ và Anh.
Với cuốn tiểu thuyết trinh thám kì bí đầy hấp dẫn này, Dan Brown trở lại với đúng sở trường của mình và đã tạo nên một “Siêu phẩm được đặt cược nhiều” nhất từ trước đến nay.
Trong tác phẩm vô cùng hấp dẫn và kịch tính này, Dan Brown lại một lần nữa “tự phá kỷ lục của chính mình”. Hoả Ngục thực sự là một tác phẩm vô cùng thú vị, một cuốn tiểu thuyết làm say lòng độc giả bằng vẻ đẹp của nghệ thuật, lịch sử và văn học kinh điển Ý, đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi nhức nhối về vai trò của khoa học trong tương lai của chúng ta.
Về việc xuất bản các tiểu thuyết gây chấn động Thiên thần và Ác Quỷ, Mật mã Da Vinci và Biểu tượng thất truyền, Dan Brown đã trở thành một trong những tác giả ăn khách mang tầm quốc tế với khả năng kết hợp rất liền lạc những mật mã, biểu tượng đan xen nghệ thuật và lịch sử vào các câu chuyện kịch tính đầy cuốn hút, chinh phục hàng trăm triệu độc giả trên khắp thế giới. Giờ đây, qua cuốn tiểu thuyết mới vô cùng ấn tượng mang nhan đề Hỏa ngục, Dan Brown sẽ đưa độc giả đến trung tâm nước Ý, dẫn dắt họ qua một khung cảnh lấy cảm hứng từ một trong những tác phẩm văn học kinh điển nhất trong lịch sử.
Giáo sư biểu tượng học của Harvard, Robert Langdon, tỉnh lại trong một bệnh viện vào lúc nửa đêm. Anh hoàn toàn mất phương hướng và đau đầu dữ dội, cũng chẳng nhớ nổi điều gì về quãng thời gian ba mươi sáu tiếng vừa qua, kể cả chuyện làm thế nào anh lại có mặt ở nơi này hay nguồn gốc của cái vật kinh khủng mà các bác sĩ phát hiện thấy trong đồ đạc của anh.
Chỉ ít lâu sau, thế giới của Langdon trở nên hỗn loạn, và anh phải chạy trốn khỏi những kẻ lạ mặt ở Florence cùng với một nữ bác sĩ trẻ có phần khắc kỷ, Sienna Brooks, người đã vận dụng mưu mẹo khôn khéo để cứu mạng anh. Langdon nhanh chóng nhận ra mình bị mắc kẹt trong chuỗi mật mã do một nhà khoa học xuất chúng sáng tạo nên - một thiên tài mang nỗi ám ảnh về sự diệt vong của thế giới và có đam mê mãnh liệt với một trong những kiệt tác có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất từng được sáng tác - trường ca Thần khúc của Dante Alighieri.
Trong cuộc hành trình chạy đua qua những địa danh không nhuốm màu thời gian như Cung điện Vecchio, Vườn Boboli, và Bảo tàng Duomo, Langdon cùng Brooks đã phát hiện ra một mạng lưới ngõ ngách và những bí mật cổ xưa, cũng như mô hình khoa học mới đáng kinh ngạc sẽ được sử dụng để nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống trên trái đất hoặc để huỷ hoại nó.
Tác giả
Dan Brown sinh ngày 22 tháng 6 năm 1964 và gia đình ở Exeter, New Hampshire, ông là con trưởng trong một gia đình có 3 anh em. Mẹ ông, Constance (Connie) là một nhạc sĩ chuyên nghiệp, chơi đàn organ trong nhà thờ. Cha ông, Richard G. Brown là một thày giáo dạy toán khá nổi tiếng, từng viết sách giáo khoa và dạy toán tại trường Trung học tư thục Phillips Exeter từ năm 1962 và nghỉ hưu năm 1997.
Trường Trung học tư thục Phillips Exeter là một trường nội trú độc nhất với yêu cầu các giáo viên cũng phải sống nội trú trong nhiều năm, vì vậy anh em nhà Dan Brown đã được nuôi dạy dưới mái trường này. Môi trường xã hội tại Exeter thời đó hầu như là môi trường Cơ đốc giáo.
Brown hát thánh ca trong nhà thờ, tham gia vào trường đạo và dành cả mùa hè để tham dự các cuộc cắm trại của nhà thờ. Tới năm lớp 9, Dan Brown bắt đầu ghi danh học tại trường công lập Phillips Exeter (khóa 1982), sau này, vào các năm 1985 và 1993, em gái Valerie và em trai Gregory của Dan cũng ghi danh học tại đây.
KÍNH TẶNG CHA MẸ TÔI…
Lời cảm ơn
Xin gửi lời cảm ơn chân thành và khiêm nhường nhất của tôi tới:
Đầu tiên và trên hết là người bạn thân cũng là biên tập viên của tôi, Jason Kaufman, vì sự tận tâm và tài năng… nhưng chủ yếu là vì khiếu hài hước bất tận của anh ấy.
Người vợ tuyệt vời của tôi, Blythe, vì tình yêu và lòng kiên nhẫn của cô ấy với quá trình viết lách, và cũng vì những bản năng siêu đẳng và sự vô tư của cô ấy với tư cách là một biên tập viên ở vị trí “tiền tuyến”.
Đại diện không biết mệt mỏi và cũng là người bạn tin cậy của tôi, Heide Lange, vì đã dẫn dắt thành thạo nhiều cuộc trò chuyện ở nhiều quốc gia và về nhiều chủ đề hơn cả những gì tôi biết. Tôi mãi mãi biết ơn những kỹ năng và nghị lực của cô ấy.
Xin cảm ơn toàn bộ đội ngũ nhân viên ở Doubleday vì lòng nhiệt thành, sự sáng tạo và nỗ lực đối với các cuốn sách của tôi. Đặc biệt cám ơn Suzanne Herz (vì phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò… và đã đảm nhận rất thành công), Bill Thomas, Michael Windsor, Judy Jacoby, Joe Gallagher, Rob Bloom, Nora Reichard, Beth Meister, Maria Carella, Lorraine Hyland. Và cũng cảm ơn sự ủng hộ không ngừng của Sonny Mehta, Tony Chirico, Kathy Trager, Anne Messitte, và Markus Dohle. Cảm ơn những con người phi thường thuộc phòng kinh doanh của Nhà xuất bản Random… Các bạn quá là vô đối!
Cảm ơn luật sư uyên bác của tôi, Michael Rudell, vì bản năng hoàn hảo tuyệt vời trong giải quyết tất cả các vấn đề, cả lớn và nhỏ, cũng như vì tình bạn của anh ấy.
Cảm ơn trợ lý không thể thay thế của tôi, Susan Morehouse, vì thái độ làm việc và sự bền bỉ của cô ấy. Thiếu cô ấy, mọi thứ sẽ rơi vào hỗn loạn.
Xin cảm ơn tất cả bạn bè của tôi ở Transworld, đặc biệt là Bill Scott-Kerr vì sức sáng tạo, sự ủng hộ và khuyến khích của anh ấy, và cả Gail Rebuck vì vai trò lãnh đạo siêu việt của cô ấy.
Cảm ơn Nhà xuất bản của tôi ở Ý, Mondadori, đặc biệt là Ricky Cavallero, Poera Cusani, Giovanni Dutto, Antonio Franchini, và Claudia Scheu, và Nhà xuất bản ở Thổ Nhĩ Kỳ Altin Kitaplar, đặc biệt là Oya Alpar, Erden Heper, và Batu Bozkurt, vì sự giúp đỡ đặc biệt liên quan tới các địa danh trong cuốn sách này.
Cảm ơn các nhà xuất bản tuyệt vời khác trên thế giới vì sự tận tụy, chăm chỉ và cam kết của họ.
Xin cảm ơn Leon Romero, Montalvo và Luciano Guglielmi vì vai trò quản lý rất ấn tượng của họ đối với công việc dịch thuật ở London và Milan.
Xin gửi lời cảm ơn của tôi tới Tiến sĩ Marta Alvarez Gonzalez vì đã dành rất nhiều thời gian với chúng tôi ở Florence, và đã mang sức sống tới cho nghệ thuật và kiến trúc của thành phố.
Cảm ơn Maurizio Pimponi, con người có một không hai, vì tất cả những gì anh ấy đã làm để trợ giúp chuyến đi của chúng tôi tới nước Ý.
Xin chân thành cảm ơn tất cả các nhà sử học, hướng dẫn viên, và các chuyên gia đã dành nhiều thời gian với tôi ở Florence và Venice, chia sẻ kiến thức của họ: Giovanna Rao và Eugenia Antonucci ở Thư viện Medicea Laurenziana, Serena Pini và đội ngũ nhân viên ở Cung diện Vecchio, Giovanna Giusti ở Phòng trưng bày Uffizi, Barbara Fedeli ở Nhà rửa tội và IIl Duomo, Ettore Vito và Massimo Bisson tại Thánh đường St. Mark, giorgio Tagliaferro tại Cung Doge, Isabella di Lenardo, Elizabeth Carroll Consavari, và Elena Svalduz ở Venice, Annalisa Bruni và đội ngũ nhân viên ở Thư viện Quốc gia Marciana, và tới nhiều người khác mà tôi không thể nhắc đến trong bản danh sách ngắn gọn này.
Cảm ơn Rachael Dillon Fried và Stephanie Delman ở Cơ quan Đại diện Sanford J. Greenburger vì tất cả những gì họ đã làm cả ở Mỹ và ở nước ngoài.
Xin được cảm ơn những bộ óc phi thường của Tiến sĩ George Abraham, Tiến sĩ John Treanor, và Tiến sĩ Bob Helm vì kiến thức khoa học chuyên môn của họ.
Chân thành cảm ơn các độc giả đầu tiên của tôi, những người đã đưa ra quan điểm của mình: Greg Brown, Dick và Connie Brown, Rebecca Kaufman, Jerry và Olivia Kaufman, John Chaffee.
Cảm ơn chuyên gia web Alex Cannon, người đã cùng với nhóm cộng sự ở Xưởng Truyền thông Sanborn giữ cho mọi thứ hoạt động suôn sẻ trong thế giới trực tuyến.
Cảm ơn Judd và Kathy Gregg đã dành cho tôi không gian yên tĩnh trong khuôn viên Green Gables để tôi viết những chương cuối của cuốn sách này.
Cảm ơn những nguồn trực tuyến tuyệt vời của Dự án Princeton Dante, Digital Dante tại Đại học Columbia, và The World of Dante.
NHỮNG NƠI TĂM TỐI NHẤT CỦA ĐỊA NGỤC DÀNH RIÊNG
CHO NHỮNG KẺ GIỮ THÁI ĐỘ TRUNG DUNG
TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG ĐẠO ĐỨC
Cơ sở thực tế
Mọi thông tin tham khảo bằng hình ảnh, minh họa, văn học, khoa học, và lịch sử trong cuốn tiểu thuyết này đều có thật.
“Consortium” là một tổ chức tư nhân có văn phòng đặt tại bảy quốc gia. Tên của tổ chức đã được thay đổi vì những lý do an ninh và quyền riêng tư.
Hỏa ngục (Inferno) là thế giới địa ngục được mô tả trong trường ca Thần khúc (The Divine Comedy) của Dante Alighieri. Bản trường ca này khắc họa địa ngục như một vương quốc có cấu trúc phức tạp, là nơi cư ngụ của những thực thể được cho là “vong linh” – những linh hồn vô hình bị mắc kẹt giữa chốn dương gian và cõi chết.
 

Khúc dạo đầu


Ta là vong linh.
Qua thành phố buồn đau, ta lẩn tránh.
Qua nỗi thống khổ vĩnh hằng, ta trốn chạy.
Ta lê bước dọc bờ sông Arno, thở không ra hơi… rẽ trái vào Via dei Castellani, lần lên phía bắc, lẩn vào bóng râm của tòa nhà Uffizi [1].
Và chúng vẫn truy lùng ta.
Giờ thì đã nghe rõ bước chân của chúng hơn khi mà chúng quyết tâm săn đuổi đến cùng.
Chúng săn lùng ta đã nhiều năm ròng. Sự đeo bám dai dẳng của chúng khiến ta phải ở dưới hầm… buộc ta phải sống trong cõi luyện hồn… quằn quại bên dưới mặt đất như một con quái vật âm phủ.
Ta là vong linh.
Ở trên mặt đất lúc này, ta nhướng mắt nhìn về phương bắc, nhưng không thể tìm thấy con đường thẳng tới sự cứu rỗi… vì dãy núi Apennine che lấy tia sáng đầu tiên của buổi bình minh.
Ta đi qua phía sau tòa nhà có ngọn tháp với những lỗ châu mai và đồng hồ chỉ có một kim… lách qua những người bán hàng rong buổi sớm ở Quảng trường San Firenze, tiếng rao khàn khàn của họ còn nồng nặc mùi lampredotto và ô liu nướng. Băng qua trước Bảo tàng Bargello [2], ta cắt sang mé tây về phía cầu thang xoắn ốc của Tu viện Badia [3] và đến ngay trước cánh cổng sắt ở dưới chân cầu thang.
Đến đây, phải gạt bỏ sau lưng mọi sự do dự.
Ta vặn tay nắm và bước vào lối đi ta biết rõ sẽ không có đường trở lại. Ta hối thúc đôi chân nặng như chì bước lên dãy cầu thang hẹp… leo lên theo chiều xoắn ốc trên những bậc thang bằng đá cẩm thạch mềm, lỗ chỗ và sứt mẹ.
Từ phía dưới vang lên những giọng nói. Đang van nài.
Chúng đang ở phía sau ta, không nhượng bộ, xáp lại gần.
Chúng không hiểu chuyện gì sắp đến… cũng như những gì ta đã làm cho chúng!
Đúng là mảnh đất bạc bẽo!
Khi ta leo lên, tầm nhìn trở nên khó khăn… Những thân hình đầy dục vọng quằn quại trong làn mưa dữ đội, các linh hồn tham lam ngoi ngóp trong phân thối, những kẻ xấu xa xảo trá đông cứng trong vòng tay băng giá của quỷ Satan.
Ta trèo lên mấy bậc thang cuối cùng và lên đến đỉnh, loạng choạng ngã vào bầu không khí ẩm ướt buổi sớm. Ta lao tới bức tường cao hơn đầu người, nhìn qua những kẽ hở. Xa phía dưới là thành phố thiêng liêng, nơi ta đã phải tìm cách trốn tránh những kẻ đày ải ta.
Những giọng nói vang lên, xáp lại gần phía sau lưng ta. “Những điều ông vừa làm thật điên rồ!”
Điên rồ dung dưỡng điên rồ.
“Vì tình yêu của Chúa!”, chúng gào lên, “Hãy nói cho chúng tôi biết ông giấu nó ở đâu!”.
Nhưng chính vì tình yêu của Chúa, ta sẽ không nói.
Giờ ta đứng, bị dồn vào chân tường, lưng tựa vào lớp đá lạnh. Chúng nhìn xoáy vào đôi mắt xanh trong veo của ta, và nét mặt chúng sầm lại, không còn vẻ phỉnh phờ, mà là hăm dọa. “Ông biết chúng tôi có phương pháp của mình mà. Chúng tôi có thể buộc ông nói nó ở đâu.”
Vì lý do đó, ta đã qua nửa chặng đường lên thiên đàng.
Chẳng cần báo trước, ta xoay người và rướn lên, bấu những ngón tay vào gờ tường cao, đu mình lên, bò trên hai gối, rồi đứng dậy… chênh vênh trên vách tường. Xin hãy dẫn dắt ta, Virgil yêu quý, vượt qua khoảng không trống rỗng.
Chúng ngạc nhiên, nhào tới trước như muốn tóm lấy chân ta, nhưng lại sợ rằng chúng sẽ làm ta mất thăng bằng và ngã nhào xuống. Giờ thì chúng van xin, nỗi tuyệt vọng lặng câm, nhưng ta xoay lưng lại phía chúng. Ta biết mình phải làm gì.
Phía dưới ta, xa tít đến chóng mặt, những mái ngói đỏ chạy dài như một biển lửa chốn thôn quê, chiếu sáng mảnh đất thanh sạch nôi nhửng người khổng lồ từng dạo bước… Giotto, Donatello, Brunelleschi, Michelangelo, Botticelli.
Ta nhích từng ngón chân tới mép tường.
“Xuống đây đi!”, chúng gào lên. “Vẫn còn chưa quá muộn mà!”
Ôi, những kẻ ngu dốt ngang ngạnh! Các ngươi không nhìn thấy tương lai ư? Các ngươi không hiểu thấu vẻ huy hoàng ở tác phẩm sáng tạo của ta ư? Sự thiết yếu ư?
Ta sẽ vui vẻ thực hiện sự hy sinh tối thượng này… và bằng việc đó, ta sẽ dập tắt hy vọng cuối cùng của các người hòng tìm ra những gì các người đang lùng kiếm.
Các ngươi sẽ chẳng bao giờ kịp tìm thấy nó đâu.
Sâu dưới kia hàng trăm mét, quảng trường rải đá cuội như một ốc đảo yên bình mời gọi. Ta làm sao đợi thêm được nữa… trong khi thời gian chính là thứ hàng hóa cho dù có bộn tiền ta cũng không thể mua được.
Trong vài giây cuối cùng, ta phóng tầm mắt xuống quảng trường, và nhìn thấy một cảnh tượng khiến ta giật mình.
Ta nhìn thấy gương mặt nàng.
Từ trong bóng râm, nàng đang ngước lên nhìn ta. Đôi mắt nàng u sầu, nhưng trong đôi mắt ấy, ta cảm nhận được sự tôn kính dành cho những gì ta đã hoàn thành. Nàng hiểu ta không còn lựa chọn nào khác. Vì tình yêu với Nhân loại, ta phải bảo vệ kiệt tác của mình.
Ngay lúc này nó vẫn phát triển… chờ đợi… âm ỉ bên dưới làn nước màu đỏ máu của cái đầm chẳng bao giờ phản chiếu những ánh sao.
Ta rời mắt khỏi mắt nàng và nhìn về phía chân trời. Phía trên thế giới đau khổ này, ta nói lời cầu khẩn cuối cùng.
Hỡi Chúa kính yêu, con cầu xin thế giới ghi nhớ tên con không phải như một kẻ tội đồ đáng ghê tởm, mà như một vị cứu tinh vẻ vang, người biết thật sự là như vậy. Con cầu xin Nhân loại sẽ hiểu món quà con để lại phía sau.

Món quà của con là tương lai.

Món quà của con là sự cứu rỗi.
Món quà của con là Hỏa ngục.

Nói xong, ta thầm khấn amen… và gieo bước chân cuối cùng vào khoảng không thăm thẳm.
 


Chương 1


Ký ức chầm chậm phục hồi… như bong bóng sủi lên từ thẳm sâu của một cái giếng không đáy.
Một phụ nữ che mạng.
Robert Langdon đăm đăm nhìn người phụ nữ phía bên kia con sông nước đỏ sánh như máu. Ở bờ bên đó, người phụ nữ đứng đối diện anh, bất động, trang nghiêm, gương mặt ẩn dưới tấm mạng che. Tay cô giữ chặt một mảnh vải tainia màu lam, đang được cô giơ cao lên để tỏ lòng tôn kính vối cả biển xác chết dưới chân mình. Mùi tử khí nồng nặc khắp nơi.
Hãy tìm kiếm, người phụ nữ thì thào. Và anh sẽ thấy.
Langdon nghe thấy những từ ấy như thể người phụ nữ nói ngay trong đầu anh. “Cô là ai?”, anh gọi to, nhưng giọng anh không hề phát thành tiếng.
Thời gian đang cạn dần, người ấy thì thào. Hãy tìm kiếm và sẽ thấy.
Langdon nhích một bước về phía sông, nhưng anh nhìn thấy rõ nước đỏ như máu và quá sau, không thể lội qua. Khi Langdon ngước mắt nhìn lại người phụ nữ che mạng thì những xác người dưới chân cô đã nhân lên vô khối. Giờ có đến cả trăm, có khi hàng nghìn, một số vẫn còn sống, đang quằn quại trong đau đớn, chịu đựng những cái chết không dễ gì nghĩ ra được… bị lửa thiêu đốt, bị vùi lấp trong phân thối, xâu xé lẫn nhau. Anh có thể nghe rõ những tiếng kêu thảm thiết của con người vang vọng trên mặt nước.
Người phụ nữ tiến về phía anh, chìa hai cánh tay mảnh mai như thể đang cầu xin sự giúp đỡ.
“Cô là ai?”, Langdon lại gọi to.
Đáp lại, người phụ nữ giơ tay và từ từ gỡ tấm mạng khỏi mặt mình. Bà ấy đẹp mê hồn, nhưng già hơn Langdon hình dung – có lẽ đã ngoài sáu mươi, oai nghiêm và rắn rỏi, giống như một bức tường không nhuốm màu thời gian. Bà ấy có cái cằm cương nghị, đôi mắt sâu thẳm có hồn, và mái tóc bạc dài với những lọn quăn buông xõa xuống bờ vai. Cổ bà ấy đeo một miếng bùa bằng lam ngọc hình một con rắn quấn quanh cây quyền trượng.
Langdon có cảm giác mình đã biết bà ấy… tin tưởng bà. Nhưng bằng cách nào? Tại sao lại như vậy?
Lúc này bà ấy chỉ tay vào một đôi chân đang giãy giụa, thò ngược lên từ dưới đất, rõ ràng là chân của một sinh linh bất hạnh nào đó bị chôn ngược đầu tới tận thắt lưng. Phần đùi tái nhợt của người đó có một con chữ duy nhất – viết bằng bùn – R.
R ư? Langdon ngẫm nghĩ, đầy phân vân. Giống như trong… Robert ư? “Không lẽ đó là … mình?”
Gương mặt người phụ nữ không hé lộ gì cả. Hãy tìm và sẽ thấy, bà ấy nhắc lại.
Không hề báo trước, người bà ấy bắt đầu tỏa ra một thứ ánh sáng màu trắng… càng lúc càng sáng hơn. Cả cô thể bà bắt đầu rung lên dữ dội, và sau đó, kèm theo một tiếng nổ lớn, bà vỡ tan thành cả nghìn mảnh ánh sáng.
Langdon hét lên, choàng tỉnh.
Căn phòng sáng trưng. Chỉ có mình anh. Mùi cồn y tế nồng gắt trong không khí, và đâu đó có tiếng máy phát ra những âm thanh trùng khớp với nhịp tim của anh. Langdon cố gắng nhúc nhích cánh tay phải, nhưng một cơn đau nhói khiến anh đành thúc thủ. Anh nhìn xuống phía dưới và thấy một ống truyền dính chặt lấy lớp da cánh tay mình.
Mạch anh đập rộn, và cỗ máy cũng giữ đúng nhịp, phát ra những tiếng kêu nhanh hơn.
Mình đang ở đâu thế nhỉ? Có chuyện gì không biết?
Gáy Langdon nhói lên một cơn đâu buốt. Rất cẩn thận, anh đưa cánh tay còn lại chạm vào mặt mình, cố gắng định vị nguồn gốc cơn đau đầu. Bên dưới mái tóc rối bù, anh sờ thấy những nốt u cứng ngắc của hàng chục mũi khâu đã đóng vảy vì máu khô.
Anh nhắm mắt, cố gắng nhớ lại vụ tai nạn.
Không nhớ được gì cả. Trống rỗng hoàn toán.
Nghĩ đi.
Chỉ có bóng tối mịt mùng.
Một người đàn ông mặc đồ thanh trùng bước vội vào, chắc chắn vì thấy màn hình cảnh báo nhịp tim đập nhanh của Langdon. Ông ấy có bộ râu dày, ria cũng rậm, và đôi mắt dịu dàng toát ra vẻ điềm tĩnh ân cần bên dưới đôi lông mày rậm.
“Đã có chuyện… gì vậy?”, Langdon gắng gượng. “Tôi bị tai nạn à?”
Người đàn ông râu rậm đưa một ngòn tay lên môi và sau đó chạy vội ra ngoại, gọi một ai đó dưới sảnh.
Langdon xoay đầu, cử động đó gây ra một cơn đâu nhói lan khắp người anh. Anh hít mấy hơi thật sau để cơn đau dịu đi. Sau đó, rất nhẹ nhàng và cẩn thận, anh quan sát không gian vô trùng xung quanh mình.
Căn phòng bệnh viện này có một gi.ường đơn. Không hoa hoét gì cả. Không bảng hiệu. Langdon nhìn thấy quần áo mình trên chiếc bàn quầy gần đó, gấp gọn trong một túi nhựa trong. Tất cả đều dính máu.
Chúa ơi. Chắc chắn là rất tệ.
Giờ Langdon chậm rãi xoay đầu về phía ô cửa sổ cạnh gi.ường. Bên ngoài trời tối om. Đang đêm. Tất cả những gì Langdon có thể nhìn thấy trên kính là hình phản chiếu của anh – một kẻ xa lạ nhợt nhạt, xanh xao và mệt mỏi, người đầy ống và dây nhợ, xung quanh là các thiết bị y tế.
Có tiếng nói tiến lại gần trong hành lang, và Langdon đưa mắt trở lại căn phòng. Vị bác sĩ đã quay lại, đi cùng với một phụ nữ.
Cô ấy có vẻ như mới ngoài ba mươi một chút. Cô mặc bộ đồ thanh trùng màu xanh da trời và buộc gọn mái tóc vàng thành một túm đuôi ngựa đung đưa sau gáy theo nhịp chân của cô.
“Tôi là bác sĩ Sienna Brooks”, cô nói, nhìn Langdon mỉm cười ngay khi vừa bước vào. “Tôi sẽ làm việc cùng bác sĩ Marconi tối nay.”
Langdon yếu ớt gật đầu.
Cao ráo và uyển chuyển, bác sĩ Brooks di chuyển với dáng vẻ dứt khoát của một vận động viên. Ngay cả khi trong bộ đồ thanh trùng kì cục, ở cô vẫn toát lên vẻ thanh thoát, thướt tha. Mặc dù Langdon có thể thấy rõ là cô không hề trang điểm nhưng nước da của cô vẫn có vẻ mịn màng lạ thường, với khiếm khuyết duy nhất là một nốt ruồi duyên nhỏ xíu ngay phía trên môi. Đôi mắt cô, dù có màu hạt dẻ dịu dàng, dường như sắc sảo đến kỳ lạ, như thể chúng từng chứng kiến nhiều trải nghiệm mà một người trạc tuổi cô hiếm có dịp được tao ngộ.
“Bác sĩ Marconi không nói được nhiều tiếng Anh”, cô lên tiếng và ngồi xuống cạnh anh. “Và ông ấy đề nghị tôi giúp điền mẫu đơn nhập viện cho anh.” Cô lại mỉm cười.
“Cảm ơn cô”, Langdon rền rĩ.
“Được rồi”, cô lên tiếng, giọng toát lên sự tháo vát ân cần. “Tên anh là gì nhỉ?”
Anh phải mất một lúc mới trả lời được: “Robert… Langdon”.
Cô rọi đèn soi vào mắt anh. “Nghề nghiệp?”
Thông tin này được đưa ra còn chậm hơn nữa. “Giáo sư. Lịch sử nghệ thuật… và biểu tượng học. Đại học Harvard.”
Bác sĩ Brooks hạ đèn xuống, vẻ ngạc nhiên. Vị bác sĩ với đôi mày rậm trông cũng bất ngờ không kém.
“Anh là… người Mỹ à?”
Langdon ngơ ngác nhìn cô.
“Chỉ là…”, cô ngập ngừng. “Tối qua lúc anh đến đây, anh không hề có giấy tờ tùy thân. Lúc ấy anh mặc trang phục Harris Tweed và đi giày lười hiệu Somerset, cho nên chúng tôi đoán anh là người Anh.”
“Tôi là người Mỹ”, Langdon quả quyết với cô, nhưng anh quá mệt không thể giải thích được rằng anh rất chuộng quần áo may đo riêng.
“Anh có thấy đau chỗ nào không?”
“Ở đầu tôi”, Langdon đáp, cái đầu vẫn đang nhoi nhói của anh gặp anh đèn rọi sáng quắc càng thêm khó chịu. May thay, bác sĩ Brooks bỏ đèn vào túi, cầm lấy cổ tay Langdon và kiểm tra mạch đập.
“Lúc tỉnh lại, anh la hét dữ dội”, cô nói. “Anh có nhớ tại sao không?”
Langdon vụt nhớ lại hình ảnh kỳ quái về người phụ nữ đeo mạng với những xác người quằn quại xung quanh. Hãy tìm và sẽ thấy. “Tôi gặp một cơn ác mộng.”
“Như thế nào?”
Langdon kể lại cho cô nghe.
Nét mặt của bác sĩ Brooks vẫn thản nhiên khi cô ghi chép trên kẹp hồ sơ. “Anh có nghĩ được điều gì gợi ra một hình ảnh kinh khủng như vậy không?”
Langdon lục lại ký ức rồi lắc đầu, động tác ấy khiến anh đau nhói như bị búa nện.
“Được rồi, anh Langdon”, cô nói, vẫn hí hoáy viết, “có vài câu hỏi thông thường dành cho anh. Hôm nay là thứ mấy trong tuần rồi?”.
Langdon nghĩ một lúc. “Thứ bảy. Tôi nhớ lúc sớm hôm nay mình đang đi bộ qua khuôn viên… chuẩn bị cho một loạt tiết giảng buổi chiều… đó là điều cuối cùng tôi nhớ được. Tôi bị ngã phải không?”
“Chúng ta sẽ nói sau. Anh có biết mình đang ở đâu không?”
Langdon cố phán đoán. “Bệnh viện Đa khoa Massachusetts phải không?”
Bác sĩ Brooks lại ghi chép. “Và chúng tôi có cần gọi ai đó cho anh không? Vợ? Hoặc con cái?”
“Không có ai cả”, Langdon đáp lại theo bản năng. Anh luôn thích sự tĩnh mịch và độc lập mà mình có nhờ lựa chọn cuộc sống độc thân, mặc dù anh phải thừa nhận rằng, trong tình huống hiện tại, anh thèm có được một gương mặt quen thuộc ở bên cạnh. “Tôi có thể gọi cho một vài đồng nghiệp, nhưng tôi ổn mà.”
Bác sĩ Brooks ngừng ghi chép, và vị bác sĩ lớn tuổi hơn tiến lại gần. Ông ấy vuốt vuốt đôi mày rậm về phía sau, móc từ trong túi một chiếc máy ghi âm nhỏ và đưa cho bác sĩ Brooks. Cô gật đầu hiểu ý và xoay lại phía bệnh nhân của mình.
“Anh Langdon, tối nay khi anh đến đây, anh cứ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại một điều gì đó.” Cô liếc nhìn bác sĩ Marconi đang giơ chiếc máy ghi âm kỹ thuật số ra và bấm nút.
Một đoạn ghi âm bắt đầu chạy, và Langdon nghe thấy giọng nói nhát gừng của mình, lặp đi lặp lại cụm từ: “Rấ… xin lỗi. Rấ… xin lỗi.”
“Theo tôi nghe”, người phụ nữ nói, “giống như anh đang nói “Rất xin lỗi. Rất xin lỗi”.
Langdon tán thành, nhưng anh lại không hề nhớ gì về chuyện đó.
Bác sĩ Brooks đăm đăm nhìn anh với ánh mắt cực kỳ đáng ngại. “Anh có ý tưởng gì về lý do tại sao anh lại nói câu này không? Anh xin lỗi vì điều gì đó chăng?”
Khi Langdon lục lại những chỗ tối nhất trong ký ức của mình, anh lại nhìn thấy người phụ nữ che mạng. Bà ấy đang đứng bên bờ một con sông đỏ máu với những xác người xung quanh. Mùi tử khí quay trở lại.
Bỗng nhiên Langdon thấy ngập trong một cảm giác rất bản năng về sự nguy hiểm… không chỉ cho chính anh… mà cho tất cả mọi người. Tiếng máy theo dõi nhịp tim của anh tăng vọt. Các cơ trong người anh cứng lại, và anh gắng ngồi dậy.
Bác sĩ Brooks vội ấn mạnh tay lên ức Langdon, ép anh nằm xuống. Cô liếc nhanh về phía vị bác sĩ râu rậm lúc này đang bước về phía cái bàn quầy kế bên và bắt đầu chuẩn bị thứ gì đó.
Bác sĩ Brooks ghé sát người xuống Langdon, thì thào. “Anh Langdon, tâm lý lo lắng là chuyện rất bình thường với những ca chấn thương não, nhưng anh cần giữ cho mạch đập giảm xuống. Đừng cử động. Đừng kích động. Hãy nằm yên và nghỉ ngơi. Anh sẽ ổn thôi. Trí nhớ của anh sẽ dần dần hồi phục.”
Giờ vị bác sĩ kia quay lại cùng với một ống tiêm và trao cho bác sĩ Brooks. Cô bơm toàn bộ số thuốc bên trong vào ống truyền của Langdon.
“Chỉ là một liều an thần nhẹ để anh bình tĩnh lại”, cô giải thích, “và cũng để giảm đau nữa”. Cô đứng lên. “Anh sẽ ổn thôi, anh Langdon. Hãy ngủ đi. Nếu anh cần gì, hãy bấm cái nút bên cạnh gi.ường.”
Cô tắt đèn và rời đi cùng với vị bác sĩ râu rậm.
Trong bóng tối, Langdon cảm nhận rõ chất thuốc đang ngấm qua cơ thể anh gần như ngay tức thì, kéo thân xác anh chìm trở lại cái giếng sâu mà anh vừa ngoi lên. Anh cố chống lại cảm giác đó, cố mở to mắt trong bóng tối của căn phòng. Anh gắng ngồi dậy, nhưng có cảm giác cơ thể mình giống như cả khối xi măng.
Khi nhúc nhích, Langdon lại thấy mình nhìn ra ô cửa sổ. Đèn đóm đã tắt cả, và trong ô kính tối đen, hình ảnh phản chiếu của anh đã biến mất, thay vào đó là đường chân trời sáng lên phía xa.
Xen giữa những chóp nhọn và mái vòm nhấp nhô, nổi bật trong tầm nhìn của Langdon là một mặt tiền tráng lệ. Tòa nhà là một pháo đài đá rất uy nghi với lan can hình chữ V và ngọn tháp cao đến gần trăm mét phình ra ở gần đỉnh, tạo thành một khối đồ sộ có lỗ châu mai.
Langdon ngồi thẳng dậy trên gi.ường, cơn đau như nổ tung trong đầu anh. Anh gắng nén cơn đau giần giật dữ dội và đăm đăm nhìn ngọn tháp.
Langdon biết rất rõ công trình trung cổ này.
Nó là thứ độc nhất vô nhị trên thế giới.
Tiếc thay, nó còn nằm cách xa Massachusetts tới bốn nghìn dặm.
Bên ngoài cửa sổ phòng anh, ẩn kín trong bóng tối của tòa nhà Via Torregalli [4], một phụ nữ có vóc dáng khỏe mạnh thong dong đẩy chiếc mô tô BMW tiến tới với sự tập trung cao độ của một con beo đang rình mồi. Ánh mắc của ả sắc lạnh. Mái tóc cắt ngắn kiểu đầu đinh của ả nổi bật trên phần cổ áo dựng ngược của bộ đồ lái xe bằng da đen. Ả kiểm tra vũ khí giảm thanh của mình, và chăm chú nhìn lên ô của sổ nơi anh đèn chỗ Robert Langdon vừa tắt.
Chập tối nay, nhiệm vụ ban đầu của ả đã thất bại thảm hại.
Tiếng gù của một con bồ câu lẻ đàn đã làm thay đổi mọi việc.
Giờ ả đến để giải quyết mọi thứ cho êm đẹp.
 
Chương 2


Mình đang ở Florence ư!?
Đầu Robert Langdon đau như búa bổ. Lúc này anh đang ngồi thẳng trên chiếc gi.ường bệnh, liên tục nhấn nút gọi bác sĩ. Bất chấp số thuốc an thần trong cơ thể, tim anh vận đập rộn.
Bác sĩ Brooks vội vã chạy vào, túm tóc đuôi ngựa của cô đung đưa. “Anh ổn chứ?”
Langdon lắc đầu đầy hoang mang. “Tôi đang ở… Ý à?”
“Tốt rồi”, cô nói. “Anh đang dần nhớ lại.”
“Không!” Langdon chỉ tay ra ngoài cửa sổ về phía tòa lâu đài uy nghi phía xa. “Tôi nhận ra Cung điện Vecchio.”
Bác sĩ Brooks bật đèn sáng trở lại, và đường chân trời của Florence biến mất. Cô đến bên gi.ường anh, dịu dàng nói khẻ. “Anh Langdon, không cần phải lo lắng như vậy. Anh đang tạm thời bị mất trí nhớ, nhưng bác sĩ Marconi khẳng định chức năng não bộ của anh vẫn ổn.”
Vị bác sĩ rậm râu cũng chạy xộc vào, rõ ràng ông cũng nghe thấy tiếng nút gọi. Ông kiểm tra máy theo dõi nhịp tim của Langdon trong khi nữ bác sĩ trẻ nói liến thoắng với ông bằng thứ tiếng Ý rất trôi chảy, hình như về việc Langdon đã “kích động” như thế nào khi biết mình ở Ý.
Kích động ư? Langdon giận dữ nghĩ thầm. Chết sững thì đúng hơn! Adrenalin trào dâng trong cơ thể anh lúc này đang đối chọi với thuốc an thần. “Có chuyện gì xảy ra với tôi?”, anh gặng hỏi. “Hôm nay là thứ mấy?”
“Mọi thứ đều ổn”, cô đáp. “Mới rạng sáng. Thứ Hai, ngày Mười tám tháng Ba.”
Thứ hai. Langdon cố ép bộ óc đang đau nói tua lại những hình ảnh cuối cùng anh còn có thể nhớ ra – lạnh lẽo và tăm tối – bước đi một mình qua khuôn viên Harvard để tới buổi giảng bài tối thứ Bảy. Tức là đã hai ngày trước ư?! Một cơn đau nhức buốt hơn níu chặt lấy Langdon khi anh cố nhớ lại bất kỳ chi tiết nào kể từ buổi lên lớp hoặc sau đó. Chẳng nhớ được gì. Tiếng máy theo dõi nhịp tim của anh tăng nhanh.
Vị bác sĩ lớn tuổi gãi gãi chòm râu và tiếp tục điều chỉnh thiết bị trong khi bác sĩ Brooks ngồi xuống bên cạnh Langdon.
“Anh sẽ ổn thôi”, cô trấn an anh, giọng rất dịu dáng. “Chúng tôi chẩn đoán anh bị suy yếu ký ức cũ, một chứng rất phổ biến khi bị chấn thương vùng đầu. Ký ức về vài ngày qua của anh có thể lộn xộn hoặc biến mất, nhưng anh không hề bị tổn thương nào vĩnh viễn.” Cô ngừng lại. “Anh có nhớ được tên tôi không? Tôi đã nói với anh lúc tôi mới vào đây.”
Langdon nghĩ một lúc, “Sienna”. Bác sĩ Sienna Brooks.
Cô mỉm cười. “Thấy không? Anh đã hình thành trí nhớ mới.”
Cơn đau đầu khiến Langdon gần như không chịu nổi, và tầm nhìn rất gần của anh vẫn mờ nhòa. “Có chuyện gì… vậy? Làm thế nào tôi đến được đây?”
“Tôi nghĩ anh nên nghỉ ngơi, và có lẽ…”
“Làm sao tôi đến được đây?”, anh gặng hỏi, máy theo dõi nhịp tim càng nhanh thêm.
“Được rồi, hãy thở đều nào”, bác sĩ Brooks nói, trao đổi với đồng nghiệp cái nhìn lo lắng. “Tôi sẽ nói với anh.” Giọng cô trở nên nghiêm túc thấy rõ. “Anh Langdon, ba giờ trước, anh lảo đảo bước vào phòng cấp cứu, trên đầu có một vết thương đang chảy máu, và anh ngã gục ngay lập tức. Không có người nào biết anh là ai hay làm cách nào anh tới được đây. Anh cứ lầm bầm bằng tiếng Anh, cho nên bác sĩ Marconi đề nghị tôi hỗ trợ. Tôi từ Anh tới đây nghỉ phép.”
Langdon cảm thấy như thể mình vừa tỉnh dậy trong một bức tranh của Max Ernst [5]. Mình làm quái gì ở Ý chứ? Thông thường, Langdon vẫn tới đây vào mỗi dịp tháng Sáu để dự hội thảo về nghệ thuật, nhưng giờ mới là tháng Ba.
Thuốc an thần giờ có tác dụng mạnh hơn, và anh cảm thấy như thể lực hút trái đất đang tăng dần theo từng giây, ghìm chặt anh xuống tấm đệm. Langdon cố cưỡng lại, ngẩng cao đầu, gắng giữ tỉnh táo.
Bác sĩ Brooks nghiêng người về phía anh, như một thiên thần che chắn. “Nào, anh Langdon”, co thì thầm. “Chấn thương đầu rất nhạy cảm trong vòng hai mươi tư giờ đầu tiên. Anh cần nghỉ ngơi hoặc anh sẽ bị chấn thương nghiêm trọng đấy.”
Độ ngột có tiếng nói lạo xạo vang lên trong hệ thống liên lạc của căn phòng. “Bác sĩ Marcono?”
Vị bác sĩ có râu nhấn một chiếc nút trên tường và trả lời, “Vâng?”.
Giọng trong hệ thống liên lạc nói bằng tiếng Ý rất nhanh. Langdon không thể nghe được họ nói gì, nhưng anh nhìn thấy hai vị bác sỹ trao đổi một cái nhìn đầy ngạc nhiên. Hay báo nguy chăng?
“Chờ chút”, Marconi đáp, kết thức cuộc trò chuyện.
“Có chuyện gì vậy?”, Langdon hỏi.
Đôi mắt của bác sĩ Brooks dường như hơi nheo lại một chút. “Nhân viên lễ tân bộ phận chăm sóc đặc biệt ấy mà. Có người tới thăm anh.”
Một tia hy vọng rọi qua trạng thái chếch choáng của Langdon. “Tin vui đấy! Có lẽ người này biết chuyện gì xảy ra với tôi.”
Trông Brooks không chắc chắn lắm. “Hơi lạ là lại có ai đó đến đây. Chính chúng tôi còn không hề biết tên anh, và thậm chí anh còn chưa đăng ký vào hệ thống.”
Langdon cố chống chọi lại tác dụng của các loại thuốc giảm đau và loay hoay tìm cách ngồi thẳng dậy trên gi.ường. “Nếu có ai đó biết tôi ở đây, nhất định người đó phải biết đã có chuyện gì xảy ra!”
Bác sĩ Brooks liếc nhìn bác sĩ Marconi, ông lập tức lắc đầu và liếc đồng hồ đeo tay. Cô quay lại phía Langdon.
“Đây là khoa chăm sóc đặc biệt”, cô giải thích. “Không ai được phép vào, sớm nhất cũng phải tới 9 giờ sáng. Một lát nữa bác sĩ Marconi sẽ ra xem vị khách kia là ai và người đó muốn gì.”
“Thế còn điều tôi muốn thì sao?”, Langdon vặn hỏi.
Bác sĩ Brooks kiên nhẫn mỉm cười và hạ giọng, cúi xuống sát hơn. “Anh Langdon, có vài việc trong tối nay mà anh chưa biết… liên quan đến chuyện xảy ra với anh. Và trước khi anh trò chuyện với bất kỳ ai, tôi nghĩ tốt hơn cả là anh nên có đầy đủ mọi dữ kiện. Rất tiếc, tôi không nghĩ rằng anh đủ khỏe mạnh để…”
“Dữ kiện gì cơ?”, Langdon thắc mắc, cố nhỏm dậy thêm. Đường ống truyền dịch trên cánh tay anh nhói lên, và cơ thể anh ngã vật xuống như thể nặng đến vài trăm cân. “Tất cả những gì tôi biết là tôi đang nằm trong một bệnh viện ở Florence và xuất hiện trong khi lặp đi lặp lại mấy chữ “rất xin lỗi…”
Một ý nghĩ đáng sợ vụt hiện ra trong tâm trí anh.
“Hay là tôi phải chịu trách nhiệm về một vụ tai nạn xe hơi?”, Langdon hỏi. “Tôi làm ai đó bị thương à?!”
“Không, không”, bác sĩ Brooks đáp. “Tôi không nghĩ vậy!”
“Vậy thì chuyện gì đây?”, Langdon cố nài, nhìn cả hai vị bác sĩ đầy giận dữ. “Tôi có quyền được biết chuyện gì đang xảy ra!”
Im lặng kéo dài, và cuối cùng bác sĩ Marconi miễn cưỡng gật đầu với cô đồng nghiệp trẻ trung quyến rũ. Bác sĩ Brooks thở hắt ra và tiến lại sát bên gi.ường của anh hơn. “Được rồi, để tôi kể lại cho anh những gì tôi biết… và anh cần lắng nghe một cách bình tĩnh, được chứ?”
Langdon gật mạnh khiến một cơn đau buốt lan khắp đầu anh. Anh không quan tâm lắm mà chăm chú chờ nghe câu trả lời.
“Vấn đề đầu tiên là thế này… Vết thương ở đầu anh không phải do một vụ tai nạn gây ra.”
“Tốt quá, nhẹ cả người.”
“Không đơn giản thế đâu. Thực tế, vết thương của anh là do một phát đạn.”
Màn hình theo dõi nhịp tim của Langdon nhảy nhanh hơn. “Xin lỗi tôi nghe không rõ!”
Bác sĩ Brooks nói điềm tĩnh nhưng ngắn gọn. “Một viên đạn sượt qua đỉnh đầu anh và chắc chắn khiến anh bị chấn động. Rất may mắn là anh còn sống. Chỉ thấp xuống một phân nữa thì…” Cô lắc đầu.
Langdon đăm đăm nhìn cô vẻ không tin. Có ai đó bắn mình ư?
Phòng đợi vang lên những tiếng đôi co đầy giận dữ. Có vẻ như ai đó tới thăm Langdon không muốn phải chờ đợi. Gần như ngay lập tức, Langdon nghe thấy ở đầu kia hành lang có tiếng cánh cửa nặng nề bật tung. Anh cố nhìn cho tới khi thấy một bóng người đang tiến dần tới trong hành lang.
Người phụ nữ đó mặc toàn đồ đen. Dáng cô ta rắn chắc và khỏe khoắn với kiểu đầu đinh. Cô ta di chuyển rất thư thái, cứ như thể đôi chân không hề chạm đất, và cô ta nhắm thẳng về phía phòng của Langdon.
Không chút do dự, bác sĩ Marconi bước qua cửa hành lang để chắn lối đi của vị khách. “Dừng lại!”, người đàn ông ra lệnh, bàn tay vương ra như một viên cảnh sát.
Kẻ lạ vẫn không hề chùn bước, rút ra một khẩu súng giảm thanh. Ả nhắm thẳng vào ngực bác sĩ Marconi và nã đạn.
Có tiếng gió rít.
Langdon kinh hãi chứng kiến khi bác sĩ Marconi lảo đảo bước lùi vào phòng, ngã vật xuống sàn, tay ôm chặt lấy ngực, chiếc áo choàng trắng của ông đẫm máu.
 

Chương 3


Năm dặm ngoài khơi nước Ý, chiếc du thuyền sang trọng dài hơn bảy mươi mốt mét [6] mang tên The Mendacium chạy băng băng qua màn sương trước lúc rạng đông xuất hiện trên những lớp sóng dập dềnh của biển Adriatic. Phần thân thon của con tàu được sơn màu xám chì, khiến nó có khí sắc không mấy thân thiện rất đặc trưng của một con tàu quân sự.
Với giá hơn 300 triệu đô la Mỹ, con tàu tự hào với đầy đủ tiện nghi thông dụng – phòng tắm hơi, bể bơi, rạp chiếu phim, tàu ngầm cá nhân, vả cả sân trực thăng. Tuy nhiên, những thứ lặt vặt cần dùng hằng ngày của con tàu lại ít được chủ nhân quan tâm. Vị chủ nhân này nhận con tàu năm năm về trước, sau đó lập tức phá bỏ hầu hết các tiện nghi này để lắp đặt một trung tâm chỉ huy diện tử cấp quân sự bậc nhất.
Được kết nối với ba đường truyền vệ tinh chuyên dụng và một loạt trạm tiếp sóng mặt đất, phòng điều khiển trên tàu The Mendacium có đội ngũ nhân viên hơn hai chục người – gồm kỹ thuật viên, chuyên gia phân tích, chuyên gia điều phối tác chiến – sống luôn trên tàu và giữ liên lạc thường xuyên với nhiều trung tâm tác chiến trên bộ của tổ chức.
Bộ phận an ninh thường trực trên tàu gồm một đơn vị binh sĩ tinh anh được huấn luyện bài bản về quân sự, hai hệ thống dò tìm tên lửa, và một kho vũ khí tối tân. Bộ phận nhân viên hỗ trợ khác – đầu bếp, tạp vụ, và phục vụ - nâng tổng số người trên tàu lên hơn bốn mươi. Thực tế, tàu The Mendacium chính là một tòa văn phòng di động giúp chủ nhân của nó điều hành cả đế chế của mình.
Được các nhân viên xem như “Thị Trưởng”, chủ nhân con tàu là một người đàn ông nhỏ thó với làn da sạm nắng và cặp mắt sâu hoắm. Vẻ ngoài không lấy gì làm đường bệ cùng phong thái bộc trực của ông ta dường như rất hợp với một người cực kỳ giàu có nhờ cung cấp những dịch vụ kín đáo trong thế giới ngầm.
Ông ta từng được gọi bằng đủ thứ biệt danh – gã đánh thuê vô cảm, kẻ tiếp tay cho tội ác, tên tay sai của quỷ dữ - nhưng ông ta không phải là hạng nào trong số này. Đơn giản là Thị Trưởng cung cấp cho khách hàng cơ hội để theo đuổi tham vọng và dục vọng của họ bất chấp hậu quả, còn việc vốn dĩ con người ai cũng mắc sai lầm thì không phải vấn đề làm ông ta bận tâm.
Mặc kệ việc bị người ta chỉ trích và phản đối, kim chỉ nam đạo đức của Thị Trưởng là một ngôi sao cố định. Ông ta tạo dựng danh tiếng và đế chế của mình dựa trên hai nguyên tắc vàng.
Không bao giờ đưa ra lời hứa nếu không thể giữ lời.
Và không bao giờ nói dối khách hàng.
Chưa từng.
Trong sự nghiệp của mình, Thị Trưởng chưa bao giờ thất hứa hay vi phạm thỏa thuận làm ăn. Lời nói của ông ta có thể đem thế chấp ngân hàng được – một vật bảo đảm tuyệt đối – và mặc dù chắc chắn có những hợp đồng ông ta lấy làm tiếc vì đã thực hiện, nhưng nuốt lời trước những hợp đồng ấy chưa bao giờ là lựa chọn của ông ta cả.
Sáng hôm nay, khi bước ra ban công phòng ngủ trên du thuyền của mình, Thị Trưởng phóng tầm mắt về phía mặt biển đang nổi sóng và cố gắng xua đi mối băn khoăn đang cuộn lên trong lòng.
Những quyết định trong quá khứ chính là các kiến trúc sư cho hiện tại của chúng ta.
Những quyết định trong quá khứ của Thị Trưởng đã giúp ông ta luôn giành thế chủ động trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào và thoát ra ở thế thượng phong. Tuy nhiên, ngày hôm nay, lúc nhìn qua cửa sổ về phía những ánh đèn của lục địa phía xa, ông ta lại cảm thấy bức bối lạ thường.
Một năm trước, cũng trên chính con thuyền này, ông ta đã có một quyết định mà những dây mơ rễ má lằng nhằng của nó giờ đây đang đe dọa lật tung mọi thứ ông ta từng xây dựng. Ta đã đồng ý cung cấp dịch vụ cho nhầm người mất rồi. Thời điểm đó, Thị trường không có cách nào biết được điều ấy, và lúc này việc tính toán sai lầm đó kéo theo cả chuỗi thách thức chưa từng có, buộc ông ta phải phái một số đặc vụ ngoại tuyến cừ nhất của mình “vào trận”, với mệnh lệnh làm “bất cứ việc gì cần thiết” để giữ con thuyền đang chao đảo của ông ta không bị lật úp.
Lúc này, Thị Trưởng đang đợi nghe tin từ một đặc vụ rất đặc biệt.
Vayentha, ông ta nghĩ thầm, nhớ tới hình ảnh một chuyên gia đầu đinh rắn rỏi. Vayentha, người luôn phục vụ ông ta đâu ra đấy cho tới sứ mệnh lần này, tối qua cô ta đã phạm một sai lầm với những hậu quả kinh khủng. Sáu tiếng qua quả là một cuộc ganh đua quyết liệt, một nỗ lực tuyệt vọng nhằm tái kiểm soát tình hình.
Vayentah nói cô ta phạm lỗi chỉ đơn giản là do không may mắn – con chim cất tiếng kêu không đúng lúc.
Tuy nhiên, Thị Trưởng không tin vào may rủi. Mọi việc ông ta làm đều được sắp xếp để loại bỏ yếu tố ngẫu nhiên và may rủi. Quyền kiểm soát là chuyên môn của Thị Trưởng – tiên liệu mọi khả năng, dự đoán mọi phản ứng, và nhào nặn thực tiễn theo đúng kết quả mong muốn. Ông ta có hồ sơ không tì vết về những phi vụ thành công và kín tiếng, cùng một danh sách khách hàng quen thân đáng nể - những tỷ phú, chính trị gia, tộc trưởng Hồi giáo, và thậm chí các nhân viên chính phủ.
Phía đông, quầng sáng nhờ nhờ đầu tiên của buổi sớm bắt đầu nuốt chửng những vì sao thấp nhất ở đường chân trời. Thị trường đứng trên sàn tàu và kiên nhẫn đợi Vayentha thông báo rằng sứ mệnh của cô ta đã tiến triển đúng như kế hoạch.
 

Chương 4


Trong khoảnh khắc, Langdon cảm thấy như thể thời gian ngừng lại.
Bác sĩ Marconi nằm bất động trên sàn, máu tuôn ra từ ngực ông. Langdon cố cưỡng lại tác dụng của thuốc an thần trong cơ thể, ngước mắt nhìn lên kẻ ám sát đầu dinh lúc này vẫn đang sải bước ngoài hành lang, băng qua nốt mấy thước cuối cùng để tiếp cân khuôn cửa bỏ ngỏ vào phòng anh. Khi gần đến ngưỡng cửa, ả nhìn về phía Langdon và lập tức chĩa vũ khí về hướng anh… nhằm thẳng vào đầu.
Mình sắp chết, Langdon nhận ra như vậy. Ở đây và ngay lúc này.
Một tiếng đập chát chúa vang lên trong phòng bệnh chật hẹp.
Langdon giật nảy, chắc chắn anh đã bị va đập, nhưng tiếng ồn đó không phải là tiếng súng của kẻ tấn công. Thay vào đó, tiếng đập ấy là tiếng đóng cánh của thép nặng nề của phòng bệnh khi bác sĩ Brooks lao người vào cửa và xoay ổ khóa.
Đôi mắt dại đi vì sợ hãi, bác sĩ Brooks lập tức thụp xuống bên cạnh người đồng nghiệp đẫm máu của mình, cố gắng bắt mạch. Bác sĩ Marconi thổ ra một búng máu, tràn dọc từ má xuống bộ râu dày. Rồi ông lả đi.
“Enrico, đừng! Xin anh!”, cô kêu lên.
Bên ngoài, cả loạt đạn nổ chát chúa nhằm vào lớp vỏ kim loại phía ngoài ô cửa. Tiếng chuông báo động vang lên khắp hành lang.
Bằng cách nào đó, cơ thể Langdon hoạt động trở lại, hoảng hốt và đầy bản năng, lấn át tác dụng của thuốc an thần. Trong lúc lóng ngóng leo ra khỏi gi.ường, một cảm giác đau như phải bỏng xé qua cánh tay phải của anh. Trong khoảnh khắc, Langdon nghĩ một viên đạn đã xuyên qua cửa và trúng anh, nhưng khi nhìn xuống, anh nhận ra cây kim truyền bung khỏi tay mình. Đường ống nhựa thòi ra từ một cái lỗ trên cánh tay, và dòng máu nóng hổi đang chảy ngược ra khỏi ống.
Giờ thì Langdon hoàn toàn tỉnh táo.
Bác sĩ Brooks vẫn quỳ sụp bên cạnh xác Marconi, cố bắt mạch cho ông, nước mắt không ngừng trào ra. Sau đó, như thể có một công tắc vừa nhảy bên trong, cô đứng lên và quay lại phía Langdon. Vẻ mặt cô biến đổi ngay trước mắt anh, những nét trẻ trung như đanh lại với tất cả vẻ điềm tĩnh của một bác sĩ cấp cứu dày dạn đang phải xử lý một tình huống khủng hoảng.
“Theo tôi”, cô ra lệnh.
Bác sĩ Brooks nắm lấy tay Langdon và kéo anh băng qua phòng. Tiếng súng và tình trạng hỗn loạn vẫn tiếp tục trong hành lang khi Langdon lảo đảo bước đi trên đôi chân còn chưa vững. Đầu óc rất tỉnh táo nhưng cơ thể nặng như đeo đá của anh lại phản ứng rất chậm. Đi nào! Sàn nhà lát đá hoa lạnh ngắt dưới gan bàn chân, và bộ quần áo bệnh viện mỏng manh của anh không đủ dài để che kín tấm thân hơn một mét tám. Anh có thể cảm nhận được máu đang trào ra từ cánh tay và chảy xuống bàn tay mình.
Đạn vẫn tiếp tục bay tới ổ khóa nặng nề, bác sĩ Brooks đẩy vội Langdon vào một phòng tắm nhỏ. Cô định vào theo thì chợt dừng lại, nhùn xung quanh rồi chạy trở lại phía quầy nhặt lấy chiếc áo hiệu Harris Tweed đẫm máu của anh.
Cứ mặc xác cái áo khoác chết tiệt của tôi đi!
Cô quay lại, tay khư khư chiếc áo khoác và nhanh nhẹn khóa cửa phòng tắm. Vừa lúc, cánh cửa phòng ngoài bật tung.
Cô bác sĩ trẻ nắm quyền kiểm soát. Cô bước vội qua gian phòng tắm nhỏ tới ô cửa thứ hai, giật tung ra, và dẫn Langdon vào phòng hồi sức liền kề. Tiếng súng vang lên phía sau họ khi bác sĩ Brooks ghé đầu ra ngoài hành lang, nhanh chóng kéo tay Langdon và lôi anh băng ngang hành lang lọt vào khu vực cầu thang. Cử động đột ngột làm Langdon chóng mặt, anh cảm thấy có thể bất tỉnh bất kỳ lúc nào.
Mười lăm giây tiếp theo là tình trạng mờ nhòe… đi xuống cầu thang… trượt chân… ngã. Cơn giật giật trong đầu Langdon gần như không thể chịu nổi. Thị lực của anh lúc này dường như còn mờ nhòe hơn, các cơ bắp rã rời, mỗi cử động đều có cảm giác như một phản ứng rất chậm trễ.
Và lúc này khí trời lạnh hẳn lên.
Mình đã ra ngoài.
Khi bác sĩ Brooks đẩy anh rời xa khỏi tòa nhà dọc theo một con hẻm tối om, Langdon giẫm phải thứ gì đó sắc cạnh và ngã chúi xuống, đập mạnh vào vỉa hè. Cô cố gắng giúp anh đứng dậy, miệng rủa thành tiếng chuyện anh vẫn chịu tác động của thuốc an thần.
Khi họ tới gần cuối hẻm, Langdon lại vấp lần nữa. Lần này, cô để mặc anh nằm trên đất, chạy băng ra phố và thét gọi ai đó ở phía xa. Langdon có thể nhận ra ngọn đèn màu xanh lục nhòe nhòe của một chiếc taxi đỗ ngay phía trước bệnh viện. Chiếc xe không hề di chuyển, rõ ràng người lái xe đang say ngủ. Bác sĩ Brooks hét to và khua khoắng tay. Cuối cùng, đèn pha taxi bật lên và xe chầm chậm lăn bánh về phía họ.
Trong hẻm phía sau Langdon, có tiếng cánh cửa bật tung, tiếp theo là tiếng những bước chân đang tiến đến gấp gáp. Anh ngoái lại và nhìn thấy cái bóng đen thẫm đang lao vọt về phía mình. Langdon cố gắng đứng dậy, nhưng cô bác sĩ đã ôm lấy anh, đẩy anh vào ghế sau của chiếc taxi hiệu Fiat. Anh buông nửa người trên ghế, nửa trên sàn xe trong khi bác sĩ Brooks chồm lên, dùng tay giật cho cửa đóng lại.
Người tài xế ngái ngủ ngoái lại và trợn mắt nhìn cặp đôi kỳ quặc vừa chen lên xe mình – một phụ nữ tóc đuôi ngựa trẻ trung mặc quần áo bác sĩ và một người đàn ông mặc đồ bệnh nhân với cánh tay chảy máu. Anh ta sắp lên tiếng yêu cầu họ cuốn xéo ra khỏi xe thì gương bên sườn xe vỡ tan. Người phụ nữ mặc đồ da đen chạy phăm phăm ra khỏi hẻm, tay chĩa súng. Khẩu súng ngắn của ả lại nhả đạn lần nữa vừa lúc bác sĩ Brooks nhấn đầu Langdon xuống. Cửa sổ sau vỡ tan, mảnh kính rơi xuống người họ rào rào.
Người lái xe không cần gi thúc giục thêm. Anh ta đạp mạnh chân ga, chiếc taxi phóng vọt đi.
Langdon vẫn trong trạng thái lơ mơ. Ai đó đang tìm cách giết mình ư?
Khi họ đã ngoặt qua góc đường, bác sĩ Brooks ngồi dậy và nắm lấy cánh tay chảy máu của Langdon. Đường ống nhựa thò ra từ cái lỗ trên d.a thịt anh.
“Nhìn ra ngoài cửa đi”, cô ra lệnh.
Langdon tuân theo. Bên ngoài, những tấm bia mộ ma quái vùn vụt trôi qua trong bóng tối. Dường như họ đang băng qua một nghĩa địa. Langdon cảm thấy những ngón tay của cô bác sĩ nhẹ nhàng nắm lấy ống nhựa và sau đó, không hề báo trước, cô giật mạnh ra.
Một cơn đau buốt chạy thẳng lên đầu Langdon. Anh cảm thấy mắt mình mờ đi, và sau đó mọi thứ tối đen.
 

Chương 5


Tiếng chuông điện thoại vang lên khiến Thị Trưởng rời mắt khỏi màn sương êm đềm trên biển Adriatic, ông ta nhanh nhẹn bước vào văn phòng riêng.
Rất đúng lúc, ông ta nghĩ, vẻ háo hức chờ đợi tin báo.
Màn hình máy tính trên bàn làm việc của ông ta chớp chớp bật lên, thông báo rằng cuộc gọi đến từ một điện thoại mã hóa giọng nói cá nhân hiệu Sectra Tiger XS của Thụy Điển, đã được gửi lại qua bốn thiết bị tiếp sóng không thể truy vết trước khi kết nối vào tàu của ông ta.
Ông ta nhấc ống nghe. “Thị Trưởng đây”, ông ta trả lời, chậm rãi và cẩn trọng. “Nói đi!”
“Tôi Vayentha đây”, giọng bên kia đáp lại.
Thị Trưởng cảm nhận rõ sắc thái bồn chồn khác thường trong ngữ điệu của á. Các đặc vụ hiếm khi trực tiếp nói chuyện với Thị Trưởng, và thậm chí càng hiếm khi vẫn được làm việc cho ông ta sau một thất bại giống như tối qua. Tuy nhiên, Thị Trưởng đã yêu cầu một đặc vụ tại đó giúp khắc phục biến cố, và Vayentha là người thích hợp nhất cho công việc này.
“Tôi có tin mới”, Vayentha nói.
Thị Trưởng im lặng, cảm nhận của ông ta về ả vẫn nguyên vẹn.
Khi ả nói, ngữ điệu hoàn toàn vô cảm, thể hiện rõ một cố gắng ở tầm cỡ chuyên gia. “Langdon đã trốn thoát”, cô ta nói. “Anh ta có người.”
Thị Trưởng ngồi xuống mặt bàn và im lặng một lúc khá lâu. “Hiểu”, cuối cùng ông ta nói. “Tôi cho rằng anh ta sẽ tìm tới cơ quan chức năng sớm nhất có thể.”
o O o
Phía dưới Thị Trưởng hai tầng, ở trung tâm kiểm soát an ninh của con tàu, chuyên gia điều phối cao cấp Laurence Knowlton ngồi trong buồng riêng và nhận ra cuộc gọi mã hóa của Thị Trưởng đã chấm dứt. Anh ta hy vọng có tin tốt lành. Vẻ căng thẳng của Thị Trưởng thấy rất rõ suốt hai ngày qua, và mọi nhân viên điều hành trên tàu đều cảm thấy chắc chắn có một tác vụ rất quan trọng nào đó đang diễn ra.
Nguy cơ đang quá cao, và tốt hơn cả lúc này Vayentha thu xếp ổn thỏa.
Knowlton đã quen với việc hỗ trợ những kế hoạch được xây dựng kỹ lưỡng, nhưng riêng kịch bản này lại chẳng đi đến đâu, và Thị Trưởng phải đích thân tham chiến.
Chúng ta đã tiến vào một lãnh thổ chưa có tên trên bản đồ.
Mặc dù có đến nửa tá nhiệm vụ khác đang được tiến hành trên khắp thế giới, nhưng tất cả đều do những văn phòng ngoại tuyến khác nhau của Consortium thực hiện, giúp Thị Trưởng và bộ sậu của ông ta trên con tàu The Mendacium rảnh rang tập trung vào sứ mệnh này.
Khách hàng của họ đã nhảy lầu tự sát vài ngày trước tại Florence, nhưng Consortium vẫn còn nợ người đó vô số công việc – những nhiệm vụ cụ thể người ấy đã giao phó cho tổ chức này bất kể tình hình thế nào – và Consortium, lúc nào cũng vậy, phải tuân thủ mà không được nghi vấn gì cả.
Mình cũng nhận được mệnh lệnh, Knowlton nghĩ thầm, và hoàn toàn chấp hành. Anh ta ra khỏi gian buồng lắp kính chống đạn của mình, đi bộ qua mấy buồng nữa – một số nhìn xuyên qua được, một số lắp kính mờ - nơi các nhân viên tác vụ đang xử lý các mảng khác nhau của cùng nhiệm vụ này.
Knowlton bước qua lớp không khí điều hòa của phòng điều khiển chính, gật đầu với tốp kỹ thuật, và bước vào một khoang nhỏ có lối đi riêng cất giữ hơn chục cái két. Anh ta mở một cái két và lấy những thứ bên trong ra – lần này, chỉ có một thẻ nhớ màu đỏ thẫm. Theo miếng giấy ghi nhiệm vụ đính kèm, thẻ nhớ này chứa một tệp video lớn, vị khách hàng đã chỉ đạo họ chuyển cho các cơ quan truyền thông lớn vào một thời điểm cụ thể lúc sáng mai.
Việc gửi tệp ẩn danh vào sáng mai rất đơn giản, nhưng theo quy trình chung cho tất cả các tệp số hóa, lưu đồ đã đánh dấu tệp này cho mục duyệt lại ngày hôm nay – hai mươi tư tiếng trước khi gửi – để bảo đảm Consortium có đủ thời gian thực hiện bất kỳ quy trình giải mã, biên soạn cần thiết nào, hoặc những bước chuẩn bị quan trọng khác trước khi chuyển tệp vào đúng thời điểm.
Loại trừ hết mọi may rủi.
Knowlton quay lại gian buồng trong suốt của mình và đóng cánh cửa kính nặng nề lại, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Anh ta bật công tắc trên tường, gian buồng lập tức trở nên mờ đục. Để bảo đảm tính bảo mật, tất cả các buồng vách kính trên tàu The Mendacium đều được tạo bằng loại kính SPD thông minh. Độ trong suốt của kính được kiểm soát dễ dàng bằng cách vận hành hoặc loại bỏ một dòng điện, giúp điều chỉnh thẳng hàng hoặc làm lộn xộn hàng triệu phân tử hình que nhỏ xíu lơ lửng trong tấm kính.
Chia thành từng ngăn là một nền tảng cho thành công của Consortium.
Chỉ biết nhiệm vụ của mình. Không chia sẻ gì hết.
Lúc này, Knowlton ngồi gọn trong không gian riêng, cắm thẻ nhớ vào máy tính và chọn tệp để bắt đầu công việc thẩm định.
Lập tức màn hình của anh ta chuyển sang màu đen… và loa bắt đầu phát ra những âm thanh khe khẽ của nước chảy. Một hình ảnh từ từ xuất hiện trên màn hình… không có hình dạng xác định và lờ mờ. Từ trong nền tối dần định hình một khung cảnh… bên trong một hang đá… hay gian buồng rất lớn. Nền không gian đó là nước, giống như một cái hồ ngầm. Điều rất lạ là nước có vẻ được chiếu sáng… từ bên trong.
Trong khi âm thanh nước chảy vẫn tiếp tục, máy quay bắt đầu lia xuống dưới và hạ thấp dần theo chiều dọc, hướng thẳng tới mặt nước được chiếu sáng rồi lao xuyên qua. Tiếng nước róc rách biến mất, thay bằng tiếng óc ách rất lạ phía dưới. Giờ thì máy quay đã chìm nghỉm, tiếp tục tiến xuống, di chuyển vài thước trong nước rồi dừng lại, lấy nét vào phần nền hang phủ đầy bùn đất.
Trên nền có bắt vít một tấm biển hình chữ nhật bằng titan tỏa ánh sáng lờ mờ.
Tấm biển có dòng chữ khác.
TẠI NƠI NÀY, VÀO NGÀY NÀY,
THẾ GIỚI THAY ĐỔI MÃI MÃI.
Phần dưới tấm biển có khắc một cái tên và ngày tháng.
Đó là tên vị khách hàng của họ.
Ngày tháng… chính là ngày mai.
 
Chương 6


Lúc này Langdon cảm thấy có bàn tay rắn chắc nâng anh dậy… lay anh tỉnh cơn mê rồi giúp anh ra khỏi taxi. Anh cảm thấy vỉa hè lạnh ngắt bên dưới hai bàn chân trần.
Được thân hình mảnh mai của bác sĩ Brooks dìu đỡ, Langdon bước lảo đảo dọc theo lối đi vắng vẻ giữa hai tòa nhà. Không khí buổi sớm mai làm chiếc áo bệnh nhân của anh căng phồng, và Langdon thấy lạnh ở những chỗ anh biết lẽ ra không cảm nhận được.
Thuốc an thần anh uống khi còn ở bệnh viện khiến cho cả suy nghĩ lẫn thị lực của anh đều nhạt nhòa, mờ mịt. Langdon cảm thấy như đang ở dưới nước, cố gắng quờ quạng tìm lối thoát trong một thế giới lờ mờ, nhớp nháp. Bác sĩ Sienna Brooks vẫn xốc anh đi tới, dìu anh bằng một sức mạnh kinh ngạc.
“Cầu thang”, cô nói, và Langdon nhận ra họ đã tới lối vào bên hông một tòa nhà.
Langdon bám lấy tay vịn và cố lê bước leo lên trong trạng thái chóng mặt, mỗi bước phải mất một lúc khá lâu. Cơ thể anh nặng trịch. Giờ thì bác sĩ Brooks phải đẩy anh. Khi họ lên được chiếu nghỉ, cô bấm vài con số trên một phím khóa cũ gỉ sét và cánh cửa xè xè mở ra.
Không khí bên trong không ấm hơn là bao, nhưng so với vỉa hè gồ ghề bên ngoài, nền gạch lát dưới lòng bàn chân anh lúc này giống như tấm thảm mềm. Bác sĩ Brooks dẫn Langdon tới một thang máy nhỏ và giật mạnh cửa sập, kéo anh vào trong buồng thang chỉ bằng cỡ một quầy điện thoại. Không khí bên trong có mùi thuốc lá MS – một mùi hương ngòn ngọt pha chút đắng thường gặp ở Ý, không khác gì mùi vị cà phê espresso. Thứ mùi đó giúp đầu óc Langdon tỉnh táo chút ít. Bác sĩ Brooks nhấn nút, và đâu đó phía trên đầu họ, một loạt bánh răng rệu rạo bắt đầu uể oải vận hành.
Dịch chuyển lên trên…
Buồng thang máy lắc lư và rung bần bật khi kẽo kẹt chạy lên trên. Vì bốn vách chỉ toàn những tấm kim loại nên Langdon nhìn rõ không gian bên trong đường ống thang máy lướt đều đều trước mắt. Cho dù vẫn đang trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, cảm giác sợ hãi muôn thuở của Langdon đối với những không gian khép kín vẫn nguyên vẹn và rõ rệt.
Đừng nhìn!
Anh dựa vào vách, cố gắng lấy lại nhịp thở. Trán anh đau nhói, và khi nhìn xuống dưới, anh thấy ống tay áo Harris Tweed của mình được buộc vội vàng quanh cánh tay giống như một dải băng. Phần còn lại của áo khoác kéo lê phía sau anh, ngay trên mặt đất, te tua và bẩn thỉu.
Anh nhắm mắt lại để cố chống chọi với cơn đau như búa bổ ở đầu, nhưng bóng tối lại nhấn chìm anh lần nữa.
Một hình ảnh quen thuộc hiện ra – người phụ nữ che mạng đẹp như tượng với chiếc búa và mái tóc bạch kim tết thành từng lọn quăn. Như lần trước, bà ấy đứng trên bờ sông máu với những xác người quằn quại vây quanh. Bà nói với Langdon, giọng nài nỉ. Hãy tìm kiếm và sẽ thấy!
Langdon cảm thấy rất rõ rằng anh phải cứu bà ấy… cứu tất cả bọn họ. Những đôi chân chổng ngược lên trời, đã bị vùi lấp một nửa cứ lần lượt theo nhau… mềm oặt xuống.
Bà là ai!? Anh cố gọi trong lặng câm. Bà muốn điều gì?!
Mái tóc bạch kim bắt đầu lòa xòa bay trong cơn gió nóng nực. Thời gian của chúng ta đang cạn dần, bà ấy thì thào, tay chạm vào chiếc vòng cổ có gắn bùa. Rồi đột ngột bà ấy nổ tung thành một cột lửa chói lòa, lan nhanh qua dòng sông, bao bọc lấy bọn họ.
Langdon hét lên, mở choàng mắt ra.
Bác sĩ Brooks nhìn anh lo lắng. “Sao vậy?”
“Tôi cứ bị ảo giác!”, Langdon kêu lên. “Vẫn là cảnh tượng ấy.”
“Người phụ nữ tóc bạc ư? Và toàn những xác chết phải không?”
Langdon gật đầu, mồ hôi đọng thành giọt trên trán anh.
“Anh sẽ ổn thôi”, cô trấn an anh, mặc dù chính giọng cô cũng run run. “Những hình ảnh xuất hiện đi xuất hiện lại là điều thường thấy với chứng mất trí. Chức năng não bộ giúp sắp xếp và phân loại ký ức của anh nhất thời bị chấn động, và vì thế nó biến mọi thứ thành một hình ảnh duy nhất.”
“Không phải là hình ảnh đẹp đẽ cho lắm”, anh nói.
“Tôi biết, nhưng cho tới khi anh lành bệnh, trí nhớ của anh sẽ lộn xộn và không được sắp xếp – quá khứ, hiện tại và khả năng tưởng tượng sẽ lẫn lộn với nhau. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong các giấc mơ.”
Buồng thang máy lắc lư rồi dừng lại, và bác sĩ Brooks kéo cánh cửa xếp ra. Họ lại đi bộ, lần này dọc một hành lang hẹp, tối om. Họ đi qua một ô cửa sổ, phía bên ngoài bóng, các nóc nhà tối thẫm ở Florence bắt đầu hiện rõ trong ánh sáng lúc sắp rạng đông. Ở đầu kia hành lang, bác sĩ Brooks quỳ rạp xuống, tìm chìa khóa bên dưới một chậu cây trông có vẻ thiếu nước và mở một cánh cửa.
Căn hộ rất nhỏ, không khí bên trong rõ ràng có sự tương phản giữa mùi nến hương vanilla và mùi thảm cũ. Đồ đạc và các tác phẩm nghệ thuật để trang trí đều giản tiện ở mức tối đa – cứ như thể được bài trí cho một buổi bán đồ cũ vậy. Bác sĩ Brooks điều chỉnh bộ ổn nhiệt, và các lò sưởi bắt đầu hoạt động.
Cô đứng im một lúc và nhắm mắt lại, thở mạnh ra, như để trấn tĩnh. Sau đó cô quay lại và giúp Langdon vào gian bếp nhỏ giản dị, nơi có chiếc bàn formica và hai ghế tựa mỏng manh.
Langdon cố nhích về phía chiếc ghế với hy vọng ngồi xuống đó, nhưng bác sĩ Brooks nắm lấy cánh tay anh và dùng tay kia mở một ngăn kéo tủ. Tủ gần như trống không… bánh quy giòn, vài gói mỳ ống, một lon Coke, và một chai NoDoz.
Cô lấy cái chai và đổ sáu viên thuốc vào lòng bàn tay Langdon. “Chất caffeine”, cô nói. “Dành cho những lúc tôi phải làm ca đêm giống như tối nay.”
Langdon bỏ thuốc vào miệng và liếc nhìn quanh để tìm nước uống.
“Cứ nhai cả đi”, cô nói. “Thuốc sẽ có tác dụng nhanh hơn và giúp khắc chế thuốc an thần.”
Langdon bắt đầu nhai và ngay lập tức phải nhăn mặt. Thuốc đắng nghét, rõ ràng là nên nuốt tất tần tật. Bác sĩ Brooks mở tủ lạnh và đưa cho Langdon chai San Pellegrino còn một nửa. Anh uống luôn một hơi dài đầy biết ơn.
Lúc này cô bác sĩ tóc đuôi ngựa mới nắm lấy cánh tay phải của Langdon và gỡ bỏ đoạn băng gạc buộc tạm bằng áo khoác rồi đặt lên bàn bếp. Sau đó cô cẩn thận kiểm tra vết thương. Lúc này cô nắm lấy cánh tay trần của anh, Langdon cảm nhận rõ hai bàn tay mảnh mai của cô run run.
“Anh sẽ sống”, cô tuyên bố.
Langdon hy vọng cô không sao. Anh có thể hiểu được những gì cả hai người vừa phải chịu đựng. “Bác sĩ Brooks”, anh nói, “chúng ta cần gọi cho ai đó. Lãnh sự… cảnh sát. Bất cứ ai”.
Cô gật đầu nhất trí. “Mà này, anh có thể thôi gọi tôi là bác sĩ Brooks được rồi – tên tôi là Sienna.”
Langdon gật đầu. “Cảm ơn. Tên tôi là Robert.” Dường như mối quan hệ họ vừa xây đắp được trong quá trình trốn chạy để giữ mạng sống đã giúp họ bảo đảm cho việc tiết lộ tên thật của nhau. “Cô nói cô là người Anh.”
“Xét về dòng máu thì đúng.”
“Tôi không hề nhận ra tí âm sắc nào.”
“Vâng”, cô đáp. “Tôi đã phải cố gắng làm mất giọng.”
Langdon định thắc mắc tại sao nhưng Sienna đã ra hiệu cho anh đi theo. Cô dẫn anh theo một hành lang hẹp tới buồng tắm nhỏ, tối lờ mờ. Nhờ tấm gương phía trên bồn rửa mặt, Langdon thoáng nhìn được hình ảnh mình, lần đầu tiên kể từ lúc anh thấy nó trong ô cửa sổ phòng bệnh.
Tệ quá. Mái tóc đen rậm của Langdon bết lại, còn đôi mắt thì đỏ ngầu và mệt mỏi. Đám râu ria lởm chởm che kín cả cằm anh.
Sienna vặn vòi nước và hướng dẫn Langdon đưa cánh tay bị thương vào làn nước lạnh như đá. Đau buốt, nhưng anh nhăn mặt cố giữ nguyên tay ở đó.
Sienna lấy một cái khăn rửa mặt còn mới và thấm ít xà phòng sát khuẩn. “Có lẽ anh nên quay mặt đi.”
“Không sao đâu. Tôi không ngại chuyện…”
Sienna bắt đầu chà xát rất mạnh, và cơn đau ghê gớm làm cánh tay Langdon tê dại. Anh nghiến chặt răng để cố không hét lên phản kháng.
“Anh không cần tiêm thuốc”, cô nói, chà xát mạnh tay hơn. “Thêm nữa, nếu anh định gọi cho chính quyền, anh sẽ cần cảnh giác hơn lúc này đấy. Không có gì sản sinh ra adrenalin nhiều bằng cơn đau đâu.”
Langdon cố gắng chịu đựng chà xát trong khoảng mười giây thì buộc phải giật mạnh tay ra. Đủ rồi! Phải thừa nhận, anh cảm thấy khỏe khoắn và tỉnh táo hơn, cơn đau ở cánh tay anh lúc này hoàn toàn lấn át cơn đau đầu.
“Tốt rồi”, cô nói, tắt vòi nước và thấm khô cánh tay anh bằng một chiếc khăn sạch. Sau đó Sienna dán một miếng gạc lên tay anh, nhưng khi cô làm việc đó, Langdon phát hiện ra một chi tiết khiến anh sao nhãng – một điều khiến anh rất không vui.
Trong suốt gần bốn mươi năm, Langdon luôn đeo chiếc đồng hồ Chuột Mickey cổ lỗ sĩ chỉ dân sưu tầm đồ cổ mới mua, một món quà của ba mẹ anh. Gương mặt mỉm cười và đôi tay vẫy lia lịa của Mickey luôn là thứ hằng ngày nhắc nhở anh thường xuyên cười và đón nhận cuộc sống nhẹ nhàng hơn.
“Đồng hồ… của tôi”, Langdon lắp bắp, “Mất rồi!”. Không có nó, anh bỗng thấy thiếu vắng. “Lúc đến bệnh viện tôi có đeo nó không?”
Sienna ném về phía anh cái nhìn ngờ vực, rõ ràng thắc mắc vì sao anh lại có thể lo lắng về một thứ tầm thường như vậy. “Tôi không nhớ anh có cái đồng hồ nào cả. Anh lau sạch người đi. Tôi sẽ quay lại sau mấy phút và chúng ta sẽ nghĩ cách tìm kiếm trợ giúp cho anh.” Cô quay đi, nhưng dừng lại ở ngưỡng cửa, nhìn thẳng vào mắt anh trong gương. “Và trong lúc tôi đi, tôi khuyên anh nên suy nghĩ kỹ xem tại sao lại có người muốn giết anh. Tôi đoán đó sẽ là câu hỏi đầu tiên chính quyền đặt ra.”
“Đợi đã, cô định đi đâu?”
“Anh không thể cứ cởi trần như thế mà nói chuyện với cảnh sát được. Tôi sẽ đi tìm mua ít quần áo cho anh. Hàng xóm của tôi cũng bằng cỡ anh. Ông ấy đi vắng, và tôi cho mèo của ông ấy ăn. Ông ấy nợ tôi.”
Nói xong, Sienna bỏ đi.
Robert Langdon quay lại tấm gương nhỏ phía trên bồn rửa mặt và nhận ra ngay người đang đăm đăm nhìn lại mình. Có ai đó muốn mình phải chết. Anh lại nghe thấy những tiếng lầm bầm lúc mê sảng của mình vang lên trong tâm trí.
Rất xin lỗi. Rất xin lỗi.
Anh soát lại ký ức để nhớ lại chút gì đó… bất kỳ điều gì, song chỉ thấy trống rỗng. Tất cả những gì Langdon biết là anh đang ở Florence và bị một vết đạn ở đầu do đạn bắn.
Lúc đăm đăm nhìn vào đôi mắt mệt mỏi của chính mình, Langdon lờ mờ tự hỏi liệu có khi nào anh choàng tỉnh trên chiếc ghế đọc sách ở nhà, chộp lấy một ly martini đã cạn và quyển 'Những linh hồn chết', chỉ để nhắc mình nhớ rằng không bao giờ nên trộn lẫn rượu Bombay Sapphire với Gogol.
 


Chương 7


Langdon lột bỏ chiếc áo choàng bệnh viện loang máu và quấn khăn tắm quanh hông. Sau khi vã nước lên mặt, anh cẩn thận sờ những mũi khâu ở phía sau đầu. Phần da rất đau, nhưng anh vuốt phần tóc bết lại che lên chỗ đó, vết thương gần như biến mất. Mấy viên caffeine đang phát huy tác dụng, và cuối cùng anh cảm thấy màn sương bắt đầu tan.
Nghĩ xem, Robert. Hãy cố nhớ xem!
Buồng tắm không có cửa sổ đột nhiên giống như một buồng giam kín, Langdon bước ra hành lang, theo bản năng lần về phía cột sáng tự nhiên phát ra qua một cánh cửa mở hé mé bên kia. Căn phòng giống như một nơi ngồi học tạm bợ, với cái bàn rẻ tiền, cái ghế quay đã cũ, những quyển sách được phân loại vứt trên sàn, và thật mừng… có cả một ô cửa sổ.
Langdon tiến về phía có ánh sáng ban ngày.
Ở phía xa, vầng mặt trời xứ Tuscany nhô lên chỉ vừa bắt đầu chạm đến những ngọn tháp cao nhất của thành phố đang tỉnh giấc – lầu chuông, tháp Tư viện Badia, tháp Bảo tàng Bargello. Langdon tì trán lên ô kính mát lạnh. Không khí tháng Ba hanh và lạnh, càng làm ánh nắng mặt trời lúc này đã len lỏi đến các sườn đồi thêm mạnh mẽ.
'Ánh sáng của người họa sĩ', người ta gọi nó như vậy.
Ở trung tâm đường chân trời, một mái vòm khổng lồ lợp ngói đỏ vươn lên sừng sững, trên đỉnh trang trí một quả cầu bằng đồng mạ vàng lóa sáng như đèn hiệu. Vương cung Thánh đường. Brunelleschi [7] đã tạo nên lịch sử kiến trúc bằng việc kiến tạo mái vòm khổng lồ của Thánh đường, và giờ đây, hơn năm trăm năm sau, công trình cao hơn một trăm mười bốn mét ấy vẫn đứng vững, một công trình khổng lồ bất di bất dịch trên nền Quảng trường Nhà thờ lớn – Quảng trường Duomo.
Tại sao mình lại ở Florence?
Với Langdon, một người suốt đời đam mê nghệ thuật Ý, Florence đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích của anh ở châu Âu. Đây là thành phố nơi Michelangelo từng chơi đùa trên đường phố lúc còn nhỏ, và nơi trào lưu Phục Hưng Ý được khởi xướng trong những xưởng nghệ thuật. Đây là Florence, với những phòng trưng bày thu hút hàng triệu du khách đến để chiêm ngưỡng bức Thần Vệ nữ chào đời của Botticelli, Lễ Truyền tin của Leonardo, và niềm tự hào của thành phố - bức tượng David.
Langdon đã bị bức tượng David của Michelangelo hút hồn ngay lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm lúc còn niên thiếu… khi bước vào Học viện Mỹ thuật (Accademia delle Belle Arti)… chầm chậm đi qua phòng trưng bày Prigioni [8] tối mờ còn nguyên sơ của Michelangelo… Và sau đó cảm thấy ánh mắt mình bị kéo lên trên, không cưỡng được, về phía kiệt tác cao hơn năm mét. Vóc dáng hoàn hảo và hệ cơ bắp tuyệt vời của David khiến hầu hết du khách lần đầu tới thăm đều giật mình, nhưng với Langdon, chính tư thế của David mới là điều khiến anh thấy hấp dẫn nhất. Michelangelo đã phát huy truyền thống tương phản kinh điển để tạo ra ảo giác rằng David đang nghiêng về bên phải, chân trái gần như không chịu lực, trong khi thực tế chân trái của tượng lại chống đỡ hàng tấn đá cẩm thạch.
Tượng David đã thắp lên trong Langdon nhận thức đầu tiên về sức mạnh của nghệ thuật điêu khắc. Lúc này, Langdon băn khoăn liệu mình có tới thăm kiệt tác này trong mấy ngày qua, nhưng ký ức duy nhất anh có thể nhớ được là tỉnh dậy trong bệnh viện và nhìn thấy vị bác sĩ vô tội bị sát hại ngay trước mắt mình. Rất xin lỗi. Rất xin lỗi.
Cảm giác tội lỗi khiến anh thấy buồn nôn. Mình đã làm gì?
Lúc đứng bên cửa sổ, tầm nhìn ngoại biên của anh vẫn nhận ra hình dáng một máy tính xách tay để trên bàn bên cạnh mình. Langdon đột nhiên nhận ra rằng, bất kỳ chuyện gì xảy ra với anh tối qua cũng đều có thể được đưa tin.
Nếu có thể truy cập Internet, mình sẽ tìm ra câu trả lời.
Langdon ngoảnh về phía cửa và gọi to: “Sienna!”.
Im lặng. Cô ấy vẫn ở bên căn hộ của ông hàng xóm và tìm kiếm quần áo.
Tin chắc Sienna sẽ thông cảm cho hành vi xâm nhập máy tính, Langdon mở máy và bấm nút nguồn.
Màn hình nền của Sienna nhấp nháy – vẫn là nền “mây xanh dương” căn bản của Windows. Langdon lập tức vào trang tìm kiếm Google phiên bản Ý và gõ dòng chữ Robert Langdon.
Giá mà sinh viên của mình có thể nhìn thấy mình lúc này, anh nghĩ trong lúc bắt đầu tìm kiếm. Langdon thường xuyên phê bình sinh viên về việc Google chính bản thân họ - một trò rỗi hơi kỳ quặc mới cho thấy nỗi ám ảnh về danh tiếng cá nhân hiện có vẻ thịnh hành trong giới trẻ Mỹ.
Một trang kết quả tìm kiếm xuất hiện – hàng trăm đầu mục có liên quan đến Langdon, sách và các bài giảng của anh. Không phải thứ mình tìm kiếm.
Langdon thu hẹp phạm vi tìm kiếm bằng cách chọn nút thời sự.
Một trang mới xuất hiện: Kết quả tin tức cho “Robert Langdon”.
Ký tặng sách: Robert Langdon sẽ xuất hiện…
Diễn văn tốt nghiệp của Robert Langdon…
Robert Langdon xuất bản sách nhập môn về Biểu tượng cho…
Bản danh sách dài vài trang, và Langdon chẳng thấy gì gần đây – chắc chắn không có gì giúp giải thích tình huống khó chịu hiện nay của anh. Chuyện gì xảy ra tối qua? Langdon tiếp tục truy cập vào trang web The Florentine, một tờ báo tiếng Anh xuất bản tại Florence. Anh lướt qua các nhan đề, các mục tin nóng, và chuyên trang của cảnh sát, chỉ tìm thấy những bài viết về một vụ cháy chung cư, một vụ thụt két chính phủ, và những vụ phạm tội vặt đã được sàng lọc.
Chẳng có gì sao?!
Anh dừng lại ở đoạn tin nóng về một quan chức thành phố chết vì đột qụy đêm qua tại quảng trường bên ngoài nhà thờ lớn. Tên của vị quan chức chưa được công bố, nhưng cũng chưa có hành động tội ác nào bị tình nghi.
Cuối cùng, chẳng biết làm gì khác, Langdon đặng nhập vào tài khoản thư điện tử trưởng Harvard và kiểm tra tin nhắn, băn khoăn liệu mình có thể tìm được câu trả lời ở đó hay không. Tất cả những gì anh tìm được là cả chuỗi thư từ các đồng nghiệp, sinh viên, và bạn bè, rất nhiều thư trong số đó đề cập những cuộc hẹn gặp trong tuần tới.
Có vẻ như chẳng có ai biết mình biến mất.
Langdon tắt máy tính và đóng màn hình lại, tâm trạng càng lúc càng không chắc chắn. Anh định rời đi thì một thứ đập vào mắt. Ở góc bàn của Sienna, trên chồng tạp chí và tài liệu y khoa cũ, có một bức ảnh chụp lấy ngay. Bức ảnh ghi lại hình ảnh Sienna Brooks và vị bác sĩ đồng nghiệp có râu của cô đang cười với nhau trong một hành lang bệnh viện.
Bác sĩ Marconi, Langdon nghĩ, lòng cảm thấy có lỗi khi anh nhặt tấm ảnh lên xem.
Lúc đặt tấm ảnh trở lại chồng sách, anh ngạc nhiên nhận ra cuốn sách nhỏ màu vàng trên cùng – một quyển chương trình biểu diễn đã cũ của Nhà hát London Globe. Theo tờ bìa, đây là tác phẩm Giấc mộng đêm hè của Shakespeare… được dàn dựng gần hai mươi lăm năm trước.
Trên quyển chương trình là một lời nhắn viết tay nguệch ngoạc bằng bút viết bảng Magic Marker: 'Em yêu, đừng bao giờ quên em là một phép màu'.
Langdon nhặt quyển chương trình lên, và một tập bài báo đã được cắt rời rơi xuống mặt bàn. Anh vội vàng sắp xếp lại, nhưng khi mở đến trang kẹp tập bài báo, anh sững lại.
Anh đăm đăm nhìn bức ảnh chụp diễn viên nhí đóng vai nhân vật tiểu yêu Puck ranh mãnh của Shakespeare. Bức ảnh có hình một bé gái chưa tới năm tuổi, với mái tóc vàng óng buộc kiểu đuôi ngựa quen thuộc.
Dòng chữ bên dưới bức ảnh ghi: 'Một minh tinh ra đời'.
Nội dung bái viết nói về một thần đồng sân khấu – Sienna Brooks – với chỉ số IQ ngoại hạng, có khả năng ghi nhớ lời thoại của tất cả nhân vật chỉ trong một đêm và trong những buổi diễn tập đầu tiên, đã thường xuyên nhắc vở cho các diễn viên khác. Sở thích của cô bé năm tuổi này là đàn vĩ cầm, cờ vua, sinh học và hóa học. Là con của một cặp vợ chồng giàu có sống ở vùng ngoại ô Blackheath của London, cô gái đã nổi danh trong giới khoa học. Lên bốn tuổi, cô đã đánh bại một đại kiện tướng cờ vua và còn có khả năng đọc thạo bằng ba thứ tiếng.
Chúa ơi, Langdon nghĩ. Sienna. Chuyện này giải thích được vài điều đây.
Langdon nhớ lại một trong những sinh viên đã tốt nghiệp nổi tiếng của Harvard từng là thần đồng có tên Saul Kripke, lúc lên sáu tuổi đã tự học tiếng Do thái và đọc được tất cả sách của Descartes khi mới mười hai tuổi. Gần đây hơn, Langdon nhớ có đọc về một hiện tượng thần đồng khác có tên Moshe Kai Cavalin, người có bằng đại học với điểm trung bình 4.0, giành danh hiệu quốc gia về võ thuật khi mới mười một tuổi và xuất bản một cuốn sách nhan đề Chúng ta có thể làm được lúc mười bốn tuổi.
Langdon nhặt một bài viết khác lên, bài báo có bức ảnh Sienna lúc bảy tuổi: TIỂU THIÊN TÀI CÓ IQ 208.
Langdon không hề biết rằng chỉ số IQ thậm chí có thể lên cao đến mức đó. Theo bài viết, Sienna Brooks là một cây vĩ cầm bậc thầy, có thể thành thạo một ngôn ngữ chỉ trong một tháng, và đang tự dạy mình giải phẫu học và sinh lý học.
Anh xem một bài viết khác cắt ra từ một tạp chí y học: TƯƠNG LAI CỦA TƯ DUY: KHÔNG PHẢI MỌI BỘ ÓC ĐỀU ĐƯỢC TẠO RA GIỐNG NHƯ NHAU.
Bài viết này có ảnh của Sienna, lúc này có lẽ đã mười tuổi, vẫn là một cô bé tóc vàng, đứng bên cạnh một cỗ máy y tế lớn. Bài viết có cả đoạn phỏng vấn một bác sĩ, người giải thích rằng các ảnh chụp PET tiểu não của Sienna cho thấy cơ quan này có cấu tạo khác hẳn những tiểu não khác, trong trường hợp của cô thì đây là một cơ quan lớn hơn, thon gọn hơn, có khả năng xử lý nội dung hình ảnh – không gian theo những cách thức hầu hết người khác không thể thực hiện được. Vị bác sĩ cho rằng ưu thế sinh lý học của Sienna là nhờ mức tăng tế bào thần kinh cao vọt một cách khác thường ở não, giống như một ổ ung thư, chỉ khác ở chỗ nó làm tăng các mô não có ích chứ không phải những tế bào ung thư nguy hiểm.
Langdon lại tìm được một bài báo từ một tờ báo của thị trấn.
LỜI NGUYỀN CỦA SỰ KIỆT XUẤT.
Lần này không có bức ảnh nào, nhưng bài viết nói đến một thiên tài nhỏ tuổi, Sienna Brooks, người đã cố gắng theo học ở các trường bình thường nhưng luôn bị những học sinh khác dè bỉu vì cô không thể thích ứng. Bài viết nói về tình trạng cô lập mà những thanh niên có tài nhưng các kỹ năng xã hội không tương xứng với trí thông minh của họ và thường xuyên cảm thấy bị tẩy chay.
Sienna, theo bài viết này, đã bỏ trốn khỏi nhà năm lên tám tuổi, và đủ thông minh để tự sống mà không hề bị phát hiện suốt mười ngày. Người ta tìm thấy cô bé trong một khách sạn hạng sang ở London, nơi cô giả vờ là con gái của một vị khách, đánh cắp được chìa khóa, và đặt phòng bằng tài khoản của người khác. Rõ ràng cô đã có cả tuần đọc toàn bộ một nghìn sáu trăm trang cuốn Giải phẫu học của Gray. Khi giới chức hỏi tại sao cô lại đọc những tài liệu y khoa đó, cô bảo họ rằng cô muốn tìm hiểu xem có chuyện gì không ổn với bộ óc của mình.
Trong lòng Langdon rất có cảm tình với cô gái nhỏ. Anh không thể hình dung nổi một đứa trẻ cảm thấy cô độc như thế nào vì quá khác biệt như vậy. Anh gấp những bài báo, dừng lại ngắm bức ảnh Sienna lúc năm tuổi đóng vai Puck. Nghĩ đến cuộc gặp gỡ siêu thực sáng nay của anh với Sienna, Langdon phải thừa nhận rằng đường như cô phù hợp một cách kỳ lạ với vai một tiểu yêu ranh mãnh trong mơ. Langdon chỉ mong rằng anh, giống như các nhân vật trong vở kịch, lúc này có thể tỉnh lại và vờ coi như những trải nghiệm gần đây nhất của mình chỉ là một giấc mơ.
Langdon cẩn thận sắp xếp tất cả bài báo về đúng chỗ và gập quyển chương trình biểu diễn lại, lòng chợt cảm thấy buồn khi nhìn thấy dòng chữ trên bìa lần nữa: Em yêu, đừng bao giờ quên em là một phép màu.
Anh nhìn xuống biểu tượng quen thuộc trên trang bìa của tập tài liệu. Đó chính là đồ hình Hy Lạp vẫn thường trang trí ở hầu hết các cuốn chương trình biểu diễn trên khắp thế giới – một biểu tượng đã hai nghìn năm trăm tuổi, đồng nghĩa với sân khấu lịch.
Cặp đôi mặt nạ bi hài.
Langdon nhìn hai gương mặt biểu tượng cho Hài kịch và Bi lịch đang đăm đăm nhìn mình, và đột nhiên anh nghe thấy tiếng vo ve rất lạ trong tai – cứ như thể có một đường dây dẫn đang từ từ kéo căng trong óc anh vậy. Một cơn đau chợt bùng lên trong đầu. Hình ảnh một chiếc mặt nạ bồng bềnh ngay trước mắt anh. Langdon thở hổn hển, giơ tay lên, ngồi xuống chiếc ghế tựa và nhắm nghiền mắt lại, tay ôm chặt lấy đầu.
Trong vùng tối của anh, những hình ảnh kì quái lại quay cuồng trở lại… dữ dội và sống động.
Người phụ nữ tóc bạc với chiếc búa đang gọi anh từ phía bên kia dòng sông máu. Tiếng kêu tuyệt vọng của bà xuyên qua bầu tử khí, át hẳn tiếng kêu của những kẻ bị hành hạ và đang hấp hối, những kẻ mà mắt anh có thể thấy rõ đang cố quẫy đạp trong đau đớn. Langdon lại nhìn thấy đôi chân chổng lên trời có vẽ chữ R, cái xác bị chôn vùi một nửa với đôi chân quẫy đạp điên cuồng tuyệt vọng trong không khí.
Hãy tìm và sẽ thấy! Người phụ nữ nói về phía Langdon. Thời gian đang cạn dần!
Langdon lại cảm nhận được nhu cầu khẩn thiết phải giúp đỡ bà ấy… giúp tất cả. Anh cuống cuồng gọi to về phía người phụ nữ ở bên kia dòng sông máu. Bà là ai?!
Một lần nữa, người phụ nữ giơ tay vén mạng che, để lộ gương mặt ấn trượng mà Langdon đã nhìn thấy trước đó.
Ta là sự sống, bà ấy đáp.
Không hề báo trước, một cái bóng khổng lồ xuất hiện trên bầu trời phía trên người phụ nữ - chiếc mặt nạ đáng sợ với cái mũi chim dài và đôi mắt xanh lè dữ dằn nhìn chòng chọc vào Langdon.
Và… ta là cái chết, giọng nói vỡ òa.
 


Chương 8


Langdon mở choàng mắt và hít một hơi thảng thốt. Anh vẫn ngồi nguyên bên bàn của Sienna, tay ôm đầu, tim đập loạn xạ.
Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra với mình thế này?
Hình ảnh người phụ nữ tóc bạc và cái mặt nạ có mỏ cứ lởn vởn trong tấm trí anh. Ta là sự sống. Ta là cái chết. Anh cố gắng xua đi hình ảnh đó, nhưng có cảm giác như nó đã bám rễ vĩnh viễn vào tâm trí mình. Trên bàn phím trước mặt, hai cái mặt nạ trên bìa quyển chương trình biểu diện đăm đăm nhìn anh.
Trí nhớ của anh sẽ lộn xộn và không được sắp xếp, Sienna từng nói như vậy. Quá khứ, hiện tại và khả năng tưởng tượng sẽ bị lẫn lộn với nhau.
Langdon cảm thấy chóng mặt.
Đâu đó trong căn hộ, có tiếng điện thoại đổ chuông. Đó là tiếng chuông kiểu cũ, lanh lảnh, vọng đến từ gian bếp.
“Sienna!”, Langdon gọi to và đứng dậy.
Không có tiếng đáp. Cô ấy vẫn chưa về. Chỉ sau hai hồi chương, cơ chế trả lời tự động kích hoạt.
“Xin chào, tôi nghe”, giọng Sienna nghe đầy vui vẻ trong tin nhắn trả lời. “Xin hãy để lại tin nhắn hoặc gọi lai sau.”
Có tiếng bíp, và một phụ nữ vẻ hoảng loạn có chất giọng Đông Âu khá nặng bắt đầu để lại lời nhắn. Giọng bà ấy vang vọng ra tận hành lang.
“Sienna, Danikova đây! Cô ở đâu rồi? Kinh khủng lắm! Bác sĩ Marconi bạn cô, chết rồi! Bệnh viện đang náo loạn! Cảnh sát đến đây rồi! Mọi người khai với họ rằng cô chạy ra ngoài và tìm cách cứu bệnh nhân! Tại sao thế? Cô không hề biết anh ta. Giờ cảnh sát muốn nói chuyện với cô đấy! Họ đã lấy hồ sơ nhân viên! Tôi biết thông tin trong đó đều sai – địa chỉ sai, không có số điện thoại, thị thực làm việc giả - cho nên hôm nay họ không tìm ra cô, nhưng rồi họ sẽ tìm ra đấy! Tôi cố gắng báo trước cho cô. Rất tiếc, Sienna.”
Cuộc gọi kết thúc.
Langdon lại cảm thấy nỗi ân hận chiếm ngự lấy anh. Căn cứ vào lời lẽ của tin nhắn, bác sĩ Marconi đã cho phép Sienna làm việc tại bệnh viện. Giờ đây sự hiện diện của Langdon đã khiến cho Marconi mất mạng, còn hành động bản năng cứu một người xa lạ của Sienna đã dẫn tới những hệ quả nghiệt ngã cho tương lai của cô.
Đúng lúc đó thì có tiếng của đóng mạnh ở phía bên kia căn hộ.
Cô ấy trở lại rồi.
Một lát sau, tiếng máy trả lời tự động được bật lên. “Sienna, Danikova đây! Cô ở đâu rồi?”
Langdon nhăn mặt, biết rõ nội dung Sienna sắp nghe thấy. Trong khi máy bật lại tin nhắn, Langdon nhanh tay cất quyển chương trình biểu diễn, sắp xếp lại mặt bàn. Sau đó, anh luồn qua sảnh để trở lại phòng tắm, cảm thấy bối rối vì đã lờ mờ biết về quá khứ của Sienna.
Mười giây sau, có tiếng gõ nhẹ vào cửa phòng tắm.
“Tôi để quần áo của anh trên tay nắm cửa”, Sienna nói, giọng mang ý trêu chọc.
“Cảm ơn cô rất nhiều”, Langdon đáp.
“Khi nào xong, anh ra ngoài bếp nhé”, cô nói tiếp. “Có thứ rất quan trọng tôi cần cho anh xem trước khi chúng ta gọi cho ai đó.”
o O o
Sienna mệt mỏi lần qua sảnh về gian buồng ngủ giản dị trong căn hộ. Cô lấy từ tủ quần áo chiếc quần bò xanh và áo lên, mang tất cả vào buồng tắm riêng.
Đăm đăm nhìn bóng mình trong gương, cô giơ tay nắm lấy bím tóc đuôi ngựa dày dặn vàng óng và kéo mạnh, khiến cho mái tóc giả tụt khỏi mảng da dầu trọc lốc.
Cô gái ba mươi hai tuổi không có tóc đăm đăm nhìn mình trong gương.
Sienna đã trải qua không ít thử thách trong cuộc đời, và mặc dù đã cố rèn bản thân luôn dựa vào trí tuệ để vượt qua khó khăn, nhưng tình thế khó xử hiện tại cũng khiến cô chấn động mạnh về mặt tình cảm.
Cô đặt mái tóc giả sang bên và rửa mặt mũi, tay chân. Sau khi lau khô, cô thay quần áo và đội tóc giả trở lại, chỉnh cho ngay ngắn. Sienna hiếm khi chấp nhận chuyện than thân trách phận, nhưng giờ đây, khi nước mắt đang dâng lên từ sâu thẳm trong lòng, cô biết mình không thể làm gì khác ngoài việc để nó trào ra.
Và cô khóc.
Cô khóc vì cuộc sống mà cô không kiểm soát nổi.
Cô khóc vì người thầy bị sát hại ngay trước mắt cô.
Cô khóc vì cảm giác cô độc kinh khủng chiếm ngự trong tim cô.
Nhưng, trên hết thảy, cô khóc cho tương lai… bỗng chốc có cảm giác thật bất ổn.
 


Chương 9


Ở sàn dưới chiếc thuyền sang trọng The Mendacium, chuyên gia điều phối Laurence Knowlton ngồi trong gian buồng kính kín mít của mình, đăm đăm nhìn màn hình máy tính mà không sao tin nổi đoạn video mà vị khách hàng của họ gửi lại.
Theo kế hoạch mình phải đưa thứ này cho giới truyền thông vào sáng mai ư?
Trong suốt mười năm làm việc cho Consortium, Knowlton đã thực hiện đủ mọi nhiệm vụ kỳ quặc mà anh ta biết rõ đều thuộc loại bất chính và phi pháp. Làm việc trong lĩnh vực không lấy gì làm sạch sẽ về mặt đạo đức là chuyện bình thường tại Consortium – một tổ chức với nền tảng đạo đức duy nhất là sẽ làm bất kỳ việc gì để giữ lời hứa với khách hàng.
Tuân thủ. Không hỏi. Bất kể chuyện gì.
Thế nhưng, kịch bản đăng tải video này khiến Knowlton không yên tâm. Trước đây, cho dù có phải thực hiện nhiệm vụ kỳ quặc đến đâu anh ta cũng luôn hiểu lý do… nắm chắc động cơ… hiểu rõ kết quả dự kiến.
Đoạn video đang tạm dừng.
Có gì đó rất khác thường.
Khác hẳn.
Ngồi lại bên máy tính, Knowlton cho video chạy lại lần nữa, hy vọng thêm một giây xem lại có thể hé thêm chút ánh sáng. Anh ta bật to tiếng và đắm mình vào đoạn video dài chín phút.
Vẫn như lần trước, video bắt đầu với tiếng vỗ khe khẽ trong một không gian kín đầy nước chìm vào thứ ánh sáng đỏ bí ẩn. Một lần nữa, máy quay lia xuống dưới, xuyên qua mặt nước được chiếu sáng để hiện rõ nền hang đầy bùn. Và một lần nữa, Knowlton đọc được nội dung trên tấm biển chìm dưới nước.
TẠI NƠI NÀY, VÀO NGÀY NÀY,
THẾ GIỚI THAY ĐỔI MÃI MÃI.
Thật đáng ngại là tấm biển bóng láng đó lại ký tên vị khách của Consortium. Ngày này lại là ngày mai… khiến cho Knowlton càng lúc càng lo lắng. Nhưng chính những gì tiếp theo mới thực sự khiến Knowlton hoảng hồn.
Lúc này máy quay lia ngang sang trái, cho thấy một thứ đáng chú ý lững lờ dưới nước ngay bên cạnh tấm biển.
Ở đây, được cột chặt xuống nền bằng một sợi dây ngắn, là một quả cầu bằng nhựa mỏng đang bập bềnh. Mỏng manh và lập lờ như một bong bóng xà phòng ngoại cỡ, khối cầu trong suốt đó lơ lửng như một trái bóng chìm dưới nước… không phải được bơm đầy helium, mà là một thứ chất lỏng màu vàng nâu sền sệt. Cái túi vô định hình này căng phồng, có đường kính khoảng ba mươi cen-ti-met, và bên trong lớp màng trong suốt, đám chất lỏng xỉn màu dường như đang cuộn xoáy chầm chậm, tựa hồ mắt một cơn bão đang âm thầm mạnh dần lên.
Lạy Chúa, Knowlton nghĩ thầm, cảm thấy lạnh buốt. Cái túi đáng ngờ kia thậm chí trông càng đáng ngại hơn trong lần xuất hiện thứ hai.
Hình ảnh từ từ chuyển sang nền đen.
Một hình ảnh mới xuất hiện – vách hang ẩm ướt, phản chiếu bóng nước hắt ánh sáng nhảy nhót. Trên vách xuất hiện một bóng đen… bóng một người… đứng trong hang.
Nhưng đầu người này hình thù… méo mó.
Thay vì có mũi, người này có một cái mỏ dài… cứ như thể một nửa người gã là chim
Khi gã cất tiếng nói, giọng gã nghèn nghẹt… và gã nói bằng giọng điệu hùng biện rất lạ… ngữ điệu đều đặn… như thể gã là người lĩnh xướng trong một dàn hợp xướng cổ điển nào đó.
Knowlton ngồi bất động, hơi thở nặng nề, trong khi bóng đen cái mỏ kia nói.
“Ta là Vong linh.
Nếu các người đang xem đoạn phim này, tức là cuối cùng linh hồn ta đã yên nghỉ.
Bị xua đuổi xuống dưới mặt đất, ta đành phải nói chuyện với thế giới từ sâu thẳm trong lòng đất, lẩn trốn đến lòng hang tăm tối này, nơi thứ nước đỏ như máu tích tụ trong cái đầm không một ánh sao phản chiếu.
Nhưng đây là thiên đường của ta… nơi nuôi dưỡng hoàn hảo đứa con yếu ớt của ta.
Hỏa ngục.
Ít lâu nữa các người sẽ biết đến thứ ta để lại.
Nhưng, ngay tại đây, ta cảm nhận được bước chân của những linh hồn ngu dốt truy lùng ta… sẵn sàng không từ mọi cách để ngăn cản hành động của ta.
Hãy tha thứ cho chúng, có lẽ các người nói vậy, vì chúng không biết chúng làm gì. Nhưng lịch sử sẽ đến khi ngu dốt không còn là một tội lỗi có thể tha thứ nữa… Khi chỉ có trí tuệ mới có quyền được miễn thứ.
Bằng sự thuần khiết của lương tri, ta để lại cho các người toàn bộ món quà của Hy vọng, của cứu rỗi, của ngày mai.
Nhưng vẫn có kẻ săn đuổi ta như một con chó, được tiếp sức bằng niềm tin tự cho là đúng rằng ta là kẻ điên rồ. Có mỹ nhân tóc bạc dám gọi ta là quái vật! Cũng như lũ giáo sĩ đui mù vận động cho cái chết của Copernicus, mụ phỉ báng ta là quỷ dữ, sợ rằng ta đã nhìn ra Chân lý.
Nhưng ta không phải là nhà tiên tri.
Ta chính là sự cứu rỗi của các người.
Ta là Vong linh.”
 


Chương 10


“Anh ngồi đi”, Sienna nói. “Tôi có vài câu hỏi cho anh.”
Khi vào bếp, Langdon cảm thấy chân mình bước vững vàng hơn. Lúc này anh mặc bộ đồ hiệu Brioni của hàng xóm vừa như in. Ngay cả đôi giày mềm cũng rất thoải mái, và trong đầu Langdon đã có lưu ý sẽ đổi sang đi giày Ý khi trở về nhà.
Nếu mình về được nhà, anh nghĩ bụng.
Sienna đã thay đổi hẳn – một vẻ đẹp tự nhiên. Cô vừa đổi sang chiếc quần bò rất tôn dáng và áo len màu kem, cả hai thứ trang phục như càng làm thân hình yểu điệu của cô thêm nổi bật. Mái tóc cô vẫn vấn ra sau thành đuôi ngựa, và khi không còn vẻ quyền uy nhờ những vật dung ngành y, dường như cô yếu đuối hơn. Langdon nhận thấy đôi mắt cô sưng đỏ, như thể cô vừa khóc, và cảm giác tội lỗi lại xâm chiếm lấy anh.
“Sienna, tôi rất xin lỗi. Tôi đã nghe hết lời nhắn trên điện thoại. Tôi không biết phải nói sao.”
“Cảm ơn anh”, cô đáp. “Nhưng lúc này chúng ta cần tập trung vào chính bản thân anh. Anh ngồi đi.”
Lúc này giọng cô rắn rỏi hơn, gợi nhớ đến những bài báo mà Langdon vừa đọc về trí tuệ và thời niên thiếu sớm phát triển của cô.
“Tôi cần anh suy nghĩ”, Sienna nói, tay ra hiệu cho anh ngồi xuống. “Anh có nhớ làm thế nào chúng ta tới được căn hộ này không?”
Langdon không dám chắc câu hỏi này có liên quan đến tình hướng trước mặt. “Trên một chiếc taxi”, anh nói, ngồi xuống bên bàn. “Có người bắn chúng ta.”
“Bắn anh, thưa Giáo sư. Chúng ta cần phải rõ ràng về chuyện đó.”
“Vâng. Xin lỗi.”
“Thế anh có nhớ được có mấy phát súng lúc chúng ta còn trên taxi không?”
Câu hỏi ngớ ngẩn. “Có, hai phát. Một trúng gương bên hông xe, và một bắn vỡ cửa kính sau.”
“Tốt lắm, giờ thì anh nhắm mắt lại.”
Langdon nhận ra cô đang kiểm tra trí nhớ của mình. Anh bèn nhắm mắt lại.
“Tôi đang mặc đồ gì?”
Langdon có thể nhìn rõ cô. “Giày đế bằng màu đen, quần bò xanh, và áo len cổ chữ V màu kem. Tóc cô vàng, dài đến vai, vấn ra phía sau. Mắt cô màu nâu.”
Langdon mở mắt và ngắm cô, rất hài lòng khi thấy trí nhớ thị giác của mình vẫn hoạt động bình thường.
“Tốt lắm. Khả năng nhận thức thị giác của anh rất tốt, càng xác nhận chứng mất trí của anh đã không còn, và anh không hề bị thương tổn gì vĩnh viễn liên quan đến quá trình ghi nhớ. Anh có nhớ được điều gì mới về mấy ngày qua không?”
“Thật tiếc là không hề. Thế nhưng tôi lại nhìn thấy những hình ảnh ấy lúc cô ra ngoài.”
Langdon kể cho cô nghe hình ảnh ảo giác về người phụ nữ che mạng, người chết, và những đôi chân có chữ R bị chôn vùi một nửa quẫy đạp. Rồi anh kể cho cô về cái mặt nạ có mỏ hình quái lơ lửng trên bầu trời.
“‘Ta là cái chết’ ư?”, Sienna hỏi, vẻ mặt bồn chồn.
“Vâng, đó là những gì nó nói.”
“Được rồi… Tôi đoán như thế cũng giống ‘Ta là Vishnu, kẻ hủy diệt thế giới’.”
Người phụ nữ trẻ vừa dẫn lại lời Robert Oppenheimer lúc ông ta thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên.
“Còn cái mặt nạ mắt xanh lè… mũi hình mỏ chim ư?”, Sienna nói, vẻ khó hiểu. “Anh có ý tưởng gì để lý giải tại sao trí nhớ anh lại gợi ra hình ảnh đó không?”
“Chẳng có ý tưởng gì cả, nhưng kiểu mặt nạ đó rất thịnh hành thời trung cổ”, Langdon dừng lại. “Người ta gọi đó là mặt nạ dịch hạch.”
Trông Sienna mất bình tĩnh một cách kỳ lạ. “Mặt nạ dịch hạch ư?”
Langdon giải thích nhanh gọn rằng trong thế giới biểu tượng của anh, hình dáng đặc thù của chiếc mặt nạ mỏ chim gần như đồng nghĩa với Cái chết Đen – trận đại dịch tràn qua châu Âu vào thế kỷ XIV, giết một phần ba dân số ở một vài vùng. Hầu hết mọi người tin rằng chữ “đen” trong tên gọi chỉ tình trạng d.a thịt nạn nhân tím đen lại do hoại tử và xuất huyết dưới da, nhưng thực tế từ đen là để chị nỗi khiếp sợ mà dịch bệnh này gieo rắc trong dân chúng.
“Cái mặt nạ mỏ dài đó”, Langdon nói, “được các bác sĩ bệnh dịch hạch thời trung cổ đeo để ngăn không cho bệnh xâm nhập vào lỗ mũi họ trong lúc điều trị người bị nhiễm bệnh. Còn giờ đây, cô chỉ nhìn thấy chúng được dùng làm phục trang trong lễ hội Venice Carnevale – lời nhắc nhở kì khôi về một giai đoạn đen tối trong lịch sử nước Ý”.
“Và anh chắc chắn mình nhìn thấy cái mặt nạ như thế trong ảo ảnh của mình chứ?”, Sienna hỏi, lúc này giọng cô run run. “Một mặt nạ của bác sĩ bệnh dịch hạch thời trung cổ à?”
Langdon gật đầu. Một cái mặt nạ mỏ chim thì khó mà nhầm lẫn được.
Cách Sienna nhíu mày khiến Langdon có cảm giác rằng cô đang cố nghĩ ra cách tốt nhất để nói với anh vài tin không hay. “Và người phụ nữ cứ nhắc anh ‘tìm kiếm và sẽ thấy’ phải không?”
“Đúng. Vẫn như lúc trước. Nhưng vấn đề là tôi không rõ mình cần tìm cái gì.”
Sienna từ từ thở hắt ra một hơi dài, nét mặt hết sức nghiêm trọng. “Tôi nghĩ có lẽ tôi biết. Và thêm nữa… Tôi nghĩ có thể anh cũng đã tìm thấy nó.”
Langdon trợn mắt nhìn. “Cô đang nói gì thế?!”
“Robert, đêm qua khi anh tới bệnh viện, anh mang theo một thứ rất không bình thường trong túi áo khoác. Anh còn nhớ nó là gì không?”
Langdon lắc đầu.
“Anh mang theo một vật… một vật khá đáng chú ý. Tôi tình cờ thấy nó khi chúng tôi lau rửa cho anh.” Cô làm hiệu về phía chiếc áo Harris Tweed dính máu của Langdon, vẫn còn nằm trên bàn. “Nó vẫn trong túi áo đấy, nếu anh có ý định nhìn xem.”
Vẻ ngập ngừng, Langdon nhìn chiếc áo. Ít nhất điều đó giải thích tại sao cô ấy quay lại vì chiếc áo của mình. Anh vớ lấy chiếc áo khoác dính máu và lần tìm cái túi, từng cái một. Chẳng có gì cả. Anh lục lại lần nữa. Cuối cùng, anh nhún vai quay về phía cô, “Ở đây chẳng có gì hết.”
“Thế còn túi bí mật thì sao?”
“Cái gì? Áo khoác của tôi làm gì có túi bí mật.”
“Không ư?” Trông cô rất bối rối. “Vậy cái áo này… là của người khác ư?”
Đầu óc Langdon lại rối tung lên. “Không, đây là áo khoác của tôi.”
“Anh chắc chứ?”
Quá chắc, anh nghĩ bụng. Thực tế, nó là hiệu Camcerley mà tôi ưa chuộng đấy.
Anh lật ngược lớp lót áo và chìa cho Sienna xem nhãn hiệu có mang biểu tượng mà anh ưa chuộng trong thế giới thời trang – quả cầu của hãng Harris Tweed được trang trí mười ba viên đá quý hình khuy cùng một chữ thập Maltese trên đỉnh.
Hãy để người Scot triệu hồi các chiến binh Thiên Chúa giáo trên vải dệt chéo.
“Nhìn cái này đi”, Langdon nói, tay chỉ hai chữ cái R.L. được thêu bằng tay thêm vào nhãn hiệu. Anh luôn thích thú những mẫu may đo của Harris Tweed, và vì lý do ấy, anh thường trả thêm tiền để người ta thêu chữ cái tên anh vào nhãn hiệu. Ở trường đại học, nơi hàng trăm chiếc áo khoác vải len liên tục được cởi ra rồi mặc vào trong phòng ăn và trên giảng đường, Langdon không hề muốn bị mặc nhầm áo do cẩu thả.
“Tôi tin anh”, cô nói, cầm lấy chiếc áo khoác từ tay anh. “Giờ anh nhìn đây.”
Sienna mở rộng chiếc áo khoác để lộ lớp lót gần gáy. Chỗ đó, được giấu kín trong lớp vải lót, là một cái túi khá lớn có hình thù rất gọn ghẽ.
Thế quái nào nhỉ?!
Langdon chắc chắn rằng anh chưa bao giờ nhìn thấy cái túi này trước đó.
Cái túi có một đường chỉ giấu kín, được may rất khéo.
“Nó không hề có ở đó lúc trước!”, Langdon dứt khoát.
“Vậy thì tôi đoán rằng anh chưa bao giờ nhìn thấy… thứ này đúng không?” Sienna thò tay vào túi và moi ra một vật kim loại rất đẹp mà cô nhẹ nhàng đặt vào tay Langdon.
Langdon trợn mắt nhìn xuống vật đó với vẻ hoang mang cực độ.
“Anh có biết thứ này là gì không?”, Sienna hỏi.
“Không…”, anh lắp bắp. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì như thế này.”
“Chà, thật không may, tôi lại biết rõ đây là gì. Và tôi tin chắc nó chính là lý do có người tìm cách giết anh.”
o O o
Lúc này điều phối viên Knowlton đang đi đi lại lại trong buồng riêng trên tàu The Mendacium, càng lúc càng thấy bồn chồn khi nghĩ đến đoạn video anh ta được giao phải cung cấp cho cả thế giới biết vào sáng mai.
Ta là Vong linh ư?
Có tin đồn rằng vị khách hàng đặc biệt này bị sang chấn tâm thần trong mấy tháng qua, nhưng đoạn video dường như xác định những lời đồn đó là không có cơ sở.
Knowlton biết mình có hai lựa chọn. Anh ta có thể chuẩn bị phát tán đoạn video vào ngày mai như đã hứa, hoặc có thể mang nó lên gác gặp Thị Trưởng để đưa ra ý kiến về quyết định thứ hai.
Mình đã biết ý kiến của ông ấy rồi, Knowlton nghĩ bụng, vì chưa bao giờ thấy Thị Trưởng có hành động gì khác ngoài những việc đã hứa với khách hàng. Ông ấy sẽ bảo mình cung cấp đoạn video này cho thế giới, không cần hỏi làm gì… và ông ấy sẽ nổi điên với mình vì việc này.
Knowlton hướng sự chú ý trở lại đoạn video đã được tua đến một vị trí đặc biệt đáng lo ngại. Anh ta bắt đầu cho chạy lại, và cái hang có thứ ánh sáng kỳ dị lại xuất hiện kèm với tiếng nước róc rách. Bóng người hiện ra lù lù trên vách hang đang nhỏ nước – một gã đàn ông cao lớn với cái mỏ chim dài.
Bằng chất giọng nghèn nghẹt, cái bóng quái dị cất tiếng:
“Đã đến thời kỳ Tăm tối mới.
Nhiều thế kỷ trước, châu Âu chìm sâu trong cảnh khốn cùng – dân chúng túm tụm với nhau, chết đói, chìm trong tội lỗi và vô vọng. Họ giống như một cánh rừng chật chội, ngột ngạt vì những kẻ vô dụng, chờ đợi tia sét của Chúa trời – tia lửa sẽ làm đám cháy bùng lên, lan rộng trên mặt đất và thiêu sạch đám vô dụng, một lần nữa đưa ánh mặt trời tới những gốc cây khỏe mạnh.
Chọn lọc là Quy luật Tự nhiên của Chúa trời.
Hãy tự hỏi bản thân, sau Cái chết Đen là gì?
Tất cả chúng ta đều biết câu trả lời.
Thời kỳ Phục Hưng.
Sự tái sinh.
Luôn là như thế. Tiếp sau cái chết là sự sinh sôi.
Để đến được Thiên đường, con người phải đi qua Hỏa ngục.
Điều này, thầy đã dạy chúng ta.
Thế mà kẻ ngu dốt tóc bạc lại dám gọi ta là quái vật ư? Chắc mụ vẫn không hiểu rõ môn toán học của tương lai chăng? Cả những điều kinh hoàng nó sẽ mang theo nữa?
Ta là Vong linh.
Ta là sự cứu rỗi của các người.
Và vì thế ta đứng lên, sâu trong lòng hang này, phóng mắt nhìn qua đầm nước không một ánh sao phản chiếu. Tại đây, trong dinh lũy đã bị nhận chìm này, Hỏa ngục cháy âm ỉ bên dưới làn nước.
Sớm muộn nó sẽ bùng lên thành ngọn lửa.
Và đến khi đó, chẳng có gì trên trái đất có thể ngăn được nó.”
 


Chương 11


Vật nằm trong bàn tay Langdon nặng hơn hẳn so với kích thước của nó. Thon và trơn láng, cái hình trụ bằng kim loại nhẵn thín ấy dài khoảng mười lăm phân và tròn cả hai đầu, giống như một quả ngư lôi thu nhỏ
“Trước khi mạnh tay cầm vào thứ đó”, Sienna lên tiếng, “có lẽ anh cần nhìn mặt bên kia đã”. Cô mỉm cười với anh nhưng khá căng thẳng. “Anh nói anh là giáo sư về các biểu tượng phải không?”
Langdon chăm chú nhìn cái ống trụ, xoay nó trong lòng bàn tay cho tới khi một biểu tượng màu đỏ tươi hiện rõ bên hông ống.
Cơ thể anh ngay lập tức cứng đờ.
Khi còn là sinh viên ngành biểu tượng học, Langdon đã biết rằng một số hình ảnh ghê gớm có sức mạnh gieo rắc nỗi sợ hãi ngay lập tức vào tâm trí con người… nhưng cái biểu tượng trước mắt anh thì khỏi phải nói. Phản ứng của anh hoàn toàn mang tính bản năng và ngay tức thì, anh đặt cái ống lên bàn rồi ngồi phịch xuống ghế.
Sienna gật đầu. “Vâng, phản ứng của tôi cũng y như vậy.”
Dấu hiệu trên ống là một biểu tượng ba nhánh đơn giản.
Biểu tượng khét tiếng này, như Langdon từng đọc được, do Dow Chemical nghĩ ra vào những năm 1960, để thay thế cho chuỗi đồ họa cảnh báo được sử dụng không mấy hiệu quả trước đó. Như tất cả những biểu tượng thành công khác, biểu tượng này đơn giản, đặc trưng và dễ tạo. Khéo léo khơi gợi mối liên hệ với mọi thứ, từ cặp càng cua đến những phi tiêu của ninja, biểu tượng “nguy hiểm sinh học” hiện đại này trở thành một nhãn hiệu toàn cầu truyền tải ý nghĩa nguy hiểm trong mọi ngôn ngữ.
“Cái ống nhỏ xíu này là một ống tuýp sinh học”, Sienna nói. “Nó dùng để mang những chất nguy hiểm. Chúng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy chúng trong lĩnh vực y khoa. Bên trong là một lớp bọt bao bọc lấy ống chất mẫu để có thể mang đi an toàn. Trong trường hợp này…” Cô chỉ vào biểu tượng nguy hiểm sinh học. “Tôi đoán là một tác nhân hóa học chết người… hoặc có thể là một… loại virus?”, cô ngừng lại. “Các mẫu Ebola [9] đầu tiên được mang về từ châu Phi qua một cái ống y hệt như thế.”
Đây không phải toàn bộ những gì Langdon muốn nghe. “Nhưng nó làm cái quái gì trong áo khoác của tôi chứ! Tôi là một giáo sư lịch sử nghệ thuật mà, tại sao tôi lại mang cái thứ này?”
Hình ảnh những xác người quằn quại lại lóe lên trong trí anh… và lơ lửng phía trên cái mặt nạ dịch hạch.
Rất xin lỗi… Rất xin lỗi!
“Cho dù thứ này từ đâu đến”, Sienna nói, “nó cũng là một vật có độ bền cao. Titan lót chì. Gần như không thể xuyên thủng, thậm chí bằng phóng xạ. Tôi đoán là vấn đề cấp chính phủ.” Cô chỉ vào ô màu đen cỡ bằng con tem ngay bên cạnh biểu tượng nguy hiểm sinh học. “Xác nhận bằng dấu tay. Bảo đảm an ninh trong trường hợp bị thất lạc hoặc đánh cắp. Những ống như thế này chỉ một người đặc biệt mới mở được.”
Mặc dù Langdon cảm giác đầu óc mình lúc này đang làm việc với tốc độ bình thường nhưng anh vẫn thấy như thể đang phải cố hết sức. Mình đang mang theo một ống tuýp niêm phong bằng vân tay.
“Khi tôi phát hiện cái ống này trong áo khoác của anh, tôi muốn cho riêng bác sĩ Marconi xem, nhưng tôi không có cơ hội làm vậy lúc anh chưa tỉnh lại. Tôi đã định thử đặt ngón tay anh lên cái ô kia trong lúc anh đang bất tỉnh, nhưng tôi lại không rõ thứ gì trong ống, và…”
“Ngón tay TÔI ư?”, Langdon lắc đầu. “Làm sao có chuyện thứ này được lập trình để tôi là người mở nó chứ. Tôi có biết gì về hóa sinh đâu. Tôi chưa từng có thứ gì như thế này cả.”
“Anh chắc chứ?”
Langdon rất chắc chắn. Anh vươn tay và đặt ngón cái của mình vào ô vuông. Chẳng có gì xảy ra cả. “Thấy chưa? Tôi đã nói…”
Cái ống titan phát ra tiếng kêu rất to, và Langdon giật tay về như phải bỏng. Khốn nạn. Anh đăm đăm nhìn cái ống như thể nó sắp tự mở toang và bắt đầu xì ra một thứ khí độc chết người. Sau ba giây, nó lại phát ra tiếng động, rõ ràng đang tự khóa lại.
Không nói gì, Langdon quay sang nhìn Sienna.
Cô bác sĩ trẻ thở hắt ra, trông bệch bạc. “Chà, rõ ràng chính anh là người được chỉ định mang nó đi rồi.”
Với Langdon, toàn bộ tấn kịch này thật phi lý. “Không thể như thế. Trước hết, làm cách nào tôi tha được mẩu kim loại này qua chốt an ninh sân bay chứ?”
“Có lẽ anh bay bằng máy bay riêng? Hoặc có lẽ người ta giao cho anh khi anh đến Ý?”
“Sienna, tôi cần gọi cho lãnh sự. Ngay bây giờ.”
“Anh không nghĩ chúng ta cần mở nó ra trước đã à?”
Trong đời mình, Langdon từng có một số hành động hấp tấp, nhưng mở một vật chứa chất độc ngay trong bếp của người phụ nữ này không phải là một trong những hành động như thế. “Tôi sẽ bàn giao thứ này cho giới chức trách. Ngay bây giờ!”
Sienna mím chặt môi, suy tính về mọi khả năng. “Được rồi, nhưng ngay khi thực hiện cuộc gọi đó, anh phải tự giải quyết. Tôi không can dự vào. Đương nhiên anh không thể gặp họ ở đây. Hoàn cảnh di trú của tôi ở Ý rất… phức tạp.”
Langdon nhìn vào mắt Sienna. “Tất cả những gì tôi biết, Sienna, là cô đã cứu mạng tôi. Tôi sẽ giải quyết chuyện này đúng như ý muốn của cô.”
Cô gật đầu cảm ơn và bước lại phía cửa sổ, chăm chú nhìn xuống con phố phía dưới. “Được rồi, chúng ta cần làm như thế này nhé!”
Sienna nhanh nhẹn vạch ra một kế hoạch. Nó rất đơn giản, khôn khéo và an toàn.
Langdon đợi cô bật chế độ chặn hiển thị người gọi trong điện thoại di động và bấm số. Các ngón tay của cô thanh mảnh nhưng di chuyển rất có chủ định.
“Thông tin thuê bao phải không?”, Sienna nói bằng tiếng Ý không thể chê vào đâu. “Xin cho tôi số máy của Lãnh sự quán Hoa kỳ tại Firenze được không?”
Cô đợi và sau đó nhanh nhẹn viết ra một số điện thoại.
“Rất cảm ơn”, cô đáp và ngắt máy.
Sienna chìa số điện thoại cho Langdon cùng với điện thoại của cô. “Anh nói đi. Anh nhớ phải nói gì chưa?”
“Trí nhớ của tôi tốt mà”, anh mỉm cười nói trong lúc bấm số máy ghi trên mẩu giấy. Đường dây bắt đầu đổ chuông.
Chẳng thấy gì cả.
Anh chuyển sang chế độ loa ngoài và đặt điện thoại lên bàn để Sienna cũng có thể nghe được. Đáp lời là một tin nhắn đã ghi âm sẵn, cung cấp thông tin chung về các dịch vụ lãnh sự và giờ làm việc, tức là phải sau 8 giờ 30 phút sáng.
Langdon nhìn đồng hộ trên bàn. Mới chỉ có sáu giờ sáng.
“Nếu đây là tình huống khẩn cấp”, đoạn ghi âm tự động nói, “quý vị có thể gọi tới số 7-7 để báo với nhân viên trực đêm”.
Langdon lập tức bấm số máy lẻ.
Đường dây lại đổ chuông.
“Lãnh sự quán Hoa Kỳ xin nghe”, một giọng nói mệt mỏi trả lời bằng tiếng Ý. “Tôi là nhân viên trực đây.”
“Anh nói được tiếng Anh chứ?”, Langdon hỏi bằng tiếng Ý.
“Đương nhiên”, người đàn ông bên kia đáp lại bằng tiếng Anh Mỹ. Giọng anh ta có vẻ khó chịu vì bị đánh thức. “Tôi giúp gì được anh?”
“Tôi là công dân Mỹ đang có mặt ở Florence và tôi bị tấn công. Tên tôi là Robert Langdon.”
“Xin cho biết số hộ chiếu”, người đàn ông ngáp nghe rõ mồn một.
“Tôi bị mất hộ chiếu. Tôi nghĩ nó bị đánh cắp. Tôi bị bắn vào đầu. Tôi ở trong bệnh viện. Tôi cần giúp đỡ.”
Nhân viên trực đột nhiên tỉnh ngủ hẳn. “Thưa ông! Ông vừa nói ông bị bắn phải không? Xin ông nói lại họ tên đầy đủ được không?”
“Robert Langdon.”
Có tiếng sột soạt trên đường dây và sau đó Langdon nghe rõ tiếng ngón tay của người đàn ông gõ lách cách trên bàn phím. Tiếng máy tính kêu “ping”. Tạm dừng. Rồi lại nghe tiếng ngón tay trên bàn phím. Lại một tiếng “ping”. Tiếp đến là ba tiếng “ping” chói lói.
Tạm dừng lâu hơn.
“Thưa ông?”, người đán ông lên tiếng. “Tên ông là Robert Langdon phải không?”
“Vâng, đúng vậy. Và tôi đang gặp rắc rối.”
“Được rồi, thưa ông, tên ông được đánh dấu lưu ý, và tôi được chỉ dẫn lập tức nối máy cho ông với chánh văn phòng của Tổng lãnh sự.” Người đàn ông ngừng lại, như thể chính anh ta cũng không tin nổi. “Xin hãy giữ máy!”
“Đợi đã! Anh có thể cho tôi biết…”
Đường dây lại đổ chuông.
Bốn lần đổ chuông và máy được nối.
“Collins nghe đây”, một giọng cộc cằn vang lên.
Langdon hít một hơi thật sâu và cố gắng nói thật bình tĩnh và rõ ràng. “Thưa ngài Collins, tên tôi là Robert Langdon. Tôi là một công dân Mỹ đang có mặt tại Florence. Tôi bị bắn. Tôi cần giúp đỡ. Tôi muốn được tới Lãnh sự quán Hoa Kỳ ngay lập tức. Ngài có thể giúp tôi không?”
Không chút do dự, giọng nói bên kia đáp lại. “Ơn Chúa là anh vẫn còn sống, anh Langdon. Chúng tôi đang tìm kiếm anh.”
 


Chương 12


Lãnh sự quán biết mình ở đây ư?
Tin ấy khiến Langdon thấy nhẹ cả người. Ngài Collins – người tự giới thiệu là chánh văn phòng của Lãnh sự quán – nói chuyện với giọng chắc nịch, chuyên nghiệp, nhưng cũng có vẻ rất gấp gáp. “Anh Langdon, anh và tôi cần nói chuyện ngay lập tức. Và nhất định không phải trên điện thoại.”
Đến lúc này, dù vẫn chưa hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, nhưng Langdon không có ý định ngắt lời.
“Tôi sẽ cho người đến đón anh ngay”, Collins nói. “Anh ở chỗ nào?”
Sienna lo lắng di chuyển vị trí, cố lắng nghe cuộc trao đổi trên loa điện thoại. Langdon gật đầu trấn an cô, tỏ ý hoàn toàn tuân thủ theo đúng kế hoạch của cô.
“Tôi đang ở một khách sạn nhỏ có tên Pensione la Fiorentina”, Langdon nói, đánh mắt sang bên kia phố về phía khách sạn cũ kỹ Sienna đã chỉ cho mình trước đó. Anh nói cho Collins địa chỉ phố.
“Được rồi”, người đàn ông trả lời. “Đừng di chuyển. Cứ ở trong phòng anh. Sẽ có người đến đó ngay bây giờ. Phòng nào nhỉ?”
Langdon quyết định. “Ba mươi chín.”
“Được rồi. Hai mươi phút”, Collins hạ giọng. “Anh Langdon, dù anh bị thương và hơi rối trí, nhưng tôi cần biết… anh vẫn còn giữ chứ?”
Còn giữ. Langdon cảm thấy câu hỏi này, dù khó hiểu, song chỉ có thể mang một nghĩa. Mắt anh lia tới chỗ cái ống nằm trên bàn bếp. “Vâng, thưa ngài. Tôi vẫn còn giữ.”
Collins thở phào rõ to. “Lúc không nghe được tin gì của anh, chúng tôi cứ nghĩ… Chà, nói thật, chúng tôi nghĩ đến chuyện xấu nhất. Tôi yên tâm rồi. Cứ ở yên chỗ anh. Đừng di chuyển. Hai mươi phút thôi. Sẽ có người tới gõ cửa phòng anh.”
Collins ngắt máy.
Langdon cảm thấy hai vai mình nhẹ nhõm hẳn, lần đầu tiên kể từ khi anh tỉnh dậy trong bệnh viện. Lãnh sự quán biết rõ chuyện gì đang xảy ra, và chỉ lát nữa mình sẽ có câu trả lời. Langdon nhắm mắt lại và thở ra từ từ, lúc này gần như an tâm. Cơn đau đầu đã tan biến.
“Chà, rất MI6”, Sienna lên tiếng, giọng nửa đùa nửa thật. “Anh là điệp viên à?”
Lúc này Langdon chẳng rõ mình là gì nữa. Chuyện mất trí nhớ hai ngày và thấy mình trong một tình thế khó nhận diện làm anh khó hiểu, nhưng anh vẫn ở đây… Hai mươi phút nữa sẽ có cuộc gặp với một quan chức tòa Lãnh sự Hoa Kỳ trong một khách sạn xập xệ.
Chuyện gì đang xảy ra ở đây nhỉ?
Anh liếc nhìn Sienna, nhận ra họ sắp sửa đường ai nấy đi nhưng vẫn có cảm giác họ chưa xong việc. Anh lại nhớ tới vị bác sĩ râu rậm ở bệnh viện, nằm chết trên sàn ngay trước mắt cô. “Sienna”, anh thì thầm, “bạn của cô… bác sĩ Marconi… tôi cảm thấy thật kinh khùng”.
Cô gật đầu quả quyết.
“Và tôi rất xin lỗi đã kéo cô vào vụ này. Tôi biết tình thế của cô tại bệnh viên rất bất thường, và nếu có điều tra…” Tiếng anh tắt dần.
“Không sao”, cô nói. “Tôi không lạ gì chuyện phải di chuyển.”
Langdon cảm nhận được trong đôi mắt xa xăm của Sienna, mọi thứ với cô đều đã thay đổi vào sáng nay. Cuộc sống của chính Langdon lúc này cũng đang hỗn loạn, nhưng anh cảm thấy trái tim mình đang hướng về phía người phụ nữ này.
Cô ấy đã cứu mạng mình… và mình đã hủy hoại cuộc sống của cô ấy.
Họ ngồi im lặng suốt một phút, không khí giữa hai người càng lúc càng nặng nề, như thể cả hai đều muốn nói, nhưng lại chẳng biết nói gì. Suy cho cùng, họ là những người xa lạ trong một hành trình ngắn ngủi kỳ lạ vừa đi tới ngã ba đường, và giờ đây mỗi người đều cần tìm một lối đi riêng.
“Sienna”, cuối cùng Langdon lên tiếng, “khi tối giải quyết xong chuyện này với lãnh sự quán, nếu có việc gì cần tôi giúp, xin hãy…”.
“Cảm ơn anh”, cô thì thầm, và buồn bã hướng mắt ra phía cửa sổ.
o O o
Từng phút trôi qua, Sienna Brooks lơ đễnh nhìn ra ngoài cửa sổ gian bếp và tự hỏi ngày hôm nay rồi sẽ dẫn cô tới đâu. Cho dù là ở đâu, cô đều hiểu rõ rằng đến cuối ngày, thế giới của cô sẽ khác hẳn.
Cô biết, có lẽ chỉ là cảm xúc dâng trào nhất thời, nhưng cô thấy mình bị cuốn hút trước vị giáo sư người Mỹ một cách kỳ lạ. Ngoài vẻ điển trai, dường như anh còn sở hữu một trái tim nhân hậu. Trong cuộc sống tương lai, biết đâu Robert Langdon còn có thể là người cô gắn bó cùng.
Anh ấy sẽ chẳng bao giờ muốn mình, cô nghĩ bụng. Mình đã bị hủy hoại rồi.
Trong lúc cố nén tình cảm lại, bên ngoài cửa số có gì đó khiến cô chú ý. Cô thẳng người lên, áp mặt vào kính và đăm đăm nhìn xuống phố. “Robert, nhìn xem!”
Langdon phóng mắt nhìn xuống chiếc xe hiệu BMW đen bóng dưới phố vừa đỗ xịch trước khách sạn Pensione la Fiorentina. Người điều khiển xe dong dỏng và mạnh mẹ, mặc bộ đồ da đen và đội mũ bảo hiểm. Khi người điều khiển xe điệu nghệ bước xuống và gỡ chiếc mũ bảo hiểm đen bóng ra, Sienna có thể thấy rõ Langdon nín thở.
Cái đầu đinh của người phụ nữ kia không lẫn đi đâu được.
Ả rút ra khẩu súng quen thuộc, kiểm tra bộ phận giảm thanh, và đút súng vào túi áo khoác. Sau đó, với vẻ uyển chuyển chết người, ả bước vào khách sạn.
“Robert”, Sienna thì thào, giọng cô căng lên vì sợ hãi. “Chính phủ Mỹ vừa cử người tới giết anh.”
 


Chương 13


Robert Langdon cảm nhận được nỗi hoang mang khi anh đứng bên cửa sổ căn hộ, dán mắt về phía khách sạn bên kia phố. Người đàn bà đầu đinh vừa bước vào, nhưng Langdon không sao hiểu nổi làm cách nào ả có được địa chỉ.
Cảm giác bủn rủn chạy khắp người anh, khiến luồng tư duy của anh gián đoạn lần nữa. “Chính phủ tôi cử người tới giết tôi ư?”
Sienna cũng kinh ngạc không kém. “Robert, như thế có nghĩa là lần tấn công anh lúc đầu ở bệnh viện cũng được sự phê chuẩn của chính phủ anh.” Cô đứng dậy và kiểm tra lại khóa cửa căn hộ. “Nếu Lãnh sự Hoa Kỳ được phép giết anh…” Cô không nói hết suy nghĩ của mình, nhưng cô cũng không cần phải nói ra. Hàm nghĩa quá kinh khủng.
Họ nghĩ mình đã làm chuyện quái gì chứ? Tại sao chính phủ của mình lại săn đuổi mình?!
Lại một lần nữa, Langdon nghe thấy mấy chữ mà anh lẩm bẩm khi lảo đảo bước vào bệnh viện.
Rất xin lỗi… rất xin lỗi!
“Ở đây anh không an toàn”, Sienna nói. “Chúng ta không an toàn ở đây.” Cô ra hiệu về phía bên kia đường. “Người phụ nữ kia nhìn thấy chúng ta cùng chạy khỏi bệnh viện, và tôi dám cá chính phủ của anh cùng cảnh sát đang tìm cách truy lùng tôi. Căn hộ của tôi được cho thuê lại dưới tên của người khác, nhưng cuối cùng họ cũng sẽ tìm ra thôi.” Cô lại chú ý tới cái ống trên bàn. “Anh cần mở thứ đó ra, ngay bây giờ.”
Langdon nhìn cái ống titan, và chỉ thấy cái biểu tượng nguy hiểm sinh học.
“Cho dù bên trong ống đó là cái gì”, Sienna nói, “có lẽ đều có một mã nhận dạng, một nhãn hiệu cơ quan, một số điện thoại, đại loại thế. Anh cần thông tin. Tôi cần thông tin! Chính phủ của anh đã giết bạn tôi”.
Nỗi đau trong giọng nói của Sienna khiến Langdon choàng tỉnh khỏi cơn suy tưởng, và anh gật đầu, biết rõ cô nói đúng. “Được, tôi… rất xin lỗi.” Langdon co rúm người, lại nghe thấy những từ ấy lần nữa. Anh ngoảnh nhìn cái ống trên bàn, băn khoăn không biết bên trong giấu câu trả lời gì. “Mở nó ra có thể vô cùng nguy hiểm.”
Sienna nghĩ một lát. “Bất kỳ thứ gì bên trong đều được giữ gìn cực kỳ kỹ càng, có lẽ trong một cái ống nghiệm bằng thủy tinh Plexiglas không vỡ cũng nên. Cái ống sinh học này chỉ có một vỏ bọc bên ngoài để bảo đảm trong quá trình vận chuyển thôi.”
Langdon nhìn ra ngoài cửa sổ về phía chiếc xe máy màu đen đỗ ngay trước khách sạn. Người phụ nữ vẫn chưa đi ra, nhưng sớm muộn ả cũng đoán được rằng Langdon không ở đó. Anh tự hỏi động thái tiếp theo của ả sẽ là gì… và sẽ mất bao lâu để ả đạp tung cửa căn hộ này.
Langdon suy nghĩ để đưa ra quyết định. Anh nhấc ống titan lên và miễn cưỡng áp ngón cái của mình lên ô nhận diện vân tay. Sau một lúc, cái ống phát ra tiếng cách rất to.
Trước khi cái ống kịp khóa lại lần nữa, Langdon vặn hai nửa theo hai hướng ngược chiều nhau. Mới xoay một phần tư vòng, cái ống lại kêu “ping” lần thứ hai, và Langdon biết mình đã hoàn thành.
Hai tay Langdon ướt đẫm mồ hôi trong lúc anh tiếp tục vặn mở ống. Hai nửa xoay rất trơn tru theo những đường rãnh được gia công hoàn hảo. Anh cứ thế vặn, cảm giác như sắp mở được con búp bê Nga quý giá, ngoại trừ việc anh không hề biết thứ gì sắp rơi ra.
Sau năm lần vặn, hai nửa đã rời ra. Langdon hít một hơi thật sau, nhẹ nhàng tách chúng. Khoảng trống giữa hai nửa mở rộng, và thứ bên trong bọc cao su xốp lộ ra. Langdon đặt nó lên bàn. Lớp đệm bảo vệ trông hơi giống một quả bóng bầu dục hiệu Nerf kéo dài.
Chẳng có gì cả.
Langdon nhẹ nhàng gỡ phần trên của lớp xốp bảo vệ, cuối cùng cũng để lộ ra vật nằm bên trong.
Sienna chăm chú nhìn thứ bên trong và hếch đầu, vẻ ngơ ngác. “Rõ ràng không giống như tôi mường tượng.”
Langdon dự đoán là một dạng ống gì đó lạ lùng, nhưng thứ bên trong cái ống sinh học lại không có vẻ gì là siêu tưởng. Vật được chạm khắc công phu kia rõ ràng làm bằng ngà voi và có kích cỡ xấp xỉ một thanh kẹo Life Savers.
“Trông rất cũ”, Sienna thì thào. “Một dạng…”
“Trụ triện”, Langdon nói với cô, thở hắt ra.
Được người Sumer phát minh vào năm 3500 trước Công nguyên, trụ triện là tiền thân của các con chữ khắc dùng trong in ấn. Mỗi con triện đều được khắc những hình ảnh trang trí và có phần thân rỗng để lồng chốt trục qua, sao cho bề mặt chạm khắc có thể lăn tròn, giống như trục lăn sơn hiện đại, trên đất sét ẩm hoặc sành để “in” tuần hoàn các dải biểu tượng, hình ảnh hoặc văn tự.
Langdon phỏng đoán con triện này đương nhiên rất hiếm có và giá trị, nhưng anh vẫn không hình dung nổi tại sao nó lại được cất kín trong một cái ống titan chẳng khác gì một dạng vũ khí sinh học như vậy.
Trong khi khéo léo xoay con triện qua các ngón tay, anh nhận ra thứ này mang một hình khắc đặc biệt kinh khủng – con quỷ Satan có sừng, ba đầu đang ăn thịt ba người khác nhau cùng một lúc, mỗi miệng một người.
Thật khôi hài!
Mắt Langdon chuyển tới bảy chữ cái khắc ngay bên dưới con quỷ. Những con chữ hoa mỹ được viết đảo ngược, giống như tất cả văn tự trên trục in vậy, nhưng Langdon không gặp khó khăn gì khi đọc chúng – SALIGIA.
Sienna nheo mắt nhìn và đọc to dòng chữ. “Saligia?”
Langdon gật đầu, cảm thấy rợn người khi nghe thấy từ này được đọc to lên. “Đó là một mẹo nhớ bằng tiếng Latin được tòa thánh Vatican phát minh ra ở thời trung cổ nhằm nhắc tín đồ Thiên Chúa giáo về Bảy Trọng tội. Saligia là một từ kết hợp với các chữ cái đầu của superbia, avaritia, luxuria, invidia, gula, ira và acedia.”
Sienna cau mày. “Kiêu ngạo, tham lam, dâm ô, đố kỵ, ham ăn, giận dữ và lười biếng.”
Langdon rất ấn tượng. “Cô biết tiếng Latin.”
“Tôi theo Công giáo từ nhỏ. Tôi biết tội lỗi.”
Langdon cố mỉm cười trong lúc đưa mắt trở lại con triện, trong lòng thắc mắc tại sao nó lại được cất giữ trong một cái ống như một vật rất nguy hiểm.
“Tôi nghĩ nó làm bằng ngà voi”, Sienna nói. “Nhưng đó là xương.” Cô đẩy con triện ra chỗ có ánh nắng và chỉ vào những đường nét trên đó. “Ngà voi tạo thành đường khắc chéo song song hình kim cương với các đường kẻ vằn mờ, còn xương tạo thành các đường kẻ vằn song song và vết lỗ chỗ thẫm màu như thế này.”
Langdon nhẹ nhàng cầm con triện lên và xem xét kỹ những vệt chạm khắc. Các con triện nguyên thủy của người Sumer được chạm khắc những hình thô mộc và hình nêm. Thế nhưng, con triện này lại được chạm khắc tinh xảo hơn nhiều. Từ thời trung cổ, Langdon phán đoán. Thêm nữa, những chi tiết trang trí cho thấy chúng có mối liên hệ đáng lo ngại với những ảo giác của anh.
Sienna nhìn anh lo lắng. “Gì vậy?”
“Chủ đề tuần hoàn”, Langdon nói dứt khoát, và chỉ một những hình khắc trên con triện. “Cô thấy quỷ Satan ba đầu đang ăn thịt người này không? Đó là một hình ảnh quen thuộc từ thời trung cổ - một biểu tượng gắn liền với Cái chết Đen. Ba cái miệng đang nghiến ngấu là biểu tượng cho thấy dịch hạch tiêu diệt dân số kinh khủng thế nào.”
Sienna lo lắng liếc nhìn vào biểu tượng nguy hiểm sinh học trên ống.
Những ám chỉ tới bệnh dịch hạch đang diễn ra trong sáng nay dường như xuất hiện thường xuyên hơn anh nghĩ, và với chút do dự, anh công nhận thêm một mối liên hệ nữa. “Saligia đại diện cho tập hợp các trọng tội của loài người… mà theo quan điểm truyền bá tôn giáo trung cổ…”
“Là lý do để Chúa trời trừng phạt thế giới bằng Cái chết Đen”, Sienna lên tiếng, hoàn tất nốt ý nghĩ của anh.
“Đúng vậy.” Langdon ngừng lại, nhất thời đứt luôn mạch suy nghĩ. Anh vừa nhận ra một điều kỳ cục liên quan đến cái ống. Bình thường, một người có thể nhìn xuyên qua phần lõi rỗng của một trụ triện, như thể xuyên qua lõi một ống rỗng không, nhưng trong trường hợp này, lõi con triện lại kín mít. Có thứ gì đó được nhét bên trong mẩu xương này. Một đầu ống bắt sáng và tỏa ra ánh sáng lờ mờ.
“Có điều gì bên trong”, Langdon nói. “Và trông như được làm bằng thủy tinh.” Anh xoay ngược con triện để kiểm tra đầu bên kia, bên trong có tiếng của một vật nhỏ xíu, chạy từ đầu này mẩu xương sang đầu kia, giống như một viên bi lăn trong ống.
Langdon cứng đờ người, và anh nghe thấy rõ Sienna khẽ thở hổn hển ngay bên cạnh.
Cái quái gì thế nhỉ?!
“Anh có nghe thấy tiếng đó không?”, Sienna thì thào.
Langdon gật đầu và thận trọng nhìn vào đầu ống. “hình như chỗ hở được bịt lại nhờ… thứ gì làm bằng kim loại.” Có lẽ là nắp của ống nghiệm chẳng?
Sienna lùi lại. “Trông nó có phải… đã vỡ không?”
“Tôi không nghĩ vậy.” Anh thận trọng xoay ngược mẩu xương lần nữa để kiểm tra cái đầu có thủy tinh, và tiếng lóc xóc lại vang lên. Trong chớp mắt, phần thủy tinh bên trong trụ triện có biểu hiện hoàn toàn bất ngờ.
Nó bắt đầu phát sáng.
Mắt Sienna trợn lên. “Robert, dừng lại! Đừng cử động!”
 


Chương 14


Langdon đứng im bất động, tay giữ nguyên trong không trung, cầm trụ triện bằng xương. Rõ ràng, phần thủy tinh ở đầu ống đang phát sáng… lóe lên như thể thứ chứa bên trong đột nhiên thức dậy.
Rất nhanh, ánh sáng bên trong lại tối đen trở lại.
Sienna nhích lại gần, thở hổn hển. Cô nghiêng đầu và săm soi phần thủy tinh có thể nhìn thấy được bên trong mẩu xương.
“Nghiêng lại đi”, cô thì thào. “Thật chậm thôi.”
Langdon nhẹ nhàng xoay ngước mẩu xương. Lại một lần nữa, một vật rất nhỏ chạy lọc xọc dọc theo chiều dài mẩu xương rồi dừng lại.
“Thêm lần nữa đi”, cô nói. “Nhẹ thôi.”
Langdon lặp lại lần nữa, và mẩu xương lại có tiếng lọc xọc. Lần này, phẩn thủy tinh bên trong hơi sáng, lóe lên một lúc rồi lịm đi.
“Chắc chắn nó là một ống nghiệm”, Sienna tuyên bố, “trong có một viên bi trộn”.
Langdon đã rất quen với những viên bi trộn dùng trong các bình sơn xịt – đó là những viên bi nằm lẫn bên trong, có tác dụng trộn đều sơn khi lắc bình.
“Có thể nó chứa một dạng hợp chất hóa học lân tinh nào đó”, Sienna nói, “hoặc một cấu trúc phát quang sinh học có khả năng lóe sáng khi được kích thích”.
Langdon lại có suy nghĩ khác. Vốn đã từng thấy các loại que phát sáng hóa học và thậm chí cả những phiêu sinh vật phát sáng sinh học có khả năng sáng lên khi một chiếc thuyền khuấy đảo môi sinh của chúng, nhưng anh gần như tin chắc rằng cái ống trụ trong tay mình không hề chứa thứ nào trong số này. Anh nhẹ nhàng xoay cái ống thêm vài lần nữa cho tới khi nó lóe sáng, sau đó giữ phần đầu phát sáng trên bàn tay mình. Đúng như mong đợi, một quầng sáng màu đỏ nhạt xuất hiện, rọi thẳng lên da anh.
Rất vui biết rằng một người có IQ 208 đôi khi cũng nhầm lẫn.
“Nhìn cái này xem”, Langdon nói, và bắt đầu lắc mạnh cái ống. Vật bên trong lọc xọc chạy lên chạy xuống, càng lúc càng nhanh.
Sienna nhảy lùi lại. “Anh đang làm gì thế?”
Tay vẫn lắc cái ống, Langdon bước lại phía công tắc đèn và tắt đi, khiến cho gian bếp tối hẳn. “Bên trong không phải ống nghiệm đâu”, anh nói, tay vẫn lắc mạnh hết sức. “Nó là đèn rọi Faraday đấy.”
Langdon từng được một sinh viên tặng thiết bị tương tự - một cái đèn rọi tia laser dùng cho các giảng viên không thích việc lãng phí những cục pin AAA, và không ngại chuyện lắc mạnh đèn rọi trong vài giây để biến nguồn năng lượng động lực học của đèn thành điện năng. Khi lắc mạnh thiết bị này, viên bi kim loại bên trong sẽ chạy qua hàng loạt chi tiết hình mái chèo và vận hành một máy phát điện nhỏ xíu. Rõ ràng có người đã quyết định nhét đèn rọi này vào một mẩu xương rỗng có chạm khắc – lớp vỏ cổ xưa bao bọc lấy thứ đồ chơi điện tử hiện đại.
Đầu chiếc đèn rọi trong tay anh lúc này sáng lên rực rỡ. Langdon nhìn Sienna, cười nhăn nhó. “Đến giờ trình diễn.”
Anh chĩa chiếc đèn rọi vỏ xương vào một khoảng trống trên tường bếp. Khi mảng tường sáng lên, Sienna hít một hơi thảng thốt. Nhưng chính Langdon mới là người giật nảy mình vì kinh ngạc.
Khoảng sáng xuất hiện trên tường không phải là một đốm laser màu đỏ nhỏ bé. Nó là một bức tranh sinh động có độ phân giải cao phóng ra từ cái ống chẳng khác gì từ một máy chiếu kiểu cũ.
Chúa ơi! Tay Langdon hơi run khi anh nhìn khung cảnh hãi hùng trên bức tường trước mặt. Thảo nào mình cứ nhìn thấy hình ảnh chết chóc.
Bên cạnh anh, Sienna lấy tay che miệng và ngập ngừng bước lên một bước, rõ ràng thất thần vì những gì cô đang nhìn thấy.
Khung cảnh phóng ra từ mẩu xương chạm trổ kia là một bức tranh cũ về nỗi khổ của con người – hàng nghìn linh hồn trải qua những hình thức tra tấn kinh khủng ở các tầng địa ngục. Thế giới trong lòng đất được khắc họa như một lát cắt dọc của trái đất thành một cái hồ hình phễu sâu thăm thẳm. Hố địa ngục này được chia thành nhiều cấp thu hẹp dần, theo mức độ hình phạt tăng dần, mỗi tầng thuộc về một nhóm những kẻ tội đồ bị hành hạ.
Langdon nhận ra cảnh này ngay lập tức.
Kiệt tác trước mặt anh – La Mappa dell’Inferno (Vực Địa ngục) – do Sandro Botticelli, một trong những họa sĩ Ý kiệt xuất thời Phục Hưng, vẽ ra. Là bản sơ đồ chi tiết về địa ngục, 'Vực Địa ngục' là một trong những hình ảnh đáng sợ nhất về cõi chết từng được sáng tạo ra. Tối tăm, u ám, và đáng sợ, ngay cả thời đại bây giờ, bức tranh cũng khiến nhiều người sững sờ bất động. Khác với bức 'Primavera' (Câu chuyện mùa xuân) hay 'Thần Vệ nữ chào đời' đầy sức sống và rực rỡ của mình, Botticelli tạo ra 'Vực Địa ngục' bằng tông màu trầm, gồm đỏ, nâu đỏ và nâu.
Cơn đau đầu dữ dội đột ngột trở lại, và cũng như lần đầu tiên kể từ lúc tỉnh dậy trong bệnh viện xa lạ, Langdon cảm thấy dường như từng mảnh ghép đã tự nhảy vào đúng vị trí của nó. Những ảo giác kinh dị của anh được kích thích do nhìn thấy bức vẽ nổi tiếng này.
Chắc chắn mình đã nghiên cứu bức Vực Địa ngục của Botticelli, anh nghĩ thầm, dù không nhớ được lý do tại sao.
Mặc dù bản thân hình ảnh trước mắt đã rất khó chịu nhưng chính lai lịch của bức vẽ mới là thứ khiến Langdon lúc này càng thêm bồn chồn. Langdon biết rõ rằng ý tưởng ra đời của kiệt tác mang tính tiên tri này không phải khởi nguồn trong tâm trí của Botticelli… mà trong tâm trí của một người sống trước ông ấy hai trăm năm.
Một kiệt tác nghệ thuật từ cảm hứng của người khác.
Trên thực tế, Vực Địa ngục của Botticelli là món quà sành tặng một tác phẩm văn học ở thế kỷ XIV, kiệt tác này đã trở thành một trong những áng văn chương được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử… Một bức tranh khủng khiếp về địa ngục còn vang vọng đến tận ngày nay.
Hỏa ngục của Dante.
o O o
Bên kia phố, Vayentha lặng lẽ leo lên cầu thang dành riêng cho nhân viên phục vụ, nấp ở thềm tầng áp mái của khách sạn Pensione la Fiorentina vẫn đang im lìm. Langdon đã đưa số phòng không có thật cùng một địa điểm hẹn gặp giả cho nhân viên lãnh sự - một “cuộc gặp trong gương” như cách gọi trong nghề của ả - kỹ năng nghiệp vụ quen thuộc giúp người ta đánh giá tình hình trước khi tiết lộ vị trí thật của mình. Lúc nào cũng vậy, địa điểm giả hoặc “trong gương” được lựa chọn bởi vì nó nằm trong tầm quan sát hoàn hảo từ vị trí thật của chủ thể.
Vayentha tìm một cao điểm kín đáo trên nóc nhà để từ đó ả có thể nhìn bao quát toàn bộ khu vực. Ả từ từ đưa mắt nhìn lên tòa nhà chung cư bên kia phố.
Đến lượt ngài đó, thưa ngài Langdon.
o O o
Thời điểm đó, trên boong tàu The Mendacium, Thị Trưởng bước ra phần sàn tàu bằng gỗ gụ và hít một hơi thật sâu, thưởng thức không khí mằn mặt của biển Adriatic. Con tàu này là ngôi nhà của ông ta đã nhiều năm, và lúc này đây, một loạt sự kiện đang diễn ra ở Florence đang đe dọa hủy hoại tất cả mọi thứ mà ông ta đã gây dựng.
Đặc vụ ngoại tuyến Vayentha đã để mọi việc lâm vào thế rủi ro, và ả phải đối mặt với một cuộc thẩm vấn sau khi nhiệm vụ này kết thúc, song ngay lúc này, Thị Trưởng cần đến ả.
Tốt nhất là cô ta phải giành lại quyền kiểm soát mớ bòng bong này.
Có tiếng bước chân đang nhanh nhẹn tiến lại gần từ phía sau, Thị Trưởng quay lại và thấy một nữ chuyên gia phân tích đang bước đến.
“Thưa ngài?”, chuyên gia phân tích lên tiếng, gần như ngộp thở. “Chúng ta có tin mới.” Giọng cô ta xuyên qua không khí buổi sáng với sắc thái dữ dội hiếm thấy. “Có vẻ Robert Langdon vừa truy cập vào tài khoản e-mail Harvard của anh ta từ một địa chỉ IP không rõ.” Cô ta dừng lại, mắt nhìn thẳng vào Thị Trưởng. “Giờ có thể lần ra vị trí chính xác của Langdon.”
Thị Trưởng sững sờ vì thấy có người đần độn đến thế. Mọi việc thay đổi rồi. Ông ta khum tay và đăm đăm nhìn về bờ biển, suy ngẫm cho hết mọi nhẽ. “Cô có biết vị trí của đội SRS không?”
“Vâng, thưa ngài. Cách chỗ của Langdon chưa đầy hai dặm.”
Thị Trưởng chỉ mất một khắc để đưa ra quyết định.
 


Chương 15


“Hỏa ngục của Dante”, Sienna thì thào, vẻ mặt hết sức chăm chú khi cô nhích lại gần hình ảnh ảm đạm mô tả địa ngục đang chiếu trên tường bếp nhà mình.
Hình ảnh địa ngục của Dante, Langdon nghĩ thầm, thể hiện bằng màu sắc sống động.
Được ca tụng là một trong những tác phẩm văn học xuất sắc, Hỏa ngục là tập đầu trong ba tập sách thuộc bộ Thần khúc của Dante Alighieri – một trường ca gồm mười bốn nghìn hai trăm ba mươi ba câu thơ mô tả chuyến du hành đầy mạo hiểm của Dante tới địa ngục, vượt qua luyện ngục, và cuối cùng tới thiên đường. Trong ba phần của Thần khúc – Hỏa ngục, Luyện ngục và Thiên đường – cho đến nay Hỏa ngục được đọc và nhớ đến nhiều nhất.
Được Dante Alighieri biên soạn vào đầu những năm 1300, Hỏa ngục thực sự định nghĩa lại những quan niệm thời trung cổ về kiếp đọa đày. Trước đó khái niệm “địa ngục” chưa bao giờ khiến công chúng say mê như vậy. Chỉ qua một đêm, tác phẩm của Dante đã củng cố khái niệm trừu tượng về địa ngục thành một hình ảnh rõ ràng và đáng sợ - rất bản năng, cảm nhận được, và không thể nào quên. Chẳng có gì lạ, sau khi trường ca ra đời, Nhà thờ Công giáo thấy ngay số người nhập giáo là những kẻ phạm tội tăng vọt, vì muốn tránh khỏi kiếp nạn ở địa ngục mà Dante mới vẽ ra.
Còn ở đây, theo mô tả của Botticelli, hình ảnh địa ngục đáng sợ của Dante có cấu trúc như một cái phễu hành xác dưới lòng đất – một khung cảnh kinh khủng với lửa, lưu huỳnh, cống rãnh, quái vật và cả quỷ Satan chờ đợi ở trung tâm. Cái hố tạo thành chín cấp độ khác nhau, Chín tầng địa ngục, nơi những kẻ tội đồ bị đày xuống tùy theo mức độ tội lỗi của họ. Gần đỉnh, dám dâm ô hay “những kẻ gian tà nhục dục” bị cuốn vào cơn bão bất tận, một biểu tượng về sự bất lực của họ trong việc kiểm soát dục vọng. Bên dưới, những kẻ tham ăn bị buộc phải nằm úp mặt vào một cái rãnh tởm lợm, miệng dính đầy những thứ sản phẩm do chính thói ăn uống vô độ của mình thải ra. Sâu hơn, những kẻ dị giáo bị kẹp trong những quan tài đang cháy, bị hành hạ trong ngọn lửa vĩnh cửu. Và cứ như vậy… kẻ mắc tội lỗi càng xấu xa thì càng bị đày xuống sâu hơn.
Trong suốt bảy thế kỷ kể từ khi ra đời, hình ảnh địa ngục đầy ám ảnh của Dante đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ bản, cách diễn giải và biến tấu của những bộ óc sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử. Longfellow, Chaucer, Marx, Milton, Balzac, Borges, và thậm chí một vài Đức Thánh Cha đều đã viết những tác phẩm dựa trên Hỏa ngục của Dante. Monteverdi, Liszt, Wagner, Tchaikovsky, và Puccini đã biên soạn những nhạc phẩm dựa trên tác phẩm của Dante, và một trong những nghệ sĩ thu âm mà Langdon yêu thích – Loreena McKennitt – cũng vậy. Ngay cả thế giới trò chơi điện tử và các ứng dụng trên iPad cũng không thiếu những sản phẩm liên quan đến Dante.
Langdon, vốn rất háo hức chia sẻ với sinh viên về những biểu tượng phong phú trong cách nhìn của Dante, từng nhiều lần dạy hẳn một khóa học về chuỗi hình ảnh thường xuyên được tái hiện tìm thấy cả trong Dante và các tác phẩm mang cảm hứng của ông qua nhiều thế kỷ.
“Robert”, Sienna nói, tiến lại gần hơn hình ảnh trên tường. “Nhìn chỗ này xem!” Cô chỉ vào một khu vực gần đáy của địa ngục hình phễu.
Khu vực cô chỉ vẫn được biết đến như là Malebolge – nghĩa là “rãnh quỷ”. Đó là tầng thứ tám và cũng là tầng áp chót của địa ngục, được chia thành mười rãnh riêng biệt, mỗi rãnh dành cho một tội gian dối cụ thể.
Lúc này Sienna càng phấn khích hơn. “Nhìn xem! Không phải chính anh nói, trong giấc mơ, anh nhìn thấy thứ này sao?”
Langdon nheo mắt nhìn vị trí Sienna chỉ, nhưng anh chẳng thấy gì cả. Cái máy chiếu nhỏ xíu đang cạn năng lượng, và hình ảnh bắt đầu nhòe đi. Anh nhanh nhẹn lắc mạnh tay cho tới khi nó tiếp tục phát sáng. Lúc đó, anh cẩn thận đặt nó lùi xa bức tường hơn, ngay trên mép chiếc bàn bên kia khu bếp nhỏ, để nó phóng ra hình ảnh lớn hơn nữa. Langdon tiến lại chỗ Sienna, nhích sang bên để nghiên cứu đồ hình.
Sienna lại chỉ xuống tầng địa ngục thứ tám. “Nhìn đây. Không phải chính anh nói ảo giác của anh có một đôi chân thò lên khỏi mặt đất chổng ngược lên trời và có chữ R à?” Cô chạm tay hẳn vào một vị trí xác định trên tường. “Chúng đây thôi!”
Langdon đã xem bức tranh này rất nhiều lần, rãnh thứ mười ở Malebolge lúc nhúc những kẻ tội đồ bị chôn nửa người đầu lộn xuống dưới, chân thò lên khỏi mặt đất. Nhưng rất lạ, trong bản này, một đôi chân lại có chữ R, viết bằng bùn, đúng như Langdon đã nhìn thấy trong ảo giác.
Chúa ơi! Langdon chăm chú nhìn chi tiết nhỏ xíu đó. “Chữ R đó… chắc chắn nó không có trong bản gốc của Botticelli!”
“Còn một chữ nữa này”, Sienna nói và chỉ tay.
Langdon nhìn theo ngón tay cô tới một rãnh khác trong Malebolge, nơi chữ E viết nguệch ngoạc trên người một nhà tiên tri giả danh bị vặn ngược đầu ra sau.
Quái quỷ gì vậy? Bức vẽ này đã bị chỉnh sửa.
Giờ đây những chữ cái khác hiện ra trước mắt anh, được viết nguệch ngoạc trên những kẻ tội đồ ở khắp mười rãnh Malebolge. Anh nhìn thấy chữ C trên người một kẻ lừa gạt bị quỷ dữ đánh đập… chữ R trên một tên trộm bị đàn rắn cắn xé… chữ A trên người một chính trị gia đồi bại bị dìm trong bể hắc ín sôi sùng sục.
“Những chữ cái này”, Langdon nói đầy chắc chắn, “nhất định không có trong bản gốc của Botticelli. Bức ảnh này đã bị chỉnh sửa bằng kỹ thuật số”.
Anh đưa mắt lên rãnh Malebolge trên cùng và bắt đầu đọc các chữ cái từ trên xuống, lần lượt qua mười rãnh.
C… A… T… R… O… V… A… C… E… R
“Catrovacer?”, Langdon nói. “Đây là tiếng Ý à?”
Sienna lắc đầu. “Cũng không phải tiếng Latin. Tôi không nhận ra.”
“Một… chữ ký chăng?”
“Catrovacer?” Cô nhìn đầy vẻ nghi ngờ. “Tôi thấy không giống một cái tên cho lắm. Nhưng nhìn chỗ kia xem.” Cô chỉ tay vào một trong rất nhiều nhân vật ở rãnh Malebolge thứ ba.
Khi nhìn thấy nhân vật đó, Langdon lập tức có cảm giác ớn lạnh. Trong vô số những kẻ tội đồ ở rãnh thứ ba có một hình ảnh mang tính biểu tượng từ thời trung cổ - một người mặc áo choàng đeo mặt nạ có mỏ chim và ánh mắt chết chọc.
Mặt nạ dịch hạch.
“Trong bản gốc của Botticelli có bác sĩ dịch hạch không?”, Sienna hỏi.
“Chắc chắn là không. Nhân vật đó mới được thêm vào.”
“Thế Botticelli có ký tên bản gốc của mình không?”
Langdon không thể nhớ nổi, nhưng khi ánh mắt anh nhích xuống góc phải bên dưới nơi thường có chữ ký, anh nhận ra tại sao cô lại hỏi vậy. Không hề có chữ ký, nhưng nhìn thấy rõ dọc phần mép màu nâu sẫm của bức vẽ là một dòng chữ nhỏ xíu viết rời nhau: la verità è visibile solo attraverso gli occhi della morte.
Vốn tiếng Ý của Langdon đủ để anh hiểu được ý chính: “Chân lý chỉ có thể được nắm bắt qua cặp mắt chết chóc”.
Sienna gật đầu. “Thật kỳ lạ!”
Hai người đứng lặng trong khi hình ảnh đáng sợ trước mắt từ từ nhòa đi. Hỏa ngục của Dante, Langdon nghĩ thầm. Truyền cảm hứng cho những tác phẩm nghệ thuật mang tính tiên tri kể từ năm 1330.
Khóa học của Langdon về Dante luôn có hẳn một phần về các tác phẩm nghệ thuật trứ danh lấy cảm hứng từ Hỏa ngục. Ngoài Vực Địa ngục nổi tiếng của Botticelli, còn có chi tiết điêu khắc không nhuốm màu thời gian Ba Vong linh trong bức chạm Cổng Địa ngục của Rodin [10]… Hình vẽ lão chèo đò Phlegyas [11] của Stradanus đang chèo qua những xác người chìm trên con sông Styx… Những kẻ tội đồ tham lam đang lăn lộn trong cơn bão vĩnh cửu của William Blake… Hình ảnh gợi dục lạ lùng mô tả Dante và Virgil đang nhìn hai người đàn ông khỏa thân đánh nhau của Bouguereau… Những linh hồn bị hành hạ đang co rúm dưới cơn mưa những hòn lửa bỏng rát của Bayros… Loạt tranh màu nước và khắc gỗ kỳ lạ của Salvador Dalí… và tuyển tập đồ sộ tranh khắc axit đen trắng của Doré mô tả mọi thứ từ lối vào Địa ngục… tới nhân vật Satan có cánh.
Giờ đây, dường như phiên bản địa ngục trong trường ca của Dante không chỉ ảnh hưởng đến những nghệ sĩ đáng kính nhất trong suốt chiều dài lịch sử. Rõ ràng, nó còn truyền cảm hứng cho một nhân vật nữa – một sinh linh quằn quại đã thay đổi bức vẽ nổi tiếng của Botticelli bằng kỹ thuật số, cho thêm mười chữ cái, một bác sĩ dịch hạch, và ký một dòng chữ đầy đe dọa nói về việc nhìn ra chân lý qua con mắt của tử thần. Nghệ sĩ này còn cất giữ bức vẽ trong một máy chiếc công nghệ cao được giấu trong mẩu xương được chạm trổ kỳ quái.
Langdon không thể nghĩ ra ai đã tạo ra một tác phẩm như vậy, nhưng giờ đây, vấn đề này dường như chỉ là thứ yếu trước một câu hỏi đáng ngại hơn nhiều.
Thế quái nào mình lại mang theo thứ này?
o O o
Khi Sienna đứng bên Langdon trong gian bếp và ngẫm nghĩ về hành động tiếp theo của mình, bất ngờ có tiếng động cơ phân khối lớn gầm lên từ đoạn phố phía dưới. Tiếp đến là tiếng rít của lốp xe và tiếng cửa xe hơi đóng mạnh.
Không hiểu chuyện gì, Sienna lao tới bên cửa sổ và nhìn ra ngoài.
Một chiếc xe thùng không biển số màu đen phanh gấp và dừng lại dưới phố. Từ trên xe ùa ra một nhóm người, tất cả đều mặc đồng phục đen với phù hiệu màu xanh lục hình tròn trên vai trái. Họ lăm lăm súng trường tự động và di chuyển đúng dáng dấp của nhà binh. Không chút do dự, bốn người lính lao tới lối vào tòa chung cư.
Sienna cảm thấy máu trong mình đông cứng. “Robert!”, cô hét lên. “Tôi không biết họ là ai, nhưng họ tìm thấy chúng ta rồi!”
o O o
Dưới phố, đặc vụ Christoph Brüder hét to ra lệnh cho người mình xông vào tòa nhà. Anh ta là người có vóc dáng vạm vỡ, những năm tháng trong quân ngũ đã rèn luyện anh ta thành người chỉ biết thực thi nhiệm vụ một cách vô cảm và chấp hành mệnh lệnh chỉ huy. Anh ta biết rõ nhiệm vụ của mình, và biết cả những mới nguy hiểm.
Tổ chức mà anh ta phục vụ bao gồm nhiều đơn vị, nhưng đơn vị của Brüder – Giám sát và Hỗ trợ Phản ứng SRS – chỉ được triệu tập khi có một tình huống lâm vào thế “khủng hoảng”.
Khi người của mình mất hút trong tòa nhà, Brüder đứng canh cửa trước, móc thiết bị liên lạc và liên hệ người cần gặp.
“Brüder đây”, anh ta nói. “Chúng ta đã lần ra Langdon nhờ địa chỉ IP máy tính của anh ta. Nhóm của tôi đang tiến vào. Tôi sẽ thông báo khi chúng tôi bắt được anh ta.”
o O o
Phía trên đầu Brüder, nơi thềm tầng mái khách sạn Pensione la Fiorentina, Vayentha kinh hãi trợn mắt nhìn xuống đám đặc vụ đang lao vào tòa nhà chung cư như không tin vào mắt mình.
Bọn họ làm cái quái gì ở đây thế?!
Ả lùa một tay vào mái tóc đinh, và chợt hiểu những hậu quả kinh khủng từ điệp vụ thất bại của mình đêm qua. Chỉ sơ sểnh một chút, tất cả đã thay đổi vượt khỏi tầm kiểm soát. Chuyện ban đầu tưởng như chỉ là một điệp vụ đơn giản… giờ đã biến thành một cơn ác mộng hiện hữu.
Nếu đội SRS ở đây thì mọi việc với mình chấm hết rồi.
Vayentha cuống quýt vớ lấy thiết bị liên lạc hiệu Sectra Tiger XS và gọi cho Thị Trưởng.
“Thưa ngài”, ả lắp bắp. “Đội SRS ở ngay đây! Người của Brüder đang tràn vào tòa chung cư bên kia phố!”
Ả đợi phản ứng phía bên kia, nhưng chỉ nghe thấy những tiếng lách cách sắc lạnh trên máy, rồi một giọng nói điện tử rất bình thản vang lên, “Giao thức từ chối bắt đầu”.
Vayentha hạ điện thoại và nhìn màn hình, vừa kịp thấy thiết bị liên lạc đã mất.
Mặt cắt không còn giọt máu, Vayentha cố ép mình phải chấp nhận những gì đang diễn ra. Consortium vừa chấm dứt tất cả mọi liên lạc với ả.
Không liên lạc. Không giao thiệp.
Mình đã bị từ chối.
Cảm xúc bàng hoàng chỉ thoáng qua.
Tiếp đến là nỗi sợ hãi.
 
×
Quay lại
Top