Hồ sơ ĐH-CĐ phía Nam: Kinh tế, xã hội “mất giá”

seoseo2011

Thành viên
Tham gia
9/5/2011
Bài viết
26
Hồ sơ ĐH-CĐ phía Nam: Kinh tế, xã hội “mất giá”

Bài viết cập nhật ngày 09/05/2011

Hồ sơ ĐH-CĐ phía Nam: Kinh tế, xã hội “mất giá”

(giao duc) - Hầu hết hồ sơ vào các trường đều giảm, đặc biệt là các trường khối xã hội, kinh tế. Trong khi đó một số trường ĐH đa ngành, ĐH địa phương lại được rất nhiều thí sinh lựa chọn khiến lượng hồ sơ tăng đáng kể.
Sáng 7-5 tại TP.HCM, sở GD-ĐT các tỉnh phía Nam đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi ĐH-CĐ cho các trường. Không chỉ khối C nói riêng, khối ngành xã hội nói chung đang mất dần sức hút trong kỳ tuyển sinh năm nay khi lượng hồ sơ giảm đều ở các trường.
Nông lâm, sư phạm tăng
TS Phạm Tấn Hạ - phó phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) - cho biết tổng hồ sơ nộp vào trường khoảng 11.000, giảm gần 2.000 bộ so với năm trước. Trong đó khối D1 có 5.800 bộ, khối C 3.700, khối A và B lượng hồ sơ không đáng kể.
Lượng hồ sơ vào Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng giảm khoảng 200 bộ so với năm 2010 khi chỉ nhận được trên 1.800 hồ sơ.
Không chỉ khối ngành xã hội, các trường khối kinh tế dù rất “nóng” trong các năm trước nhưng năm nay đều chứng kiến sự sụt giảm hồ sơ. Trong đó giảm mạnh nhất là Trường ĐH Tài chính - marketing. Trường này nhận được khoảng 31.000 hồ sơ, giảm 5.000 bộ so với năm trước. Ngành quản trị kinh doanh có lượng hồ sơ nhiều nhất trong số các ngành đào tạo của trường. Hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) cũng giảm gần 3.000 bộ khi chỉ nhận được khoảng 9.700 hồ sơ. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng giảm khoảng 1.000 hồ sơ khi nhận gần 23.000 bộ. Cùng cảnh ngộ với các trường nhóm kinh tế là Trường ĐH Sài Gòn. Lượng hồ sơ vào trường này gần 40.000, giảm hơn 12.000 hồ sơ so với năm 2010.
ĐHQG TP.HCM nhận được 56.276 hồ sơ, giảm gần 6.000 bộ so với năm 2010. Ngoại trừ các trường ĐH Bách khoa, Quốc tế, Khoa Y có lượng hồ sơ tăng nhẹ, các trường thành viên còn lại đều có lượng hồ sơ giảm so với năm trước. Trong đó, lượng hồ sơ vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên giảm mạnh đến 5.000 bộ so với năm 2010 khi chỉ có 14.500 bộ. Cô Nguyễn Thị Hiếu - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên - cho biết đây là quy luật của trường trong nhiều năm nay. Năm trước tăng, năm sau sẽ giảm. Tuy nhiên điểm chuẩn vào trường thường ít phụ thuộc vào số lượng hồ sơ nên cũng sẽ ít có biến động. Ở khối kỹ thuật, lượng hồ sơ không có nhiều biến động. Hầu hết các trường đều có lượng hồ sơ tương đương năm trước. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM nhận được 16.500 hồ sơ, ngang bằng năm 2010.
Trong khi đó, nhiều trường nhóm ngành nông lâm, ĐH đa ngành lại có lượng hồ sơ tăng đáng kể. Trường ĐH Cần Thơ có lượng hồ sơ cao ngất với trên 82.000 hồ sơ. Trong đó các khối A, B, D đều tăng so với năm 2010, riêng khối C giảm hơn 1.600 bộ khi chỉ có khoảng 7.000 hồ sơ. Hồ sơ vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cũng tăng hơn 5.000 bộ. Tổng hồ sơ trường này nhận được là 47.500. Đáng chú ý nhất là Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, lượng hồ sơ vào trường tăng 100% so với năm 2010 với hơn 81.000, con số lớn nhất từ trước đến nay của trường này.
Năm nay thí sinh khu vực phía Nam “để ý” đến nhóm ngành sư phạm nhiều hơn khi hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tăng khoảng 2.000 bộ so với năm rồi. Ở bậc CĐ, các Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, Công thương TP.HCM, Tài chính hải quan có lượng hồ sơ áp đảo so với các trường còn lại.
Chuộng trường gần nhà
Một trong những điểm chung trong xu thế chọn trường của thí sinh năm nay đó là các trường ĐH địa phương, ĐH “gần nhà” được phần lớn học sinh ưu tiên lựa chọn. Thống kê từ các sở GD-ĐT cho thấy đa số học sinh chọn thi ở các trường ĐH đóng trên địa bàn. Chẳng hạn hơn 80% học sinh Cần Thơ dự thi vào Trường ĐH Cần Thơ, gần 50% học sinh Đồng Tháp chọn thi vào ĐH Đồng Tháp, Cần Thơ và CĐ Cộng đồng Đồng Tháp, khoảng 1/3 học sinh Gia Lai chọn thi tại Trường ĐH Quy Nhơn, Tây Nguyên, Trường ĐH Tiền Giang được học sinh tỉnh này chọn thi nhiều nhất với trên 3.000 hồ sơ, 50% học sinh An Giang chọn thi vào Trường ĐH An Giang...
Những trường ĐH địa phương mới thành lập như Thủ Dầu Một, Đồng Nai cũng được nhiều học sinh địa phương lựa chọn. Bà Dương Thanh Nga, phó phòng GDTX-CN Sở GD-ĐT Bình Dương, cho biết dù mới được nâng cấp lên ĐH nhưng Trường ĐH Thủ Dầu Một được học sinh Bình Dương lựa chọn nhiều nhất với trên 2.500 hồ sơ.
Theo nhận định của nhiều sở GD-ĐT, công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông đã phần nào định hướng cho học sinh chọn trường phù hợp. Ngoài việc tăng khả năng trúng tuyển do điểm chuẩn các trường này không cao, học gần nhà cũng sẽ thuận tiện hơn trong học tập, sinh hoạt và tiết kiệm kinh phí cho gia đình. Tuy nhiên, số học sinh trường chuyên, học sinh khá giỏi ít chọn trường địa phương để dự thi.

Hồ sơ ảo giảm
Thống kê từ hầu hết các sở GD-ĐT cho thấy lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm 2011 tăng từ 5-7% so với năm 2010. Tuy nhiên theo đánh giá của các sở, hồ sơ tăng nhưng tỉ lệ ảo sẽ giảm bởi bình quân hồ sơ trên mỗi học sinh đều giảm so với các năm trước. Ông Đỗ Trọng Tạo - Phòng giáo dục chuyên nghiệp Lâm Đồng - cho biết tổng học sinh và thí sinh tự do của tỉnh gần 17.000 trong khi chỉ có gần 34.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Như vậy bình quân chưa tới hai hồ sơ/thí sinh. Cùng quan điểm, lãnh đạo phòng giáo dục chuyên nghiệp nhiều địa phương khác như Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Đắk Lắk, An Giang... đều có chung nhận định hồ sơ tăng là do số học sinh tăng, không phải do hồ sơ ảo. Theo những sở GD-ĐT này, bình quân mỗi học sinh nộp khoảng hai hồ sơ, số học sinh nộp trên ba hồ sơ không nhiều.
 
×
Quay lại
Top