Hiểu về trái tim - Cuốn sách chữa lành nỗi đau

svthichdocsach

Thành viên
Tham gia
14/10/2013
Bài viết
30
Vâng, đó là lời nhận định của GS.TS Trần Văn Khê trong lời giới thiệu cho cuốn sách “Hiểu về trái tim” của tác giả Minh Niệm ( NXB Trẻ 2010). Theo GS.TS Trần Văn Khê thì “… Để chữa lành những tổn thương và nỗi đau, cách tốt nhứt và hữu hiệu nhứt là cần hiểu rõ được trái tim, tâm hồn của mình và của người khác, cuốn sách Hiểu về trái tim chính là cuốn sách giúp bạn đọc làm được điều đó: Hiểu rõ và chữa lành trái tim, tâm hồn của mình và của những người xung quanh, để mọi người được sống trong hạnh phúc và yêu thương…”

Với 50 bài viết được trình bày rất chân phương, dễ hiểu nhưng sâu sắc, Hiểu về trái tim là sự chia sẻ những trải nghiệm thực tế giúp bạn đọc chữa lành những vết thương lòng, xoa dịu nỗi đau và san sẻ tình thương với những nỗi niềm khốn khó. Bên cạnh giá trị giáo dục sâu sắc, cuốn sách còn mang sứ mệnh nhân văn cao cả, đó là chiếc cầu nối yêu thương để đem lại trái tim khỏe mạnh cho trẻ em khó khăn trong xã hội. Bởi toàn bộ lợi nhuận thu được từ việc phát hành cuốn sách này được đưa vào quỹ “ Chi hội từ thiện Hiểu về trái tim” (*) nhằm gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo mổ tim và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.

KenhSinhVien-hieuvett.jpg



50 bài viết trong cuốn sách đề cập đến những vấn đề mà mỗi người trong đời thường, hầu như cũng từng hoặc sẽ trải qua. Đó là khổ đau, hạnh phúc ,tình thương, tức giận, chịu đựng, ghen tuông, tha thứ, sòng phẳng, nâng đỡ, cô đơn, nghi ngờ… mà theo như tác giả thì đó là “… những gì mình đã khám phá và trải nghiệm để chia sẻ với mọi người.”

Tác giả là một vị thiền sư nhưng độc giả Công giáo vẫn có thể tìm thấy trong các bài viết của ông những tâm tình gần với Kitô giáo, nhất là những bài viết về tình yêu, sự tha thứ, đức khiêm cung hoặc tâm tình sám hối, tạ ơn…

Với những trang viết dung dị, dễ hiểu về sự sám hối, tác giả đã cho thấy “… Khắc phục và chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây ra là điều cần thiết phải làm, song thái độ ăn năn hối cải về những hành động của mình và tìm cách thay đổi chính mình để không lặp lại lỗi lầm ấy mới đích thực là việc làm quan trọng hàng đầu của kẻ phạm lỗi. Thái độ ấy chính là sám hối...”; hay khi nói về việc tha thứ, vị thiền sư đã nhìn vào sự yếu đuối của con người trần gian để nói với họ mà cũng như nói với chính mình: “… Tuy ta không phải là bậc thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lỗi lầm của con người, nhưng nếu trái tim ta còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì thêm nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược có thể chữa trị mọi nỗi khổ niềm đau cho kẻ được tha thứ và cả người tha thứ…”.

Điều đặc biệt của Hiểu về trái tim là mỗi cuốn sách phát hành có kèm theo một đĩa DVD với sự tham gia diễn đọc ( các bài trong sách) của 50 nghệ sĩ nổi tiếng trong các lĩnh vực ca nhạc, điện ảnh, thời trang, sân khấu… Đây được xem như 50 “ Đại sứ Trái tim”, cùng góp phần vào việc giúp trẻ em có hòan cảnh khó khăn ở khắp nơi.

(*) Chi hội từ thiện Hiểu về trái tim vừa chính thức ra mắt ngày 15.7.2010 tại TP.HCM, với sự tham gia của các nghệ sĩ, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cùng các doanh nhân có tâm huyết và chung tấm lòng muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong xã hội, đặc biệt là các trẻ nghèo bị bệnh tim bẩm sinh, trẻ cơ nhỡ… Chi hội là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì cộng đồng dưới sự bảo trợ của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM.

(Theo Lan Giao, tạp chí Công giáo và Dân tộc)
 
Giá trị của khổ đau

Ta đừng bao giờ quên rằng ta không phải là một cá thể tồn tại biệt lập. Ta phải luôn chịu sự tương tác của bao nguồn lực xung quanh, từ bạn bè, gia đình, đến xã hội và cả vũ trụ bao la nữa. Dù ta có tài năng đến đâu, dù ta có chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức nào, thì những điều bất như ý vẫn cứ xảy ra theo lẽ tự nhiên của nó. Có thành thì phải có bại, có hợp thì phải có tan. Tại sao ta chỉ muốn thành và hợp, còn bại và tan để cho ai? Lúc may mắn sao ta không tự hỏi mình có thật xứng đáng với những thành quả ấy và có nên đón nhận nó hay không. Vậy mà mỗi khi gặp xui rủi thì ta lại khóc than ầm ĩ, đòi hỏi sự công bằng. Ta đã hưởng thụ quá nhiều từ những tặng phẩm của vũ trụ rồi thì lâu lâu bị vũ trụ lấy lại để chia sớt cho kẻ khác, thiết tưởng đó cũng là lẽ tự nhiên chứ đâu có gì là thua thiệt!

Đối với những mất mát quá lớn thì tất nhiên phải cần có thời gian ta mới chấp nhận hoàn toàn được, nên việc phản ứng lại cũng là lẽ thường tình. Nhưng có những điều quá đỗi bình thường, nếu không nói là quá tầm thường mà ta cũng than khổ thì đó là lỗi của ta. Như trời mưa cũng khổ, kẹt xe cũng khổ, bị lỗi hẹn cũng khổ, thức ăn không vừa miệng cũng khổ, chiều cao không như ý cũng khổ, mau già cũng khổ, không ai hỏi thăm cũng khổ, được nhiều người thương cũng khổ… Những nỗi khổ ấy là do nơi hoàn cảnh hay vì lòng tham của ta quá lớn? Hãy bình tâm nhìn lại xem! Không ai có thể làm cho ta khổ được cả, nếu ta có hiểu biết đúng đắn và khả năng chấp nhận đủ lớn. Để có được khả năng chấp nhận rộng lớn, ta cần phải biết thu gọn lại những mong cầu không cần thiết của mình. Ngay cả với những điều được cho là chính đáng, nếu thấy không có nó mà ta vẫn có thể sống vững vàng và hạnh phúc được, thì ta cũng nên cố gắng khước từ để tâm ta bớt lệ thuộc vào hoàn cảnh. Nhờ vậy, khi hoàn cảnh biến động thì ta vẫn an nhiên bất động.

Ngoài ra, ta cũng nên luyện tập cho mình cách đối mặt với khó khăn, hoặc tự tạo cho mình một cách nghĩ, cách sống đừng quá cầu mong sự an toàn, để cho sức chịu đựng trong ta được lớn mạnh. Ta thấy những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được bảo bọc quá đầy đủ, khi bước vào đời không có chút vốn liếng kinh nghiệm nào mang theo để chống chọi với những nghịch cảnh, nên chỉ cần một tác động nhỏ như bị chê bai là chúng dễ dàng chao đảo và muốn bỏ cuộc ngay. Cũng như những loại cây mọc trên đất tơi xốp, trông xanh tươi mơn mởn, nhưng chỉ cần một cơn gió lớn đi ngang qua là gãy đổ. Còn những loại cây mọc trên đá núi, tuy dáng dấp khẳng khiu nhưng độ bám rất vững vàng. Cho nên, ta không thể cầu nguyện cho cuộc đời đừng xô đẩy mình vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, nhưng ta có thể làm cho mình không bị ngã gục trước sóng gió cuộc đời bằng sự vững chãi từ chính trái tim mình.

Để có được trái tim ấy, ta phải biết đặt mình vào khuôn khổ của sự đào luyện, chứ không thể do sự ép buộc mà được. Nghĩa là ta vừa phải giới hạn sự hưởng thụ, cũng vừa phải tập đối đầu với mọi nghịch cảnh. Ta đừng vội kêu ca: sống mà không hưởng thụ thì sống để làm gì? Có ai cấm ta hưởng thụ đâu. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó cả. Nếu ta cứ dung dưỡng cho cái tôi yếu đuối mãi thì đừng hỏi tại sao đời mình cứ khổ đau hoài. Dĩ nhiên, với một người đã có trái tim vững chãi thì Bao nhiêu danh lợi cũng không là vấn đề. Họ có đủ bản lĩnh để vượt lên trên danh lợi, hay sử dụng nó một cách hữu ích cho đời. Song, thực tế số người có ý niệm muốn buông bỏ thói quen hưởng thụ rất hiếm, và số người làm được lại càng hiếm hơn. Nhất là trong tình trạng hiện nay, người ta dám đạp đổ cả thành trì đạo đức để tranh giành quyền lợi, bất chấp mọi hậu quả. Có lẽ vì thế mà đời sống ngày càng nhiều khổ đau hơn. Nó đã trở thành bản trường ca bất tận của con người.

Đúng, khổ đau là một thực tại không thể chối cãi, nhưng đó chỉ là do trình độ cảm nhận của con người. Khổ đau vốn không phải là bản chất đã định sẵn của cuộc đời này. Bởi xét cho cùng thì không có gì là khổ đau cả. Do guồng máy tâm thức trong ta vận hành sai lệch, nên nó đã tạo ra những phản ứng chống đối lại những hoàn cảnh mà nó cho là trái nghịch. Rất may, guồng máy tâm thức ấy là một hợp thể linh động, nên có thể điều chỉnh được. Chỉ cần ta có nhận thức đúng đắn thì mọi cảm xúc trong ta đều không ngừng tương tác với vạn vật, để tâm lý không tiếp tục tạo ra những phản ứng ích kỷ. Đồng thời, ta cần có một khả năng quan sát thật tinh tường về những thói quen mà ta đã tạo dựng từ trong quá khứ đến nay. Tiến trình tháo gỡ những tâm lý tiêu cực ấy chính là tiến trình vượt thoát khổ đau. Nói chung, càng bớt tự ái là càng bớt khổ đau. Hết vì cái tôi là hết khổ đau.

Đúng ra, ta cần phải biết ơn khổ đau. Khổ đau vừa giúp ta ý thức được cái gì là hạnh phúc, vừa giúp khả năng chịu đựng trong ta lớn mạnh, để ta có thể phát tiết hết bản năng sinh tồn tiềm ẩn của mình. Cũng như nếu không bị lạc đường, ta sẽ khó biết mình vốn rất sợ hãi; nếu không bị xúc phạm, ta sẽ khó biết rõ mức độ nóng giận của mình; nếu không bị dối gạt, ta sẽ khó biết mình cũng rất dễ tổn thương; nếu không bị bỏ rơi, ta sẽ khó thấy được tính yếu đuối và dựa dẫm của mình. Chính nhờ bản năng sinh tồn biểu hiện mà ta thấy rõ từng ngõ ngách sâu kín của phiền não tạo nên khổ đau. Từ đó, ta biết cách điều chỉnh lại tâm thức và nếp sống của mình, sao cho hài hòa với sự vận hành của vũ trụ. Nhờ đó, sự hiểu biết và tình thương trong ta bừng nở. Ta có thể đi giữa thăng trầm của cuộc đời này một cách thong dong tự tại mà không còn lo sợ những nghịch cảnh bất ngờ.

Có thể nói tâm ta như thế nào thì ta sẽ cảm nhận khổ đau như thế ấy. Vì khổ đau vốn từ tâm sinh ra, mà cũng từ tâm diệt đi. Nếu không có khổ đau Biết đâu là hạnh phúc Nhờ mộng mị hôm nào Ta tìm về tỉnh thức.

(Trích từ cuốn sách Hiểu về trái tim của tác giả Minh Niệm)
 
×
Quay lại
Top