Hệ sinh thái Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Food Hygiene and Safety)

Thái Lâm

Thành viên
Tham gia
30/9/2021
Bài viết
5
”Vệ sinh an toàn thực phẩm” thuật ngữ ngành khi chúng ta đọc thì cảm giác vô cùng đơn giản nhưng thực chất nó là một phần kiến thức cơ bản không thể thiếu trong mỗi chúng ta nhưng ít ai quan tâm chúng một cách nghiêm túc. Lý do vì sao lại như vậy?

Ở bài viết này mình sẽ chỉ ra cho các độc giả những vấn đề hết sức là khẩn trương về Vệ sinh an toàn Thực phẩm một cách tổng quát nhất, để mọi người cùng nhau có những hiểu biết rõ hơn về vấn đề này. Những ai đang quan tâm nhiều về lĩnh vực này thì bình luận bên dưới mình sẽ để lại một số tài liệu cho các bạn nghiên cứu rõ thêm về chủ đề Vệ sinh An toàn Thực phẩm (Food Hygiene and Safety) này.

Ve sinh an toan thuc pham

I. GIỚI THIỆU VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Ngày nay, trong thời kỳ đang hiện đại hoá đất nước, những vấn đề về ăn uống đang được lưu tâm ở hầu hết tất cả mọi người bởi nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi con người. Tuy nhiên, các vấn đề Thực phẩm đang tiềm ẩn các mối nguy gây bệnh gián tiếp hoặc trực tiếp đến cơ thể mà chúng ta sẽ vô tình không biết nguyên nhân và cách phòng tránh.

Những năm gần đây, hiện tượng ”Ngộ độc thực phẩm” đang xuất hiện ngày càng nhiều và rất phổ biến. Việc trang bị những kiến thức cơ bản về Vệ sinh An toàn Thực phẩm là hết sức cần thiết bởi tính cấp thiết và từ đó nâng cao ý thức vấn đề cho an toàn xã hội, ổn định cuộc sống, giảm thiểu các khả năng gây bệnh.

Ngộ độc thực phẩm

II. NHỮNG KHÁI NIỆM VỀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Đã có nhiều bài viết nói về các khái niệm chung về Thực phẩm nhưng để tổng quát hơn thì mình xin khái quát chung lại:

Thực phẩm không chỉ là nguồn cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho con người để duy trì sự sống, phát triển và lao động. Thực phẩm còn là những nguồn gây ra ngộ độc thực phẩm gián tiếp hoặc trực tiếp cho con người nếu như chúng ta không tuân thủ những biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm hữu hiệu.

Vệ sinh thực phẩm (Food Hygiene) là một khái niệm khoa học để nói thực phẩm không chứa những vi sinh vật gây bệnh và không chứa các độc tố gây bệnh.

An toàn thực phẩm (Food Safety) là khái niệm khoa học có nội dung rộng hơn khái niệm vệ sinh thực phẩm. Nó được hiểu như khả năng không gây Ngộ độc thực phẩm đối với con người. Nguyên nhân gây ra ngộ độc không chỉ ở vi sinh vật gây bệnh mà còn được mở rộng ra do các chất hoá học, các yếu tố vật lý. Khả năng gây ngộ độc không chỉ ở thực phẩm mà còn xem xét cả một quá trình sản xuất trước thu hoạch.

Vệ sinh thực phẩm

Vậy tóm lại, Vệ sinh an toàn thực phẩm (Food Hygiene and Safety) được hiểu nó là một khái niệm khoa học để mô tả việc xử lý, chế biến, bảo quản và lưu trữ thực phẩm. Từ đó phát hiện những mối nguy tiềm ẩn bằng những hệ thống tiêu chuẩn chất lượng và đưa ra những phương pháp phòng ngừa, phòng chống bệnh tật do thực phẩm gây nên với mục đích giảm thiểu các khả năng gây bệnh đến cơ thể con người.

Vệ sinh an toàn thực phẩm (Food Hygiene and Safety) giữ một vị trí hết sức quan trọng đối với sức khoẻ con người, vừa kế thừa các tập quán tốt của dân tộc, vừa tiếp thu nhanh các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao sức lao động và phòng chống bệnh tật.

An toàn thực phẩm 1

Trong những năm gần đây, nền kinh tế nước ta chuyển sang cơ chế thị trường. Các loại thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào rất đa dạng. Nhưng kéo theo đó những loại thực phẩm này chính là những mầm móng gây nên những mối nguy gây mất an toàn thực phẩm bởi nhiều nguyên nhân như lạm dụng phụ gia thực phẩm, các đồ ăn thức uống làm giả, không đảm bảo chất lượng, không đúng theo thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan nhà nước quản lý.

III. NHỮNG MỐI NGUY TIỀM ẨN TRONG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Sẽ có rất nhiều mối nguy gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm xung quanh chúng ta mà chúng ta lại vô tình không quan trọng hoá chúng cho nên các khả năng gây bệnh tiềm ẩn mỗi ngày một tăng. Phải kể đến các mối nguy như từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến, các tác nhân vật lý – hoá học – sinh học,… Những mối nguy này nếu chúng ta tích luỹ mỗi ngày một ít vào cơ thể thì tuỳ vào mức độ độc tích, liều lượng độc tính từng sản phẩm thực phẩm mà theo thời gian chúng sẽ gây nên các khả năng gây bệnh cấp tính và mãn tích khác nhau.

1. MỐI NGUY TỪ MÔI TRƯỜNG TRONG XÍ NGHIỆP THỰC PHẨM

1.1. Mối nguy từ Môi trường không khí

Phải kể đến là các khoảng không gian nằm trên toàn bộ diện tích mặt bằng trong một khu vực mà doanh nghiệp được phép quản lý bao gồm:
  • Không gian của các nhà xưởng chính dùng trong quá trình bảo quản và chế biến các sản phẩm thực phẩm.
  • Không gian của các công trình xây dựng để phụ vụ cho sản xuất chính: Xưởng cơ khí, xưởng bao bì, xưởng in, kho nguyên liệu chính và nguyên liệu phụ, kho chứa phế phụ liệu,…
Môi-trường-không-khí

Trong một quy trình chế biến thực phẩm, sẽ sinh ra các sự ô nhiễm môi trường không khí như: hơi nước, khói, các chất dễ bay hơi, hệ vi sinh vật,…những mối nguy này vê nguyên tắc sẽ không phải là chất trực tiếp gây nên độc hại nhưng bản chất về thời gian nó sẽ ngưng tụ tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại phát triển và đó chính là nguyên nhân gây hư hỏng và nhiễm độc thực phẩm từ đó khả năng cao gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

1.2. Mối nguy từ Môi trường nước

Phải kể đến là nguồn nước cấp cho mọi hoạt động để chế biến thực phẩm và nguồn nước thải:
  • Nước chính là nguồn nguyên liệu chính trong chế biến thực phẩm vì thế mức độ sạch của nước ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
  • Nước thải có hai dạng: nước mưa và nước thải sản xuất. Tính chất của nguồn nước này rất phức tạp và luôn là nguồn gây ô nhiễm môi trường sống và nhiễm độc thực phẩm.
Nước thực phẩm

Sẽ có nhiều nguyên nhân gây bẩn nguồn nước cấp cho quy trình chế biến thực phẩm. Tuy nhiên cũng sẽ có nhiều biện pháp để ngăn ngừa và các tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng nước (Theo Tiêu chuẩn 1329/2002/BYT-QĐ của Bộ Y tế và Tiêu chuẩn TCVN 5502-1991)

1.3. Mối nguy từ Môi trường đất

Phải kể đến là toàn bộ công trình xây dựng trong khuôn viên của xí nghiệp bao gồm:
  • Nền nhà, tường nhà, trần nhà, mái nhà của khu vực chế biến thực phẩm.
  • Đường đi, vườn cây xanh và các công trình văn hoá của xí nghiệp.
  • Bãi chứa tự nhiên, chất chất thải rắn.
Mối nguy đất

Tất cả đều có thể tạo ra chất thải làm ô nhiễm môi trường đất từ đó gây ra các mầm bệnh nhiễm độc thực phẩm hoặc các tác nhân gây hại đến sức khoẻ con người.

Nói tóm lại: Môi trường đất - Môi trường nước - Môi trường không khí tác động qua lại lẫn nhau. Nếu không có những biện pháp ngăn ngừa hợp lý sẽ dễ dẫn đến các khả năng nhiễm chéo gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

2. MỐI NGUY HOÁ HỌC

Thực phẩm trong tự nhiên có thể chứa các hoá chất độc hại. Một số hoá chất độc có sẵn trong thực phẩm như: sắn, cá nóc, nấm độc, cóc,…Một số hoá chất độc khác có thể làm nhiễm bẩn thực phẩm thông qua môi trường bị ô nhiễm như kim loại nặng (rau, cá, tôm,…), phóng xạ, thuốc bảo vệ thực vật,…

Mối nguy hoá học

Tuỳ theo từng loại thực phẩm mà chúng ta cần nhận biết cách sử dụng cũng như phòng tránh chúng một cách hợp lý nhất để giảm thiểu các khả năng mang mầm bệnh vào thực phẩm gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

3. MỐI NGUY SINH HỌC

Thực phẩm bị ô nhiễm bởi các tác nhân sinh học sẽ làm giảm chất lượng, biến chất, hư hỏng và gây ngộ độc cho người sử dụng.

Môi nguy sinh học là khi người sử dụng những thực phẩm đã bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh và xảy ra các tình trạng bệnh lý do vi sinh vật hoặc do độc tố của vi sinh vật học gây ra. Cụ thể là các vi sinh vật (nấm mốc, virus, vi khuẩn, tảo,…). Nguyên nhân chính đến từ sự chủ quan xoay quanh cuộc sống của chúng ta từ đó vô tình chúng sẽ tạo nên các mầm bệnh tiềm ẩn gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm:
  • Gia súc, gia cầm đã có mầm bệnh trước khi giết mổ. Nhưng cũng có những con vật khoẻ mạnh ngay từ ban đầu nhưng qua một thời gian chế biến các công đoạn bị nhiễm chéo.
  • Mất vệ sinh trong môi trường chế biến thực phẩm (con người, môi trường,…)
  • Bảo quản thực phẩm không đúng vệ sinh, không đúng kỹ thuật,…tạo điều kiện cho các côn trùng tấn công và lây nhiễm chéo sang các thực phẩm khác.
Mối-nguy-sinh-học

Các vi khuẩn gây bệnh quan trọng (thông tin thêm):
  • Coliform
  • Clostridium
  • E.coli (Escherichia coli)
  • Staphylocuccus
  • Shigella
  • Salmonella
  • Yersinia
  • Vibrio

4. MỐI NGUY VẬT LÝ

Đó là sự ô nhiễm vào thực phẩm những dị vật có nguồn gốc khác nhau. Trong quá trình thu hoạch nguyên liệu, trong quá trình chế biến, đóng gói, vận chuyển và bảo quản sản phẩm.

Nguyên nhân chính có thể xảy ra trong quá trình vận hành máy móc gây ra sự bào mòn thiết bị, các mảnh vỡ thiết bị, máy móc, dụng cụ hư hỏng,…hoặc do con người vô tình đưa vào. Từ đó tỉ lệ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao dẫn đến tăng khả năng gây hại đến sức khoẻ con người.

IV. NHỮNG NGUYÊN TẮC VÀNG TRONG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

Trên thực tế, mọi người luôn quan tâm rằng vệ sinh an toàn thực phẩm là gì? Một phần cũng vì hậu quả nếu không giữ gìn sẽ vô cùng trầm trọng. Bạn chỉ nghĩ một cách đơn giản là nếu không giữ gìn cho thực phẩm được sạch thì mọi người phải đối mặt với nguy cơ bệnh tiềm ẩn gây nghiêm trọng đến sức khoẻ con người.

Nguyên tắc an toàn thực phẩm
  1. Chọn thực phẩm tươi sạch.
  2. Giữ gìn vệ sinh nơi ăn uống và nơi chế biến thực phẩm.
  3. Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ.
  4. Nguyên tắc ”Ăn chín uống sôi”.
  5. Nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
  6. Đảm bảo các thiết bị chế biến phải sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
  7. Rác rưởi, đồ phế thải phải chuyển ra một nơi riêng biệt.
  8. Người tham gia chế biến thực phẩm phải giữ gìn vệ sinh cá nhân, tham gia tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm.
  9. Sử dụng bao bì thực phẩm sạch sẽ, đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
  10. Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ
Chính vì những điều này nên các hệ thống quản lý chất lượng trong thực phẩm bắt buộc phải áp dụng đối với một doanh nghiệp. Vì có tính kiểm soát chặt chẽ và các biện pháp ngăn chặn kịp thời trong một quy trình chế biến chung để giảm thiểu các khả năng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó giảm các nguy cơ bệnh tật và nâng cao sức khoẻ con người.
© Copyright by kienthucfood.com
 
×
Quay lại
Top