Hệ lụy trào lưu “ảnh chế”

Monmunmon

Thành viên thân thiết
Thành viên thân thiết
Tham gia
1/1/2012
Bài viết
4.527
Photoshop ra đời, facebook cho phép bình luận bằng hình ảnh, nhiều trang web chế ảnh xuất hiện… Chưa bao giờ hình ảnh trở nên phổ biến và có tính tương tác như hiện nay.


Bên cạnh những mặt tích cực dễ thấy (giải trí, sáng tạo, dễ dàng chỉnh sửa…), có rất nhiều “mặt xấu” mà chúng ta ít để ý, điển hình là…

Cuộc sống đời thực bị ảnh hưởng từ thế giới ảo

Tốc độ lan truyền trên mạng có thể được tính theo từng giây. Nếu bạn đăng một bức ảnh có tính giáo dục cao, hoặc một hình ảnh đẹp với nội dung tích cực, sẽ chẳng sao cả. Nhưng hình ảnh nhằm mục đích bôi nhọ, nói xấu người khác, sẽ để lại hệ quả vô cùng nghiêm trọng, cho dù bạn có xóa nó ngay lập tức đi nữa thì mức độ lan truyền của nó cũng có thể khiến bạn lao đao.

Trên báo đã từng có bài viết nói về việc một nữ sinh đã tự tử vì bị bạn bè chế ảnh đăng lên mạng. Có thể cô bé ấy còn suy nghĩ dại dột, cho rằng tự tử là cách khiến bạn bè hối hận nhất, nhưng hệ quả để lại quá nặng nề: cô bé đã ra đi vĩnh viễn, để lại bao đau khổ cho người thân và gia đình, khiến bạn bè tiếc nuối và ân hận. Qua đó cũng là bài học cảnh báo cho những bạn trẻ khác: Hãy cẩn trọng khi chế ảnh chỉ vì mục đích cá nhân của mình, và đừng bao giờ đăng quá nhiều ảnh riêng tư lên mạng ở chế độ “public”.

2.jpg

Mất đi nét đẹp từ “phiên bản gốc”

Trào lưu chế ảnh phát triển mạnh nhất trên các trang web như haivl.com, cab.vn, epic.vn… Đây là những trang web chuyên chế ảnh giải trí hàng đầu, có lượt truy cập cao và sức lan tỏa mạnh. Các nhân vật trong phim, trong truyện tranh, hay các nhân vật nổi tiếng trên báo… thường được chế dưới dạng hình ảnh, kèm theo dòng chữ trên ảnh đó. Nổi bật nhất ở trào lưu này có thể kể đến những hình ảnh từ phim “Xin lỗi anh chỉ là thằng bán bánh giò”, ảnh chế Đô rê mon, và gần đây nhất là hình ảnh chế từ các nhân vật cổ tích như Bạch Tuyết, Lọ Lem…

Nếu chế chỉ để vui thì chẳng có gì để nói. Nhưng một số bạn chế ra những “biến thể” có nội dung hơi nhạy cảm, thậm chí bạo lực và có những ngôn từ bậy bạ, khiến mọi người cảm thấy thiếu cảm tình, từ đó có “ác cảm” luôn với phiên bản gốc. Rất nhiều bạn để lại bình luận sau mỗi bức ảnh chế Đô rê mon, Bạch Tuyết, Lọ Lem với nội dung: “Tuổi thơ của tôi đã bị mất sau khi xem xong bức hình này!”. Có thể đó chỉ là một dòng bình luận nửa đùa nửa thật, nhưng cũng đủ để thấy, ảnh chế đã khiến nguyên bản gốc mất đi ý nghĩa đích thực.

Ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhỏ

Rất nhiều bạn trẻ cho rằng: “Ảnh chế chỉ để cho vui thôi mà, mình lớn rồi, “đen tối” một chút cũng vui, biết phân biệt tốt xấu thì không ảnh hưởng gì cả!”. Đúng. Bạn đã lớn, nên những bức ảnh chế dù cho nội dung thiếu lành mạnh, bạn cũng ý thức được và biết đâu là giới hạn. Nhưng còn các em nhỏ thì sao? Đặc biệt là những bạn dưới 15 tuổi, khi các em ấy chưa bước ra ngoài xã hội, chỉ đi học rồi về nhà và lên mạng? Nếu những bức ảnh có nội dung thiếu lành mạnh, cũng những từ ngữ hơi dung tục trên mạng, khiến các em ấy cảm thấy bình thường, thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến tư tưởng và cách nhìn nhận của các em ấy sau này.

Bạn có thể chế ảnh với mục đích châm biếm, giáo dục, hoặc để nói lên một thực trạng nào đó. Tuy nhiên, hãy hạn chế việc chế ảnh với nội dung bậy bạ, bạo lực, hoặc dùng để “dìm hàng” người khác. Tất cả những điều đó đều góp phần khiến trào lưu “chế ảnh” bị mọi người hiểu sai và bài trừ. Hãy là một người chế ảnh thông minh.

Theo Mực Tím
 
×
Quay lại
Top