Hãy giữ gìn hình ảnh “cô tiên” trong tâm hồn trẻ thơ và trong xã hội

cacabala00

Cựu quản lý
Tham gia
26/5/2010
Bài viết
811
(Viết tặng các cô giáo mầm non
nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam “20/11” năm 2010)

“Trẻ thơ như búp trên cành, như măng mới mọc, như mặt trời bình minh…” Những hình ảnh ví von ấy đã thể hiện sâu sắc tình cảm và niềm tin của người đời đối với trẻ thơ, của phụ huynh đối với con em mình thật dạt dào nồng ấm.

Trong nhà trường, tiếng reo hò và sự hiếu động của học sinh là sức sống, là niềm vui và là động lực quan trọng để thầy cô giáo yêu nghề, vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi lần đi đâu xa, vắng tiếng reo hò và sự hiếu động của trẻ là thấy nhớ, thấy thương!

201101.gif


Sức sống ấy càng mạnh mẽ hơn ở lứa tuổi mầm non, với những đôi mắt sáng long lanh mở rộng tâm hồn của trẻ; với những nụ cười tươi trên từng gương mặt hồn nhiên như hoa ngày tết, luôn thu hút thầy cô quên cả những nhọc nhằn; với những năng lực thông minh của các em qua quan sát, suy luận ngày càng phong phú và ngộ nghĩnh đã gây không ít sự chú ý, ngạc nhiên cho người lớn, cho những ai quan tâm đến sự trưởng thành của học sinh trong lớp và của con em trong từng gia đình.

- Người xưa thường nói “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người lúc nhỏ, tính tình rất tốt. Ở tuổi ấu thơ, trong môi trường sống tự nhiên, học sinh của chúng ta thường chưa bị những áp lực làm vẩn đục tâm hồn; các em có thể ham ăn, ham uống, ham chơi…nhưng không ác ý với ai, ngay cả với cỏ cây và muôn thú. Chúng ta đã và sẽ phải làm gì để bảo tồn và phát huy tính thiện của con người ngay từ lúc ấu thơ?

- Mỗi lần đến thăm trường mầm non, bạn bè tôi thường bảo: “Tiếp xúc với học sinh, thấy mình như trẻ lại, giảm stress, quên cả những phiền muộn, áp lực của cuộc sống hằng ngày”. Những nụ cười tươi trên từng gương mặt của các em có luôn được rạng rỡ trong trường hay đã có lần gương mặt ấy phải buồn tủi, với những tiếng khóc uất nghẹn trước cơn giận dữ, hăm dọa, mắng nhiếc, hoặc thậm chí đánh đập của “cô tiên”?

- Với sự chăm sóc trìu mến và ân cần của cô giáo, đã có lần học sinh mầm non hỏi: “Cô ơi! Tại sao con uống sữa nhưng lại tiểu ra nước trà?”; một học sinh khác lại hỏi: “Cô ơi! Có phải công cha không bằng nghĩa mẹ? Vì “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” có đến 8 chữ, còn “Công cha như núi Thái Sơn” chỉ có 6 chữ!”; hay đã có lần một học sinh bẻ cục gôm mẹ mua cho thành 4 miếng nhỏ sau khi mẹ căn dặn phải giữ gìn, không để mất! (mất miếng này, còn miếng khác!)… Sự thông minh ngộ nghĩnh của trẻ thơ ngày nay mỗi ngày một phát triển phong phú và đa dạng hơn khi điều kiện về dinh dưỡng, về thông tin, về trình độ của phụ huynh cùng với chất lượng giáo dục của nhà trường, sự chăm sóc trìu mến, ân cần của cô giáo mỗi ngày một tốt hơn. Những cô tiên có biết chăng những nhà khoa học lỗi lạc của nhân loại cũng đã bắt đầu từ sự quan sát với những câu hỏi ngây ngô và những việc làm ngộ nghĩnh như vậy? Vấn đề của giáo dục là chúng ta phải định hướng, gợi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ phát triển đúng hướng, phù hợp với cuộc sống thực tế, không được đàn áp làm mất nguồn cảm hứng sáng tạo của các em.

Các nhà tâm lý đã chỉ ra cho các cô giáo mầm non chúng ta 3 tình huống phổ biến của trẻ thơ: một là quá thụ động, hai là hiếu động và ba là có em không điều khiển được hành vi của mình. Ý nghĩa sâu sắc nhất của cô giáo mầm non được mệnh danh cô tiên là ở đây; cô tiên đã biến những em bé thụ động thành năng động bằng sự chăm sóc, giúp đỡ, tạo niềm tin cho trẻ mạnh dạn đến với những trò chơi, hòa nhập với bạn bè; cô tiên đã biến những em bé hiếu động, thiếu kỷ luật thành những em bé có tổ chức, thân thiện chia xẻ với bạn bè, biết chăm chú lắng nghe thầy cô dạy bảo bằng những trò chơi bổ ích và bằng những chuyện kể rất thu hút. Và, với những em thần kinh không được khỏe, cô tiên đã chậm rãi từng bước kiên trì can thiệp sớm cho các em khỏe mạnh, bình thường, tự điều khiển được những hành vi…

Cũng là cô giáo mầm non, nhưng trong xã hội đang có sự nhìn nhận khác nhau: thương yêu, nể trọng vì sự chăm sóc giáo dục con, em từ thuở còn thơ đến lúc trưởng thành, cô giáo đã giúp cho phụ huynh vượt qua những khó khăn về kiến thức dinh dưỡng, phương pháp giáo dục. Bên cạnh đó, không ít người thương hại vì sự vất vả suốt ngày nhưng thu nhập đời sống của cô giáo lại quá khó khăn; và có những trường hợp xem cô giáo như một đối tác trong hợp đồng lao động, phụ huynh thường hay phiền hà, khó chịu với cô giáo như một người làm công không hoàn thành nhiệm vụ!

Các tâm trạng nói trên xuất phát từ các tầng lớp xã hội khác nhau; từ cách tiếp cận với nhà trường, với cô giáo khác nhau; trong đó có cả trình độ dân trí khác nhau… Nhưng điều quan trọng nhất là từ cô giáo, đã là cô tiên với trẻ thì chúng ta có đủ sức chia xẻ với gia đình, phụ huynh, chiếm được lòng thương yêu, nể trọng.

Ngày Nhà giáo Việt Nam là lúc xã hội dành thời gian và tình cảm ôn lại truyền thống, nâng cao đạo lý tôn sư trọng đạo đối với thầy cô giáo và với ngành giáo dục và đào tạo, một ngành quốc sách hàng đầu. Về phía nhà trường và trong từng thầy cô giáo, ngày 20/11 hàng năm là lúc chúng ta nhìn lại mình một cách đầy đủ và trách nhiệm nhất về thiên chức cao quý đã được xã hội trao tặng. Chúng ta phải làm gì để phát huy tính thiện của nhân cách? Chúng ta phải làm gì để nụ cười của các em luôn rạng rỡ? Phải làm gì để phát huy sự thông minh, sáng tạo của học sinh? Và phải làm gì để giữ trọn lòng thương yêu, nể trọng trong phụ huynh và trong cộng đồng xã hội?

Câu trả lời sẽ không khó nếu chúng ta phát huy được đầy đủ những phẩm chất vốn có của ngành nghề, đặc biệt là sự điềm đạm trong tư duy; sự kiên trì, chịu thương, chịu khó trong hoạt động; hãy loại bỏ những cơn nóng giận, cáu gắt mỗi khi tiếp xúc với học sinh, phụ huynh và với mọi người xung quanh. “Nóng giận sẽ mất khôn” là chân lý xưa nay là vậy. Hỉ, nộ, ái, ố là chuyện thường tình khó ai tránh khỏi, nhưng đã là thầy cô giáo và đặc biệt là cô giáo mầm non, hãy luôn tự nhủ mình phải xứng đáng là “cô tiên” trong tâm hồn trẻ thơ và trong lòng của cộng đồng xã hội.



Mực Tím
 
×
Quay lại
Top