Hãy biến điểm kém thành "điểm có ích"

heokool

Cà rốt, trứng hay hạt cà phê?
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/9/2011
Bài viết
14.934
Với bạn điểm kém là dưới bao nhiêu? Khi chẳng may bị điểm kém bạn sẽ nghĩ gì? Xấu hổ, ân hận, sợ hãi hay lo lắng… Thay vì xấu hổ hay lo lắng thì đôi khi bạn hãy thử biến nó thành "điểm có ích".

Xấu hổ và lo lắng


Rất nhiều teen khi bị điểm kém thấy mình thật kém cỏi và ngốc nghếch. Các bạn mang trong mình mặc cảm và tự ti với các bạn khác, nghĩ rằng mình cũng như mọi người. Tại sao các bạn lại giỏi giang, lại được điểm cao thế, còn mình thì cứ lẹt đẹt mãi. Và kết quả là teen cảm thấy thất vọng về chính bản thân, đâm ra chán nản không muốn học và phấn đấu nữa.

Rồi thì “Nếu mà bị điểm kém thì chắc chắn bố mẹ sẽ buồn lắm, kiểu gì cũng bị mắng cho mà xem, thầy cô sẽ thấy thất vọng về mình. Bởi một đứa học sinh luôn đứng đầu lớp mà bị điểm kém thì ê lắm” – T.Thủy (17t) chia sẻ.

hay-bien-diem-kem-thanh-diem-co-ich-824152-1796.jpg


Còn với M.Quân (19t) lại cho hay: “Thời còn đi học cấp 3, mỗi lần bị điểm kém là mình thấy rất ngại và áp lực. Bởi mình học lớp chọn, bạn nào cũng giỏi, điểm cao. Nếu mình điểm thấp thì sợ bạn bè đánh giá không tốt về mình.”

Có nhiều teen bảo muốn điểm cao thì phải học bài đi chứ? Sao cứ ngồi đó mà kêu ca phàn nàn không thì ích gì? “Cơ mà khổ một cái, chăm rồi đấy chứ nhưng không hiểu sao chữ vào đầu rồi mà cứ mỗi khi vào phòng thi là nó lại bay đâu mất? Có khi học tất cả các phần rồi trừ một phần ra thì lại thi đúng vào phần mình chưa học hoặc mới xem qua.” Q.Mai (18t) nói.

Nhìn lại và rút kinh nghiệm

Ngược lại với những teen ở trên, nhiều bạn vẫn có cái nhìn lạc quan hơn, quyết phục thù bằng cách nhìn nhận ra khuyết điểm của mình, xem mình sai ở đâu, rồi tự chấn chỉnh lại hoặc tìm cơ hội lên bảng gỡ điểm.

Lại có những teen nghĩ thế này “dù có buồn thì điểm cũng không thể cao lên được, có khóc cũng bị điểm kém. Bởi bài đã làm rồi, nộp cũng nộp rồi. Điểm kém là để cho mình tự nhìn vào đó như một lần vấp ngã để tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn, cẩn thận hơn. Có bị điểm kém thì mới hiểu cảm giác lúc đó như thế nào? Và cảm giác được điểm 10 tròn trịa lần sau là như thế nào?”- Trâm (17t) nói.

Lại có những sai lầm “chết người” mà chỉ có học trò mới hiểu và cảm nhận được “nỗi đau” của nó. Đó là có cái biết, cái thuộc rồi mà không ghi vào bài làm, cái đúng thì gạch mất, chữa thành sai. Chỉ vì tội không tin tưởng vào bản thân mình hoặc là ôn bài không chu đáo. Và kết quả là điểm thấp. Đây cũng là một điều mà teen cần cố gắng sửa chữa.

Điểm kém như một kỉ niệm đẹp

hay-bien-diem-kem-thanh-diem-co-ich-824152-5487.jpg


Nhiều teen nói vui, bị điểm kém nhiều rùi nên cũng thành quen. Và đôi khi nó như không còn là áp lực nữa. Còn với các teen học khá giỏi thì nhìn lại đôi khi thấy nó như một kỉ niệm. Kể lại chẳng hiểu sao lại thấy lúc đó buồn cười. Bởi chỉ vì một con điểm mà ngồi khóc tu tu cả buổi, rồi lầm lầm lì lì chẳng nói gì, ai đụng vào cũng rất dễ bị ăn cáu.

Còn với Ánh Nguyệt (19t) thì lại có một cách cực kì hiệu quả mỗi khi bị điểm kém đó là “Chăm chỉ làm việc nhà, ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng. Và sau đó là thú tội”. Giờ đã đi đại học, mỗi lần về nhà bố mẹ thi thoảng lại gợi chuyện nói như một kỉ niệm về đứa con gái tinh nghịch.

Tương tự, N.Thảo (18t) thì lần đầu tiên “được" điểm kém là chú ngỗng béo ú môn văn của mẹ hồi lớp 4.“Ngày đó mẹ vừa giáo viên dạy văn kiêm chủ nhiệm lớp mình. Ỷ lại vào mẹ nên mình chẳng chịu chuẩn bị bài và làm bài gì cả. Thế là kiểm tra một tiết bị 2 điểm. Lúc đó thấy xấu hổ và giận mẹ lắm. Cứ tưởng là con cô giáo sẽ oai và được “thiên vị" cơ. Nào ngờ mẹ nghiêm thật, xử thẳng tay không thương tiếc. Thế mà về nhà còn mè nheo mách bố. May mà không bị ăn đòn là may lắm rồi!”

Điểm số luôn là một vấn đề đau đầu của teen. Nó giờ đây dường như trở thành nỗi ám ảnh không cùng của bất ai đang ngồi trên ghế nhà trường. Xin được kết bài bằng bình luận của một bạn: “Như một cốc sữa đã bị tay mình làm đổ, thay vì việc cứ tự dày vò bản thân hay tự trách mình thì hãy quên nó đi và làm một việc khác.”

Theo Kenh14

 
×
Quay lại
Top