[Hài, tình cảm] 9x đời đầu (FULL)

Chương 24: Đi vặt khế
Mời các bạn nghe bài hát: Katy katy
Sáng tác: Đức trí
Thể hiện; Ca sĩ Lam Trường
Lam Trường - Katy Katy - YouTube
-------------------------------------

Sang nhà bác Thấm nhưng không có ai ở nhà tôi liền quay về:

- Bác Thấm không có nhà bác ạ.

- Ối giời ơi, cần gì phải có nhà. Cứ vặt đi tí về báo cáo sau cũng được. - Bác Duyên bó tay trước độ ngây ngô của con cháu.

- Cháu cũng định mà cao lắm không với được bác ạ.

- Đâu, để anh đi với em. - Anh Móm buông đàn lên tiếng.

- Tao đi với nữa. - Anh Khải Ca cũng chạy theo.

Thế là ba anh em chúng tôi kéo nhau đến cây khế cạnh bờ ao nhà bác Thấm. Ngày xưa ông ngoại tôi nhiều đất đủ để chia cho bốn người con trai mỗi người con một mảnh rộng, cất nhà sống quây quần lại với nhau trong xóm. Hết gạo hết muối cũng tiện sang xin, hay có miếng ngon miếng ngọt thì cùng nhau chia sẻ. Đương nhiên là thi thoảng cũng chí chóe đấy. Những hôm như thế tôi lại được mẹ dẫn đến chơi, làm công tác tư tưởng. Lại được ăn, nhà bác Thấm nhiều cây ăn quả cực. Cứ gọi là bốn mùa cây gì cũng có. Con cháu tha hồ hưởng lộc.

- Uây… mùa này mà cũng lắm quả nhỉ? - Anh Khải trố mắt trầm trồ.

- Thế là còn ít đấy, đến tầm tháng mười á có mà bật cả gốc lên ấy chứ!

Anh Móm ví von. Công nhận là vườn nhà bác tôi tốt đất thật. Trồng cây gì cũng sai trĩu trịt.

- Thế cơ á? chẳng bù cho cây khế nhà tao. Bói mãi mới được vài quả.

- Đây khế chua nên mới thế đấy. - Anh Móm giờ đã chễm chệ trên cây nói vọng xuống.

- Nhà tao cũng khế chua mà. Nhà có muối ớt không? - Anh Khải hỏi.

- Vào trong bếp có đấy. - Anh Móm chỉ vào bếp rơm nhà bác Thấm đằng sau chúng tôi.

- Tự tiện vào lấy nhà bác ấy, bác ấy quật chít. - Tôi cảnh báo.

- Tý muối hột thôi mà có phải tý vàng tý bạc gì đâu mà lo. Mày ăn thì cứ vào lấy đi. Ớt thì ở cây kia. Tao bảo kê. - Anh Móm tặc lưỡi.

- Nhớ đấy. Có gì tao không chịu trách nhiệm đâu.

Anh Khải nói rồi chui vào bếp mò muối, còn tôi thì giương rổ ra đỡ lấy chùm khế anh Móm đưa cho.

- Vặt nhiều nhiều tí tao ăn nhá. - Tiếng anh Khải từ trong bếp vọng ra.

- Biết rồi. - Anh Móm quát lại.

Anh Khải mò ra. Đầu bám đầy tro bếp. Vừa đi vừa lắc vừa phủi như chó rũ lông.

- May vớ được con dao ghẻ này.

- Bố mày, dao bà ấy bổ cau đấy. Tối nay về lại có trầu cay ăn thì vỡ mồm. - Anh móm dòm xuống.

- Tý ăn xong rửa, chứ lo gì? Không thì lấy tay mày cắt ớt à?

- Lấy cái đũa dằm dằm nó ra, ngu hết phần thiên hạ!

Tôi cứ thế mặc kệ cho hai ông đôm đốp với nhau. Anh Khải vặt ớt, kê thớt lên thành hồ nước với núi đá con con cạnh nhà để thái. Rồi anh hỏi:

- Hòn non bộ này thuê đâu làm trông đẹp thế?!

- Anh nhà tao làm chứ ai?

- Ông ấy tự làm được á? Giỏi nhỉ. Giờ mà đi nhận làm cái khoản này cũng khối tiền ra ấy chứ. Bảo sao xây cái nhà to bổ chảng ra thế này.

- Nhà này toàn là tiền ông bác tao gửi từ miền nam về xây ấy chứ ông ấy được đồng nào?
Tài thì có đấy nhưng cứ thích lông bông cơ. Bảo tu chí làm ăn trát cái nhà nó đi hẳn hoi. Mà vẫn để trơ ra đây. Không trát nhanh, gạch nó lại mòn hết đi cho cơ.

Cái anh mà anh tôi đang nói đến là anh Trung mà hôm trước mượn xe ấy. Anh ấy đúng là có lắm tài nhưng cũng nhiều tật. Từ đàn hát, vẽ vời, xây xướng. Cái gì anh cũng làm rất hơn người. Nhưng tính lại hay khoe khoang khoác lác. Xong cứ lông bông đá đưa mỗi thứ một tý. Làm một chơi mười. Nên đến bây giờ vẫn trắng tay. Nếu anh tôi chịu tu chí. Giả sử như nhận vẽ hoặc hát rạp cưới thì đảm bảo nhà cu Đạt Sâm sập tiệm. Rồi đi xây, sau mấy năm cắm đầu đóng gạch thì nay người ta cũng có đủ vốn thi nhau cất nhà ào ào rồi. Chớp lấy thời cơ ấy thì có mà hốt bạc, làm quanh năm cũng không hết việc. Cơ mà cứ chê. Thấy cái nào cũng không xứng tầm. Đến khổ!

Anh Móm hái xong, nhẩy cái bịch cái xuống. Nhặt lấy bốn năm quả rồi đưa lại cả rổ.

- Đấy ăn đi.

- Em có ăn không? - Anh Khải hỏi tôi.

- Có ạ. Lâu rồi em cũng không ăn khế chua. - Tôi nói. Mấy quả khế xanh vàng căng mọng, da trơn bóng loáng yên vị trong rổ, nhìn thôi cũng chảy cả nước miếng ra rồi.

- Thế hai đứa bây ngồi đây ăn đi còn trả giá bà Thấm. Anh về trước. - Anh Móm hất đầu về nhà ra hiệu.

- Ơ thế anh không ăn à? - Tôi quay ngoắt lại.

- Không, chua loét, chứ báu bở gì. Mang về cho bà Duyên còn nấu cá nữa không tối nghỉ ăn.

- Vâng thế anh về trước đi, lát em về.

Anh Khải nãy giờ đã lụi cụi chế xong đĩa chấm muối ớt. Bê để lên bờ gạch cạnh ao. Anh giục:

- Xuống ao rửa tay đi rồi còn ăn.

- Anh không biết là cái nhà vệ sinh kia chẩy (chảy) thẳng xuống ao này đấy à?

Tôi chỉ vào cái nhà vệ sinh ở góc ao nói rồi vòng ra bể.

- Thế cái bể này lấy nước ở mái nhà đầy cứt chim cứt chuột em không biết à? Tưởng sạch
lắm đấy. Đây còn có cá nó ăn cho nhé!

- Ít ra thì nó cũng được lọc qua cái trụ cát này. Vẫn hơn. - Chê vậy mà anh ấy cũng lẽo đẽo mò ra chỗ tôi. Rửa tay rửa luôn cả khế.

- Oa, trông cứ như bát muối chấm dái mít ấy nhỉ? - Tôi dòm vô bát muối trầm trồ. Những mảnh ớt mỏng manh tươi rói đan xen quấn quýt lấy những viên muối hạt có phần gai góc xù xì, khiến cho chúng cũng phải xiêu lòng mà ngả màu đo đỏ. Không quá đỏ đến nỗi phồng miệng, nhưng cũng không còn trắng tinh khôi nữa. Một sự kết hợp vừa tầm và hoàn hảo.

- Thì nó cùng một loại mà. Mấy thứ chua chua chát chát này thì cứ phải đi với cay mới hợp. - Anh đáp.

- Trộn vào nhau lại thấy ngon ha.

- Lại còn nghiện ấy chứ. Ngọt mãi lại chán.

Xong xuôi anh Khải đến chỗ tôi ngồi ở bờ ao, thả chân xuống bậc thềm. Để giá khế và bát muối ở giữa cho dễ chấm. Tôi nhặt quả vàng nhất lên, cọ cọ vào áo rồi lấy tay tách từng múi. Cắn một miếng:

- Úi chua quá. Cứ tưởng quả chín như thế nầy phải ngọt chứ! - Tôi ré lên.

- Này có sao không đấy?… Ha ha... Làm gì có cái tưởng ở đây.

Anh Khải cũng nhặt lên, cầm cả quả cắn cái rộp. Bắn cả nước xuống ao. Tạo lên những vòng tròn lan ra như những bông hoa đua nở trên mặt nước. Tôi buồn cười quá, chăm chú dõi theo xem anh ấy ăn ngon lành thế nào nào? Ấy vậy mà anh ấy cũng co rúm người lại, cái mặt nhăn nhăn, cái môi chum chúm.

- Ối chua thật, cái cây này hút nhiều nước phân quá hay sao mà chua thế? Gấp đôi nhà anh.

Tôi bật cười.

- Ha ha ha... Thấy chưa? Em bảo mà. Quả nhiên là nên thử kiểu “chua cay” thì may ra mới nuốt trôi được đống này.

Tôi dùng răng cắn cắn cái viền cứng và nhạt ở múi khế rồi chấm muối rồi ăn tiếp. Đúng là đỡ hơn hẳn. Miếng khế chua mềm, mọng nước cứ như tan chảy ra trong vòm họng cùng với muối hột sần sật, miếng ớt tê tê trên đầu lưỡi. Chẳng mấy chốc mà đám khế “chim chê quạ bỏ” này sẽ chui tuột vào bao tử của chúng tôi đấy thôi. Tôi cười thích thú.

- Nói chuyện với em vui thật đấy! Lúc nào cũng thấy em nói cười nhỉ?

Đột nhiên anh Khải lên tiếng. Không lẽ khóc? Tôi dừng lại quay ra nhìn, anh ấy cũng chấm một miếng. Ra vẻ tự đắc:

- Ưm, quả nhiên là ngon lành hơn hẳn. Uây.. Không biết ai pha muối mà siêu thế ta! Bái phục.

Tay tôi trùng xuống. “Nói chuyện với em chị thấy rất vui” một giọng nói quen thuộc chợt vang lên trong đầu.

- Ơ sao thế? không ăn đi?

Múi khế trên tay bỗng nặng như quả tạ, nhấc mãi không lên nổi.

- Trời ơi nhiều thế, lại phồng môi lên đấy. Anh nói thế có phải bảo em chấm nhiều vào đâu. Đây được rồi đấy. - Anh Khải cầm tay tôi rũ rũ cho hạt muối long bớt ra. Trong khi tôi vẫn im lặng. Thấy vậy anh tiếp tục:

- Sao thế?! anh nói gì sai à? Hay là thích chấm nhiều cơ. Đâu đưa đây anh chấm lại cho.
Sao phải dỗi.

Anh giơ tay định lấy nhưng tôi giật lại.

- Không, không phải thế. Chỉ là…

- Là sao…?

- Thì câu anh nói ấy, bảo là nói chuyện với em rất vui ấy. - Tôi ngập ngừng.

- Ờ, sao thế?

-Trước đây cũng có một người bạn nói với em như vậy...

- Biết ngay mà, người yêu cũ chứ gì? Hay là thằng Thương mà anh còn nghe nói em còn
yêu thằng Quốc nữa đúng không? Trông vầy mà hót phết ấy nhỉ. Các anh trong trường cứ gọi là tranh nhau.

Như chọc vào chỗ ngứa anh ấy phun cho một tràng. Tôi gân cổ lên cãi:

- Không phải, toàn là tin đồn thất thiệt. Đã bảo em chưa có người yêu mà. Sao anh lúc nào cũng yêu với đương thế. Thế giới này đâu chỉ có mỗi tình yêu đâu. - Tôi càu nhàu, thở phì một cái.

- Lại còn chối. Thế không người yêu thì là ai? - Anh ấy bĩu môi.

- Là bạn, bạn nữ ấy. - Tôi khẳng định lại.

- Thế thì có sao mà buồn?

- Buồn chứ, vì người bạn đó không muốn chơi với em nữa rồi.

Hùng hổ một hồi rồi tôi lại xìu xuống, cúi gằm mặt, viên viên miếng khế dở. Nước chua chảy ra làm vết xước trên tay đau nhói. Sao mình lại nói chuyện này với cái anh nầy cơ chứ?

- Sao tự nhiên lại không chơi nữa?

Tôi thở ra một tiếng lấy lại tinh thần. Nhai miếng khế trong miệng mà bỗng thấy chua cay hơn bình thường.

- Em không biết, bạn ấy không nói. Như em nói đấy anh mới nói chuyện với em thì thấy vậy thôi. Dần dần anh sẽ tin.

- Ý em nói là cứ tiếp tục nói chuyện với em tìm hiểu em nhiều hơn đi đấy hử? Em thích anh rồi phải không? - Anh Khải nhe răng trêu cho câu chuyện bớt căng thẳng.

- Không hề. Đề nghị anh bớt hoang tưởng. Ý em là, em không được như những gì ban đầu người ta tưởng đâu. Rồi thì anh sẽ chán, sẽ thấy em phiền phức nói lắm cho xem. Và rồi anh cũng rời đi như bạn kia thôi.

Tôi khua tay xong lại cúi xuống. Đấy! ai bảo là tôi lúc nào cũng nói cười cơ chứ? Thấy vậy anh Khải mới nghiêm túc:

- Không có chuyện đó đâu.

Tôi bất ngờ ngước lên nhìn anh. Anh đặt miếng khế xuống bát tiếp tục:

- Anh không biết chuyện của em thế nào. Nhưng có thể không phải em xấu, không phải là không còn thích chơi với em nữa, biết đâu người đó có lý do gì bất khả kháng gì đó thì sao?... Em đừng tự trách mình.

Khải Ca mà cũng nói được những lời sâu sắc như thế này sao? Làm tôi ngơ ngác.

- Ban đầu em cũng nghĩ như thế đấy, nghĩ là chắc chắn bạn ấy có lý do gì đó. Rằng bạn ấy chỉ đang nói dối mình thôi. Rằng bạn ấy chỉ đang muốn tốt cho em mà thôi... Nhưng mà...

Anh dừng lại quay ra nhìn tôi:

- Em băn khoăn như vậy sao không đi hỏi rõ ngọn ngành, rồi làm hòa với nhau đi.

Tôi lắc đầu quầy quậy, nhăn mũi nói:

- Không quan trọng nữa rồi. Người ta không muốn nữa. Hơn nữa…

Tôi ngập ngừng, cầm miếng khế đã nát trên tay đáp tòm xuống ao. Rồi quay ra đối mặt với anh Khải nói tiếp:

- Nếu chơi với nhau mà không cảm thấy vui, thì chẳng phải chia tay cũng là một cái kết có hậu sao?

Anh Khải bất ngờ trước vẻ “Bà cụ non” của tôi đến nỗi không nói lên lời. Đứng hình mất mấy giây. Mãi sau mới miễn cưỡng đưa tay xoa đầu tôi mấy cái rồi cầm múi khế lên đưa cho tôi nói:

- Đây ăn đi chứ… Biết thế là tốt rồi.

Tôi mỉm cười một cái thật tươi, đưa tay nhận lấy.

- Hay là để anh cắn viền cho nhé.

- Thôi không cần đâu ạ. - Tôi giật nhanh miếng khế rồi đưa lên miệng. Anh Khải cũng đưa
miếng khế lên miệng.

- Úi cha chua quá. - Anh hét lên.

- Ha ha ha...

Thấy vẻ lúng túng của anh tôi cười. Làm gì mà anh ấy sốc thế kia chứ? Anh ấy cũng bật cười. Cơn gió tháng ba ùa đến mơn man làn tóc, thổi lên những sóng nước lăn tăn, rồi lại rì rào rì rào với tán cây trước mặt, thật nhẹ nhàng và êm ái.

- Tóc anh bay hết rồi kìa. Lại bổ đôi ra rồi. - Tôi chỉ.

- Ối ối... Anh Khải Ca lắc lắc đầu, lấy tay chải chải. - Chắc phải một thời gian nữa nó mới quen ngôi.

- Lại còn nhuộm nữa chứ.

- Sao, em thấy có đẹp trai không?

Tôi phủi tay, dơ lên nắm lấy mặt anh, nhìn cho rõ. Xoay trái xoay phải, giả bộ quan sát kỹ lưỡng, rồi nghiêng đầu buông lời bình phẩm:

- Môi trái tim bên chìm bên nổi, mắt bồ câu bên lồi bên lõm, mũi dọc dừa bên thừa bên thiếu. Xấu thật.

Nghe xong mà anh ấy tức phọt cả hạt khế ra.

- Trời ơi, anh làm gì mà xúc động thế. - Tôi la lên.

- Vì thế nên em mới không thích hả?

- Đúng vậy.

Tôi trả lời tức thì, bất giác buông tay ra phủi nhưng chỉ được một, bên kia tay phải đã bị anh ấy
nắm lấy:

- Tay em ấm thế… - Đôi mi anh khép hờ, nhẹ nhàng dụi dụi mặt vào lòng bàn tay tôi. Anh lại nói: - Hệt như tính cách em vậy.

- Anh luyên thuyên cái gì thế? trời nóng như thế này tay mát chẳng thích hơn à?

Tôi rụt tay lại nhưng vẫn không được anh ấy càng ghì chặt hơn. Những ngón tay dài, thon và trắng muốt như thạch cao đặt lên tay tôi mát lạnh. Anh quay sang nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi:

- Thật không?

Cái giọng nghiêm túc đến rùng mình. Tôi nuốt nước miếng cái ực, cảm nhận như vừa có dòng điện chạy qua người. SẸT SẸT từ cọng tóc cho đến ngón chân. Chưa kịp định hình thì anh ấy tiếp tục:

- Em…

Tôi giật phắt một cái thật mạnh. Rồi bật dậy chạy đi. Một đoạn tôi mới ngoai ngoái lại ngập ngừng:

- Em… Em còn dị ứng với mùi thuốc lá nữa.

Anh ấy cũng bật dậy chạy đến cầm khửu tay tôi kéo sát vào bờ tường. Đập vào những mảnh vữa khiến chúng bung ra rơi lộp bộp xuống đất, bắn cả vào chân. Cảm giác mùn đỏ của viên gạch cũ đang chảy ra lờm xờm sau lưng áo. Ngước mắt lên, chưa kịp phản ứng gì thì anh ấy đã tiến, bàn tay nghệ sĩ dương cầm mát lạnh đặt lên má. Có cái gì đó chạm hờ trên môi. Mềm mềm như miếng khế... Chua loét.

- Á á á.. Anh điên à.

Tôi đẩy ra cái bịch, hét toáng lên. Rồi đưa tay liên tục quẹt miệng. Ối không. Không thể nào? Á Á á á…

- Con bé này mày bị động kinh à. Đau chết đi được. - Giọng ai đó quát.

- Hả???!!!

- Có chuyện gì thế mấy đứa kia, đang đêm đang hôm thế này không để cho ai ngủ à?

Một giọng nói khác tiếp tục. Chuyện gì vậy? Tôi ngơ ngác không biết mình đang ở đâu. Phải mất mấy phút mới định hình lại được.

Sáng dậy cô Chi trêu:

- Hôm qua cái Oanh mơ được anh Duẩn hôn sướng quá rú lên như còi tàu. Ha ha ha...

- Anh Duẩn nào hôn cơ chứ? Ác mộng thì có. Tại cô gác tay lên mặt cháu mới thế đấy. Tí nữa thì cháu tắc thở rồi.

- Sao thế đã hôn chưa? thấy thế nào…? - Cô Chi vẫn hớn hở quay lại chòng (trêu chòng, trêu chọc).

- Cháu đã bảo không phải rồi mà.

Thế quái nào mà cô ấy lại đoán ra được thế nhỉ? Không lẽ cô ấy cũng đã gặp cảnh tương tự rồi?

- À đúng rồi, chuyện cô với Khải Ca thế nào rồi?

Tôi hỏi liền, cô Chi liếc ông bà Sáng rồi buông giọng hững hờ:

- Thế nào là thế nào? Bình thường.

- Không phải cô thích anh ấy sao? - Tôi biết điều hạ giọng xuống.

- Suỵt, ai thèm thích cái thằng dở người ấy.

- Cô đúng đấy, trai đẹp ngoài kia đầy mà, tội gì đâm đầu vào cái hố ấy.

Tôi đồng tình dữ dội khiến cô tôi thoáng chút bất ngờ. Cô ấy trố mắt ậm ừ.

- Ờ, ừm.

Phù… May quá chỉ là mơ. Kinh khủng quá! Vậy đến đâu là thật ta?

Đến cái đoạn tôi nói ghét mùi thuốc lá ấy là đã bỏ đi rồi. Còn nhớ về đến nhà Bác Duyên tôi chui ngay vào nhà xí. Tim đập thình thịch như muốn vỡ tung. Vừa hồi hộp vừa cay cú bị cướp đi mất cái nắm tay đầu.

Người ta bảo, à tôi đọc trên báo “Hoa học trò” thấy bảo: “Tay” chính là ăng-ten của trái tim. Nó sẽ bắt sóng những tín hiệu tình cảm truyền về trái tim. Nhưng nay tôi khẳng định đó là bốc phét. Phét phét phét... Ăng ten gì chứ? Tôi nghĩ nó phải là cái “cột thu lôi”. Giật một phát muốn tung cả người lên ấy chứ.

Mãi sau bình tĩnh lại tôi mới chui ra khỏi cái chỗ hôi hám, tạm biệt cái lũ giòi bọ lúc nhúc đầy dưới bể phốt ấy ra ngoài. Mọi người lại còn cứ tưởng tôi bị táo bón. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình hoảng hốt đến như vậy.

Ăn cơm xong, tôi lấy cớ học bài về sớm trong sự ngại ngùng. Ngại với anh Khải. Ngại vì bị trêu táo bón nữa chứ.
------------------------------------------------------
Chương 25: Dưới chân đài liệt sĩ


Ảnh minh họa: Ối lại kiếm được cái ảnh giống thế không biết. Làm tôi cứ tưởng là ảnh hồi đó mình chụp luôn ấy. (@.@) Khác cái là cái rổ to hơn và tàn tạ hơn cái này xíu. màu đỏ nữa.
 

Đính kèm

  • dandagoikhe2_lcpy.jpg
    dandagoikhe2_lcpy.jpg
    51,1 KB · Lượt xem: 17
Chương 25: Dưới chân đài liệt sĩ

Mời các bạn nghe bài hát: Tình khúc vàng
Sáng tác: Hoài An
Thể hiện: Ca sĩ Đan Trường
Tình Khúc Vàng - Đan Trường [Official] - YouTube
-------------------------------------------------------

Thứ năm ngày 29 tháng 3 năm 2007 - Vậy là tháng ba sắp kết thúc rồi.

Vài ngày sau tôi đến lớp như một cái xác không hồn. Mới bị cầm tay có một cái mà đã thân tàn ma dại thế này rồi. Hai da… Thật không thể tin nổi. Cũng còn may là vừa kịp lúc mọi người nghỉ làm, bà cũng về. Chứ đúng là không biết rúc mặt vào đâu. Giờ ra chơi thấy tôi uể oải tí Hằng nhăn mày hỏi:

- Dạo này mày bị làm sao thế?

Tôi ngáp một cái rõ to đáp:

- Ừ, tao lạ nhà nên mất ngủ. Mệt quá.

- Gần tháng rồi còn gì? Vẫn lạ?

- Tao mới về nhà tao rồi.

- Thế còn kêu gì nữa. Sắp kiểm tra giữa kỳ rồi đấy. Liệu mà học đi không đến lúc lại ngồi đó mà khóc. - Trời ợ? nói cứ như mẹ tôi vậy á.

- Thì đấy. Mấy hôm trước lạ nhà cô Chi vừa mới quen quen được một chút thì lại chuyển. Giờ quay ra lạ nhà mình rồi. - Tôi bao biện.

- Hay là tương tư anh nào rồi. - Cái An bàn bên cạnh bắn cho tôi một ánh mắt lém lỉnh như tên lửa.

“Tương tư?” Tôi thầm nghĩ.

- Tương tư? - Tôi ngồi thẳng dậy mặt tỉnh queo. - Tương tư là không ngủ được hả mày?

- Chẳng thế! Thì còn phải bận nghĩ đến người ta. Đến trong giấc mơ cũng gặp thì sao mà ngủ nổi. Há há há…

Nó bĩu môi, xòe tay lắc đầu giảng giải. Cái mắt lí lác đảo đi đảo lại theo nhịp điệu đến là buồn cười. Chỉ tội cái là không cười nổi. Mỗi câu của nó cứ như cái tăm chọc chọc vào tim tôi, nhoi nhói. Gì mà “Suốt ngày nghĩ đến người đó” gì mà “Mơ cũng gặp” kia chứ? Chẳng có nhẽ… ???!!! Tôi khẽ rùng mình. Khoảnh khắc chột dạ ấy không thoát khỏi ánh mắt săm soi của mấy đứa bạn. Tụi nó lườm, tôi bèn quay ra chữa cháy:

- Ồ Á à a… Ra vậy… có phải mày cũng từng rồi nên mới biết đúng không? - Tôi cũng bắt chước cái điệu bộ của cái An, nghiêng đầu nhìn nó cười nhếch mép. Tỏ vẻ nguy hiểm: - Ai? Ai đấy khai mau.

Tôi vồ lấy cái An như Hổ vồ mồi, nó đứng phắt dậy bỏ chạy.

- Làm gì có cái con này, tao đang nói mày cơ mà?

- Lại còn chối. Khai mau khai mau. Ha ha ha...

Thế là hai đứa vùng lên đuổi nhau toán loạn. Đến góc lớp chỗ tụi cái Hồng đang tụ tập, nó túm tôi lại hỏi:

- Ê, dạo này Khải Ca còn vào làng mày không?

- Mày vẫn còn quan tâm đến vụ ấy cơ à?

- Chứ lại không? - Nó xích mông vào trong rồi quàng vai kéo tôi ngồi xuống. - Mày không biết tối nay dưới Huyện có ca nhạc à? Khải Ca hát đấy! - Nó khoe.

- Không, sao tao biết. Dạo này xong việc nên không vào nữa rồi.

Chẳng đứa nào thèm bận tâm đến lời tôi, bọn nó chỉ muốn ba hoa thế thôi. Tỏ vẻ ta đây là người thạo tin nhất quả đất sau đó lại quay ra nhao nhao với nhau:

- Thế á? thế á?

- Tối nay đi đi.

- Đi.

- Tao đi với chị tao rồi.

- Sang rủ tao đi với…

Tôi nhún vai bất lực rồi hất tay cái Hồng ra chuồn khỏi biệt đội máy khâu này. Không chỉ lớp tôi mà bọn khác cũng kháo nhau tối nay xuống Huyện nghe Khải Ca hát. Cả tuần rồi mà vẫn chưa bớt điên rồ. Được cái nhờ có sự tuyên truyền tích cực của tí Bảo Anh mà mọi người không còn đồn chuyện yêu đương nữa. May cho cô Chi nhá. Mà lại nhắc đến cô Chi. Có khi nào tối nay cô ấy lại túm cổ tôi đi nữa không nhỉ?

Buổi chiều, tầm ba giờ đi học thêm về đến cổng y rằng gặp cô Chi đang quét ngõ trước quán. Tôi biết điều cắm mặt bước thật nhanh. Thế mà vừa thấy tôi cô ấy đã quăng chổi chạy ra chặn đầu:

- Sao giờ mày mới về? Hôm nay Khải Ca có đến không? Còn ở đó không?

- Không, hôm nay đổ móng xong rồi nên mọi người nghỉ rồi ạ. - Tôi đáp nhanh gọn.

- Tối nay xuống Huyện chơi đi. - Cô ấy thì thầm rủ.

- Hôm nay bà cháu về rồi, nên cháu không sang ngủ nữa đâu ạ. Cô cũng khỏi nấu cơm nha. - Lần này tôi sẽ không khuất phục nữa. Tôi cười cười gật gật, bước tránh ra một bên đi tiếp.

- Tao có nói chuyện đó đâu? Ai chả biết bà mày về, ngồi lù lù trong nhà thế kia mà. Đang bảo xuống Huyện chơi cơ mà. - Cô Chi nhăn mặt trừng mắt nhìn làm tôi hơi run run:

- Cháu không đi. Cháu phải ở nhà với Bà chứ.

Cô ấy kéo lại rít lên qua kẽ răng:

- Hôm trước tại mày mà tao không được xem Khải Ca hát đấy.

- Cháu còn phải học bài. Sắp cuối kỳ rồi cô không ôn thi đại học đi à? - Tôi gạt tay cô Chi ra, đẫn đờ vào cổng.

- Sao phải ôn, tao có sẵn một suất tuyển thẳng vào “Trường Đời” rồi. Thế có đi không?

- Cô tự đi đi. - Tôi từ chối thẳng thừng.

- Đi lấy váy chứ gì. OK tối cô chở đi. - Cô ấy nói lớn, nhằm cho ông bà ở trong nghe thấy.

- Ơ… cháu. - Tôi ngơ ngác.

- Bảy giờ sang đây, không là tao cho đi một mình. - Cô Chi vừa nói tiếp vừa lườm tôi cái sắc lẹm rồi ngúng nguẩy đi vào nhặt chổi.

Về được một lúc thì trời đổ mưa to. Tôi mở cờ trong bụng, bảy giờ ăn cơm xong ung dung vào bàn học. Mặc kệ cô Chi, tôi lôi văn ra soạn. Nhìn bảy câu Đọc hiểu văn bản mà tí nữa thì ngất lên gi.ường. Làm vầy cũng đủ hết cả ngày rồi chứ đứng nói đến Toán Sinh Địa nữa nhé! Bảo sao cứ phải đi chép bài. Tôi quăng bút hậm hực. Nhưng rồi lại nhặt lên tự động viên bản thân “ Thôi cố nào!” Cứ đọc văn bản xong cái đã.

“Ta thường nghe: … Tôi hít thở vài hơi thật sâu tập trung vào bài đọc nhưng đến đoạn này: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt nước mắt đầm đìa.”
tôi thầm nghĩ: “Là Trần Quốc Tuấn đang “tương tư” sao? hay là tôi đang căm phẫn vì bị cướp mất cái nắm tay đầu?” Ý tôi là cái “Nắm tay đầu mà có cảm giác mạnh ấy”. Chứ cầm tay bình thường thì chả nói làm gì.

Tôi hạ bút ngửa người ra sau. Cái ghế nhựa Duy Tân đỏ đỡ tôi bằng một màn bập bênh êm ái. Chỗ hai cái chân sau và lưng ghế bị nứt ra một đoạn, vừa đủ để nó có thể đung đa đung đưa mà không sợ bị gãy đôi ra ngã chổng kềnh. Tôi mơ màng tự hỏi: “Rốt cuộc thì là “thích” hay “thù” đây?”

Thật chẳng hiểu nổi mình nữa. Thành - thật - mà - nói… À ừm… Suỵt… Bí mật nhé… nói nhỏ là tôi đang nghĩ là anh Khải thích tôi. Á á á á… Tôi hú lên trong tư tưởng, hai tay vỗ đen đét vào mặt rồi ôm đầu gục xuống, cả người rung lên cái thì chân dậm dậm không khác gì lên cơn động kinh. Đã thế cái mặt lại còn không biết là đang mếu hay đang cười. Đang vui hay đang rầu nữa.

Bà tôi đang têm trầu bên ngoài thấy thế ngẩng đầu lên nhìn không nói, chỉ lặng lẽ xoay cái bánh răng chỉnh cho tiếng đài bé lại. Chắc bà nghĩ để to quá tôi không tập trung học được.
Tôi quay ra nhìn bà mặt đau khổ.
Không phải đâu bà ạ, giá mà não cũng có chỗ chỉnh âm lượng thì có lẽ tôi đã cho nó phải câm mồm. Chính những suy nghĩ viển vông lòng vòng trong đầu nãy giờ mới là thứ đang làm phiền tôi.
Hai da … Tôi thở dài thườn thượt. Làm gì có chuyện anh Khải thích tôi cơ chứ? Với anh ấy tôi chẳng qua cũng chỉ là đứa trẻ con vắt mũi chưa sạch. Cùng lắm anh ấy cũng chỉ quý mến tôi như anh Móm vậy thôi. Tôi gật gù.

Cơ mà thật không? Vậy sao anh ấy lại tặng quà cho mình? Tôi mê mẩn bới trong ngăn bàn tìm, mấy bài kiểm tra rơi tung tóe toàn bốn với năm. Cuối cùng cũng moi ra được cái hộp đựng móc khóa.

Ôi nó đẹp quá. Tôi nào có dám đeo đâu, sợ làm rơi hay làm hỏng mất. Với cái tính hẩu (ẩu) đoảng của tôi thì dễ lắm. Tôi giơ lên lắc nhẹ. Nó leng keng hệt như tiếng rung động của trái tim. Viên bi đỏ thắm lượn đi lượn lại trong tròng mắt. Tôi chắc mẩm: Uốn lượn tỉ mỉ thế này, lại còn được làm bằng bạc. Xem ra cũng chẳng hề rẻ. Một thứ quý giá như thế này mà anh ấy nỡ tặng mình, thì liệu có phải là bình thường không? Rốt cuộc thì với anh ấy tôi là như thế nào? Sao lại dịu dàng với tôi như vậy? Mà lúc đó điều anh ấy định nói là gì? Tại sao mình lại bỏ chạy cơ chứ???!!!

Ối… Không chịu được mất. Tôi lại gục xuống vò đầu bứt tai. Đập bàn thùm thụp. Đúng lúc đó thì thánh chỉ truyền xuống:

- TÍ OANHHH… Mày biết bây giờ là mấy giờ rồi không?

Cô Chi rít lên qua kẽ răng. Mặt hầm hầm như sư tử Hà Đông đứng dạng chân chống nạnh ở giữa cửa. Tôi giật bắn mình quăng vội cái móc khóa vào ngăn bàn, xô ghế lùi lại sau phòng thủ. Tiếng chân ghế cứa vào nền đá hoa ré lên ken két chói tai.

- Ơ ơ trời mưa...

- Tạnh từ đời tám ngoánh nào rồi. Mày không có mắt à??? - Không để tôi nói hết câu cô chảu mỏ lên quát.

- Cháu… cháu bảo không đi rồi mà. - Tôi run rẩy đáp.

- Còn cãi à?

Cô chi xông vào trước ánh mắt ngỡ ngàng của cả tôi và bà. Cô chào bà tôi xong rồi hốt tôi đi luôn. Xin mãi mới được năm phút thay quần áo. Rút kinh nghiệm hôm trước, hôm nay tôi lôi chiếc quần phăng kẻ sọc ống loe ra mặc. Đó là cái quần tử tế nhất của tôi được cắt đo đoàng hoàng để mặc đi học. Hết tiết về đến nhà là phải cho vào giặt luôn, mai còn có cái mặc tiếp. May mà hôm nay lười. Bên trên mặc chiếc áo nỉ mỏng có mũ màu hồng. Cũng xì-tai ra phết ấy chứ!

Cơ mà để ai ngắm?

Theo cô Chi ra đến cửa tôi ngoảnh đầu nhìn lại, đống sách vở soạn Văn vẫn mở tơ hơ trên bàn. Chưa động bút được một chữ. Kết cục tôi vẫn phải ngậm ngùi trèo lên xe cô dưới sự chứng kiến của bà Xuân và ông Sáng. Lúc này đã gần tám giờ.

- Về sớm đấy nghe chưaaa…

Như mọi khi, bà Xuân đằng sau hò. Còn cô Chi thì cắm đầu cắm cổ đạp như bay xuống Huyện. Qua cầu Dân Thầu, hôm nay không có ai bảo kê y rằng bị đám thanh niên trêu chọc. Một thằng hét lớn:

- Yêu anh đi nhà anh có đàn gà rù.

- “Yêu yêu yêu” - Bọn còn lại đồng thanh.

- Yêu cái mả cha chúng mày ấy.

Cô Chi quát. Đôi mắt cạu lại, cái răng khểnh lóe lên dưới ánh trăng rằm. Trông còn tợn(dữ tợn, nguy hiểm) hơn cả răng nanh của cáo. Nhiều khi độ đanh đá cá cày của cô ấy khiến tôi cũng phải phát khiếp.

***
**
*

Dưới chân Đài Liệt sĩ và đối diện bên kia đường là một khoảng sân rộng cho thuê mở quán. Mấy quán trà đá, nước mía, kem kiếc các kiểu bữa nay bày ghế tràn cả ra đến đường. Bà Béo chủ quán đang đứng ngoài đường vẫy khách. Miệng oang oang:

- Vào uống nước mía đi các em ơi, hôm nay đặc biệt có Khải Ca đến hát nha mấy đứa.

- Đứa nào muốn xem Khải Ca hát thì vào đây…

Không biết bà ấy đã PR từ bao giờ mà người người kéo đến đông như chợ Tết. Những cái chỗ bên trong gần gần mấy cái loa coi như kín. Tôi đoán là nhiều người cũng chẳng biết Khải Ca là ai đâu, nhưng thấy bà kia hùng hổ mời chào nên cũng tò mò tấp vào cho biết. Hơn nữa vị trí chỗ này lại ngay cửa ngõ, đầu huyện đi ra, cuối huyện đi vào đều bị chặn sống. Nên đã đông lại càng đông.

Tôi đang không biết cô Chi sẽ tấp vào đâu thì hội bạn cô ấy vẫy.

- Chi Sáng, Chi Sáng. Ở đây ở đây.

- Ê, mày đi xuống.

Cô ấy đuổi tôi xuống rồi lập tức đâm xe vào.

- Bọn mày đến lâu chưa, đã hát chưa?

- Đến từ sáng sớm rồi, thế mới xí được cái chỗ này đấy.

Chị tóc dài kéo cái ghế nhựa cho cô tôi, vỗ bồm bộp vào mặt nó thủ thỉ:

- Ngồi đây. Chưa hát. Giờ mới chuẩn bị bắt đầu này.

- May quá xuống kịp. Thế hôm qua cũng hát ở đây à?

- Ừ, hôm qua bọn nó cũng châu đầu vào đấy. Mà so với hôm nay thì đúng là muỗi.

- Hay thế cơ à?

- Hay, Bà Béo kia kìa mừng như vớ bở. Gạ mãi hôm nay nó mới chịu đến đấy. Thế mới có cái mà xem.

- Nhìn kia. Hôm nay chơi hẳn dàn loa với sân khấu luôn mới sợ chứ.

Mấy chị bạn cô Chi cứ bắn liên tùng tục làm tôi chẳng biết là ai đang nói nữa cơ mà chú thích. Cái “Sân khấu” mà mấy bà cô này nói đến ở tận cuối sân đằng kia, dưới gốc cây phượng. Thực ra cũng chỉ là cái bục đơn sơ đủ hai người đứng. Còn dàn trống chập cheng, đàn Organ kê dưới đất. Chúng tôi đang ngồi ngay đối diện cái bục đó nhưng xa tận bên này đường phía đài liệt sĩ, cạnh một bồn hoa Thủy Tiên nở rộ.

- “Xin chào toàn thể bà con cô bác, các anh các chị các em thân thương trong Huyện.”

- Hú hú hú…

- Đấy đấy, bắt đầu rồi.

MC vừa dứt lời tiếng vỗ tay, tiếng hò hét huýt sáo đã vang lên như sấm sét. Mấy cô bên cạnh tôi cũng nhảy bổ lên như cướp lộc đầu xuân.

- Bác ơi cho cháu cốc nước sấu. Cô uống gì ạ? - Tôi quay sang hỏi cô Chi, giờ đã nghển hết cả cổ lên. Cô ấy còn chẳng buồn nhìn tôi trả lời:

- Gì cũng được.

- Cho cháu hai cốc đi ạ. - Tôi quay lại với bác chủ hàng. Không một cắc trong tay nhưng cũng cứ vênh mặt lên gọi như đúng rồi.

“Thể theo nguyện vọng của mọi người, hôm nay nhóm “Ba con hổ”chúng tôi rất hân hạnh được phục vụ mọi người. Cảm ơn mọi người đã dành sự ưu ái, bớt chút thời gian vàng ngọc đến đến với chúng tôi ngày hôm nay. “

- Của cháu đây. - Bác chủ quán đưa cốc nước, tôi đưa tay nhận lại.

- Cháu xin ạ.

“Xin giới thiệu vị khách mời đặc biệt ngày hôm nay ca sĩ Văn Khải và ca sĩ
Đan - Kiêm. “
Gã MC nhấn giọng từng chữ một.

- Huýt huýt… bộp bộp bộp bộp.

Tiếng hú lại vang lên.

- Tổ sư bố thằng Kiêm lại đi ăn sái rồi. Chắc phải xin gẫy lưỡi nó mới cho lên chắc! - Cô tôi phán.

Tôi cũng cười không ngậm được mồm. Hẳn là “Đan Kiêm”. Chứ không phải “Đan Trường”. Đến chết với anh tôi.

Dòm lên anh Móm vẫn mặc bộ tủ hôm qua, đôi giày “A di đà phật” (Adidas - nhái) và quả đầu quết mỡ gà. Tay thì đang cầm Mic vẫy chào, miệng cười như vớ bở:

“Đan Kiêm xin chào tất cả mọi người.“

Nghe xong tí nữa thì tôi nuốt luôn hạt sấu vào bụng hóc chết. Cuối cùng thì ước mơ được đứng trên sân khấu của anh tôi cũng đã thành sự thật. Không phải ngong ngóng cái đám cưới nào nữa. Và bỗng nhiên ba cái ông ất ơ, ngày nào cũng lết cái loa thùng đi dọc chợ huyện hôm nay lại có hẳn một liveshow đông khách. Có vẻ như người nằm trong mơ không chỉ có anh tôi.

- Khắm thế, ĐI XUỐNG ĐÊ.

Cô Chi nhổm hẳn dậy hét. Mấy bà cô bà chị ai cũng rào rào rào rào chỉ trỏ. Chỉ ai thì biết rồi đấy - Khải Ca, nhân vật chính hút khách ngày hôm nay. Anh ấy đứng ở giữa ngay sau anh Móm, đang ôm đàn. Bên cạnh là một anh ngồi gõ trống chập cheng, bên kia là anh khác chơi organ. Không biết hôm nay đầu tư ở đâu ra được lắm thế. Đợi tiếng vỗ tay lắng xuống, anh MC mới cầm mic lên nói tiếp:

“Vâng, xin cảm ơn. Không để mọi người phải chờ đợi lâu nữa. Buổi biểu diễn hôm nay xin - phép - được - bắt - đầu.”

MC nhấn từng chữ một xong lùi lại nhường chỗ cho ca sĩ Đan Móm, à nhầm Đan Kiêm, giới thiệu.

----------------------------------
Chương 26: Cánh hoa hồng trong gió
Ảnh minh họa: Tượng đài liệt sĩ. Ở ngay đầu huyện. Trung tâm Huyện tôi có một cái đài và nghĩa trang Liệt Sỹ như thế này này (Ảnh trên mạng đài Liệt Sỹ ở Đà Nẵng) Xong đối diện bên kia đường có một sân (Quảng trường) rộng nữa. Ngày thường thì mở quán nước. Tết thì mở chợ hoa, hội hè linh tinh. Chúng tôi vẫn gọi là “Cổng thông tin” của Huyện hay “tập đoàn buôn dưa lê” tin gì vào đây cũng đến tai cả Huyện hết :)))
 

Đính kèm

  • cong-vien-2-9.jpg
    cong-vien-2-9.jpg
    458,6 KB · Lượt xem: 19
Chương 26: Cánh hoa hồng trong gió

Mời các bạn nghe bài "Lời Nguyền"
Sáng tác : Minh Khang
Ca sĩ Akira Phan, Vũ Ngọc Điệp
Lời Nguyền - Akira Phan [OFFICIAL MV HD] - YouTube

999 đóa hồng - Lam trường
999 Đóa Hồng - Lam Trường - YouTube

---------------------------------------------------------------
“Đầu tiên là ca khúc đình đám “Tình Khúc Vàng” do ca sĩ Đan Kiêm thể hiện.”
“Xin phép cho Đan Kiêm gửi lời chào đến tất cả quý vị khán giả các bạn trẻ và những người có mặt trong buổi tối hôm nay,
xin phép cho Đan Kiêm được gửi lời chào trân trọng nhất.
Xin cám ơn rất nhiều xin cám ơn.
Eh ….”

Cứ nhắc đến cái chữ “Đan” là tôi không thể nào nhịn được cười. Cứ rinh rích rinh rích. Tâm trạng cũng phấn chấn hơn hẳn. Trái lại, mấy bà cô thì thi nhau càu nhàu:

- Gì thế này? để Khải Ca hát đi.

- Kiểu này chắc phải để cuối cùng.

- Nghe Khải Ca hát xong bọn nó kéo về hết thì mất thể hiện nhá.

Ai lấy đều xìu xuống quay lại với mâm cỗ hạt dưa trước mặt. Một chị bạn hỏi cô tôi:

- Khải Ca không phải người yêu mày thật à?

- Không, thật thì đã sướng quá.

- Tán đi. Cơ hội ngàn vàng đấy. Cho bọn này thơm lây với.

- Đang cố.

- Há há há…

- Mà nghe nói yêu con Thư ở Vĩnh Tiến cơ mà. Học giỏi nhất lớp 12A3 ấy.

- Ô, cái con thấp tè tè tóc dài đến đít ấy hả? Tưởng thế nào… Xem ra Chi, mày thừa cơ hội.

Chị tóc vàng bĩu môi, huých tay cô Chi một cái nháy mắt.

- Cơ mà nhà có tiền. Nghe đâu mở quán tạp hóa to lắm.

Cô Chi chọc chọc cái ống mút vào cốc rồi đưa lên miệng rít. Tôi nhớ lại lần trước nghe đồn nhà anh Khải giàu nên tôi đoán mò nhà anh ấy mở tiệm tạp hóa. Khỏi phải nói anh ấy đã sửng sốt thế nào. Thì ra là vậy.

- Không phải con bé đó, con đấy cũng tên là Thư, cũng học giỏi cũng học lớp 12A3 nhưng con Thư nhà mở quán tạp hóa người yêu thằng Khải Ca này xinh cơ. Thư “ Cỏ bốn lá”. Đợt 8/3 vừa rồi có lên hát văn nghệ ấy. Bọn này chẳng biết gì.

Nghe chị tóc dài nói mà tôi giật bắn mình. Nhoi nhói một cái trong lòng như thế này này. Thì ra là vậy… Tôi lúng túng, quay ra hỏi cô Chi:

- Cô không ăn sấu thì cho cháu xin nhá?

- Mà chia tay rồi. - Chị tóc dài nói tiếp.

- Thế á, sao chia tay? chia tay lâu chưa? - Cô Chi kéo ghế xích lại hóng hớt, chẳng buồn đếm xỉa gì đến tôi nữa luôn. Tôi giật giật áo cô ấy lặp lại:

- Cháu ăn nhé?

- Ôi giời cái con bé này, giờ này còn ăn mới chả uống. Đây cầm lấy, hốc hết đi. - Cô ấy gắt, đập cái cốc cốp một phát trước mặt tôi.

- Đây, lấy của chị luôn nữa này.

- Của chị nữa.

Mấy chị khác cùng đủn cốc sang, miễn sao tôi có cái bịt miệng đừng phá đám nữa là được. Chị tóc dài tiếp tục:

- Thì bố con kia cấm. Mới hồi trước Tết ấy.

- Con chị họ tao ở gần đấy kể tết ngày nào cũng vào trồng cây si nhưng bị bố nó cầm dao bầu đuổi đánh.

- Con kia khóc lên khóc xuống cơ mà.

- Nhà thằng này cũng giàu mà, đẹp trai, cũng có cơ. Chê gì?

- Cái chính là nó ấy. Bỏ học, suốt ngày lông bông. Trong khi con nhà người ta “lá ngọc cành vàng”, sắp tới lại thi đại học. Đời nào bố nó cho qua lại với thằng này.

- Thấy bảo yêu nhau bốn năm năm rồi cuối cùng cũng phải chịu đấy.

- Thể nào tự dưng vào làng tao phụ vữa, chắc đang bơ vơ thằng Kiêm nó cưu mang đây mà. - Cô Chi chắc mẩm.

- Thằng này mà cũng chịu đi làm phụ vữa á... *** tin. Há há há…

- Ấy, thì chán đời không có việc gì làm thì đi cho khuây khỏa.

- Nói như đúng rồi, mày là nó sao mà biết... Ha ha ha...

- Thì tao đoán thế. Đùa thế thôi chứ tao cũng chẳng ham hố gì thằng này.

- Gớm, có thì không húp sùm sụp ấy mà lại còn. Chắc đếu gì nó để ý đến mày mà bày đặt ham mới chả hố.

- Á à... Con chó này. - Cô Chi chồm người lên đánh. Một chị khác nói.

- Chúng mày có im đi không. Đừng có mà nói xấu Khải Ca của tao. Đến lượt Khải Ca hát rồi kia kìa. - Trong lúc chị tóc vàng, tóc dài với cô Chi tám thì chị tóc ngắn vẫn đăm đăm xem nhạc. Thi thoảng mới nói một câu. Nghe vậy cả đám liền xoay phắt ghế ra phía sân khấu hóng nhìn.

***
**
*

Sau cuộc nói chuyện có mấy phút của hội chị bạn cô Chi mà trong đầu tôi bật ra không biết bao nhiêu là cái “Thì ra là vậy”. Thì ra tôi chẳng biết cái gì về anh Khải cả. Một chút cũng không. Thế mà lại dám tự nhận là “Anh - Khải - Thích - Mình” thì có to gan không cơ chứ. Thật đúng là không biết lượng sức mình. Tôi cúi gằm mặt hổ thẹn.

- Để xem hát hay tới đâu nào. - Cô Chi lên tiếng.

- Trật tự nào.

- *** biết hát có hay hay không nhưng mà đẹp trai như tượng ấy nhể.

- Mới cắt tóc kìa, cứ như Châu Du Dân ấy.

- Thằng Thịnh Trạch quả này mất chức. ( Thịnh là anh được mệnh danh là Châu Du Dân trước đây)

- Ơ, mấy cái đứa này. Bảo trật tự cơ mà?

Chị tóc ngắn nhăn mày chép miệng. Không chỉ mấy bạn cô tôi mà cả cái khu này dường như cũng im lặng hơn hẳn. Tôi rươn rướn lên xem. Vừa lúc thấy anh Khải bước lên cây mic nói ngắn gọn:

“Tiếp theo chúng tôi xin gửi đến ca khúc “Lời Nguyền” của ca sĩ Akira Phan.”

- Hú hú hú… Bụp bụp bụp… Con dân lại vỗ tay vỗ bàn ầm ầm.

Anh ấy ngồi xuống ghế, cái ghế sắt đệm da đen trắng mà chỉ trịnh trọng dành cho các thầy cô giáo trong buổi chào cờ. Hôm nay anh ấy vận (mặc) một chiếc áo sơ mi trắng muốt với viền cúc màu đen, hai cái bên trên phanh ra hững hờ. Làn da Bạch Tuyết cùng mái tóc sáng màu. Đêm nay anh ấy thật sự nổi bật và tỏa sáng, sáng hơn cả ánh đèn đường.

Anh MC lúc nãy chạy lên chỉnh chân Mic thấp xuống ngang tầm. Anh Móm thì vẫn đang đứng bên cạnh người đung đưa đung đưa. Xem ra đây sẽ là một tiết mục song ca.

Nhạc bắt đầu nổi. Anh Khải cúi xuống, những ngón tay thon dài bắt đầu đánh đu trên dây đàn.

Đúng vậy, những ngón tay đó đâu phải là để làm việc nặng nhọc, khuôn mặt đó đâu phải để phơi ra ngoài nắng gió. Vốn dĩ vị trí nó là ở kia... Ở cách xa tôi...

“Lời thề ước anh đã trao cho em
vầng trăng, ánh sao nhiệm màu.”

Cả hội trường ồ lên.

- Đúng là danh bất hư truyền ha. Nổi da gà - Chị tóc vàng trầm trồ. Bị cô Chi huých phát cho yên.

“Nhìn lên cao anh chắp tay nguyện cầu được yêu em đến khi bạc mái đầu xanh.”

- Chắc là hát gửi cho con bé đó đó.

- Mày không nói không ai bảo mày câm. - Chị tóc dài nạt.

Tôi thật sự đã chỉ biết về anh Khải về những lời đồn vu vơ. Không biết là anh ấy lại có tâm sự, có một mối tình sâu đậm như thế đấy! Một cô gái xinh đẹp, tài giỏi, hát hay nữa chứ nhỉ? hôm trước cũng biểu diễn văn nghệ ở trường cấp ba cơ mà! Hơn nữa chắc cũng tốt tính. Thảo nào được cái Bảo Anh nó quý mến thế, quyết bảo vệ bằng được. Thật không còn gì để chê… Đúng như câu thành ngữ “Xứng đôi vừa lứa”.

Trái ngược hoàn toàn với tôi.
Tôi lặng lẽ ngước nhìn lên sân khấu.

“Tình của em giờ như trăng khuyết mờ, không thể theo anh trọn đời.
Tình của em giờ giống như nghĩa cũ tình xưa.”

- Bố thằng Móm phá nát bài này. - Cô Chi càu nhàu. Anh ấy đang hát thay lời cho giọng nữ.
Đúng là thất tình sản sinh ra các ca sĩ. Cỡ anh tôi, chưa mảnh tình vắt vai bảo sao hát chẳng không cảm xúc.

- Lại được mày nữa.

- Thôi trật tự. - Chị tóc ngắn nổi quạu.

“Và khi em xa rời anh anh nhớ em nhớ ngàn lần.
Chuyện tình yêu không giống như chuyện cổ tích.
Phải làm sao anh được vui, phải làm sao anh hết buồn tình qua tay
thật lòng em không muốn...”


Đến đây tôi thầm nghĩ: Có phải anh ấy cũng giống như chị Hân không? Gặp mình lúc đang loay hoay bế tắc, gặp mình để chạy trốn với thế giới hiện tại. Và rồi lại ra đi khi đã tìm lại được chính mình? Thật tốt khi có ai đó chẳng biết gì về quá khứ của mình và cư xử với mình vô tư...

“Lệ hoen ướt, khóe mi cay trong lòng anh vẫn luôn chung tình.
Chờ ngày mai ánh nắng lên xua tan băng giá.”

Nếu cứ như với chị Hân, mình dần dần bước vào thế giới của anh ấy, biết hết về anh ấy và giống tất cả những người xung quanh anh ấy rồi... Liệu mình còn giá trị nữa không? Anh ấy còn đối tốt với mình nữa hay không?

“Giờ lời hứa đã tàn phai chờ đợi chi để thêm ưu phiền.
Lời nguyền xưa nay đã tàn tro.”

“Khoan đã nào. Nói cứ như là anh ấy đang thích mày thật ấy không bằng?! Hờ hờ… Chắc gì anh ấy muốn chơi với mày nữa mà đòi bày đặt. Cứ tưởng mình quan trọng lắm ấy. Tỉnh lại đi Oanh ơi. Ha ha ha…” Tôi nhếch mép cười cay đắng. Lấy ống mút khều miếng Sấu cho vào miệng. Đây đã là cốc thứ ba. Miếng Sấu giòn giòn sần sật. Lại chua chua nhôn nhốt ăn rất đã.

“Lệ hoen ướt, khóe mi cay trong lòng anh vẫn luôn chung tình.
Chờ ngày mai ánh nắng lên xua tan băng giá.”

- Ưm, ngon tuyệt. Lần đầu tiên cháu ăn miếng Sấu ngon thế đấy. Lại còn cay cay thơm thơm mùi gừng nữa chứ! Bác ngâm giỏi quá. Truyền cho cháu chút bí kíp với.

Tôi quay ra tâm đắc nói với bác chủ hàng.

- Bố cô, ngon thì thường xuyên xuống đây ăn cho bác. - Bác tủm tỉm. Xem kìa bác ấy cũng có má lúm đồng tiền nữa. Má Lúm một bên giống tôi. Tôi thích thú nhìn bác cười típ mắt.

“Giờ lời hứa đã tàn phai chờ đợi chi để thêm ưu phiền.
Lời nguyền xưa nay đã…. tàn tro.”

Đúng vậy, thế giới này đâu chỉ có mỗi anh Khải. Xung quanh mình còn rất nhiều người. Rất nhiều nụ cười. Tôi gật đầu cái rụp vươn vai lấy lại tinh thần. Xung quanh tiếng “Rầm rầm rầm… bụp bụp bụp…” vang lên như tán dương cho sự mạnh mẽ sáng suốt của tôi.

Được cỡ một giây, tôi lại xìu xuống. To mồm thế nhưng thực tâm tôi vẫn thấy buồn buồn. Trong lòng bị thủng một lỗ như ở cái cửa sổ cạnh gi.ường nhà cô Chi. Gió cứ thi nhau lùa vào lành lạnh.

Huýt… Tiếng huýt sáo vang lên như sói hú. Mọi người vỗ tay (Đương nhiên là cho tiết mục vừa rồi rồi), tôi cũng lặng lẽ vỗ tay.

- Chúng mày đập nhẹ thôi tan bàn của tao ra bây giờ. - Bà Béo quát lớn. Nhưng chẳng ai thèm để ý. Chỉ thi nhau hét lên:

- Hát nữa đê.

- NỮA ĐÊ.

Trước sự ái mộ của mọi người. Tôi càng thấy khoảng cách giữa mình và anh xa tít tắp. Không chỉ một con đường, một khoảng sân mà có lẽ là cả cánh đồng ấy chứ.

“Vâng cảm ơn tiết mục đầy cảm xúc vừa rồi của hai ca sĩ. Tiếp theo chúng ta thay đổi không khí qua màn trình diễn của nhóm “Ba con hổ” với bài hát “Mãi mãi” của ca sĩ Lam Trường…”

Và cứ thế, đến bài nào Khải Ca hát thì còn yên yên. Không là lại rào rào lên bàn tán. Hơn tất cả “dưa lê” là món đắt khách nhất đêm nay. Mặc cho tôi ngồi ngáp lên ngáp xuống, mặc cho lời cảnh báo của bà Xuân lúc ban đầu, Cô Chi vẫn ngồi đó cố chày cối đến tiết mục cuối cùng. Trong lúc hát thi thoảng lại có người mang hoa lên tặng nữa. Cái hàng chuyên làm vòng hoa đám tang ở cạnh đây hôm nay cũng được mùa. Đến khi dọn dẹp chúng tôi đến anh Khải còn chia cho mỗi người một ít. Chị tóc ngắn nhận được cả bó hoa Cúc sướng rên lên hừ hừ:

- Anh cho em thật hả?

- Ừ, nếu bạn thích thì lấy hết đi. Mẹ tớ không thích hoa Cúc không cho mang về nhà. - Anh Khải lịch sự trả lời.

- Hết là hết thế nào được. Ăn giầy (dầy) ăn tất lại còn định ăn cả đất xung quanh nữa à? Đâu đưa đây cho tao. - Chị tóc vàng giằng lấy. Chia ra cho mấy người còn lại mỗi người vài bông.

- Không, tao thích hoa hồng cơ. - Cô Chi liếc mắt về phía bó hồng trên bàn.

- Có Voi lại còn đòi Hai Bà Trưng.

Chị tóc vàng bĩu môi dè bỉu. Trong khi cô Chi vẫn xoay xoay người nũng nịu. Tôi thấy cô ấy nên nổi đóa như lúc qua cầu Dân Thầu ấy thì sẽ bớt đáng sợ hơn.

- Ừ, lấy đi. Tớ lái xe nên cũng không mang được. - Anh Khải đích thân lấy hoa đưa cho từ cô Chi đến chị tóc vàng.

- Tôi tôi, cả tôi nữa.

Mấy chị kia cũng nhao nhao. Nhận được hoa cái nhẩy cẫng lên như mèo vớ mỡ.

Còn dư bông hoa cuối cùng anh ấy đưa về phía tôi. Bắt gặp ánh mắt anh ấy tôi giật thót mình, bất giác lùi lại nép vào lưng cô Chi. Từ nãy đến giờ tôi vẫn câm như hến, không hé răng lấy nửa lời. Cô Chi tưởng là anh Khải lại cho mình… hoặc đúng là anh Khải định đưa cho cô ấy thật? nên liền hớn hở đưa tay nhận lấy. Cảm ơn rối rít.
Trên đường về còn vừa đi vừa hát tung tăng. Không khiến tôi đạp cùng nữa.

Vườn hồng ngày xưa đã úa tàn… ” 999 Đóa Hồng - Lam Trường - YouTube

Đang vui hát nhạc buồn. Bó tay cô tôi. Tôi thì chẳng có hơi sức đâu mà ca với hò. Một buổi tối mà tâm trạng cứ bập bà bập bềnh như sóng biển. Nhìn lên trời không một gợn mây chỉ có áng trăng khuyên khuyết, thiếu tí nữa thì tròn nằm tơ hơ ở đó. Hôm nay đã là ngày mười một âm lịch. Dẫu vậy cũng đủ sáng rồi. Lại còn được trận mưa chiều nay gột rửa nên không khí cũng trong lành hơn. Lá cây ngọn cỏ cũng bóng bẩy hơn nữa. Tôi cúi xuống cầm lấy riêng bông hoa mà (tôi nghĩ là) anh Khải định tặng tôi dơ lên soi.?
Đóa Hồng Nhung đỏ thắm cuối ngày đã không còn đủ sức sống. Những cánh hoa mong manh phập phồng phập phồng, rồi bung ra buông mình trong gió xuân.?

Úi cha, gió đêm lạnh quá đi… Tôi rùng mình co rúm người lại.

Giá như có người ân cần quàng cho tôi chiếc áo ấm lúc này nhỉ?

Tôi nhớ đến tấm lưng anh Khải trong khoảnh khắc ngoái lại nhìn trước lúc ra về.

Nhớ lại chị Hân lúc quay đi mặc kệ tôi nằm khóc.

Nhớ tới ba mẹ tôi đầu tắt mặt tối nơi phố thị.



Không biết… có ai thực sự quan tâm đến tôi không?

?️

(Nhìn trên tay, bông hoa chỉ còn trơ lại nhụy vàng phấp phới)

--------------------------------------------- HẾT -----------------------------------------------
Ba năm sau:

- Ơ… Oanh à? Ngày xưa bé thế mà… anh nhìn mãi mới nhận ra.

Tôi khẽ mỉm cười, đưa tay vén tóc hất ra sau, cố tình để lộ chiếc dây chuyền rung rinh trên cổ:

- Anh Khải, lâu rồi không gặp.

---------------
Ảnh minh họa: Internet. Có bạn nào được tặng hoa cũng về treo đầu gi.ường phơi khô xong ép vào vở như cô Chi nhà mình không này?
Nguồn: 9x Đời đầu
 

Đính kèm

  • phiendich4.jpg
    phiendich4.jpg
    97,3 KB · Lượt xem: 17
×
Quay lại
Top