Hai người bác sĩ

dgoanh

Ước mơ tôi...
Thành viên thân thiết
Tham gia
19/11/2010
Bài viết
1.453
“Nào, há mồm bác xem nào, răng nanh bên này à, xem nhổ được chưa nhé, tý thôi…”, và loanh quanh trong vài câu nói đó, “bụp”, cái răng rơi ra ngoài, lăn lòng vòng trên ngực áo xuống quần, con cũng chẳng kịp khóc.
img21.png
Có những sự việc, dù xảy ra trong một thời gian ngắn thôi, cũng đủ để khắc sâu vào trong tâm trí, cũng đủ để làm suy nghĩ của ta thay đổi, cũng đủ để biến chuyển một con người, thậm chí là thay đổi một số phận…
Người bác sỹ đầu tiên, con còn nhớ không, mẹ con mình gặp chừng 4 năm trước. Đó là một người đã tương đối có tuổi, dáng người to cao, giọng nói to và vang. Hôm đó, con bị tiêu chảy, và kinh nghiệm từ những lần trước cho thấy, con đã bắt đầu mệt lả, vừa nôn vừa tiêu chảy, đến mức không thể không truyền nước. Bố đi công tác vắng. Bà giúp việc phải trông chị con, lúc đó vẫn còn nhỏ. Chỉ có hai mẹ con mình vào viện thôi.
Đó là một bệnh viện tương đối lớn, và khoa nhi luôn đông đúc. Xếp hàng rồi thì một lúc cũng đến lượt mẹ con mình vào khám. Bà bác sỹ hỏi qua các thông tin bổ sung như tuổi, cân nặng, triệu chứng như thế nào, đã bao lâu rồi, dùng thuốc gì rồi và như thế nào…. Bà cũng hỏi con vài câu, và mẹ trả lời thay hết, tất nhiên rồi, con đâu đã biết nói. Con khẽ cựa mình ra chiều phản đối khi ống nghe được lồng vào người con qua áo. Con cũng chưa hiểu thế nào là hít mạnh rồi thở ra… Ừ, thì đôi khi trẻ con vẫn thế, nên cuối cùng phần ống nghe cũng xong.
Bà bác sỹ hỏi rằng con chưa biết nói à? Cũng lớn lớn rồi nhỉ? Mẹ cũng sắp khóc đến nơi, mỗi lần mang con đi khám, mẹ đều phải tính toán kỹ để sao cho con thoải mái nhất và mẹ cũng đỡ phải suy nghĩ nhất. Mẹ lấy tay khẽ bịt tai con lại (và ước là có ai đó đứng sau mẹ để cũng bịt tai mẹ lại – để mẹ đỡ phải nghe lại hai cái từ ấy): “Bác thông cảm ạ, cháu tự kỷ, nên cháu không hiểu nhiều đâu, và cháu rất khó khám!”.


Có một điều chắc chắn rằng hôm đó con sẽ chẳng hiểu tự kỷ nghĩa là gì, và ngay bây giờ cũng thế, nhưng gia đình mình không bao giờ nói từ đó trước mặt con, bố mẹ luôn chờ một ngày con đủ hiểu mới nói. Còn trước mắt, chỉ mong con hiểu rằng con là đứa con yêu của bố mẹ, bố mẹ yêu con, và sẽ có một ngày con sẽ lớn khôn.
Nhưng hôm đó, câu chuyện không dừng ở đấy, thật buồn là thế. Bà bác sỹ đáp lại rằng: “Tự kỷ à? Tôi biết rồi. Thế can thiệp ở đâu chưa? Viện Nhi à? Tôi cũng đã từng giúp một thằng bé, sau đó nó đi học ngon lành, giờ đã lên đại học rồi. Đối với trẻ tự kỷ, đừng có bao bọc. Bỏ hai tay ra, để nó nghe thấy! Nó phải nghe thấy, thì nó mới cố gắng được!”. Lúc đó, con đã lả lả dần… Rất nhanh, con là thế.
Và trong sổ y bạ của con, sau những dòng kết quả thăm khám thông thường, có một gạch đầu dòng kết quả thế này: “Tự kỷ”, ngay phía trên kiến nghị cho truyền nước.


Đối với một người mẹ có con khuyết tật, chỉ có câu “khi nhìn vào một cốc có một nửa nước, hãy nghĩ đó là một chiếc cốc đầy một nửa”, tức là chỉ nhìn vào phần mà ta có được, thì mới lạc quan đủ để tiếp tục vươn lên. Và mẹ đã nhìn vào dòng chữ chỉ định truyền nước – điều mẹ con mình cần lúc đó.
Mẹ không phải là con nhím, luôn xù lông để bảo vệ con, sẵn sàng bắn ra những cái lông nhọn sắc. Hay một con gà mới ấp nở một đàn con, sẵn sàng luôn giương cánh và mỏ nhọn tấn công lại bất kỳ điều gì để cho gà con an toàn. Mẹ cũng đủ dũng cảm để không giấu diếm, ở đâu, gặp ai cần phải nói những điều gì, và những điều gì là không cần thiết. Mẹ cũng không quá thiếu sự nhanh nhạy và tinh tế trong mỗi việc của con. Mẹ chỉ muốn tạo ra một không gian nhỏ cho con ở bất kỳ nơi đâu con đến, trường học, công viên, bệnh viện, bể bơi, v.v để con không thu mình vào vỏ bọc, vì ngoài gia đình ra, vẫn còn bao người tốt mà con.


Người bác sỹ thứ hai, mẹ con mình mới gặp hôm qua. Đó là một nha sỹ. Bác ấy cũng tầm 50 tuổi, luôn bận rộn với mấy dãy ghế bệnh nhân ngồi đợi. Lần trước, mình cũng được ưu tiên, nhưng vẫn mất đến 5 phút. May là hôm qua trời đột ngột đổ mưa, và dãy ghế đó trống…


Tự kỷ là một thứ gì đó luôn làm mẹ ngạc nhiên, vì nó làm cho con chẳng theo quy luật thông thường. Con mới nhổ 2 răng cửa hàm dưới, đáng nhẽ ra sẽ phải nhổ tiếp hai răng cửa hàm trên, nhưng không, hai răng nanh hàm dưới, đầu tiên là bên phải rồi mới đây là bên trái, thi nhau lung lay, con chẳng còn bên nào và mình quyết định phải nhổ bớt bên phải đã “mềm” để con có thể cắn và nhai mà không bị đau nữa.
Con lao thẳng qua phòng đợi vào phòng chữa, chẳng kịp cởi đôi giày ướt bẩn vì mưa. Chắc con rất muốn biết là trong đó đang xảy ra cái gì, có giống lần trước không, v.v. Mẹ phải nhắc to hơn mức đủ để con nghe thấy, để bác ấy thông cảm, và con ngoan ngoãn cởi giày, vào ghế ngồi đợi. Tích tắc sau, bệnh nhân trước xong, bác quay lại ghế. Rõ ràng là con sợ, con đưa cả hai tay bịt mồm, rồi dường như sợ chưa đủ thuyết phục, con cầm luôn hai tờ bìa vở tô chữ mới bị rách ra khỏi ruột mà con rất thích, ập vào mặt rồi chặn hai tay lên trên, mắt dán chặt vào mấy công cụ nhổ răng bác vừa lựa lên và cầm trên tay.
“Nghe nhạc hiệu, đoán chương trình”, chắc bác sỹ thấy phản ứng của con, và biết đây là một ca “phức – xờ – tạp”, nên bác lại trả mấy dụng cụ đó về chỗ cũ. Mẹ đi theo và trình bày (đủ nhỏ chỉ để bác nghe thấy) là con tự kỷ, ban đầu con sẽ tỏ ra rất sợ, con không biết cách hợp tác…
“Nào, há mồm bác xem nào, răng nanh bên này à, xem nhổ được chưa nhé, tý thôi…”, và loanh quanh trong vài câu nói đó, “bụp”, cái răng rơi ra ngoài, lăn lòng vòng trên ngực áo xuống quần, con cũng chẳng kịp khóc. Con chỉ phản đối cái miếng bông nhét vào để cầm máu, ừ, thì bỏ ra, cũng không ghê gớm gì. “Thôi, hai mẹ con về đi. Bác không lấy tiền đâu. Lần sau…”.


Mẹ có một công việc tốt. Mẹ không ăn mặc đẹp, nhưng cũng tàm tạm (từ ngày biết con thế, mẹ chỉ muốn cho con mặc thật đẹp, còn mẹ thì sao cũng được, thậm chí, mỗi lần mặc diện để đi đâu đó là mẹ lại nghĩ đến con, cũng hơi “hâm” khi làm thế, nhưng mẹ thực lòng chỉ muốn khoảng cách giữa mẹ và con thật, thật nhỏ, kể cả là hình thức). Mẹ đi xe tay ga. Mỗi tháng, số tiền trả thêm cho hai chữ tự kỷ đó đều đặn tầm dăm bảy triệu, nhưng mẹ vẫn còn một khoản dư lại… Tóm lại thì mẹ không nghèo, và trông mẹ cũng chẳng nghèo.


Mẹ suýt òa khóc. Vội cám ơn bác ấy, và dắt con thẳng ra ngoài hiên, đứng ôm con, vờ dỗ dành con thêm một chút, mà nước mắt cứ tuôn ra ướt cả áo con. Thực ra là để mẹ dỗ dành chính mình. Mẹ nhớ đến lần gặp người bác sỹ đầu tiên. Người bác sỹ thứ hai (chính xác là một nha sỹ), có thể bác ấy hiểu hoặc cũng có thể không hiểu thực sự tự kỷ là gì, nhưng cách bác ấy giúp con làm mẹ thực sự trân trọng và đáng giá hơn nhiều lần so với việc đã đọc hàng ngàn trang sách giải thích tự kỷ là gì, trẻ tự kỷ cần gì, và có thể giúp đỡ như thế nào?
Hà Nội vẫn mưa, ướt và lạnh. Tĩnh tâm hơn, hai mẹ con mới ra lấy xe rồi đi về. Ngồi trên xe, con cầm hai tờ bìa sung sướng, còn mẹ vẫn khóc cho đến lúc về nhà. Bà giúp việc chờ ở cổng để sẵn đón hai mẹ con: “Thế nào, xong nhanh thế! Có khóc không?” Ối trời, hỏi bâng quơ thế mà vẫn trúng. “Con không khóc, nhưng mẹ khóc!”.
“Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không…”. Ngày Thày thuốc Việt Nam năm sau, con nhớ nhắc mẹ tặng hoa bác ấy nhé. Hoặc nếu trong trăm ngàn bộn bề cuộc sống của gia đình mình, nếu mẹ có lỡ quên, thì trong lòng, mẹ ngàn lần, triệu lần cảm ơn những người như bác ấy.
:KSV@18::KSV@18::KSV@18:
 
×
Quay lại
Top