Hai cuộc chiến, hai thứ vũ khí

minhtan20xx

Nhân Viên Tư Vấn
Thành viên thân thiết
Tham gia
20/7/2012
Bài viết
2.256
Hai cuộc chiến, hai thứ vũ khí

Thiên Triệu
T5, 26/09/2013 - 16:45

Syria.JPG


Trong những ngày qua, cả thế giới nín thở theo dõi những diễn biến về cuộc chiến tranh tại Syria, cuộc chiến trong đó chính phủ Syria bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học, và cũng vì lý do này, Hoa Kỳ đe dọa sẽ tấn công bằng vũ lực, khiến mọi người âu lo sợ hãi. Chắc chắn Đức giáo hoàng Phanxicô đã góp phần rất tích cực trong nỗ lực kiếm tìm một giải pháp hòa bình. Lời kêu gọi của ngài “ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình ở Syria” đã gây tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới, và góp phần dẫn đến cách giải quyết ôn hòa cho cuộc chiến tranh tưởng như không còn lối thoát.

Trong khi đó, vẫn đang diễn ra một cuộc chiến khác không kém khốc liệt nhưng xem ra không được mấy ai quan tâm, hơn thế nữa, lại còn “hồ hởi phấn khởi” theo dõi và tham gia. Vũ khí trong cuộc chiến này là lời nói và chữ viết. Người ta dùng lời nói và chữ viết để nhục mạ nhau, vu khống nhau, làm khổ nhau, giết hại lẫn nhau, đặc biệt là trên “chợ internet”. Nói xấu, nói hành người khác là chuyện muôn thuở nhưng trước đây chỉ diễn ra ở chợ làng nên còn đỡ, ngày nay người ta vận dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất để buôn chuyện ở chợ internet, và hậu quả thật khôn lường!

Ở Maryland, Hoa Kỳ, một nữ sinh 15 tuổi, tên là Grace McComas, đã tự tử vì bị sỉ nhục trên mạng xã hội. Từ sự kiện đó và nhiều sự kiện tương tự, bang Maryland đã thông qua đạo luật mang tên cô gái đáng thương ấy (Grace), để khép vào tội “lăng nhục người khác” những ai liên tục xúc phạm người dưới 18 tuổi bằng máy tính và smartphone. Ở Canada, thị trưởng một thành phố nhận định rằng: “Có những hình thức tội ác mới trong thời hiện đại, và một cô gái trẻ ở tỉnh tôi đã chết vì bị sỉ nhục trên mạng”. Danh sách này còn được nối dài bằng rất nhiều khuôn mặt ở mọi quốc gia, kể cả Việt Nam. Ấy là mới chỉ nói đến cái chết, chưa kể đến những tổn thương tâm lý và xã hội mà cuộc chiến tranh này gây ra cho hằng triệu con người.

Thế mới biết cuộc chiến tranh bằng lời nói đưa đến những hậu quả thảm khốc thế nào. Đức giáo hoàng Phanxicô rất quan tâm đến vấn đề này, vì thế trong nhiều bài giảng, ngài phê phán nặng lời tội “nói hành nói xấu”. Mới đây, trong Thánh Lễ tại Domus Sanctae Marthae, ngài gọi những kẻ nói hành nói xấu người khác là những kẻ giả hình và sát nhân: “Nếu bạn nói xấu anh em mình là bạn đã giết anh em mình. Làm như thế, bạn đã bắt chước hành động của Cain, kẻ sát nhân đầu tiên trong lịch sử… Một tên sát nhân mang danh Kitô hữu! Không phải tôi nói đâu mà chính Chúa nói”. Mạnh hơn nữa, dựa vào lời thánh Giacôbê tông đồ (3,9-10), ngài nói rằng chúng ta dùng miệng lưỡi mình để ca tụng Chúa, nhưng “khi chúng ta dùng miệng lưỡi để nói xấu anh chị em của mình là chúng ta đang dùng miệng lưỡi để giết Thiên Chúa… giết chết hình ảnh Chúa trong anh em mình”.

Không chỉ phê phán, Đức Phanxicô còn chỉ cho mọi người thấy sự thật ẩn sâu phía đằng sau những lời nói hành nói xấu người khác. Trước hết là sự giả hình vì cái rác trong mắt anh em thì thấy, còn cái đà trong mắt mình lại không thấy! Gắn với giả hình là sự hèn nhát vì không dám đối diện với sự thật về chính mình, không dám trực diện với những khuyết điểm và lỗi lầm của bản thân. Sâu xa hơn nữa là tính kiêu căng và thù hận cắm rễ trong tâm hồn. Vì kiêu căng nên không chấp nhận ai hơn mình, và cách thế dễ dàng nhưng cũng “hèn hạ” nhất để đề cao bản thân là hạ giá người khác bằng những lời nói hành nói xấu. Vì thù hận nên nhìn mọi sự dưới lăng kính tiêu cực và chỉ muốn hủy diệt chứ không xây dựng, chỉ muốn giết chết chứ không cứu sống, chỉ muốn gây thương tích chứ không muốn chữa lành.

“Mọi loài thú vật và chim chóc, loài bò sát và cá biển, thì loài người đều có thể chế ngự và đã chế ngự được. Nhưng cái lưỡi thì không ai chế ngự được, nó là một sự dữ không bao giờ ở yên vì chứa đầy nọc độc giết người” (Giacôbê 3,7-8). Một nhận định quá nặng nề, phản ánh thực tế hết sức đáng buồn, xem ra ngày càng đáng buồn hơn nữa. Không chế ngự nổi cái lưỡi không phải vì chính cái lưỡi mà vì lòng người nham hiểm, hèn nhát, kiêu căng, giả dối. Vì thế phương dược chữa lành không phải là những phát minh kỹ thuật bên ngoài mà là sự sám hối bên trong, để đi từ thù hận đến tình yêu, kiêu căng đến khiêm tốn, hèn nhát đến can đảm. Con đường ấy chính là đường của Tin Mừng Chúa Giêsu, con đường phải đi suốt cả đời người và suốt dòng lịch sử nhân loại.

(Nguồn: WHĐ)

https://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20130926/23309
 
×
Quay lại
Top