Giữa lòng Sài Gòn, có một họa sĩ cặm cụi vẽ để nguôi nỗi nhớ, bởi "kiếp sau tôi vẫn muốn là người Hà

Shino chan

╰(*´︶`*)╯
Thành viên thân thiết
Tham gia
22/4/2017
Bài viết
2.225
"Vào đây tôi buồn, tôi nhớ Hà Nội nên tôi tận dụng khả năng của mình, tôi vẽ, tôi kể về Hà Nội. Một Hà Nội mà tôi với bà ấy cùng sinh ra, lớn lên, yêu nhau rồi sinh con đẻ cái. Một Hà Nội mà đến khi chết đi, tôi vẫn muốn tái sinh trở về làm người Hà Nội...".

Vào một buổi chiều mưa Sài Gòn, trời lạnh và âm u, tôi thấy một tấm hình nhỏ đâu đó trên mạng xã hội, của một người tôi không quen, và cũng chẳng nhớ tên. Trong hình là một người đàn ông, tóc bạc đang quay lưng cặm cụi vẽ một bông hoa hướng dương.

hoa-si-1495811277825.jpg

Bức ảnh này đã khiến tôi, chẳng rõ lý do, bất giác xúc động.

Tôi mạo muội xin thông tin của ông lão ấy bằng 3 tin nhắn dài, nhưng hồi âm trở lại chỉ là địa chỉ nơi ông ở. Ông lão là ai, tên gì, nghề gì, bao nhiêu tuổi, không một ai biết. Tại sao một người vẽ đẹp như thế kia mà không ai biết? Ông vẽ những bông hoa ấy làm gì, cho ai? Tôi quyết định tìm ông, cùng với lòng kính ngưỡng và một chút tò mò, như thể đang đi tìm ông lão Bơ-men trong câu chuyện "Chiếc lá cuối cùng" mà xưa kia tôi từng học.

img-7125-1495712516087-1495715709316.jpg

Nơi đó, vị trí của bức tranh hướng dương, nơi ánh sáng heo hắt trộn vào thứ bóng tối cuối ngày, u buồn nhưng thanh bình thì không lẫn vào đâu được.

Tôi đến nhà ông theo hướng dẫn "cư xá Thanh Đa, tới đó hỏi ai cũng biết" từ người xa lạ. Và cuối cùng tôi nghĩ mình đã tìm thấy, sau khi vô tình lướt qua một bức tranh lớn được vẽ rất công phu, ngay nơi chiếu nghỉ giữa hai nhịp cầu thang. Bức tranh hoa hướng dương đã được thay đổi thành tranh vẽ một khu rừng nhiệt đới, vào mùa xuân. Nhưng nơi đó, vị trí của bức tranh, nơi ánh sáng heo hắt trộn vào thứ bóng tối cuối ngày, u buồn nhưng thanh bình thì không lẫn vào đâu được.

Nhà của ông lão nào đó mà tôi sắp biết tên rất bình thường, với cửa rào sắt màu rượu chát và lớp cửa kính đục mờ bên trong. Ngoài chúng ra, tôi không còn gì để kể. Tôi vừa muốn gọi vừa muốn bỏ đi. Khi gặp ông hay ai đó là người nhà của ông thì tôi trình bày thế nào đây? Tôi là ai mà tìm ông? Tôi tìm để hỏi gì? Tôi không là gì cả. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn bấm chuông.

img-7159-1495712516088-1495715723340.jpg

Kề bên căn nhà của ông, còn có một bức tranh khác - bức tranh về những tán lá tàn úa cuối mùa.

Một bà lão nhỏ thó với mái tóc xoăn bạc, mở lớp cửa kính trong nhà bước ra nhìn tôi với ánh mắt dè dặt và hỏi:

- "Cậu là ai?"

- "Con là một người học vẽ. Con có biết đến ông lão họa sĩ sống ở nhà này, con muốn gặp ông để trò chuyện" – Tôi không biết vì sao mình lại có thể nói dối như vậy.

Trong một phút giây ngắn sau khi tôi trả lời xong, bà lão dịu hẳn cơ mặt, thân thiện hỏi bằng giọng Bắc, đúng hơn là giọng của người gốc Hà Nội mà lâu lắm rồi tôi mới được nghe:

- "Cậu biết ông nhà tôi à. Thế thì mời cậu vào nhà".

img-6944-1495712516061-1495715757161.jpg

Bà lão ngồi trên ghế, bên cạnh bức tranh mà ông đã vẽ tặng bà vào một năm nào đó rất xa về phía trước.

Bà mở lớp cửa sắt còn lại bên ngoài và ân cần mời tôi vào nhà. Tất cả những gì sau đó mà tôi nhìn thấy, tôi không thể diễn tả hết bằng lời. Căn phòng khách thoang thoảng mùi trầm, ấm áp đến kỳ lạ. Trên bốn bức tường được che lấp bằng rất nhiều tranh vẽ, gần như không để lộ một khoảng sơn nào. Trên mặt bàn, mặt tủ, thành cửa sổ, trên mặt đất thì đầy những món trang trí nho nhỏ. Chân nến, tượng mục đồng, hộp lượt gỗ, bình hoa khô,…

Nếu là chủ của chúng thì có lẽ, tôi không biết phải đặt chúng ở đâu cho hài hòa. Nhưng ở đây, mọi thứ được đặt đúng vị trí của chúng, mọi thứ được là chính chúng, rời rạc nhưng liên kết. Chúng kết nối bằng chút ý nghĩa, một chút tình yêu, dịu dàng và đầy đam mê, đủ để cho cuộc đời được vẹn nguyên.

img-7102-1495712516087-1495715782131.jpg

Mọi thứ trong căn nhà của ông, đều có một điểm chung duy nhất, đó là Hà Nội.

Mọi thứ trong căn nhà nhỏ giữa lòng Sài Gòn này có một điểm chung duy nhất là Hà Nội. Chúng điều có tiếng nói riêng, một câu chuyện riêng, nhưng hình như trong một tần số nào đó của tâm thức, tôi nhận ra chúng đang kể, chúng kể về một Hà Nội đầy hoa mộng. Chúng không lớn tiếng, không rầm rập, cứ khẽ khàng vậy thôi.

Bà lão mời tôi ngồi xuống một cái ghế sofa mềm và thấp, được phủ bằng một lớp vải trắng mỏng, có in hoa. Tay bà run run rót cho tôi tách trà nóng, rất thơm mùi hoa nhài. Rồi bà nói vọng vào một căn phòng tối, nơi có ánh sáng đèn vàng le lói loang ra, một chút mờ ảo, một chút êm ả.

"Ông ơi, có cậu thanh niên nào tìm ông này!"

img-7064-1495712516084-1495715805524.jpg

"Ông không cười, không biết lộ chút cảm xúc nào trên nét mặt, tĩnh lặng như một mặt hồ mùa thu Hà Nội".

Vài giây sau đó, một ông lão bước ra. Dáng người mảnh khảnh. Ông không cười, không biết lộ chút cảm xúc nào trên nét mặt, tĩnh lặng như một mặt hồ mùa thu Hà Nội, điềm đạm hỏi:

"Cậu tìm tôi có việc gì?"

Câu hỏi làm tôi hơi xao động. Tôi không biết nên tiếp tục nói dối rằng mình đang học vẽ muốn tìm ông để trò chuyện hay nói thật. Tôi không có lý do gì có vẻ "hợp lý" để tìm ông, tôi không nằm trong bất cứ thứ gì có mối liên kết với căn nhà này, với cả ông và cả bà. Rồi tôi nói thật. Tôi bắt đầu kể về tấm hình trên mạng xã hội, tôi nói về hoa hướng dương và về sự tò mò thôi thúc tôi đi tìm ông.

img-7000-1495712516074-1495715830062.jpg

Sống ở Sài Gòn 7 năm, mỗi khi nhớ Hà Nội quá ông chỉ biết dùng tranh kể chuyện.

"Thế ngay từ đầu, cậu nói dối tôi à?" – bà vừa nói vừa cười, rồi vỗ vào vai tôi sau khi tôi kết thúc phần trình bày của mình. Giọng của bà êm ái, thơm mùi hoa nhài như trong bình trà bà pha. Tôi nhẹ người, tôi biết tôi sẽ không bị đuổi đi.

"Thế thì đứng lên, tôi dắt cậu đi xem tranh" – Ông lão chen ngang câu chuyện, vẫn với nét điềm đạm của người Hà Nội gốc, như những người bạn ở phố cổ mà tôi quen. Ông dắt tôi tới một bức tranh trong phòng, trong tranh có những ngôi nhà với lối kiến trúc rất Hà Nội cũ và vài người đang bước đi dưới những tán cây. Phía xa còn có một cây cầu.

"Đây là khu phố dưới chân cầu Long Biên, tôi vẽ vào buổi sáng. Khi đó mọi người hối hả đi làm. Đây là hai anh cán bộ nhà nước, đây là những người bán hàng rong, còn đây là hai người cầm theo nhạc cụ đi hát xẩm".

img-6957-1495712516065-1495715854900.jpg

Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện về từng bức tranh một. Như thế ông nhớ như in lúc đó, ngày hôm đó.

Vừa nói, ông vừa chỉ tay vào từng người, từng người một, như thể ông nhớ như in lúc đó, vào ngày hôm đó. Rồi ông dẫn tôi sang một bức tranh khác, bức tranh này cũ kỹ, vàng và rất buồn. Mọi thứ trong tranh mang màu héo úa của mùa Thu, từ nhành cây, con đường cho tới dòng sông. Ông chỉ tay vào và tiếp tục nói, giọng run run:

"Đây là bức tranh tôi vẽ lúc nhớ lại những năm còn đi học ở trường Mỹ Thuật và Công Nghiệp Hà Nội. Những năm ấy Hà Nội mưa bom lửa đạn, tất cả sinh viên phải chạy trốn ở cơ sở tận Bắc Giang. Đây là cảnh ở Bắc Giang cậu ạ. Đây là lối dẫn vào chỗ trú này, còn đây là dòng sông, chiều chiều chúng tôi hay ra đây bắt hến về nấu canh".

img-6991-1495712516073-1495715875483.jpg

Tranh của ông luôn khắc khoải một nỗi niềm nhớ về thù đô.

Chiều xuống, căn phòng bắt đầu mờ dần vì mặt trời đã tàn phai khuất mất, căn nhà thơm mùi trầm thinh lặng. Ông lão bật bóng đèn neon trắng trên trần rồi tiếp tục dẫn tôi đi xem tranh. Tôi từ chối, không phải vì mỏi chân như tôi nói, mà bởi không muốn phiền hà tới sức khỏe của ông, và cả tâm hồn ông nữa. Tôi dìu ông ngồi xuống ghế sofa, bên cạnh bà.

- "Tất cả tranh này hình như đều liên quan đến Hà Nội đúng không ông?"

- "Đúng đấy, chúng tôi là người gốc Hà Nội, mới chuyển vào đây năm 2010 thôi" – bà hiền hậu cười nói. Ông chỉ gật gật buồn buồn.

- "Vậy sao ông và bà lại chuyển vào đây?".

- "Chúng tôi già rồi, ông ấy thì 93, tôi thì 88 tuổi. Mà Hà Nội mùa đông lạnh quá, mùa hè thì nóng quá, con cháu thấy xót ruột nên mang chúng tôi vào đây, khí hậu ôn hòa hơn" – vẫn là bà tiếp lời với giọng nói thơm mùi hoa nhài.

img-7033-1495712516078-1495715904883.jpg

Dù đã xa Hà Nội gần 10 năm, ông bà vẫn giữ cho mình thói quen của những người con Hà Nội gốc.

"Chắc hẳn ông bà nhớ Hà Nội lắm!?"

Lúc này, ông bấu chặt đôi bàn tay gầy rộc của mình lại, mắt hơi nhòe đi, trả lời tôi, vẫn với giọng điềm đạm nhưng buồn bã:

"Nhớ lắm chứ, quê cha đất tổ, mồ mả tổ tiên ngoài đấy mà, chúng tôi nhớ các cụ lắm. Vào đây là nhặt nhạnh hết mọi thứ về Hà Nội bày ra, để có khi nào nhớ quá, chúng tôi sờ chạm vào để biết rằng Hà Nội vẫn ở đâu đây, trong căn phòng này. Tôi nhớ những ngày Hà Nội mùa đông, bà ấy mua cho tôi cái áo vải thật dày để sáng ra Hồ Gươm chạy bộ. Rồi cả những khi hè tôi quạt cho bà ấy ngủ".

img-6964-1495712516067-1495715926446.jpg

"Đến khi chết đi, tôi vẫn muốn tái sinh trở về làm người Hà Nội".

"Tôi đam mê vẽ từ bé, chưa một lần tôi nghĩ rằng tôi sẽ bỏ nghề này, đến tận bây giờ vẫn thế. Vào đây tôi buồn, tôi nhớ Hà Nội nên tôi tận dụng khả năng của mình, tôi vẽ, tôi kể về Hà Nội. Một Hà Nội mà tôi với bà ấy cùng sinh ra, lớn lên, yêu nhau rồi sinh con đẻ cái. Một Hà Nội mà đến khi chết đi, tôi vẫn muốn tái sinh trở về làm người Hà Nội".

Sau câu trả lời của ông, tôi cảm thấy mọi món đồ nho nhỏ và các bức tranh trở mình, chúng bắt đầu khóc. Ông cũng khóc. Cơn gió mồ côi đi lạc nào đó tạt ngang, hất mái tóc của ông lên, từ nơi khóe mắt, tôi thấy bàng bạc, ánh lên rồi tắt đi. Tôi biết ông buồn, bà buồn. Tôi không hỏi thêm nữa.

img-7038-1495712516078-1495715943729.jpg

Ông ngồi vẽ tranh bên khung cửa sổ, trong tiếng nhạc êm dịu và hương trầm phảng phất. Khoảnh khắc này làm tôi như muốn tan ra.

Ông có nhã ý vẽ ngay tặng tôi một bức. Tôi nửa muốn từ chối, nửa muốn không. Giữa cái lưng chừng khắc khoải cho hai đáp án, tôi nhớ rằng có một người nào đó từng nói với tôi, niềm hạnh phúc của một nghệ sĩ chân chính là được thực hiện đam mê của mình cho đến tận những năm tháng sau cuối và được người khác công nhận. Tôi khẽ gật đầu.

Lúc ông ngồi vẽ, tôi đứng cạnh cửa sổ nhìn ra ngoài. Bên ngoài có một công viên nhỏ, ở giữa có một cây phượng. Tôi không nhìn thấy lá, chỉ thấy hoa nở đỏ thân cây, rụng đỏ gốc cây. Trời lúc này cũng nhiều mây, vần vũ chập chùng như sắp mưa. Trong nhà ông vang lên một bản nhạc,"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…". Tôi như muốn tan ra trong một nỗi êm dịu chưa bao giờ biết tới.

img-7082-1495712516085-1495715966329.jpg

Nơi nét chì tắt đi, dừng lại có thứ năng lượng của cả một cuộc đời cầm cọ đang tỏa ra, mênh mông.

Vẽ xong ông tặng cho tôi kèm một tấm danh thiếp cũ, trên đó có chữ "họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu" và một dấu mộc đỏ đã nhòe đi vì thời gian. Ông cười bảo tôi xem tranh thử. Tôi mở ra xem. Bức tranh thật đẹp, đẹp như những cánh hoa hướng dương mà tôi đã thấy hôm nào. Tôi thấy cái đẹp, sức mạnh và sự già dặn ung dung nơi biên giới tuyệt mỹ giữa mực đen và giấy trắng. Nơi nét chì tắt đi, dừng lại có thứ năng lượng của cả một cuộc đời cầm cọ đang tỏa ra, mênh mông.

Chiều tối hôm đó, tôi ra về. Trên đường về trời chợt đổ một trận mưa to. Tôi ngửi thấy trong một cơn gió rít qua, thơm mùi trầm và rất ấm…

Theo trí thức trẻ
 
×
Quay lại
Top