Giới trẻ phản ứng với sự biến tướng của “phim chuồng”

ly quoc

I'm fine!
Thành viên thân thiết
Tham gia
18/4/2013
Bài viết
12.616
Gần đây mới xuất hiện một loại hình kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của không ít các bạn trẻ, đó là việc nở rộ của các quán phim tư nhân, được biết đến với cái tên là rạp phim mini.

Còn đối với nhiều bạn trẻ sành sỏi thì gọi đây là quán “phim chuồng”.

Đến phòng chiếu phim nhưng không xem phim

Quả đúng như vậy, khách hàng đến với những nơi này không hẳn chỉ để thỏa mãn sở thích xem phim của mình. Thời gian trước đây từng có một phong trào gây sốt trong giới trẻ khi một vài quán cà phê đã mở dịch vụ chiếu phim “gia đình” hay chiếu phim 3D, thế nhưng theo một vài bạn trẻ có “kinh nghiệm” thì những tụ điểm này đang trở thành điểm đến của các bạn trẻ vào những dịp đặc biệt bởi đi đến các khu nhà nghỉ đều đã kín phòng. Đinh Đăng T (quận Đống Đa, Hà Nội) được xem là một tay sát gái có hạng từng không ít lần khẳng định rằng mình có list danh sách những tụ điểm “xem phim” như vậy. “Còn gì thú vị bằng việc vừa xem phim lãng mạn cùng nàng trong một căn phòng ấm cúng, có đầy đủ chăn gối, nước hoa thơm phức, vừa nhâm nhi ly cà phê và vừa “tâm sự”, nhưng lại không phải đi nhà nghỉ khiến nhiều người nghi ngờ sự “trong sáng” của mình”, T cho biết.

Cũng theo tay chơi này thì những rạp chiếu phim cà phê mini như vậy không chỉ hấp dẫn mà còn hết sức tiện lợi, đặc biệt là vào những dịp muốn thể hiện tình cảm với “gấu”. “Cũng bởi mình là khách quen nên không phải đặt phòng trước dịp 20-10 vừa qua chỉ cần gọi điện trước là mình có phòng ngay. Trong khi bọn bạn cứ mải miết tìm “bến đáp” tại những nhà nghỉ mà không còn chỗ trống nào”, T hả hê khoe chiến tích của mình.

daf13834654669410500872681093004172n.jpg

Nghe lời T, tôi cũng muốn thử một lần cái thú xem “phim chuồng” như thế nào, nhưng sau nhiều lần gọi điện đặt chỗ đều bị từ chối với lý do tôi không phải khách quen và phải tới tận nơi đặt mới có thể sắp xếp phòng được. T bật mí cho tôi không phải đơn giản cứ gọi đặt phòng là được ngay lần đầu đâu, nhất là vào những dịp đặc biệt thì việc này còn khó hơn, vậy là tôi phải thân chinh đi đặt phòng cùng một người bạn. Dừng chân tại một rạp chiếu phim mini ở phố Đặng Văn Ngữ trong khi tôi cùng người bạn đang ngơ ngác thì một giọng nói đầy thân mật đã vang lên: “Anh chị đi xem phim ạ, sang quán của em đi, quán em vừa nhập vài phim mới về hấp dẫn lắm, đủ thể loại, phòng sạch sẽ và rất... kín đáo ạ”. Nghe lời chào đón quá hấp dẫn tôi cùng cô bạn quyết định ghé vào đây xem thử thế nào. Thế nhưng vừa đưa ra yêu cầu lên phòng xem phim luôn thì nhân viên này thư thả giải thích: “Anh chị thông cảm đợi một lúc nhé, hôm nay đông khách quá, chừng 20 phút nữa là có phòng phục vụ anh chị”.

Ngay sau lời giải thích với tôi, người nhân viên này đon đả chạy ra đón 2 vị khách trẻ tuổi với gu ăn mặc hết sức sành điệu lên phòng. Khi tôi thắc mắc tại sao họ đến sau lại được xếp lên phòng trước thì cậu nhân viên cho biết cặp đôi này đã gọi điện đặt phòng từ trước và là khách quen của quán. Tôi phải đợi cặp đôi này xem phim trong vòng… 20 phút mới có phòng.

Thấy sự lạ tôi tò mò hỏi: “Ở đây chiếu cả phim “ngắn” hả em?”, cậu nhân viên nhìn tôi có vẻ hết sức ngạc nhiên: “Thế anh nghĩ mọi người vào đây đều có nhu cầu xem phim hết à?”. Đến lúc này tôi mới tạm hình dung ra cái gọi là “phim chuồng” là thế nào. Đợi chừng 10 phút một cặp tình nhân khác lại tay trong tay cùng vào quán xem phim nhưng họ không đặt phòng trước nên cũng phải ngồi đợi như tôi. Trong khi chàng trai không ngừng “kì cọ” chiếc điện thoại xịn thì cô gái trong bộ đồng phục cấp 3 cứ nũng nịu đòi chàng trai chọn phim “s.ex and the city”. Cô gái không quên “mặc cả” với cậu bạn là hôm nay phải xem hết phim chứ không như những lần trước cứ “xong việc” là lại đòi về. Cậu nhân viên phục vụ cũng “bật mí” với tôi rằng, cặp đôi tuổi “học sinh” này đã xem bộ phim cả chục lần rồi mà chưa xem hết được phim. Đúng 20 phút sau đến lượt chúng tôi được lên phòng xem phim, nhân viên phục vụ lên hỏi: “Anh chị đã chọn phim chưa, nếu chưa có phim thì không được nhận phòng đâu ạ”.

Tôi đành tặc lưỡi: “Ở đây có những thể loại phim gì, có phim không chiếu ở rạp không em”. “Phim gì bọn em cũng có, kể cả phim tâm lý, nhưng không phải hàng nặng đô đâu anh nhé, các anh chị cứ thoải mái lựa chọn thể loại phim mình thích xem”, cậu nhân viên nhanh nhẹn trả lời. Cuối cùng tôi quyết định chọn phim “Avatar” cho nó lành và có thể tận hưởng được những kỹ xảo 3D tuyệt vời của bộ phim. Sau khi dẫn chúng tôi vào phòng, cậu nhân viên mở phim, bật điều hòa rồi xin phép đi xuống và không quên đóng cửa phòng lại. Độ 5 phút sau, nghe tiếng gõ cửa, nhân viên mang đồ uống cho chúng tôi, khác với quán cà phê bình thường, ngoài đồ uống còn có thêm cả giấy ướt rồi nhân viên rời phòng và không quên khép chặt cửa lại. Từ lúc này, mỗi phòng chiếu phim là một thế giới riêng của hai người.

MOVIEBOXCAFEPHIMHD2012109101243798.jpg

Bên trong quán “phim chuồng” vật dụng được bài trí hết sức đơn giản và có khoảng không gian lớn giữa phòng. Ảnh: Thủy Liên

Có chăng sự biến tướng?
Trong rạp chiếu phim mini rộng khoảng 10m2 không có nhiều đồ đạc ngoài chiếc bàn thấp, vài chiếc gối và một tivi lớn. Khách ngồi bệt trên sàn ôm gối ôm và xem phim. Dưới ánh đèn màu lờ nhờ hòa lẫn với ánh sáng của màn hình tivi trông khá lãng mạn. Ngoài chiếc tivi 40 inch còn có một chiếc bàn bé xíu là nơi để đồ uống cho khách, không gian còn lại dành cho thảm gối hoặc có nơi chỉ có một chiếc ghế sofa dài để khách thoải mái ngả lưng theo dõi phim. Thậm chí trong phòng còn có thêm cả gối, chăn mỏng để phục vụ khách hàng. Tôi tò mò muốn tìm hiểu thực sự người ta làm gì trong những phòng xem phim đóng kín này nên tìm đường ra ngoài hành lang. Quán này có 4 phòng chiếu với một gian uống cà phê đủ rộng.

Trong số 4 phòng chiếu này thì chỉ có một phòng chiếu lớn dành cho một nhóm từ 5 - 8 người, 3 phòng còn lại đều là phòng đôi. Đứng bên ngoài phòng chiếu bên cạnh tôi nghe thấy những âm thanh lạ chỉ có trong phim tâm lý hạng nặng phát ra. Thấy tôi không tập trung xem phim, cậu nhân viên liền chạy lại nhắc: “Anh không xem phim mà ra đây làm gì?”. Tôi phân trần: “Trong đó ngột ngạt quá, mình ra ngoài này đứng một lúc cho thoáng, thế bên này họ đang xem phim gì vậy?”. Nghe câu hỏi của tôi cậu nhân viên có vẻ không thoải mái: “Họ xem phim gì đâu có liên quan tới anh, anh nghi chỗ này của bọn em là nhà nghỉ hay sao?”. Ngay sau khi cậu nhân viên trả lời câu hỏi này tôi để ý thấy chị chủ quán ngay lập tức ngoắc tay cậu nhân viên này lại, thấy vậy tôi cũng trở lại phòng để cố xem nốt bộ phim còn dở.

Được biết, tại quận Thanh Xuân có khá nhiều những quán cà phê kiêm “phim chuồng” như vậy, nếu muốn đặt trước vài tiếng thì không phải đặt cọc, còn khách gọi từ 1 - 2 ngày là phải đặt từ 50.000 - 100.000 đồng. Theo Nguyễn Duy H, một khách quen với thể loại “phim chuồng” cho biết để đặt được một phòng tầm trung chỉ cần bỏ ra khoản tiền từ 50.000 - 150.000 đồng là có thể “bao rạp”, còn đồ uống và đồ ăn nhẹ được tính tiền riêng. Nếu so với tiền thuê một địa điểm “yên tĩnh” để tâm sự thì không đâu bằng. “Ở đây vừa tự do thoải mái, vừa có người phục vụ, lại yên tâm không bị ai quấy rầy, số tiền bỏ ra cũng ở mức chấp nhận được nên đi xem “phim chuồng” đang là xu hướng của giới trẻ bây giờ”, H chia sẻ. Cũng theo một vài chủ quán phim ở đây cho biết, nhằm tránh tình trạng cặp đôi “đi quá giới hạn” khi đi xem phim, quán đều không bố trí chốt cửa bên trong các phòng chiếu. “Tuy nhiên, các cặp đôi thường chọn xem phim kinh dị để có cớ ôm nhau”, đại diện một quán “phim chuồng” tiết lộ.

Được biết để đáp ứng nhu cầu của các bạn trẻ, phần lớn quán cà phê chiếu phim đều dành 2 - 3 phòng phục vụ cho các cặp yêu nhau. Khác với phòng chiếu lớn, phòng “tình yêu” thường nhỏ nhắn, lung linh ánh điện vàng, thậm chí còn đặt nến và hoa hồng. Giá cũng dao động từ 50.000 - 90.000 đồng cho phim HD và phim 3D đắt hơn 40.000 đồng. Nhưng theo nhiều bạn trẻ thì việc đi xem “phim chuồng” giờ đang là mốt không phải bởi giá thành xem phim ở các rạp mini này rẻ hơn đi xem rạp lớn, mà bởi tính tiện ích của việc xem “phim chuồng” mang lại, vì thế không có gì lạ khi một vài quán chiếu phim mini đã làm những chuồng chiếu phim có chốt ở bên trong dành cho những khách hàng ruột. Trở lại quán chiếu “phim chuồng” mà tôi đã được dịp “tận hưởng”, cô bạn của tôi cho biết: “Lúc vào nhà vệ sinh, tớ thấy có không ít bao cao su vứt trong sọt rác, không hiểu sao phòng chiếu phim lại có cả thứ đó nữa?”.

Thủy Liên (PL&XH)
 
Hiệu chỉnh:
×
Quay lại
Top