Giới trẻ đang... đọc gì?

anhnt.anh

Quản lý KSV
Thành viên thân thiết
Tham gia
12/1/2010
Bài viết
968
"Harry Porter" chắc chắn hấp dẫn hơn "Những người khốn khổ", Jindo thú vị hơn nhiều so với tuyển tập truyện ngắn Nam Cao và hiển nhiên xem phim chưởng vẫn thích hơn việc ngồi nghiền ngẫm Tam quốc chí. Dường như, việc đọc các tác phẩm truyền thống đã trở nên xa lạ với giới trẻ.

Đời sống kinh tế phát triển, mỗi gia đình ít nhất cũng có 1 đến 2 cái tivi toàn loại "siêu phẳng, sắc nét" cùng với truyền hình ngày càng phát nhiều kênh giải trí hấp dẫn, hết game show này đến game show khác ra đời, hết phim này đến phim khác hứa hẹn được trình chiếu với những quảng cáo hấp dẫn. Đĩa DVD, VCD bán đầy rẫy. Internet đang bùng nổ, mạng toàn cầu bao trùm lên đất nước với tốc độ chóng mặt, bao nhiêu tiện ích chưa được khai thác hết trên mạng….cộng với thời khóa biểu học và làm việc dày đặc.

Chẳng còn mấy thời gian mà đọc, nhất là cho những tác phẩm kinh điển dày hàng trăm trang và kín mít những chữ. Việc ôm một quyển tiểu thuyết dày cộp chẳng hề đem lại thú vị cho giới trẻ bằng một quyển truyện tranh hài hước.

Nhiều bạn trẻ khi được hỏi đến các tác phẩm nổi tiếng của thế giới như : Chiến tranh và hoà bình, Những người khốn khổ, Sông Đông êm đềm, Đồi gió hú…thì đều nói là "Biết" nhưng khi hỏi đã đọc chưa thì nhiều người lắc đầu. Một số người chỉ đọc các tác phẩm kiếm hiệp, cũng có thể nói là kinh điển, như các tác phẩm của Kim Dung, nhưng không đả động gì đến những tác phẩm văn học khác.

Không hiếm trong số đó lý giải về sự "lười đọc" đó là "Internet đầy rẫy thông tin, tìm kiếm đơn giản…". Tuy nhiên, không ai dám chắc giới trẻ lên mạng để tìm kiếm, đọc và hấp thụ những tinh hoa văn hoá nhân loại.
“Kỉ lục” tìm "s.ex" trên google Đó là kết quả điều tra của trang thống kê Google Trends năm 2007. Bắt đầu từ nước chưa hề có tên trong top 10, Việt Nam nhảy vọt lên đứng đầu danh sách không mấy hay ho này (đứng trên cả Ấn Độ - nước vẫn giữ vị trí đầu bảng từ lâu).

Với gần 18 triệu người đang sử dụng Internet( tính đến 10/2007), phần lớn trong số này là tầng lớp thanh niên, ai cũng thấy giật mình với kết quả tìm kiếm đó.

Một kết quả nữa trên trang web Alexa.com (Trang web đánh giá mức độ phổ biến của các website) thì có tới 2 trang web "đen" xuất hiện có nội dung tiếng Việt. Tuy nhiên kết quả này chỉ phản ánh được một phần (Vì Alexa chỉ thống kê được với người dùng đã cài đặt thanh công cụ Alexa Toolbar). Phải chăng, chúng ta chưa bắt kịp với hiệu quả và chưa hạn chế được tác hại của hệ thống mạng toàn cầu. Internet vẫn còn là tài nguyên mới mẻ, và giới trẻ chúng ta thì nổi tiếng là "tò mò".

Tuy nhiên cũng không thể khẳng định là "dân mình" chỉ lên mạng tìm s.ex. Năm ngoái Google Trends cho thấy chúng ta đứng vị trí thứ 6 trong số các nước tìm kiếm "scholarship" (học bổng). Giới trẻ Việt Nam vẫn còn giữ được tính hiếu học từ cha ông truyền lại. Vẫn có liên tiếp những giải cao quốc tế được gặt hái, vẫn có những người tài trên khắp thế giới mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, và những kì thi Olimpic Toán vẫn được tổ chức ở Việt Nam…

Sách truyền thống liệu có mất đi? Gần đây,một số tác phẩm của những nhà văn trẻ mới nổi cũng khá được chú ý. Tầng lớp thanh niên bàn tán với nhau xung quanh các tác phẩm " hot" như "Bóng đè", "Cô gái điếm và 5 người đàn ông" (của nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu). Nhưng việc đọc, cảm nhận một xu hướng văn chương mới thì không hẳn ai cũng khao khát mà chủ yếu tìm đọc vì tò mò, tìm đọc vì thấy bạn bè nói "chuyện đó s.ex lắm". Đại khái cứ liên quan đến "ch.uyện ấy" là lại làm xôn xao cả cộng đồng mạng lẫn cuộc sống thực. Đặc biệt cộng đồng mạng với tốc độ lan truyền thông tin cực lớn nên mức độ chấn động cũng kinh khủng hơn rất nhiều.

Tuy nhiên một số tác phẩm vẫn được các bạn trẻ truyền tai nhau tìm đọc, đó thực sự là những tác phẩm có ý nghĩa nhân văn lớn. Tiêu biểu là "Mãi mãi tuổi 20" (Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc), "Nhật ký Đặng Thùy Trâm (Của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm)….
Còn nói về thơ thì ít lắm. Nổi hơn cả là nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh với một số tập thơ nổi tiếng như : Khát (1999), Linh(2000), Đồng Tử (2005) được tìm kiếm còn hầu như cư dân mạng ít chất " lãng đãng thơ phú" rồi, họ dường như không tìm kiếm và trao đổi về thơ nữa. Còn thể loại " thơ" được sáng tác ngẫu hứng, rất nôm na đại loại như: "Thu đi để lại lá vàng- Anh đi để lại cho nàng thằng cu", "Đi học là đi tu- Ngồi học như ngồi tù"… thì không thể kể đó là thơ, là văn học được.

Nói vậy thôi, vẫn còn nhiều bạn yêu văn chương, yêu mùi thơm những quyển sách thực sự, yêu những bài thơ mềm mại Xuân Quỳnh, yêu những tác phẩm kinh điển đậm chất nhân văn và vẫn còn sôi nổi là vấn đề thời sự ở nhiều diễn đàn là việc bình luận các tác phẩm văn chương… Văn chương muôn đời vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó. Đọc gì là tự bạn quyết định, hay dở là do cảm nhận mỗi người mà thôi!
Theo Nhịp sống số

p/s: Ko phải là tất cả nhưng mọi ng hãy tham khảo nhé.

 
×
Quay lại
Top